Tư duy phản biện và lắng nghe chủ động - Cách áp dụng cho kỹ năng nghe

Chiến lược lắng nghe chủ động và phương pháp tư duy phản biện nên được áp dụng để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh của tất cả mọi người.
author
Nguyễn Ngô Sơn Nam
17/10/2023
tu duy phan bien va lang nghe chu dong cach ap dung cho ky nang nghe

Giới thiệu

Trong bối cảnh ngày càng tăng cường sự quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày và trong học tập cũng như công việc, việc phát triển kỹ năng nghe tiếng Anh trở nên cực kỳ quan trọng. Một trong những cách hiệu quả để nâng cao khả năng nghe là kết hợp tư duy phản biện (critical thinking) và lắng nghe chủ động (active listening).

Bài viết sau đây sẽ gợi ý cho người nghe có một cái nhìn rõ hơn về chiến lược lắng nghe chủ động, cách cải thiện tư duy phản biện và việc ứng dụng chiến lược lắng nghe chủ động (active listening) và phương pháp tư duy phản biện (critical thinking) để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh trong các cuộc trò chuyện hằng ngày.

Key takeaways

  • Chiến lượng lắng nghe chủ động: Chiến lược bao gồm 5 bước (lắng nghe mục đích, ghi chú, dự đoán, hỏi và làm rõ thông tin, tóm tắt và diễn đạt lại) giúp người nghe hiểu được nội dung bài nghe một cách chi tiết và hiệu quả.

  • Cách cải thiện tư duy phản biện: Cách này bao gồm 6 bước (xác định chủ đề, đánh giá và chọn lọc thông tin, xác định luận điểm, phân tích, đánh giá, và tạo ra luận điểm của mình) giúp người nghe luyện tập tư duy và nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau.

  • Gợi ý kỹ thuật kết hợp chiến lược lắng nghe chủ động và tư duy phản biện để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh: Gợi ý bao gồm 4 bước (xác định chủ đề, đặt câu hỏi, lắng nghe và ghi chú, phản hồi và chia sẻ) giúp người nghe vừa phát triển tư duy phản biện vừa cải thiện kỹ năng nghe hiểu tiếng Anh về những chủ đề khác nhau.

Tư duy phản biện trong ngôn ngữ là gì?

Theo từ điển Cambridge, “critical thinking” /ˌkrɪt̬.ɪ.kəl ˈθɪŋ.kɪŋ/ là danh từ không đếm được (uncountable noun) mang nghĩa là quá trình suy nghĩ cẩn thận về một chủ đề hoặc ý tưởng, mà không để cho cảm xúc hoặc ý kiến ảnh hưởng đến bản thân người suy nghĩ.

Như vậy, có thể thấy được rằng, tư duy phản biện trong ngôn ngữ là khả năng phân tích, đánh giá và hiểu thông tin được truyền đạt thông qua ngôn ngữ. Từ đó, khả năng này giúp thí sinh hiểu rõ hơn về cấu trúc ngôn ngữ, ý nghĩa ẩn sau từ và cách ngôn ngữ được sử dụng để thể hiện ý kiến và ý tưởng.

Tầm quan trọng của tư duy phản biện trong việc phát triển kỹ năng nghe tiếng Anh

Tư duy phản biện có mối quan hệ vô cùng mật thiết với việc phát triển kỹ năng nghe tiếng Anh bởi nó giúp người nghe nhận biết điểm thông tin quan trọng, nắm rõ ngữ cảnh đề bài, giúp cho việc phân tích ý nghĩa và ý kiến được dễ dàng hơn.

Từ đó, khả năng này giúp người học hiểu rõ hơn về cấu trúc ngôn ngữ, ý nghĩa ẩn sau từ và cách ngôn ngữ được sử dụng để thể hiện ý kiến và ý tưởng. Kỹ năng này có thể cải thiện khả năng nghe tiếng Anh bằng cách giúp người học nhận biết các chi tiết quan trọng, hiểu rõ ngữ cảnh và ý nghĩa sâu hơn của thông điệp được truyền đạt.

Những bước cải thiện tư duy phản biện

image-alt

Tư duy phản biện không phụ thuộc vào khả năng bẩm sinh mà phải trải qua quá trình luyện tập để trở nên tiến bộ hơn. Dưới đây là những bước giúp cải thiện kỹ năng tư duy phản biện một cách hiệu quả và khoa học:

Xác định chủ đề đang được đề cập

Trước khi bắt đầu suy nghĩ về một vấn đề nào đó, việc làm rõ trọng tâm, ý chính và mục đích của nó là vô cùng cần thiết vì điều này sẽ giúp người tư duy tập trung và xác định vấn đề đó một cách chính xác, xây dựng những kiến thức nền tảng về chủ đề và tránh trường hợp lan man. Vấn đề có thể được làm rõ bằng cách đặt câu hỏi:

  • Chủ đề đang được nhắc đến là gì?

  • Những câu hỏi, vấn đề cần giải quyết là gì?

Đánh giá và chọn lọc những nguồn thông tin sẵn có

Thông tin và tài liệu tham khảo đôi khi sẽ được thu thập từ rất nhiều nguồn khác nhau. Nên việc lựa chọn ra những thông tin liên quan đến chủ đề và có ảnh hưởng trực tiếp đến chủ đề đó cần phải được xem xét kỹ càng. Điều này giúp ích cho việc loại bỏ những thông tin gây nhiễu, không liên quan, tập trung vào phát triển kiến thức và chuẩn bị cho quá trình đánh giá và phân tích thông tin sau này.

Xác định luận điểm

Sau khi chọn lọc thông tin liên quan đến chủ đề để hỗ trợ kiến thức chung, việc xác định luận điểm được đưa ra khiến cho người nghe nhìn nhận được cách người tham gia thảo luận tư duy như thế nào, từ đó tạo nên cơ sở hình thành luận điểm của riêng mình.

Phân tích luận điểm

Sau khi luận điểm được xác định, những phân tích về tính khả thi và nguồn thông tin của nó dựa trên những kiến thức đã chuẩn bị từ trước là rất cần thiết vì điều đó giúp vấn đề được nhìn nhận một cách khách quan thay vì dựa vào cảm tính và suy đoán không đủ căn cứ.

Đánh giá luận điểm và nguồn thông tin của nó

Ở bước đánh giá này đòi hỏi người tham gia nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh để đưa ra những nhận xét đúng đắn và khách quan hơn. Người nghe có thể tham khảo các câu hỏi sau:

  • Nguồn thông tin luận điểm đó dựa vào có đúng hay không?

  • Lý do cụ thể cho việc hình thành luận điểm này là gì?

  • Những dẫn chứng cho luận điểm này là gì?

  • Những mặt lợi và mặt hại của việc này là gì?

Hình thành luận điểm của mình và phản hồi

Sau khi phân tích và đánh giá luận điểm được đưa ra trước đó dưới nhiều góc nhìn khác nhau, người nghe có thể tạo nên suy nghĩ và luận điểm cá nhân dựa trên nền tảng là những thông tin thu thập được, sau đó phản hồi lại một cách có hiệu quả để đóng góp ý kiến và nhận lại những nhận xét có giá trị mang tính xây dựng lành mạnh.

Ví dụ về cách áp dụng tư duy phản biện trong quá trình nghe và tiếp nhận thông tin:

  • Trong một cuộc đối thoại, người tham gia cần hiểu rõ chủ đề đang được đề cập là gì và vấn đề cần phải giải quyết là gì để xác định mục đích và nội dung cuộc trò chuyện.

  • Khi đã xác định được chủ đề hoặc vấn đề cần giải quyết, người tham gia đối thoại cần thu thập và chọn lọc những nguồn thông tin để tập trung vào giải quyết và hiểu vấn đề hiệu quả hơn.

  • Sau khi lắng nghe luận điểm hoặc ý kiến được trình bày bởi người khác, người nghe cần xác định rõ luận điểm đó là gì để hiểu được tư duy của người trình bày.

  • Tiếp theo, người nghe cần phân tích về những thành phần, nguồn thông tin của luận điểm hoặc ý kiến đó trước khi đánh giá khách quan và toàn diện về tính khả thi của nó.

  • Cuối cùng, người nghe thiết lập luận điểm của mình dựa trên những phân tích, đánh giá và kiến thức nền tảng đã chuẩn bị để phản hồi lại một cách hiệu quả và có giá trị.

Chiến lược lắng nghe chủ động

Trước khi đi sâu vào các chiến lược để nâng cao khả năng lắng nghe chủ động, người nghe cần phải hiểu được ý nghĩa và lợi ích của kỹ năng giao tiếp quan trọng này.

Lắng nghe chủ động là gì?

Lắng nghe chủ động là kỹ năng đòi hỏi người nghe phải lắng nghe người nói một cách chú ý, hiểu những gì họ đang nói, phản hồi và phản ánh về những gì đang được trình bày, và lưu giữ thông tin cho sau này. Điều này giữ cho cả người nghe và người nói tham gia tích cực trong cuộc trò chuyện hơn.

Lợi ích của Lắng nghe Chủ động

Việc nắm vững kỹ năng lắng nghe chủ động mang lại nhiều lợi ích không giới hạn bởi các bài thi hay các bài kiểm tra. Trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm tương tác học tập, chuyên nghiệp và cá nhân, lắng nghe chủ động có thể giúp người nghe:

  • Nâng cao khả năng hiểu biết và ghi nhớ thông tin.

  • Tăng cường khả năng giải quyết vấn đề và ra quyết định.

  • Khuyến khích hợp tác và làm việc nhóm hiệu quả.

  • Giảm thiểu hiểu lầm và xung đột.

  • Nuôi dưỡng lòng đồng cảm và sự hiểu biết.

  • Nâng cao kỹ năng giao tiếp tổng thể.

Trong bối cảnh bài thi IELTS Listening, lắng nghe chủ động là yếu tố cần thiết để hiểu rõ các bản ghi âm và trả lời câu hỏi liên quan một cách chính xác. Nó giúp người học trích xuất thông tin quan trọng, xác định điểm chính và hiểu ý định của người nói.

Bằng cách tham gia tích cực vào quá trình lắng nghe, người nghe có thể đạt những lợi ích này và trở thành người truyền đạt hiệu quả hơn trong nhiều bối cảnh.

Xem thêm: Lắng nghe không hiệu quả - Rào cản tác động & Biện pháp khắc phục

Phát triển Kỹ năng Lắng nghe Chủ động

image-alt

Để trở thành một người lắng nghe chủ động, người nghe cần phải phát triển những kỹ năng cơ bản nhưng vô cùng quan trọng như sau:

Hãy lắng nghe có mục đích

Trước quá trình lắng nghe, người nghe cần xác định mục tiêu cụ thể của quá trình nghe sắp tới. Điều này giúp người nghe tập trung vào việc thu thập thông tin quan trọng giúp họ loại bỏ thông tin không liên quan và tối ưu hoá lượng thông tin đầu vào.

Trước khi bắt đầu bài nghe, người nghe hãy đọc nhanh đề bài để hiểu chủ đề và tìm hiểu mục tiêu lắng nghe.

Người nghe nên gạch dưới (underline) các từ quan trọng (keywords) quan trọng trong đề bài.

Lấy ví dụ như bài Listening IELTS Part 4 dưới đây (Cambridge IELTS 18 - Test 1)

image-alt

Nhìn sơ qua, thí sinh có thể thấy được tựa đề bài có tên “Elephant Translocation”. Đọc nhanh qua các từ trong bài, thí sinh nên tập trung vào các từ như National Park, elephants, plain => Thí sinh có thể dễ dàng đoán được các từ được nhắc đến trong bài sẽ có liên quan đến chủ đề “Nature & Environment” (Tự nhiên và môi trường), hay cụ thể hơn là về Elephants.

Sau khi phân tích chủ đề, thí sinh có thể dự đoán câu trả lời cho từng ô trống dựa vào và gạch chân cấu trúc ngữ pháp của câu, cũng như đại ý của câu đang muốn nhắc đến chủ đề gì.

Ví dụ như ở câu 31, đứng trước đáp án là động từ “damage to”. Vậy đáp án chắc chắn phải là một danh từ. Như vậy trong lúc nghe, thí sinh chỉ cần xác định được danh từ được nhắc đến trong bài nghe một cách phù hợp thì đã có thể tìm được đáp án một cách dễ dàng.

Tương tự ở câu 38, sau đáp án cần tìm là danh từ “opportunities”. Như vậy, đáp án có thể là một tính từ. Dựa vào bài nghe mà thí sinh chỉ cần xác định được tính từ phù hợp là đã có thể đưa ra đáp án cho câu.

Sử Dụng Kỹ Thuật Ghi Chép (Note-taking Skill)

Trong lúc lắng nghe, người nghe nên cân nhắc việc ghi chú các thông tin xuống. Việc này không chỉ tăng cường sự tập trung mà còn hỗ trợ quá trình ghi nhớ và tóm tắt thông tin sau này.

Ghi chép những điểm chính, số liệu, tên riêng, và ngày tháng trong quá trình nghe. Sử dụng ký hiệu, từ viết tắt, hoặc hệ thống ghi chép cá nhân để tạo ra những ghi chú nhanh và chính xác.

Thử Dự Đoán Kết Quả

Hãy thử đoán những kết quả hoặc ý chính mà người nói có thể trình bày trong quá trình lắng nghe. Việc này giúp duy trì sự tập trung và tạo ra một khung tư duy để gắn kết thông tin mới, tránh sự mất tập trung trong lúc nghe.

Trong bài thi, đặc biệt là dạng bài điền vào chỗ trống, thí sinh nên dựa vào nội dung đề bài và những gì đã nghe được để dự đoán kết quả hoặc ý chính mà người nói có thể trình bày sau đó. Thí sinh cũng có thể xem xét dạng từ của từ cần tìm và đưa ra một số dự đoán cho đáp án trước khi nghe.

Hỏi Và Làm Rõ Thông Tin

Một vấn đề mà những người học tiếng Anh ở giai đoạn khởi đầu thường hay mắc phải chính là ngại hỏi lại và xác thực thông tin mình đã nghe. Đừng ngần ngại đặt câu hỏi để làm rõ thông tin hoặc yêu cầu người nói giải thích thêm.

Việc này không chỉ giúp người nghe hiểu rõ hơn mà còn thể hiện sự quan tâm và tương tác tích cực trong cuộc hội thoại. Bằng cách hỏi, bạn cũng khơi dậy sự thảo luận và tương tác tốt hơn.

Thí sinh nên áp dụng kĩ năng này cho bài thi Speaking, đặc biệt khi gặp những câu hỏi khó, hoặc vì một số lý do khách quan khác khiến thí sinh không nghe / hiểu được câu hỏi của giám khảo.

Tóm Tắt Và Diễn Đạt Lại

Khi người nói hoặc bài nghe kết thúc, hãy tóm tắt những điểm chính mà họ đã trình bày và diễn đạt lại thông qua ngôn ngữ của chính người nghe. Điều này giúp xác nhận mức độ hiểu biết của người nghe và đảm bảo rằng người nghe đã nắm bắt đúng ý nghĩa của bài.

Ứng dụng thực tế

Các tài liệu nghe phù hợp với phương pháp tư duy phản biện

Khi kết hợp kỹ năng nghe chủ động và những bước tư duy phản biện hiệu quả, người nghe có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều góc độ và nguồn thông tin khác nhau, liên quan đến nhiều lĩnh vực và chủ đề khác nhau.

Điều này có thể giúp ích cho người học ngôn ngữ không chỉ trong việc tăng vốn từ, ngữ pháp và phát âm mà còn giúp cho họ có thể luyện tập, tiếp thu và có cái nhìn rõ ràng hơn về cách tư duy phản biện hiệu quả trong đối thoại hoặc tranh luận.

Dưới đây là những nguồn tài liệu nghe tiếng Anh giúp người học vừa rèn luyện kỹ năng nghe chủ động và vừa rèn luyện tư duy phản biện để ứng dụng cả hai vào trong tình huống thực tế:

  • OxfordUnion (OxfordUnion)

    • Trang youtube này cung cấp cho người học những video về những cuộc tranh luận liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, có kèm phụ đề tiếng Anh nên dễ dàng cho người nghe học thêm từ vựng và luyện tập kỹ năng của mình.

  • Tedx Talks là một kênh youtube rất quen thuộc đối với những người học tiếng Anh vì đây không chỉ giúp cho người học rèn luyện kỹ năng nghe hiểu tiếng Anh mà còn cung cấp rất nhiều kiến thức và bài học bổ ích về đa dạng các lĩnh vực trong cuộc sống. Vì vậy, Tedx Talks cũng là một nguồn tài liệu nghe Tiếng Anh giúp phát triển khả năng ngôn ngữ, rèn luyện và cải thiện tư duy của bản thân.

Gợi ý kỹ thuật để áp dụng phương pháp tư duy phản biện cho các hoạt động lắng nghe

image-alt

Người học có thể tự áp dụng các phương pháp tư duy phản biện cho các hoạt động lắng nghe diễn ra trong đời sống hằng ngày. Người học hãy phân tích một podcast tranh luận mẫu đến từ “The Debaters” với chủ đề về bánh ngọt và bánh nướng.

Podcast: The Debaters

Episode: "Cake vs. Pie"

Mô tả: Trong số hôm nay, hai nghệ sĩ hài sẽ thay nhau tranh luận về một câu hỏi muôn thuở: “ Giữa bánh ngọt (cake) và bánh nướng (pie), đâu mới là món tráng miệng thượng phẩm?”. Nội dung của cuộc tranh luận sẽ về hương vị, nhân bánh và sở thích của từng người.

Các bước áp dụng

Làm rõ chủ đề đang được đề cập

Trước khi nghe podcast, người nghe có thể xác định chủ đề chính được bàn luận bằng cách đọc phần mô tả để hiểu rõ hơn về vấn đề, như trong bài nghe lần này sẽ có chủ đề về sự so sánh giữa bánh nướng và bánh ngọt.

Đặt ra những câu hỏi liên quan về chủ đề

Ở bước này, sau khi xác định chủ đề chính của cuộc thảo luận, việc đặt ra những câu hỏi giúp cho người nghe xác định được những vấn đề có thể sẽ được giải quyết trong phần nội dung. Trong tập podcast lần này, những câu hỏi được đặt ra có thể là

  • Sự khác biệt giữa Cake và Pie là gì?

  • Những yếu tố nào để biết được rằng cake ngon hơn hay pie ngon hơn?

  • Khẩu vị cá nhân đóng vai trò gì trong cuộc tranh luận này?

Lắng nghe và ghi chú

Trong lúc nghe, người nghe hãy ghi chép lại những luận điểm quan trọng, các lập luận hài hước hoặc các ví dụ được nêu ra bởi hai nghệ sĩ cũng như các yếu tố để trả lời những câu hỏi được đặt ra phía trên.

Trong phần ghi chú, người nghe nên chú ý đến các vấn đề sau:

  • Xác định luận điểm chính

Việc xác định luận điểm chính của các nghệ sĩ đòi hỏi khả năng tập trung và nghe hiểu ý chính. Vì vậy, người nghe cần phải vận dụng kỹ năng lựa chọn và ghi chú từ khóa một cách hiệu quả để hiểu được đầy đủ luận điểm mà người nói đưa ra. Người nghe có thể điều chỉnh tốc độ phù hợp với trình độ của mình để không cảm thấy quá nhanh hoặc chới với trong lúc nghe.

  • Phân tích, đánh giá và dự đoán cách giải thích luận điểm:

Ngoài việc lắng nghe và ghi chú luận điểm chính, người nghe cũng có thể đưa ra suy đoán trong đầu về cách giải thích cho luận điểm đó của người nói. Sau đó, tập trung lắng nghe cách giải thích cho luận điểm đó của họ như thế nào và so sánh với cách giải thích của mình.

Cách này giúp người nghe vừa rèn luyện khả năng tư duy phản biện vừa luyện tập kỹ năng lắng nghe chủ động. Người nghe có thể đặt ra những câu hỏi như:

  1. Nguồn thông tin mà họ đưa ra chứng minh lợi ích của pie và cake có đúng hay không?

  2. Lý do cụ thể để cho việc hình thành sự yêu thích đối với pie hoặc cake là gì?

  3. Những dẫn chứng về lợi ích vượt trội của pie hoặc cake?

  4. Những mặt lợi và hại của pie và cake là gì?

Phản hồi và chia sẻ

Sau khi nghe xong, người nghe có thể cân nhắc tóm tắt dựa trên ghi chú của mình hoặc viết một đoạn văn ngắn để phản hồi cho các ý kiến được tranh luận trong bài nghe, hoặc để suy ngẫm sâu hơn về chủ đề được bàn luận.

Nội dung của bài viết có thể bao gồm việc người nghe cảm thấy như thế nào về ý kiến của từng nghệ sĩ, hoặc trình bày về các cách mà các nghệ sĩ đã dùng để thể hiện ý kiến của mình một cách hài hước hơn.

Hoặc người nghe có thể chia sẻ podcast này đến bạn bè và người thân của mình để cùng nhau thảo luận về chủ đề của podcast hoặc ý kiến riêng của từng người.

Kết luận

Sử dụng chiến lược lắng nghe chủ động không chỉ cải thiện kỹ năng lắng nghe mà còn tạo điều kiện cho việc hiểu rõ thông tin, tương tác hiệu quả và xây dựng giao tiếp tương tác trong mọi tình huống. Bằng cách áp dụng những kỹ thuật này, người nghe có thể trở thành những người lắng nghe thông minh và hiệu quả, từ đó làm cho giao tiếp trở nên mượt mà và sâu sắc hơn.

Nhìn chung, tư duy phản biện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng nghe tiếng Anh, giúp cho người nghe nâng cao khả năng nghe hiểu và phát triển tư duy phản biện trong môi trường tiếng Anh.

Vậy nên, 4 bước gợi ý về cách kết hợp kỹ năng nghe chủ động và kỹ năng tư duy phản biện có thể giúp cho người nghe vừa luyện tập cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh vừa nâng cao khả năng tư duy phản biện.

Bốn bước bao gồm (làm rõ chủ đề, đặt câu hỏi, lắng nghe và ghi chú, phản hồi và chia sẻ) tuy ngắn nhưng cũng là một gợi ý hữu ích trong việc rèn luyện ngôn ngữ và tư duy. Hãy thử áp dụng tư duy phản biện khi luyện nghe tiếng Anh để nâng cao khả năng hiểu và phân tích thông tin. Việc này sẽ giúp người nghe phát triển tư duy logic và khả năng đánh giá một cách hiệu quả.


Nguồn tham khảo:

  • Ambubuyog, Ella Mae, et al. “Active Listening: Its Impact on Language Learning and Understanding of Education Students.” International Journal of Multidisciplinary: Applied Business and Education Research, vol. 4, no. 2, 2023, pp. 671–676, https://doi.org/10.11594/ijmaber.04.02.33.

  • Coursea. “What Is Active Listening and How Can You Improve This Key Skill?” Coursera, 2023, www.coursera.org/articles/active-listening.

  • Debaters, The. “Pie vs Cake.” YouTube, 26 Dec. 2010, www.youtube.com/watch?v=HYKL2Q42MgQ.

  • lstadmin. “Critical Listening Exercises.” Listenwise, 7 Aug. 2023, listenwise.com/critical_listening/.

  • Mamman-Muhammad, Abubakar. “Critical Thinking, Reading and Listening Skills.” Critical Thinking, Reading and Listening Skills - Science Arena Publications, 2018, sciarena.com/article/critical-thinking-reading-and-listening-skills.

  • Masduqi, Harits. “Critical Thinking Skills and Meaning in English Language Teaching.” CORE, 2011, core.ac.uk/display/233167362?utm_source=pdf&utm_medium=banner&utm_campaign=pdf-decoration-v1.

  • Monash University. “What Is Critical Thinking?” Student Academic Success, 3 Nov. 2022, www.monash.edu/student-academic-success/enhance-your-thinking/critical-thinking/what-is-critical-thinking".

  • Staff, Leading Effectively. “How to Use Active Listening Skills to Coach Others.” CCL, 26 June 2023, www.ccl.org/articles/leading-effectively-articles/coaching-others-use-active-listening-skills/.

  • Tatsumi, Ana. “Teaching Critical Thinking in the Language Classroom: Cambridge English.” World of Better Learning | Cambridge University Press, 24 Mar. 2022, www.cambridge.org/elt/blog/2018/04/04/teaching-critical-thinking/.

  • University of Waterloo. “Reading and Listening Critically.” Writing and Communication Centre, 21 Dec. 2022, uwaterloo.ca/writing-and-communication-centre/resources-reading-and-listening-critically

Tham khảo thêm khoá học tiếng anh giao tiếp online tại ZIM, giúp học viên luyện tập thực hành tiếng Anh một cách hiệu quả trong các tình huống giao tiếp thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu