Banner background

Giải quyết vấn đề Pronunciation and Fluency Duolingo English Test

Trong bài thi speaking của Duolingo English Test, việc phát âm chuẩn và nói trôi chảy là hai yếu tố quan trọng để đạt điểm cao. Tuy nhiên, không ít thí sinh gặp vấn đề với khả năng phát âm chính xác và sự lưu loát trong giao tiếp tiếng Anh, từ đó phản ánh sự thiếu tự tin trong việc sử dụng ngôn ngữ và ảnh hưởng đến kết quả chung của bài thi không được như kỳ vọng. Bài viết dưới sẽ phân tích những yếu tố dẫn đến thực trạng này ở người học và đề xuất một số giải pháp để cải thiện.
giai quyet van de pronunciation and fluency duolingo english test

Key takeaways

  • Tổng quan về bài thi Speaking trong Duolingo English Test (DET).

  • Phân tích tiêu chí Fluency (độ trôi chảy)  trong bài thi Speaking.

  • Phân tích tiêu chí Pronunciation (phát âm) trong bài thi Speaking..

  • Những yếu tố ảnh hưởng và khó khăn gặp phải.

  • Đề xuất một số giải pháp để cải thiện.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều người học tiếng Anh sử dụng các nền tảng trực tuyến để luyện tập, bài thi Speaking trong Duolingo English Test trở thành một công cụ phổ biến để đánh giá khả năng giao tiếp. Tuy nhiên, việc duy trì sự phát âm chính xác và độ trôi chảy trong quá trình thi vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều thí sinh. Các vấn đề như sự lo lắng, áp lực thời gian và thiếu tự tin có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất của họ. Do đó, bài viết này sẽ phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến phát âm và trôi chảy, cũng như đưa ra những chiến lược hữu ích giúp thí sinh cải thiện kỹ năng nói của mình trong bối cảnh thi Duolingo.

image-alt

Tổng quan về bài thi Speaking trong Duolingo English Test

Bài thi Speaking là một phần quan trọng trong bài thi Duolingo English Test (DET), nhằm đánh giá khả năng nói tiếng Anh của bạn một cách tự nhiên và toàn diện. Trong phần thi này, sẽ có các hình thức chính sau đây thí sinh cần lưu ý:

  • Speak about the photo (miêu tả một bức ảnh)

  • Listen, Then Speak (nghe và trả lời câu hỏi)

  • Read, Then Speak (đọc các câu hỏi gợi ý và nói)

  • Speaking sample 

Mỗi dạng bài sẽ có một vài lưu ý khác nhau về đặc điểm. Tuy nhiên điểm chung là bạn sẽ được yêu cầu nói về một chủ đề đã cho trước trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với bài thi Speaking, người học cần lưu ý các đặc điểm sau để có thể hiện khả năng của mình một cách tốt nhất:

Thời gian làm bài 

Với thời lượng 30 giây để đọc đề và tối đa 3 phút để trả lời, phần thi Speaking Sample đòi hỏi thí sinh phải sở hữu nhiều kỹ năng quan trọng như: nhanh chóng nắm bắt nội dung, xây dựng lập luận và diễn đạt ý tưởng một cách mạch lạc, súc tích trong thời gian ngắn. Còn với những dạng bài khác, thí sinh sẽ được cung cấp một thẻ chủ đề, trong đó bao gồm các câu hỏi gợi ý. Thường thí sinh sẽ phải nói về chủ đề này trong ít nhất 30 giây và nhiều nhất là 90 giây. Việc phải hoàn thành bài nói trong khoảng thời gian giới hạn càng làm tăng độ khó của bài thi. 

Chủ đề bài thi

Các chủ đề có thể bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, từ những vấn đề cá nhân đến những vấn đề xã hội. Phần thi Speaking Sample thường bao gồm một chuỗi câu hỏi liên kết với nhau, nhằm đánh giá khả năng diễn đạt và suy luận của thí sinh. Câu hỏi đầu tiên xác định chủ đề chính, trong khi các câu hỏi tiếp theo cung cấp những gợi ý cụ thể để thí sinh triển khai ý tưởng một cách sâu sắc và liên quan hơn. Trong khi đó, dạng bài Speak about the photo lại có thể thuộc bất kỳ chủ đề nào trong cuộc sống hàng ngày, từ phong cảnh thiên nhiên, sự kiện xã hội, hoạt động của con người đến các sản phẩm, đồ vật. Do đó, việc đọc kỹ và phân tích các câu hỏi là hết sức quan trọng để đảm bảo rằng câu trả lời nằm trong phạm vi yêu cầu và thể hiện khả năng tư duy logic, mạch lạc.

Các tiêu chí đánh giá  

Mặc dù mỗi dạng bài có những đặc thù khác nhau, những nhìn chung bài thi nói của Duolingo English Test đều đặt trọng tâm vào việc đánh giá tổng hợp năng lực ngôn ngữ của người học, bao gồm các yếu tố cốt lõi như phát âm, ngữ pháp, vốn từ vựng và khả năng diễn đạt ý tưởng một cách logic.

Cụ thể, các tiêu chí đánh giá chính tập trung vào:

  • Phát âm (Pronunciation): Độ rõ ràng và chính xác của âm tiết, trọng âm, và ngữ điệu đóng vai trò quyết định trong việc truyền đạt thông tin hiệu quả.

  • Tính trôi chảy (Fluency): Thí sinh cần thể hiện khả năng nói liên tục, mạch lạc, hạn chế tối đa các khoảng dừng và ngập ngừng, đồng thời đạt được sự liên kết tự nhiên giữa các ý tưởng. 

  • Ngữ điệu và tốc độ (Intonation and Pace): Khả năng điều chỉnh ngữ điệu phù hợp với nội dung và tốc độ nói tự nhiên giúp người nghe dễ dàng tiếp thu thông tin.

  • Sử dụng từ vựng và ngữ pháp (Vocabulary and Grammar): Sự phong phú và chính xác của vốn từ vựng, cùng với khả năng vận dụng linh hoạt các cấu trúc ngữ pháp, là yếu tố quan trọng để thể hiện sự thành thạo ngôn ngữ.

  • Logic và sự chi tiết (Logic and Detail): Khả năng sắp xếp ý tưởng một cách hợp lý, sử dụng các ví dụ minh họa cụ thể, và duy trì sự liên kết chặt chẽ giữa các ý là những yếu tố giúp bài nói trở nên thuyết phục và dễ hiểu."

  • Thời gian trả lời: thời gian trình bày cho phần thi phải trong thời gian yêu cầu. Nếu quá dài hoặc quá ngắn cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của bài thi.

Như vậy, có thể thấy rằng trong bài thi speaking của Duolingo English Test, việc phát âm chuẩn và nói trôi chảy là hai yếu tố quan trọng để đạt điểm cao. Tuy nhiên, không ít thí sinh gặp vấn đề với khả năng phát âm chính xác và sự lưu loát trong giao tiếp tiếng Anh, từ đó phản ánh sự thiếu tự tin trong việc sử dụng ngôn ngữ và ảnh hưởng đến kết quả chung của bài thi không được như kỳ vọng. 

image-alt

Phân tích tiêu chí Fluency (độ trôi chảy) trong bài thi Speaking  

Định nghĩa 

Trước hết, hãy cùng tìm hiểu định nghĩa về sự trôi chảy là gì. Richards (2009) [1] định nghĩa về sự trôi chảy là “Việc sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên khi người nói duy trì được việc giao tiếp liên tục và dễ hiểu, mặc dù có những hạn chế về năng lực giao tiếp của họ”. Định nghĩa về sự trôi chảy có nguồn gốc từ tiếng Latin, xuất phát từ từ “flow” (dòng chảy). Tóm lại, sự trôi chảy (fluency) trong ngôn ngữ nói là khả năng giao tiếp một cách mạch lạc, tự nhiên và hiệu quả, mà không bị gián đoạn bởi những ngập ngừng hay do dự không cần thiết. 

Tầm quan trọng 

Theo Shahini và Shahamirian (2017) [2], một trong những nhân tố chính tạo nên thành công của việc giao tiếp là sự trôi chảy.  Khi sở hữu khả năng diễn đạt ý tưởng một cách tự nhiên và lưu loát, người nói không chỉ truyền đạt thông tin một cách chính xác mà còn giúp người nghe dễ dàng hiểu và tương tác. Việc tự tin diễn đạt ý tưởng giúp chúng ta chủ động hơn trong các tình huống giao tiếp, từ đó mở ra nhiều cơ hội mới trong học tập, công việc và cuộc sống. Bên cạnh đó, việc rèn luyện sự lưu loát không chỉ đơn thuần là cải thiện khả năng nói mà còn góp phần nâng cao một cách toàn diện năng lực ngôn ngữ, bao gồm cả các kỹ năng nghe, đọc và viết, tạo nên một vòng tròn tương hỗ trong quá trình học tập ngôn ngữ.

Các yếu tố đánh giá 

Tốc độ nói và sự trôi chảy:  

  • Tốc độ nói phản ánh sự thoải mái và tự tin của người nói. Người nói không nên nói quá nhanh cũng không quá chậm, tạo điều kiện cho người nghe dễ dàng tiếp thu thông tin.

  • Tránh hiện tượng ngắt quãng hay lặp lại thông tin làm ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của người nghe.

Độ dài câu:

  • Câu trả lời không quá ngắn cũng không quá dài, giúp ý tưởng được diễn đạt một cách rõ ràng. 

  • Thay vì trả lời ngắn gọn và sơ sài, người nói nên phát triển ý tưởng và mở rộng câu trả lời để đạt điểm cao.

Khả năng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên và diễn đạt ý tưởng:

  • Người nói có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và chính xác để diễn đạt ý tưởng của mình. 

  • Ngoài ra, sự đa dạng về từ vựng và ngữ pháp cũng giúp tăng sự lưu loát của bài nói.     

image-alt

Phân tích tiêu chí Pronunciation (phát âm) trong bài thi Speaking  

Định nghĩa 

Yates & Yelinski (2014) [3] định nghĩa rằng phát âm là cách chúng ta tạo ra âm thanh mà chúng ta sử dụng để diễn đạt ý tưởng khi nói. Nó bao gồm các phụ âm, nguyên âm và các khía cạnh khác như trọng âm, thời gian, nhịp điệu, ngữ điệu và cách diễn đạt. 

Tầm quan trọng 

Phát âm chuẩn là yếu tố tiên quyết để đạt được sự lưu loát trong giao tiếp, đảm bảo rằng thông điệp được truyền đạt một cách chính xác và hiệu quả. Trong khuôn khổ bài thi Speaking, phát âm chuẩn xác không chỉ góp phần làm rõ ý nghĩa của lời nói mà còn thể hiện sự thành thạo ngôn ngữ của thí sinh, từ đó tạo ấn tượng tốt với giám khảo. Ngược lại, các lỗi phát âm có thể gây cản trở quá trình giao tiếp, dẫn đến hiểu nhầm và làm giảm sự hiệu quả của bài nói, ảnh hưởng tiêu cực đến tổng thể bài thi. 

Phát âm đóng vai trò là nền tảng vững chắc cho việc giao tiếp hiệu quả, đồng thời cũng tác động trực tiếp đến các tiêu chí đánh giá khác trong bài thi Speaking. Thứ nhất, phát âm có mối liên hệ mật thiết với tiêu chí Fluency (độ trôi chảy). Phát âm rõ ràng và chính xác giúp người nói truyền tải thông điệp một cách mạch lạc, hạn chế tối đa tình trạng ngắt quãng và lặp lại, từ đó nâng cao độ trôi chảy của bài nói. Ngược lại, các lỗi phát âm có thể gây cản trở quá trình giao tiếp, làm giảm sự tự tin của người nói và ảnh hưởng đến khả năng diễn đạt ý tưởng một cách mạch lạc. 

Phát âm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng từ vựng và ngữ pháp trong bài nói. Việc phát âm chính xác các từ vựng không chỉ chứng tỏ vốn từ phong phú của người nói mà còn thể hiện khả năng sử dụng từ ngữ một cách linh hoạt và chính xác trong mọi ngữ cảnh. Hơn nữa, phát âm chuẩn giúp phân biệt các từ đồng âm khác nghĩa, đảm bảo thông điệp được truyền đạt chính xác. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, phát âm chính xác là yếu tố quyết định đến việc sử dụng đúng hình thức ngữ pháp của từ. Ví dụ, việc bỏ quên phát âm âm cuối của động từ có thể gây ra lỗi sai ngữ pháp cho câu. Chẳng hạn như khi thí sinh nói “I walk to school yesterday” thay vì “I walked to school yesterday” sẽ gây hiểu lầm rằng thì trong câu bị sử dụng sai hoàn cảnh, ảnh hưởng đến độ chính xác của diễn đạt. 

Tóm lại, phát âm không chỉ là một kỹ năng ngôn ngữ riêng biệt mà còn là yếu tố nền tảng, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình giao tiếp. Việc rèn luyện phát âm chuẩn không chỉ giúp người nói tự tin hơn mà còn cải thiện đáng kể điểm số trong bài thi Speaking.

Các yếu tố đánh giá 

Để phát triển khả năng phát âm tiếng Anh chính xác, người học cần nắm những nét đặc trưng cơ bản (Pronunciation Features) trong phát âm tiếng Anh như sau:

Âm vị (Individual Sounds)

  • Thí sinh nhận biết và tái tạo chính xác các âm trong bảng âm vị tiếng Anh (Phonemic Chart) để đảm bảo người nghe hiểu đúng nghĩa của từ/ câu. 

Trọng âm (Stress)

  • Trọng âm từ: Nhấn đúng trọng âm trong các từ đa âm tiết.

  • Trọng âm câu: Nhấn mạnh vào các từ quan trọng trong câu để làm nổi bật nội dung chủ đạo của câu. 


    Nối âm (Linking Sounds and Words)

  • Người nói có khả năng nối những âm đơn lẻ với nhau khi nói, để hình thành nên sự liên kết giữa các từ với nhau.

Ngữ điệu (Intonation)

  • Người nói có sự linh hoạt khi sử dụng cao độ trong tông  giọng để thể hiện các câu hỏi, câu khẳng định, câu cảm thán. Sử dụng ngữ điệu phù hợp cũng sẽ giúp truyền đạt đúng cảm xúc và ý tưởng của người nói.


    Chia đoạn (Chunking)

  • Ngắt giọng hợp lý, có thể ở cấp độ từ đơn lẻ hoặc nhóm từ, giúp phân tách các ý tưởng, nhấn mạnh thông tin quan trọng và tạo điều kiện cho người nghe tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng hơn.

Xem thêm:

Những yếu tố ảnh hưởng và khó khăn gặp phải 

  1. Sự trôi chảy (Fluency)  

Thông thường, vấn đề gặp phải khi đối mặt với sự lưu loát là khi người học cố gắng làm cho người nghe hiểu những gì họ muốn nói. Người nói có xu hướng ngập ngừng và nói ngắt quãng do gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ngôn từ phù hợp cho diễn đạt, thể hiện qua tần suất sử dụng các từ thừa như “well”, “mm”, “ee” và cả các lỗi nói như lặp lại và kéo dài âm. Có hai yếu tố chính tác động đến khả năng nói lưu loát của thí sinh, đó là yếu tố về mặt tâm lýyếu tố về hiệu suất

Yếu tố tâm lýimage-altTheo Meng & Wang, 2006 [4], các khía cạnh liên quan đến tâm trạng, cảm xúc và thái độ của người học có liên quan mật thiết đến tính lưu loát của bài nói. Sự thiếu trôi chảy khi giao tiếp không chỉ phản ánh hạn chế về vốn từ và cấu trúc ngữ pháp mà còn bộc lộ những căng thẳng tâm lý ở người học.

Khi đối diện với các tình huống giao tiếp đòi hỏi sự phản xạ nhanh, cảm giác lo lắng và thiếu tự tin có thể khiến người học gặp khó khăn trong việc tìm kiếm diễn đạt một cách trôi chảy. Hơn nữa, việc không hiểu rõ câu hỏi hoặc bị mất ý tưởng giữa chừng sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý học tập. Điều này thể hiện qua việc giảm sút động lực học tập, sự e ngại khi tham gia các hoạt động giao tiếp và sự hoang mang về hiệu quả của quá trình rèn luyện ngôn ngữ. 

Yếu tố hiệu suất 

Bên cạnh đó, cũng tồn tại một số yếu tố về hiệu suất gây cản trở độ trôi chảy trong việc nói một ngôn ngữ, bao gồm thời gian chuẩn bị (planning time), áp lực thời gian (time pressure), mức độ hỗ trợ (amount of support), và các yếu tố môi trường khác (Thornbury, 2005) [5]. Thời gian chuẩn bị trước khi thực hiện nhiệm vụ giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức ý tưởng và lựa chọn từ ngữ, từ đó góp phần tăng cường độ trôi chảy.

Tuy nhiên, ngược lại, áp lực về mặt thời gian lại có thể gây ra căng thẳng, làm giảm khả năng tập trung và dẫn đến việc mắc lỗi. Trên thực tế, việc chỉ được dành ra khoảng 30s để chuẩn bị và trình bày bài nói từ 1-3’ trong bài thi Duolingo English Test khiến không ít thí sinh cảm thấy lo lắng, bối rối, dẫn đến việc nói ngập ngừng và giảm sự trôi chảy. 

Mức độ hỗ trợ từ phía giáo viên và bạn bè cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Sự hỗ trợ này giúp người học tự tin hơn, giảm bớt căng thẳng và cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ. Cuối cùng, môi trường học tập cũng ảnh hưởng đáng kể đến độ trôi chảy. Một môi trường thoải mái, yên tĩnh và được trang bị đầy đủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người học tập trung và thể hiện khả năng ngôn ngữ của mình, từ đó phần nào giúp trau dồi độ lưu loát khi diễn đạt. 

  1. Phát âm (Pronunciation) 

Các vấn đề trong phát âm được coi là một trong những vấn đề tương đối khó để khắc phục, điều này xuất phát từ bản chất Tiếng Anh và Tiếng Việt có hệ thống âm vị khác nhau, dẫn đến việc phát âm một số âm tiếng Anh trở nên khó khăn đối với người Việt. Thói quen phát âm tiếng mẹ đẻ sẽ ảnh hưởng đến cách phát âm tiếng Anh. Điều này khiến người học khó điều chỉnh cơ miệng và lưỡi để tạo ra các âm mới.

Ngoài ra, việc không có nhiều cơ hội để luyện tập giao tiếp với người bản xứ hoặc trong môi trường tiếng Anh, cùng với tâm lý sợ phát âm sai khiến việc cải thiện phát âm càng trở nên khó khăn hơn.

Một số khó khăn thường gặp trong quá trình cải thiện phát âm chuẩn của người nói có thể bao gồm những vấn đề sau:

Phát âm các âm tiếng Anh như âm tiếng Việtimage-alt

Nguyên nhân chính của vấn đề này là do sự khác biệt giữa hệ thống âm vị của hai ngôn ngữ, thói quen phát âm tiếng mẹ đẻ, và môi trường học tập chưa chú trọng đến phát âm chuẩn. Thực tế là nhiều âm tiếng Anh không tồn tại trong tiếng Việt, dẫn đến việc người học có xu hướng thay thế âm mà bản thân chưa chắc chắn về cách đọc bằng âm gần giống nhất trong tiếng mẹ đẻ.

Ví dụ âm /ð/ không có trong Tiếng Việt, thường được người học đánh đồng với âm /d/ của Tiếng Việt, dẫn đến việc đọc các từ có âm này không chuẩn: như “they” thường được đọc là /dây/. 

Bỏ quên trọng âm của từ  

Tiếng Anh không sử dụng hệ thống thanh điệu giống Tiếng Việt mà chủ yếu dựa vào trọng âm để phân biệt nghĩa và cấu trúc ngữ pháp. Trọng âm trong tiếng Anh là sự nhấn mạnh về âm lượng và độ dài vào một âm tiết nhất định trong từ. Các từ đa âm tiết thường có một âm tiết được nhấn mạnh rõ ràng hơn so với các âm tiết còn lại.

Người học tiếng Anh, đặc biệt là người mới bắt đầu, thường có xu hướng không nhấn mạnh hoặc bỏ qua trọng âm của từ, dẫn đến việc nói không tự nhiên hoặc gây hiểu lầm cho người nghe.

Ví dụ: record /ˈrek.ɔːd/ (danh từ), có trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất, mang nghĩa là bản ghi âm. Nhưng /rɪˈkɔːd/ khi nhấn trọng âm vào âm thứ hai lại là một động từ mang nghĩa ghi lại cái gì đó. Vì vậy, việc luyện tập nhấn trọng âm đúng là rất quan trọng vì đôi khi nhấn sai trọng âm có thể làm thay đổi hoàn toàn nghĩa của câu.

Bỏ quên âm cuối của từ 

Trong ngôn ngữ Việt, hiện tượng lược bỏ âm cuối là phổ biến, trái ngược với tiếng Anh, các âm cuối đóng vai trò quan trọng trong việc phân biệt nghĩa của từ. Do đó, người học tiếng Anh thường gặp khó khăn trong việc phát âm chính xác các âm cuối, dẫn đến hiểu lầm không đáng có trong giao tiếp. Chẳng hạn, nếu không phát âm âm /f/ ở cuối từ "life" (cuộc sống), người nghe có thể hiểu nhầm thành "live" (trực tuyến). 

Nhầm lẫn giữa nguyên âm ngắn và dài 

Nguyên âm ngắn và dài trong tiếng Anh thường chỉ khác nhau về độ dài và vị trí lưỡi khi phát âm. Sự khác biệt này khá tinh tế và khó nhận biết đối với người mới bắt đầu. Ví dụ, nhiều từ có cách viết giống nhau nhưng nguyên âm lại khác: Ví dụ: ship (tàu) và sheep (cừu) chỉ khác nhau ở nguyên âm /i/ và /i:/, nhưng lại mang nghĩa hoàn toàn khác nhau. Hoặc nếu phát âm âm /ɪ/ ở từ "bit” (một chút) thành âm /i:/ dài, người nghe sẽ hiểu nhầm là "beat" (đánh bại). 

Đề xuất một số giải pháp để cải thiện 

Mặc dù việc cải thiện phát âm và độ trôi chảy khi nói Tiếng Anh là một quá trình không dễ dàng và yêu cầu sự kiên trì và luyện tập thường xuyên. Tuy nhiên, nếu xác định được định hướng và phương pháp phù hợp thì quá trình này sẽ trở nên chủ động, dễ dàng hơn cho người học.image-alt

  1. Tạo khoảng ngắt, nghỉ tự nhiên khi nói

Để nâng cao khả năng nói trôi chảy (fluency) trong phần thi Speaking, việc tạo ra những khoảng dừng tự nhiên trong quá trình giao tiếp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khoảng ngắt hợp lý cho bạn thời gian ngắn để suy nghĩ, sắp xếp ý tưởng một cách logic và mạch lạc trước khi nói tiếp. Điều này giúp bạn tránh những câu nói lắp bắp, ngắt quãng và tăng tính mạch lạc cho bài nói. Đồng thời, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát được nội dung mình đang trình bày, tránh lạc đề và đi quá xa khỏi chủ đề chính.

Một phương pháp hiệu quả để rèn luyện kỹ năng tạo khoảng dừng tự nhiên là thực hành thường xuyên. Thay vì cố gắng nói liên tục và lấp đầy mọi khoảng trống bằng từ ngữ, người học nên tập trung vào việc nói một cách trôi chảy và tự nhiên. Bên cạnh đó, việc lắng nghe và bắt chước cách nói của người bản ngữ thông qua các bài thuyết trình, podcast hoặc video trực tuyến cũng là một cách hữu hiệu để cải thiện khả năng nói trôi chảy. Ngoài ra, người nói có thể ghi âm lại chính bài nói của mình để nghe lại và nhận xét xem mình đã tạo ra những khoảng ngắt hợp lý chưa.

  1. Tận dụng các fillers (từ đệm) và conjunctions (liên từ)

Trong kỹ năng nói, liên từ đóng vai trò như những cầu nối, kết nối các ý tưởng một cách logic và mạch lạc, tạo nên sự liền mạch cho bài nói. Bằng cách sử dụng đa dạng các loại liên từ, thí sinh không chỉ thể hiện được khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác mà còn tạo ấn tượng tốt với giám khảo về khả năng diễn đạt ý tưởng lưu loát của mình. Một số liên từ biểu thị quan hệ đồng thời: and (và), moreover (hơn nữa), furthermore (hơn thế nữa),... hoặc các liên từ biểu thị quan hệ tương phản: but (nhưng), however (tuy nhiên),... nên được tận dụng một cách phù hợp trong bài nói của thí sinh. 

Ngoài ra, từ đệm (fillers) là những từ hoặc cụm từ không mang nhiều ý nghĩa về mặt ngữ pháp mà chủ yếu đóng vai trò như những khoảng dừng ngắn, tạo thời gian cho người nói sắp xếp ý tưởng hoặc nhấn mạnh một điểm nào đó. Ngoài ra, từ đệm còn phản ánh phong cách giao tiếp và cá tính của người nói. Trong kỳ thi nói, việc sử dụng linh hoạt các từ đệm được đánh giá cao và góp phần cải thiện tiêu chí trôi chảy. Một số từ đệm thường gặp trong tiếng Anh bao gồm: “well, you know, like, so, anyway, actually, basically, I mean, right, okay, as I was saying, let me see, sort of, kind of…”. Việc sử dụng các từ đệm này một cách hợp lý sẽ giúp bài nói trở nên tự nhiên và gần gũi hơn, đồng thời thể hiện khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt của người nói.

  1. Đừng quá lo lắng về ngữ pháp và nội dung câu trả lời 

Trong quá trình thực hiện bài thi Speaking, các thí sinh thường gặp phải những sai sót nhỏ về ngữ pháp và từ vựng do áp lực tâm lý. Đây là một hiện tượng phổ biến, ngay cả với những người đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi nhận ra lỗi sai, nhiều thí sinh có xu hướng lặp lại câu nói để sửa chữa. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn cần thiết. Các giám khảo đánh giá cao khả năng giao tiếp tự nhiên và trôi chảy hơn là sự hoàn hảo về ngữ pháp. Việc mắc một vài lỗi nhỏ trong quá trình nói là điều hoàn toàn chấp nhận được. Thay vì quá tập trung vào việc tránh sai sót, thí sinh nên tự tin thể hiện khả năng ngôn ngữ của mình. Một bài nói trôi chảy và tự nhiên sẽ giúp thí sinh đạt được điểm số cao hơn. 

Bên cạnh đó, về khía cạnh nội dung, người học nên tập trung vào việc phát triển kỹ năng tư duy và trả lời câu hỏi một cách linh hoạt. Thay vì lo lắng hoặc chuẩn bị trước để học thuộc lòng từng câu mẫu, thí sinh nên sử dụng các đề thi mẫu để làm quen với các chủ đề và chuẩn bị khả năng ứng biến từ vựng. Phương pháp 5W1H (What, When, Where, Who, Why và How) là một công cụ hữu ích giúp thí sinh tổ chức ý tưởng và trả lời câu hỏi một cách toàn diện, ngay cả khi không có sự chuẩn bị trước. Khi gặp bất kì một đề bài hay câu hỏi nào, thí sinh cũng có thể dựa vào 6 Wh-questions này để phát triển về nội dung. Giả sử khi nhận được câu hỏi: “What is your favorite hobby and why?” thí sinh có thể áp dụng phương pháp 5W1H để trả lời chi tiết như sau: 

  • What: My favorite hobby is reading.

  • When: I usually read books in my free time, especially in the evenings after work.

  • Why: I love reading because it helps me relax, learn new things, and expand my imagination.

  1. Áp dụng kỹ thuật Shadowing 

Kỹ thuật shadowing là một phương pháp học tiếng Anh hiệu quả giúp cải thiện đáng kể cả phát âm và độ trôi chảy khi nói. Khi shadowing, người học sẽ nghe và lặp lại chính xác những gì người bản ngữ nói, từ đó bắt chước âm điệu, ngữ điệu, trọng âm và cách phát âm các từ một cách tự nhiên. Bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần, việc phát âm các từ và cấu trúc câu sẽ trở thành phản xạ tự nhiên, đồng thời giúp người học nhận biết những lỗi phát âm của mình và có cơ hội sửa chữa. Người học có thể sử dụng các đoạn video, audio của người bản xứ, các bài hát hoặc các đoạn hội thoại ngắn, sau đó lặp lại theo nội dung của người bản xứ, cố gắng bắt chước giọng điệu, ngữ điệu và tốc độ nói của họ.

  1. Tự đối chiếu và sửa sai (Self-reflection)

Cách học hiệu quả nhất là người nói nên ghi âm lại giọng nói của mình hoặc tự luyện tập trước gương, sau đó, so sánh với bản ghi của người bản ngữ hoặc với phiên bản audio của bài học. Khi nghe lại bản thân nói, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những âm tiết phát âm chưa chuẩn, những chỗ ngắt nghỉ không hợp lý hoặc những lỗi ngữ điệu, từ đó dễ dàng điều chỉnh để giống giọng của người bản xứ hơn.  

  1. Loại bỏ tâm lý e ngại, sợ sai khi nói

Trước rào cản ngôn ngữ, nhiều người học tiếng Anh thường cảm thấy lo lắng và thiếu tự tin, e ngại việc phát âm sai hoặc vốn từ vựng hạn chế sẽ gây hiểu lầm. Thực tế, việc trì hoãn giao tiếp do sợ sai có thể dẫn đến việc mất đi nhiều cơ hội thực hành và cải thiện kỹ năng, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và mất hứng thú với việc học. Hơn nữa, khi sợ sai, bạn sẽ cố gắng nói quá chuẩn mực, dẫn đến phát âm trở nên cứng nhắc và không tự nhiên, đồng thời khó điều chỉnh ngữ điệu và nhấn nhá phù hợp với từng ngữ cảnh giao tiếp. 

Hãy nhớ rằng, mắc lỗi là điều bình thường khi học một ngôn ngữ mới. Quan trọng là bạn phải biết cách sửa chữa và rút kinh nghiệm từ những lỗi sai đó. Càng giao tiếp nhiều, chúng ta càng cảm thấy tự tin hơn. Đừng đặt quá nhiều áp lực lên bản thân, hãy bắt đầu với những câu đơn giản và dần dần tăng độ khó, từ đó cải thiện từ chính lỗi sai của mình. 

Tổng kết

Nhìn chung, độ trôi chảy và việc phát âm chính xác đóng vai trò quan trọng trong việc giao tiếp Tiếng Anh nói chung và cải thiện kết quả bài thi Speaking nói riêng. Vì vậy, người học cần xác định được những điểm mạnh, điểm yếu của mình với từng khía cạnh, hiểu được những rào cản, khó khăn nhất định, từ đó định hướng được cho bản thân những phương pháp cải thiện phù hợp.

Tham vấn chuyên môn
Thiều Ái ThiThiều Ái Thi
GV
“Learning satisfaction matters” không chỉ là phương châm mà còn là nền tảng trong triết lý giáo dục của tôi. Tôi tin chắc rằng bất kỳ môn học khô khan nào cũng có thể trở nên hấp dẫn dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên. Việc giảng dạy không chỉ đơn thuần là trình bày thông tin mà còn khiến chúng trở nên dễ hiểu và khơi dậy sự tò mò ở học sinh. Bằng cách sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, kết hợp việc tạo ra trải nghiệm tương tác giữa giáo viên và người học, tôi mong muốn có thể biến những khái niệm phức tạp trở nên đơn giản, và truyền tải kiến thức theo những cách phù hợp với nhiều người học khác nhau.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...