Ứng dụng phương pháp Active Listening vào cải thiện IELTS Listening

Bài viết sau sẽ phân tích kĩ phương pháp luyện Nghe chủ động (Active Listening), phân tích những lợi ích, khó khăn trong quá trình luyện nghe của người học, và những giải pháp để khắc phục.
author
Nguyễn Thị Minh Thảo
23/12/2021
ung dung phuong phap active listening vao cai thien ielts listening

Luyện nghe chủ động (Active Listening) là một trong những phương pháp luyện nghe phổ biến nhằm mục đích nâng cao kỹ năng Nghe phù hợp cho người học Tiếng Anh ở các trình độ khác nhau, đặc biệt người học ở trình độ cơ bản. Đây là phương pháp sử dụng đa giác quan và người nghe tập trung chủ động lắng nghe, tiếp nhận thông tin, cũng như cố gắng hiểu thông điệp (message) đang được truyền tải. Bài viết sau sẽ phân tích kĩ phương pháp luyện nghe chủ động (Active Listening), phân tích những lợi ích, khó khăn trong quá trình luyện nghe của người học, và những giải pháp để khắc phục.

Key Takeaways

1. Lắng nghe chủ động (Active listening) là phương pháp Nghe yêu cầu người nghe tập trung và hiểu được thông điệp (message) người nói đang truyền đạt. Bên cạnh đó, người nghe có những hành động phản hồi những thông tin mà họ tiếp nhận được thể hiện rằng họ đang lắng nghe.

2. Nghe chủ động bao gồm 4 giai đoạn: 

  • Giai đoạn Hiểu - Comprehension.

  • Giai đoạn Ghi nhớ - Retaining.

  • Giai đoạn Phản hồi -  Responding.

  • Giai đoạn Đánh giá - Assessment.

3. Luyện nghe chủ động sẽ giúp người học hiểu rõ ràng nội dung kiến thức được nghe, có khả năng ghi nhớ và có thể áp dụng các nội dung kiến thức này vào các trường hợp tương tự. 

4. Trong quá trình luyện tập phương pháp luyện Nghe Chủ động người học sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định liên quan yếu tố tập trung, thiếu kiến thức ngôn ngữ nền tảng, thái độ của người nghe. Các vấn đề này có thể được giải quyết bằng việc lựa chọn nguồn tài liệu phù hợp, kiên trì luyện tập và giữ tâm thế rộng mở với nội dung mới.

Phương pháp Nghe chủ động - Active Listening

Thuật ngữ “Lắng nghe chủ động” được nhắc tới lần đầu tiên vào năm 1957 bởi Carl Rogers và Richard Farson. Đúng như tên gọi, Lắng nghe chủ động (Active listening) là phương pháp Nghe yêu cầu người nghe tập trung hoàn toàn vào những gì mà người nói đang truyền đạt thay vì chỉ “nghe” một cách thụ động, không tập trung vào thông điệp (message) mà người nói đang muốn truyền đạt. Bên cạnh đó, người nghe có những hành động phản hồi những thông tin mà họ tiếp nhận được thể hiện rằng họ đang lắng nghe.

Lợi ích của Active Listening

ung-dung-phuong-phap-active-listening-vao-cai-thien-ielts-listening-01

    Các lợi ích của Phương pháp nghe chủ động (Active listening). 

Hiểu sâu hơn nội dung Nghe

Đầu tiên, Luyện nghe chủ động sẽ giúp người học tăng khả năng Nghe hiểu (Listening comprehension). Trong quá trình luyện tập, não của người nghe cần phải tập trung để tiếp nhận và hiểu rõ ràng các thông tin mà họ đang thu nạp. Việc tập trung khiến cho quá trình thu nạp và nắm bắt thông tin diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Ghi nhớ thông tin lâu hơn

Bằng việc tập trung chú ý đến điều gì đó và lặp lại nó nhiều lần, người nghe đã gửi một tín hiệu đến não bộ rằng đây là điều quan trọng cần được ghi nhớ. Bên cạnh đó, trong quá trình nghe chủ động, người học sẽ có một bước đưa ra các phản hồi (responding) và đánh giá (assessment) với các nội dung được nghe. Từ đó, người học rút ra được những lỗi sai và kinh nghiệm cải thiện kỹ năng nghe cho bản thân. Tăng khả năng xử lý và lưu trữ thông tin vào não bộ.

Áp dụng được kiến thức đã Nghe được vào các tình huống tương tự

Khi đã nắm bắt và hiểu được thông tin một cách rõ ràng cũng như có sự ghi nhớ được các thông tin đã được Nghe. Người nghe có thể áp dụng các kiến thức được nghe vào các tình huống tương tự. Kết quả là, sau một thời gian luyện nghe, người học trau dồi thêm vốn kiến thức về ngôn ngữ như từ vựng, cấu trúc câu, khả năng nhận diện phát âm. Kiến thức này sẽ trở thành ngữ liệu tạo điều kiện để tăng khả năng nghe hiểu của người học trong các bài nghe khác.

Các giai đoạn luyện nghe chủ động

ung-dung-phuong-phap-active-listening-vao-cai-thien-ielts-listening-02

Sơ đồ các giai đoạn trong quá trình luyện nghe chủ động.

Giai đoạn 1: Hiểu - Comprehension.

Ở giai đoạn này, người học chỉ nghe và cố gắng nắm ý chính, và chép lại các ý chính. Vừa cho cả bài chạy vừa chép thật nhanh các từ khóa (keywords). Thông thường từ khoá sẽ là các từ chứa nội dung (content words) ở dạng danh từ, động từ, tính từ, trạng từ. Lưu ý, người học chỉ viết lại các từ khóa. 

Để xác định được ý chính, người nghe có thể trả lời theo các câu hỏi: 

ung-dung-phuong-phap-active-listening-vao-cai-thien-ielts-listening-03

Sơ đồ tư duy để xác định ý chính (main points).

WHO - Ai đang nói. Nếu bài nghe là một câu chuyện thì nhân vật chính trong câu chuyện này là những ai?

WHAT - Điều gì đang được truyền tải hoặc mô tả? Ý chính của đoạn nghe này là gì? bao gồm những sự kiện chính gì?

WHEN - Đoạn nghe này đang diễn ra ở thời điểm nào? Sự kiện chính trong đoạn nghe xảy ra vào thời điểm nào?

WHERE - Đoạn nghe này đang diễn ra ở đâu? Sự kiện chính trong đoạn nghe xảy ra ở đâu?

WHY - Lý do tại sao có đoạn nghe này? Nguyên nhân của các sự kiện chính xảy ra là gì?

Ví dụ đoạn nghe có nội dung như sau:

However, when Queen Elizabeth I announced that she was going to visit the castle in 1576 it was beginning to look a bit run down, and it was decided that rather than repair the guest rooms, they’d make a new house for her out of wood next to the main hall. (Nguồn: Cambridge IELTS 14, test 2)

Phần Ghi chú (note-taking): in 1576, Queen Elizabeth visit Castle run down, rather than repair guestrooms => make new house, wood.

Giai đoạn 2: Ghi nhớ - Retaining

Sau đó người học tự mình nói lại các ý chính bằng tiếng Anh. Người học chỉ cần liệt kê được: mục đích, nhân vật, địa điểm, thời gian, sự kiện diễn ra trong bài nghe. Bước này quan trọng, vì nó tạo áp lực cho bạn phải nhớ được ý khi nghe. 

In 1576, Queen Elizabeth wanted to visit the castle. It was running down. Rather than repair guestrooms, they made a new house out of wood for her. 

Giai đoạn 3: Phản hồi -  Responding

Người học có thể viết một bản tóm tắt nội dung nghe được, đối với người học có trình độ nghe tốt hơn có thể paraphrase lại các thông tin ý chính đã nghe được từ phần ghi chú. Cách thiết kế các câu hỏi dạng table completion trong bài thi IELTS Listening là một mẫu ghi chú ý dạng  bảng khá hoàn chỉnh mà người học có thể học theo.

Ví dụ tóm tắt: 

In 1576:

 - When Queen Elizabeth wanted to visit the castle, it was running down. 

- Rather than repair the guest rooms, they would build a new house for  her  next to the main hall.  

Giai đoạn 4: Đánh giá - Assessment

Nghe và so sánh lại với nội dung tóm tắt, kịch bản hay phụ đề Tiếng Anh của audio luyện nghe. Sau đó tra nghĩa của từ mới, cách đọc chuẩn (tra từ điển audio), xem cấu trúc mới (tìm kiếm trên google), ghi chép lại từ mới và dịch hết nghĩa của bài. 

Ví dụ đoạn nghe có nội dung như sau:

However, when Queen Elizabeth I announced that she was going to visit the castle in 1576 it was beginning to look a bit run down, and it was decided that rather than repair the guest rooms, they’d make a new house for her out of wood next to the main hall. (Nguồn: Cambridge IELTS 14, test 2)

Người học có thể ghi lại Từ mới (new words) như sau:

  1. to run down (verb): xuống cấp.

Eg: this building seems to be running down. Ngôi nhà trông có vẻ đang bị xuống cấp.

  1. Rather than (phrase): thay vì

Rather than take a taxi, I decided to walk to work. Thay vì bắt một chiếc taxi, tôi quyết định đi bộ đi làm.

  1. To be made out of (phrasal verb): Được làm từ 

My table is made out of wood. Chiếc bàn của tôi được làm từ gỗ.

Khó khăn và giải pháp trong quá trình luyện Nghe chủ động

Yếu tố gây mất tập trung 

Các yếu tố gây mất tập trung có thể chia làm hai loại chính: yếu tố ngoại cảnh  và yếu tố nội tại. 

Yếu tố ngoại cảnh ở đây có thể hiểu là những tác động đến từ bên ngoài. Có thể kể tên như con người xung quanh, tiếng ồn, nhiệt độ môi trường (Kuhnke, 2012). 

Yếu tố nội tại là những suy nghĩ bên trong của người nghe như suy nghĩ, sở thích cá nhân, khả năng tập trung hạn chế của người nghe. Ví dụ: Khi nghe một bài nghe Listening có nội dung nhàm chán, không gây hứng thú với người Nghe. Người học có xu hướng miễn cưỡng nghe các Audio nhằm mục đích luyện tập kĩ năng. Thiếu hứng thú với nội dung Nghe cũng trở thành rào cản cho người học trong quá trình luyện Nghe Hiểu (Barker, Watson, và Kibler’s,1984).

Các yếu tố, dù là xuất phát từ ngoại cảnh hay nội tại đều gây ra sự mất tập trung cho người nghe. Việc mất tập trung của người nghe sẽ khiến việc tiếp nhận và thu nạp thông tin kém hiệu quả. 

Giải pháp:  Để khắc phục khó khăn này người nghe nên tạo cho bản thân một không gian luyện nghe yên tĩnh, đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây mất tập trung từ bên ngoài.  Ngoài ra, việc lựa chọn các nguồn tài liệu nghe có độ khó phù hợp với trình độ và nội dung chủ đề thú vị, thu hút được sự quan tâm của người luyện nghe cũng rất quan trọng. Dưới đây là một số nguồn luyện nghe khá hiệu quả và phổ biến, bạn đọc có thể tham khảo.  

Sách Cambridge IELTS từ 8 đến 16 là bộ sách được xuất bản bởi Đại học Cambridge. Mỗi quyển sách sẽ chứa 04 bộ đề thi IELTS dựa trên format chính thức của kỳ thi nhắm giúp thí sinh ôn thi IELTS nắm bắt được cấu trúc đề thi IELTS qua các năm. 

Ưu điểm: Các bài nghe trong sách này đó là chứa nội dung liên quan trực tiếp tới kỳ thi IELTS. Bài nghe có phần kịch bản (transcript) rõ ràng thuận tiện cho việc kiểm tra lại những nội dung đã nghe.

Nhược điểm: các bài nghe đều theo format bài thi nên đôi khi sẽ gây nhàm chán cho người nghe.  Người học ở trình độ  Basic đến Pre-Intermediate có thể lựa chọn bài Listening IELTS section 1 và 2 từ tài liệu luyện Nghe. Người học trình độ cao hơn có thể hướng tới bài bài Listening IELTS section 3 và 4.

TED.com là Website hoạt động đăng tải các bài thuyết trình của các diễn giả từ năm 2006. Kho lưu trữ của TED.com đã có hàng nghìn video diễn thuyết của rất nhiều diễn giả trên khắp thế giới. Bao gồm các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống như khoa học, công nghệ, xã hội cho đến các chủ đề khám phá thế giới nội tâm con người.

Ưu điểm: Nội dung đa dạng, phù hợp với sở thích và mối quan tâm của nhiều người nghe. TED.com có các của các video hoạt hình ngắn mang tính khoa học và chuyên sâu nhưng rất sinh động và dễ tiếp thu phù hợp với trình độ Pre-intermediate.

Nhược điểm: Nội dung được chia sẻ tại TED đôi khi sẽ mang đậm tính học thuật và triết lý. Khi thực hành với Active listening, người học có thể sẽ  khó khăn trong việc  tổng hợp ý chính (main point) của diễn giả. Tuy nhiên việc này có thể khắc phục bằng việc, người học có thể chia nhỏ video thành từng phần nhỏ thành nhiều lần nghe và luyện tập. Sau khi nắm được ý chính của từng phần trong bài thuyết trình của tác giả, sẽ dễ dàng suy ra được thông điệp chính của toàn bài thuyết trình.

Thiếu kiến thức ngôn ngữ nền tảng.

Việc thiếu ngôn ngữ nền tảng cũng là một trong những khó khăn của người học trong quá trình luyện Nghe chủ động. Việc thiếu vốn từ vựng liên quan tới chủ đề luyện nghe, hạn chế về phát âm gây ảnh hưởng tới việc nhận diện từ vựng hay kiến thức ngữ pháp không chắc chắn sẽ dẫn tới việc thu nạp thông tin một cách không đầy đủ, thậm chí là hiểu sai nội dung cần nghe.  

Giải pháp: Người học cần xác định kĩ năng nghe là một kĩ năng khó và việc luyện nghe là một quá trình bền bỉ và lâu dài. Tuy nhiên, nếu có sự kiên trì luyện tập nghe hàng ngày và lâu dài thì người nghe cũng sẽ cải thiện được dần khả năng nghe, xác định từ khóa và ý chính trong bài. Bên cạnh đó, người học cũng nên luyện tập song song với quá trình nghe các mảng kiến thức về từ vựng liên quan tới chủ đề, các cấu trúc câu phổ biến, diễn đạt trong văn nói. 

Thái độ của người nghe

Thái độ của người nghe sẽ ảnh hưởng một phần không nhỏ đến những thông tin mà họ thu nạp được trong quá trình nghe. Việc người nghe không đồng tình với quan điểm đang được nhắc đến dẫn đến các vấn đề về cảm xúc bắt nguồn từ ý kiến khác biệt, người học sẽ có xu hướng thể hiện thái độ tiêu cực (Winter, 1990). Điều này cũng sẽ khiến quá trình luyện Nghe trở thành một trải nghiệm không thoải mái và kém hiệu quả.

Giải pháp: Trong phương pháp Active Listening, việc thay đổi thái độ của người nghe tới nội dung được nghe cũng sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả luyện nghe. Dù nghe được coi là một kĩ năng thụ động, tuy nhiên việc lắng nghe chủ động giúp thay đổi thái độ, nhận thức, trải nghiệm của người nghe đối với vấn đề đang được nhắc tới (Rogers và  Farson, 1957). Vì vậy khi bắt đầu quá trình luyện nghe, người học bỏ qua những đánh giá chủ quan ban đầu nên giữ tinh thần rộng mở với nội dung sắp được nghe. 

Tổng kết

Lắng nghe chủ động là phương pháp lắng nghe với sự tham gia chủ động và có ý thức của tất cả các giác quan. Đây là nỗ lực để không chỉ thụ động nghe người khác nói mà cần hiểu rõ thông điệp họ truyền đạt. Nó đòi hỏi người nghe hoàn toàn tập trung, có sự tương tác và phản hồi với nội dung nghe.

Phương pháp này có thể được áp dụng cho người học ở tất cả các trình độ, đặc biệt đối với người học có trình độ từ pre-intermediate, học viên đã có nền tảng về Tiếng Anh đang gặp khó khăn trong việc luyện Nghe hiểu nội dung chính. Khi áp dụng Luyện nghe chủ động vào luyện nghe Tiếng Anh, hay cụ thể hơn là luyện kĩ năng IELTS Listening, người học biết được cần phải làm gì, đạt được mục tiêu gì trong mỗi giai đoạn Nghe chủ động. 

Tham khảo thêm khóa học IELTS online để được trải nghiệm quá trình học tập theo nhu cầu cá nhân và giải đáp những khó khăn gặp phải.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu