Lý luận diễn dịch trong IELTS Writing Task 2
Trong nghiên cứu và học tập nói riêng hay mọi khía cạnh khác trong cuộc sống nói chung, con người thường đi tìm và sử dụng những lí do để chứng minh hay phản biện một quan điểm nào đó thông qua quá trình lý luận. Vậy, cụ thể hơn, lý luận là gì? Và lý luận được áp dụng như thế nào trong IELTS Writing?
Theo từ điển Oxford Learner’s Dictionary, lý luận là một quá trình suy nghĩ, đưa ra các ý kiến, ý tưởng một cách logic để đưa ra một quyết định. Trong văn viết, có thể hiểu lý luận là quá trình đưa ra các lập luận, dẫn chứng để từ đó rút ra một kết luận, ý nghĩa cuối cùng. Về cơ bản, lý luận có thể tồn tại dưới nhiều hình thức như lý luận diễn dịch (deductive reasoning), lý luận quy nạp (inductive reasoning), lý luận loại suy (abductive reasoning), vv. Mỗi hình thức lý luận đều có những điểm mạnh và điểm yếu tuỳ vào hoàn cảnh và mục đích sử dụng. Bài viết này sẽ tập trung giới thiệu và phân tích các hình thức của lý luận diễn dịch (deductive reasoning), một loại hình lý luận phổ biến hiện đang được ưa chuộng và áp dụng trong đa số các bài kiểm tra năng lực tiếng Anh quốc tế hiện nay như IELTS, GMAT, vv. Bên cạnh đó, bài viết cũng sẽ đề cập đến tính ứng dụng của lý luận diễn dịch vào phần thi Writing Task 2 trong IELTS.
Các định nghĩa về lý luận diễn dịch
Định nghĩa
Trước tiên, người đọc cần nắm rõ khái niệm của lý luận diễn dịch (deductive reasoning). Theo tâm lý học, lý luận diễn dịch là quá trình lý luận mà trong đó kết luận được rút ra từ các sự kiện biết trước: nếu các luận đề (premises) đúng thì kết luận (conclusion) phải đúng. Kiểu lý luận này khác với lý luận quy nạp (inductive reasoning) và lý luận loại suy (abductive reasoning) – Hai loại lý luận dựa vào các dẫn chứng để rút ra kết luận sau cùng nhưng không đảm bảo tính chính xác tuyệt đối của kết luận. Ngoài ra, lý luận diễn dịch còn có thể được hiểu như một dạng tư duy theo chiều từ trên xuống (top-down logic) hay hiểu đơn giản hơn chính là kiểu suy luận từ trường hợp tổng quát hơn tới trường hợp cụ thể hơn.
Các thành phần của một reasoning (định nghĩa, sơ đồ và các ví dụ)
Sau đây là sơ đồ khái quát các bước hình thành lập luận diễn dịch để qua đó, người đọc nắm được các bước triển khai ý tưởng trong bài Writing Task 2.
Các thành phần của một Reasoning
Trong đó:
Giả thuyết (theory) là sự giải thích đề xuất cho một hiện tượng.
Kết luận (Conclusion) là ý cuối cùng được rút ra sau khi đưa ra các lập luận.
Luận đề (Premises) có thể là quan điểm hoặc phán đoán về hiện tượng đó.
Thông tin nền tảng (Background Information) là thông tin cần thiết để đưa ra kết luận.
Kết luận phụ (Confirmation) là sự xác nhận lại kết luận chính đã nêu từ đầu dựa vào những luận đề và thông tin nền tảng.
Ví dụ trong cuộc sống:
Nếu ăn hải sản, Lan sẽ bị dị ứng ⇒ Lan không ăn hải sản tối hôm qua ⇒ Lan không bị dị ứng.
Trong ví dụ trên:
Giả thuyết là “Nếu ăn hải sản, Lan sẽ bị dị ứng” và “Lan không ăn hải sản tối hôm qua” là luận đề.
Kết luận phụ là “Lan không bị dị ứng”
Giả sử như việc Lan sẽ bị dị ứng khi ăn hải sản là đúng và hôm qua Lan đúng là không ăn hải sản. Như vậy, theo lý thuyết của lý luận diễn dịch, chắc chắn Lan không có những dấu hiệu của dị ứng hải sản vào tối qua
Ứng dụng lý luận diễn dịch trong IELTS Writing Task 2
Các ứng dụng
Vậy, lý luận diễn dịch có sự liên quan như thế nào đến bài thi IELTS Writing Task 2?
Hiện nay, phần thi viết essay trong Writing Task 2 bao gồm các dạng bài chính như: Discussion, Arguments Causes/ Solutions/ Effects và dạng bài Two-question. Dù triển khai bài viết theo bất cứ dạng nào, người viết cần đưa ra những lý luận (arguments) chặt chẽ bằng việc đưa ra những lí do, dẫn chứng mang tính thuyết phục và có sự liên kết. Thông thường, trong đoạn thân bài của bài viết IELTS Writing Task 2, cách triển khai được ưa chuộng hơn cả là triển khai theo lý luận diễn dịch. Cụ thể hơn, ở đầu mỗi đoạn, một câu chủ đề (Topic sentence) sẽ được đưa ra nhằm thông báo cho giám khảo (examiner) về mục đích của đoạn này. Câu chủ đề trong trường hợp này sẽ đóng vai trò như một kết luận (conclusion) báo hiệu cho người đọc biết được đối tượng sẽ được đề cập trong đoạn này một cách tổng quát. Cách triển khai đoạn văn này được ưa chuộng hơn vì nó sẽ cho người đọc cái nhìn tổng quan về mục đích của đoạn văn để từ đó, dễ dàng đánh giá bài viết theo tiêu chí Task response (tiêu chí đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu đề bài và độ thuyết phục, chặt chẽ trong lập luận).
Các loại lập luận thường gặp
Trên thực tế, có 5 hình thức lập luận diễn dịch. Tuy nhiên, hai loại (Luận đề tuyển và Luận đề song song) trong số đó rất khó để có thể triển khai trong điều kiện về thời gian cũng như độ dài của bài thi IELTS. Vì vậy, bài viết này sẽ chỉ đề cập đến ba hình thức lập luận mà thí sinh thi IELTS có thể ứng dụng vào bài thi thực tế.
Hình thức 1: Luận đề kéo theo (Modus ponens)
Định nghĩa:
A đúng, B đúng.
Mô hình đơn giản:
Nếu A xảy ra thì B xảy ra.
A xảy ra.
Vì vậy, B xảy ra.
Cụ thể hơn:
“Nếu A xảy ra thì B xảy ra” là kết luận.
“A xảy ra” là luận đề.
“Vì vậy, B xảy ra” là kết luận phụ.
Ví dụ trong Writing – chủ đề Animal Experimenting (Thí nghiệm trên động vật):
If laboratory animals are subjected to toxic substances, they will suffer from pain, distress and even death. (Conclusion)
Tạm dịch: Nếu các động vật trong phòng thí nghiệm bị tiêm những chất độc hại, chúng sẽ phải chịu đựng sự đau đớn và thậm chí là cái chết. (Kết luận)
Cho mệnh đề “Laboratory animals are subjected to toxic substances” là A (luận đề) và “they will suffer from pain, distress and even death” là B (Kết luận phụ).
Vậy:
Động vật bị tiêm những chất độc hại. (A xảy ra)
Vì vậy, chúng sẽ gánh chịu những cơn đau đớn tột cùng. (B xảy ra)
Hình thức 2: Luận đề kéo theo phủ định (Modus tollens)
Định nghĩa:
A không đúng, B không đúng.
Mô hình đơn giản:
Nếu A xảy ra thì B xảy ra.
A không xảy ra.
B không xảy ra.
Cụ thể hơn:
“Nếu A xảy ra thì B xảy ra” là một kết luận.
“A xảy ra” là luận đề.
“B xảy ra” là kết luận phụ.
“A không xảy ra” là luận đề phủ định.
“B không xảy ra” là kết luận phụ mang tính phủ định.
Ví dụ trong Writing chủ đề Advertising (Quảng cáo):
When commercials undergo a prohibitive order by law, unemployment rates would increase and the burden would fall on the state. (Conclusion)
Tạm dịch: Nếu quảng cáo bị cấm, tỉ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng và chính phủ sẽ chịu gánh nặng. (Kết luận)
Trong đó:
Cho mệnh đề “When commercials undergo a prohibitive order by law” là A (luận đề) và “unemployment rates would increase and the burden would fall on the state” là B (kết luận phụ)
Vậy:
Commercials do not undergo a prohibitive order by law. (Luận đề phủ định)
Unemployment rates would not increase and there would not be a burden on the state. (Kết luận phụ mang tính phủ định)
Tạm dịch:
Nếu quảng cáo không bị cấm (A không xảy ra)
Tỉ lệ thất nghiệp sẽ không bị gia tăng và gánh nặng lên chính phủ vì thế cũng không còn. (B không xảy ra)
Hình thức 3: Luận đề bắc cầu (Hypothetical syllogism)
Định nghĩa:
A đúng, B đúng. B đúng, C đúng. Vì vậy, nếu A đúng thì C sẽ đúng.
Mô hình đơn giản:
Nếu A xảy ra thì B xảy ra.
Nếu B xảy ra thì C xảy ra.
Vì vậy, nếu A xảy ra thì C xảy ra.
Cụ thể hơn:
“Nếu A xảy ra thì B xảy ra” là kết luận 1.
“A xảy ra” là luận đề 1.
“B xảy ra” là kết luận phụ 1.
“Nếu B xảy ra thì C xảy ra” là kết luận 2.
“B xảy ra” là luận đề 2.
“C xảy ra” là kết luận phụ 2.
“Vì vậy, nếu A xảy ra thì C xảy ra” là kết luận cuối cùng.
Ví dụ trong Writing chủ đề Shopping (Mua sắm):
If people go shopping in a large shopping mall, they can buy various things ranging from clothes to state-of-the-art electronic devices under one roof. (Conclusion 1)
Tạm dịch: Nếu đi mua sắm tại một trung tâm mua sắm lớn, người ta có thể mua tất cả các thứ từ quần áo đến thiết bị điện tử hiện đại ở ngay tại một nơi. (Kết luận 1)
Trong đó:
“People go shopping in a large shopping mall” là A (luận đề 1).
“They can buy various things ranging from clothes to state-of-the-art electronic devices under one roof” là B (kết luận phụ 1).
Thêm vào đó:
If people can buy various things ranging from clothes to state-of-the-art electronic devices under one roof, they can also save a great deal of time and money on traveling. (Conclusion 2)
Tạm dịch: Nếu có thể mua tất cả các thứ từ quần áo đến thiết bị điện tử hiện đại ở ngay tại một nơi, người mua có thể tiết kiệm thời gian và tiền trong việc đi lại. (Kết luận 2)
Trong đó:
“People can buy various things ranging from clothes to state-of-the-art electronic devices under one roof” là B (luận đề 2).
“They can also save a great deal of time and money on traveling” là C (kết luận phụ 2).
Như vậy theo tính chất bắc cầu, người đọc có thể suy ra được kết luận cuối cùng như sau:
If people go shopping in a large shopping mall (A), they can also save a great deal of time and money on traveling (C).
Tạm dịch:
Nếu đi mua sắm tại một trung tâm mua sắm lớn (nếu A xảy ra), người ta có thể tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển tới nhiều cửa hàng bày bán một số sản phẩm riêng biệt nhất định. (C xảy ra)
Ví dụ áp dụng lý luận diễn dịch trong IELTS Writing Task 2
Sau đây là ví dụ cho việc áp dụng lý luận diễn dịch cho một đề thi IELTS Writing Task 2.
Đề bài: People in many countries spend more and more time away from their family.
Why is this happening? What are the effects on themselves and their families?
Dạng bài này thuộc dạng Causes/ Effects, yêu cầu người viết phân tích nguyên nhân của việc người dân ở một số nước ngày càng dành ít thời gian cho gia đình cùng những ảnh hưởng lên những cá nhân đó và gia đình của họ.
Lý luận diễn dịch có thể được áp dụng trong việc triển khai những đoạn thân bài như sau:
Thân bài 1:
Câu chủ đề:
There are two main reasons why people in many countries spend more and more time away from their families.
Câu chủ đề đóng vai trò là Conclusion báo hiệu cho người đọc rằng sẽ có hai lí do được đưa ra giải thích cho việc người ta càng ngày càng ít dành thời gian cho gia đình. Trong những câu tiếp theo, người viết sẽ đưa ra các luận đề (premises) để làm rõ cụm “two main reasons” ở phần kết luận nêu trên như:
Một số người quá bận rộn với công việc (premise 1) và vì vậy thường về nhà rất muộn và không có thời gian gặp những thành viên khác trong gia đình (confirmation 1).
Lí do thứ hai là một số người không có mối quan hệ tốt với những thành viên trong gia đình (premise 2) và vì vậy họ thường hạn chế về nhà và không tiếp xúc nhiều với các thành viên khác trong gia đình (confirmation 2).
Thân bài 2:
Câu chủ đề:
Less time spent with family can lead to two negative effects on people and their families.
Câu chủ đề đóng vai trò là Conclusion, thông báo cho người đọc biết rằng đoạn văn này sẽ nói về hai ảnh hưởng tiêu cực tiêu biểu lên cá nhân và gia đình của họ. Trong những câu tiếp theo, người viết sẽ đưa ra các luận đề (premises) để làm rõ cụm “two negative effects” ở phần kết luận đã nêu trên như:
Bản thân mỗi cá nhân sẽ cảm thấy không hạnh phúc (premise 1) và vì vậy có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực lên sức khoẻ thể chất và tinh thần (confirmation 1).
Ảnh hưởng khác là sự cảm thông và thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình ngày một mất đi (premise 2) và vì vậy ngày càng có nhiều khoảng cách và mâu thuẫn trong gia đình (confirmation 2).
Tổng kết
Thông qua bài viết trên, người đọc đã có thể nắm rõ định nghĩa lý luận diễn dịch (deductive reasoning) và tính ứng dụng của loại hình lý luận này trong việc triển khai ý tuởng trong phần thi IELTS Writing Task 2. Phần thi Viết trong bài thi IELTS, cũng như các bài kiểm tra năng lực ngoại ngữ quốc tế khác, đều là những phần có giới hạn về mặt thời gian. Do đó, người đọc có thể áp dụng phương pháp lý luận trong IELTS Writing Task 2 theo 3 hình thức phổ biến và đơn giản nhất trong 5 hình thức được đề cập trong bài để triển khai ý cho các đoạn thân bài trong phần thi Writing Task 2.
Ngọc Anh Nguyễn
Bình luận - Hỏi đáp