An introduction to Critical Thinking and Creativity: Think More, Think Better – nền tảng xây dựng tư duy phản biện và sáng tạo

“An introduction to Critical Thinking and Creativity: Think More, Think Better” là một cuốn sách viết về những nguyên tắc nền tảng cho tư duy phản biện và sự sáng tạo.
author
ZIM Academy
27/08/2020
an introduction to critical thinking and creativity think more think better nen tang xay dung tu duy phan bien va sang tao

Tư duy phản biện (Critical thinking) và sự sáng tạo (Creativity) tưởng chừng không có mối liên hệ nào với nhau, nhưng thực chất lại là một thể thống nhất, gắn kết chặt chẽ. Dưới góc nhìn này, Joe Y. F. Lau đã dẫn dắt người đọc đến với những khám phá mới, đầy thú vị về cách xây dựng tư duy phản biện, sự sáng tạo, đồng thời ứng dụng 2 yếu tố này vào việc đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề. Từ đó, tác giả cung cấp những kiến thức nền tảng, hướng dẫn người đọc biết cách tư duy rõ ràng, hợp lý và sáng tạo – hay nói cách khác là suy nghĩ tốt hơn. 

an-introduction-to-critical-thinking-and-creativity-think-mỏeore-think-betterAn introduction to Critical Thinking and Creativity: Think More, Think Better

Về tác giả 

Joe Y. F. Lau là Phó Giáo sư Khoa Triết học tại Đại học Hồng Kông, giảng dạy tư duy phản biện (critical thinking), logic, triết học tâm trí (the philosophy of mind) và khoa học nhận thức (cognitive science). Ông từng học Vật lý và Triết học tại Đại học Oxford và hoàn thành chương trình đào tạo Tiến sĩ tại M.I.T (Massachusetts Institute of Technology – Học viện Công nghệ Massachusetts). 

Joe Y. F. Lau đã có nhiều nghiên cứu xoay quanh triết học về tâm trí và ngôn ngữ, đồng thời, thể hiện được sự quan tâm đến việc thúc đẩy tư duy phản biện và siêu nhận thức (metacognition) trong giáo dục. Bên cạnh cuốn “An introduction to Critical Thinking and Creativity: Think More, Think Better”, Joe Y. F. Lau cũng là đồng tác giả của nhiều cuốn sách đáng chú ý, chẳng hạn như:

  • Twenty Problems in Philosophy: A Brief Introduction to Contemporary Philosophy (Các tác giả: Thomas Ming, Danny Leung, Lawrence Yung, Ching Wa Wong, Joe Y. F. Lau, xuất bản năm 2006).

  • Logic: Key Concepts in Philosophy (Các tác giả: Joe Y. F. Lau, Andrew Brennan, Laurence Goldstein, Max Emil Deutsch, xuất bản năm 2005).

Ngoài ra, ông cũng đã đóng góp cho cộng đồng học thuật nhiều bài báo, bài luận có thể sử dụng như tài liệu định hướng tự học hoặc tài liệu giảng dạy. Trong đó, có thể nhắc đến một ấn phẩm nổi bật, được Joe Y. F. Lau công bố vào năm 2015 – “Metacognitive Education: Going Beyond Critical Thinking”.

Tại sao Joe Y. F. Lau lựa chọn Critical Thinking và Creativity làm chủ đề cho cuốn sách?

Tư duy phản biện là điều cần thiết trong hầu hết mọi lĩnh vực nghiên cứu hoặc thực hành khi mà con người muốn truyền đạt ý tưởng, đưa ra quyết định, phân tích và giải quyết vấn đề. Đã có rất nhiều tài liệu và đầu sách bàn luận, chia sẻ về vấn đề này, chẳng hạn như cuốn “Think Smarter: Critical Thinking to Improve Problem-Solving and Decision-Making Skills” của Michael Kallet, “Critical Thinking: Your Guide to Effective Argument, Successful” của Tom Chatfield hay “The Basics of Critical Thinking” của tác giả Michael Baker. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, Joe Y. F. Lau đã lựa chọn phân tích tư duy phản biện cùng với tư duy sáng tạo.

Theo tác giả, tư duy phản biện và sáng tạo đều có vai trò quan trọng như nhau trong việc giải quyết vấn đề và không tác rời mà có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Con người cần sự sáng tạo trong tư duy phản biện để đưa ra những lập luận, phản bác, giải thích cho phản bác đó và ý kiến thay thế.

Mặc khác, sự sáng tạo cần tư duy phản biện để đánh giá, phân tích những ý tưởng mới, xem xét liệu rằng những ý tưởng đó có thật sự phù hợp và giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả, từ đó cải thiện các ý tưởng. Như vậy, cả hai đều là một phần cần thiết của tư duy, có sự tương quan lẫn nhau và nên được phát triển đồng thời cùng nhau. 

tu-duy-phan-bien-va-su-sang-tao-deu-la-nhung-phan-thiet-yeu-cua-tu-duyTư duy phản biện và sự sáng tạo đều là những phần phần thiết của tư duy, có sự tương quan lẫn nhau

“An introduction to Critical Thinking and Creativity: Think More, Think Better” là kết quả được đúc kết bởi 10 năm giảng dạy, nghiên cứu về tư duy phản biện của Joe Y. F. Lau và nhiều ý tưởng tham khảo từ những triết gia, nhà tâm lý học và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Thông qua cuốn sách, tác giả muốn định hướng người đọc tiếp cận với tư duy phản biện và sáng tạo một cách đơn giản, từ đó nắm vững những kiến thức cơ bản, ứng dụng tốt vào các tình huống thực tế.

Joe Y. F. Lau chia sẻ: “This book is not an encyclopedia on thinking skills. It aims to be a short and readable text, providing the reader with a practical and sound foundation.” (Tạm dịch: Cuốn sách này không phải là một cuốn bách khoa toàn thư về kỹ năng tư duy, mà được xuất bản dưới hình thức một tài liệu ngắn và dễ đọc, cung cấp cho độc giả một nền tảng thực tế và vững chắc.).

Giới thiệu tổng quan về sách

“An introduction to Critical Thinking and Creativity: Think More, Think Better” là một cuốn sách viết về những nguyên tắc nền tảng cho tư duy phản biện và sự sáng tạo, từ đó giúp người đọc cải thiện kỹ năng lập luận và đưa ra quyết định. Cụ thể, tác giả Joe Y. F. Lau đã nêu ra những yếu tố cần thiết để trở thành một người biết tư duy phản biện cũng như tư duy sáng tạo. Bằng cách nắm vững lý thuyết và thực hành các nguyên tắc tư duy phản biện, sáng tạo, người đọc sẽ được định hướng cách để suy nghĩ có hệ thống, logic và giàu trí tưởng tượng. 

Bắt đầu từ những chương đầu tiên, độc giả có thể nhận ra rằng, tác giả không giới thiệu đến những khái niệm liên quan đến tư duy phản biện và sự sáng tạo một cách riêng lẻ mà nhìn nhận theo một thể thống nhất, phân tích sự phụ thuộc và mối liên hệ mật thiết giữa chúng. 

Mỗi chương sách không chỉ chứa đựng những lý thuyết đơn thuần mà còn kết hợp với nhiều ví dụ thực tiễn và các phát hiện từ khoa học nhận thức cũng như tâm lý học để minh họa. Mục đích của Joe Y. F. Lau chính là nhấn mạnh vào tính ứng dụng của các nguyên tắc và lý thuyết, mang lại giá trị hữu ích thực sự trong cuộc sống hàng ngày; giúp người đọc vận dụng được trong những lĩnh vực, nghề nghiệp khác nhau. Tất cả các chương đều kết thúc bằng một bộ bài tậplời giải chi tiết (ở cuối sách) để người đọc thực hành và hiểu sâu sắc hơn kiến thức từng chương. 

Hơn nữa, Joe Y. F. Lau hiểu rằng suy nghĩ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người thông qua những lựa chọn mà con người đưa ra. Những lựa chọn này phụ thuộc một phần vào giá trị và quan điểm đạo đức. Điều quan trọng nhất là con người có thể suy nghĩ về những vấn đề nảy sinh một cách nghiêm túc và công bằng. Do đó, tác giả đã dành 2 chương bàn luận về khả năng ra quyết định và nền tảng lý luận đạo đức. 

“An introduction to Critical Thinking and Creativity: Think More, Think Better” đi kèm với một website có tên là Critical Thinking Web. Đây là trang web được thành lập bởi Khoa Triết học, Đại học Hồng Kông dưới sự quản lý trực tiếp của Joe Y. F. Lau, bao gồm những tài liệu hướng dẫn trực tuyến giúp người đọc khám phá sâu hơn về các chủ đề như phân tích ý nghĩa, phân tích lập luận, logic, thống kê và tư duy chiến lược, … 

giao-dien-website-critical-thinkingGiao diện website Critical Thinking

Tính đến nay, cuốn sách đã có những đóng góp nhất định cho việc thúc đẩy sự quan tâm đến tư duy phản biện trong giáo dục – là tài liệu giảng dạy được sử dụng bởi nhiều giảng viên Trung học và Đại học trên khắp thế giới. Nội dung sách cũng được phát triển thành các khóa học tư duy phản biện trực tuyến dành cho cấp bậc sau Đại học. 

Nội dung của sách

Một “tư duy tốt” được xây dựng như thế nào?

Không thể phủ nhận rằng, cuộc sống của con người đang bị thay đổi bởi nhiều yếu tố, trong đó có toàn cầu hóa. Đối mặt với những vấn đề phức tạp của thế giới, con người cần có một tư duy tốt và ý tưởng sáng tạo để phối hợp, nỗ lực giải quyết những tình huống ảnh hưởng đến lợi ích của mình và cộng đồng. 

Hơn nữa, đứng trước tốc độ phát triển ngày một nhanh chóng, con người đang phải dung nạp một lượng lớn thông tin mỗi ngày, những gì học được hôm nay có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời vào ngày mai. Mỗi người phải đối diện với những thử thách lớn hơn và cố gắng để hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Để chạm đến mục tiêu và bắt kịp tốc độ phát triển của thế giới, con người cần trang bị kỹ năng tư duy tốt để đưa ra quyết định đáng tin cậy và tiếp thu kiến ​​thức mới hiệu quả.

Vậy một tư duy như thế nào là một tư duy tốt? Theo Joe Y. F. Lau, về cơ bản, có thể hiểu tư duy tốt được xem xét ở 2 yếu tố:

  • Tư duy phản biện (Critical thinking): Dựa trên góc nhìn của tác giả, tư duy phản biện tức là suy nghĩ rõ ràng và hợp lý. Lối tư duy này liên quan đến việc suy nghĩ chính xác, có hệ thống, tuân theo những quy tắc của logic và suy luận khoa học.

  • Sự sáng tạo (Creativity): Đây chính là sự nảy sinh những ý tưởng mới, có khả năng thay thế và giải quyết vấn đề. 

good-thinking-skillsGood Thinking Skills

Câu hỏi đặt ra ở đây là “Đâu là yếu tố quan trọng nhất?” Và câu trả lời độc giả nhận được từ cuốn An introduction to Critical Thinking and Creativity: Think More, Think Better” là cả hai đều có mức độ quan trọng như nhau. Theo đề cập ở phần trước, con người cần sự sáng tạo trong tư duy phản biện để đưa ra ý tưởng, hình thành lập luận, phản bác và giải thích. Mặc khác, sự sáng tạo cần tư duy phản biện để đánh giá, xem xét và phân tích những ý tưởng mới. Trong cuốn sách này, tư duy phản biện được tác giả thảo luận ở những chương đầu và sự sáng tạo sẽ nằm ở những chương gần cuối.

Ngoài ra, để có một tư duy tốt, con người không chỉ cần đến kiến ​​thức về những nguyên tắc lập luận tốt. Tất nhiên, các yếu tố về mặt tâm lý và tính cách cũng rất quan trọng. Do vậy, sách cũng tập trung khai thác tầm quan trọng của thái độ, quan niệm đạo đức và quá trình thực hành để xây dựng được một tư duy tốt. 

Con người có đang “hiểu lầm” tư duy phản biện?

Tư duy phản biện rất dễ nhầm lẫn với sự chỉ trích và phản đối. Một số người lợi dụng tư duy phản biện để cố ý phê bình người khác, đưa ra ý kiến phản bác nhưng không mang tính chất xây dựng. Dần sau đó, con người bắt đầu “cảnh giác” với tư duy phản biện và cho rằng đây là biểu hiện của sự ghen ghét, đối đầu. 

Tuy nhiên, đây là một sự hiểu lầm. Tư duy phản biện không phải là yếu tố gây ra sự tranh cãi. Bằng cách bàn luận về những ý tưởng chưa tốt, con người biết cách tìm ra sự thật và những ý tưởng mới tốt hơn. Hơn nữa, phản biện không có nghĩa là luôn chỉ trích. Không cần thiết phải đặt câu hỏi phản biện nếu người khác đưa ra một ý tưởng hoàn toàn phù hợp và không có điểm sơ hở.

Ngược lại, nếu nhìn thấy những “lỗ hổng” trong ý tưởng, dựa trên kiến thức và kinh nghiệm có được, con người cần mạnh dạn trình bày quan điểm, bằng lập luận chặt chẽ, rõ ràng, cung cấp những bằng chứng và lý lẽ thuyết phục, đưa ra gợi ý mới để cải thiện ý tưởng ban đầu. Như vậy, tư duy phản biện không hề mang tính đối đầu mà dựa trên tinh thần đóng góp và thấu hiểu.

tu-duy-phan-bien-dua-tren-tinh-than-dong-gop-va-thau-hieuTư duy phản biện dựa trên tinh thần đóng góp và thấu hiểu

Một số ý kiến khác cho rằng tư duy phản biện không hữu ích trong thực tế bởi vì con người thường hành động dựa trên tình cảm, lợi ích của bản thân và các mối quan hệ cá nhân hơn là lý trí. Không thể phủ nhận rằng, hầu hết những quyết định của con người đều là “phi lý trí” và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Con người rất dễ bị “đánh lừa” và thuyết phục bởi quyền lực, cảm xúc hoặc bất cứ điều gì khác ngoài lý trí.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Joe Y. F. Lau, điều đó không có nghĩa là tư duy phản biện hoàn toàn vô ích. Trong hiểu lầm trên, con người đã không có sự phân định rõ ràng giữa việc suy nghĩ hợp lý và việc nói về những lý do. Tư duy phản biện hoàn toàn có thể sử dụng để suy nghĩ có hệ thống, có chiến lược về cách thức, phương tiện đạt được mục tiêu.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tư duy phản biện đối lập với cảm xúc, các mối quan hệ, … Joe Y. F. Lau đã phân tích ví dụ tình yêu và tình bạn. Trong đó, tư duy phản biện giúp con người suy nghĩ cẩn thận hơn về điều tốt hay xấu trong một mối quan hệ để cải thiện và gắn kết những người trong mối quan hệ đó.

Tác giả quan niệm không phải lúc nào cũng khôn ngoan nếu chỉ hành động/ quyết định dựa trên tình cảm. Đó là lý do tại sao con người cần kết hợp tư duy phản biện vào cảm xúc.

Suy nghĩ tốt hơn với tư duy phản biện và sự sáng tạo

Tư duy phản biện được xem là một kỹ năng nhận thức. Trong sách, Joe Y. F. Lau đã đề cập đến quá trình phát triển một kỹ năng bất kỳ, trong đó có tư duy phản biện.

Quá trình này đòi hỏi ba điều kiện: học lý thuyết (learning the theory), thực hành có chủ ý (deliberate practice) và thói quen suy luận, cách tiếp cận, ứng xử (adopting the right attitudes). Tiến sĩ đưa ra 3 ví dụ thực tế, lý giải cho điều đó như sau:

  1. Học lý thuyết: Một người không thể trở thành một cầu thủ bóng rổ giỏi nếu không biết luật chơi. Đối với kỹ năng nào cũng vậy, trước hết, con người cần học để nắm những kiến thức cơ bản, những thông tin cần thiết. Tương tự tư duy phản biện đòi hỏi một lượng logic nhất định. 

  2. Thực hành có chủ ý: Tuy nhiên, biết lý thuyết không có nghĩa là có thể áp dụng nhuần nhuyễn và thuần thục. Về lý thuyết, từ nhỏ, con người đã được dạy cách đi xe đạp rằng nên giữ thăng bằng khi đạp xe vì đây là điều quan trọng nhất. Nhưng nắm được nguyên tắc đó không khiến con người biết cách đi xe đạp ngay tức khắc, mà phải qua thời gian luyện tập, thực hành. 

  3. Thói quen suy luận, cách tiếp cận, ứng xử: Thói quen suy luận, cách ứng xử của con người tạo ra sự khác biệt và hiệu quả trong việc luyện tập. Một ví dụ minh họa đơn giản được tác giả đưa ra để người đọc hiểu rõ hơn là khi ghét chơi piano, việc ép bản thân thực hành lâu dài sẽ không mang lại hiệu quả.

qua-trinh-phat-trien-mot-ky-nangQuá trình phát triển một kỹ năng

Joe Y. F. Lau cũng vận dụng 3 điều kiện đó vào việc xây dựng tư duy phản biện. Trước hết, tác giả bàn luận về 5 khía cạnh lý thuyết của tư duy phản biện, bao gồm: 

  • Phân tích ý nghĩa (Meaning analysis): Giải thích ý tưởng rõ ràng và có hệ thống; dùng các định nghĩa và phương tiện khác để làm rõ ý nghĩa và khiến cho ý tưởng trở nên cụ thể, chính xác hơn.

  • Logic: Phân tích, đánh giá các luận điểm; xác định các hệ quả logic và sự mâu thuẫn.

  • Các phương pháp khoa học (Scientific methods): Sử dụng dữ liệu thực nghiệm để kiểm tra lý thuyết; xác định nguyên nhân và hậu quả; lý thuyết xác suất và thống kê.

  • Quyết định và những giá trị đạo đức (Decision and values): Đưa ra quyết định hợp lý; phản ánh các khung giá trị và chuẩn mực đạo đức.

  • Ngụy biện và thiên kiến (Fallacies and biases): Các lỗi điển hình của lập luận và các đặc điểm tâm lý có khả năng gây ra những lỗi đó.

5-khia-canh-ly-thuyet-cua-tu-duy-phan-bien5 khía cạnh lý thuyết của tư duy phản biện

Sau đó, Joe Y. F. Lau cung cấp một phương pháp đơn giản, hiệu quả để thực hành tư duy phản biện – được Tiến sĩ gọi tên là “the fourfold path to good thinking” và phân tích những tiêu chí về cách tiếp cận, ứng xử. Theo đó, một người muốn có tư duy rõ ràng, hợp lý, khi tiếp cận vấn đề cần phải có:

  • Tính độc lập trong suy nghĩ (Independence of thought)

    • Tư duy mở (Open-mindedness)

    • Sự tỉnh táo và không thiên vị (Cool-headedness and impartiality)

    • Thói quen phân tích và phản ánh (An analytical and reflective attitude)

 Vậy còn đối với sự sáng tạo, làm thế nào để có thể tư duy sáng tạo, nghĩ được những ý tưởng mới? Joe Y. F. Lau cho rằng, một ý tưởng mới được tạo thành từ sự kết hợp giữa những ý tưởng cũ và một cách mới (a new idea is made up of old ideas combined in a new way).

Sự sáng tạo cũng đòi hỏi một lượng kiến thức nhất định. Óc tưởng tượng thường dựa trên những điều đã biết và trải qua. Với một lượng tri thức sở hữu ở mức độ hạn hẹp, con người chỉ có thể tổng hợp một vài ý tưởng. Ngược lại, nếu sự hiểu biết được mở rộng, những ý tưởng sẽ phát sinh theo cấp số nhân. Đó cũng là nguyên tắc nền tảng để xây dựng thói quen tư duy sáng tạo (creative thinking habits) mà tác giả đề cập ở chương cuối cùng của cuốn sách.

Khi bàn luận về sự sáng tạo, Joe Y. F. Lau đồng thời nhắc đến vai trò của tư duy phản biện trong quá trình hình thành ý tưởng. Cụ thể, tư duy phản biện được dùng để phân tích vấn đề một cách chi tiết, rõ ràng và ở nhiều khía cạnh, đồng thời xác định những hạn chế của giải pháp hiện có. Đây là nền tảng cho sự hình thành một giải pháp mới tốt hơn. Và khi đó, tư duy phản biện lại một lần nữa giúp con người đánh giá giải pháp vừa xuất hiện.

Hơn nữa, quá trình sáng tạo có liên quan đến việc thử nghiệm, và tất nhiên, sẽ có những thất bại. Nhờ phân tích và nhìn nhận vấn đề một cách tường tận, thấu đáo, tư duy phản biện cho phép con người lựa chọn và đưa ra quyết định tốt nhất, giảm thiểu sự thất bại; hoặc nếu thất bại cũng biết cách học hỏi từ những sai lầm và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. 

Sau cùng, Joe Y. F. Lau đã đi đến khái quát chu kỳ sáng tạo như sau:

Bước 1: Chuẩn bị (Preparation)thu thập đầy đủ thông tin về vấn đề cần giải quyết.

Bước 2: Nghiên cứu, thăm dò (Exploration) – phân tích những thông tin đã thu thập.

Bước 3: Ấp ủ (Incubation) – hình thành các ý tưởng. Những ý tưởng mới có thể đột ngột xuất hiện bất kỳ lúc nào: buổi sáng thức dậy sau một giấc ngủ dài, lúc nghe nhạc, xem phim, …

Bước 4: Kiểm tra và xác nhận (Verification) – phân tích, kiểm tra ý tưởng, giải pháp mới và đưa ra quyết định.

chu-ki-sang-taoChu kỳ sáng tạo

Tổng kết

Như vậy, “An introduction to Critical Thinking and Creativity: Think More, Think Better” đã làm nổi bật được mối liên hệ giữa tư duy phản biện và sự sáng tạo. Qua những bàn luận, ví dụ thực tế của Joe Y. F. Lau, không thể phủ nhận rằng, hai yếu tố đó chính là một thể thống nhất, bổ sung lẫn nhau và nắm giữ vai trò quan trọng như nhau trong việc giúp con người suy nghĩ, tư duy tốt hơn.

Nhờ việc đơn giản hóa nội dung, tập trung cung cấp những kiến thức nền tảng nhất, phân tích các ví dụ minh họa từ thực tế, tác giả đã phần nào đưa tư duy phản biện và sự sáng tạo đến gần với độc giả hơn. Điều này cũng đã góp phần hoàn thành mục tiêu của Joe Y. F. Lau – đưa cuốn sách trở thành một tài liệu định hướng cho quá trình tự học và tài liệu giảng dạy ở cấp bậc Đại học, sau Đại học.

Võ Tuyền

Bạn muốn biết mình đang ở mức độ nào trong thang điểm IELTS hay cần làm quen với làm bài thi IELTS để vững vàng tâm lý trước ngày thi chính thức? Hãy đăng ký thi thử IELTS để trải nghiệm ngay hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu