Banner background

Tư duy phân kì là gì? Các kĩ thuật kích thích tư duy phân kì

Các loại hình tư duy cũng vô cùng đa dạng, trải dài từ động đến tĩnh, cụ thể đến trừu tượng, một chiều đến đa chiều, chủ quan đến khách quan… Với mong muốn giúp người đọc khám phá thêm những loại hình tư duy, bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tới người đọc khái niệm Tư duy phân kì và mối quan hệ giữa Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ.
tu duy phan ki la gi cac ki thuat kich thich tu duy phan ki

Tư duy – một khái niệm đã trở nên vô cùng quen thuộc trong cuộc sống của con người. Tư duy hiện hữu ở khắp nơi: trong mọi khía cạnh của đời sống, trong mọi suy nghĩ của chúng ta và trong mọi việc chúng ta làm. Vì thế, các loại hình tư duy cũng vô cùng đa dạng, trải dài từ động đến tĩnh, cụ thể đến trừu tượng, một chiều đến đa chiều, chủ quan đến khách quan… Với mong muốn giúp người đọc khám phá thêm những loại hình tư duy, bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tới người đọc khái niệm Tư duy phân kì và mối quan hệ giữa Tư duy phân kì và Tư duy hội tụ.

Tư duy phân kì (Divergent Thinking) là gì?

“Divergent’’ là gì?

Theo từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary (OALD) – thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Đại học Oxford, từ “divergent” có 2 nghĩa:

  • Developing or moving in different directions (phát triển hoặc di chuyển theo nhiều hướng khác nhau)

  • (of opinions, views, etc.) different, no longer similar (khác nhau, đa chiều)

Qua định nghĩa từ Từ điển OALD, ta thấy được nét nghĩa đặc trưng, cơ bản nhất của từ “divergent” chính là chỉ sự “khác nhau, đa chiều”. 

Divergent Thinking (Tư duy phân kì) là gì?

“Tư duy Phân kỳ (Divergent Thinking), thuật ngữ được sử dụng và được định nghĩa đầu tiên bởi Guilford vào năm 1950, là khả năng của một cá nhân tạo ra những giải pháp tiềm năng khác nhau cho một vấn đề. 

Tư duy phân kỳ sẽ mang đến vô số những ý tưởng, khái niệm và cách tiếp cận khác nhau. Vì thế, người có tư duy phân kỳ luôn sử dụng nhiều cách thức khác nhau để tìm kiếm các chi tiết (ví dụ như viết kịch bản) làm phương tiện kích thích tạo ra nhiều lựa chọn hơn để xử lý vấn đề được phát hiện.”

(Theo “Breakthrough Thinking” – Tư duy đột phá – Gerad Nadler & Shozo Hibino)

Ở đây chúng ta thấy được từ khóa chủ chốt trong định nghĩa trên là “khác nhau” (giải pháp tiềm năng khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, cách thức khác nhau). Như vậy, có thể khẳng định rằng Tư duy phân kì nhấn mạnh sự đa dạng và phong phú trong cách tiếp cận cũng như hướng giải quyết vấn đề.

Có thể tóm tắt định nghĩa trên như sau: Tư duy phân kì là khả năng suy nghĩ, tiếp cận theo những cách khác nhau, nhằm mục đích tìm ra nhiều ý tưởng, giải pháp tiềm năng khác nhau cho một vấn đề. 

tu-duy-phan-ki-van-de

Ví dụ về các câu hỏi, vấn đề yêu cầu sử dụng Divergent Thinking (Tư duy phân kì): 

Câu hỏi: “Có những cách nào để học từ vựng Tiếng Anh?’’

Học sinh A đưa ra câu trả lời như sau:

tu-duy-phan-ki-cac-cach-hoc-tu-vung

Không xét đến tính hiệu quả và khả thi của các phương pháp, điều đáng chú ý ở đây là bạn đã nghĩ ra 4 cách khác nhau để học từ vựng Tiếng Anh. Quá trình tìm ra nhiều giải pháp tiềm năng cho một vấn đề (học từ vựng Tiếng Anh) chính là Tư duy phân kỳ.

Mục đích của Tư duy phân kì

Theo nghiên cứu của Đại học Washington:

Mục đích của Tư duy phân kì là tạo ra nhiều ý tưởng, nhiều cách tiếp cận trong một khoảng thời gian ngắn để tìm ra những giải pháp tiềm năng khác nhau, từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn về các khía cạnh khác nhau của vấn đề. 

Ví dụ, học sinh A ở ví dụ được nêu ra ở mục 1. đã sử dụng Tư duy phân kỳ để tiếp cận việc học từ vựng theo nhiều cách: phương pháp ghi chép truyền thống (Chép từ và nghĩa tiếng Việt vào vở), phương pháp học từ vựng qua bối cảnh (Sáng tác truyện, thơ, bài hát)… để tìm ra những giải pháp tiềm năng cho việc học từ vựng của mình.

Đặc điểm của Tư duy phân kì

  • Tư duy phân kì thường xảy ra một cách tự do, tự phátphi tuyến tính. (Wikipedia)

  • Trong Tư duy phân kì, không có ý tưởng, giải pháp nào được coi là Đúng/ Sai. (Khatri et al., 2018) 

Như vậy, có thể khẳng định rằng Tư duy phân kỳ nhấn mạnh số lượng các ý tưởng, các cách tiếp cận thay vì chất lượng hay tính khả thi của chúng.

  • Theo J.P Guilford (1967), tư duy phân kì mang 4 đặc tính chính như sau:

tu-duy-phan-ki-dac-tinh

Trong đó:

  • Tính thuần thục: Là khả năng đưa ra nhiều giải pháp đa dạng cho một vấn đề một cách nhanh chóng.

  • Tính linh hoạt: Là khả năng nhìn nhận vấn đề dưới những góc nhìn đa chiều và cụ thể.

  • Tính sáng tạo: Là khả năng tìm tòi những ý tưởng độc đáo và mới lạ, hướng đến sự đổi mới và đột phá, tránh lối suy nghĩ rập khuôn, sao chép hoặc phát sinh từ những ý tưởng cũ.

  • Tính phát triển: Là khả năng sắp xếp, tổ chức ý tưởng trong đầu và sau đó thực hiện chúng. (H. Haarman, 2013)

Cropley, D. H (2015) cũng đưa ra những đặc tính của Tư duy phân kì qua việc chỉ ra quá trình điển hình và những kết quả của chúng:

Quá trình

Kết quả

Suy nghĩ mới lạ

Nhìn những điều cũ theo cách mới

Kết hợp những điều khác nhau

Tạo ra nhiều ý tưởng, câu trả lời

Thay đổi góc nhìn

Khám phá những giải pháp tiềm năng mới

Tạo ra nhiều giải pháp mới, sáng tạo, có tính đột phá.

Giải pháp, câu trả lời đầy bất ngờ.

Mở ra những tiềm năng thú vị hoặc mạo hiểm.

Kết luận: Dù cách thức đưa ra khác nhau, song Guilford (1967) và Cropley D.H (2015) đều đề cập đến những đặc điểm nổi bật của quá trình Tư duy phân kì như: số lượng phong phú của các ý tưởng; tính mới, tính sáng tạo và tính đa chiều trong cách nhìn nhận vấn đề.

Ưu – Nhược điểm của Tư duy phân kì

Từ những đặc điểm được nêu ra ở mục 3, có thể rút ra được những ưu điểm – nhược điểm của Tư duy phân kì như sau:

Ưu điểm

Nhược điểm

Giúp con người có cái nhìn sâu sắc về các khía cạnh khác nhau của vấn đề.

⇒ Giúp tạo ra nhiều giải pháp mới, có tính sáng tạo.

Tư duy phân kì nhấn mạnh số lượng thay vì chất lượng

⇒ Một số ý tưởng, giải pháp sẽ không hiệu quả hoặc không khả thi, mạo hiểm.

Một số nghiên cứu về vai trò của Tư duy phân kì

Là một loại hình tư duy thiết yếu trong cuộc sống, Tư duy phân kì đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả và nhà nghiên cứu. Có thể kể đến một số nghiên cứu nổi bật về vai trò của Tư duy phân kì như: Tư duy phân kì liên quan đến khả năng sản sinh ý tưởng (Eysenck, 1995; Mednick, 1992; …); liên quan đến khả năng học ngôn ngữ (Haarma et.al, 2013, Gruszka et.al, 2002…) và ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc (Baas et.al, 2008…)

tu-duy-phan-ki-mot-so-nghien-cuu-ve-vai-tro

Liên quan đến khả năng sản sinh ý tưởng độc đáo

Theo Eysenck, 1995; Mednick, 1962, Tư duy phân kì là một thành tố quan trọng tạo nên sự sáng tạo bởi quá trình sản sinh nhiều ý tưởng cho một vấn đề sẽ làm tăng khả năng một người có thể nảy sinh những ý tưởng độc đáo và mới lạ.

Tương tự, J.P. Guilford (1950, 1968) cũng cho rằng: “Có một sự liên kết mạnh mẽ giữa Tư duy phân kì và tiềm năng sáng tạo. Tư duy phân kì có khả năng giúp con người nảy ra những ý tưởng và giải pháp sáng tạo”.

Liên quan đến khả năng học ngôn ngữ

Theo Haarman et.al (2013), khả năng Tư duy phân kì có thể dự đoán sự thành công trong việc học ngôn ngữ thứ hai. Kết luận này của ông dựa trên nhiều nghiên cứu chỉ ra sự tương quan đồng biến rõ rệt giữa khả năng Tư duy phân kì và khả năng học và xử lý ngôn ngữ như Gruszka et.al.,(2002), Vartanian et al. (2012), Albert et al., (2011)…

Ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc

Theo Baas et al., (2008) và Davis (2009), có một sự liên kết mạnh mẽ và tích cực giữa Tư duy phân kì và trạng thái cảm xúc của con người. Những nhiệm vụ yêu cầu Tư duy phân kì có thể dẫn đến những trạng thái cảm xúc tích cực, và ngược lại, trạng thái cảm xúc tích cực cũng sẽ thúc đẩy khả năng Tư duy phân kì của con người.

Các kĩ thuật kích thích Tư duy phân kì

Theo như mục đích đã nêu ra ở mục 2: Mục đích của Tư duy phân kì là tạo ra nhiều ý tưởng, nhiều cách tiếp cận trong một khoảng thời gian ngắn. Như vậy, các kĩ thuật kích thích Tư duy phân kì, thực chất là các kĩ thuật giúp con người sản sinh ra nhiều ý tưởng khác nhau.

Dưới đây, người viết sẽ giời thiệu một số kĩ thuật kích thích việc nảy sinh ý tưởng phổ biến:

Động não (Brainstorming)

Mô tả

Động não (Brainstorming) là phương pháp phổ biến và được sử dụng nhiều nhất trong số các phương pháp kích thích ý tưởng. Khi động não, người nghĩ sẽ tạo ra một danh sách các ý tưởng một cách sáng tạo và không có cấu trúc rõ ràng. 

Mục đích

Tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt trong một khoảng thời gian ngắn.

Nguyên tắc

  • Tất cả các ý tưởng đều được ghi nhận, không có ý tưởng nào bị coi thường hay chỉ trích.

  • Người tham gia cần nói lên tất cả những ý tưởng xuất hiện trong đầu họ.

  • Người tham gia cần sẵn sàng lắng nghe những ý kiến của người khác.

  • Tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt.

Đánh giá

  • Đơn giản, dễ thực hiện.

  • Yêu cầu kinh nghiệm ở người dẫn dắt và ý thức đóng góp từ những người tham gia.

  • Thích hợp để giải quyết mọi vấn đề, đặc biệt là những vấn đề có thể có rất nhiều giải pháp tiềm năng.

Brainwriting

Mô tả

Brainwriting là một kĩ thuật tương tự như Động não (Brainstorming). 

Mục đích

Tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt trong một khoảng thời gian ngắn.

Nguyên tắc

Khác với Brainstorming – người tham gia trực tiếp nói lên ý tưởng, với Brainwriting, các thành viên sẽ viết ra ý tưởng của mình một cách cá nhân và độc lập trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó chia sẻ ý tưởng với cả nhóm.

Đánh giá

Đơn giản, dễ thực hiện.

Thích hợp để giải quyết mọi vấn đề, đặc biệt là những vấn đề có thể có rất nhiều giải pháp tiềm năng.

Ưu điểm so với Brainstorming:

  • Các thành viên tham gia không cần phải đợi đến lượt mình để được phát biểu ý kiến.

  • Mọi ý kiến được đưa ra một cách cá nhân, độc lập và không bị ảnh hưởng bởi những thành viên khác.

Khuyết điểm so với Brainstorming: Sự hạn chế trong tương tác giữa các thành viên.

Sơ đồ tư duy (Mind-mapping)

Mô tả

Lập sơ đồ tư duy là việc trình bày các ý tưởng đã được động não dưới dạng bản đồ hoặc bức tranh trực quan để thể hiện mối quan hệ giữa các ý tưởng này. Trong sơ đồ tư duy thường có một chủ đề chính và các nhánh phụ thể hiện những khía cạnh khác nhau của chủ đề chính (các chủ đề phụ).

Mục đích

Sắp xếp thông tin, kết nối những thông tin liên quan đến nhau và nắm được mạch tư duy xuyên suốt quá trình động não (Brainstorming).

Nguyên tắc

Luôn vẽ chủ đề chính ở trung tâm bản đồ và vẽ các chủ đề phụ ở xung quanh. Không ngừng khai thác các chủ đề phụ cho đến khi không còn ý tưởng nào khác.

Sử dụng nhiều màu sắc, hình ảnh và từ khóa.

Đánh giá

Đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện.

Viết tự do (Free-writing)

Mô tả

Viết tự do nghĩa là tập trung vào một chủ đề cụ thể và viết không ngừng về chủ đề đó trong một khoảng thời gian ngắn. 

Mục đích

Nảy ra nhiều suy nghĩ khác nhau về một chủ đề trong một khoảng thời gian ngắn.

Nguyên tắc

Người viết sẽ viết ra bất cứ điều gì họ nghĩ đến về chủ đề này mà không dừng lại để đọc lại hoặc sửa lại bài trong suốt quá trình viết.

Đánh giá

Đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện.

Lê Hiền Trang

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...