Phương pháp 5W1H trong IELTS Speaking Part 2 để tận dụng tối đa 01 phút chuẩn bị
Đối với nhiều thí sinh, IELTS Speaking Part 2 là phần khó nhất của phần thi nói do thí sinh phải độc thoại theo chủ đề cho trước và chỉ được chuẩn bị trong khoảng thời gian ngắn là 01 phút. Với áp lực về thời gian, thí sinh dễ lo lắng và lúng túng trong việc lên ý tưởng, từ đó dẫn đến việc trình bày phần thi cũng không được trọn vẹn. Hiểu được những khó khăn đó, bài viết này sẽ hướng dẫn thí sinh sử dụng phương pháp 5W1H trong IELTS Speaking Part 2 để tận dụng tối đa 01 phút chuẩn bị.
Key takeaways
Trong thời gian 01 phút chuẩn bị, thí sinh thường gặp những khó khăn như bối rối không biết bắt đầu từ đâu hoặc bí ý tưởng khi triển khai chủ đề.
Để giải quyết được những vấn đề trên, thí sinh nên áp dụng phương pháp 5W1H để chuẩn bị nội dung phần thi một cách nhanh chóng và đầy đủ bằng cách trả lời 6 câu hỏi sau:
What: Cái gì?
When: Khi nào?
Where: Ở đâu?
Who: Ai?
Why: Vì sao?
Tổng quan về phần thi IELTS Speaking Part 2
Trong IELTS Speaking Part 2, giám khảo sẽ yêu cầu thí sinh thực hiện phần thi nói trong khoảng từ một đến hai phút về một chủ đề.
Giám khảo IELTS sẽ đưa cho thí sinh một cue card (thẻ chủ đề). Trên thẻ, sẽ có một mô tả ngắn về một chủ đề, với một số ý tưởng để đưa vào. Chủ đề sẽ liên quan đến trải nghiệm cá nhân, ví dụ như một người bạn biết hoặc một sự kiện đã từng tham gia.
Giám khảo sẽ cho thí sinh chính xác 01 phút để chuẩn bị bài nói. Giám khảo sẽ cung cấp một tờ giấy và một cây bút chì để thí sinh viết ra một số ý tưởng.
Sau một phút, giám khảo sẽ yêu cầu thí sinh bắt đầu phần thi của mình.
Thí sinh sau đó sẽ thực hiện phần thi trong tối đa 02 phút. Giám khảo sẽ lắng nghe và không nói gì, nhưng có thể gật đầu và ra hiệu để khuyến khích thí sinh tiếp tục nói.
Sau 02 phút, giám khảo sẽ ngắt lời. Họ có thể sẽ hỏi thêm một câu hỏi về chủ đề này. Thí sinh chỉ cần trả lời ngắn gọn cho câu hỏi này.
Sau đó, thí sinh sẽ đi thẳng vào IELTS Speaking Part 3.
Phần thi này thường gây khó khăn cho thí sinh khi phải nói độc thoại liên tục về một chủ đề trong vòng 02 phút. Vì thế, chuẩn bị kỹ càng nội dung trong vòng 01 phút là điều rất quan trọng.
Tuy nhiên, thí sinh vẫn chưa thực sự biết tận dụng khoảng thời gian này khi vẫn thường gặp những vấn đề như không biết bắt đầu từ đâu hay bí ý tưởng khi triển khai chủ đề, từ đó lãng phí thời gian chuẩn bị và khiến phần nói diễn ra không trọn vẹn, ngắt quãng. Vì vậy, xây dựng chiến lược thông minh trong 01 chuẩn bị sẽ giúp thí sinh khắc phục những vấn đề trên và chinh phục phần thi dễ dàng.
Giới thiệu về phương pháp 5W1H
5W1H là phương pháp phổ biến trong nhiều ngành, lĩnh vực bằng cách sử dụng một bộ câu hỏi để thu thập tất cả các dữ liệu cần thiết để lập một báo cáo về tình hình hiện có với mục đích mô tả bối cảnh và xác định bản chất, nguyên nhân vấn đề.
Trong đó, 5W1H là được viết tắt cho những từ để hỏi trong tiếng Anh: What, When, Where, Why, Who và How. Việc áp dụng nguyên tắc này để tìm hiểu thông tin của một vấn đề thông qua việc phải trả lời những câu hỏi của những từ trên.
1. What (Cái gì): Chữ cái đầu tiên của phương pháp này giúp xác định, mô tả được vấn đề hoặc tình huống muốn nói đến, từ đó tập trung nhận thức về phạm vi của chúng. Các câu hỏi minh họa cho câu hỏi What có thể bao gồm:
What is the problem? (Vấn đề trên là gì?)
What does the problem include? (Vấn đề bao gồm những nội dung gì?)
2. When (Khi nào): Chữ cái tiếp theo đề cập đến thời gian xảy ra vấn đề hoặc tình huống. Câu hỏi minh họa cho câu hỏi When có thể bao gồm:
When did the problem happen? (Vấn đề xảy ra khi nào?)
3. Where (Ở đâu): Khi đã xác định được thời điểm, yếu tố tiếp theo cần tìm hiểu sẽ là địa điểm xảy ra vấn đề. Câu hỏi minh họa cho câu hỏi Where có thể bao gồm:
Where did the problem happen? (Vấn đề xảy ra ở đâu?)
4. Who (Ai): Câu hỏi này giúp việc xác định những người có thể có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc gây ra hoặc góp phần vào vấn đề một cách rõ ràng. Ngoài ra, câu hỏi này cũng sẽ giúp xác định những người bị ảnh hưởng tới vấn đề trên. Câu hỏi minh họa cho câu hỏi Who có thể bao gồm:
Who was involved in the problem? (Ai có liên quan tới vấn đề ?)
Who was affected by the problem? (Ai bị ảnh hưởng bởi vấn đề này?)
5. Why (Tại sao): Câu hỏi này sẽ giúp xác định được những vấn đề sâu hơn như nguyên nhân vì sao vấn đề lại xảy ra, động cơ hoặc sự biện minh cho lý do đằng sau của vấn đề. Từ đó, sẽ có được những phương hướng giải quyết tốt cho vấn đề được nêu. Câu hỏi có thể bao gồm:
Why did the problem happen? (Tại sao vấn đề xảy ra?)
Why did the problem happen like this? (Tại sao vấn đề diễn ra như vậy?)
6. How (Như thế nào): Câu hỏi này sẽ xác định vấn đề diễn ra như thế nào. Câu hỏi có thể bao gồm:
How did the problem happen? (Vấn đề diễn ra như thế nào?)
How has the sequence of events led to another problem? (Chuỗi sự kiện đã dẫn đến một vấn đề khác như thế nào?)
Phương pháp 5W1H là một phương pháp được sử dụng trong khá nhiều lĩnh vực vì vai trò quan trọng của phương pháp này trong việc tìm hiểu thông tin của một vấn đề. Và dựa trên tính chất đó, người học có thể áp dụng phương pháp 5W1H này để có thể phát triển ý tưởng của mình một cách dễ dàng trong bài thi IELTS Speaking Part 2.
Áp dụng phương pháp 5W1H trong IELTS Speaking Part 2 để tận dụng tối đa 01 phút chuẩn bị
Phương pháp 5W1H với tính chất tìm hiểu thông tin một cách một cách tổng quát qua việc trả lời các câu hỏi What, When, Where, Why, Who và How sẽ rất thích hợp để áp dụng vào phần thân bài của bài thi IELTS Speaking Part 2.
Ở bài thi Speaking Part 2, thí sinh sẽ có 01 phút để chuẩn bị cho bài nói dài 02 phút. Đây là một khoảng thời gian quan trọng để thí sinh liệt kê các ý để tạo thành một bài nói hoàn chỉnh. Việc trả lời lần lượt các câu hỏi của phương pháp 5W1H sẽ giúp tối ưu hóa được khoảng thời gian suy nghĩ dàn bài cho phần trả lời của thí sinh. Các câu hỏi của phương pháp này cũng đơn giản và quen thuộc vì vậy, thí sinh cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc ghi nhớ.
Ví dụ:
Giám khảo sẽ cung cấp một cue card (thẻ đề bài) với nội dung như sau:
Describe a place that you enjoy visiting
Thí sinh sẽ có 01 phút để chuẩn bị. Trong thời gian này, hãy sử dụng phương pháp 5W1H để triển khai ý tưởng và tận dụng thời gian theo các bước sau đây:
Bước 1: Chọn topic (chủ đề nói)
Khi nhận được thẻ đề bài, bạn cần quyết định ngay chủ đề muốn trình bày. Ở quá trình này, bạn chỉ nên dành ra 5 giây trong quãng thời gian ngắn 01 phút chuẩn bị này để quyết định bạn sẽ nói gì.
Để có thể độc thoại một cách suôn sẻ trong vòng 02 phút của phần thi thì chọn chủ đề hợp lý và khôn khéo là yếu tố vô cùng quan trọng. Và một chủ đề tốt thì sẽ có một số yếu tố như sau:
Có nhiều chi tiết:
Chủ đề có nhiều chi tiết sẽ giúp thí sinh dễ dàng phát triển ý và khiến bài nói đầy đủ, trọn vẹn hơn. Với đề bài trên, thay vì chọn công viên chỉ có cây và hoa, thì hãy chọn khu vui chơi có đầy đủ tổ hợp trò chơi, động thực vật, khu ăn uống,...
Gần gũi
Chủ đề gần gũi và có kỷ niệm sẽ giúp thí sinh tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc nghĩ ý tưởng và đồng thời cũng vẽ ra câu chuyện mà mình muốn nói một cách tự nhiên, gắn kết hơn. Vì thế, trong vô vàn khu vui chơi, hãy chọn khu vui chơi nào thí sinh đã từng tham quan hoặc có mối liên hệ nhất định, có thể đó là khu vui chơi gần nhà mà thí sinh thường ghé.
Có thể mở rộng được
Trong 02 phút trình bày chủ đề, bí ý tưởng giữa chừng là vấn đề phổ biến của các thí sinh. Vì vậy, chọn chủ đề mà giúp thí sinh có thể mở rộng ý sẽ giải quyết được vấn đề trên, cũng như dễ dàng chinh phục những đề bài vốn không có quá nhiều ý.
Với đề bài trên, thí sinh có thể mở rộng chủ đề theo hướng kể về khu vui chơi gần nhà mà thí sinh thường ghé vào mỗi dịp Giáng sinh.
Hoặc một ví dụ khác, nếu đề bài yêu cầu kể về một bức ảnh đáng nhớ thì thí sinh hãy chọn một bức ảnh gắn liền với một kỷ niệm, để từ đó phát triển ý và bài nói sẽ trọn vẹn hơn.
Không nhất thiết là có thật
Dù yếu tố gần gũi giúp bạn dễ nói và tiết kiệm thời gian hơn, những không bắt buộc chi tiết nào cũng phải có thật. Bạn hoàn toàn có thể tự sáng tác thêm những chi tiết không có thật để khiến bài nói trở nên sinh động và gây ấn tượng hơn.
Vì vậy, dù khu vui chơi thực chất không có gì đặc biệt vào dịp Giáng sinh, nhưng thí sinh có thể thêm thắt những chi tiết như cây thông, ông già Noel để phát triển ý.
Bước 2: Ghi chú vào giấy nháp
Ở bước này, phương pháp 5W1H sẽ giúp thí sinh tối ưu hoá thời gian bằng cách trả lời từng câu hỏi What, Where, When, Who, Why, How theo đề bài:
What it is?
Where it is?
When do you visit?
Who do you go with?
How it is?
Why do you enjoy visiting it?
Sau khi đã chọn được chủ đề muốn trình bày, thí sinh hãy bắt đầu ghi nội dung vào giấy nháp. Việc ghi chú sẽ giúp bài nói kết nối hơn và thí sinh cũng có thể dễ dàng nhìn lại và nhớ ý trong khi trình bày. Tuy nhiên ở bước này, thí sinh lưu ý không được viết đầy đủ câu văn vào giấy nháp mà hãy chỉ viết ra những keywords (từ khoá chính) của từng câu hỏi để tiết kiệm thời gian.
Những thứ bạn nên viết vào giấy nháp bao gồm: nouns, verbs, adjectives.
Với đề bài, thí sinh có thể trả lời những câu hỏi trên bằng cách ghi chú như sau:
What: amusement park
Where: 2km from home
When: every Christmast
Who: family member
How: playing games, taking photos, eating food.
Why: fun, amazing, relieve stress
Bước 3: Đọc lại
Sau khi viết ra những từ khóa chính, thí sinh hãy cố gắng dành ra ít nhất 10 giây cuối để đọc lại, ghi nhớ, sắp xếp và gắn kết lại những ý chính đấy thành một câu chuyện trong đầu để từ đó triển khai phần thi một cách trôi chảy, tự nhiên nhất.
Và sau 01 phút chuẩn bị, thí sinh có thể thực hiện phần thi nói của mình.
Với ví dụ trên, có thể thấy rằng phương pháp 5W1H sẽ giúp thí sinh rất nhiều trong việc lên ý tưởng, hệ thống hoá các ý, tiết kiệm và tận dụng một cách tối đa 01 phút chuẩn bị cho phần thi.
Bài tập về cách áp dụng phương pháp 5W1H trong IELTS Speaking Part 2
Thí sinh có thể tham khảo đề bài dưới dây và áp dụng chiến lược cũng như phương pháp 5W1H nói trên để chuẩn bị:
Describe a party that you enjoyed
Gợi ý:
Bước 1: Chọn chủ đề
Thí sinh có thể chọn chủ đề dựa theo các tiêu chí trên.
Ví dụ: bữa tiệc sinh nhật,...
Bước 2: Ghi chú vào giấy nháp
Thí sinh áp dụng phương pháp 5W1H và ghi chú từ khóa chính để trả lời theo bộ câu hỏi sau:
What is it? birthday, my best friend
Where is it? swimming pool
When does it happen? last month
Who do you go with/ Who do you meet? family member, new friends
How does it happen? playing games, dancing, singing, chit chat
Why do you enjoy? entertaining, playful, get to know more people
Bước 3: Đọc lại
Tổng kết
Phương pháp 5W1H hiện nay được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực, vì nó mang lại một cái nhìn tổng quan, bao trùm đến nhiều khía cạnh mà vấn đề đang hướng tới. Và IELTS Speaking Part 2 cũng không phải một ngoại lệ. Phương pháp này sẽ giúp thí sinh xây dựng cách tư duy có hệ thống để đáp ứng yêu cầu của đề bài và tính nhanh chóng của phần thi.
Đồng thời, áp dụng hiệu quả phương pháp này sẽ tối ưu hoá nội dung cũng như thời gian 01 phút chuẩn bị phần thi. Vì vậy, sau khi đã có phần chuẩn bị chỉn chu, làm sao để thực hiện phần thi nói 02 phút xuyên suốt và mạch lạc sẽ là nội dung nối tiếp bài viết này.
Võ Thị Diệu Thảo
Lộ trình ôn luyện IELTS cụ thể và hiệu quả là yếu tố then chốt giúp người học đạt được điểm cao. Học thử khóa học luyện thi IELTS tại ZIM để trải nghiệm hôm nay.
Bình luận - Hỏi đáp