Từ vựng chuyên ngành Giáo dục (Education) - Học và nhớ từ bằng gốc Latin và Hy Lạp

Bài viết sẽ giới thiệu cho bạn đọc một số từ vựng chuyên ngành Giáo dục (Education) và phân tích các gốc từ trong mỗi từ vựng theo phương pháp Etymology.
tu vung chuyen nganh giao duc education hoc va nho tu bang goc latin va hy lap

Giáo dục luôn là một lĩnh vực quan trọng, luôn thu hút được sự chú trọng và quan tâm của mỗi quốc gia. Vì vậy, nắm bắt được thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành Giáo dục sẽ giúp bạn học thảo luận về chủ đề này dễ dàng và hiệu quả hơn, cũng như có nhiều lợi thế việc làm trong lĩnh vực này. Chưa kể, đây cũng là chủ đề rất có khả năng người thi sẽ gặp trong bài thi IELTS. Vì thế, việc trau dồi những kiến thức về ngành Giáo dục là rất cần thiết cho bạn học trong quá trình làm bài thi IELTS khi đề các bài nghe, nói, đọc, viết có liên quan đến chủ đề Giáo dục.

Tiếng Latin và Hy Lạp được biết đến như một tiền đề để học một số ngôn ngữ khác dễ dàng, hiệu quả và nhanh chóng hơn, trong đó có tiếng Anh. Thật vậy, các gốc Latin và Hy Lạp xuất hiện trong từ vựng tiếng Anh là rất nhiều và đang tiếp tục thịnh hành. Do đó, việc nắm được các gốc Latin và Hy Lạp này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người học tiếng Anh trong việc học từ vựng một cách hiệu quả, cụ thể như dễ dàng hiểu được nghĩa của từ thông qua cấu tạo từ (Morphology), giúp gợi nhắc ý nghĩa từ vựng dựa vào thành phần của từ thay vì học thuộc lòng toàn bộ từ vựng và tập khả năng phán đoán nghĩa của từ vựng mới; từ đó, người học sẽ tránh được bối rối và lo lắng khi gặp các từ vựng mới trong phòng thi.

Key takeaways

  1. Thuật ngữ Giáo dục phổ biến với gốc Latin và Hy Lạp

  • Academic (n./adj.)

  • Andragogy (n.)

  • Assessment (n.)

  • Curriculum (n.)

  • Cognition (n.)

  • Didactic (adj.)

  • Discipline (n./v.)

  • E-learning (n.)

  • Epistemology (n.)

  • Experiential (adj.)

  • Metacognition (n.)

  • Pedagogy (n.)

  • Philosophy (n.)

    2. Hướng dẫn phát âm các thuật ngữ Giáo dục

    3. Mẹo học và ghi nhớ từ vựng chủ đề Giáo dục

Thuật ngữ Giáo dục phổ biến với gốc Latin và Hy Lạp

image-alt

Academic (n./adj.)

Academic có nguồn gốc từ tiếng Latin là Academicus và tiếng Hy Lạp là Akademeikos. Academic có thể vừa là tính từ, vừa là danh từ tùy theo mục đích sử dụng của người dùng.  Tính từ academic có nghĩa là “relating to education”, nghĩa tiếng Việt là “thuộc học viện” hoặc “mang tính học thuật”. Người đọc cũng có thể bắt gặp academic thường xuyên trong cụm từ academic writing, có nghĩa là “bài viết học thuật” trong quá trình ôn luyện IELTS. Ngoài ra, academic có thể được sử dụng dưới dạng danh từ để chỉ “someone who teaches at a college”, nghĩa tiếng Việt là “người giảng dạy tại trường Đại học”

Ví dụ: The academic program at the university offers a rigorous curriculum to prepare students for their future careers. (Chương trình học thuật tại trường Đại học có giáo trình nghiêm ngặt để chuẩn bị sinh viên cho nghề nghiệp trong tương lai.)

Các loại từ khác của Academic:

  • Academy (n.): học viện (từ gốc Latin Academia và Hy Lạp Akademeia

Ví dụ: The police academy trains individuals who aspire to become law enforcement officers. (Học viện cảnh sát huấn luyện những cá nhân mong muốn trở thành cảnh sát.)

  • Non-academic (adj.): không mang tính học thuật, phi học thuật (tiền tố non- mang nghĩa “not, lack of”, “không, thiếu”)

Ví dụ: The company values non-academic skills such as teamwork, communication, and problem-solving in addition to academic qualifications when considering job applicants. (Công ty coi trọng những kỹ năng phi học thuật như là làm việc nhóm, giao tiếp và giải quyết vấn đề bên cạnh bằng cấp học thuật khi cân nhắc các ứng viên.)

Andragogy (n.)

Danh từ Andragogy trong tiếng Anh là sự kết hợp từ hai gốc từ Hy Lạp: anērpaidagōgia. Như bạn đọc đã biết, paidagōgia (sau này chính là pedagogy) là “nghiên cứu về các phương pháp dạy học và giáo dục”, còn anēr nghĩa là “adult” trong tiếng Anh hay “người trưởng thành”.

Kết hợp hai gốc từ này, bạn đọc sẽ đi đến kết luận về nét nghĩa là andragogy là “the theory and methods involved in teaching adult learners”, hay “nghiên cứu về phương pháp giảng dạy dành cho người trưởng thành” trong tiếng Việt.

Ví dụ: Much has been written about andragogy in general education circles over the past fifty years. (Đã có nhiều bài viết về phương pháp dạy học viên lớn trong giới giáo dục phổ thông năm mươi năm qua.)

Assessment (n.)

Assessment là danh từ được tạo thành bởi hai phần assess-ment. Để hiểu về ý nghĩa của assessment, trước hết ta sẽ phân tích từ assess. Assess là động từ có gốc từ Latin adsidere, mang ý nghĩa “sitting by” hay “ngồi cạnh bên”. Sau khi đem assess ghép với hậu tố -ment, ta sẽ được danh từ assessment. Có một sự thật thú vì là vào những năm 1540, assessment được dùng chủ yếu trong ngành thuế với nghĩa là “act of determining or adjusting of tax rates to be paid”, nghĩa tiếng Việt là “việc xác định hoặc điều chỉnh mức thuế phải trả”. Qua thời gian, assessment được sử dụng như một thuật ngữ trong ngành giáo dục, mang nghĩa “the process of testing and making a judgment”, dịch sang tiếng Việt là “quá trình kiểm tra và đánh giá” hay còn được dùng với nghĩa “bài kiểm tra”.

Ví dụ: The assessment of the student’s work was based on their ability to apply the concepts learned in class (Quá trình đánh giá bài làm của học sinh được dựa trên năng lực áp dụng các khái niệm đã được học trong lớp)

Curriculum (n.)

Danh từ Curriculum xuất phát từ một danh từ gốc Latin là currere, mang nghĩa là “a running, course, career” hay “một cuộc chạy, tiến trình, sự nghiệp” trong tiếng Việt. Nét nghĩa này đã dần được thay đổi đôi chút để phù hợp với ngữ cảnh Giáo dục, khiến cho từ Curriculum hiện nay được hiểu là “kế hoạch giảng dạy và chương trình học tập”.

Ví dụ: Languages are an essential part of the school curriculum. (Môn ngôn ngữ đóng một vai trò thiết yếu trong chương trình giảng dạy ở trường.)

Cognition (n.)

Danh từ Cognition có nguồn gốc từ tiếng Latin cognitio, mang nghĩa là “the ability to comprehend, mental act or process of knowing”, hay “sự nhận thức”. Cụ thể hơn, trong lĩnh vực Giáo dục, cognition được hiểu với nét nghĩa đầy đủ là “quá trình nhận thức và tư duy của con người”.

Ví dụ: Evidence on cognition in deaf children has never been clear-cut. (Bằng chứng về nhận thức ở trẻ khiếm thính chưa bao giờ rõ ràng.)

Didactic (adj.)

Tính từ Didactic được lấy từ hai nguồn tiếng khác nhau, bao gồm tiếng Pháp didactique và tiếng Hy Lạp didaktikos và chúng đều có nghĩa là “teaching, instruction” hay “công việc giảng dạy”. Do đó, vì Didactic là tính từ, nó sẽ mang nghĩa là “liên quan đến việc giảng dạy (cũng như học tập)” hay “liên quan đến sư phạm/ giáo khoa”.

Ví dụ: I don't like her didactic way of explaining everything. (Tôi không thích cách giải thích theo mô hình sư phạm của cô ấy.)

Các loại từ khác của Didactic:

  • Didactics (n.): lý luận dạy học, giáo khoa

Ví dụ: With the development of modern didactics, teaching strategy is increasingly attracting people's attention. (Với sự phát triển của giáo khoa hiện đại, chiến lược giảng dạy ngày càng thu hút sự chú ý của mọi người.)

  • Autodidactic (adj.): tự học (tự dạy và tự học)

Ví dụ: This autodidactic approach carries two potential dangers. (Phương pháp tự học này có hai mối nguy hiểm tiềm ẩn.)

  • Didacticism (n.): chủ nghĩa giáo huấn

Ví dụ: The didacticism of the 19th century gave birth to many great museums. (Chủ nghĩa giáo huấn của thế kỷ 19 đã khai sinh ra nhiều viện bảo tàng lớn.)

Discipline (n./v.)

Discipline được lấy từ gốc Latin disciplina, có nghĩa là “instruction given, teaching, learning” hay “hướng dẫn được đưa ra, việc dạy, việc học”. Cũng như academic, discipline đóng vai trò là danh từ và động từ tùy theo mục đích sử dụng của người học. Ở dạng danh từ, discipline có nghĩa là “training in the form of rules or punishments”, nghĩa tiếng Việt là “việc rèn luyện dựa trên luật lệ và hình phạt”. Còn ở dạng động từ, discipline có nghĩa là “punish, correct” hay “phạt, uốn nắn”. Tóm lại, ngày nay, discipline được dùng rộng rãi với nghĩa là “rèn luyện, kỷ luật”.

Ví dụ: It’s important to discipline yourself when studying for exams. (Việc kỷ luật bản thân rất quan trọng khi ôn thi.)

Các loại từ khác của Discipline:

  • Disciplinary (adj.): mang tính kỷ luật

Ví dụ: The school has a disciplinary committee that handles student misconduct. (Trường học có hội đồng kỷ luật để xử lý học sinh vi phạm.)

image-alt

E-learning (n.)

Với danh từ E-learning, bạn đọc sẽ cần phải hiểu nghĩa của hai thành phần: từ viết tắt E, và learning. Rất dễ dàng để biết được nghĩa của learn là “học” (có xuất xứ từ tiếng Anh cổ leornian hoặc tiếng Đức lernen đều mang nghĩa là “to get knowledge”, tức “học trong tiếng Việt), nên dạng V-ing (learning) của nó sẽ khiến cụm từ này mang chức năng như một danh từ, nghĩa là “hình thức học”. Ngoài ra, E ở đây nghĩa là viết tắt của từ electronic (có nguồn gốc từ tiếng Latin là electricus hoặc Hy Lạp là elektron), tức nghĩa là “điện tử”.

Vì vậy, bạn đọc có thể ngay lập tức nhìn ra E-learning nghĩa là “hình thức học tập điện tử” hay “hình thức học tập trực tuyến thông qua mạng internet”.

Ví dụ: In the production of e-learning resources, the real-time teaching resources acquisition system is employed to digitalize the instructional content. (Trong quá trình thiết kế học liệu cho hình thức học tập trực tuyến, hệ thống thu thập học liệu giảng dạy theo thời gian thực được sử dụng để số hóa nội dung giảng dạy.)

Epistemology (n.)

Danh từ Epistemology được tạo nên bởi hai gốc từ, là epistem- và -(o)logy. Trong đó, epistemo- có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp epistēmē (nghĩa là “knowledge” hay “tri thức”), còn -logy bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp logos (nghĩa là “theory” hay “lý thuyết, nghiên cứu”).

Từ nghĩa của hai gốc từ thành phần, bạn đọc có thể dễ dàng suy luận được nghĩa của Epistemology là “theory of knowledge and how we know things”; dịch qua tiếng Việt là nghiên cứu về tri thức và quá trình nhận thức” hay theo thuật ngữ Giáo dục tiếng Việt là “nhận thức luận”.

Ví dụ: Mathematics essence is a problem about epistemology. (Bản chất toán học liên quan đến vấn đề nhận thức luận.)

Các loại từ khác của Epistemology:

  • Epistemic (adj.): thuộc về tri thức

Ví dụ: Dynamic epistemic logic (DEL) is a relatively new field of research in recent years. (Logic nhận thức động (DEL) là một lĩnh vực nghiên cứu khá mới trong những năm gần đây.)

  • Epistemological (adj.): liên quan đến nhận thức luận

Ví dụ: His work is intimately concerned with epistemological questions. (Công việc của ông ấy liên quan mật thiết đến các câu hỏi về nhận thức luận.)

  • Epistemologist (n): nhà nhận thức luận

Ví dụ: He is a leading epistemologist in the work of fundamental importance to philosophical thinking. (Ông ấy là một nhà nhận thức luận hàng đầu trong dự án mà có tầm quan trọng cốt lõi đối với tư duy triết học.)

Experiential (adj.)

Có thể bạn học sẽ thấy từ này khá quen thuộc, chính xác là vì nó thuộc họ từ của chữ experience (có gốc Latin từ chữ experientia) nghĩa là “kinh nghiệm, trải nghiệm”. Vì thế, experiential nghĩa là “liên quan đến kinh nghiệm, trải nghiệm”, hay nói chính xác hơn là “liên quan đến học tập dựa trên trải nghiệm thực tế” đối với lĩnh vực Giáo dục.

Ví dụ: Learning has got to be active and experiential. (Học tập đòi hỏi cần phải tích cực và dựa trên trải nghiệm.)

Metacognition (n.)

Vì được kết hợp từ hai gốc từ, nét nghĩa của danh từ Metacognition sẽ được quyết định bởi nghĩa của meta- và cognition. Trong khi cognition là “quá trình nhận thức và tư duy của con người”, thì meta- (chữ gốc là tiếng Hy lạp meta) nghĩa là “higher, beyond” trong tiếng Anh, hay “vượt qua” trong tiếng Việt. Vì vậy, metacognition có thể hiểu như là “vượt qua nhận thức thông thường” hay “siêu nhận thức” (nói về một quá trình tự nhận thức của một cá thể). Trên thực tế, metacognition mang nghĩa chính xác hơn là “nghiên cứu về khả năng tự nhận thức và kiểm soát quá trình học tập”.

Ví dụ: According to Psychology research, metacognition plays an important role in the realization of activeness. (Theo nghiên cứu Tâm lý học, siêu nhận thức (khả năng tự nhận thức) đóng vai trò quan trọng trong việc trở nên chủ động.)

Pedagogy (n.)

Danh từ Pedagogy được hình thành từ khá nhiều nguồn tiếng, bao gồm tiếng Pháp pédagogie, tiếng Latin paedagogia và cả tiếng Hy Lạp paidagōgia với cùng chung một ý nghĩa. Trong đó, từ Hy Lạp paidagōgia bắt nguồn từ danh từ paidagōgos (nghĩa là “teacher” hay “giáo viên”), khiến cho từ mới xuất hiện paidagōgia (hay sau này là Pedagogy) mang nét nghĩa về giáo dục, cụ thể là “the science of teaching” hay “phương pháp giảng dạy”.

Vì thế, danh từ Pedagogy ngày nay sẽ dùng cụ thể với nghĩa là “nghiên cứu về các phương pháp dạy học và giáo dục” trong lĩnh vực giáo dục.

Ví dụ: This center has developed a pedagogy of their own. (Trung tâm này đã phát triển một phương pháp dạy học cho riêng họ.)

Các loại từ khác của Pedagogy:

  • Pedagogue (n.): giáo viên sư phạm (Đây chính từ tiếng Anh được hình thành trực tiếp từ từ gốc tiếng Hy Lạp paidagōgos)

Ví dụ: Hope pre-school pedagogue can give children education they need. (Hy vọng các giáo viên sư phạm mầm non sẽ cung cấp cho trẻ em nền giáo dục mà chúng cần.)

  • Pedagogical (adj.): thuộc về lĩnh vực giáo dục và dạy học, thuộc lĩnh vực sư phạm (Từ này cũng xuất phát từ tiếng Hy Lạp paidagōgikos, cùng chung họ từ với paidagōgos - pedagoguepaidagōgia - pedagogy)

Ví dụ: The purpose of a pedagogical grammar is to teach the student to speak the language. (Mục đích của các ngữ pháp sư phạm là dạy học sinh nói ngôn ngữ đó.)

Philosophy (n.)

Philosophy là một danh từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ là filosofie và được lấy trực tiếp từ gốc Latin philosophia và Hy Lạp philosophia. Để hiểu về ý nghĩa của philosophy, ta sẽ phân tích từ này dựa trên gốc Latin và Hy Lạp. Philosophia được tạo thành bởi hai phần là philo-, mang nghĩa “loving” hay “yêu” và -sophia, mang nghĩa “knowledge, wisdom” hay “kiến thức, tri thức”. Vậy nên, khi ta ghép hai phần này lại với nhau, philosophia sẽ có ý nghĩa là “love of knowledge”, nghĩa tiếng Việt là “yêu tri thức”. Qua thời gian, nét nghĩa này dần biến đổi và ngày nay, philosophy được biết đến là “the use of reason in understanding things” hay còn gọi là “triết học”. Bạn đọc cũng có thể bắt gặp philosophy trong cụm Doctor of Philosophy hay Ph.D, để chỉ học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục, còn được biết đến là “Tiến sĩ Triết học” hay gọi tắt là “Tiến sĩ”. 

Ví dụ: Studying philosophy can help people develop critical thinking skills and gain a deeper understanding of the world around them. (Việc học triết học có thể giúp con người phát triển kỹ năng tư duy biện luận và hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh họ.)

Các loại từ khác của Philosophy:

  • Philosopher (n.): nhà triết học (từ gốc Hy Lạp là philosophos)

Ví dụ: Plato was a famous philosopher who founded the Academy in Athens. (Plato là nhà triết học nổi tiếng, người đã thành lập ra Học viện tại Athens.)

  • Philosophical (adj.): mang tính triết học 

Ví dụ: The book is a philosophical exploration of the nature of existence. (Quyển sách này là sự khám phá mang tính triết học về bản chất của sự sống.)

Hướng dẫn phát âm các thuật ngữ Giáo dục

Từ vựng

Phiên âm

Anh - Anh

Anh - Mỹ

  • Academic (n./adj.)

/ˌæk.əˈdem.ɪk/

/ˌæk.əˈdem.ɪk/

  • Andragogy (n.)

/ˈæn.drə.ɡɒdʒ.i/

/ˈæn.drə.ɡɑː.dʒi/

  • Assessment (n.)

/əˈses.mənt/

/əˈses.mənt/

  • Curriculum (n.)

/kəˈrɪk.jə.ləm/

/kəˈrɪk.jə.ləm/

  • Cognition (n.)

/kɒɡˈnɪʃ.ən/

/kɑːɡˈnɪʃ.ən/

  • Didactic (adj.)

/daɪˈdæk.tɪk/

/daɪˈdæk.tɪk/

  • Discipline (n./v.)

/ˈdɪs.ə.plɪn/

/ˈdɪs.ə.plɪn/

  • E-learning (n.)

/ˈiːˌlɜː.nɪŋ/

/ˈiːˌlɜː.nɪŋ/

  • Epistemology (n.)

/ɪˌpɪs.təˈmɒl.ə.dʒi/

/ɪˌpɪs.təˈmɑː.lə.dʒi/

  • Experiential (adj.)

/ɪkˌspɪə.riˈen.ʃəl/

/daɪˈdæk.tɪk/

  • Metacognition (n.)

/met.əkɒɡˈnɪʃ.ən/

/met.əkɑːɡˈnɪʃ.ən/

  • Pedagogy (n.)

/ˈped.ə.ɡɒdʒ.i/

/ˈped.ə.ɡɑː.dʒi/

  • Philosophy (n.)

/fɪˈlɒs.ə.fi/

/fɪˈlɑː.sə.fi/

Mẹo ghi nhớ từ vựng chủ đề Giáo dục

Để ghi nhớ được các thuật ngữ Giáo dục được giới thiệu bên trên, có rất nhiều phương pháp học từ vựng mà người học có thể sử dụng tùy theo sở thích của bản thân. Vậy nên, bài viết này sẽ chỉ tập trung giới thiệu một vài phương pháp nổi bật được nghiên cứu là có hiệu quả hơn khi áp dụng vào việc học các thuật ngữ chuyên ngành.

Phương pháp ghi nhớ

Trong một nghiên cứu về phương pháp học từ vựng của Lê và Thạch, 100 sinh viên của khóa tiếng Anh Kinh tế cho biết họ dùng phương pháp ghi nhớ để học từ vựng chuyên ngành. Cụ thể trong báo cáo, phương pháp ghi nhớ thông qua cách đánh vần từ và ghi nhớ qua hình ảnh liên quan đến từ vựng đó được 74-90% sinh viên lựa chọn vì tính hiệu quả cao (40). 

Phương pháp ghi nhớ thông qua đánh vần (Spelling of words)

Thông thường khi gặp một từ vựng mới, đa số người học sẽ quan tâm đến việc từ vựng đó được phát âm ra sao nhưng ít để ý đến việc đánh vần nó. Theo nghiên cứu Spellings of Words: A Neglected Facilitator of Vocabulary Learning của Ehri và Rosenthal, việc đánh vần sẽ giúp người học phát âm từ vựng chính xác sớm hơn trong quá trình học từ mới, từ đó tạo nền tảng vững chắc hơn cho việc ghi nhớ và viết được từ đó một cách đúng chính tả (404). Đối với những thuật ngữ khá dài trong chuyên ngành Giáo dục, bạn đọc có thể áp dụng cách đánh vần theo từng âm tiết theo hình thức back-chaining (đọc ngược từ đuôi lên đầu) để học một từ mới. 

Ví dụ: Didactic là một từ có 3 âm tiết (di-dac-tic). Người học sẽ bắt đầu từ âm tiết cuối của từ và ghép từng âm tiết vào cho đến khi được một từ hoàn chỉnh:
____ - ____ - tic
____ - dac - tic
di - dac - tic
Bạn đọc có thể thực hiện phương pháp này bằng cách đọc to từng âm tiết nhiều lần và kết hợp với việc viết ra giấy để ghi nhớ tốt hơn. Trong quá trình thực hiện, nếu có âm tiết khó phát âm hoặc dễ nhầm lẫn về mặt chính tả, người học có thể dùng bút nhớ để tô nổi phần đó lên để bản thân chú ý hơn. Ví dụ, trong didactic có âm i đầu được phát âm là /aɪ/ và khá dễ bị đọc nhầm thành /ɪ/, người học có thể tô nổi trong quá trình học để tránh việc phát âm sai. 

Phương pháp ghi nhớ thông qua hình ảnh (Pictorial presentation)

image-alt

Khi con người giao tiếp, não bộ sẽ suy nghĩ dưới dạng hình ảnh chứ không phải những câu chữ trong lời nói (Zelin qtd. in VOA Learning English). Vậy nên, học từ vựng thông qua hình ảnh sẽ giúp não bộ của người học liên kết tốt hơn với nghĩa của từ vựng đó và giúp người học ghi nhớ lâu hơn. Đối với phương pháp học này, người học có thể tạo danh sách từ vựng từ những thuật ngữ Giáo dục được giới thiệu ở trên theo thứ tự bảng chữ cái và tìm hình ảnh tương ứng cho từng từ vựng một. Về phần hình ảnh, bạn đọc có thể tìm kiếm và lấy từ Google Image hoặc những nguồn hình ảnh miễn phí khác. Những hình ảnh độc đáo, thú vị cũng sẽ giúp cho quá trình liên kết và ghi nhớ từ vựng trở nên dễ dàng và dài lâu hơn. 

Phương pháp sử dụng flashcard

Theo một tạp chí khoa học Digital flashcards vs. wordlists for learning technical vocabulary được thực hiện bởi Yuksel et al. vào năm 2020, phương pháp sử dụng digital flashcard (Quizlet) và phương pháp tạo danh sách từ vựng được nghiên cứu trên 57 sinh viên ngành Dược để so sánh tính hiệu quả trong việc học từ vựng chuyên ngành (technical vocabulary). Theo đó, kết quả cho thấy việc sử dụng digital flashcard giúp sinh viên học từ vựng tốt hơn cũng như cảm thấy hài lòng hơn trong quá trình học. Quizlet là một ứng dụng tạo flashcard phổ biến với cả bản web và trên ứng dụng trên điện thoại, cho phép người học ôn tập từ vựng ở mọi nơi. Với Quizlet, người học cũng có thể lồng ghép phương pháp học bằng hình ảnh đã giới thiệu ở mục 1.2 vào việc học từ vựng chuyên ngành của mình. Nếu bạn đọc có hứng thú với phương pháp học qua flashcard thì có thể tham khảo chi tiết hơn bài viết về Hướng dẫn cách sử dụng Quizlet này. 

Việc học từ vựng mới, đặc biệt là những từ vựng chuyên ngành dài và phức tạp có thể khá khó và khô khan. Hy vọng với những phương pháp học từ vựng giới thiệu ở trên, bạn đọc sẽ có thể ghi nhớ những từ vựng Giáo dục được giới thiệu trong bài một cách có khoa học và dễ dàng hơn. 

Kết luận

Như vậy, bài viết này đã giới thiệu đến bạn đọc những thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành Giáo dục thông qua việc giải nghĩa gốc từ tiếng Hy Lạp và Latin cũng như ví dụ giúp bạn học có thể áp dụng từ vựng đúng theo ngữ cảnh. Bên cạnh đó, một vài phương pháp học thuật ngữ tiếng Anh cũng được giới thiệu đến người học, giúp cho quá trình học những từ mới trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Hy vọng sau bài viết này, bạn đọc có thể tăng thêm vốn từ vựng về chủ đề Giáo dục (Education) và áp dụng thành công trong quá trình ôn luyện IELTS, đặc biệt là cho kỹ năng Reading và Writing.

Trích dẫn tham khảo

  1. Cambridge Dictionary | English Dictionary, Translations & Thesaurus,
    dictionary.cambridge.org/.   

  2. Dictionary.com, www.dictionary.com/

  3. Ehri, Linnea C., and Julie Rosenthal. "Spellings of Words: A Neglected Facilitator of Vocabulary Learning." Journal of Literacy Research, vol. 39, no. 4, 2007, pp. 389-409, doi/10.1080/10862960701675341.

  4. “Etymonline - Online Etymology Dictionary." www.etymonline.com/.

  5. Le, Huong, and Huyen Thach. "Students’ strategies in learning English specialized vocabulary." Chuyên san Khoa học Giáo dục, vol. 04, no. 44, 20 July 2018, pp. 35-43, Vietnam Journal Online. vjol.info.vn/index.php/DHSP-DHH/article/view/36141/29530

  6. Perrin, Christopher. "A Small Glossary of Educational Vocabulary." ClassicalU – Training Classical Teachers, classicalu.com/wp-content/uploads/A-Small-Glossary-of-Educational-Vocabulary.pdf.

  7. Sentence Dictionary Online - Good Sentence Examples for Every Word!, sentencedict.com/.

  8. "Từ điển Tiếng Anh, Bản Dịch & Từ điển Từ đồng Nghĩa." Cambridge Dictionary | English Dictionary, Translations & Thesaurus, dictionary.cambridge.org/vi/.

  9. VOA Learning English. "Images Can Help You Retain Vocabulary." VOA, 10 Nov. 2020, learningenglish.voanews.com/a/images-can-help-you-retain-vocabulary/5651046.html.   

  10. Yüksel, H. G., et al. "Digital flashcards vs. wordlists for learning technical vocabulary." Computer Assisted Language Learning, vol. 35, no. 8, 2020, pp. 2001-2017, Taylor & Francis Online. doi.org/10.1080/09588221.2020.1854312

Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu