Lợi ích và hạn chế của góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân trong kỹ năng viết

Bài viết nghiên cứu về các góc nhìn cá nhân ảnh hưởng đến cách viết bằng tiếng Anh. Thông qua việc phân tích, bài viết sẽ thể hiện sự tác động của quan điểm cá nhân lên sự sáng tạo và cấu trúc ngôn ngữ trong hành văn. Đồng thời, bài viết cung cấp cái nhìn sâu sắc về việc làm thế nào người viết có thể tận dụng góc nhìn cá nhân và kinh nghiệm có sẵn để làm cho cách hành văn của bản thân trở nên phong phú.
author
Cao Thái Bảo Ngọc
16/02/2024
loi ich va han che cua goc nhin va kinh nghiem ca nhan trong ky nang viet

Giới thiệu

Nghiên cứu của Budjalemba và đồng tác giả đã chỉ ra rằng đối với việc học tiếng Anh như một ngoại ngữ (English as a Foreign Language), kỹ năng Viết (Writing) là một trong những kỹ năng khó nhất (135). Do đó, phát triển kỹ năng viết đóng vai trò quan trọng của việc trong quá trình học tiếng Anh. Theo Strangman và Hall, để có thể xây dựng nền tảng và đạt hiệu quả trong quá trình viết, các giáo viên cũng thường được khuyến khích hỗ trợ học sinh cải thiện kĩ năng này thông qua việc cung cấp nhiều trải nghiệm (7).

Đồng thời, Gupta cũng đã nhận định rằng trải nghiệm trong quá khứ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách hành văn của học sinh (369). Nói cách khác, các yếu tố bao gồm cách chúng ta nhìn nhận thế giới, niềm tin, cùng với phong cách sáng tạo độc đáo của mình đều đóng vai trò quan trọng khi đặt bút lên giấy.

Góc nhìn và trải nghiệm cá nhân có thể là một lợi thế đối với một số tác giả bởi nó giúp tạo ra nét đặc trưng cho bài viết và giúp cho bài viết thú vị hơn. Tuy nhiên, đối với một số tác giả khác, đây lại là những yếu tố cản trở khả năng diễn đạt ý tưởng. Một khảo sát thu thập ý kiến của 205 bạn học viên IELTS ở Việt Nam đã chỉ ra rằng việc thiếu trải nghiệm là một trong những lý do được đồng tình nhiều nhất dẫn đến việc gặp khó khăn khi hoàn thành bài viết (Nguyen and Nguyen 175).

Vì thế, bài viết ngày hôm nay sẽ tìm hiểu tầm ảnh hưởng của góc nhìn và trải nghiệm cá nhân lên cách hành văn và thảo luận một số phương án để vượt qua các bất cập phát sinh.

Key takeaways

  1. Góc nhìn và sự khác biệt trong góc nhìn: Góc nhìn không phải bẩm sinh đã có, mà được hình thành qua trải nghiệm cá nhân và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như niềm tin, trình độ học vấn, và nền văn hóa.

  2. Lợi ích của việc thể hiện góc nhìn và chia sẻ trải nghiệm cá nhân trong viết lách: Tạo nét đặc trưng riêng, sự kết nối với độc giả, nguồn cảm hứng, và sự thúc đẩy phát triển bản thân.

  3. Những hạn chế khi trình bày góc nhìn, kinh nghiệm cá nhân trong bài viết: Thiếu tính khách quan, chuyên nghiệp, và bao quát.

  4. Phương pháp để có góc nhìn đa chiều và tích lũy thêm trải nghiệm: Tiếp xúc với các nguồn thông tin đa dạng, tham gia vào các cuộc thảo luận và trò chuyện cũng như trải nghiệm du lịch đến vùng đất mới.

Góc nhìn là gì và sự khác biệt trong góc nhìn đến từ đâu?

Góc nhìn, hay quan điểm, và trải nghiệm cá nhân có thể tác động mạnh mẽ đến cách tác giả hành văn. Về mặt định nghĩa, quan điểm của tác giả là thái độ của người viết đối với một chủ đề cụ thể. Đó là cách người viết nhìn nhận và cảm nhận về chủ đề đó (Williamson 120).

Cũng theo Williamson, góc nhìn không phải là thứ chúng ta sinh ra đã có. Thực chất, nó được hình thành thông qua ngôn ngữ và bị ảnh hưởng bởi những yếu tố liên quan đến trải nghiệm cá nhân như niềm tin, trình độ học vấn, môi trường, giới tính, sức khỏe, quốc tịch, dân tộc, độ tuổi và mối quan tâm của chúng ta (121).

Chính vì lẽ đó, các tác giả khác nhau có thể có các góc nhìn khác nhau về cùng một chủ đề. Các chi tiết, bằng chứng, giải thích, thái độ và phong cách của tác giả, hoặc thậm chí cách họ xây dựng cấu trúc bài viết đều đa dạng và khác nhau dựa trên góc nhìn của họ.

Lấy ví dụ cụ thể về cùng một chủ đề thường được quan tâm ở nước ta như “Liệu Chat GPT có thể thay thể con người không?”, hai bài viết từ hai tác giả với trải nghiệm khác biệt đã nêu lên hai góc nhìn đối lập:

Tác giả bài viết phản đối khả năng thay thế con người của công nghệ AI rất ấn tượng với khả năng học hỏi của trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, bài viết cũng nhấn mạnh vào khả năng của con người trong các lĩnh vực mà máy móc hiện tại chưa thể thay thế, như khả năng cảm nhận đạo đức, thẩm định nghệ thuật, và khả năng nhận thức về bản thân.

Ngược lại, bài viết đồng tình được lập luận dựa trên trải nghiệm cá nhân của tác giả. Cụ thể là việc AI có thể xử lý hầu hết các công việc viết nội dung, sáng tạo ảnh và video. Điều này dẫn đến việc thu nhập nghề nghiệp của tác giả suy giảm đáng kể.

Từ đó có thể thấy, quan điểm và trải nghiệm cá nhân có thể định hình phong cách, tông điệu và cách tiếp cận bài viết. Sự đa chiều trong góc nhìn có thể được phản ánh thông qua sự nhìn nhận tích cực hoặc góc nhìn tiêu cực của bài viết. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến cách người viết lập luận và xử lý thông tin.

image-alt

Lợi ích của việc thể hiện góc nhìn và chia sẻ trải nghiệm cá nhân trong viết lách

Viết lách tốt đến từ tư duy tốt, và tư duy tốt đến từ chính trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống. Vì vậy, góc nhìn đa chiều và trải nghiệm cá nhân chính là một công cụ quý báu để cải thiện kỹ năng Viết của người học.

Khi người học sử dụng những trải nghiệm của chính mình, họ sẵn có cho mình nguồn ý tưởng, sự quan sát kỹ lưỡng, và cảm xúc để làm bài viết trở nên sâu sắc và phong phú. Vì thế, việc vận dụng góc nhìn và trải nghiệm cá nhân vào bài viết có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng, bao gồm:

  • Tạo nét đặc trưng riêng: Việc thể hiện góc nhìn và chia sẻ trải nghiệm cá nhân trong viết lách làm cho bài viết trở nên đặc sắc hơn. Nhờ vào việc minh họa ý kiến và quan điểm bằng chính trải nghiệm cá nhân của tác giả đã tạo ra sự cá nhân hóa và nét riêng biệt cho bài viết (Hanauer 112).

  • Tạo sự kết nối: Thông qua những câu chuyện riêng, tác giả và độc giả dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm về những cung bậc cảm xúc, suy nghĩ hay những hành động (Hollis 26). Điều này giúp xây dựng cộng đồng giao tiếp, nơi mà cả người viết lẫn người đọc đều có thể chia sẻ thông tin, ý kiến và cảm nhận cá nhân.

  • Tạo động lực và cảm hứng: Trải nghiệm cá nhân còn là một phương tiện giúp tác giả truyền tải nguồn cảm hứng cho người đọc. Bằng cách chia sẻ câu chuyện của mình, người viết có thể khích lệ người khác mở rộng tầm nhìn, tìm kiếm sự đổi mới và khám phá các cơ hội mới. Người viết cũng có thể cung cấp lời khuyên và hướng dẫn dựa trên những kinh nghiệm của mình để giúp người khác vượt qua khó khăn và đạt được mục tiêu của mình.

  • Thúc đẩy sự phát triển cá nhân: Viết về trải nghiệm cá nhân giúp người viết xây dựng nhận thức sâu hơn về cảm xúc, suy nghĩ và giá trị bản thân (Bolton 52). Trong quá trình viết, tác giả có cơ hội nhìn nhận lại những trải nghiệm của bản thân, từ đó đưa ra nhận xét khách quan hơn đồng thời tạo tiền đề cho việc phát triển tư duy nhận thức về mặt cảm xúc và lý trí.

Những hạn chế khi trình bày góc nhìn cá nhân

Việc ứng dụng góc nhìn cá nhân và trải nghiệm trong quá khứ như một cơ sở viết lách có thể mang theo những rủi ro nhất định. Dưới đây là một số bất cập cần cân nhắc:

  • Thiếu tính khách quan: Góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi cảm xúc chủ quan (Jasper 175). Ví dụ, tác giả có thể chỉ đưa vào bài viết những sự kiện nhằm hỗ trợ quan điểm của mình, hoặc vô tình bóp méo sự thật để phù hợp với luận điểm của bản thân hơn.

  • Thiếu tính bao quát: Kinh nghiệm cá nhân chỉ đại diện cho quan điểm và trải nghiệm riêng của tác giả, và không thể đại diện cho tất cả mọi người. 

  • Thiếu tính chuyên nghiệp: Nếu không đưa ra thông tin và dữ liệu đầy đủ để hỗ trợ góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân, sẽ rất khó để thuyết phục độc giả và đảm bảo tính chính xác của những thông tin đang được trình bày.

image-alt

Để tránh những vấn đề, người viết có thể cân nhắc và áp dụng các biện pháp sau:

  • Đưa ra các ví dụ và dẫn chứng cụ thể từ các nghiên cứu và nguồn thông tin đáng tin cậy sẽ giúp củng cố luận điểm và đảm bảo tính khách quan của bài viết. Ngoài ra, không phải tất cả góc nhìn và trải nghiệm đều phù hợp để sử dụng trong viết lách. Do đó, việc lựa chọn quan điểm cũng như trải nghiệm có liên quan đến chủ đề của bài viết là cực kì quan trọng.

  • Hạn chế các đại từ số nhiều ở ngôi thứ nhất như “we”, “us”, “our” bởi đây là những dấu hiệu thể hiện người viết cho rằng độc giả của họ có cùng ý kiến với mình.

  • Hạn chế khái quát hóa, hay tổng quát hóa vấn đề bằng cách tránh dùng các từ khẳng định tuyệt đối như “all” (tất cả) hoặc “never” (không bao giờ). (Williamson 124)

Xem thêm:

Làm thế nào để có góc nhìn đa chiều và tích lũy thêm trải nghiệm?

Để có góc nhìn đa chiều và tích lũy thêm trải nghiệm, có một số phương pháp hiệu quả mà tác giả có thể áp dụng vào bài viết.

Một trong những cách quan trọng nhất là thường xuyên tiếp xúc với các nguồn thông tin đa dạng. Bằng cách đọc và tìm hiểu từ các nguồn sách, báo, tạp chí khác nhau, độc giả có thể nhìn nhận lại hoặc củng cố quan niệm sẵn có và phát triển tư duy toàn diện và đồng cảm hơn. Thông qua quá trình này, quan điểm mới được tiếp thu và người đọc có thể thoát khỏi những hạn chế trong trải nghiệm của bản thân để từ đó có được cái nhìn đa chiều hơn.

Ngoài ra, tham gia vào các cuộc trò chuyện và thảo luận cũng là một cách tốt để tiếp thu các ý kiến và quan điểm khác nhau. Việc chia sẻ ý kiến và lắng nghe quan điểm của người khác có thể giúp mở ra những cơ hội mới để suy nghĩ và học hỏi (Patterson et al. 117).

image-altThêm vào đó, việc trải nghiệm và khám phá thế giới cũng đóng một vai trò thiết yếu. Tham gia vào các hoạt động văn hóa, các khóa học và sự kiện, hay học một ngôn ngữ mới có thể giúp người viết tiếp cận với những trải nghiệm và quan điểm mới. Đặc biệt, theo Emy Van Trijp và Claudio Minc, việc đi du lịch có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển góc nhìn đa chiều và tích lũy trải nghiệm (Broadening Horizons: ‘Discover the World, Discover Yourself!). Các hành trình này mang đến cơ hội tiếp xúc với các nền văn hóa, ngôn ngữ và phong cách sống khác nhau thông qua việc tương tác với người dân địa phương và khám phá những địa điểm mới.

Tổng kết

Từ những điều đã thảo luận ở trên, có thể thấy việc hiểu và sử dụng góc nhìn đa chiều cùng trải nghiệm cá nhân đúng cách không chỉ giúp tạo ra những bài viết sâu sắc và đặc trưng mà còn mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho cả người viết và người đọc. Bằng cách thể hiện quan điểm cá nhân và chia sẻ trải nghiệm riêng, người viết không chỉ có thể tạo ra sự kết nối và tương tác sâu sắc với độc giả mà còn giúp họ phát triển nhận thức về bản thân và thế giới xung quanh.

Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra những thách thức và rủi ro về tính khách quan và phạm vi bao quát của quan điểm cá nhân. Do đó, người viết cần phải cân nhắc và áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của bài viết.

Tài liệu tham khảo

  • Bolton, Gillie. Write yourself: Creative writing and personal development. Jessica Kingsley Publishers, 2011.

  • Budjalemba, Algrenita Silvina, and Listyani Listyani. "Factors contributing to students difficulties in academic writing class: Students perceptions." UC Journal: ELT, Linguistics and Literature Journal 1.2 (2020): 135-149.

  • Giap, Van Duong. "AI can't trespass on all human domains." VNExpress, 16 Feb. 2023, https://e.vnexpress.net/news/perspectives/the-human-territories-that-ai-can-never-trespass-4571082.html.

  • Gupta, A. F. "The Situation of English in Singapore." Edited by K. Bolton and B. B. Kachru, World Englishes: Critical Concepts in Linguistics, London: Routledge, 2006, pp. 369-389.
    Atieno, Nancy. "5 Reasons Why Personal Experience Is Important When Writing." LinkedIn, LinkedIn Corporation, www.linkedin.com/pulse/5-reasons-why-personal-experience-important-when-writing-nancy-atieno.

  • Hanauer, David I. "Meaningful Literacy: Writing Poetry in the Language Classroom." Language Teaching, vol. 45, no. 01, 2011, pp. 105–115, doi:10.1017/s0261444810000522.

  • Hollis, H. "Readers’ Experiences of Fiction and Nonfiction Influencing Critical Thinking." Journal of Librarianship and Information Science, vol. 55, no. 1, 2023, pp. 18-32, https://doi.org/10.1177/09610006211053040.

  • Jasper, Melanie. Beginning reflective practice. Nelson Thornes, 2003.

  • Nguyen, H. N., and Nguyen, D. K. "Vietnamese Learners’ Performance in The IELTS Writing Task 2: Problems, Causes, and Suggestions." International Journal of TESOL & Education, vol. 2, no. 1, 2022, pp. 170-189. DOI: https://doi.org/10.54855/ijte.222111.

  • Patterson, Kerry, et al. Crucial Conversations. McGraw-Hill Contemporary, 2002.

  • Van Trijp, Emy, and Claudio Minca. Broadening Horizons: ‘Discover the World, Discover Yourself!’ A Qualitative Web Content Analysis of the Representation of the Gap Year Product in the Netherlands. Master’s Thesis, Wageningen University, The Netherlands, 2014.

  • Vu, Quang. "I Am Losing Hundreds of Dollars a Month as ChatGPT Took My Job." VNExpress, 5 Dec. 2023, https://e.vnexpress.net/news/readers-views/i-am-losing-hundreds-of-dollars-a-month-as-chatgpt-took-my-job-4684374.html.

  • Williamson, Patricia. "Academic Writing Skills." The University of Queensland, 2021, https://doi.org/10.14264/54e8047.

Tham khảo thêm khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên cải thiện các kỹ năng giao tiếp và tăng phản xạ trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu