Phương pháp tự học kỹ năng nghe dành cho trình độ cơ bản
Nghe hiểu là kỹ năng khó cải thiện trong thời gian ngắn, đặc biệt là với người mới học khi chưa có phương pháp tự học kỹ năng nghe đúng đắn cũng như dễ mất động lực nếu học không có tiến bộ.
Thông qua bài viết này, tác giả nói về những khó khăn trong việc tự học kỹ năng nghe và đưa ra một số phương pháp phù hợp với người mới bắt đầu học tiếng Anh, cùng đánh giá khách quan về điểm tốt và điểm hạn chế của từng phương pháp. Cuối cùng, tác giả giới thiệu một số nguồn luyện nghe đáng tin cậy và phù hợp với trình độ người học cơ bản.
Key takeaways |
---|
Những khó khăn trong việc tự học kỹ năng nghe:
Một số phương pháp phù hợp với người mới bắt đầu:
Một số nguồn luyện nghe đáng tin cậy và phù hợp với trình độ cơ bản:
|
Những khó khăn trong việc tự học kỹ năng nghe
Trong quá trình tự học kỹ năng nghe, người học tiếng Anh, đặc biệt là người luyện nghe tiếng Anh trình độ cơ bản sẽ gặp phải không ít các khó khăn. Dù vậy, việc tự học tiếng Anh nói chung và tự luyện nghe tiếng Anh nói riêng là kỹ năng vô cùng quan trọng, là căn bản của việc học tiếng Anh, bởi lẽ người học khó có thể lúc nào cũng ngồi trong lớp học. Dưới đây là một số khó khăn phổ biến mà người luyện nghe tiếng Anh trình độ cơ bản đã và đang đối mặt.
1. Không tìm được nguồn luyện nghe phù hợp với trình độ
Hiện nay, với sự tiện lợi của internet, người học có thể dễ dàng tiếp cận với các nguồn luyện nghe tiếng Anh từ các website và ứng dụng trên điện thoại thông minh. Các nguồn luyện nghe trên các website và ứng dụng di động cũng rất đa dạng về hình thức, nội dung, đối tượng hướng tới, phương pháp truyền đạt,…
Tuy nhiên, mỗi nguồn luyện nghe sẽ được hướng tới một hoặc một số nhóm đối tượng cụ thể với trình độ tiếng Anh cụ thể. Độ khó của một bài nghe có thể phụ thuộc vào các yếu tố sau:
Tốc độ của người nói: Đối với người nghe trình độ cơ bản, sẽ rất khó để nghe và hiểu thông tin khi người nói nói nhanh, đi kèm với các hiện tượng nối âm, nuốt âm,…
Độ dài của bài nói: Trong quá trình nghe hiểu, người nghe cần nghe và ghi nhớ các thông tin của các câu văn, các đoạn văn, và thông tin tổng quan của bài nói. Nếu bài nói quá dài, người luyện nghe trình độ cơ bản có thể bị mất tập trung, khó ghi nhớ và gặp khó khăn trong việc nghe hiểu.
Trường từ vựng trong bài: Nếu trong bài nghe có nhiều từ vựng không quen thuộc với người nghe, người nghe sẽ gặp khó khăn trong việc nghe hiểu từng từ, từng câu, và hiểu cả đoạn văn.
Giọng tiếng Anh của các vùng miền khác nhau: Thông thường, những giọng tiếng Anh phổ biến là Anh Anh, Anh Mỹ, Anh Úc, Anh Canada,… Tuy nhiên chỉ riêng trong tiếng Anh Anh, đã có sự khác biệt về phát âm giữa các vùng miền.
Nếu người học không luyện nghe từ nguồn phù hợp với trình độ của mình (nghe từ các nguồn quá dễ hoặc quá khó), trình độ nghe có thể không được cải thiện, hoặc cải thiện rất ít, gây nản cho người học.
2. Trường từ vựng không đủ rộng
Đây là một trong những rào cản lớn của người học tiếng Anh nói chung và người luyện nghe tiếng Anh nói riêng. Từ vựng là yếu tố căn bản và quan trọng nhất trong việc học ngôn ngữ.
Trong quá trình hướng dẫn học viên học, giáo viên nhận thấy một bộ phận học viên không có vốn từ vựng đủ để dịch lời thoại của bài hội thoại, ngay cả khi giáo viên phát lời thoại cho học viên xem. Như vậy, khi học viên luyện nghe, sẽ rất khó để hiểu bài nghe đang nói về nội dung gì.
Tham khảo thêm: Tổng hợp từ vựng tiếng Anh trình độ A1 thông dụng.
3. Ngữ pháp & khả năng dịch câu hạn chế
Một số người học ngoại ngữ gặp phải vấn đề sau: Họ biết nghĩa của tất cả từ vựng trong một câu, nhưng lại không thể dịch và hiểu đúng nghĩa tổng quan của cả câu này. Lỗi phổ biến của người học cụ thể là:
Chưa biết cách dịch cụm danh từ. Người học thường dịch từ trái sang phải, trong khi có những cụm danh từ rất dài, phải dịch từ danh từ chính về trước rồi về sau. Ví dụ: an entirely new and modern approach to irrigation management practices in the rural areas (một cách tiếp cận hoàn toàn mới và hiện đại về hoạt động quản lý tưới tiêu ở các vùng nông thôn)
Chưa xác định được chủ ngữ và động từ chính trong câu, đặc biệt với câu phức có các mệnh đề quan hệ, mệnh đề danh từ,… Ví dụ: What I want, which I guess you can never imagine, is to travel around the world with the cat my dad gave me on my birthday. (Điều tôi muốn, điều mà tôi nghĩ bạn không thể tưởng tượng được, là đi du lịch vòng quanh thế giới với con mèo bố tôi tặng vào ngày sinh nhật). Trong câu trên, chủ ngữ chính là “what I want” và động từ chính là “is”, nhưng nhiều người học lại xác định là “I”.
Dành cho người học trình độ cơ bản: Lộ trình học ngữ pháp tiếng Anh trong 6 tuần cho người mới.
4. Phương pháp tự học kỹ năng nghe không phù hợp
Mỗi người học phù hợp với một hoặc một số phương pháp luyện nghe khác nhau. Có người có thể kiên trì luyện nghe trong thời gian dài, có người chỉ có thể luyện nghe trong thời gian ngắn. Có người luyện nghe radio, podcast trong khi làm việc nhà hoặc di chuyển, có người phải ngồi trong không gian yên tĩnh để tập trung nghe…
Như vậy, nếu không có phương pháp phù hợp, người học khó có thể nghe hiểu thông tin của bài nghe, từ đó khó có thể nâng cao khả năng nghe của mình.
Một số phương pháp phù hợp với người mới bắt đầu
Như đã đề cập ở trên, một số khó khăn của người luyện nghe tiếng Anh trình độ cơ bản đến từ việc họ chưa có phương pháp học tập phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp cơ bản được đề xuất cho người luyện nghe tiếng Anh trình độ cơ bản.
1. Kiên trì luyện nghe với một nguồn cố định
Hiện nay, có rất nhiều nguồn luyện nghe mà người học tiếng Anh có thể tiếp cận để luyện tập. Tuy nhiên, nó cũng khiến người luyện nghe bị ngợp khi một số người download nhiều tài liệu luyện nghe và lưu nhiều nguồn luyện nghe khác nhau, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, hoặc mỗi ngày nghe mỗi nguồn.
Một phương pháp có thể áp dụng là luyện nghe với một nguồn và chọn một series cố định để nghe. Ví dụ, series “Writing home” trong loạt podcast của British Council là một series cho người luyện nghe tiếng Anh trình độ cơ bản, gồm 10 tập nhỏ, mỗi tập nói về một bức thư mà nhân vật trong series gửi về cho gia đình, kể về cuộc sống của mình ở London. Người luyện nghe sẽ được nghe cách nhân vật mở đầu trong mỗi lá thư, cách nhân vật kể về trải nghiệm của mình ở London,…
Ưu điểm của phương pháp này là người học sẽ được nghe một mạch kể thống nhất, lời chào mở đầu và lời tạm biệt, cách dùng từ và phương ngữ thống nhất xuyên suốt các bài nghe. Việc lặp đi lặp lại chúng khiến người học có thể ghi nhớ chúng một cách tự nhiên.
Điểm hạn chế của phương pháp này nằm ở việc không nhiều nguồn luyện nghe được thiết kế theo cách này. Thông thường các bài luyện nghe trên các website được thiết kế thành các bài nhỏ riêng biệt, còn các series có mạch truyện thống nhất thường có trong một số ứng dụng nghe podcast / radio.
2. Luyện nghe để hiểu nội dung thay vì tìm đáp án
Kỹ năng nghe hiểu nội dung là vô cùng quan trọng, bởi lẽ nó giúp ích trong giao tiếp thông thường và trong các bài thi học thuật. Với các bài thi học thuật như IELTS, để kiểm tra kỹ năng nghe hiểu, các đáp án được thiết kế với câu từ trùng lặp với thông tin trong audio. Nếu người đọc chỉ nghe được từng từ vựng mà không thể hiểu, rất có thể người học sẽ chọn các đáp án sai, đáp án gây nhiễu.
Để luyện tập nghe hiểu, người học cần lưu ý các điểm sau:
Có thể chọn nghe audio hoặc video. Video thường có hình ảnh minh hoạ, giúp người học hình dung và đoán nội dung dễ hơn. Tuy nhiên trong các bài thi, người học sẽ nghe audio, vì vậy vẫn cần kết hợp cả 2 hình thức này.
Có thể chọn audio / video có thời lượng dài hoặc ngắn đều được, nhưng cần bắt đầu từ những nội dung đơn giản, gần gũi, hoặc những nội dung mình quan tâm.
Tập trung nghe và hiểu nội dung người nói muốn truyền đạt. KHÔNG đọc transcript hoặc làm câu hỏi nghe hiểu trong khi đang nghe.
Chọn không gian và thời gian hợp lý, để bản thân tập trung vào việc luyện nghe.
Sau khi nghe xong, người học nên tra cứu các từ vựng mình chưa biết, đọc hiểu transcript của bài và nghe lại bài nghe đó (ngay lập tức hoặc vào ngày hôm sau) để xem mình đã nghe hiểu được hết nội dung của bài hay chưa.
Ưu điểm của phương pháp này là giúp người học cải thiện kỹ năng nghe hiểu nhanh chóng hơn, giúp người học thực sự hiểu người nói muốn truyền tải nội dung gì. Đây là nền tảng căn bản giúp người học chinh phục các bài thi ngôn ngữ như IELTS Listening.
Nhược điểm của phương pháp này là người học có thể cảm thấy nản vì phải nghe một audio nhiều lần trước và sau khi đọc transcript. Phương pháp này cần được đầu tư thời gian và học một cách nghiêm túc.
3. Microlearning - chia nhỏ các học phần
Microlearning được hiểu là phương pháp chia vấn đề lớn cần học thành các phần nhỏ để giải quyết. Ví dụ: “cải thiện khả năng nghe hiểu” là vấn đề lớn, nhưng người luyện nghe có thể thực hành một số cách sau để đơn giản hoá và cụ thể hoá nó:
Luyện nghe tiếng Anh từ 5-10 phút vào một thời điểm cố định trong ngày, có thể là ngay sau khi ngủ dậy, trước khi ăn trưa, trước khi đi ngủ,…
Luyện nghe đoạn hội thoại ngắn 5-10 phút trong lúc khoảng thời gian giải lao ngắn, chỉ tập trung nghe và hiểu, không cần làm câu hỏi / bài tập nghe hiểu
Ưu điểm của phương pháp này là thời gian luyện nghe ngắn, vì vậy khả năng thực hiện và hoàn thành được việc luyện nghe sẽ cao hơn, khiến người học cảm thấy có động lực hơn. Đồng thời, đối với những người có lịch trình bận rộn, không có thời gian học với sách vở, máy tính trong thời gian dài, microlearning giúp người học tận dụng tối đa thời gian rảnh để luyện nghe.
Điểm hạn chế của phương pháp này là không giúp người học luyện tập chuyên sâu để nghe đi nghe lại nhiều lần, làm câu hỏi nghe hiểu và học từ vựng nếu có. Vì vậy người học cần kết hợp giữa microlearning và các phương pháp chuyên sâu khác.
Tìm hiểu thêm: Microlearning là gì? Lợi ích và áp dụng vào việc học từ vựng tiếng Anh.
4. Tham khảo ý kiến người có trình độ tốt hơn
Như đã đề cập ở trên, một số người học tiếng Anh gặp khó khăn trong việc dịch đúng ngữ nghĩa của câu văn, mặc dù họ biết nghĩa của tất cả các từ vựng trong câu đó. Vì vậy, sau khi nghe một audio / video và đọc transcript của bài nghe đó, có thể có những câu văn người học không thực sự hiểu nghĩa, hoặc không chắc mình dịch có đúng hay không.
Trong trường hợp này, người học nên chủ động hỏi ý kiến của người có trình độ tiếng Anh tốt, như giáo viên dạy mình, hoặc những người có kiến thức ngữ pháp vững chắc, tránh trường hợp dịch sai, hiểu sai.
Ưu điểm của cách học này là giúp người học hiểu một cách chính xác nhất về câu văn, qua đó dần cải thiện khả năng dịch và hiểu câu văn. Tuy nhiên điểm hạn chế là người học có thể không nhận được câu trả lời ngay cho câu hỏi của mình.
Như vậy, tác giả đã đề một số phương pháp cơ bản cho người luyện nghe tiếng Anh trình độ cơ bản. Tuy nhiên, người học cần chú ý các điểm sau:
Mỗi phương pháp đều có một hoặc một số ưu điểm và hạn chế nhất định. Người học có thể khắc phục chúng bằng cách xen kẽ giữa các hình thức học để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Từ vựng và ngữ pháp là hai yếu tố căn bản của kỹ năng nghe nói riêng cũng như các kỹ năng khác trong tiếng Anh. Vì vậy người học cần tích cực trau dồi vốn từ vựng, học chắc ngữ pháp, có thể học từ vựng và ngữ pháp thông qua các bài nghe.
Cần hiểu rằng việc luyện nghe là một quá trình lâu dài, vì vậy người học cần kiên nhẫn và không nên vội nản nếu thấy mình không có tiến bộ rõ rệt.
Một số nguồn luyện nghe đáng tin cậy và phù hợp với trình độ cơ bản
1. LearnEnglish.British Council
Link website: https://learnenglish.britishcouncil.org/skills/listening
British Council (Hội đồng Anh) là một trong những đơn vị cung cấp các khoá đào tạo tiếng Anh uy tín, cũng là đơn vị được quyền tổ chức kỳ thi IELTS. Tại website dành cho người luyện nghe tiếng Anh của British Council, các bài nghe được chia theo trình độ A1, A2, B1, B2, C1.
Người luyện nghe trình độ cơ bản có thể chọn nghe các audio ở trình độ A1, A2. Điểm tốt của các audio này là chất lượng âm thanh tốt, giọng chuẩn, có phụ đề ở phía dưới, cùng với đó là bài tập kiểm tra kỹ năng nghe hiểu.
2. TalkEnglish
Link website: https://www.talkenglish.com/listening/listenbasic.aspx
Talk English là website cung cấp 34 bài hội thoại ngắn (khoảng 30 giây mỗi bài) về các chủ đề hàng ngày. Ưu điểm của các audio này là chúng khá ngắn, người luyện nghe có thể cảm thấy dễ chịu hơn, có thể nghe đi nghe lại nhiều lần. Dưới mỗi audio cũng có phụ đề đoạn hội thoại và các câu hỏi kiểm tra nghe hiểu.
3. Oxford Online English
Link website: https://www.oxfordonlineenglish.com/free-english-listening-lessons
Điểm đặc biệt của đa số các bài nghe tại website này là ở mỗi bài nghe, người học được cung cấp audio tốc độ bình thường và audio với tốc độ chậm. Ngoài ra, các bài nghe cũng được phân theo cấp độ, có phụ đề và bài tập kiểm tra nghe hiểu giống các website trên. Các bài nghe có độ dài khoảng trên 1 phút, chất lượng thu tốt, phát âm rõ ràng.
4. Mobile app: Listen English daily practice
Ứng dụng này cung cấp các bài nghe theo trình độ từ cơ bản đến nâng cao. Mỗi bài nghe đều có phụ đề và câu hỏi kiểm tra nghe hiểu. Các bài hội thoại khá ngắn, khoảng 30 giây, phù hợp cho việc luyện nghe nhiều lần.
Điểm nổi bật của ứng dụng này là các từ vựng đáng chú ý của audio sẽ được note ra một mục để người học tham khảo. Đồng thời khi nhấn vào một từ tiếng Anh bất kì, nó sẽ ngay lập tức được dịch sang tiếng Việt.
5. Mobile app: LearnEnglish Podcasts - British Council
Điểm khác biệt của ứng dụng này là nó cung cấp các bài nghe dài, khoảng 15 đến 20 phút. Tuy nhiên, với các bài nghe thuộc trình độ cơ bản, chúng thường là các bài hội thoại với nội dung dễ hiểu, có phụ đề kèm theo. Vì vậy, người học có thể không gặp nhiều khó khăn khi nghe audio dài do nội dung dễ hiểu.
Các podcast này cũng có trên trang web của Hội Đồng Anh, tuy nhiên việc nghe podcast trên điện thoại được cho là tiện lợi hơn.
Tổng kết
Bài viết trên đã đưa ra những khó khăn trong việc tự học kỹ năng nghe và một số phương pháp phù hợp với người mới bắt đầu học tiếng Anh, cùng đánh giá điểm tốt và hạn chế của từng phương pháp tự học kỹ năng nghe.
Anh ngữ ZIM hiện đang tổ chức các lớp học English Foundation để giúp người mới bắt đầu học tiếng Anh có nền tảng từ vựng cơ bản theo chủ đề, chủ điểm ngữ pháp nền tảng, luyện tập phát âm chuẩn và đọc/nghe hiểu được ý chính. Liên hệ ngay hotline 1900-2833 nhánh số 1 để được tư vấn chi tiết.
Tác giả hi vọng các nguồn luyện nghe được đề xuất ở trên sẽ giúp ích cho người luyện nghe tiếng Anh trình độ cơ bản.
Tài liệu tham khảo
Gilakjani, Abbas Pourhosein; Sabouri, Narjes Banou, 2016, Learners' Listening Comprehension Difficulties in English Language Learning: A Literature Review
Cambridge University Press, Cambridge Assessment English, How can I improve my listening?
Jacobsneed and Francisco J. Vare, 2022, How to Quickly Improve Your English Listening Skills Anywhere (https://www.fluentu.com/blog/english/how-to-improve-english-listening-skills/)
Bình luận - Hỏi đáp