Banner background

Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 1: Văn bản khoa học

Bài báo khoa học được coi như là một đích đến của mọi công trình nghiên cứu. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về văn bản khoa học.
nhung dieu can biet khi viet bai bao khoa hoc phan 1 van ban khoa hoc

Bài báo khoa học (scientific article) được coi như là một đích đến của mọi công trình nghiên cứu. Văn bản khoa học này là một minh chứng cho quá trình nghiên cứu vất vả của các nhà khoa học. Cách viết từng nội dung của một bài báo khoa học đã được giới thiệu ở bài Research Paper: Cấu trúc và cách viết bài viết nghiên cứu. Tuy nhiên, để bắt tay thực hành nó thì không hề đơn giản: người viết nên bắt đầu từ đâu, sử dụng ngôn ngữ như nào, nên chọn tạp chí như nào,…? Do vậy, bài viết này hy vọng sẽ cung cấp cho các nhà khoa học trẻ mới bắt đầu con đường nghiên cứu cái nhìn tổng quan về văn bản khoa học, mục đích và cách để viết một bài báo khoa học hiệu quả.

Key takeaways

  • Truyền thông khoa học là quá trình truyền tín hiệu (bài báo khoa học - scientific article) từ người tạo tín hiệu (tác giả - author) thông qua trạm thu tín hiệu (tạp chí khoa học – scientific journal), và sau đó tới người nhận tín hiệu (nhà khoa học – academics).

  • Một văn bản khoa học thành công là văn bản mà người đọc có thể biết đến và hiểu được nó.

  • Tính tái sản xuất (reproducibility) là điểm đặc trưng của văn bản khoa học.

  • Sự rõ ràng (clarity) là yêu cầu bắt buộc của mọi văn bản khoa học, phụ thuộc vào ngôn ngữ sử dụng và cấu trúc thông tin.

  • Ba sai lầm học giả hay mắc phải đó là: sử dụng từ không phù hợp, thông tin sắp xếp không logic và xác định sai đối tượng hướng đến của văn bản khoa học.

Truyền thông khoa học (Scientific communication) là gì?

Truyền thông khoa học (Scientific communication) là quá trình truyền đạt kiến thức khoa học (scientific knowledge) tới các đối tượng đích thông qua các văn bản khoa học (scientific writing). Văn bản khoa học bao gồm các bài báo khoa học (scientific article), bài báo cáo khoa học dạng thuyết trình (oral presentation) hoặc dạng áp phích (poster presentation), đề cương nghiên cứu (research proposal),… Như vậy, các văn bản khoa học chính là phương tiện giúp các nhà khoa học giới thiệu về nghiên cứu của mình tới cộng đồng nói chung và các nhà khoa học nói riêng.

image-altDưới đây là hình ảnh minh hoạ về truyền thông khoa học. Các nhà khoa học (người tạo tín hiệu) sau khi thực hiện xong nghiên cứu thì sẽ bắt đầu viết văn bản khoa học (tín hiệu). Sau đó sẽ gửi bài báo tới tạp chí hoặc hội thảo khoa học (trạm phát tín hiệu), và sau khi được duyệt thì bài báo sẽ được công bố và được biết đến bởi độc giả (người nhận tín hiệu). Truyền thông khoa học là một quá trình hai chiều. Nếu đối tượng đích không tiếp cận được tín hiệu thì tín hiệu đó sẽ bị coi là vô dụng, mặc dù chúng đã được tạo ra và phát đi bởi trạm phát.

image-altNhư vậy, một văn bản khoa học sẽ bị coi là vô nghĩa khi nó không được biết đến hoặc người đọc không thể hiểu được nó.

Truyền thông khoa học để làm gì?

Văn bản khoa học nói chung và bài báo khoa học nói riêng là chìa khoá giúp các nhà khoa học để đạt được nhiều mục tiêu cá nhân. Đầu tiên, công bố khoa học sẽ giúp họ xây dựng danh tiếng trong cộng đồng nghiên cứu, điều này quan trọng khi tìm kiếm cơ hội việc làm hoặc trở thành nghiên cứu sinh. Ngoài ra, nó cũng có thể là yếu tố quyết định khi xin nguồn tài trợ để tiếp tục phát triển nghiên cứu.

Hơn nữa, việc viết văn bản khoa học không chỉ là quá trình "làm" khoa học, mà còn là quá trình "viết" khoa học. Kỹ năng viết và tư duy logic là rất quan trọng để tạo ra một công bố khoa học chất lượng. Hơn nữa, sự đóng góp từ những nhà phê bình (peer-reviewers) làm giàu kiến thức của người viết và đảm bảo chất lượng của công bố.

Mặt khác, người nhận tín hiệu cũng hưởng lợi từ việc đọc các văn bản khoa học. Công bố này giúp họ mở rộng kiến thức và cập nhật thông tin mới nhất trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Đồng thời, nó tạo ra cơ hội để phát triển nghiên cứu mới, đặt ra câu hỏi và thách thức hiện tại, từ đó thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực khoa học đó.

Truyền thông khoa học hiệu quả

Tín hiệu

Tín hiệu ở đây chính là các văn bản khoa học. Đặc trưng của nó là tính tái sản xuất (reproducibility). Một nhà khoa học cần cung cấp các thông tin một cách chính xác trong quá trình nghiên cứu như nội dung nghiên cứu, cách tiến hành, kết quả và ý nghĩa để nghiên cứu có thể được thực hiện lại được bởi các nhà khoa học khác. Đây là điểm khác biệt của văn bản này so với các loại văn bản khác, nằm khẳng định các phương pháp, kết quả trong nghiên cứu là đáng tin cậy (Diaba-Nuhoho and Amponsah-Offeh).

Tính rõ ràng (clarity) là một yêu cầu tối thiểu của mọi văn bản khoa học vì nó sẽ trở nên vô nghĩa nếu như người đọc không thể hiểu được nó. Hơn nữa, khi muốn truyền đạt một thông tin mới thì văn phong và ngôn ngữ sử dụng cần rõ ràng, mạch lạc. Tính rõ ràng của văn bản khoa học sẽ được thể hiện qua hai yếu tố: Ngôn ngữ sử dụng và cấu trúc thông tin.

Ngôn ngữ sử dụng

Cấu trúc thông tin

Đơn giản, dễ hiểu

Theo cấu trúc quy ước AIMRaD

Không sử dụng phép ẩn dụ, hoán dụ, thành ngữ (idioms).

Theo yêu cầu của tạp chí, nhà xuất bản

Phù hợp với đối tượng hướng tới

Liên kết chặt chẽ, logic với nhau

Do vậy, khi truyền đạt kiến thức khoa học mới, người viết cần sử dụng ngôn ngữ đơn giản, không cần sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, thành ngữ (idioms) vì điều này sẽ gây hiểu nhầm hoặc mất tính rõ ràng của thông tin. Việc sử dụng tiếng Anh tốt là khi có thể diễn tả được toàn bộ ý nghĩa bằng số lượng từ ít nhất.

Ngoài ra, việc sắp xếp nội dung của thông tin trong văn bản khoa học là rất cần thiết. Cấu trúc AIMRaD (Abstract - Introduction – Methods – Results – Discussion) thường được sử dụng và được khuyến khích sử dụng trong hầu hết mọi bài báo khoa học. Ngoài ra, có một số cấu trúc khác cũng được sử dụng như là: AIRDaM (Abstract, Introduction, Results, Discussion, and Methods and materials) – hay sử dụng ở những tạp chí về sinh học phân tử; AIM(RaD)C (Abstract, Introduction, Materials and methods, repeated Results and Discussion, Conclusions) – được sử dụng ở một số ít các tạp chí, thường áp dụng với các bài báo ngắn.

image-altThêm vào đó, cấu trúc thông tin cần phù hợp với yêu cầu của từng tạp chí khác nhau. Ví dụ như ở tạp chí Pharmacogenomics and Personalized Medicine, cấu trúc của bài báo sẽ là AIMRaDC (Abstract, Introduction, Methods, Results, Discussion, Conclusion).

Trạm thu tín hiệu

Trạm thu tín hiệu chính là tạp chí khoa học hoặc hội nghị khoa học, nơi mà học giả gửi nghiên cứu khoa học của mình trước khi được công bố tới người đọc. Nói cách khác, đây chính là nơi giúp văn bản khoa học được mọi người biết đến. Mỗi một tạp chí, hội nghị sẽ có những định hướng và mục tiêu riêng , do đó nội dung nghiên cứu trước hết cần phải phù hợp với định hướng của “trạm thu tín hiệu” thì mới có thể được công bố rộng rãi. Như vậy, cho dù văn bản được viết một cách rất hoàn hảo nhưng nội dung lại không phù hợp với định hướng của nơi công bố thì việc bị từ chối là một điều không thể tránh khỏi.

Lấy tạp chí “Pharmacogenomics and Personalized Medicine” của nhà xuất bản Dove medical press làm ví dụ, các bài báo có nội dung nghiên cứu về ảnh hưởng của gen tới tác dụng của thuốc sẽ nằm trong diện được để ý. Nếu như bài báo khoa học chỉ có nội dung là đánh giá hiệu quả của thuốc thì khả năng rất cao là sẽ không phù hợp để xuất bản tại tạp chí này. Hoặc đơn giản như trong một hội nghị về ghép thận, các nghiên cứu về tác dụng của thuốc trên bệnh đái tháo đường chắc chắn sẽ không phù hợp để báo cáo.

Người nhận tín hiệu

Người nhận tín hiệu ở đây hầu hết là người làm trong môi trường học thuật như các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, và nó cũng sẽ bao gồm cả tổng biên tập của tạp chí, nhà phê bình của tạp chí. Đôi khi nó bao gồm một phần nhỏ của người không có chuyên môn học thuật.

Sự thành công của một văn bản khoa học phụ thuộc vào mức độ phổ biến với người đọc và cách người đọc phiên giải thông tin. Do đó việc xác định rõ đối tượng người đọc văn bản của mình là rất quan trọng. Người viết cần đặt ra một số câu hỏi như: đối tượng đọc bài của mình là ai, họ đang có nhu cầu tìm kiếm thông tin gì, họ kỳ vọng gì vào bài viết của mình.

Ví dụ như với các bác sĩ, dược sĩ lâm sàng trong lĩnh vực ghép tạng, tacrolimus là một loại thuốc không còn quá xa lạ khi nó được sử dụng sau khi ghép thận để ngăn ngừa thải ghép (Barraclough et al.). Do Tacrolimus bị ảnh hưởng bởi CYP3A5 (Nguyen et al.), kiểu gen mà không phải bệnh nhân nào cũng có, nên đa số các bác sĩ đã quen được với việc cá thể hoá điều trị cho từng bệnh nhân. Tuy nhiên đối với những nhân viên y tế không làm việc ở trong chuyên ngành này thì họ sẽ rất bỡ ngỡ khi nghe tới “CYP3A5” hay “tacrolimus”.

Do vậy, cùng với một thông tin “Liều dùng của tacrolimus trên mỗi bệnh nhân là khác nhau do CYP3A5”, với mỗi trường hợp ta cần viết một cách khác nhau:

  • Trong một buổi giao ban tại bệnh viện ở khoa Thận – tiết niệu, dược sĩ lâm sàng báo cáo về các chế độ liều của tacrolimus được sử dụng trong năm vừa qua: “ Patients should undergo CYP3A5 genotyping prior to the initiation of tacrolimus therapy, given the observed variability in drug plasma concentrations.”

  • Trong một buổi sinh hoạt khoa học tại bệnh viện, đối tượng tham gia là tất cả các nhân viên y tế, dược sĩ lâm sàng có bài thuyết trình về các chế độ liều của tacrolimus được sử dụng trong năm vừa qua: "The presence of CYP3A5 expression in certain patients exerts an impact on Tacrolimus concentration. Consequently, it is imperative to conduct CYP3A5 genotype testing prior to the administration of tacrolimus."

Ở trường hợp đầu tiên, đối tượng tiếp nhận thông tin là chuyên gia y tế ở lĩnh vực thận – tiết niệu, do đó họ đã có kiến thức và quen với chủ đề này. Khi đó, nội dung của nhà khoa học chia sẻ chỉ cần đi vào nội dung chính. Còn ở trường hợp thứ hai, đối tượng nghe thông tin là toàn bộ nhân viên y tế ở mọi lĩnh vực khác nhau, do đó việc giải thích kĩ càng hơn về nội dung chia sẻ là một điều cần thiết.

Ba sai lầm khiến cho văn bản khoa học không tiếp cận được rộng rãi

Lý do đầu tiên đó chính là do ngôn ngữ sử dụng. Điều kiện cần của mọi văn bản khoa học đó là ngôn ngữ sử dụng phải rõ ràng, nếu như ngôn ngữ gây hiểu nhầm thì rất khó để được tại chí chấp nhận. Ví dụ:

  • Ngôn ngữ rõ ràng: “The enzyme efficiently catalyzed the conversion of substrate A into product B, resulting in a 30% increase in reaction yield.”

  • Ngôn ngữ gây hiểu lầm: “The enzyme rapidly catalyzed the transformation of substrate A into product B, resulting in a 30% escalation in reaction yield.”

Trong câu thứ hai, việc sử dụng "escalation" thay vì "increase" có thể dẫn đến hiểu lầm. "Escalation" thường ngụ ý mức tăng đáng kể hơn hoặc có khả năng gây ra vấn đề, có thể không thể hiện chính xác kết quả tích cực dự kiến ​​trong bối cảnh thí nghiệm khoa học. Việc lựa chọn từ ngữ chính xác là rất quan trọng để tránh hiểu sai trong giao tiếp khoa học.

Thứ hai, việc sắp xếp các thông tin trong văn bản khoa học không hợp lý cũng dẫn đến việc khó khăn trong việc xuất bản bài báo. Dưới đây là hai ví dụ về hai đoạn văn có sự sắp xếp thông tin khác nhau:

  • Thông tin trình bày rõ ràng, logic, mạch lạc:

“Tacrolimus (Tac) is widely employed as an immunosuppressive agent to prevent acute rejection following kidney transplantation. Characterized by a narrow therapeutic index and notable inter- and intra-individual variability in pharmacokinetics (PK), regular implementation of therapeutic drug monitoring (TDM) is essential to ensure efficacy and minimize adverse effects. In Vietnam, the initial dosage of Tacrolimus (Tac) is exclusively tailored according to the patient's weight. Subsequent therapeutic drug monitoring for tacrolimus involves the assessment of trough concentration (C0), a process heavily reliant on the physician's experience due to the absence of tools or software incorporating patient information. Our most recently published research findings indicate a noteworthy incidence of acute rejection following kidney transplantation, especially in cases with lower C0 levels, when employing this approach.” (Nguyen et al.)

  • Thông tin thiếu sự mạch lạc:

“In Vietnam, Tacrolimus (Tac) is prescribed to prevent acute rejection following kidney transplantation, and the initial dosage is exclusively determined based on the patient's weight. Despite its narrow therapeutic index and significant pharmacokinetic variability, therapeutic drug monitoring (TDM) is regularly performed to minimize side effects and maintain efficacy. However, the TDM process relies on monitoring the trough concentration (C0) without the aid of any tools or software incorporating patient information. Our recent study found a significant occurrence of acute rejection, especially with lower C0 levels, using this approach. Tacrolimus, the primary immunosuppressive drug, plays a crucial role in post-transplant care, and TDM is vital for its effectiveness."

Thứ ba, nội dung của văn bản khoa học không phù hợp với đối tượng đích. Lấy ví dụ về vancomycin, đây là một thuốc kháng sinh khó sử dụng do liều sử dụng trên mỗi đối tượng bệnh nhân là khác nhau (Elbarbry). Do đó, các bệnh viện cần sử dụng những mô hình (hay còn gọi là công thức) để tính toán liều dùng cho bệnh nhân (Thomson et al.). Trong hội nghị khoa học, nếu báo cáo của học giả chỉ xoay quanh về việc đánh giá hiệu quả trong việc tính liều vancomycin bằng sử dụng mô hình X tại bệnh viện A thì khả năng cao nó sẽ không gây được sự thu hút, bởi lẽ việc sử dụng mô hình để tính toán liều lượng đã khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, cùng với nội dung trên, học giả có thể gửi bài báo khoa học tới các tạp chí khoa học bởi vì nó sẽ đóng góp vào dữ liệu về sử dụng vancomycin trên toàn thế giới và sẽ giúp các bài tổng quan hệ thống (systematic reviews) và phân tích meta (meta-analysis) trở nên mạnh hơn.

Tham khảo thêm:

Tổng kết

Như vậy, tổng quan về văn bản khoa học đã được giới thiệu trong bài viết trên. Nó là phương tiện giúp các nhà khoa học được biết bởi mọi người. Trong khi viết, học giả cần đảm bảo yếu tố vô cùng quan trọng đó là tính tái sản xuất (reproducibility). Một văn bản khoa học thành công là khi nó được mọi người biết đến và hiểu được nội dung. Để làm được điều này, tính rõ ràng là vô cùng cần thiết. Những sai lầm phổ biến mà học giả hay mắc phải đó là sử dụng ngôn ngữ không phù hợp, thông tin sắp xếp không logic và xác định sai đối tượng đích. Hy vọng bài viết này đã làm rõ được thế nào là một văn bản khoa học, từ đó sẽ giúp cho các nhà khoa học chuẩn bị tốt trên con đường nghiên cứu sau này, đặc biệt là viết bài báo khoa học.

Xem tiếp: Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 2: Các cấu trúc văn bản khoa học.

Tài liệu tham khảo

  • Research Paper: Cấu Trúc & Cách Viết Bài Viết Nghiên Cứu - Phần 1.” Zim.Vn, 8 Nov. 2023.

  • Press, Dove. “Pharmacogenomics and Personalized Medicine.” Aims and Scope - Dove Press, www.dovepress.com/aims-and-scope-pharmacogenomics-and-personalized-medicine-d30-j38. Accessed 22 Feb. 2024.

  • Gastel, Barbara, and Robert A. Day. How to Write and Publish a Scientific Paper. Greenwood, 2015.

  • Cargill, Margaret, and Patrick O’Connor. Writing Scientific Research Articles: Strategy and Steps. Wiley-Blackwell, 2021.

  • Barraclough, K. A., et al. "Evaluation of Limited Sampling Methods for Estimation of Tacrolimus Exposure in Adult Kidney Transplant Recipients." Br J Clin Pharmacol 71.2 (2011): 207-23. Print.

  • Diaba-Nuhoho, Patrick, and Michael Amponsah-Offeh. "Reproducibility and Research Integrity: The Role of Scientists and Institutions." BMC Research Notes 14.1 (2021): 451. Print.

  • Elbarbry, F. "Vancomycin Dosing and Monitoring: Critical Evaluation of the Current Practice." Eur J Drug Metab Pharmacokinet 43.3 (2018): 259-68. Print.

  • Nguyen, T. V. A., et al. "Pharmacogenomic Analysis of Cyp3a5*3 and Tacrolimus Trough Concentrations in Vietnamese Renal Transplant Outcomes." Pharmgenomics Pers Med 17 (2024): 53-64. Print.

  • Thomson, A. H., et al. "Development and Evaluation of Vancomycin Dosage Guidelines Designed to Achieve New Target Concentrations." J Antimicrob Chemother 63.5 (2009): 1050-7. Print.

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
Giáo viên
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...