Giải thích tiêu chí Task Response trong IELTS Writing Task 2

Bài viết giải thích một số thuật ngữ trong Band Descriptor Writing Task 2 – tiêu chí Task Response, giúp người học đạt điểm cao trong bài thi này.
author
ZIM Academy
10/02/2022
giai thich tieu chi task response trong ielts writing task 2

Task Response là một trong những tiêu chí quan trọng trong Band Descriptor của IELTS Writing Task 2. Song, do trong biểu điểm này có một số thuật ngữ khá khó hiểu nên đa số người học vẫn thấy các tiêu chí này rất mơ hồ và khó hình dung. Vì thế, để người học hiểu rõ hơn về các yêu cầu và tiêu chí của bài thi IELTS, từ đó đạt điểm số cao hơn, bài viết dưới đây sẽ giải thích một số thuật ngữ trong Band Descriptor IELTS Writing Task 2 – tiêu chí Task Response.

Tiêu chí Task Response trong IELTS Writing Task 2 là gì

Task Response là một trong bốn tiêu chí chấm điểm và chiếm 25% số điểm của bài thi IELTS Writing Task 2. Tiêu chí này chủ yếu đánh giá bài viết của thí sinh dựa trên mức độ đáp ứng các yêu cầu của đề bài (thí sinh có bị lạc đề hay không, có trả lời được các câu hỏi của đề bài hay không).

Là một tiêu chí vô cùng quan trọng, song thực tế, người học khá chủ quan và thường phớt lờ tiêu chí này. Trong số bốn tiêu chí đánh giá bài thi IELTS Writing, có thể nói Task Response chính là tiêu chí ít được người học chú trọng nhất, và đây cũng chính là một trong những lí do ngăn cản nhiều người học chạm đến điểm số mong muốn trong bài thi IELTS Writing Task 2.

Người đọc có thể tìm hiểu thêm về tiêu chí Task Response tại đây: Tiêu chí Task Response trong Writing Task 2 – Phân tích chuyên sâu theo Band 4, 5, 6.

Giải thích một số thuật ngữ trong Band Descriptor tiêu chí Task Response 

Quan sát Band Descriptors (Public verson), người đọc dễ dàng nhận ra những từ khóa xuất hiện nhiều lần xuyên suốt các band điểm khác nhau ở tiêu chí Task Response: Parts of the Task (Các yêu cầu của đề bài), Format (Định dạng) và Conclusions (Kết luận).

Để giúp người học hiểu rõ hơn về Band Descriptor, trong những phần tiếp theo của bài viết, tác giả sẽ giải thích các thuật ngữ gắn liền với những từ khóa trên, kết hợp với việc đưa ra ví dụ và gợi ý định hướng học cho mỗi phần.

Address all parts of the tasks

Giải thích

Động từ “Address”

Theo từ điển Cambridge, address (verb) có nghĩa là “give attention or deal with a matter or a problem” (chú ý hoặc xử lý một vấn đề).

Gần tương tự với định nghĩa trên, từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary (OALD), giải thích động từ address như sau “to think about a problem or a situation and decide how you are going to deal with it” (suy nghĩ về một vấn đề, tình huống và quyết định hướng giải quyết)

Từ hai định nghĩa trên, có thể kết luận “address” có nghĩa là giải quyết, xử lý vấn đề.

“All parts of the tasks”

Cụm từ trên có nghĩa là “tất cả các yêu cầu của đề bài”, bao gồm:

Các câu hỏi trong bài (nhiệm vụ).

Chủ đề (topic) của bài:

  1. Chủ đề cụ thể trong bài.

  2. Các đối tượng cụ thể được đề cập đến trong bài.

Ví dụ: Ta phân tích đề 1 sau: “Nowadays a large amount of advertising aimed at children should be banned because of the negative effects. To what extent do you agree or disagree?”

(Ngày nay, một lượng lớn quảng cáo mà nhắm vào trẻ em nên bị cấm bởi vì những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Bạn đồng ý hay không đồng ý với ý kiến trên?)

tieu-chi-all-part-of-the-task-ielts-writing-task-2

Đọc thêm:Phân loại và giải quyết dạng đề Agree or Disagree trong IELTS Writing Task 2

Ở đề này, tất cả các yêu cầu của đề bài (all parts of the tasks) bao gồm:

Các câu hỏi trong bài (nhiệm vụ): Nêu quan điểm cá nhân (đồng ý hay không đồng ý với ý kiến của đề bài.)

Chủ đề (topic) của bài:

  1. Chủ đề cụ thể trong bài: Advertising (Quảng cáo)

  2. Đối tượng cụ thể được đề cập trong bài: Children (Trẻ em)

Như vậy, thuật ngữ “Address all parts of the task” có nghĩa là “Giải quyết, thực hiện tất cả các yêu cầu của đề bài”, tức là câu hỏi của thí sinh đáp ứng được tất cả câu hỏi liên quan đến chủ đề và những đối tượng được nhắc đến trong đề. Đây là một trong những đặc điểm của band 7.0 + tiêu chí Task Response.

Các ví dụ

Ta phân tích đề 2 dưới đây:

Many animal species are becoming extinct due to human activities on land and in the sea. What are the reason and solutions?

(Rất nhiều sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người trên đất liền và dưới biển. Nêu lý do và giải pháp cho vấn đề này.)

Trường hợp 1: Nếu trong bài viết của mình, thí sinh bị lạc đề (ví dụ: viết về sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật do điều kiện tự nhiên), giám khảo sẽ kết luận thí sinh

“Không đáp ứng đầy đủ bất kì yêu cầu nào của đề bài”.

Trường hợp 2: Nếu thí sinh chỉ nêu ra được những lý do những tác động trên đất liền và biển cả của con người khiến nhiều sinh vật tuyệt chủng, ngoài ra không nêu được bất kì giải pháp nào cho vấn đề này, giám khảo sẽ kết luận thí sinh “Chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu của đề bài.”

Trường hợp 3: Nếu thí sinh chỉ nói về lý do những tác động trên đất liền của con người khiến nhiều sinh vật tuyệt chủng và nêu giải pháp cho vấn đề này, giám khảo cũng sẽ đánh giá bài viết của thí sinh “Chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu của đề bài” bới trong đề nhắc tới “những tác động của con người trên đất liền và dưới biển’’, bài viết của thí sinh đã không đề cập tới “dưới biển”, tức là không đề cập đầy đủ những đối tượng xuất hiện trong đề bài.

Trường hợp 4: Nếu thí sinh nêu được cả hai phần: lý do những tác động trên đất liền và biển cả của con người khiến nhiều sinh vật tuyệt chủng và giải pháp cho vấn đề này, giám khảo sẽ đánh giá bài viết “Thực hiện được tất cả các yêu cầu của đề bài.”

Đọc thêm:Các lỗi phát triển ý trong IELTS Writing Task 2

Làm thế nào để thực hiện tất cả các yêu cầu của đề bài?

Khi đọc đề một bài IELTS Writing Task 2, đa số thí sinh sẽ ngay lập tức bắt đầu nghĩ ý tưởng để trả lời các câu hỏi của đề bài, tức là tập trung vào việc Thực hiện yêu cầu đề bài (Address) trước khi xác định rõ những yêu cầu và đối tượng của đề bài (All parts of the tasks). Việc này khiến thí sinh không có được định hướng đúng cho bài viết ngay từ đầu, và đây cũng chính là lý do chủ yếu khiến nhiều thí sinh không đáp ứng được tất cả các yêu cầu của đề bài IELTS Writing Task 2. Để khắc phục điều này, người học nên tập cho mình thói quen: Xác định rõ tất cả các yêu cầu của đề bài (All parts of the tasks) trước khi thực hiện (address) những yêu cầu đó.

cac-buoc-dam-bao-yeu-cau-all-parts-of-the-tasks

Ví dụ: Với đề 1 ở trên, thí sinh cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Xác định rõ tất cả các yêu cầu của đề bài (“All parts of the tasks”)

Các câu hỏi trong bài (nhiệm vụ): Nêu Reasons (lý do) và Solutions (giải pháp).

Chủ đề (topic) của bài:

  1. Chủ đề cụ thể: Nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật.

  2. Các đối tượng được đề cập đến trong bài: Animal species (Các loài động vật), Human activities on land and in the sea (Những tác động của con người trên đất liền và dưới biển)

Bước 2: Thực hiện các yêu cầu của đề bài (“Address”)

Việc xác định như vậy sẽ giúp thí sinh nhận thức rõ hơn việc mình cần phải làm. Thí sinh cần “Address all parts of the tasks”, tức là cần đáp ứng được tất cả câu hỏi liên quan đến chủ đề và những đối tượng được nhắc đến trong đề. Như vậy, mọi lý do và giải pháp của thí sinh đều cần xoay quanh chủ đề nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật và những tác động của con người lên sinh vật trên cạn và dưới nước. Nếu trong bài viết, thí sinh chỉ đề cập đến một trong hai (trên cạn hoặc dưới nước) thì sẽ không đáp ứng đầy đủ yêu cầu đề bài.

Inappropriate format

Giải thích

Format (Định dạng) của bài viết được đánh giá qua những đặc điểm như bố cục, cách trình bày và văn phong của bài. Về bố cục và cách trình bày, bài viết IELTS Writing Task 2 cần được trình bày dưới dạng văn xuôi và chia đoạn rõ ràng (Mở bài – Thân bài – Kết bài). Ngoài ra, văn phong của bài viết cần mang tính học thuật (Academic) và tương đối trang trọng (Formal).

Thuật ngữ “Inappropriate format” có nghĩa là “Định dạng bài viết không phù hợp”, tức là bài viết của thí sinh đã vi phạm những quy tắc về định dạng trên. Thuật ngữ này xuất hiện ở band 4 và band 5 trong Band Descriptor tiêu chí Task Response.

Band (Task Response)

Thuật ngữ

4.0

The format may be inappropriate. (Định dạng bài viết không phù hợp.)

5.0

The format may be inappropriate in some places. (Bài viết có một số chỗ không phù hợp về định dạng.)

Các ví dụ

Trường hợp 1: Nếu như thí sinh trình bày bài viết dưới dạng đoạn văn (viết liền, không chia đoạn Mở bài – Thân bài – Kết bài), hay thí sinh trình bày các luận điểm dưới dạng gạch đầu dòng thay vì văn xuôi, bài viết của thí sinh đó sẽ mắc lỗi về bố cục và cách trình bày.

inappropriate-format-trong-tieu-chi-task-response-trong-ielts-writing-task-2

Trường hợp 2: Nếu thí sinh sử dụng những cách diễn đạt thiếu trang trọng (informal) thường được sử dụng trong văn nói thay vì văn viết, ví dụ như:

Ví dụ 1: “Listening to music is a good way to chill out.”

(Nghe nhạc là một cách tốt để thư giãn.)

Theo từ điển OALD, “chill out” là một phrasal verb (cụm động từ) và mang nghĩa “to spend time relaxing; to relax and stop feeling angry or nervous about something” (thư giãn). Như vậy, dùng cụm động từ này trong câu trên hoàn toàn hợp ngữ cảnh. Tuy nhiên, khi tra cứu từ này trong từ điển, người đọc sẽ thấy ghi chú “informal”, tức là đây là một từ thiếu trang trọng, không nên sử dụng trong văn viết.

Ví dụ 2: “Nowadays, people have no time for cooking because they are up to their neck in work.”

(Ngày nay, mọi người không có thời gian nấu ăn vì họ bận ngập đầu ngập cổ trong công việc.)

Theo từ điển OALD, “be up to one’s neck in something” nghĩa là “to have a lot of something to deal with” (quá bận, có quá nhiều việc phải làm). Như vậy, sử dụng cụm từ này trong câu trên hoàn toàn hợp ngữ cảnh. Tuy nhiên, đây là một idiom (Tục ngữ) mang tính informal, vậy nên người học cũng không nên sử dụng cách diễn đạt này trong văn viết.

Ví dụ 3: “When you study in another country, you are likely to deal with a lot of problems such as language barrier.”

(Khi bạn học ở đất nước khác, bạn có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề ví dụ như rào cản ngôn ngữ.)

Trong ví dụ trên, người viết đã gọi người đọc là “you”. Đây là một hiện tượng phổ biến và chấp nhận được trong văn nói, tuy nhiên không nên sử dụng trong văn viết vì nó ảnh hưởng rất lớn đến tính trang trọng của bài viết.

Ví dụ 4: “People don’t like using public transport because they’re very inconvenient.”

(Mọi người không thích sử dụng phương tiện công cộng vì chúng rất bất tiện.)

Trong ví dụ trên, người viết đã viết tắt (do not – don’t), (they are – they’re). Lỗi viết tắt cũng là một trong những điều làm ảnh hưởng đến tính trang trọng của bài viết.

Tất cả những lỗi trên đều được gọi chung là “Inappropriate format” (Định dạng không phù hợp) và sẽ bị trừ điểm tùy vào số lượng lỗi sai và mức độ nghiêm trọng của các lỗi.

Đọc thêm: Phản ví dụ là gì? Ứng dụng để lập luận trong IELTS Writing task 2

Làm sao để tránh lỗi định dạng không phù hợp?

Thực tế, việc tránh các lỗi về định dạng không khó, người học chỉ cần nắm rõ và tuân thủ những quy tắc về định dạng bài viết trong đề thi IELTS Writing:

Cách trình bày: Trình bày dưới dạng văn xuôi

Bố cục: Chia đoạn rõ ràng (Mở bài – Thân bài – Kết bài)

Văn phong: Sử dụng văn phong trang trọng (Formal):

  1. Không sử dụng từ lóng (slangs), tục ngữ (idioms)

  2. Hạn chế sử dụng cụm động từ (phrasal verb), chỉ nên sử dụng khi biết rõ sắc thái của chúng

  3. Không gọi người đọc là “you”

  4. Không viết tắt

Trong quá trình luyện tập, người học cũng nên tra cứu từ điển thường xuyên để biết được những từ và cụm từ được cho là formal (trang trọng, có thể sử dụng trong văn viết) và informal (thiếu trang trọng, chỉ nên dùng trong văn nói) để cải thiện vốn từ vựng có thể sử dụng trong bài thi IELTS Writing của mình.

cach-dam-bao-tieu-chi-task-response-trong-ielts-writing-task-2

Đọc thêm: Ngôn ngữ trang trọng và không trang trọng trong tiếng Anh giao tiếp – Phần 1

Clear position and unclear position

Giải thích thuật ngữ position là gì?

Theo từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary (OALD), một trong những nét nghĩa của danh từ “position” là “an opinion on or an attitude towards a particular subject” (một ý kiến hoặc thái độ về một chủ đề cụ thể). Như vậy, trong bài thi IELTS Writing Task 2, “Position’’ chính là thái độ, quan điểm của cá nhân người viết trước vấn đề được nêu ra trong bài (ví dụ: đồng ý/ không đồng ý). Bài thi IELTS Writing Task 2 không phải bài nghiên cứu khách quan, mà là bài viết đòi hỏi thí sinh đưa ra ý kiến cá nhân, vậy nên việc làm rõ quan điểm trong bài viết là điều cần thiết.

Một quan điểm rõ ràng xuyên suốt bài viết (Clear position throughout the response) là một quan điểm chung cho cả bài viết, cần có những đặc điểm:

  • Dễ hiểu

  • Thể hiện rõ ý kiến và lập trường của người viết.

Đồng thời, quan điểm chung này được thể hiện rõ xuyên suốt bài bằng cách:

Đây là một trong những đặc điểm của band 7.0 + tiêu chí Task Response.

tieu-chi-task-response-trong-ielts-writing-task-2-clear-position

Trái lại, một quan điểm không rõ ràng (unclear position) là một quan điểm khiến người đọc cảm thấy mơ hồ và bối rối. Có hai lý do chính dẫn đến điều này:

  • Bản thân quan điểm người viết nêu ra chưa rõ ràng

  • Quan điểm đó chưa được phát triển bằng các luận điểm rõ ràng.

Đọc thêm: Phân loại và giải quyết dạng đề Agree or Disagree trong IELTS Writing Task 2

Các ví dụ

Ta phân tích đề dưới đây:

Although more and more people read the news on the Internet, newspapers will remain the most important source of news for the majority of people. Do you agree or disagree?

(Mặc dù ngày càng nhiều người đọc tin tức online, báo chí truyền thống vấn sẽ được xem là nguồn tin tức quan trọng nhất của đa số mọi người. Bạn đồng ý hay không đồng ý với ý kiến này?)

Như vậy, đề bài yêu cầu thí sinh trả lời câu hỏi: Báo chí truyền thống hay tin tức online quan trọng hơn.

Trường hợp 1: Giả sử thí sinh đồng ý (Agree) với quan điểm của đề bài (báo giấy quan trọng hơn báo điện tử) và thể hiện quan điểm trong bài viết như sau:

“In my opinion, newspapers are read by more people than online news.”

(Theo tôi, mọi người đọc báo chí truyền thống nhiều hơn là tin tức online.)

Nhận xét: Trong trường hợp này, thí sinh có đưa ra ý kiến cá nhân so sánh báo chí truyền thống và báo điện tử. Tuy nhiên, câu trên chỉ cho thấy báo truyền thống phổ biến hơn báo điện tử (có nhiều người đọc hơn) chứ không cho thấy báo chí truyền thống quan trọng hơn báo điện tử. Như vậy, bài viết của thí sinh có đưa ra quan điểm nhưng quan điểm ấy không rõ ràng.

Trường hợp 2: Giả sử thí sinh không đồng ý (Disagree) với ý kiến trong đề bài, cho rằng báo điện tử quan trọng hơn báo chí truyền thống và thể hiện quan điểm ở phần mở bài như sau:

“In my opinion, this idea is rather absurd as the Internet has become increasingly dominant due to the benefits it offers.”

(Theo quan điểm của tôi, ý kiến này khá vô lý vì Internet càng ngày càng trở nên vượt trội vì những lợi ích nó mang lại.)

Ở hai đoạn Thân bài (Body), thí sinh nêu ra các luận điểm: những lợi ích của tin tức online:

Body 1: Báo điện tử có nguồn tin dồi dào, được cập nhật liên tục, có thể truy cập được dù ở bất cứ đâu.

Body 2: Báo điện tử mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho người đọc với hình ảnh, video sống động, từ đó giúp người đọc có được cái nhìn rõ nét nhất về vấn đề được đề cập.

Nhận xét: Trong trường hợp này, thí sinh đã thể hiện quan điểm không đồng ý (Disagree) và tin tức online quan trọng hơn báo chí truyền thống. Tuy nhiên, ở 2 đoạn body, các luận điểm thí sinh nêu ra chỉ cho thấy tầm quan trọng của báo điện tử, song chưa thể hiện được nó quan trọng hơn báo chí truyền thống ra sao. Như vậy, bài viết của thí sinh có thể hiện quan điểm, song quan điểm này chưa được phát triển một cách rõ ràng.

Trường hợp 3: Giả sử thí sinh đưa ra quan điểm tương tự như ở trường hợp 2. Tuy nhiên, ở hai đoạn thân bài (Body), thí sinh nêu ra luận điểm những lợi ích vượt trội của tin tức online so với báo chí truyền thống như sau:

Body 1: Báo điện tử có nguồn tin dồi dào, được cập nhật liên tục, có thể truy cập được dù ở bất cứ đâu. Trong khi đó, báo giấy phải trải qua nhiều quy trình nên tốc độ cập nhật chậm hơn rất nhiều.

Body 2: Báo điện tử mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho người đọc với hình ảnh, video sống động, từ đó giúp người đọc có được cái nhìn rõ nét nhất về vấn đề được đề cập. Trong khi đó, báo giấy không thể truyền tải được thông điệp một cách chân thật và sinh động như vậy.

Ví dụ minh hoạ cách phát triển thân bài:

“The first thing that attracts people to reading news on the online sources is their easy access. With the presence of the Internet around almost every corner of the world, people with a portable device such as a mobile phone can access huge storage of news. In fact, latest events, for example IS Terrorist attacks, would be updated immediately on CNN or New York Times. By contrast, with prolonging procedures including editing and printing, traditional newspaper might not be able to compete with the Internet in terms of the updating speed.

Another benefit with which the Internet can, from my point of view, take over the position of printed newspaper is the new experience it brings to readers. One limitation of newspaper is that it cannot convey visual messages to the people who read news on a regular basis. Meanwhile, non-stop progress of the technology industry has unfolded the possibility to upload videos and voice records on various online websites. For instance, soccer fans these days can rewatch their favorite matches anytime they want with only a laptop connected to the Internet, which a mere paper cannot do.”

Ở kết bài, thí sinh khẳng định lại quan điểm của mình một lần nữa.

Nhận xét: Trong trường hợp này, thí sinh đã thể hiện rõ quan điểm là không đồng ý (Disagree) và tin tức online quan trọng hơn báo chí truyền thống. Ở hai đoạn thân bài, việc nêu ra những lợi ích vượt trội của tin tức online so với báo chí truyền thống đã giúp củng cố quan điểm của thí sinh và việc khẳng định quan điểm ở kết luận nhằm nhấn mạnh quan điểm. Như vậy, quan điểm của thí sinh đã được trình bày rõ ràng xuyên suốt bài viết.

Làm thế nào để có luận điểm rõ ràng xuyên suốt bài viết?

Để có luận điểm rõ ràng xuyên suốt bài viết, người học cần chú ý xác định quan điểm rõ ràng ngay từ trước khi viết bài và không thay đổi quan điểm trong suốt quá trình viết. Đồng thời, trong quá trình viết, người học cũng nên tự đặt cho mình câu hỏi rằng các luận điểm ở đoạn Body có thực sự góp phần củng cố quan điểm hay không.

lam-the-nao-de-dam-bao-tieu-chi-task-response-trong-ielts-writing-task-2

Đọc thêm: Giải đề và bài mẫu IELTS Writing cho chủ đề News media ngày thi 19/01/2019

Unclear Conclusion

Giải thích

Theo từ điển Cambridge Dictionary, danh từ “conclusion” có nghĩa là “the opinion you have after considering all the information about something (ý kiến của bản thân sau khi đã xem xét tất cả các thông tin về một vấn đề). Như vậy, có thể hiểu Conclusion là kết luận cuối cùng sau khi xem xét, phân tích, lập luận.

Trong bài viết IELTS Writing Task 2, sau khi đưa ra các quan điểm cá nhân, thí sinh cần đưa ra Conclusion (Kết luận) ở cuối bài. Mục đích của phần này là:

  • Tóm tắt các ý chính của bài

  • Khẳng định, nhấn mạnh quan điểm cá nhân

  • Từ đó khiến bài viết trở nên hoàn chỉnh hơn.

Một bài viết với kết luận không rõ ràng (Unclear conclusion) tức là thí sinh có đưa ra kết luận, song kết luận này không thể hiện rõ ý kiến hay thái độ của thí sinh trước vấn đề được bàn luận trong bài hay trong đoạn. Hoặc, thay vì đưa ra một kết luận làm sáng tỏ quan điểm, thí sinh lại đưa ra một kết luận không dựa trên thông tin đã đưa ra trước đó, từ đó khiến người học bối rối.

ket-bai-trong-tieu-chi-task-response-ielts-writing-task-2

Đọc thêm: Hướng dẫn viết kết bài IELTS Writing Task 2 từ band 5 đến band 8

Các ví dụ

Ta tiếp tục xét đề trên:

Although more and more people read the news on the Internet, newspapers will remain the most important source of news for the majority of people. Do you agree or disagree?

Trường hợp 1: Giả sử thí sinh đồng ý (Agree) với quan điểm của đề bài (báo giấy quan trọng hơn báo điện tử) và đưa ra kết luận như sau:

In conclusion, newspapers still play an extremely important role in people’s lives, and will remain relevant for years to come.

(Tóm lại, báo giấy vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người, và vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng trong nhiều năm tới.)

Nhận xét: Đề bài trên yêu cầu thí sinh so sánh tầm quan trọng giữa báo chí truyền thống và báo điện tử. Tuy nhiên, kết luận này của thí sinh chỉ cho thấy rằng báo giấy vẫn đóng vai trò thiết yếu trong nhiều năm sắp tới. Ngoài những ý trên, tác giả không đề cập đến sự so sánh với báo điện tử mà đề bài yêu cầu. Như vậy, đây là một kết luận không rõ ràng (Unclear conclusion).

Trường hợp 2: Giả sử thí sinh không đồng ý (Disagree) với quan điểm của đề bài và trình bày luận điểm ở đoạn Body như ở trường hợp 3. Ở phần kết luận, thí sinh viết như sau:

In conclusion, chances are that online news will become increasingly dominant unless newspapers make outstanding progress.

(Tóm lại, khả năng cao rằng báo điện tử sẽ ngày càng vượt trội trừ khi báo giấy có những bước tiến vượt bậc.)

Nhận xét: Kết luận này của thí sinh sẽ khiến người đọc đặt ra trong đầu câu hỏi: “Outstanding progress” (Tiến bộ vượt bậc) là gì? Những tiến bộ như thế nào được coi là vược bậc? Một kết luận như vậy sẽ bị đánh giá là Kết luận không rõ ràng.

Đọc thêm: Phân loại và giải quyết dạng đề Agree / Disagree trong IELTS Writing Task 2

Làm thế nào để có kết bài rõ ràng?

Phần kết luận của bài thi IELTS Writing Task 2 cần có hai nội dung sau:

1. Tóm tắt những ý chính trong luận điểm, hay nói cách khác là tóm tắt các câu chủ đề (topic sentence) ở các đoạn Body.

2. Trả lời câu hỏi của đề bài (đồng ý/ không đồng ý; xu hướng tích cực/ tiêu cực…)

Một điều quan trọng cần lưu ý là ở phần kết luận, cho dù cần khẳng định, nhấn mạnh lại quan điểm xuyên suốt cả bài của mình, nhưng thí sinh không nên sử dụng lại những từ ngữ mình đã dùng trước đó trong bài. Nếu kết luận của thí sinh chỉ đơn thuần lặp lại những ý, những từ ngữ đã viết trong mở bài/ thân bài thì đó sẽ được coi là một kết bài lặp lại (repetitive conclusion). Đây là một trong những đặc điểm của band 6.0 tiêu chí Task Response. Đồng thời, ở phần kết luận, thí sinh không nên đưa ra những ý mới trong phần này bởi những ý đó sẽ bị coi là thừa và thiếu sự phát triển.

lam-the-nao-de-co-ket-bai-hay

Ví dụ: Tiếp tục xét đề trên. Giả sử thí sinh không đồng ý (Disagree) với quan điểm của đề bài và trình bày luận điểm ở đoạn Body như ở trường hợp 3. Ở phần kết luận, thí sinh viết như sau:

In conclusion, I disagree that printed newspaper would continue to be the crucial source of information since more and more people will be drawn to the use of Internet for its easy access and valuable experience.

(Tóm lại, tôi không đồng tình rằng báo giấy sẽ tiếp tục trở thành nguồn thông tin thiết yếu bởi ngày càng nhiều người sẽ chọn báo điện tử vì sự truy cập dễ dàng và những trải nghiệm quý giá nó mang lại.)

Nhận xét: Đây là một kết luận tốt bởi đã đảm bảo đủ hai nội dung là trả lời câu hỏi của đề bài (I disagree that…) và tóm tắt những ý chính trong luận điểm (more and more people will be drawn to the use of Internet for its easy access and valuable experience)
Người đọc có thể tham khảo bài mẫu cho đề trên tại đây: Giải đề và bài mẫu IELTS Writing cho chủ đề News

Tổng kết

Như vậy, qua bài viết trên, người viết đã giải thích một số thuật ngữ trong tiêu chí Task Response IELTS Writing Task 2. Từ đó, người viết đã cung cấp một cái nhìn chi tiết và cụ thể hơn về Band Descriptor IELTS Writing Task 2 tiêu chí Task Response, giúp thí sinh đáp ứng các yêu cầu của đề bài một cách trọn vẹn hơn và nâng cao điểm số của mình.

Lê Hiền Trang

Tham khảo thêm lớp học ôn luyện IELTS tại trung tâm ZIM Academy để có lộ trình học cụ thể, tăng cường kiến thức, nắm chắc kỹ năng đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu