Ranh giới giữa việc bắt chước và lấy cảm hứng – Về vấn đề đạo văn trong văn viết học thuật (Phần 2)

Đạo văn có mối quan hệ như thế nào so với tính nguyên gốc trong quá trình sáng tạo? Đây cũng là nội dung chính của bài viết này, cụ thể, tác giả sẽ phân tích hiện tượng đạo văn theo nhiều khía cạnh khác nhau.
author
ZIM Academy
20/08/2020
ranh gioi giua viec bat chuoc va lay cam hung ve van de dao van trong van viet hoc thuat phan 2

Cho dù người viết là một tác giả văn học chuyện nghiệp, một blogger hay kể cả là một học sinh thì sẽ luôn đồng tình rằng “Thật không dễ để tự viết một nghiên cứu hoặc một bài viết học thuật”. Tuy nhiên, nếu cân nhắc thời điểm hiện tại, trong thời đại thông tin khi tất cả dữ liệu đều có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet, việc viết phần nào đã trở nên dễ dàng hơn. Viết ở đây, có thể chia ra hai dạng chính: viết “mới” hoặc là viết “lại”. Hành động viết mới là kiến tạo nên những câu chữ, thuật ngữ, cách diễn đạt hay ý tưởng mới cho một chủ đề nhất định, thể hiện được sự chính chủ của người viết. Hành động viết lại, về mặt khác, thường là việc dựa trên những câu chữ sẵn có và tái tạo chúng theo một hình thức gần giống bản gốc. Tuy nhiên, cả hai dạng viết đều sẽ đi kèm những ràng buộc riêng. Đối với việc viết mới, những đối tượng rơi vào phạm trù này có khuynh hướng đề cao tính nguyên gốc trong quá trình sáng tạo và cản trở lớn nhất là “cái tôi” của tác giả. Dường như luôn tồn tại trong những cá thể này sự căm ghét hoặc nỗi sợ việc trở thành một bản sao của một nguyên bản trước đó.

Còn đối với việc viết lại, vấn đề sẽ liên quan đến sự nguyên gốc, đối ngược với việc sao chép y nguyên. Nhưng đây thường là sự ràng buộc bị áp đặt bởi những yếu tố như là yêu cầu không vượt quá một chỉ số phần trăm nhất định về độ giống nhau trong câu chữ (thường được đặt ra bởi người giao bài), hay không được vi phạm bản quyền của tác giả khác, …

Vậy xét cho cùng, điểm mấu chốt nằm ở tính nguyên gốc, hay còn được biết đến là originality – được xem là chân lí của quy trình sáng tạo. Vì vậy, hành động vay mượn ý tưởng đều đáng bị phản đối trong bất kỳ cộng đồng học thuật, nghệ thuật nào. Tuy nhiên, có một câu nói gây tranh cãi của Pablo Picasso như sau: “Good artists borrow. Great artists steal”. Câu nói này khiến người đọc phải đặt dấu chấm hỏi rằng “Liệu có đúng đắn khi một nghệ sĩ được thế giới công nhận là đỉnh cao của sáng tạo lại cổ suý cho việc vay mượn chất xám?”

Qua việc đặt câu hỏi như vậy, người đọc càng phải khám phá và xem xét kĩ hơn việc vay mượn chất xám, và biểu hiện cụ thể trong văn viết, tìm hiểu xem đạo văn có mối quan hệ như thế nào với tính nguyên gốc trong quá trình sáng tạo. Vì vậy, nếu trong phần 1,  tác giả bàn luận về vai trò, giới hạn và cách tránh đạo văn, thì ở phần này, người viết sẽ phân tích hiện tượng đạo văn theo nhiều khía cạnh khác nhau.

Phần nội dung

Khía cạnh đạo đức

“Plagiarism” (còn gọi là đạo văn), là một trong những từ vừa nếu ra một khái niệm, vừa gợi một thái độ hướng đến, cụ thể là thái độ phản đối mạnh mẽ. Theo định nghĩa của từ điển Oxford, “plagiarism” là hành động chiếm đoạt sai trái hoặc lấy những ý tưởng, cách diễn đạt của tác giả khác và vờ như của chính mình. Nguồn gốc Latin của plagirism là từ “plagiarius” mang nghĩa “bắt cóc” hay “cướp bóc”, phần nào giải thích rằng việc đạo văn cũng tương tự như bất kỳ hành động phạm tội nào khác.

plagirism-co-nguon-goc-latin-la-plagiarius“Plagirism” có nguồn gốc Latin là “plagiarius”

Một câu hỏi được đặt ra rằng “Liệu plagiarism có luôn xấu không, hay vẫn có tính thực dụng?” Tuy nhiên, vấn đề này bị bác bỏ ngay lập tức bởi định nghĩa của từ “plagiarism”. “Plagiarism” đã trở thành một thuật ngữ được áp dụng cho những trường hợp vay mượn sai trái. Do vậy, cộng đồng người viết không thể cân nhắc vấn đề đạo văn theo một góc nhìn nào khác, ngoài góc nhìn tiêu cực.

Đối với ngành báo chí và nghiên cứu học thuật, chất xám và sức lao động của người viết được thể hiện chủ yếu qua những ý tưởng, đồng thời là những câu từ dùng đễ diễn đạt ý tưởng. Đó là những giá trị cốt lõi của sản phẩm. Vì vậy, cũng dễ tưởng tượng được một tác giả và cộng đồng độc giả của tác giả đó sẽ phản ứng như thế nào nếu tình cờ chứng kiến thành quả của quá trình nghiên cứu tìm tòi, viết lách bị chiếm đoạt cho mục đích, lợi ích riêng.

“Plagiarism” luôn được phán xét theo khía cạnh đạo đức và thường được liên hệ với chủ ý của người viết hơn việc xem xét những dòng chữ viết ra.

Việc từ “plagiarism” gợi nên một phản ứng tiêu cực cho thấy rằng hành động đạo văn cũng là một ứng dụng của ngôn ngữ, có những cơ chế hoạt động riêng, tuỳ theo mục đích khác nhau. Hay nói cách khác, đạo văn có khía cạnh kĩ thuật và nghệ thuật.

Khía cạnh kĩ thuật

Quan điểm rằng đạo văn là một hành động bất liêm chính cho thấy sự khó khăn trong việc tránh hoặc hạn chế đạo văn đối với những nhà viết học thuật. Việc “ăn cắp” sẽ tránh được bằng cách không có ý định thực thi hành động đó. Giả sử, nếu không muốn lấy đi tài sản của ai đó một cách trái phép, tốt nhất để mọi thứ ở yên đó. Tuy nhiên, đối với một bài viết học thuật, hoàn toàn không đơn giản như vậy. Tất cả các dạng bài học thuật, từ đề án đến các bài nghiên cứu, đều liên hệ tới nhiều nguồn, những nhà viết học thuật quan tâm đến vấn đề đạo văn rất khó tránh khỏi việc sử dụng những dòng văn của người khác.

Như đã đề cập trong bài nghiên cứu khoa học tiền đề để không vi phạm đạo văn, người viết cần phải biết sử dụng nguồn hợp lí. Cho dù người viết có chủ ý hay vô tình, điều đầu tiên được xem xét chính là câu chữ của người viết. Tuy nhiên, ngay cả việc chứng tỏ sự lừa dối có chủ ý không phải lúc nào cũng rõ ràng. Trong vài trường hợp, sự hiện diện của chủ ý lừa dối chỉ ở mức nghi ngờ, tuy nhiên rất khó để kết luận rằng không có chủ ý lừa dối.

Để xác định một văn bản là vi phạm đạo văn, cần phải có hai tiêu chí. 

hai-tieu-chi-xac-dinh-vi-pham-dao-vanHai tiêu chí xác định vi phạm đạo văn

Cụ thể như sau:

  • Văn bản đó chứa những từ hoặc ý tưởng đã hiện diện trong những văn bản xuất hiện trước đó, bởi vì sự giống nhau giữa hai văn bản không thể nào là tình cờ. Về nguyên tắc, dịch nguyên gốc một ý tưởng sang một ngôn ngữ khác cũng là đạo văn. Trên thực tế, sự tương đồng về ngôn ngữ hoặc cách diễn đạt thường gây nghi ngờ và có thể là bằng chứng cho việc đạo văn. Một trong những yếu tố khác hay được xem xét kĩ để xác định liệu văn bản có vi phạm đạo văn hay không chính là độ dài. Những cụm hay mẩu câu giống nhau giữa hai văn bản càng dài, khả năng đạo văn đã xảy ra càng cao.

  • Văn bản mới không ghi nhận mối quan hệ vay mượn với những văn bản trước, hoặc ghi nhận không đầy đủ. Ngoài những format đã được quy chuẩn như MLA, Harvard, …, việc trích dẫn còn có thể được thực hiện qua dấu ngoặc kép (“). Chỉ cần câu có ngoặc kép đúng chỗ và nguồn được trích dẫn, người viết sẽ tránh được vi phạm đạo văn. Tuy nhiên, không có một nguyên tắc tuyệt đối để xác định rằng trích dẫn đã được thực hiện đầy đủ chưa. Một yếu tố khác cần cân nhắc là ngữ cảnh – bài viết được thực hiện cho người đọc hoặc cộng đồng bàn luận nào, với mức độ hiểu biết và những mong đợi như thế nào.

Dù có chủ ý hoặc không có chủ ý đạo văn, chỉ xét dựa trên câu từ của văn bản, có thể phân thành hai dạng đạo văn, thể hiện qua ngôn ngữ diễn đạt.

hai-dang-dao-van-pho-bienXét dựa trên câu từ của văn bản, có thể phân thành hai dạng đạo văn

Sao chép trắng trợn

Dạng đầu tiên là sao chép trắng trợn – một dạng đạo văn truyền thống. Về bản chất, đây là việc sử dụng các cụm từ, ý tưởng từ nguồn khác (không có sự ghi nhận thích hợp và với ý định lừa dối) và tất cả những yếu tố đó hiển nhiên ở trên bề mặt văn bản. Việc đạo văn này không phải là do người viết thiếu năng lực viết, mà bởi vì người viết không nghiêm túc và không muốn tham gia một cách chính đáng vào quá trình viết.

Sao chép lấy cảm hứng

Tuy nhiên, có một loại đạo văn mà ý định lừa dối không thể hiện trên bề mặt văn bản. Điều này nghĩa là từ việc đọc câu từ của văn bản, không thể xác định rằng người viết có đang cố mạo danh chủ sở hữu ý tưởng gốc hay không. Thông thường, ngôn ngữ từ những nguồn sử dụng không chỉ được thu thập còn được điều chỉnh trong văn bản mới, phối hợp với những phần người viết đã tự triển khai độc lập. Hành động này cho thấy sự thích ứng ngôn ngữ từ nguồn vay mượn trong bản văn mới, cụ thể những từ đồng nghĩa đã được thay thế, chuyển đổi cấu trúc từ chủ động thành bị động và ngược lại, … Cách viết này được Rebecca Howard (1995, 1999) gọi là “patchwriting” (viết chắp vá), và được định nghĩa là việc sao chép từ nguyên bản, sau đó lượt bỏ vài từ, thay đổi cấu trúc ngữ pháp, hoặc ráp vào những từ đồng nghĩa. “Patchwriting”, dựa theo Howard, là gần như không thể tránh khỏi, nhất là khi người viết học cách hành văn trong môi trường đàm luận mới. Do vậy, cách viết này cũng phần nào hữu ích trong quá trình học viết.

“Patchwriting” cho phép người viết luyện khả năng tự thân vận động với sự chỉ dẫn từ những tác giả nguồn. “Patchwriting” xuất hiện để đáp ứng nhu cầu cần được hỗ trợ của những người mới tập viết, và hầu hết không nhằm mục đích đánh lừa độc giả. “Patchwriting” có thể được xem là sản phẩm phụ của quá trình tập viết trong một ngữ cảnh mới hoặc cho một chủ đề, chuyên ngành không quen thuộc. Do đó, “patchwriting” có thể được xem là một khía cạnh của quá trình ngôn ngữ.

patchwriting-la-giPatchwriting là gì?

Một lối viết thường được sử dụng song song với “patchwriting” là “synthesize” (tổng hợp). Việc tổng hợp này yêu cầu người viết đánh giá phản biện, tiếp nhận và chuyển biến những kiến thức tham khảo để phù hợp cho bài viết. Quá trình này xoay quanh việc kết nối và xử lý những nội dung riêng lẻ trong một phiên bản mới để tạo nên sự hòa hợp về ý định, ý tưởng của người viết, cũng như mức độ am hiểu nội dung và đối tượng độc giả.

Khía cạnh nghệ thuật

Không thể phủ nhận rằng văn viết là một nghệ thuật và đòi hỏi sự quan tâm đến thẩm mĩ, ngay cả đối với những bài luận nghiên cứu mang tính học thuật hoặc những bản báo cáo về những hiện tượng thường ngày. Người viết đều mô tả cách nhìn thế giới quan bên ngoài thông qua từ ngữ và sự sắp xếp từ ngữ theo một trật tự nhất định, hướng đến sự hài lòng của độc giả. Vài người lấy niềm vui từ những chi tiết nhỏ trong bài viết như ảnh hưởng của từ này lên từ khác, nối theo từng cụm, hoặc sự chắc chắn trong văn phong, nhịp điệu và mạch văn. Không phải trong người viết nào cũng thể hiện rõ sự quan tâm đến những khía cạnh thẩm mĩ này, nhưng ngay cả những người viết sách giáo khoa, viết báo cũng sẽ có những từ/ cụm từ ưa chuộng riêng, thích phối hợp vào những văn bản.

viet-la-mot-nghe-thuatViết là một nghệ thuật và đòi hỏi sự quan tâm đến thẩm mĩ

Vậy việc viết, ở bất kì thể loại nào, là một nghệ thuật. Cũng như bao phạm trù nghệ thuật khác, mối quan tâm hàng đầu vẫn là tính nguyên gốc và mối quan hệ phức tạp với việc sao chép. Vậy câu hỏi đặt ra là việc sao chép trong văn viết (hay đạo văn) có chức năng nghệ thuật như thế nào? Mối quan hệ của nó với tính nguyên gốc trong văn viết ra sao?

Có một ý tưởng rằng đạo văn là một kĩ thuật biên soạn, sắp xếp và dung hoà nhiều nguồn liệu với nhau nhằm giúp người đọc hiểu được một vấn đề xa lạ. Khi được xem xét từ góc nhìn nghệ thuật, việc đạo văn có thể được giảm nhẹ “tội” hơn. Do đó, một hành vi đạo văn, trong vài trường hợp, có thể du di được vì người đạo văn đã cải tiến về mặt nghệ thuật trên nguồn tài liệu gốc hoặc tổng hợp các nội dung riêng lẻ một cách hài hòa.

 Mối quan hệ của đạo văn và tính nguyên gốc trong nghệ thuật viết

Trong khoảng đầu của thế kỉ 20, có một quan điểm phổ biến là sự nguyên gốc chỉ xuất hiện khi người viết cố ý tránh sao chép những tác giả khác. Đây là giai đoạn được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phong trào Modernism (chủ nghĩa hiện đại) trong tất cả các phạm trù nghệ thuật. Mô tả đầy ngưỡng mộ của con người về chủ nghĩa hiện đại là “mong muốn quét sạch bất cứ thứ gì đến trước đó, với hy vọng cuối cùng đạt đến một điểm được gọi là hiện tại đích thực, một điểm xuất phát đánh dấu một khởi hành mới”.

Tới tận bây giờ, sự ảnh hưởng của phong trào chủ nghĩa hiện đại vẫn còn rất sâu sắc với nhiều mảng nghệ thuật, văn viết cũng không phải là một ngoại lệ. Tình trạng khó khăn mà các tác giả phải đối mặt là bắt buộc tạo ra các tác phẩm gốc trong khi bị ràng buộc bởi những chủ đề không có gì khác ngoài những thứ cũ và lặp đi lặp lại. Không sai khi nhận định rằng trải nghiệm và kiến thức của con người là một tập hợp hữu hạn và những cách diễn đạt phổ biến dường như đã được thể hiện trong những tác phẩm trước. Các tác giả tiên phong, nhờ ưu tiên thứ tự thời gian, đã gần như làm cạn hết khả năng diễn đạt những khía cạnh của cuộc sống con người. Tác giả hiện đại không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt chước, hoặc vô tình sao chép người đi trước.

Gần như có một sự đồng lòng rằng, việc viết ít nhiều sẽ mang tính chất sao chép, bởi vì sự ảnh hưởng từ những nguồn tham khảo tiền đề đến từ quá trình đọc hiểu, nghiên cứu tiền đề. Hơn nữa, càng có sự đồng tình chung rằng, trong quá trình sao chép, người viết cần khắc ra một khoảng sáng tạo riêng trong những khuôn khổ đang vay mượn. Mục đích chính cho việc này là đạt được một mức độ mới mẻ. Tuy nhiên, quan điểm này dẫn đến hai luồng ý kiến trái chiều: một bên là những tác giả ủng hộ việc sao chép (kết quả vẫn sẽ dẫn đến sự sáng tạo) và bên còn lại phản bác việc sao chép vì sẽ ngăn chặn sự sáng tạo.

co-hai-luong-y-kien-trai-chieu-ve-viec-sao-chepCó hai luồng ý kiến trái chiều về việc sao chép

Tuy nhiên, qua thời gian, khái niệm về tính nguyên gốc trở nên bớt bảo thủ hơn: tác phẩm có thể trở thành nguyên bản khi bố cục/ cấu trúc được thúc đẩy bởi một sự sáng tạo thiên tài. Hay nói cách khác, cái mới và cái nguyên bản nằm trong “hệ thống” khung sườn dung hợp nhiều ý tưởng với nhau. Qua mốc giữa thế kỉ 20, khái niệm này tìm được sự thể hiện mạnh mẽ trong phong trào “Postmodernism“ (chủ nghĩa hậu hiện đại).

Chủ nghĩa hậu hiện đại ủng hộ ý tưởng rằng tất cả mọi thứ, được hiểu là một tác phẩm nghệ thuật hoặc văn hóa, đều là đối tượng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi những điều trước đó. Sản phẩm và biểu hiện của nghệ thuật, văn hoá là những ý tưởng, và có một nhận thức thực tế rằng tất cả các ý tưởng được kích thích bởi một ý tưởng khác đã hình thành.

Chủ nghĩa hậu hiện đại không chỉ đơn thuần là lí thuyết mà là triết học, lối sống ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống, ở nhiều phạm trù khác nhau, bao gồm điện ảnh, thiết kế, kiến trúc, văn học, …

Thực hành nghệ thuật theo lối chủ nghĩa hậu hiện đại thường bắt đầu từ nền tảng rằng, không có điều gì hoàn toàn mới hay nguyên gốc, tất cả đều đã được khám phá trước đó, những điều đến sau thường chỉ là một phiên bản khác. Do vậy, cách người nghệ sĩ thể hiện sự nguyên bản là qua việc tìm điểm thoả hiệp trong mối quan hệ giữa tác phẩm của mình với tác phẩm của những người đi trước, thay vì theo đuổi khuôn khổ đặt ra một cách mù quáng. Cụ thể hơn, trong trường hợp văn viết, người viết sẽ tìm hiểu, biết và ngưỡng mộ những xuất bản tiền lệ, sau đó cố gắng phát triển dựa trên những xuất bản đó nhưng không phụ thuộc hoàn toàn.

Vai trò của đạo văn trong khía cạnh nghệ thuật?

Việc đạo văn khi thực hiện theo kĩ thuật “patchwriting” và “synthesizing” như đã đề cập ở trên, có thể tìm thấy sự biện minh duy nhất là đạo văn xuất phát từ mục đích thiết thực. Đó chính là làm lan toả những ý tưởng lớn và đem những ý tưởng như vậy trở nên gần gũi hơn với hoàn cảnh xung quanh và thời điểm hiện tại của người viết. Để thành công trong mục đích này, người viết phải hiểu rõ bản chất vấn đề, những điểm liên quan đến vấn đề đang tiếp cận để chuyển thành những phiên bản phù hợp với mức độ hiểu biết và mong đợi của cộng đồng tiếp nhận.

“Không quan trọng bạn lấy những thứ đó từ đâu. Quan trọng là bạn sẽ mang những thứ đó đến đâu” – Jean-Luc Goddard

Tổng kết

Quay lại với câu nói gây tranh cãi của Picasso “Good artists borrow. Great artists steal”. Steve Jobs – nhà phát minh và nhà cách tân, đồng sáng lập ra Apple – làm sáng tỏ câu nói đó qua quan niệm rằng quy trình sáng tạo xoay quanh việc tiếp xúc bản thân với tất cả những thành tựu to lớn mà con người đã tạo nên, sau đó cố gắng hấp thụ trong quá trình làm việc của bản thân.

Mục đích của bài nghiên cứu học thuật không nhằm biện minh cho hành động đạo văn, mà muốn hướng tới nhận thức rằng, đạo văn cũng là một cách sử dụng ngôn ngữ văn bản và có những sự phức tạp riêng. Trong quy trình sáng tạo nội dung, điều quan trọng không nằm trong sự nguyên bản “originality”, mấu chốt là sự thật lòngtính liêm chính khi thực hiện một bài viết. Ngoài ra, một điều nữa cần cân nhắc chính là chủ ý (hoặc thật lòng hoặc lừa dối) sẽ ít được làm rõ dựa trên bề mặt văn bản. Do vậy, người viết vẫn cần tuân thủ theo những quy tắc trích dẫn để tránh vi phạm đạo văn.

Duy Nguyễn

Lộ trình ôn luyện IELTS cụ thể và hiệu quả là yếu tố then chốt giúp người học đạt được điểm cao. Học thử khóa học luyện thi IELTS tại ZIM để trải nghiệm hôm nay.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu