Banner background

Tư duy phản biện là gì? Những kĩ năng cần có để tư duy phản biện

tu duy phan bien la gi nhung ki nang can co de tu duy phan bien

Câu nói của Norman Vincent nói lên tầm quan trọng của tư duy về thế giới quan của con người. Việc rèn giũa cho bản thân một lối tư duy sáng và rõ ràng là nhu cầu thiết yếu trong thời đại số để tiếp nhận có chọn lọc lượng thông tin khổng lồ mà ta phải đối mặt hàng ngày. Một trong lối tư duy rất được coi trọng ngày nay đó là tư duy phản biện.

“Change your thoughts and you change your world.” – Norman Vincent

(Thay đổi tư duy và bạn sẽ thay đổi cả thế giới.)

Khi nghe đến khái niệm về tư duy phản biện, có nhiều người hiểu nhầm rằng đây là một lối tư duy phản đối, hay tranh cãi gay gắt, trái chiều với bất kì thông tin, quan điểm nào mà họ đón nhận. Thực tế, tư duy phản biện khác xa với những định nghĩa như vậy. Ta sử dụng tư duy phản biện không chỉ trong việc học tập ở nhà trường hay nơi làm việc mà những hoạt động thường ngày cũng cần đến tư duy phản biện, ví dụ chọn món ăn trong menu ở nhà hàng hay đọc báo. Trong những kì thi đánh giá năng lực ngôn ngữ có phần thi viết luận như  , việc phát triển tư duy phản biện giúp các bạn luyện thi IELTS có được sự mạch lạc trong tư duy mà triển khai ý tưởng của mình.

Với sự cần thiết và tần suất sử dụng thường xuyên của tư duy phản biện, trước tiên ta cần phải hiểu rõ và đúng về bản chất của tư duy phản biện để từ đó có những phương hướng phù hợp cho việc phát triển tư duy phản biện.

Tư duy phản biện là gì?

Định nghĩa theo một số từ điển uy tín

Theo từ điển Oxford, tư duy phản biện hay “critical thinking” là “the process of analysing information in order to make a logical decision about the extent to which you believe something to be true or false” (quá trình phân tích thông tin để đưa ra quyết định lô-gic về điều bạn tin là đúng hay sai)

Theo từ điển Cambridge, tư duy phản biện hay “critical thinking” là “the process of thinking carefully about a subject or idea, without allowing feelings or opinions to affect you” (quá trình suy nghĩ cẩn thận về một vấn đề hoặc ý tưởng mà không để cảm xúc hoặc ý kiến khác ảnh hưởng đến bạn)

Tổng hợp hai định nghĩa trên ta rút ra được, bản chất của tư duy phản biện là suy nghĩ cẩn thận bằng cách phân tích thông tin mà không để cảm xúc hoặc ý kiến chi phối. Mục đích của tư duy phản biện là để đưa ra quyết định lô-gic về điều nên tin là đúng hay sai.

Tuy nhiên, với định nghĩa khái quát trên, ta khó có thể áp dụng tư duy phản biện vào thực tế cuộc sống hàng ngày mà ta cần một định nghĩa có chiều sâu và chi tiết hơn.

Định nghĩa theo các học giả

John Dewy – nhà triết học, tâm lý học và nhà cải cách giáo dục người Mỹ – đã từng gọi tư duy phản biện là tư duy phản ánh (reflective thinking) và định nghĩa của ông về tư duy phản biện như sau “Active, persistent, and careful consideration of a belief or supposed form of knowledge in the light of the grounds which support it and the further conclusions to which it tends.” (Xem xét chủ động, kiên trì và cẩn thận về một niềm tin hoặc dạng kiến thức với những căn cứ hỗ trợ nó và những kết luận từ đó.) (Dewey, 1909, p. 9)

  • Có 3 luận điểm trong định nghĩa của John Dewey, ta cần phân tích kĩ và hiểu rõ. Đầu tiên, ta cần chủ động suy nghĩ thay vì chỉ tiếp nhận thông tin từ người khác một cách bị động. Cụ thể hơn, khi đọc thông tin, ta cần chủ động tư duy bằng cách đặt câu hỏi cho chính bản thân mình. Tiếp theo, từ “persistent” (kiên trì) trong định nghĩa của Dewey thể hiện rằng tư duy phản biện đòi hỏi thời gian xem xét – điều này trái ngược với việc đưa ra kết luận vội vàng khi tiếp nhận bất kì thông tin nào cho dù thông tin đó có quen thuộc với mình hay không. Trong quá trình xem xét thông tin chủ động và kiên trì, ta cần phải kết hợp thêm sự cẩn thận. Qua đó, ta hiểu rõ hơn quá trình của tư duy phản biện cần kết hợp ba yếu tố chủ động, kiên trì và cẩn thận. Tuy nhiên, vế sau trong định nghĩa của Dewey nhấn mạnh về nền tảng của tư duy phản biện phải dựa vào “the grounds which support it” (bằng chứng) và tạo ra được “further conclusion” (kết luận). Nói cách khác, tư duy phản biện cần phải có lập luận, và lý lẽ để từ đó đưa ra thêm ý kiến của bản thân cho những thông tin tiếp nhận.

Một định nghĩa khác về tư duy phản biện cũng đáng được quan tâm. Triết học gia người Úc tên là Michael Scriven cho rằng “critical thinking is skilled and active interpretation and evaluation of observations and communications, information and argumentation.” (tư duy phản biện là kỹ năng diễn giải và đánh giá tích cực và chủ động các quan sát, thông tin và lập luận.) (Fisher and Scriven, 1997, p. 21)

  • Cụ thể hơn, Scriven chỉ ra rằng suy nghĩ vẫn chưa được coi là tư duy phản biện bởi vì đó chỉ là hành động nhận thức cơ bản của con người. Để tư duy phản biện, suy nghĩ của ta cần phải đáp ứng được nhiều chuẩn mực ví dụ như sự rõ ràng, sự nhất quán, sự lô-gic, và còn nữa. Nói cách khác, tư duy phản biện bao gồm nhiều kĩ năng khác cùng kết hợp chứ không đơn thuần là suy nghĩ. Như vậy, để phát triển tư duy phản biện ta cần biết những kĩ năng cần có để tư duy phản biện.

Để kiểm tra xem bạn đã hiểu rõ được định nghĩa về tư duy phản biện, hãy làm bài tập sau: Xét những hoạt động dưới đây, hoạt động nào cần sử dụng tư duy phản biện:

  1. Bạn đang đọc báo để cập nhật tình hình đại dịch Covid 19 đang diễn ra như thế nào trên toàn thế giới.
  2. Bạn đang giải một bài toán bằng cách áp dụng công thức đã học, và đưa ra đáp số.
  3. Một cầu thủ bóng đá đang xem xét chọn đồng đội nào để chuyền bóng tại một giải đấu quan trọng.
  4. Bạn đang lắp đặt một thiết bị điện tử mới mua theo sự hướng dẫn của sách hướng dẫn đính kèm.
  5. Bạn đang cân nhắc lời quảng cáo của người bán ô tô bằng cách so sánh giá và cách chính sách hậu mãi của cửa hàng này đưa ra với những cửa hàng khác.

Đáp án:

  1. Đây là hoạt động tiếp nhận thông tin một chiều nên không phải tư duy phản biện. Tuy nhiên, nếu sau khi đọc thông tin trên báo, bạn đưa ra những phương án để bảo vệ bản thân và người thân tránh dịch Covid 19 dựa vào những thông tin trong báo thì đây là một bước tư duy phản biện.
  2. Bởi vì bạn chỉ áp dụng công thức để giải bài toán một cách máy móc, chứ chưa có sự tư duy lập luận vì sao phải sử dụng công thức này, nên đây không phải là hoạt động tư duy phản biện.
  3. Mặc dù quyết định của cầu thủ phải đưa ra trong thời gian ngắn nhưng anh ấy phải cố gắng tìm ra vị trí thuận lợi để chuyền bóng nên đây là hoạt động tư duy phản biện.
  4. Nếu bạn chỉ chăm chăm làm theo từng bước hướng dẫn của sách thì đây không phải là hoạt động tư duy phản biện.
  5. Hoạt động cân nhắc cho thấy rằng bạn đang xem xét vấn đề về việc mua xe tại cửa hàng đó liệu có đúng đắn hay không. Thêm nữa, bạn có giải pháp để đánh giá vấn đề của mình đó là so sánh, đánh thông tin của cửa hàng này với các cửa hàng khác. Vì vậy, đây là hoạt động tư duy phản biện.

2. Những kĩ năng cần có để tư duy phản biện

Dựa theo định nghĩa của Michael Scriven, trước khi diễn giải hay đưa ra đánh giá cho bất kì thông tin nào, ta cần phải có “observation” (sự quan sát). Cụ thể hơn, ta cần phải nghe và đọc hay nói cách khác là quan sát sự việc một cách toàn diện là bước đầu tiên của tư duy phản biện. Các bước tiếp theo của tư duy phản biện tương đồng với thang đánh giá tư duy của Bloom. Hãy nhìn vào thang đo nhận thức của Bloom để có cái nhìn trực quan hơn về tư duy phản biện.

tu-duy-phan-bien-la-gi-nhung-ki-nang-can-co-de-tu-duy-phan-bien
Những kĩ năng cần có để tư duy phản biện

Sau khi hoàn thành bước quan sát đầu tiên, ta tạm đưa thông tin vào khay ghi nhớ. Kiểm tra việc hiểu thông tin bằng cách phân loại được vấn đề hoặc diễn đạt được vấn đề theo cách khác hoặc bằng ngôn ngữ khác. Bước tiếp theo là ứng dụng thông tin tức là so sánh và đối chiếu thông tin trong các tình huống tương tự (bước này không bắt buộc dùng trong mọi tình huống của tư duy phản biện). Sau đó là phân tích thông tin thông qua việc tìm mối liên kết giữa các thông tin. Tiếp đến là đánh giá thông tin bằng cách đặt câu hỏi. Cuối cùng là tạo ra kết luận, hoặc ý kiến tổng quát cho vấn đề dựa vào những thông tin ban đầu.

Ứng dụng các bước trong tư duy phản biện vào ví dụ sau:

“The kinds of hand and wrist injuries that result from extended use of a computer while maintaining an incorrect posture are common among schoolchildren in Harnville. Computers are important to the school curriculum there, so instead of reducing the amount their students use computers, teachers plan to bring about a sharp reduction in the number of these injuries by carefully monitoring their students’ posture when using computers in the classroom.” (The Official Guide for GMAT Review 2018)

Bước 1: Đọc và ghi nhớ thông tin

Bước 2: Hiểu thông tin bằng ngôn ngữ mẹ đẻ

“Các loại chấn thương tay và cổ tay do sử dụng máy tính kéo dài trong khi duy trì một tư thế không chính xác đang phổ biến ở các học sinh ở Harnville. Máy tính rất quan trọng đối với chương trình giảng dạy ở đó, vì vậy thay vì giảm số lượng học sinh sử dụng máy tính, giáo viên dự định sẽ giảm số lượng các chấn thương này bằng cách theo dõi cẩn thận tư thế của học sinh khi sử dụng máy tính trong lớp học.”

Bước 3: Ứng dụng thông tin

Tình huống tương tự với việc gù lưng ở học sinh khi ngồi làm bài sai tư thế.

(Đây là một bước trong thang đo nhận thức của Bloom, nhưng ứng dụng vào tư duy phản biên ta có thể bỏ qua bước này trong một vài tính huống nhất định)

Bước 4: Phân tích thông tin

Các mối quan hệ trong thông tin trên như sau:

  • Bối cảnh: Học sinh ở Harnville đang gặp phải chấn thương tay và cổ tay do sử dụng máy tính kéo dài trong khi duy trì một tư thế không chính xác.
  • Tiền đề: Không thể giảm giờ học máy tính vì máy tính rất quan trọng đối với chương trình giảng dạy ở Harnville.
  • Kết luận: Giáo viên có thể giảm số lượng chấn thương bằng cách theo dõi cẩn thận tư thế của học sinh khi sử dụng máy tính trong lớp học.

Bước 5: Đánh giá thông tin

Đặt câu hỏi cho kết luận trên:

Liệu tỷ lệ học sinh ở Harnville bị chấn thương tay và cổ tay sử dụng máy tính rộng rãi bên ngoài lớp học hay không? Bởi nếu hầu hết các học sinh bị chấn thương sử dụng máy tính rộng rãi trong khi bên ngoài lớp học, thì chỉ giám sát khi chúng ở trong lớp học sẽ không hiệu quả. Ngược lại, nếu hầu hết các học sinh này chỉ sử dụng máy tính trong lớp, thì kế hoạch giám sát học sinh tại lớp của giáo viên sẽ làm giảm được việc học sinh bị chấn thương ở tay.

Thực tế có nhiều cách khác đưa ra câu hỏi để đánh giá liệu kết luận ở thông tin trên có thực sự chặt chẽ và đáng tin cậy.

Bước 6: Tạo ra kết luận mới

Việc giúp học sinh giảm chấn thương tay và cổ tay do sử dụng máy tính là cần thiết nhưng để đưa ra giải pháp thiết thực và hiệu quả, ta cần xét thêm các yếu tố khác.

Tổng kết

Hiện nay phần lớn chúng ta được đào tạo để giải quyết vấn đề nhiều hơn là cách tìm ra vấn đề. Đây là một sự nhảy cóc trong lối tư duy phản biện, cần phải tránh lối tư duy chỉ chú tâm tìm ra giải pháp cho vấn đề trước mắt bởi số lượng vấn đề phát sinh trong cuộc sống ngày nay đang tăng lên với tốc độ nhanh chóng. Ta cần chủ động tìm hiểu và phân tích sâu vấn đề qua từng bước phân tích ở trên để từ đó đánh giá và đưa ra kết luận cho những thông tin xung quanh để phòng tránh trước mọi trường hợp có thể xảy ra thay vì đợi vấn đề phát sinh và sau đó đi tìm cách giải quyết. Khi hiểu rõ các bước cũng như các kỹ năng cần thiết cho tư duy phản biện, ta cần phải luyện tập hàng ngày để rèn giũa những kỹ năng đó và áp dụng chúng ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

3. Tư duy phản biện trong việc đọc hiểu

Những bước đầu trong tư duy phản biện là hiểu và tiếp nhận thông tin liên quan đến năng lực đọc hiểu hoặc nghe hiểu và kĩ năng ngôn ngữ, đặc biệt là nhận biết được những ngôn ngữ dùng để phản biện bao gồm ngôn ngữ đưa ra nguyên nhân (ví dụ như: vì, bởi vì), hay ngôn ngữ trình bày kết quả (ví dụ như: vì vậy, do đó). Trong phần chia sẻ này sẽ tập trung khai thác thông tin ở dạng đọc hiểu. Vậy khi tiếp nhận, đọc một lượng thông tin ta cần áp dụng các bước tư duy phản biện như thế nào?

Tất cả những thông tin mà ta tiếp nhận và áp dụng tư duy phản biện đều là sự kết hợp của các câu trình bày (statement). Vì vậy, trước tiên ta cần phân biệt “statement” (câu trình bày) khác với những dạng câu khác như câu đề nghị hoặc câu hỏi. Nếu câu là “statement” (câu trình bày), ta có thể xét được tính đúng hay sai của thông tin ở trong câu. Các câu “statement” (câu trình bày) đóng vai trò khác nhau trong các lập luận. Như đã giới thiệu ở phần trên, trước khi đánh giá được lập luận, ta cần phải phân tích thông tin bằng cách tìm mối liên hệ của thông tin. Các câu trình bày có thể là nguyên nhân, lý lẽ của lập luận hoặc đóng vai trò là kết luận của lập luận. Để tìm được mối liên hệ giữa các lập luận ta có thể dựa vào mặt ngôn ngữ.

Ví dụ 1: Bởi vì trời mưa, nên đường phố trở nên kẹt xe.

Thông tin đứng sau ngôn ngữ nguyên nhân “bởi vì” là câu trình bày lý lẽ cho lập luận: trời mưa. Thông tin đứng sau ngôn ngữ kết quả “nên” là câu trình bày kết luận của lập luận: đường phố trở nên kẹt xe.

Ví dụ 2: Chính phủ cần phải đưa ra biện pháp thu hút nhiều người dân sử dụng xe buýt hơn. Có rất nhiều phương tiện trên đường khiến sự an toàn của người đi lại bị đe dọa. Nhà nước nên tài trợ để giảm phí vé xe buýt. Mọi người muốn đường xá trở nên ít đông đúc, nhưng họ vẫn muốn tiện lợi khi di chuyển. Mọi người sẽ không bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt nếu không có khích lệ thích đáng.

Trong ví dụ 2, nếu chỉ dựa vào bề mặt ngôn ngữ, ta sẽ không thể nào tìm được đâu là lý lẽ và kết luận của lập luận. Vì vậy, ta cần thực hiện một bài kiểm tra nhỏ về tính lô-gic của lập luận để tìm ra mối liên kết của các thông tin trong lập luận như sau:

Nối hai cặp câu lại với nhau bằng từ “vì vậy” (ngôn ngữ kết quả) và xem chúng có hợp lý.

“Chính phủ cần phải đưa ra biện pháp thu hút nhiều người dân sử dụng xe buýt hơn. Vì vậy, có rất nhiều phương tiện trên đường khiến sự an toàn của người đi lại bị đe dọa.” -> không hợp lý

“Mọi người sẽ không bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt nếu không có khích lệ thích đáng. Vì vậy, chính phủ cần phải đưa ra biện pháp thu hút nhiều người dân sử dụng xe buýt hơn.” -> hợp lý

Tương tự với các cặp câu khác. Ta có thể sắp xếp lại lập luận trên với những ngôn ngữ chỉ nguyên nhân và kết quả để dễ hiểu hơn như sau:

Có rất nhiều phương tiện trên đường khiến sự an toàn của người đi lại bị đe dọa. [Và] Mọi người muốn đường xá trở nên ít đông đúc, nhưng họ vẫn muốn tiện lợi khi di chuyển. Vì vậy, chính phủ cần phải đưa ra biện pháp thu hút nhiều người dân sử dụng xe buýt hơn. Vì vậy, nhà nước nên tài trợ để giảm phí vé xe buýt.

Sau khi tìm được mối liên kết giữa các thông tin trong lập luận, ta cần đặt câu hỏi để đánh giá lập luận. Để xét tính chặt chẽ của lập luận, ta có thể đặt câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra với kết luận nếu những nguyên nhân và lý lẽ đúng hoặc sai?

Nếu nắm được các cấu trúc lập luận cơ bản giúp ta nhanh chóng xác định được mối liên kết giữa các thông tin trong lập luận để từ đó đưa ra đánh giá nhanh chóng và chính xác hơn.

Lập luận song hành

Xét ví dụ: Sản lượng vụ mùa năm nay sẽ cao hơn năm ngoái vì tổng lượng mưa năm nay cao hơn năm ngoái. Hơn nữa, người nông dân chủ yếu tưới tiêu bằng nước mưa.

Đây là một hình thức lập luận diễn giải, tức là đưa kết luận “sản lượng vụ mùa năm nay sẽ cao hơn năm ngoái” sau đó mới đưa ra hai nguyên nhân. Ta nhận thấy hai nguyên nhân này đứng độc lập, không bổ sung cho nhau nhưng cùng bổ sung cho kết luận. Vì vậy đây được gọi là lối lập luận song hành. Ta có thể diễn giải bằng cấu trúc sau:

lap-luan-song-hanhVí dụ 2: Trên đường từ tổ đến nguồn thức ăn, hầu hết các loài kiến đều để lại một dấu vết của chất hóa học tên là ‘pheromones’. Loài kiến sử dụng mùi hương của pheromones để tìm đường về tổ. Tất cả chất pheromones sẽ bay hơi không dấu vết ngay khoảnh khắc nhiệt độ cao hơn 45 độ C (113 độ Fahrenheit), thường vào buổi chiều ở hầu hết các khu vực tại sa mạc Sahara. Do đó, những loài kiến ở sa mạc Sahara và tìm thức ăn chỉ vào buổi chiều đều không dùng pheronmones để tìm đường từ nguồn thức ăn về tổ. (The Official Guide for GMAT Review 2018)

Lập luận trên được viết ở dưới hình thức quy nạp tổng hợp, với bốn nguyên nhân song song cùng nhau hỗ trợ cho một kết luận.

lap-luan-quy-nap

Lập luận chuỗi

Xét ví dụ:

Bởi vì sự thay đổi trong cách tính điểm trung bình của nhà trường A, điểm tổng kết môn thể dục dù cao cũng không được tính vào điểm trung bình chung tất cả các môn học. Do đó, học sinh sẽ chọn những môn học khác dễ lấy điểm hơn ngoài thể dục để cải thiện điểm trung bình. Kết quả là thể lực của học sinh tại trường A đang có xu hướng giảm mạnh trong những năm gần đây. (Nguyen, Argument Analysis, p. 7)

Trong lập luận này, nguyên nhân 1 (thay đổi trong cách tính điểm trung bình của nhà trường A) dẫn đến kết luận 1 (điểm tổng kết môn thể dục dù cao cũng không được tính vào điểm trung bình chung tất cả các môn học). Sau đó kết luận 1 lại trở thành nguyên nhân 2 để suy ra kết luận 2 (học sinh sẽ chọn những môn học khác ngoài thể dục để cải thiện điểm trung bình). Kết luận 2 lại trở thành nguyên nhân 3 để suy ra kết luận cuối của lập luận là thể lực của học sinh tại trường A đang có xu hướng giảm mạnh trong những năm gần đây.

lap-luan-trong-ielts-writing-tu-duy-phan-bien

Khi nắm rõ được cấu trúc của lập luận, ta nhanh chóng xác định được mối liên hệ giữa các thông tin và tìm ra kết luận chính của lập luận trên. Sau đó ta có thể đánh giá đây là một kết luận lỏng lẻo bằng cách đặt câu hỏi “Liệu các bạn học sinh tại trường A có những cách nào khác để tăng thể lực ngoài việc học môn thể dục trên trường hay không?” Nếu các bạn câu trả lời là không thì việc kết luận thể lực của học sinh tại trường A giảm là đúng. Tuy nhiên, nếu các bạn học sinh tại trường A vẫn phải tập thể lực vào giờ ra chơi hàng ngày thì dù các bạn không chọn học môn thể dục, thể lực cũng không bị giảm sút.

Tổng kết

Dựa vào ngôn ngữ, hoặc cấu trúc của lập luận, ta có thể nhanh chóng xác định được mối liên hệ giữa các thông tin trong lập luận và tìm chính xác kết luận để từ đó đặt câu hỏi và đánh giá theo tư duy phản biện.

Nguồn tham khảo

  1. Fisher, A., 2011. Critical Thinking. Cambridge: Cambridge University Press.
  2. WALLER, B., 2013. CRITICAL THINKING PEARSON NEW INTERNATIONAL EDITION. [Place of publication not identified]: PEARSON EDUCATION SOUTH A.
  3. Nguyen, H., 2019. Tài liệu học GMAT

 Trịnh Thị Thu Trang

 

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...