Ứng dụng Critical Thinking vào Academic Writing

Bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu nhiều hơn về Critical Thinking và cách áp dụng tư duy phản biện vào Academic Writing
ung dung critical thinking vao academic writing

Phần mở đầu

Mục đích của việc đặt câu hỏi không phải lúc nào cũng để tìm ra câu trả lời đúng. Cuộc sống không chỉ có hai màu trắng đen, theo nghĩa nếu có hai thứ khác nhau, hoặc đối lập nhau, và nếu một thứ đúng thì thứ còn lại chắc hẳn sai. Mọi sự việc không rạch ròi đơn giản như vậy; nhiều sự vật, hiện tượng xảy ra trong khu vực màu xám nằm ngay giữa, đòi hỏi người tìm câu trả lời phải bỏ đi những mặc định sẵn có để đi sâu hơn vào bản chất vấn đề. Như đã đề cập trong bài nghiên cứu học thuật tiền đề về tư duy phản biện, “Điều khó khăn về tư duy phản biện là việc phải chấp nhận rằng tư duy phản biện không phải là về những câu trả lời, mà là về phương thức dẫn đến việc hình thành câu trả lời đó.” Vậy một thứ quan trọng hơn nữa, quyết định lẫn câu trả lời và phương thức dẫn đến câu trả lời, đó là câu hỏi.

ung-dung-tu-duy-phan-bien-vao-academic-writing-2Tư duy phản biện không phải là những câu trả lời, mà là phương thức dẫn đến việc hình thành câu trả lời đó

Một câu hỏi hay sẽ kích thích não bộ bứt phá ra khỏi những rập khuôn để đi tìm câu trả lời. Việc đặt câu hỏi hay chính là truyền cảm hứng – mấu chốt của tư duy phản biện. Còn cách nào tốt hơn bằng việc đặt một câu hỏi hay trong dạng một bài luận essay?

Tìm hiểu thêm: 2 lý do nên dùng phương pháp Pomodoro gia tăng hiệu suất học tập

Phần nội dung

Kiến thức & Tư duy

Thầy bói xem voi và giới hạn của biển kiến thức “vô hạn”

Nghịch lý của thời đại thông tin nằm ở việc con người có thể tiếp cận lượng thông tin khổng lồ, lớn hơn bao giờ hết và một tốc độ chưa từng có trước đó, nhưng lại chưa bao giờ đạt đến một trạng thái của sự hiểu biết toàn vẹn về bất cứ sự việc hay hiện tượng gì. Tuy nhiên, đây không phải một sự thất bại trong quá trình tiến hoá của nhân loại, đúng hơn, đây là nền tảng cho một bước tiến mới. Với tất cả những câu trả lời đã được định sẵn, tâm trí của con người vẫn giữ vững trạng thái tò mò và cân nhắc sự mâu thuẫn của những câu trả lời ấy được tạo ra bởi tính tương đối của hoàn cảnh. Vẫn sẽ luôn còn chỗ cho những cuộc điều tra, khám phá một câu trả lời mới được coi là synthesis từ những thesis và antithesis trước đó.

Trong trường hợp này, tư duy phản biện chính là hành động điều tra tìm tòi. Bản chất của tư duy phản biện là sự tò mò về những thứ thường ngày, hình thành những câu hỏi cho những vấn đề chưa có câu trả lời và thành thật với bản thân mình trong việc cố gắng trả lời những câu hỏi đó. Mấu chốt nằm ở việc không bao giờ mặc định bất kì điều gì như lẽ phải và tìm một hướng đi hợp lý trong quá trình hình thành lập luận của mình. Tư duy phản biện chính là việc trau dồi một sự tò mò chủ động và cẩn thận về một vấn đề nhất định.

“Vấn đề” này khiến con người cảm thấy có một sự thôi thúc mạnh mẽ để điều tra bất kì hữu thể (existent) nào trên thế giới, từ một vật hữu hình như một loài cây, rosemary chẳng hạn, tới một hiện tượng vô hình, trừu tượng như hội nhập toàn cầu hay lạm phát. Có rất nhiều kiến thức được chiết ra từ việc nghiên cứu những hữu thể (existent) này. Có thể bắt đầu với nhiều câu hỏi khác nhau, về nguồn gốc hình thành, về nguyên lí hoạt động, hệ quả của nó để giúp xác định chi tiết hơn bản chất của những hữu thể này. Tuy nhiên, ngay kể cả khi gộp tất cả những câu hỏi và những câu trả lời lại với nhau, vẫn không đạt được sự hiểu biết toàn vẹn. Lí do chính của việc này, cũng là điều con người khó có thể thoả thuận, đó là bởi vì hữu thể và kiến thức đơn giản là không hoàn toàn đồng nhất. Để hiểu rõ hơn về nghịch lý này, chỉ cần nhìn lại một câu chuyện dân gian quen thuộc – “Thầy bói xem voi”

“Thầy Bói Xem Voi” là một truyện ngụ ngôn bằng thơ, một biến thể của “The Blind Men and the Elephant” (Những anh mù và con Voi), hoặc “Six Men of Indostan” (Sáu anh chàng ở xứ Indostan) bởi John Godfrey Saxe – một nhà thơ triết học nổi tiếng người Mỹ thế kỷ 19. Bài thơ gốc của Saxe như sau:

The Blind Men and the Elephant

(Six Men of Indostan) – John Godfrey Saxe (1816 – 1887)

It was six men of Indostan

To learning much inclined,

Who went to see the Elephant

Though all of them were blind

That each by observation

Might satisfy his mind.

 

The First approached the Elephant

And happening to fall

Against his broad and sturdy side

At once began to bawl:

“God bless me! But the Elelephant

Is very like a wall”

 

The Second, feeling of the tusk,

Cried, “Ho! What have we here

So very round & smooth & sharp?

To me ‘tis mighty clear

This wonder of an Elephant

Is very like a spear!”

The Third approached the animal,

And happening to take

And so these men of Indostan

Disputed loud and long,

And all were in the wrong!

The squirming trunk within his hands,

Thus boldly up and spake:

“I see”, quoth he, “the Elephant 

Is very like a snake!” 

The Fourth reached out an eager hand,

And felt about the knee.

“What most this wondrous beast is like

Is mighty plain”, quoth he;

“ ‘Tis clear enough the Elephant 

Is very like a tree!”

 

The Fifth who chanced to touch the ear,

Said: “E’en the blindest man

Can tell what this resembles most:

Deny the fact who can,

This marvel of an Elephant 

Is very like a fan!”

 

The Sixth the sooner had begun

About the beast to grope,

Than, seizing on the swinging tail

That fell within his scope ,

“I see”, qouth he, “the Elephant 

Is very like a rope!”

Each in his own opinion

Exceeding stiff and strong,

Though each was partly in the right 

thay-boi-xem-voi-va-gioi-han-cua-kien-thuc-vo-han

Ý tưởng của John Saxe thật dễ hiểu. Nhận thức của con người thường bị phiến diện và giới hạn trong thế giới quan của họ– nhận thức dù tiến bộ đến mấy cũng chỉ đúng một phần chứ không bao giờ đầy đủ và hoàn thiện. Nhưng điều này không ám chỉ rằng sự thật chỉ mang tính tương đối, hoặc không thể đưa ra một phát biểu quan trọng, hữu ích hay chính xác về hữu thể. Con người luôn có thể rút ra những kiến thức từ hữu thể, có thể đúng hoặc sai, tới một mức độ nào đó. Nói một cách khác, ta có nhiều hệ quy chiếu khác nhau cho việc xác định điều gì đúng, vì vậy việc đưa ra kiến thức thường mang tính hệ thống, máy móc. Câu hỏi đó sẽ không đưa ta tới một hệ thống nào mà sẽ đem đến những tiêu chí giúp mình xác định câu trả lời.

Có thể hỏi cùng một câu hỏi cho nhiều loại vật khác nhau, hoặc hỏi nhiều loại câu hỏi khác nhau cho cùng một vật. Nói cách khác, những câu hỏi đặt ra, hỏi như thế nào và tại sao lại hỏi như vậy, đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình trước cho câu trả lời sẽ nhận được.

Tất cả những nhà tư tưởng và người viết học thuật lão luyện đều rất chú trọng tới cách suy nghĩ khi đặt những câu hỏi và đưa ra câu trả lời, về tất cả mọi thứ trên thế giới, ngay kể cả những những thứ được mặc định sẵn như lẽ phải, như vẻ bên ngoài của chúng. Chẳng hạn, một từ đơn giản là educator (có nghĩa là nhà giáo dục), một người tư duy phản biện, mặt khác, đặt câu hỏi rằng “Từ educator đó thật sự đang định nghĩa một người có vai trò như thế nào?, Tại sao nó lại được hình thành như vậy?” Từ đó, có thể họ sẽ tìm ra thêm rằng educator có gốc từ tiếng Latin (e – out, du – to lead) và một định nghĩa như sau an educator is one who leads people out of ignorance, từ đó mở ra nhiều nhiều hướng đi mới cho việc đào sâu hơn, ví dụ “lead” là như thế nào? “ignorance” là gì?

Một người có suy nghĩ sắc bén không phải bởi vì tìm được những câu trả lời, mà bởi vì chú tâm về cách đặt ra câu hỏi. Đây là lí do tại sao lịch sử của những ý tưởng không chỉ đơn thuần là lịch sử của sự tích tụ dần dần những câu trả lời mà con người có được. Hơn thế nữa, đó còn là lịch sử của những cách khác nhau mà những câu hỏi được đặt ra, đã và đang hạn chế hay mở rộng một dãy các câu trả lời con người nhận được. Ví dụ điển hình nhất cho việc này là trong phạm trù triết học, những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống, hay về bản chất con người, hoặc Chúa có tồn tại không; từng loại chủ nghĩa khác nhau sẽ cho một câu trả lời khác nhau và mở mang cách nhìn nhận của con người hơn.

Trong việc viết, những người tư duy phản biện đặt ra những câu hỏi quan trọng, trình bày chúng trong một ngôn ngữ chính xác và rõ ràng, xác định những giả định nào có thể hiện diện trong câu hỏi, điều chỉnh khi gặp phải những luận điểm hợp lí, trái ngược với mong đợi, và trên hết, vẫn giữ được tính trung thực xuyên suốt. Đây là nhiệm vụ lí tưởng của văn viết học thuật – đem lại tư duy phản biện.

Văn viết học thuật và tư duy phản biện

Văn viết học thuật là gì?

Văn viết học thuật (academic writing) là bài viết thường được thực hiện bởi những học giả – học sinh hoặc những nhà học thuật (scholars) và được viết chủ yếu cho những học giả khác đọc.

ung-dung-critical-thinking-vao-academic-writing-3Văn viết học thuật là gì và có nét tương đồng như thế nào với tư duy phản biện?

Văn viết học thuật có nhiều nét tương đồng với việc tư duy phản biện, nhưng điểm khác là ở trên mặt giấy. Khi viết, người viết phải áp dụng logic, phải vận dụng các hệ quy chiếu, gộp nhóm, chia mảng, tìm ra những điểm giống, khác nhau, và đảm bảo rằng đã có sự phân tích đa chiều để tìm ra được kiến thức khách quan cho đề tài đặt ra.

Nó có thể được thực hiện dưới nhiều dạng hình thức khác nhau như tạp chí (journal), bài xã luận (article), sách giáo khoa hay ngay kể cả những báo cáo đề án nhóm, …

Loại hình Essay

Mặc dù ngày nay học sinh được yêu cầu phải viết nhiều dạng bài viết học thuật khác nhau, bài tiểu luận (essay) vẫn là loại hình phổ biến nhất. Mục đích của bài essay không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu học sinh thể hiện lượng kiến thức mình sỡ hữu, mà còn yêu cầu học sinh phải trình bày được một cái khung cho lập luận của họ, hay nói cách khác là thuật ngữ “frame the argument”. 

Loại hình essay sử dụng cách đưa ra câu hỏi, một cách rõ ràng hoặc ẩn ý và từ đó mở ra một lối đi mà người viết phải tự quyết định sẽ đi theo hướng nào. Tầm quan trọng của câu hỏi, nếu không phải mấu chốt, thì cũng có vai trò rất lớn trong việc định hình trước một lối suy nghĩ nhất định cho người trả lời.

Tuy không thể đảm bảo rằng một câu hỏi tốt sẽ có một bài luận tốt từ phía người viết, nhưng ta có thể chắc rằng một câu hỏi “lỗi” sẽ dễ khiến lối suy nghĩ của người viết trở thành đối tượng của sự nguỵ biện và dẫn đến một bài viết lệch lạc.

Hỏi đúng câu hỏi

Việc đặt ra câu hỏi là một thành phần quan trọng trong quá trình học bất kì điều gì. Những câu hỏi tốt luôn phục vụ một mục đích. Trong việc học những kiến thức chuyên sâu, điều này là thiết yếu. Ngoài việc đặt câu hỏi ra, một điều nữa cũng không kém tầm quan trọng trong quá trình học là việc học cách đặt câu hỏi. Điều này rất cần thiết cho tư duy phản biện.

Học cách đặt câu hỏi một cách hiệu quả đồng nghĩa với việc tạo ra một nền tảng vững chắc cho quá trình nhận thức những yếu tố dẫn đến việc định kiến trong lối suy nghĩ.

Cognitive Bias

Đầu tiên phải nói đến các định kiến – hay lỗi trong tư duy.

Cognitive bias (định kiến nhận thức) là một kiểu suy nghĩ “lệch lạc so với sự thật” theo một cách nào đó. Hậu quả thường dẫn đến sự bóp méo quá trình tư duy, phản hồi, và xét đoán để đưa ra quyết định của một người.

Cognitive bias có thể được hiểu là quá trình tư duy của ta đã bị cản trở bởi những yếu tố thuộc về bản chất, tâm lý con người, rất khó kiểm soát và nhận thức, làm bóp méo đi sự lập luận. Những sự bóp méo này không những ảnh hưởng tới kết luận rút ra, mà còn tới cách đặt câu hỏi. Những câu hỏi được tạo ra với cognitive bias thường dẫn đến những kết luận tái tạo cognitive bias đó.

Một ví dụ điển hình cho Cognitive Bias là “Confirmation bias”* (định kiến xác nhận) – nguồn gốc của các nhận thức sai lầm vì làm cho con người có xu hướng diễn giải thông tin, dữ kiện mới sao cho “khớp” với các kinh nghiệm, lý thuyết, niềm tin và định kiến sẵn có. Một khi có sự “không khớp”, con người sẽ có xu hướng loại bỏ những sự thật, dữ kiện đó (disconfirming evidence). Hoặc khi tin vào điều gì đó, con người sẽ chỉ tìm kiếm những bằng chứng ủng hộ (confirming evidence) cho điều đó và cố tình che giấu những sự thật khác.

Fallacy (ngụy biện)

Ngụy biện là một lỗi trong cách tư duy, được biển hiện bằng tính không nhất quán, không phù hợp của các lý lẽ hoặc cố tình loại bỏ các dữ kiện liên quan, đặt ra những giả định không phù hợp, không đầy đủ bằng chứng hoặc vi phạm những nguyên tắc của tư duy phản biện.

loi-nguy-bien-trong-tu-duy-phan-bienFallacy (ngụy biện) là 1 lỗi trong tư duy được biểu hiện bằng tính không nhất quán, không phù hợp của các lý lẽ

Trong nhiều trường hợp, cognitive bias có thể trở thành fallacy và ngược lại. Sự tương đồng và khác biệt giữa các loại cognitive bias và fallacy hiện nằm ngoài phạm vi của bài viết học thuật này. Ở đây, tác giả chỉ tập trung vào những dạng câu hỏi có dấu hiệu cognitive bias trong văn viết học thuật, cụ thể hơn là các đề thi IELTS writing task 2.

Những dạng câu hỏi cần thận trọng

Những dạng câu hỏi thường có xu hướng dẫn đến cognitive bias sẽ bao gồm các đặc điểm sau:

  • Binary Thinking: Hiểu đơn giản là “hoặc thứ này hoặc thứ kia”, nếu không là thứ này sẽ phải là thứ kia – loại đề này dễ khiến bài viết trở nên theo xu hướng phiến diện, thiếu tính đa chiều.

Example: Should government money be spent on space research or on the Earth (đề thi IELTS năm 2003)

  • Speaking for others: Có thể hiểu là việc bị gán vào và phải tự biện minh cho lối hành động cụ thể của một nhóm người, tập thể hay các phạm trụ ở nhiều quy mô, phạm vi khác.

Example: It has been suggested that everyone in the world wants to own a car, a TV and a fridge. Do you think the disadvantages of such a development outweigh the advantages?

  • Generalizations: Có thể được hiểu đơn giản là việc “vơ đũa cả nắm” – lấy những đặc tính của một người, hay nhóm người cụ thể và đánh đồng với một nhóm khác ở phạm vi, quy mô rộng lớn hơn nhiều.

Example: Throughout history, male leaders often made society more violent and full of conflict. If women governed the world, it would be a more peaceful one. To what extent do you agree or disagree?

  • Opinion-based: Là những đề mà câu chủ đề trong đó thường mang tính định kiến, và người viết phải triển khai từ nền tảng chủ quan, lỏng lẽo này.

Example 1: Nowadays men are becoming more and more greedy and selfish. We should return to older, traditional values and show respect for family and local community. To what extent do you agree or disagree? (đề thi IELTS 14/5/2011)

Example 2: International travel makes people more prejudiced rather than broad-minded? Why?

  • Projecting into the future: Đối với dạng câu hỏi này, người viết thường được yêu cầu phải tưởng tượng một viễn cảnh trong tương lai xa mà khó có thể hình dung. Do vậy, người viết sẽ không có đủ thông tin, kiến thức cho việc dự đoán, hay hỗ trợ những luận điểm của mình bởi tương lai xa là một thứ không chắc chắn.

Example: It is predicted that robots are going to become increasingly important in our lives. How could robots be used in the future? Will this development be a positive or negative development?

  • Lack of specificity: Câu chủ đề bao gồm những sự vật hiện tượng quá mang tính trừu tượng, tương đối – đối với mỗi người mỗi khác. Vì vậy, người viết dễ có xu hướng dựa vào kinh nghiệm, trải nghiêm cá nhân khi tiếp cận dạng câu hỏi này.

Example: Happiness is considered very important in life. Why is it difficult to define? What factors are important in achieving happiness?

  • Reporting on existing knowledge: Đưa ra những chủ đề quá quen thuộc mà người viết đã tiếp xúc nhiều. Vì vậy, người viết dễ có xu hướng trích lại những thứ đã được tiếp thu một cách mặc định, thay vì tự động thân suy nghĩ.

Example: Unlimited car use has brought us a lot of problems. What are these problems? And should we discourage people from using cars? (IELTS 8/9/2007)

Nhìn chung, những dạng câu hỏi này thường khiến người viết dễ dựa vào kinh nghiệm cá nhân khi viết, bởi vì chúng nhắm vào sự thiếu thông tin, kiến thức, sự thiếu chắc chắn hoặc sự chênh lệch quan điểm ở người viết. Điều này khiến bài viết thiếu tính khách quan, đa chiều hoặc nhàm chán vì chỉ lặp lại những rập khuôn và lỏng lẻo.

Là một người tư duy phản biện, người viết cần phải nhận ra những cạm bẫy này trong quá trình viết. Theo đó, người viết phải đủ minh mẫn để nhận ra thành phần nào trong câu hỏi đang có một nền tảng không vững chắc, liệu có những giả định trong câu hỏi không. Việc xác định này giúp người viết không trở thành nạn nhân của nguỵ biện và có thể tiếp cận chủ đề một cách toàn diện, khách quan và đa chiều hơn.

Viết một cách “phản biện”

1. Introduction

Trước khi viết bài essay, người viết cần phải biết mình sẽ tiếp cận và xử lí câu hỏi đề bài như thế nào. Giả sử, người viết gặp phải một chủ đề với một đối tượng mang tính quá trừu tượng và tương đối như freedom & justice, nếu suy nghĩ theo lối tư duy phản biện, người viết sẽ thấy điều đầu tiên cần làm là phải giới hạn phạm vi của đối tượng đó bằng việc đưa ra một định nghĩa sẽ được sử dụng và biết cách giải thích rằng, trong số tất cả những định nghĩa đã có sẵn, tại sao lại chọn định nghĩa đó.  Sự biện minh này của người viết, nếu thực hiện hợp lí, sẽ tạo nên một nền tảng chắc chắn giúp triển khai từ khung sườn lập luận tới những giải thích, những chi tiết, bàng chứng, ví dụ.

Ngoài ra, người viết cần phải phân biệt rõ ràng đâu là fact và đâu là opinion trong đề bài để điều chỉnh lại thông tin một cách hợp lí trong mở bài.

2. Body

Mọi bài essay đều yêu cầu người viết thể hiện khả năng biện luận, hay nói cách khác là đưa ra luận điểm dựa trên một ý tưởng và bảo vệ luận điểm ấy. Việc biện luận có nghĩa là cho thấy bằng chứng của kĩ năng tư duy phản biện, cân đo đong đếm những chứng cứ cho cả những lập luận ngược lại luận điểm của mình, suy nghĩ một cách logic và thể hiện luận điểm của mình theo một cách rõ ràng, có tổ chức (frame the argument).

Cũng sẽ khá hữu ích nếu coi hành động biện luận của mình có một một cấu trúc 3 phần như sau:

  • Đưa ra luận điểm (What – point)

  • Giải thích cho luận điểm (Why – explanation)

  • Đưa ra bằng chứng (How – evidence)

Độc giả có thể tham khảo thêm mô hình tư duy What – Why – How đã được thực hiện bởi tác giả để hiểu được cách ứng dụng khớp với tư duy phản biện trong văn viết học thuật như thế nào.

3. Conclusion

Một phần kết luận thông thường sẽ gồm những thành phần sau (theo đúng trình tự):

  • Tóm tắt lại những luận điểm chính của bài viết

  • Tóm tắt lại những lời giải thích, bằng chứng cho những luận điểm đó

  • Câu kết luận chung cuối – câu trả lời cho câu hỏi ở đề bài

Lưu ý rằng, trong phần kết luận ta sẽ không thêm bất cứ ý tưởng hay bằng chứng mới nào. Nếu thêm một bằng chứng mới, tư duy phản biện sẽ buộc người viết phải giải thích, đánh giá thêm cho bằng chứng đó – đây là điều làm ở thân bài thay vì ở kết luận. Cũng vì lí do đó, phần kết luận nên ngắn và cô đọng, như một lần cuối dứt khoác khẳng định lại luận điểm đã đặt ra.

Kết luận

Việc tư duy phản biện sẽ giúp người viết hiểu rõ và khẳng định được vai trò và mục đích của văn viết học thuật. Một người tư duy phản biện sẽ hiểu rằng văn viết học thuật không chỉ đơn thuần là đồng ý hay không đồng ý với một quan điểm, mà là nhận ra sự phức tạp của một ý tưởng. Chính vì vậy, người viết cần phải đào sâu hơn nhiều khía cạnh khác nhau của ý tưởng đó và xem xét, đánh giá, cân nhắc những thông tin, bằng chứng đã tìm được để có thể đưa ra một cái nhìn tổng quát. Tư duy phản biện và văn viết học thuật trau dồi lẫn nhau. Cách tốt nhất để cải thiện tư duy phản biện là tìm một câu hỏi hay về bất kì thứ gì kích thích sự tò mò trong tâm trí và bắt đầu viết.

Bạn muốn biết mình đang ở mức độ nào trong thang điểm IELTS hay cần làm quen với làm bài thi IELTS để vững vàng tâm lý trước ngày thi chính thức? Hãy đăng ký thi thử IELTS để trải nghiệm ngay hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu