Làm thế nào để vượt qua Idea block trong phòng thi?

Idea block là tình trạng không còn xa lạ đối với các thí sinh, đặc biệt trong quá trình tiến hành các phần thi đòi hỏi khả năng tư duy ý tưởng cao như IELTS Speaking và IELTS Writing. Bài viết này sẽ phân tích tình trạng idea block và cách để vượt qua idea block trong phòng thi thông qua hai nhóm giải pháp dài hạn và tức thời.
lam the nao de vuot qua idea block trong phong thi

Idea block là tình trạng không còn xa lạ đối với các thí sinh, đặc biệt trong quá trình tiến hành các phần thi đòi hỏi khả năng tư duy ý tưởng cao như IELTS Speaking và IELTS Writing. Khác với việc giải quyết idea block trong thực tế khi người học có nhiều thời gian và không gian để tái tạo năng lượng và suy nghĩ, các thí sinh trong phòng thi phải đối mặt với nhiều áp lực nặng nề. Bài viết này sẽ làm phân tích tình trạng idea block và cách để vượt qua idea block trong phòng thi thông qua hai nhóm giải pháp dài hạn và tức thời.

Key takeaways

  • Idea block bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan như áp lực thời gian, không gian, tính phức tạp của vấn đề và chủ quan như sự thiếu thích luỹ kiến thức và những rào cản tâm lý trong phòng thi.

  • Nguyên nhân cốt lõi của idea block là sự thiếu hụt kiến thức và kỹ năng tư duy.

  • Việc giải quyết idea block cần sự kết hợp của hai nhóm giải pháp dài hạn và tức thời.

  • Nhóm giải pháp dài hạn cho idea block tập trung vào các phương pháp tích luỹ kiến thức và thu nạp, rèn luyện kỹ năng tư duy của người học.

  • Nhóm giải pháp tức thời cho idea block giúp thí sinh nhanh chóng giải quyết vấn đề thông qua việc tư duy dưới nhiều góc nhìn.

  • Việc kết hợp giữa hai nhóm giải pháp dài hạn và tức thời là cần thiết để giảm thiểu tối đa nguy cơ rơi vào tình trạng idea block.

Định nghĩa Idea block

Idea block được biết đến với tên gọi là tình trạng mắc kẹt ý tưởng. Giống như tên gọi của mình, idea block xảy ra khi người viết, hay người nói không tìm được ý tưởng để diễn đạt phục vụ cho mục đích truyền tải của mình.

Đây là tình trạng phổ biến thường gặp trong đời sống và công việc thường ngày ở, đặc biệt trong các vấn đề cần tư duy ý tưởng cao như diễn thuyết, viết luận, sáng tạo nội dung, vv. Ví dụ, một học sinh được yêu cầu viết một bài luận với chủ đề “Giải pháp cho vấn đề phụ thuộc vào công nghệ của giới trẻ" nhưng không biết bắt đầu tư duy vấn đề từ đâu và triển khai ý tưởng thế nào để đạt được mục tiêu là sáng tạo ra các giải pháp cho vấn đề được đề cập. Như vậy, học sinh đó đã rơi vào tình trạng mắc kẹt ý tưởng. 

Trên thực tế, idea block rất dễ xảy ra đối với các thí sinh trong quá trình hoàn thành các phần thi đòi hỏi khả năng tư duy ý tưởng cao trong bài thi IELTS như Speaking Part 3Writing Task 2. Các thí sinh hầu hết đều gặp khó khăn chính trong việc tìm kiếm ý tưởng cho câu trả lời của mình.

Nguyên nhân của idea block

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau cho thể lý giải cho idea block. Trong phần này, tác giả tập trung phân tích các nguyên do dựa trên hai đặc tính chính: tính chủ quan và tính khách quan. 

Nguyên nhân khách quan

Áp lực thời gian: Các phần thi IELTS Writing và Speaking được tiến hành trong một khoảng thời gian cố định, đặc biệt trong phần thi Speaking Part 3, thí sinh không có thời gian riêng cho việc suy nghĩ mà phải trả lời câu hỏi của giám khảo ngay lập tức. Điều này đã tạo ra áp lực thời gian lớn, buộc thí sinh phải thúc giục bản thân nghĩ ra các ý tưởng một cách nhanh chóng. Quá trình này khiến thí sinh cảm thấy càng thêm căng thẳng và bối rối, làm cho quá trình tư duy bị cản trở đáng kể. 

Áp lực không gian: Việc tiến hành bài thi IELTS trong một không gian cố định không cho phép thí sinh tiếp xúc với các yếu tố góp phần kích thích khả năng sáng tạo như tranh ảnh nhiều màu sắc, hay phong cảnh tự nhiên. Bên cạnh đó, việc phải đối diện trực tiếp với Giám khảo trong phòng thi Speaking cũng như áp lực từ việc quan sát những người thi cùng phòng ở ba kỹ năng còn lại cũng có thể khiến thí sinh gặp cản trở về mặt tâm lý. 

Tính phức tạp của vấn đề: Chủ đề của các phần thi Speaking Part 3 và Writing Task 2 đều mang tính học thuật, và đôi khi tương đối trừu tượng, đòi hỏi khả năng tư duy và phân tích vấn đề cao. Phạm vi của các vấn đề cũng rất rộng, không giới hạn ở bất cứ lĩnh vực nào. Chính vì thế, thí sinh sẽ gặp khó khăn khi phải giải quyết các vấn đề chưa được tiếp cận trước đó hoặc khó đi sâu vào các vấn đề đã quen thuộc.

Tìm hiểu thêm: Chiến thuật kéo dài thời gian suy nghĩ trong IELTS Speaking.

Nguyên nhân chủ quan

Thiếu tích luỹ kiến thức: Đây là vấn đề rất phổ biến đối với các thí sinh khi thi IELTS. Do hầu hết các thí sinh đều ở độ tuổi rất trẻ nên việc tích luỹ các kiến thức xã hội không được chú trọng. Các hoạt động hiệu quả để tích luỹ kiến thức và cải thiện tư duy như đọc sách, hay cập nhật tin tức cũng thường bị bỏ qua. Sự thiếu hụt các kiến thức bao quát khiến thí sinh gặp khó khăn trong việc tư duy vấn đề và dễ đưa ra các ý tưởng mang tính chủ quan, phỏng đoán cá nhân.

Sự phân tâm và mệt mỏi về mặt tinh thần: Các yếu tố tâm lý giữ vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tư duy ý tưởng. Một trạng thoải mái sẽ thúc đẩy quá trình sản sinh ý tưởng của con người. Nếu các thí sinh không thể chuẩn bị một tâm lý ổn định trong quá trình thi, thí sinh sẽ nhanh chóng bị phân tâm và rơi vào trạng thái tâm lý bất lợi cho việc tư duy như lo lắng, căng thẳng.

Nguyên nhân của idea block

Cách vượt qua idea block trong phòng thi

Để giải quyết tình trạng này, có hai nhóm giải pháp chính, bao gồm: dài hạn và tức thời.

Nhóm giải pháp dài hạn

Các giải pháp này tập trung vào việc giải quyết gốc rễ của idea block. Nó đòi hỏi sự kiên trì và luyện tập trong thời gian dài nhưng sẽ mang lại hiệu quả cao và bền vững.

Tích luỹ thông tin và kiến thức đều đặn: Thông tin và kiến thức đóng vai trò như “thức ăn" cho não bộ và khả năng tư duy của con người. Chính vì thế, việc “dung nạp" chúng thường xuyên sẽ khiến con người củng cố được một nền tảng vững chắc và có nhiều chất liệu cho quá trình suy nghĩ của mình. Quá trình tích luỹ này tập trung vào tính kỷ luật hơn là số lượng. Điều đó có nghĩa việc thu nạp một cách đều đặn sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn là tiêu thụ một lượng thông tin hay kiến thức lớn trong thời gian ngắn. Vì thế, việc rèn luyện thói quen đọc báo, theo dõi tin tức hàng ngày là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, đối với các thí sinh thi IELTS, các bài mẫu Writing và Speaking chính là một nguồn tham khảo hữu ích.

Học các phương pháp tư duy: Một vấn đề có thể được phân tích theo nhiều cách khác nhau. Quá trình này phụ thuộc vào phương pháp tư duy của con người. Có rất nhiều phương pháp được chứng minh giúp con người tư duy tốt hơn như: linear thinking (tư duy theo đường thẳng), lateral thinking (tư duy đa chiều), hay critical thinking (tư duy phản biện). Việc có được một phương pháp tư duy sẽ khiến quá trình suy nghĩ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Lưu ý, cần phải sàng lọc và tìm kiếm để tìm ra phương pháp phù hợp cho việc áp dụng lâu dài.

Luyện tập tư duy vấn đề: Việc luyện tập luôn cần thiết để rèn luyện kỹ năng. Quá trình luyện tập càng diễn ra đều đặn thì hiệu quả ghi nhớ và thực hành sẽ càng cao. Ví dụ, thí sinh có thể lựa chọn 01 chủ đề và sau đó áp dụng thông tin và phương pháp tư duy đã dung nạp được để trả lời vấn đề. Sau đó, đối chiếu với một số bài mẫu cùng chủ đề để tìm ra điểm mạnh/yếu trong đáp án của mình và tiến hành điều chỉnh phù hợp. Khi luyện tập, cần tập trung cao độ để rèn luyện thói quen không bị phân tâm và tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Thí sinh có thể luyện tập từ 2-3 đề mỗi tuần.

Đọc thêm: Ứng dụng Tư Duy Phản Biện (Critical Thinking) trong quá trình tự học IELTS.

Nhóm giải pháp tức thời

Trong bối cảnh học tập và làm việc thường ngày, khi gặp phải idea block, con người có thể lựa chọn các hình thức thư giãn nhằm tái tạo năng lượng và tâm trí như đi dạo, nghỉ ngơi,… Tuy nhiên, đối với các thí sinh trong phòng thi, việc thực hiện các biện pháp như vậy là không thể. Nhóm giải pháp tức thời sau đây có thể giúp thí sinh vượt qua idea block trong quá trình làm bài thi.

Xác định tình hình: Khi gặp phải idea block, thí cần cần xác định rõ tư tưởng rằng điều này là bình thường và hoàn toàn có thể được giải quyết. Việc xác định tình hình giúp thí sinh chuẩn bị tâm lý vững vàng và thực hiện các giải pháp để ứng phó với vấn đề. Mức độ căng thẳng sẽ chỉ tỉ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. 

Chia nhỏ câu hỏi: Thí sinh cần đọc kỹ đề bài và khoanh vùng các keywords để xác định vấn đề lớn. Sau đó, tách vấn đề đó thành các vấn đề nhỏ hơn, bằng cách đặt các WH-questions như: What, Why, hay How. Việc chia nhỏ các vấn đề sẽ giúp thí sinh suy nghĩ một cách tập trung hơn và dễ tập hợp các chất liệu tư duy hơn.

Thay đổi góc nhìn và ghi chú lại những ý tưởng bất kỳ: Thực tế, một vấn đề có thể được tiếp cận qua nhiều khía cạnh khác nhau. Chính vì thế, việc thay đổi góc nhìn sẽ giúp thí sinh nghĩ ra được nhiều ý tưởng mới và không bị bó buộc vào những ý tưởng đã tích luỹ được trước đó. Thí sinh có thể tiếp cận vấn đề về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, pháp luật, môi trường, tâm lý,v..v. Mỗi một khía cạnh này sẽ đưa đến cho thí sinh những ý tưởng khác nhau. Hãy nhanh chóng ghi chú lại những ý tưởng rồi chọn lọc từ chúng để có được những câu trả lời tốt nhất.

Cách vượt qua idea block trong phòng thi

Áp dụng

Ví dụ sau đây sẽ minh hoạ cho 02 bước chính để vượt qua tình trạng idea block trong phòng thi: chia nhỏ câu hỏi và ghi chú ý tưởng dưới nhiều góc nhìn. 

In many countries today, if people want to find work, they have to move away from their families and friends. Do you think the advantages of this development outweigh the disadvantages?

Thí sinh có thể lựa chọn một khía cạnh để phân tích hoặc kết hợp nhiều khía cạnh trong một bài viết. Đồng thời, thí sinh nên chọn lọc những ý tưởng hay và thực tế hơn để đưa vào bài.

Bước 1: Chia nhỏ câu hỏi.

  • Câu hỏi chính: Lợi ích của việc sống xa gia đình và bạn bè để tìm làm việc có lớn hơn bất lợi mà nó đem lại hay không?

  • Câu hỏi nhỏ:

    • Lợi ích của việc sống xa gia đình và bạn bè để làm việc là gì?

    • Bất lợi của việc sống xa gia đình và bạn bè để làm việc là gì?

Bước 2: Ghi chú ý tưởng theo nhiều góc nhìn.

  • Những lợi ích: 

    • Khía cạnh kinh tế: nhiều cơ hội việc làm hơn; thu nhập cao hơn

    • Khía cạnh tâm lý: rèn luyện khả năng tự lập, trở nên tự tin hơn

    • Khía cạnh văn hoá: được tiếp xúc và trải nghiệm nhiều nét văn hoá mới, nâng cao sự hiểu biết và vốn sống của bản thân

    • Khía cạnh xã hội: tiếp xúc với nhiều đối tượng mới và mở rộng vòng tròn quan hệ của mình

  • Những bất lợi:

    • Khía cạnh kinh tế: phải tự chi trả các khoản phí sinh hoạt (nhà ở, di chuyển,...); chi phí ở các thành phố lớn cao hơn ở các khu vực nông thôn

    • Khía cạnh tâm lý: căng thẳng và áp lực khi phải tự mình giải quyết các vấn đề mà không có sự giúp đỡ từ người thân

    • Khía cạnh văn hoá: khó khăn trong việc thích nghi với các phong tục, quan niệm hay thói quen mới

    • Khía cạnh xã hội: có thể bị cám dỗ bởi những tệ nạn xã hội

Thí sinh có thể lựa chọn một khía cạnh để phân tích hoặc kết hợp nhiều khía cạnh trong một bài viết. Đồng thời, thí sinh nên chọn lọc những ý tưởng hay và thực tế hơn để đưa vào bài.

Tổng kết

Idea block là tình trạng phổ biến xảy ra trong quá trình ôn luyện và làm bài thi. Dù có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra hiện tượng này, yếu tố cốt lõi của idea block vẫn là sự thiếu tích luỹ kiến thức và kỹ năng tư duy. Chính vì thế, người học nên đầu tư thời gian vào luyện tập các phương pháp tư duy ý tưởng và tích luỹ thông tin. Việc giải quyết idea block đòi hỏi sự kết hợp của cả hai nhóm giải pháp dài hạn và tức thời để đạt được hiệu quả tối đa.

Cùng chủ đề:


Tài liệu tham khảo

Hasnain, Anila. “The Science Behind Creative Block: Why It Happens and How to Beat It.” Design Dash, 8 October 2023, designdash.com/2023/10/08/the-science-behind-creative-block-why-it-happens-and-how-to-beat-it/. Accessed 2 May 2024.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (3 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...