Cách tăng hiệu quả học tập với kỹ thuật Feynman

Bài viết giới thiệu và hướng dẫn bạn đọc áp dụng kỹ thuật Feynman (The Feynman Learning Technique) vào việc nâng cấp hiệu quả học tập của mình và đồng thời cũng thay đổi góc nhìn của bạn đọc về khái niệm học tập.
author
Trương Nguyễn Hà Giang
08/02/2022
cach tang hieu qua hoc tap voi ky thuat feynman

Học tập nói chung hay việc học tiếng Anh nói riêng là một khái niệm không xa lạ đối với các độc giả. Khi tiếp cận một chủ đề mới, với cách học truyền thống, đa phần bạn đọc sẽ tiếp thu kiến thức bằng cách đọc sách, ghi nhớ, và thậm chí luyện tập nhiều lần để thành thạo kiến thức đó. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, liệu với phương pháp quen thuộc này, bạn đọc có đang thực sự “học” kiến thức mới không, hay chỉ “ghi nhớ” chúng mà thôi? Để trả lời câu hỏi trên, bài viết sau đây sẽ giới thiệu và hướng dẫn bạn đọc áp dụng kỹ thuật Feynman (The Feynman Learning Technique) vào việc nâng cấp hiệu quả học tập của mình và đồng thời cũng thay đổi góc nhìn của bạn đọc về khái niệm "học tập". 

Key takeaways: Kỹ thuật Feynman rèn luyện cho người học thói quen giải thích lại những kiến thức đã có một cách đơn giản và dễ hiểu nhất, từ đó "thông tin" ở các nguồn tài liệu sẽ trở thành "kiến thức" mà người học có thể vận dụng tốt trong thực tế. Để áp dụng hiệu quả kỹ thuật này vào việc học, bạn đọc cần thực hiện đầy đủ 4 bước theo trình tự như sau:

  • Bước 1: Chọn chủ đề/khái niệm cần học

  • Bước 2: Tự giải thích lại chủ đề/khái niệm vừa học

  • Bước 3: Xác định lỗ hổng kiến thức

  • Bước 4: Đơn giản hóa chủ đề/khái niệm đã học

Tổng quan về kỹ thuật Feynman

Khái niệm kỹ thuật Feynman

Cha đẻ của kỹ thuật Feynman là ông Richard Feynman, một nhà vật lý lý thuyết đã từng đoạt giải Nobel Vật lý vào năm 1965. Bên cạnh việc là một nhà khoa học, Feynman còn là một giáo viên giỏi, bởi vì ông có thể giải thích tất cả những khái niệm khó nhất theo cách đơn giản và dễ hiểu cho hầu hết tất cả mọi người.

Chính vì thế, kỹ thuật Feynman, một kỹ thuật học tập được đặt theo tên ông, là một phương pháp giúp người học có thể tiếp thu tất cả mọi kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau một cách hiệu quả và nhanh chóng, bằng việc luyện tập giải thích kiến thức đã học sao cho thật sự dễ hiểu. Bằng cách áp dụng 4 bước đơn giản của kỹ thuật này, bạn đọc hoàn toàn có thể nâng cao hiệu quả học tập của mình ở bất kỳ lĩnh vực nào trong thực tế:

  • Bước 1: Chọn chủ đề/khái niệm cần học

  • Bước 2: Tự giải thích lại chủ đề/khái niệm vừa học

  • Bước 3: Xác định lỗ hổng kiến thức

  • Bước 4: Đơn giản hóa chủ đề/khái niệm đã học

ky-thuat-feynman-minh-hoa

Vì sao nên chọn học tập với kỹ thuật Feynman ?

Khi tiếp cận một khái niệm mới, Richard Feynman phân biệt rõ việc "biết tên" và việc "hiểu" khái niệm. Nói cách khác, khi tiếp nhận thông tin bằng việc đọc sách, xem video hay từ bất kì nguồn tài liệu nào khác, đa phần người học chỉ mới dừng lại ở việc biết hoặc ghi nhớ các khái niệm mà chưa thật sự học kiến thức mới. Điều này sẽ khiến người học dễ quên và khó áp dụng kiến thức về lâu dài, bởi lẽ việc học không dừng lại ở việc ghi nhớ thông tin để đối phó với các bài kiểm tra mà nằm ở sự vận dụng kiến thức trong thực tế.

Khác với phương pháp học truyền thống, kỹ thuật Feynman hướng người học đến việc đơn giản hóa thông tin thông qua quá trình học và giải thích lại khái niệm vừa học, điều này làm người học ghi nhớ và hiểu thông tin một cách hoàn thiện và đầy đủ hơn.

Đối tượng có thể ứng dụng kỹ thuật Feynman

Kỹ thuật Feynman sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo cho việc tiếp thu khái niệm mới, hay nói cách khác là việc chuyển hóa thông tin thành kiến thức, và kỹ thuật này dành cho:

  • Người học nói chung cần ghi nhớ lượng kiến thức mới (ví dụ một doanh nhân đang học các khái niệm kinh doanh, hay một lập trình viên cần hiểu các thuật toán,...)

  • Học sinh, sinh viên đang ôn luyện cho những bài kiểm tra hoặc kì thi

  • Giáo viên đang tìm kiếm một phương pháp học tập hiệu quả để vừa trau dồi kiến thức, vừa cải thiện khả năng truyền đạt tới học viên

  • Độc giả gặp khó khăn với phương pháp ghi nhớ truyền thống, muốn tiếp cận một phương pháp học tối ưu, hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn.

Nếu bạn đọc sở hữu một trong những yếu tố nói trên, hãy tiếp tục với bài viết này để biết được cách áp dụng kỹ thuật Feynman vào những khó khăn mình đang gặp phải.

Các bước thực hiện

Dưới đây là chi tiết các bước áp dụng kỹ thuật Feynman vào việc tiếp nhận kiến thức mới. Nhằm giúp bạn đọc dễ hình dung, tác giả sẽ sử dụng việc học về chủ đề Online Shopping (Mua sắm trực tuyến) để làm ví dụ cụ thể cho xuyên suốt 4 bước thực hiện.

Bước 1: Chọn chủ đề/khái niệm cần học

Ở bước đầu tiên, người học cần xác định kiến thức mà mình muốn học và bắt tay vào việc thu thập thông tin cần thiết. Sau khi đã chọn được nội dung cần học, bạn đọc có thể bắt đầu tìm hiểu chủ đề này bằng cách đọc các bài báo, bài viết hoặc xem những video liên quan. Từ đó bạn đọc ghi chú lại những điều đã học được vào sổ tay riêng.

Ví dụ, bạn đọc là một thí sinh IELTS cần tìm hiểu về bất lợi và lợi ích của quy trình mua sắm trực tuyến. Khi sử dụng kỹ thuật Feynman cho việc học, trước tiên bạn đọc tìm tư liệu và tổng hợp lại kiến thức vào giấy ghi chú. Cụ thể, đối với việc mua sắm trực tuyến, bạn đọc liệt kê được quy trình như trong hình dưới đây:

Online shopping process:

  • Access to shopping platforms

  • Find the products to purchase

  • Compare the price of the same items from different sellers

  • Order the desired item

  • Paying process

  • Item being delivered

  • Receive

Bước 2: Tự giải thích lại chủ đề/khái niệm vừa học

Sau khi đã hoàn thành bước một, bạn đọc cố gắng giải thích lại những khái niệm/kiến thức mình vừa học cho một người khác. Đây có thể là một người thân trong gia đình hoặc một người bạn hoàn toàn không biết gì về chủ đề được chọn. Một mẹo nhỏ là bạn đọc nên xem họ như một đứa trẻ, để từ đó cố gắng sử dụng ngôn ngữ đơn giản nhất có thể, giúp họ hiểu được vấn đề hoặc khái niệm mình đang giải thích.

Ở bước này, bạn đọc bắt đầu sử dụng từ ngữ của mình để giải thích về cách hoạt động của việc mua hàng online, và cố gắng giải thích thật chi tiết từng bước một. Trong quá trình giải thích về chủ đề, bạn đọc nhận ra mình vẫn chưa biết vì sao quy trình này mang lại lợi ích cho khách hàng, lợi ích đó là gì, cụ thể ở bước nào,... Hơn nữa, quy trình trên có bất lợi nào hay không. Nếu có thì giữa bất lợi và tiện ích, cái nào sẽ chiếm phần hơn ? Đây là những câu hỏi mà bạn đọc cần tìm hiểu lại khi sang bước tiếp theo.

Bước 3: Xác định lỗ hổng kiến thức

Ở bước này, bạn đọc sẽ nhìn thấy được lỗ hổng trong kiến thức mình vừa học thông qua việc giải thích ở bước hai. Bạn đọc luôn nhớ rằng, điều cốt lõi của kỹ thuật Feynman chính là chỉ khi hiểu rõ được vấn đề, người học mới có thể giải thích nó một cách trôi chảy và đơn giản. Vì thế những điểm mà bạn đọc gặp phải khó khăn khi giải thích, hoặc những câu hỏi từ người nghe mà bạn đọc không trả lời được ở bước trên chính là lỗ hổng kiến thức cần trau dồi. Sau khi xác định được những thông tin mà bản thân chưa thật sự tiếp thu được, bạn đọc tập trung học lại đúng phần kiến thức đó và hoàn thiện phần bài học của mình.

Quay lại những câu hỏi chưa có lời giải ở bước hai, bạn đọc bắt đầu quay lại những tài liệu mà mình có, tập trung vào các lợi ích và bất lợi của chủ đề, xem những nội dung này phát sinh ở bước nào. Từ đó, bạn đọc ghi chú lại phần giải thích rõ ràng và đầy đủ thông tin hơn như sau:

ky-thuat-feynman-online-shopping-process

Bước 4: Đơn giản hóa chủ đề/khái niệm

Ở bước cuối cùng, bạn đọc xem lại phần giải thích của mình. Ở những điểm còn những từ ngữ phức tạp, hãy cố gắng đơn giản hóa nó. Bạn đọc cũng có thể sắp xếp lại thông tin theo dạng biểu đồ hoặc mindmap để có cái nhìn tổng quan về chủ đề hơn.

Áp dụng vào chủ đề đang học, sau khi đã hoàn tất toàn bộ ba bước trên, bạn đọc đã có thể vẽ được biểu đồ như hình bên dưới, thể hiện quy trình mua sắm trực tuyến, đồng thời nêu ra các lợi ích và bất lợi của nó bằng từ ngữ đơn giản và dễ hiểu nhất. Với sơ đồ này, bạn đọc hoàn toàn có thể tự tin nói về Online Shopping mà không cần xem lại tài liệu học.

ky-thuat-feynman-online-shopping-process-2

Sau khi hoàn tất cả 4 bước, bạn đọc đã hoàn toàn hiểu được chủ đề về mua sắm trực tuyến. Để kiểm tra lại kiến thức của mình, bạn đọc tìm những câu hỏi IELTS về chủ đề này, cả Writing lẫn Speaking, để có thể lên ý tưởng và luyện tập trả lời các câu hỏi đó. Nếu vẫn còn lúng túng ở câu nào, bạn đọc quay lại từ bước một để củng cố kiến thức của mình.

Lợi ích mà kỹ thuật Feynman mang lại

Qua các bước thực hiện ở phần trên, có thể thấy, kỹ thuật Feynman mang lại nhiều lợi ích cho người học, cụ thể như sau:

  • Khi tự truyền đạt lại kiến thức vừa tiếp thu, người học có cơ hội xác định được phần thông tin đã nắm rõ và cả phần còn mơ hồ, cần luyện tập thêm. Ví dụ với chủ đề Online Shopping, khi giải thích quy trình, người học nhận thấy rằng mình chỉ biết được bề mặt của nó, chưa hiểu sâu được từng bước của quy trình sẽ mang lại lợi ích gì, hoặc chưa rõ vì sao việc mua sắm trực tuyến lại có ích hơn là có hại.

  • Hơn nữa, khi luyện tập giải thích lại vấn đề, người học không chỉ có được cái nhìn tổng quan nhất về phần kiến thức của mình, mà còn trau dồi thêm kỹ năng giảng dạy, cụ thể là cách diễn đạt hoặc giải thích vấn đề thật ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu.

  • Tư duy logic tư duy phản biện của người học cũng sẽ được phát triển, nhờ vào việc xác định lỗ hổng kiến thức, đặt ra những câu hỏi để giải quyết và nhìn nhận vấn đề chi tiết hơn. Ví dụ đối với chủ đề online shopping ở trên, khi đặt câu hỏi để tìm lợi ích của việc mua sắm qua mạng, người học không dừng lại ở việc nói bước "deliver" (giao hàng) là thuận lợi, mà còn nhìn nhận nó có lợi cho đối tượng cụ thể là người già và người khuyết tật.

Tổng hợp lại các lợi ích nêu trên, kỹ thuật Feynman đã mang đến cho người học một cách tiếp cận hiệu quả đối với các chủ đề, các lý thuyết khó nhằn trong tiếng Anh và trong bất kì lĩnh vực nào khác như toán học, vật lý, công nghệ...

Tổng kết

Như vậy, thông điệp của kỹ thuật Feynman mà độc giả cần lưu tâm chính là học tập không chỉ đơn thuần nằm ở việc biết các khái niệm, mà còn là việc hiểu và giải thích được chúng một cách đơn giản, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Cũng như Albert Einstein đã từng nói, "If you can't explain it simply, you don't understand it well enough" (Tạm dịch: Nếu bạn không thể giải thích điều đó một cách đơn giản, thì bản chưa hiểu đủ rõ về nó.)

Với các thông tin trong bài viết hôm nay, tác giả hy vọng bạn đọc đã tìm được cho bản thân một phương pháp tối ưu cho việc cải thiện hiệu quả học tập, không chỉ ở tiếng Anh, mà còn trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Bạn cần gấp chứng chỉ IELTS để du học, định cư, tốt nghiệp, hay thăng tiến trong sự nghiệp nhanh chóng? Đạt điểm cao trong thời gian ngắn với khóa học luyện thi IELTS cấp tốc hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu