Phản ví dụ là gì? Ứng dụng để lập luận trong IELTS Writing task 2

Phản ví dụ cho một luận điểm là khi ví dụ đó chứng minh được luận điểm đó có tiền đề hoặc xuất phát điểm đúng, nhưng lại đi đến một kết luận sai.
author
ZIM Academy
23/10/2020
phan vi du la gi ung dung de lap luan trong ielts writing task 2

Bất kỳ một luận điểm hoặc lập luận cũng sẽ trở nên khó thuyết phục nếu không được giải thích, chứng minh một cách hợp lý và chặt chẽ. Trong những cách được dùng để củng cố cho lập luận của mình, đưa ví dụ là một phương pháp cơ bản nhưng lại hiệu quả, vì ví dụ là hình thức đưa dẫn chứng dựa trên thực tế đã diễn ra, vì vậy mang tính thuyết phục cao. Một bước cao hơn, những ví dụ được dùng để bắt lỗi những luận điểm có vấn đề về tính logic được gọi chung là “phản ví dụ” (counter-example). Những phản ví dụ này dùng để chứng minh tính một chiều hoặc phi thực tế của những luận điểm đó. Phản ví dụ trong IELTS Writing được dùng để phản biện các luận điểm như là một phương pháp lập luận bậc cao.

Bài viết này sẽ đi sâu khai thác 3 phần chính:

  • Một, giới thiệu những khía cạnh liên quan đến lập luận như cấu trúc, phương pháp và tính kết nối trong lập luận. Phần này trang bị trước cho người đọc những kiến thức liên quan đến lập luận để đến những phần sau, người đọc không bị bối rối trong việc nhận biết vai trò, vị trí của “phản ví dụ” trong quá trình lập luận.

  • Hai, giới thiệu, phân tích và cho ví dụ cụ thể về hiện tượng phản ví dụ trong IELTS Writing.

  • Ba, cũng là phần trọng tâm của bài: Ứng dụng phản ví dụ vào trong quá trình lập luận trong Writing để củng cố cho luận điểm, luận ý.

Lập luận là gì? Thế nào là một lập luận tốt?

Lập luận là gì?

Lập luận được ứng dụng rất phổ biến trong nhiều hoạt động ngôn ngữ: diễn thuyết, thảo luận hay hội họp. 

Lập luận là quá trình trình bày một chuỗi những ý kiến (gọi chung là statements) bởi người nói hay người viết. Những statements này kết nối với nhau dựa trên những sự thật đáng tin cậy hoặc những lý lẽ xác đáng, chặt chẽ (gọi là các luận điểm). Mục đích của các statements là để chứng minh tính chính xác của những kết luận đưa ra sau đó.

Cấu trúc của quá trình lập luận

qua-trinh-lap-luanCấu trúc của quá trình lập luận

Một quá trình lập luận cơ bản sẽ gồm có:

  • Luận điểm: Như đã nói ở trên, luận điểm là những ý kiến xác đáng được người viết, người nói trình bày về vấn đề đặt ra. Lưu ý là những luận điểm này sẽ được chia thành các luận điểm lớn và các luận điểm nhỏ. Những luận điểm nhỏ sẽ thuyết minh cho những luận điểm lớn, và những luận điểm lớn sẽ thuyết minh cho ý kiến được đặt ra.

  • Luận cứ: Hiểu một cách đơn giản, luận cứ là những chứng cứ để chứng minh cho luận điểm được trình bày. Luận cứ có thể là các ví dụ thực tế, một kết luận từ một bài nghiên cứu hay một lẽ thường (common sense) được xem là hiển nhiên trong đời sống hằng ngày.

  • Luận chứng: là cách tổ chức, phối hợp, cấu trúc các luận điểm lớn, luận điểm nhỏ và luận cứ với nhau một cách chặt chẽ. Luận chứng nên tránh cực đoan, một chiều, mà thay vào đó nên lật đi lật lại vấn đề để xem xét cặn kẽ các khía cạnh.

Dưới đây là ví dụ điển hình cho cấu trúc của một quá trình lập luận:

  • Chủ đề: Thảo luận về mối quan hệ giữa mạng xã hội và tình bạn 

  • Quá trình lập luận:

Ý kiến: Mạng xã hội giúp củng cố tình bạn

  • Luận điểm lớn: Mạng xã hội giúp bạn bè có thể liên lạc với nhau thường xuyên hơn

  • Luận điểm nhỏ: Bạn bè có thể liên lạc với nhau bất kể khoảng cách địa lý

  • Luận cứ:   Ví dụ có hai người bạn quê ở hai vùng khác nhau, cùng gặp gỡ và học đại học ở cùng một thành phố. Sau khi tốt nghiệp, mỗi người về quê của mình lập nghiệp, nhưng họ vẫn có thể liên lạc , cập nhật lẫn nhau thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Như vậy, cấu trúc của lập luận được trình bày rõ ràng: luận cứ giải thích cho luận điểm nhỏ → luận điểm nhỏ giải thích cho luận điểm lớn → luận điểm lớn giải thích cho ý kiến → nhiều ý kiến đi đến kết luận. Trên thực tế, khi lập luận, người học thường sẽ phải xem xét và phân tích nhiều ý kiến, luận điểm và luận cứ hơn trước khi đưa ra kết luận. Ví dụ trong trường hợp cụ thể trên, sau khi xem xét qua tất cả các ý kiến, người viết hoặc người nói sẽ kết luận rằng “Mạng xã hội có ảnh hưởng tốt đến tình bạn”.

Như vậy, có thể coi việc lập luận là xây một toà nhà. Nếu nền móng – là các luận điểm, luận cứ, luận chứng – càng vững chắc, thì toà nhà – tức là kết luận sau khi lập luận – càng được củng cố, khó bị lật đổ. 

Nếu tiếp tục hình dung theo cách ẩn dụ trên, vậy thì luận chứng chính là xi măng – là chất kết dính tất cả các yếu tố lại với nhau. Và đây cũng là thành tố thường bị bỏ qua nhất.

Cách trình bày lập luận

Có hai phương pháp chính để thiết lập và trình bày lập luận. Tuy nhiên bài viết này chỉ đề cập đến hai phương pháp được ứng dụng nhiều nhất: diễn dịch và quy nạp. Hai phương pháp này có hướng tiếp cận và nắm bắt sự việc khác nhau. Trên thực tế, diễn dịch và quy nạp là hai phương pháp lý luận thuộc tư duy biện chứng và được phổ quát ứng dụng cho những nghiên cứu khoa học để tìm ra những điều mới. Bài viết chỉ giới thiệu cốt lõi trong việc vận dụng “quy nạp” và “diễn dịch” để làm tiền đề cho các phần sau

Diễn dịch là phương pháp cần có tiền đề từ trước. Tiền đề đó thường là những điều đã được chứng minh là đúng hoặc những sự thật hiển nhiên. Từ tiền đề này bắt đầu phát triển các luận điểm luận cứ như đã được trình bày ở bên trên để chứng minh hoặc suy ra những kết luận mới.

Tiền đề → Quy tắc suy luận → Kết luận

Ví dụ cho lập luận diễn dịch như sau:

lap-luan-dien-dichTiền đề → Quy tắc suy luận → Kết luận

  • Tiền đề: Chạy xe trên đường trơn thì rất nguy hiểm

  • Suy luận:
    Hiện tại vừa hết mưa
    Mưa xong thì đường rất trơn

  • Kết luận: Như vậy, chạy xe trên đường ở thời điểm hiện tại rất nguy hiểm.

Đối với phương pháp quy nạp, cách tiếp cận diễn đi theo hướng ngược lại. Khởi đầu của quy nạp sẽ bắt nguồn từ sự quan sát hoặc thu thập tài liệu. Sau đó, từ những quy luật của những dữ kiện đã thu thập được, những lý lẽ được phổ quát lên thành những kết luận có cơ sở, hoặc đôi khi là những sự thật hiển nhiên. Tuy nhiên, những kết luận có cơ sở từ quá trình không phải lúc nào cũng chính xác và do đó, cần được thử nghiệm lại bằng phương pháp diễn dịch. Nói cách khác, quy nạp là tiền đề cho diễn dịch và đôi khi là ngược lại.

Ở phần ví dụ trên cho phương pháp diễn dịch, tiền đề có sẵn là “Chạy xe trên đường trơn thì rất nguy hiểm”. Như vậy, tiền đề này được suy ra từ đâu?

Chính là nhờ những quan sát hay những dữ liệu thu thập được. Việc nhiều xe đi đường trơn gặp hoặc gây tai nạn nhiều hơn so với thông thường dần được ghi nhận lại và từ đó, tiền đề “chạy xe đường trơn thì rất nguy hiểm” trở thành một sự thật hiển nhiên hoặc ít nhất là một kết luận có cơ sở.

Như vậy mối quan hệ giữa hai phương pháp này nhằm mục đích gì trong việc lập luận logic? Đó chính là để tránh cho những lập luận quá mức cường điệu, quá mức cưỡng ép hoặc không chính xác. Ví như như:

  • Diễn dịch thiếu quy nạp làm tiền đề → Lập luận cưỡng ép, cường điệu

    • Tiền đề: Tất cả những nông dân đều nuôi gà

    • Suy luận: Bác A không nuôi gà

    • Kết luận: Bác A không phải nông dân

  • Quy nạp thiếu diễn dịch làm biện chứng → Lập luận thiếu chính xác

    • Cây bút đầu tiên tôi lấy từ trong hộp bút ra là màu xanh

    • Cây bút thứ hai tôi lấy từ trong hộp bút ra cũng là màu xanh

    • Cây bút thứ ba tôi lấy từ trong hộp bút ra cũng là màu xanh

→ Kết luận: Như vậy, tất cả cây bút tôi có trong hộp bút đều là màu xanh.

Mối quan hệ giữa hai phương pháp lập luận này có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng phản ví dụ trong IELTS Writing cho quá trình phản biện ở phần sau.

Phản ví dụ (counter-example) trong IELTS Writing

Định nghĩa phản ví dụ trong IELTS Writing

Như đã nói ở trên, một luận điểm được coi là chặt chẽ khi luận điểm có tiền đề vững chắc và đồng thời có kết luận thuyết phục dựa trên những tiền đề và lập luận trước đó.

Phản ví dụ cho một luận điểm là khi ví dụ đó chứng minh được luận điểm đó có tiền đề hoặc xuất phát điểm đúng, nhưng lại đi đến một kết luận sai.

Nói cách khác, phản ví dụ trong IELTS Writing được thiết lập như một công cụ để “bắt lỗi” và chứng minh những luận điểm đó là yếu. Và ngược lại, một luận điểm được chứng minh là thuyết phục khi không có bất kỳ một phản ví dụ nào được đưa ra.

Ví dụ của phản ví dụ trong IELTS Writing

Xem xét một luận điểm sau đây:

phan-vi-du“Everyone admires people with a special talent. Therefore, no one admires me”

Luận điểm trên khi được phân tích cụ thể sẽ được trình bày như sau:

  • Tiền đề: Everyone admires people with a special talent.

  • Tiền đề tiếp theo (được ẩn đi): I’m not a person with special talent.

  • Kết luận: No one admires me.

Sau đây sẽ là phân tích phản ví dụ cho luận điểm trên:

Giả sử rằng mọi người đều ngưỡng mộ những con người có tài năng thiên phú (Everyone admires talented people) và bản thân người nói câu này không phải là một người như thế (I’m not a talented person). Như vậy, cả hai tiền đề đều đúng. Tuy nhiên, kết luận “No one admire me” vẫn có thể bị sai vì Có một trường hợp là bản thân người nói câu này vẫn có thể được ngưỡng mộ vì những lý do khác mà không phải tài năng đặc biệt.

Như vậy, trường hợp trên trở thành một “phản ví dụ” cho luận điểm của người nói:

Counter-example: There are some people who admire you because of your personality.

Có một số ví dụ khác về trường hợp phản ví dụ trong IELTS Writing mà trong đó, tiền đề đầu tiên đúng, nhưng những tiền đề bị ẩn đi nối tiếp sau đó lại không chính xác, cũng sẽ dẫn đến những kết luận không chính xác. Xem xét một luận điểm sau đây:

phan-tich-phan-vi-duUniversities offer a better learning environment for students. Therefore, I will have a high salary after I graduate.

Phân tách cụ thể luận điểm để hiểu rõ logic phía sau nó như sau:

  • Tiền đề: Universities offer a better learning environment for students. → Tiền đề này được xem là đúng

  • Tiền đề 2 (được ẩn đi): I’m a university student.→ Tiền đề này được xem là đúng

  • Tiền đề 3 (được ẩn đi): I will graduate from university → Tiền đề này được xem là đúng

  • Tiền đề 4 (được ẩn đi): People with university certificate will be offered a job with high salary. → Tiền đề này không còn thuyết phục nữa (không có bằng chứng nào chứng minh rằng điều này là đúng cho tất cả mọi người)

→ Do đó, kết luận “I will have a high salary after I graduate” không còn hợp lý.

  • Vậy, counter-example của luận điểm này sẽ là: It’s unsure that people with university certificate will be offered a well-paid job.

Như vậy, có thể thấy được rằng khoảng cách giữa tiền đề nền tảng đầu tiên và kết luận cuối cùng sẽ có những bước suy luận ở giữa (trong ví dụ trên là 3 tiền đề ở giữa). Những tiền đề ở giữa này chính là thành tố để khai thác các counter-example. 

Giả sử trong ví dụ trên, người học không khai thác Tiền đề 4 giống như trên mà hoàn toàn có thể khai thác từ Tiền đề 3: “I will graduate with university certificate.”. 

Nếu như thế, câu counter-example lúc này sẽ là: 

“It’s unsure that you will graduate from university”

Về mặt lý thuyết, cách triển khai phản ví dụ như trên không sai. Nhưng có thể dễ dàng thấy rằng, Tiền đề 3 khi được khai thác để triển khai phản ví dụ sẽ không được thuyết phục như Tiền đề 4. Từ đây dẫn tới một vấn đề khác trong việc lựa chọn tiền đề nào để triển khai phản ví dụ, rằng sẽ có những phản ví dụ được triển khai sẽ có giá trị thuyết phục cao hơn. Từ đó, những phản biện của người học sẽ thuyết phục hơn.

Vì thế, trong phương pháp phản ví dụ, kỹ năng tư duy của mỗi người khác nhau ở chỗ người học nắm bắt được những tiền đề bị ẩn nào (tức kẽ hở trong những suy luận từ tiền đề cơ sở đầu tiên đến kết luận cuối cùng) để từ đó triển khai phản ví dụ / phản biện cho có sức nặng hơn.

Ứng dụng phản ví dụ trong lập luận Writing

Để ứng dụng phản ví dụ vào trong lập luận, người học cần hiểu vị trí của phản ví dụ ở đâu trong cấu trúc của quá trình lập luận. Như đã nhắc tới ở phần I, một cách tổng quan, quá trình lập luận sẽ có cấu trúc như sau:

Ý KIẾN 1

Luận điểm lớn 1

  • Luận điểm nhỏ 1

    • Luận cứ 

  • Luận điểm nhỏ 1

    • Luận cứ 

Luận điểm lớn 2

  • Luận điểm nhỏ 2

    • Luận cứ

  • Luận điểm nhỏ 2

    • Luận cứ

→ Kết luận cho Ý KIẾN 1

(Tiếp tục như thế với Ý kiến 2, Ý kiến 3… cho tới khi có kết luận cho toàn bộ bài.)

Xét cấu trúc của phần Ý kiến 1 trên, vị trí của phản ví dụ sẽ được đặt ở trước luận điểm nhỏ 2, như cấu trúc dưới đây: 

Ý KIẾN 1

Luận điểm lớn 1

  • Luận điểm nhỏ 1

    • Luận cứ 

  • Counter-example

  • Luận điểm nhỏ 1

    • Luận cứ 

Luận điểm lớn 2

  • Luận điểm nhỏ 1

    • Luận cứ 

  • Counter-example

  • Luận điểm nhỏ 1

    • Luận cứ 

Như vậy, counter-example sẽ có vai trò dẫn dắt qua các luận điểm tiếp theo, có vai trò củng cố cho luận điểm này.

Xem xét ví dụ sau đây với các luận điểm, luận cứ được thành lập dựa trên cấu trúc trên:

“…(Luận điểm lớn) On the other hand, some people protest such practice because of several reasons. (Luận điểm nhỏ 1) First of all, the use of animals in medical testing is believed to be cruel and unethical. (Luận cứ) This is because animals must suffer great pains from medical experiments and some even die after being tested on. (Luận điểm nhỏ 2) In addition, animals are not completely similar to human beings and therefore can turn out to be poor models for research. (Luận cứ) This can lead to unreliable and misleading results and consequently, such practice can become counter-productive.

(Ý KIẾN – Được đặt ở cuối đoạn thay vì đầu đoạn) In other words, the use of animals may not only produce negative outcomes but also waste money and resources…”

Cũng là đoạn văn trên, nhưng với cách áp dụng counter-example vào giữa 2 luận điểm nhỏ, ta sẽ có một đoạn như sau:

“…On the other hand, some people protest such practice because of several reasons. First of all, the use of animals in medical testing is believed to be cruel and unethical. This is because animals must suffer great pains from medical experiments and some even die after being tested on. (COUNTER-EXAMPLE) There are some people who argue that animals like hamsters or monkeys are biologically similar to humans, thus being suitable to become the experiment subjects. However, animals are not completely similar to human beings and therefore can turn out to be poor models for research. This can lead to unreliable and misleading results and consequently, such practice can become counter-productive. In other words, the use of animals may not only produce negative outcomes but also waste money and resources…”

Như đã nói về định nghĩa, counter-example là những ví dụ có tiền đề là đúng, nhưng kết luận là sai – hoặc ít nhất là có lỗ hổng.

Phản ví dụ trong đoạn văn trên đã khai thác vấn đề trong lập luận của luận điểm 1 (“First of all, the use of animals in medical testing is believed to be cruel … being tested on”). Sau đây là phân tách của luận điểm 1:

  • Tiền đề: The use of animals in medical testing is believed to be cruel and unethical 

  • Tiền đề 2 (được ẩn đi): Experiments cause a lot of pains, even death.

  • Tiền đề 3 (được ẩn đi): Pains equal cruelty

  • Tiền đề 4: animals must suffer great pains from medical experiments and some even die after being tested on

  • Kết luận: On the other hand, some people protest such practice…

Phản ví dụ trên (There are some people who argue….experiment subjects) đã chọn Tiền đề 3 để khai thác lỗ hổng.

  • Tiền đề 3 (được ẩn đi): Pains equal cruelty

  • Counter-example: But if we take experiments on humans, it will be even more painful, plus more cruel. And it’s proved that some animals are biologically similar to humans → It will be less painful.

Và sau đó, luận điểm tiếp theo lại tiếp tục dùng counter-example để bắt lỗ hổng trong phần counterexample trên. Từ đây đẩy mức độ thuyết phục của luận điểm này lên một tầm cao mới.

Tổng kết

Như vậy, viết đã cung cấp những thông tin cơ bản về quá trình lập luận cũng như giới thiệu định nghĩa, ví dụ và cách ứng dụng của phương pháp Phản ví dụ (Counter-example). Thực chất, đây là một trong những bước quan trọng trong việc củng cố, chứng minh luận điểm mà người viết đưa ra ban đầu nhưng lại thường bị bỏ qua dẫn đến luận điểm trở nên chưa đủ thuyết phục. Khi người học nắm vững cách hình thành và triển khai Counter-example, người học sẽ có thể tạo ra những luận điểm được chứng minh, củng cố hợp lý, logic, từ đó mang lại điểm số cao cho tiêu chí cụ thể của Writing Task 2 là CC (Coherence and Cohesion).

Ngô Phương Thảo

Tham khảo thêm khóa học IELTS online để được trải nghiệm quá trình học tập theo nhu cầu cá nhân và giải đáp những khó khăn gặp phải.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu