Banner background

Phương pháp đánh giá khả năng ngôn ngữ cá nhân hóa trong kỹ năng Speaking

Bài viết hướng tới người học ở trình độ nâng cao đang mong muốn cải thiện khả năng nói tiếng Anh bằng cách xây dựng lộ trình học riêng cho bản thân. Qua bài viết, người đọc sẽ được giới thiệu với ưu và nhược điểm của 4 công cụ đánh giá khả năng nói tiếng Anh, từ đó đặt ra mục tiêu thực tế và xây dựng lộ trình học phù hợp cho bản thân.
phuong phap danh gia kha nang ngon ngu ca nhan hoa trong ky nang speaking

Key takeaways:

  • Personalized Learning (phương pháp học tập cá nhân hóa) đã được chứng minh là giúp nâng cao đáng kể khả năng tiếp thu và thành thạo ngôn ngữ.

  • Để áp dụng phương pháp này trong việc học Speaking, người học có thể giá khả năng của bản thân qua 4 công cụ sau: IELTS Band Descriptors, bài mẫu chấm IELTS Speaking, ChatGPT IELTS Speaking Simulator & các bài thi thử.

  • Trong quá trình học, người học nên xây dựng Personal Learner Profile để đánh giá cách bản thân tiếp cận, tương tác và truyền tải kiến thức và từ đó lựa chọn các phương pháp học phù hợp.

  • Các mục tiêu người học đề ra cho bản thân nên dựa theo các tiêu chí của mô hình S.M.A.R.T (cụ thể, đo lường được, khả thi, có sự liên quan, có mốc thời gian cụ thể)

Giới thiệu

Bài viết hướng tới người học tiếng Anh ở trình độ nâng cao đang có mong muốn cải thiện khả năng nói tiếng Anh bằng cách xây dựng lộ trình học riêng cho bản thân. Qua bài viết, người đọc sẽ được giới thiệu với ưu và nhược điểm của 4 công cụ đánh giá khả năng nói tiếng Anh, từ đó đặt ra mục tiêu thực tế và xây dựng lộ trình học phù hợp cho bản thân.

Lợi ích của phương pháp học cá nhân hóa trong việc học Speaking

Phương pháp học ngôn ngữ cá nhân hóa, đặc biệt là trong việc nói tiếng Anh, giúp giải quyết các nhu cầu, điểm mạnh và điểm yếu riêng của mỗi người học, giúp cho việc học có hiệu quả hơn. 

Đối với giảng viên, dạy học theo phương pháp này đồng nghĩa với việc người dạy hiểu rõ nhu cầu, khả năng của người học để tạo ra môi trường học phù hợp nhất. Khi đó, chương trình học cá nhân hóa sẽ xoay quanh các nội dung như: người học sẽ học gì (What), tại sao cần học (Why) và học bằng cách nào (How) (Barbara B., Kathleen M., 2013).  

Trong bối cảnh Truyền thông số như hiện nay, bản thân người học cũng dần trở nên chủ động hơn trong việc học của mình. Khi đó, các phương tiện tìm kiếm thông tin được người học sử dụng để giải quyết một vấn đề trong công việc, học tập, hoặc đơn giản là để thỏa mãn trí tò mò của mình. Không những chủ động tìm kiếm thông tin, người học hiện nay cũng chính là những người chia sẻ thông tin. Điều này đã khiến cho việc học trở nên chủ động hơn rất nhiều (McGloughlin & Lee, 2010).

Trong phương pháp học cá nhân hóa, các đặc điểm của người học đóng vai trò tiên quyết trong việc quyết định chương trình học. Chương trình học cá nhân hóa sẽ đáp ứng phong cách học tập của từng cá nhân, chẳng hạn như khả năng học bằng thị giác hoặc thính giác. Đồng thời, người học cũng có thể tập trung vào các lĩnh vực cần được cải thiện thay vì học dàn trải nhiều phương pháp. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng học tập cá nhân hóa có thể nâng cao đáng kể khả năng tiếp thu và thành thạo ngôn ngữ (Dabbagh & Kitsantas, 2012), khiến nó trở thành một phần quan trọng của bất kỳ chiến lược học ngôn ngữ nào.

Các phương pháp tự đánh giá khả năng Speaking

Trước khi bắt tay vào xây dựng phương pháp học cho riêng mình, người học cần đánh giá một cách trung thực khả năng nói tiếng Anh của bản thân. Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả mà người học có thể tham khảo: 

Các tiêu chí đánh giá của bài thi IELTS Speaking

Bộ 4 tiêu chí chấm điểm của phần thi IELTS Speaking được phát triển để giúp Giám khảo đánh giá được toàn diện khả năng nói của thí sinh qua 4 tiêu chí sau:   

  • Fluency and Coherence (Độ trôi chảy và mạch lạc)

  • Lexical Resource (Vốn từ vựng)

  • Grammatical Range and Accuracy (Độ đa dạng và chính xác của ngữ pháp)

  • Pronunciation (Phát âm)

Dựa trên 4 tiêu chí này, người học ở trình độ nâng cao cũng có thể tự thực hành một bài thi IELTS Speaking hoàn chỉnh có ghi âm. Sau đó dựa trên các miêu tả cụ thể của từng band điểm để ước lượng trình độ hiện tại của bản thân. 

Ví dụ, người học đang ở trình độ 6.0 IELTS Speaking sẽ có những đặc điểm sau: 

  • Fluency and Coherence: 

    • Có khả năng và mong muốn kéo dài câu nói, tuy đôi khi sẽ có sự ngập ngừng. 

    • Trong quá trình trả lời đôi khi có thể mất sự mạch lạc do thỉnh thoảng lặp lại, tự sửa lỗi.

    • Có thể sử dụng nhiều phép nối và discourse markers nhưng không phải lúc nào cũng thích hợp.

  • Lexical Resource: 

    • Có vốn từ vựng đủ rộng để có những cuộc thảo luận dài về nhiều chủ đề (Ví dụ: thí sinh có thể bàn luận dài về nhiều chủ đề như Environment, Space, Relationship, v.v.)

    • Từ vựng được sử dụng có thể không phù hợp những vẫn thể hiện được ý tưởng rõ ràng. (VD: thí sinh còn nhầm lẫn giữa một số từ như ‘demonstrate’ và ‘illustrate’, hoặc dùng từ chưa được tự nhiên: ‘citizen’ thay cho ‘people’)

  • Grammatical Range and Accuracy: 

    • Có thể sử dụng kết hợp câu ngắn và câu phức tạp, đa dạng các cấu trúc nhưng ít linh hoạt.

    • Có thể vẫn mắc lỗi thường xuyên với các cấu trúc ngữ pháp khó nhưng những lỗi này hiếm khi ảnh hưởng đến nghĩa của câu (Ví dụ: Thí sinh còn gặp khó khăn khi sử dụng câu đảo ngữ, câu điều kiện, nhưng người nghe vẫn có thể hiểu được nội dung câu)

    • Ít khi mắc các lỗi ngữ pháp cơ bản hơn.

  • Pronunciation

    • Không có lỗi phát âm sai theo thói quen (VD: thí sinh không bị sai các âm đuôi như -s, -es thường xuyên)

    • Nhìn chung phát âm khá đúng, nhưng vẫn có 2-3 lần bị phát âm sai. 

    • Có sử dụng ngữ điệu nhưng không xuyên suốt

    • Liên kết các cụm từ một cách phù hợp, nhưng nhịp điệu nói có thể bị ảnh hưởng bởi cách đặt trọng âm và/hoặc tốc độ nói nhanh.

Người đọc có thể tham khảo chi tiết mô tả các tiêu chí chấm điểm và band điểm trong IELTS Speaking trong bài viết IELTS Speaking Band Descriptors. Với 4 tiêu chí này, người học có thể thực hành với một bài kiểm tra IELTS Speaking hoàn chỉnh và ghi âm lại để tự đánh giá, hoặc nhờ sự trợ giúp của một người bạn, thầy cô có trình độ tiếng Anh cao hơn.

Phương pháp này sẽ khá hiệu quả với các thí sinh tự học Speaking và muốn tiết kiệm chi phí nhất. Tuy nhiên, band điểm do thí sinh tự ước lượng đôi khi sẽ có sự khác biệt so với trình độ thực tế bởi việc chấm điểm Speaking theo 4 tiêu chí của IELTS sẽ đòi hỏi người chấm cần được đào tạo kỹ càng và đảm bảo việc đánh giá khách quan xuyên suốt bài thi. 

Ưu điểm: Dễ thực hiện tại nhà, tiết kiệm chi phí

Nhược điểm: Cần sự hỗ trợ của người có trình độ cao hơn để đánh giá chính xác band điểm của người học

Các bài mẫu chấm IELTS Speaking từ hội đồng thi

Bên cạnh phương pháp đã đề cập ở trên, để kết quả đánh giá khả năng được chính xác nhất, người đọc cũng có thể tham khảo series IELTS Speaking samples được cung cấp bởi Kênh Youtube IELTS by IDP và so sánh các bài chấm của từng band điểm với bài nói của bản thân.

image-alt

Series IELTS Speaking test sample được đăng tải bởi IELTS by IDP.

Các bước thực hiện ở công cụ này cũng tương tự với việc tự chấm điểm bằng 4 tiêu chí IELTS Speaking. Tuy nhiên, thay vì tự đánh giá dựa trên mô tả của 4 tiêu chí, người học sẽ xem video cụ thể của từng band điểm và so sánh các điểm mạnh/điểm yếu của Sample với bài nói của bản thân. 

Ở phần description box của mỗi video, hội đồng thi sẽ có phần đánh giá cũng như giải thích cụ thể lí do cho các band điểm của thí sinh. Ví dụ, với phần thi Speaking part 2, video chấm điểm của thí sinh Tina cho thấy khả năng có thể kéo dài bài nói của bản thân về chủ đề 'Describe an interest or hobby you enjoy'. Tuy nhiên, phần đánh giá cũng chỉ ra rằng thí sinh này thường xuyên có nhiều khoảng ngập ngừng trong câu, và vì thế, tiêu chí Fluency and Coherence được đánh giá ở mức 5 điểm.

Ưu điểm: Có thể tự thực hiện một mình, tiết kiệm chi phí, có đánh giá chi tiết theo quy chuẩn từ chính hội đồng thi

Nhược điểm: Mất nhiều thời gian, người học cần ghi âm lại bài nói và so sánh kỹ càng với từng phần thi 

Công cụ ChatGPT Speaking Simulator

Với các công cụ hỗ trợ như Chat GPT, người học cũng có thể tự luyện tập giao tiếp tiếng Anh tại nhà và nhận được góp ý chi tiết dựa trên câu trả lời của bản thân. Ví dụ như với bài thi IELTS Speaking, người học có thể sử dụng công cụ miễn phí có tên IELTS Speaking Simulator để trải nghiệm cảm giác trong phòng thi.

Hơn nữa, ChatGPT cũng sẽ ghi lại câu trả lời của thí sinh, từ đó đưa ra nhận xét và đề xuất cách cải thiện để đạt band điểm cao hơn. Tuy nhiên, người đọc nên lưu ý rằng các band điểm Speaking được chấm bởi ChatGPT chỉ mang tính chất tham khảo và có thể sẽ có sự chênh lệch với band điểm thực tế. 

Dưới đây là hướng dẫn cách sử dụng công cụ IELTS Speaking Simulator (được phát triển bời người dùng BEIQIAO HU)

Bước 1: Người học tải ứng dụng ChatGPT (vì công cụ này hoạt động dựa trên tính năng giọng nói của ChatGPT và hiện tại tính năng này chỉ có thể được sử dụng trên ứng dụng chính thức)

Bước 2: Truy cập đường Link này để sử dụng công cụ IELTS Speaking Simulator.

image-alt

Bước 2: Truy cập đường link để sử dụng công cụ. Nguồn: hubeiqiao, github.com.

Bước 3: Để bắt đầu phần thi mô phỏng, người học chọn 1 trong 3 lựa chọn của bài Nói (Part 1, Part 2&3 hoặc A Full Simulation) tùy theo nhu cầu của bản thân. Sau đó, chọn “Always allow” để cho phép ứng dụng hoạt động. Sau khi đã chọn xong, người học bấm vào biểu tượng tai nghe ở phía dưới để bắt đầu giao tiếp với ChatGPT bằng giọng nói.

image-altBước 3: Sử dụng tính năng giọng nói để bắt đầu bài thi mô phỏng IELTS Speaking. Nguồn: hubeiqiao, github.com.

Bước 4: Một số lưu ý trong khi thực hiện bài thi mô phỏng

Người học lắng nghe câu hỏi từ ChatGPT và trả lời bằng cách bấm giữ vào vòng tròn trên màn hình. Trong một số trường hợp, nếu thí sinh dừng quá lâu (ngập ngừng hoặc ậm ừ) trong khi trả lời, dữ liệu ghi âm có thể sẽ không được chính xác. Ngoài ra, với Part 2 của bài thi, sau khi nhận được chủ đề, người học cần tự bấm giờ đúng 1 phút cho phần chuẩn bị của mình.

image-altBước 4: Giao diện bài thi mô phỏng IELTS Speaking. Nguồn: hubeiqiao, github.com.

Bước 5: Nhận kết quả đánh giá từ ChatGPT

Sau khi kết thúc phần thi mô phỏng, ứng dụng sẽ tự động chấm điểm bài nói của người học dựa trên 4 tiêu chí đánh giá như đã nêu ở trên. Từ các câu trả lời trước đó, ChatGPT cũng sẽ đưa ra gợi ý cải thiện cho người học. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng band điểm mà ChatGPT đưa ra có thể sẽ chênh lệch với band điểm khi đi thi thực tế.

image-altBước 5: Thí sinh nhận band điểm tham khảo và đọc lại các câu trả lời gợi ý của ChatGPT. Nguồn: hubeiqiao, github.com.

Công cụ trên sẽ phù hợp nhất với người học muốn trải nghiệm cảm giác chân thật như trong phòng thi IELTS Speaking, nhưng lại không có đủ thời gian hoặc chi phí để đăng ký các bài thi đánh giá khả năng ngôn ngữ. Ngoài ra, người học cũng có thể tiết kiệm thời gian tra cứu và tự học khi ChatGPT có thể đưa ra các câu trả lời gợi ý dựa trên chính câu trả lời của thí sinh.

Ưu điểm: Dễ thực hiện tại nhà, người học có thể luyện phản xạ giống như trong phòng thi thật.

Nhược điểm: Người học cần phát âm chuẩn để giao tiếp hiệu quả với AI, đánh giá của ChatGPT đôi khi sẽ có sự khác biệt với band điểm thực tế khi đi thi.

Đánh giá chuyên môn của giáo viên và các bài thi thử

Đối với người học chưa có năng tự đánh giá hoặc cần có kết quả chính xác hơn, có thể đăng ký tham gia các buổi Thi thử IELTS được tổ chức bởi ZIM Academy. Với phần thi Speaking, mỗi thí sinh sẽ nhận được đánh giá chi tiết dựa trên 4 tiêu chí của bài thi IELTS. Bên cạnh đó, tùy vào band điểm mong muốn của thí sinh mà giám khảo cũng sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp để thí sinh cải thiện kỹ năng của bản thân.

Ưu điểm: Có kết quả nhanh chóng, mức độ tin cậy cao, người học nhận được góp ý dựa trên trình độ của bản thân.

Nhược điểm: Tốn chi phí, thí sinh sẽ phải thực hiện cả các phần thi còn lại của IELTS (bao gồm Đọc, Nghe và Viết)

Cá nhân hóa phương pháp học Speaking

Trước khi bắt tay vào đặt việc học, người học nên hiểu những nhu cầu, sở thích và thói quen học của bản thân để lựa chọn phương pháp học phù hợp nhất. Dưới đây là một phương pháp khá hữu ích được đề xuất và phát triển bởi ISTE (International Society for Technology in Education).

Theo phương pháp này, người học có thể tự tạo ra Personal Learner Profile (Hồ sơ cá nhân của người học) qua các tiêu chí như:

  • Access: Các cách người học mong muốn hoặc cần để tiếp cận và xử lý thông tin (Ví dụ: học bằng hình ảnh, người học thích nghe các nội dung tiếng Anh)

  • Engage: Cách người học tương tác với kiến thức (Ví dụ: Người học chủ động, thích đặt câu hỏi và mong muốn đào sâu tìm hiểu về 1 chủ đề)

  • Express: Cách người học giải thích và diễn đạt lại sự hiểu biết của bản thân (Ví dụ: người học thích vẽ sơ đồ để hệ thống lại kiến thức)

image-altVí dụ về một Hồ sơ cá nhân của người học.

Từ mỗi tiêu chí nói trên, người học liệt kê ra một vài điểm mạnh và điểm yếu của bản thân từ quá trình học tiếng Anh để đưa ra phương pháp học phù hợp để khiến việc học trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Ví dụ, người học có tư duy tốt về hình ảnh và thích xem các nội dung bằng tiếng Anh thì nên ưu tiên các hình thức học trực quan hơn (học qua video, hình ảnh, sơ đồ…). Hoặc nếu người đọc có một số điểm yếu như: ngại nói trước người lạ, đôi khi nói quá nhanh, lắp bắp… thì nên ưu tiên cải thiện khuyết điểm của bản thân trước khi học sang các nội dung nâng cao hơn.

Cũng phải lưu ý rằng người học hoàn toàn có thể xin những góp ý này từ giáo viên hay người hướng dẫn trong quá trình học. Tuy nhiên, việc học nói tiếng Anh, hay việc tiếp thu kiến thức nói chung đều là một quá trình lâu dài, đòi hỏi người học phải chủ động hiểu rõ và tự điều chỉnh quá trình học của mình, không thể lúc nào cũng có người hướng dẫn. Điều này cũng đã được chỉ ra trong nghiên cứu của Zimmerman (2022). Cụ thể, những người học có khả năng tự điều chỉnh (self-regulate) phương pháp học của bản thân thường có nhiều khả năng thành công hơn cả trong học tập lẫn trong sự phát triển bản thân sau này.

Cá nhân hóa mục tiêu học Speaking

Khi đã có được đánh giá tương đối chính xác về các điểm mạnh/yếu và nhu cầu học của bản thân, người học có thể so sánh nó với mục tiêu bản thân đang hướng tới. Từ đó, vạch ra các mặt đã tốt, và các mặt chưa tốt cần cải thiện.

Cụ thể, người học nên đặt ra các mục tiêu theo mô hình S.M.A.R.T (Specific, Measurable, Achievable, Realistic, and Timely) thay vì đề ra các mục tiêu chung chung hoặc thiếu thực tế. Cách tiếp cận này giúp thúc đẩy tính tự chủ của người học, cho phép người học điều chỉnh liên tục khi có tiến bộ hoặc thay đổi nhu cầu của bản thân.

image-altMinh họa cho mục tiêu học Speaking cá nhân hóa theo mô hình S.M.A.R.T

Tổng kết

Trong thời đại thông tin hiện nay, người học đã và đang đóng vai trò chủ động hơn trong việc học của mình. Đây dường như đã trở thành một xu hướng tất yếu không chỉ với việc học tiếng Anh mà còn với nhiều kiến thức khác. Qua bài viết trên, người đọc đã được giới thiệu về 4 công cụ khác nhau để đánh giá khả năng nói tiếng Anh, cách hiểu thói quen học và tiếp thu kiến thức của mình, cách đặt ra mục tiêu học phù hợp với bản thân.

Nguồn tham khảo

  1. Bray, Barbara, and Kathleen Mcclaskey. “A STEP-BY-STEP GUIDE to PERSONALIZE LEARNING.” Learning & Leading with Technology, vol. 336, 2013, files.eric.ed.gov/fulltext/EJ1015153.pdf.

  2. Dabbagh, Nada, and Anastasia Kitsantas. “Personal Learning Environments, Social Media, and Self-Regulated Learning: A Natural Formula for Connecting Formal and Informal Learning.” The Internet and Higher Education, vol. 15, no. 1, Jan. 2012, pp. 3–8, www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1096751611000467, https://doi.org/10.1016/j.iheduc.2011.06.002.

  3. hubeiqiao. “IELTS-Speaking-Simulator/README_EN.md at Main · Hubeiqiao/IELTS-Speaking-Simulator.” GitHub, github.com/hubeiqiao/IELTS-Speaking-Simulator/blob/main/README_EN.md. Accessed 25 June 2024.

  4. McLoughlin, Catherine, and Mark J. W. Lee. “Personalised and Self Regulated Learning in the Web 2.0 Era: International Exemplars of Innovative Pedagogy Using Social Software.” Australasian Journal of Educational Technology, vol. 26, no. 1, 7 Mar. 2010, https://doi.org/10.14742/ajet.1100. Accessed 24 June 2019.

  5. Zimmerman, Barry J. “Becoming a Self-Regulated Learner: An Overview.” Theory into Practice, vol. 41, no. 2, May 2002, pp. 64–70, https://doi.org/10.1207/s15430421tip4102_2.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
GV
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...