Phương pháp dạy dịch ngữ pháp là gì? Cách loại bỏ thói quen dịch từng từ khi giao tiếp
Một trong những phương pháp học và giảng dạy ngôn ngữ lâu đời và phổ biến nhất là phương pháp dịch ngữ pháp (Grammar-Translation Method – viết tắt là GTM). Dù được chứng minh phương pháp học và giảng dạy này đã lỗi thời và kém hiệu quả trong thời đại hội nhập hiện nay, nhiều chương trình học tiếng Anh ở nhiều nước trên thế giới vẫn luôn áp dụng phương pháp này và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Hệ quả là nhiều người học vẫn luôn gặp phải nhiều khó khăn khi giao tiếp tiếng Anh, trong đó thói quen dịch từng chữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh vẫn luôn là một trong những vấn đề nhức nhói và khó giải quyết nhất. Bài viết này sẽ giúp người đọc tìm hiểu thế nào là GTM, ảnh hưởng xấu của thói quen dịch Việt - Anh và những đề xuất giúp người học luyện tập khả năng suy nghĩ bằng tiếng Anh, từ đó cải thiện khả năng nói và viết tiếng Anh của học viên.
Key takeaways:
1. Phương pháp học và giảng dạy GTM là phương pháp được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới mặc dù nó có rất nhiều yếu điểm và là nguyên nhân dẫn đến thói quen dịch nghĩa từng từ khi giao tiếp tiếng Anh.
2. Học viên gặp nhiều vấn đề với phương pháp GTM này, và phần lớn các vấn đề này cũng là tác hại của việc dịch nghĩa từng từ khi giao tiếp tiếng Anh.
3. Người học có thể áp dụng bất kì và linh hoạt thay đổi các đề xuất sau đây để cải thiện khả năng suy nghĩ, loại bỏ thói quen dịch nghĩa và phát triển kỹ năng nói và viết của bản thân
Hãy hòa mình vào tiếng Anh mỗi ngày.
Sử dụng tiếng Anh trong những vật dụng quen thuộc hằng ngày
Suy nghĩ bằng tiếng Anh từ những từ vựng cơ bản nhất và phát triển thành câu.
Tự nói chuyện với bản thân bằng tiếng Anh
Viết bằng tiếng Anh
Luyện tập nói và viết với người khác
Sử dụng từ điển Anh-Anh
Phương pháp giảng dạy Grammar-Translation là gì?
Phương pháp học và giảng dạy Grammar-Translation là phương pháp giảng dạy ngôn ngữ nước ngoài đã được áp dụng rộng rãi tại những nước châu Âu vào thế kỉ 18 và 19. Phương pháp này ban đầu được phát triển để giảng dạy tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp Cổ Đại. Tuy nhiên, phương pháp này được áp dụng để giảng dạy và học tiếng nước ngoài như một ngành học thuần ngôn ngữ và nghiên cứu. Vì vậy, GTM là phương pháp tập trung vào việc đọc hiểu một ngôn ngữ thay vì sử dụng và giao tiếp với người khác. Khi tiếng Anh trở nên thịnh hành và được công nhận là ngôn ngữ quốc tế, phương pháp GTM vẫn tiếp tục được áp dụng hoàn toàn vào việc dạy học từ hàng trăm năm trước đến hiện nay. Một số đặc trưng của GTM là:
Giảm thiểu gánh nặng dạy học ngôn ngữ cho giáo viên
Mục tiêu của phương pháp là giúp người học đọc hiểu cơ bản và dịch ngôn ngữ sang tiếng mẹ đẻ và ngược lại
Phương pháp này gần như không tập trung vào khả năng giao tiếp (gồm các kỹ năng nghe, nói và viết)
Học sinh học thụ động trong lớp và rất ít tương tác từ người học với giáo viên
Học sinh sẽ học thuộc lòng danh sách từ vựng và ngữ pháp.
Ghi nhớ và dịch nghĩa là hai cách dạy và học phổ biến nhất trong phương pháp GTM
Phương pháp này đặc biệt chú trọng vào độ chính xác, đặc biệt là việc sử dụng ngữ pháp.
Từ vựng được dạy phần lớn là từ các đoạn văn mẫu. Từ vựng sẽ được dịch chính xác thành một từ khác trong tiếng mẹ đẻ.
Phần lớn ngữ cảnh giao tiếp không được quan tâm.
Nhìn chung, phương pháp GTM đang dần trở nên lạc hậu và không phù hợp trong thời đại hội nhập toàn cầu vì người học không thể giao tiếp và sử dụng tiếng Anh tốt. Tuy nhiên, phần lớn người học Việt Nam đã trở nên quen thuộc và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi GTM, từ đó vấn nạn dịch nghĩa từng từ một khi nói và viết tiếng Anh trở thành một trong những điểm yếu cố hữu của người học.
Những ảnh hưởng xấu của thói quen dịch nghĩa từng chữ khi giao tiếp tiếng Anh
Nhìn chung, những ảnh hưởng của thói quen dịch Việt-Anh khi giao tiếp phần lớn bắt nguồn từ những điểm yếu của phương pháp GTM.
Thói quen dịch Việt-Anh hoặc dịch ngược lại khiến người học không thể giao tiếp tiếng Anh lưu loát và tự nhiên vì học viên phải vừa nghe, vừa dịch để hiểu, và dịch ngược lại từ Việt sang Anh để trả lời.
Vì thói quen dịch nghĩa liên tục với lượng kiến thức từ vựng và ngữ pháp chủ yếu là văn viết, học viên có thể sẽ không thể dịch hiểu được một câu nói trong một đoạn hội thoại. Và khi người học cố dịch từ Việt sang Anh để giao tiếp với người khác, lượng kiến thức trên cũng có thể khiến nội dung câu nói mơ hồ, khó hiểu hoặc thậm chí là sai hoàn toàn, từ đó khiến người nghe cảm thấy khó chịu hoặc bị tổn thương nếu họ hiểu sai ý của người nói.
Mặc dù GTM tập trung vào kiến thức văn viết, học viên cũng không thể viết tốt vì phần lớn nội dung học liên quan đến trắc nghiệm, dịch nghĩa, học thuộc từ vựng và dịch câu viết. Tuy nhiên, GTM không hề tập trung vào ngữ cảnh câu viết hay luyện tập viết đoạn về những chủ đề thực tế trong cuộc sống.
Vì phương pháp dạy và học GTM không tập trung vào bối cảnh giao tiếp, học sinh chắc chắn sẽ thiếu nhiều kiến thức về cách sử dụng ngôn ngữ phù hợp với nhiều ngữ cảnh khác nhau(pragmatics) cũng như thiếu ý tưởng và thông tin về các chủ đề khác nhau trong nhiều tình huống giao tiếp (topical knowledge). Từ đó, người học không thể dịch và hiểu được nhiều câu nói hoặc viết một cách hiệu quả.
Suy nghĩ bằng tiếng Anh là gì và một số giải pháp giúp luyện tập khả năng này
Suy nghĩ bằng tiếng Anh là khi học viên có thể dễ dàng giao tiếp (nói hoặc viết) mà không cần phải dịch nghĩa từ tiếng Việt. Học viên không cần phải học thuộc lòng từ vựng cấu trúc, dịch nghĩa từng từ một hay chuẩn bị quá chi tiết để có thể nói hoặc viết một vài câu cơ bản hằng ngày. Với khả năng suy nghĩ bằng tiếng Anh, học viên không những có thể cải thiện những yếu điểm trên mà còn giúp bản thân giao tiếp tốt bằng tiếng Anh một cách lưu loát hơn, tự nhiên hơnvà cách sử dụng tiếng Anh giống với cách của người bản địa hơn. Sau đây là một số đề xuất giúp học viên luyện tập khả năng này, học viên nên cân nhắc và áp dụng những giải pháp sau đây linh hoạt và phù hợp với bản thân.
Hãy hòa mình vào tiếng Anh mỗi ngày
Mỗi ngày, học viên nên dành ra ít nhất 10 phút để hòa mình vào tiếng Anh. Học viên cần giải trí và vui vẻ với các hoạt động cá nhân khác nhau như lắng nghe radio bằng tiếng Anh, nghe nhạc tiếng Anh, xem phim hay đọc sách tiếng Anh, đọc tin tức hay xem video trên Youtube bằng tiếng Anh …
Học viên cần giải tỏa áp lực, cảm thấy thoải mái và thích thú với các hoạt động này vì điều này giúp người học không những không cảm thấy áp lực và chán nản mà còn có thể giúp bản thân làm quen với môi trường tiếng Anh hằng ngày. Học viên còn có thể chọn lọc các từ vựng cần thiết và bắt đầu sử dụng chúng theo cách người bản địa sử dụng. Từ đó, học viên sẽ cảm thấy thoải mái với môi trường tiếng Anh hơn và học được nhiều từ vựng sử dụng trong đời sống.
Sử dụng tiếng Anh trong những vật dụng quen thuộc hằng ngày
Học viên có thể bắt đầu sử dụng tiếng Anh trong các vật dụng quen thuộc hằng ngày ví dụ như thay đổi ngôn ngữ chính của điện thoại và laptop thành tiếng Anh, xem lịch bằng tiếng Anh, thay đổi ngôn ngữ trên các trang mạng xã hội thường dùng thành tiếng Anh… Từ đó, giúp người học có thể làm quen với các từ cơ bản một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và không hề áp lực. Ví dụ, thay vì tìm và nhìn thấy “tháng tám” bằng tiếng Việt, học viên sẽ quen với từ “August” hơn, hoặc từ “shut down” để mỗi lần tắt máy tính thay vì từ “tắt máy”.
Suy nghĩ bằng tiếng Anh từ những từ vựng cơ bản nhất và phát triển thành câu
Học viên nên bắt đầu bằng cách luyện tập nêu tên những đồ vật quen thuộc trong nhà bằng tiếng Anh mỗi khi mình bắt gặp. Đây là bước đầu giúp học viên làm quen với quá trình suy nghĩ bằng tiếng Anh. Ví dụ, khi thức dậy, người học có thể đang nằm trên giường và nghĩ đến từ “bed”, nhìn ra cửa sổ và nghĩ đến “window”. Học viên đi xuống cầu thang và nghĩ đến “staircase”, đi vào phòng tắm và nghĩ đến tên tiếng Anh “bathroom”. Bất kì lúc nào rãnh rỗi và nhìn thấy những vật dụng trong nhà, học viên nên đọc tên tiếng Anh của chúng. Mỗi khi có từ vựng không hiểu, học viên có thể ghi lại và tra sau. Cách này hữu dụng hơn cách học thuộc truyền thống vì giải pháp này giúp người học có động lực học từ, có thể dễ dàng nhớ từ khi gán trải nghiệm, hình ảnh và đồ vật với từ mới.
Khi đã làm quen với phương pháp trên, học viên tiếp tục liên kết các từ đã nhớ và phát triển thành từng cụm hoặc các câu ngắn và đơn giản. Với các ví dụ bên trên, học viên có thể nghĩ như sau: nghĩ giường màu đỏ thành từ “a red bed”, một chiếc cửa sổ bám bụi là “a dusty window”, cầu thang bằng gỗ là “a wooden staircase” hay nhà vệ sinh sạch sẽ “a clean bathroom”. Sau đó, học viên có thể phát triển thành những mẫu câu cơ bản và dễ hiểu ví dụ như “I’m lying on a red bed”, “I’m looking at a dusty window”, “I’m going down the wooden staircase”, “my house has a clean bathroom” …. Học viên cần chú ý dù ở bước luyện tập nào, người học cần suy nghĩ bằng tiếng Anh cơ bản, đơn giản và dễ hiểu vì khi suy nghĩ quá phức tạp, học viên sẽ không thể suy nghĩ bằng tiếng Anh và từ đó dễ chán nản và từ bỏ luyện tập.
Nhìn chung, khác với phương pháp GTM, đề xuất này giúp học viên học và sử dụng tiếng Anh gắn liền với ngữ cảnh đời sống hằng ngày của bản thân, từ đó giúp người học dễ tiếp thu từ mới cũng như trao dồi khả năng nói trong các chủ đề hằng ngày.
Tự nói chuyện với bản thân bằng tiếng Anh
Luyện tập này chỉ nên áp dụng sau khi thành thạo phương pháp thứ 3, vì sau khi suy nghĩ bằng tiếng Anh với những câu tiếng Anh cơ bản, học viên cần nói ra những suy nghĩ thành lời. Người đọc nên dành ra ít nhất 2 phút mỗi ngày, hoặc nhiều hơn càng tốt. Học viên cần đặc biệt chú ý rằng khi suy nghĩ và nói thành lời, học viên có thể sẽ gặp nhiều trường hợp bí những từ vựng cần thiết để nói. Học viên nên cố gắng tìm cách khác để diễn giải ý tưởng, hoặc thậm chí có thể bỏ qua ý đó và phát triển câu với ý khác. Học viên cần bám sát vào lượng từ vựng và khả năng suy nghĩ vốn có để tiếp tục luyện tập, và sau đó có thể tìm hiểu từ mới để học và vận dụng sau này.
Cách luyện tập này giúp học viên có thể luyện tập suy nghĩ tiếng Anh tốt hơn, phát âm và không cảm thấy áp lực vì không cần cố gắng suy nghĩ quá nhanh để nói hay viết như trong giao tiếp hằng ngày. Học viên có thể suy nghĩ và nói (hoặc viết) về những dự định trong ngày, kế hoạch của bản thân hay nói về những hoạt động đang thực hiện. Ví dụ người đọc có thể nói “I’m doing my laundry” khi đem đồ đi giặt, hoặc nói “I’m cooking” khi nấu ăn… Tùy vào thời điểm rãnh trong ngày, học viên có thể luyện tập bất cứ lúc nào cảm thấy thoải mái như khi tắm, hay trước khi ngủ,…
Viết bằng tiếng Anh
Mặc dù văn viết và nói rất khác nhau, kỹ năng viết và nói một ngôn ngữ thành thạo lại có thể bổ trợ cho nhau. Cũng như nói lớn thành lời, người đọc cần thường xuyên viết những mẫu câu tiếng Anh ngắn vì điều này không những giúp cải thiện khả năng nói tiếng Anh, mà còn giúp bản thân làm quen với cách suy nghĩ và sử dụng tiếng Anh trong văn viết nhiều hơn. Cũng như các đề xuất trên, người đọc nên viết những cụm hay mẫu câu tiếng Anh ngắn gọn và dễ hiểu với lượng từ vựng đơn giản và có sẵn của mình. Học viên có thể suy nghĩ và viết tiếng Anh mỗi lần cần ghi chú điều gì, ví dụ như ghi chú “how to say tai nghe ụp in English” mỗi khi người đọc bí từ và muốn tìm hiểu thêm, hay viết danh sách những thứ cần mua mỗi khi đi mua sắm, viết tin nhắn bằng tiếng Anh cho ai đó hay tra google bằng tiếng Anh… Đặc biệt, khi học viên viết càng nhiều và càng làm quen với cách suy nghĩ trong văn viết như viết tâm sự hay các hoạt động của bản thân vào nhật kí, viết blog… sẽ càng giúp cải thiện khả năng tư duy và giao tiếp bằng văn viết.
Luyện tập nói và viết với người khác
Ở giải pháp này, người đọc cần thành thạo và có thể suy nghĩ bằng tiếng Anh ở một mức độ nhất định. Học viên có thể bắt đầu với một số lần nói chuyện hay nhắn tin cơ bản với bạn bè. Người đọc nên nhắc trước cho người còn lại để cả hai luôn cố gắng, nổ lực hỗ trợ cho nhau và luôn nói hay viết về những chủ đề cơ bản trước. Khác với các cách trên, cách này giúp người học làm quen với nhịp độ nói hay viết trong trường hợp cụ thể và thực tế hơn, từ đó nâng cao khả năng phản xạ của não hơn khi sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. Học viên còn có thể kết bạn với người nước ngoài để có thể trò chuyện và nhắn tin với họ qua các trang mạng xã hội hay thậm chí qua các trò chơi điện tử online. Vì khi giao tiếp với người bản địa, người học có cơ hội kiểm chứng tiếng Anh của bản thân liệu nó có phù hợp và dễ hiểu cho người bản sứ và cũng có thể làm quen và học hỏi cách sử dụng tiếng Anh của họ. Đặc biệt với văn viết, Youtube là nguồn luyện tập rất hiệu quả. Ví dụ mỗi lần xem tin tức nước ngoài, hay đơn giản nghe nhạc, xem video của người nước ngoài…, người học có thể đọc phần comment của rất nhiều người nước ngoài, và thậm chí có thể viết hồi đáp hay thể hiện cảm xúc và ý kiến ca nhân. Từ đó, người đọc có thể học hỏi và kiểm chứng khả năng suy nghĩ và viết tiếng Anh của bản thân khi có thể so sánh các câu trả lời với nhau.
Sử dụng từ điển Anh-Anh
Từ điển là một trong những công cụ không thể thiếu của người học tiếng Anh, vì thế học viên nên sử dụng từ điển Anh-Anh vì nhiều mục đích sau. Khác với từ điển Anh-Việt, từ điển Anh-Anh không dịch tiếng Anh sang một từ nhất định trong tiếng mẹ đẻ mà nó dịch thành những câu văn mô tả một từ vựng bằng tiếng Anh. Từ đó, không những tăng tần suất tiếp xúc với tiếng Anh, người học còn có thể tư duy và hiểu từ mới bằng tiếng Anh và thậm chí học cách mô tả từ vựng, sự việc, sự vật hay ý tưởng bằng tiếng Anh, góp phần cải thiện khả năng diễn đạt linh hoạt và uyển chuyển của bản thân (kỹ năng paraphrase). Từ điển Anh-Anh còn giúp học viên tăng thêm vốn từ vựng và nó còn là nguồn tham khảo chuẩn cho người học cải thiện khả năng viết tiếng Anh học thuật sau này.
Tổng kết
Có rất nhiều giải pháp giúp học viên suy nghĩ và cải thiện khả năng giao tiếp (nói hoặc viết) bằng tiếng Anh. Người học có thể áp dụng các giải pháp này và thay đổi tùy thích để giúp bản thân thích nghi với khả năng suy nghĩ bằng tiếng Anh nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ngoài ra, học viên cần có quyết tâm và có những giải pháp riêng giúp bản thân luyện tập điều độ hằng ngày vì thay đổi cách suy nghĩ và tư duy từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng nước ngoài là một quá trình lâu dài và khó khăn. Vì thế dù với bất cứ giải pháp nào bên trên, học viên cần phải giải tỏa căng thẳng, không nên cảm thấy nặng nề và gắn liền những hoạt động yêu thích hằng ngày của bản thân với quá trình luyện tập của mình để giúp người học tiến bộ nhanh chóng và không cảm thấy chán nản khi gặp khó khăn và thất bại.
Bình luận - Hỏi đáp