Supplemental essay: Các dạng bài và hướng dẫn cách viết
Key takeaways
Hiểu supplemental essay: Bài luận bổ sung giúp thể hiện cá tính và sự phù hợp với trường.
Cách viết từng dạng bài: “Why Us?”, “Why Major?”, “Community”, “Leadership”...
Tránh lỗi thường gặp: Viết chung chung, không cá nhân hóa, thiếu chỉnh sửa.
Tối ưu hóa quá trình viết: Xác định deadline, chia nhỏ công việc để tránh áp lực.
Supplemental essay giúp học viên thể hiện cá tính và sự phù hợp với từng trường. Không giống bài luận chính, dạng này yêu cầu câu trả lời sắc sảo và cá nhân hóa.
Nhiều học viên băn khoăn: Làm sao để bài viết nổi bật? Phải tránh lỗi gì? Làm sao để tiết kiệm thời gian mà bài luận vẫn chất lượng? Bài viết này sẽ hướng dẫn học viên cách tiếp cận hiệu quả, tối ưu hóa quá trình viết Supplemental essay và tăng cơ hội được nhận vào ngôi trường mơ ước.
Supplemental Essay là gì?
Khi nộp hồ sơ vào các trường đại học, ngoài bài luận chính, nhiều trường yêu cầu Supplemental Essay – bài luận bổ sung nhằm đánh giá sâu hơn về ứng viên. Đây là cơ hội để học viên thể hiện cá tính, đam mê và sự phù hợp với ngôi trường ứng tuyển.
Không giống như Personal Statement, vốn mang tính cá nhân và kể chuyện, Supplemental Essay thường ngắn hơn và tập trung vào các chủ đề cụ thể như lý do chọn trường, sở thích học thuật hoặc cách học viên sẽ đóng góp cho cộng đồng.
Các trường đại học yêu cầu Supplemental Essay vì nhiều lý do. Trước hết, họ muốn đánh giá mức độ phù hợp của học viên với môi trường và triết lý giáo dục của trường. Ngoài ra, đây cũng là cách để hiểu sâu hơn về tính cách, tư duy và động lực cá nhân của từng ứng viên. Khả năng diễn đạt qua bài luận còn thể hiện tư duy logic và kỹ năng giao tiếp – những yếu tố quan trọng trong môi trường học thuật. Cuối cùng, Supplemental Essay giúp học viên tạo dấu ấn riêng, nổi bật giữa hàng nghìn hồ sơ có thành tích tương đương.
Phân biệt 9 dạng đề Supplemental Essays

Why Us?
Bài luận này giúp trường hiểu tại sao học viên chọn họ và liệu học viên có thực sự phù hợp với môi trường học tập của trường hay không. Một câu trả lời tốt cần thể hiện:
Sự kết nối: Điều gì thu hút học viên đến với trường?
Mối liên hệ với mục tiêu cá nhân: Những chương trình, giảng viên, cơ hội nào khiến trường phù hợp với học viên?
Đóng góp của học viên: Học viên sẽ tham gia và xây dựng cộng đồng trường như thế nào?
Gợi ý triển khai
Mở đầu bằng một trải nghiệm cá nhân liên quan đến trường.
Nêu rõ các yếu tố cụ thể của trường phù hợp với định hướng của học viên.
Kết nối với tương lai: học viên sẽ tận dụng những cơ hội tại trường như thế nào?
Why Major?
Supplemental Essay này không chỉ thể hiện sở thích mà còn phản ánh sự thấu hiểu về bản thân và định hướng tương lai của học viên. Tránh những câu trả lời chung chung, thay vào đó, hãy kể về một khoảnh khắc quan trọng giúp học viên nhận ra đam mê của mình.
Gợi ý triển khai
Bắt đầu bằng một trải nghiệm thực tế hoặc một vấn đề từng khiến học viên trăn trở.
Mô tả quá trình khám phá và phát triển niềm yêu thích với ngành học.
Liên hệ với kỹ năng, giá trị và mục tiêu dài hạn của học viên.
Kết nối với chương trình của trường để cho thấy đây là lựa chọn phù hợp nhất.
Community
Bài luận này giúp trường đánh giá cách học viên tương tác với cộng đồng và những giá trị mà học viên có thể mang đến cho môi trường đại học.
Gợi ý triển khai
Xác định một cộng đồng quan trọng với học viên (câu lạc bộ, tổ chức, nhóm học tập, gia đình, v.v.).
Mô tả vai trò của học viên trong cộng đồng và cách học viên đóng góp.
Chia sẻ những bài học rút ra từ trải nghiệm đó.
Liên hệ với tương lai: học viên sẽ áp dụng những gì học được vào môi trường đại học như thế nào?
Leadership
Trường đại học không chỉ tìm kiếm học viên có thành tích tốt mà còn muốn thấy khả năng lãnh đạo và tạo ảnh hưởng của họ.
Gợi ý triển khai
Chọn một tình huống cụ thể thể hiện tinh thần lãnh đạo.
Mô tả thử thách học viên đối mặt và cách học viên giải quyết.
Phân tích tác động mà học viên tạo ra.
Liên hệ với tương lai: học viên sẽ mang tinh thần lãnh đạo vào đại học ra sao?
Diversity
Trường đại học đánh giá cao sự đa dạng không chỉ về quốc tịch, văn hóa mà còn về trải nghiệm và góc nhìn cá nhân.
Gợi ý triển khai
Xác định điều khiến học viên trở nên độc đáo (truyền thống gia đình, khó khăn đã vượt qua, quan điểm cá nhân).
Kể một câu chuyện cụ thể minh họa sự khác biệt này.
Phân tích cách trải nghiệm đó ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi hoặc mục tiêu của học viên.
Liên hệ với tương lai: học viên sẽ đóng góp quan điểm này vào cộng đồng đại học như thế nào?
Extracurricular
Supplemental Essay này giúp trường hiểu thêm về sở thích, động lực và sự phát triển cá nhân của học viên thông qua các hoạt động ngoại khóa.
Gợi ý triển khai
Chọn một hoạt động có ý nghĩa nhất với học viên thay vì liệt kê quá nhiều.
Kể về một thử thách hoặc thành tựu trong hoạt động đó.
Phân tích tác động của hoạt động này đến sự phát triển cá nhân.
Liên hệ với tương lai: học viên sẽ tiếp tục theo đuổi hoặc ứng dụng những bài học từ hoạt động này như thế nào?
Quotation
Một số trường yêu cầu học viên phản hồi một câu trích dẫn. Mục tiêu của họ là đánh giá tư duy phản biện và cách học viên kết nối ý tưởng với cuộc sống cá nhân.
Gợi ý triển khai
Đọc kỹ câu trích dẫn và suy nghĩ về ý nghĩa cá nhân của nó.
Chọn một trải nghiệm hoặc một bài học trong cuộc sống phản ánh tinh thần của câu trích dẫn.
Phát triển lập luận cá nhân: học viên đồng ý hay không đồng ý với câu trích dẫn? Tại sao?
Liên hệ với tương lai: câu trích dẫn này ảnh hưởng đến cách học viên nhìn nhận thế giới như thế nào?
Short Answer
Dạng bài này yêu cầu câu trả lời ngắn nhưng vẫn thể hiện cá tính và suy nghĩ riêng.
Điểm cần lưu ý
Trả lời trực tiếp nhưng không hời hợt.
Không chỉ nêu sự thật mà cần thêm một chút diễn giải về lý do.
Cố gắng thể hiện cá tính của học viên trong giới hạn từ ngữ cho phép.
Gợi ý triển khai
Đọc kỹ câu hỏi để hiểu chính xác yêu cầu.
Trả lời cụ thể, tránh những câu trả lời chung chung mà ai cũng có thể viết.
Nếu có thể, thêm một chi tiết cá nhân hoặc một suy nghĩ thú vị để làm nổi bật câu trả lời.
Zany
Một số trường đưa ra những câu hỏi sáng tạo để thử thách tư duy của học viên. Mục tiêu của dạng bài này không phải tìm câu trả lời đúng mà để xem cách học viên suy nghĩ và thể hiện bản thân.
Gợi ý triển khai
Đừng cố đoán xem trường mong đợi điều gì. Hãy thể hiện phong cách tư duy riêng.
Dùng sự hài hước hoặc liên tưởng bất ngờ để làm nổi bật câu trả lời.
Dù câu hỏi kỳ lạ thế nào, hãy tìm cách phản ánh điều gì đó về tính cách hoặc suy nghĩ của bản thân.
Cách viết Supplemental Essay hiệu quả
Cách tiết kiệm thời gian khi viết bài luận
Nhóm các bài luận có cùng chủ đề
Nhiều trường có đề bài tương tự như “Why Us?” hay “Why Major?”. Học viên có thể phát triển một bài luận gốc rồi điều chỉnh để phù hợp với từng trường.Lập dàn ý trước khi viết
Dàn ý giúp bài luận mạch lạc, tránh lan man. Xác định trước các ý chính giúp viết nhanh và hiệu quả hơn.Viết bản nháp nhanh, chỉnh sửa sau
Hãy viết nháp nhanh để ghi lại ý tưởng, sau đó chỉnh sửa để tối ưu câu chữ và nội dung.Tận dụng công cụ hỗ trợ
Các ứng dụng, hoặc website sửa ngữ pháp giúp kiểm tra lỗi và cải thiện văn phong.Xác định deadline, chia nhỏ công việc
Chia bài luận thành các giai đoạn (tìm ý tưởng, viết nháp, chỉnh sửa) để tránh áp lực sát hạn nộp.

Chiến lược viết từng dạng bài luận
“Why Us?” – Nghiên cứu kỹ về trường
Tránh câu trả lời chung chung như “Trường có danh tiếng tốt”. Thay vào đó, hãy chỉ ra những yếu tố cụ thể như chương trình học, giảng viên, triết lý giáo dục phù hợp với bản thân.“Why Major?” – Kể câu chuyện cá nhân
Thể hiện quá trình hình thành đam mê bằng cách kể về một trải nghiệm, một vấn đề từng khiến học viên trăn trở hoặc một sự kiện quan trọng giúp định hướng con đường học thuật.“Community” – Nhấn mạnh tác động qua lại
Không chỉ nói về đóng góp cá nhân, mà còn thể hiện cách cộng đồng ảnh hưởng đến tư duy, giá trị sống của học viên.“Leadership” – Tập trung vào hành động cụ thể
Lãnh đạo không chỉ là giữ chức vụ, mà còn thể hiện qua những hành động nhỏ nhưng tạo ra ảnh hưởng lớn. Hãy kể một tình huống thực tế và cách học viên giải quyết vấn đề.“Diversity” – Thể hiện góc nhìn độc đáo
Không chỉ nói về sự khác biệt mà hãy cho thấy nó ảnh hưởng đến bản thân thế nào và cách học viên đóng góp góc nhìn đó vào cộng đồng trường đại học.“Extracurricular” – Đào sâu một hoạt động ý nghĩa
Tập trung vào một hoạt động ngoại khóa có tác động lớn đến bản thân thay vì liệt kê nhiều hoạt động một cách chung chung.“Quotation” – Đưa ra quan điểm cá nhân
Không cần phân tích câu trích dẫn theo hướng học thuật. Hãy kết nối nó với một bài học quan trọng học viên đã rút ra.“Short Answer” – Viết ngắn gọn nhưng sâu sắc
Tránh câu trả lời hời hợt. Dù giới hạn từ ngắn, hãy thể hiện tư duy và cá tính riêng.“Zany” – Thể hiện sự sáng tạo
Với những câu hỏi kỳ lạ, không cần đoán xem trường mong đợi điều gì. Hãy tận dụng cơ hội để thể hiện phong cách tư duy độc đáo.

Những lỗi cần tránh
Viết chung chung, không có dấu ấn cá nhân
Dùng lại bài luận mà không chỉnh sửa
Chỉ liệt kê mà không phân tích
Viết quá dài hoặc quá ngắn
Dùng từ ngữ sáo rỗng, hoa mỹ
Không dành đủ thời gian chỉnh sửa
Xem thêm:
Tất tần tật những gì bạn cần chuẩn bị trong hành lý du học – Phần 1
Hướng dẫn cách viết Study Plan du học một cách dễ dàng và hiệu quả
Ví dụ và bài mẫu Supplemental Essay dạng Extracurricular [1]
Every person has a creative side, and it can be expressed in many ways: problem-solving, original and innovative thinking, and artistically, to name a few. Describe how you express your creative side.
I'm a scavenger. I say this because my brain works like a recycling bin.
My dad has always been a problem solver—and a sustainable one at that. He taught me to pause, observe, and think about how existing problems could be solved with what is already available.
As a meticulous ten-year-old who liked all my school stationery to be perfect, I was devastated when a rod on my abacus broke. I assumed I would have to buy a new one, just like everyone else did. But when I came home and showed my dad the broken tool, he simply asked, "How do you think we should fix this?" I went blank for a moment before remembering his advice. My eyes scanned my room, searching for anything that could replace the narrow plastic rod. Then—Eureka! I spotted a ballpoint pen that had run out of ink. I quickly removed the casing, took out the plastic refill, and realized it was the perfect replacement. Using an X-Acto knife, we cut the thin tube to fit the abacus precisely.
Small moments like this have shaped the way I approach creativity. I no longer see broken objects as waste but as opportunities for innovation. This mindset extends even to my baking—overripe bananas transform into fragrant banana bread, and extra basil from our garden becomes lemon-basil madeleines. Every challenge, big or small, is a puzzle waiting to be solved with the resources around me.
I owe this perspective to my dad, who taught me to think beyond conventional solutions and embrace creativity in the most sustainable way possible.
(Dịch nghĩa:
Mỗi người đều có một khía cạnh sáng tạo, và nó có thể được thể hiện theo nhiều cách: giải quyết vấn đề, tư duy nguyên bản và đổi mới, hoặc qua nghệ thuật, chỉ để kể vài ví dụ. Hãy mô tả cách bạn thể hiện sự sáng tạo của mình.
Tôi là một “người nhặt nhạnh”. Tôi nói vậy bởi vì não tôi hoạt động như một thùng rác tái chế.
Bố tôi luôn là một người giỏi giải quyết vấn đề — và còn theo cách bền vững nữa chứ. Ông dạy tôi phải dừng lại, quan sát, và suy nghĩ xem những vấn đề đang tồn tại có thể được giải quyết như thế nào bằng những gì đã có sẵn.
Là một đứa trẻ mười tuổi tỉ mỉ và muốn mọi món đồ học tập đều phải hoàn hảo, tôi đã vô cùng thất vọng khi một thanh trên bàn tính của mình bị gãy. Tôi nghĩ rằng mình sẽ phải mua cái mới, giống như mọi người vẫn làm. Nhưng khi tôi mang chiếc bàn tính gãy về nhà và đưa cho bố xem, ông chỉ hỏi một câu đơn giản: “Con nghĩ mình nên sửa nó thế nào?” Tôi sững người trong một lúc trước khi nhớ lại lời khuyên của ông. Ánh mắt tôi bắt đầu lướt quanh phòng, tìm bất cứ thứ gì có thể thay thế cho thanh nhựa nhỏ kia. Rồi — Eureka! Tôi phát hiện ra một cây bút bi đã hết mực. Tôi lập tức tháo vỏ bút, rút lõi nhựa ra và nhận ra nó có kích thước hoàn hảo. Dùng dao rọc giấy, hai bố con cắt ống nhựa sao cho vừa khít với bàn tính.
Những khoảnh khắc nhỏ như vậy đã định hình cách tôi tiếp cận sự sáng tạo. Tôi không còn nhìn những đồ vật hỏng như rác thải nữa, mà là cơ hội để đổi mới. Cách nghĩ này còn lan sang cả việc nướng bánh của tôi — chuối chín nẫu được biến thành bánh chuối thơm lừng, và những cành húng quế thừa trong vườn nhà trở thành bánh madeleine chanh-húng quế. Mỗi thử thách, dù lớn hay nhỏ, đều là một câu đố đang chờ được giải bằng những gì có quanh ta.
Tôi biết ơn bố mình vì đã dạy tôi vượt ra khỏi những giải pháp thông thường và đón nhận sự sáng tạo theo cách bền vững nhất có thể.)
Phân tích bài mẫu Supplemental Essay
Hiểu rõ yêu cầu đề bài
Câu hỏi yêu cầu học viên mô tả cách họ thể hiện sự sáng tạo của mình.
Điều quan trọng là bài luận không chỉ kể một câu chuyện mà còn phải thể hiện tư duy sáng tạo một cách rõ nét, độc đáo.
Cấu trúc bài luận
Mở bài (Hook) ấn tượng:
Câu đầu tiên "I'm a scavenger. I say this because my brain works like a recycling bin." là một cách mở bài độc đáo và thu hút.
Người viết ví mình như một "scavenger" (người nhặt nhạnh) với bộ não hoạt động như một thùng tái chế. Cách so sánh này vừa thể hiện cá tính vừa dẫn vào chủ đề sáng tạo theo hướng bền vững.
Thân bài (Phát triển ý chính thông qua câu chuyện cá nhân):
Câu chuyện về việc sửa chiếc bàn tính khi còn nhỏ không chỉ thể hiện tư duy sáng tạo mà còn nhấn mạnh ảnh hưởng của người cha đối với tác giả.
Quá trình quan sát – tư duy – tìm giải pháp được mô tả rõ ràng, giúp người đọc thấy cách tác giả suy nghĩ khi đối mặt với vấn đề.
Mở rộng vấn đề:
Tác giả kết nối trải nghiệm cá nhân với thói quen sáng tạo trong cuộc sống hàng ngày, như nấu ăn (biến chuối chín thành bánh, tận dụng húng quế thừa).
Điều này cho thấy sự sáng tạo không chỉ giới hạn trong một lĩnh vực mà đã trở thành lối sống.
Kết bài (Rút ra bài học cá nhân):
Câu cuối cùng "I owe this perspective to my dad, who taught me to think beyond conventional solutions and embrace creativity in the most sustainable way possible." tổng kết một cách tự nhiên, nhấn mạnh bài học từ cha và giá trị của tư duy sáng tạo bền vững.
Điểm mạnh của bài luận
Cách tiếp cận sáng tạo: Thay vì chỉ nói về vẽ tranh hay âm nhạc (những biểu hiện sáng tạo phổ biến), tác giả nhấn mạnh sự sáng tạo trong tư duy giải quyết vấn đề. Điều này làm bài luận trở nên khác biệt.
Câu chuyện cá nhân cụ thể: Việc sửa chiếc bàn tính là một ví dụ sống động, có chi tiết rõ ràng, giúp người đọc hình dung quá trình suy nghĩ của tác giả.
Liên kết mở rộng hợp lý: Từ một sự kiện nhỏ, tác giả kết nối với các khía cạnh khác trong cuộc sống, tạo sự thống nhất và chiều sâu cho bài luận.
Giọng văn tự nhiên, cá tính: Tác giả thể hiện giọng điệu tự tin, gần gũi và có tính quan sát sâu sắc.
Bài học rút ra khi viết Supplemental Essay
Tạo mở bài độc đáo để thu hút người đọc.
Dùng hình ảnh cụ thể để minh họa tư duy sáng tạo.
Liên kết câu chuyện với một bài học.
Tổng kết
Supplemental essay (Bài luận bổ sung) giúp học viên thể hiện cá tính và sự phù hợp với trường. Để viết ấn tượng, cần hiểu rõ từng dạng đề, có chiến lược hiệu quả và tránh lỗi thường gặp. Ngoài nội dung, khả năng tiếng Anh vững chắc cũng quan trọng. Để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và tối ưu hóa bài luận du học, học viên có thể tham gia khóa học IELTS tại ZIM, nơi cung cấp lộ trình học tập bài bản, giúp cải thiện kỹ năng viết và tư duy học thuật một cách chuyên sâu.
Nguồn tham khảo
“UCSD Supplemental Essay Example.” Clastify, www.clastify.com/supplement/ucsd/66196ae799d0863e55b68976#prompt2. Accessed 2 April 2025.
Bình luận - Hỏi đáp