Ứng dụng phương pháp Mnemonics để tối ưu cách học từ vựng tiếng Anh
Việc bổ sung từ vựng đúng, đủ và đều đặn luôn là lời khuyên mà người học nhận được khi bắt tay vào học bất kỳ một ngôn ngữ mới nào. Tiếng Anh cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt đối với bài thi mang tính học thuật cao như IELTS, yêu cầu về từ vựng sẽ khá cao và việc đối mặt với hàng ngàn từ khó là chuyện không tránh khỏi. Trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu cho người học một phương pháp hiệu quả mang tên “Mnemonics" đã được ứng dụng nhiều trong cuộc sống và học tập mà có lẽ người học sẽ thấy quen thuộc khi nắm được nội dung của phương pháp.
Key takeaways
1. Phương pháp Mnemonics là phương pháp gắn dữ liệu cần nhớ với một thông tin quen thuộc hơn từ đó chuyển hoá dữ liệu phức tạp thành dạng dữ liệu dễ nắm bắt hơn cho bộ não.
2. Ngoài khả năng ứng dụng cho mọi lĩnh vực của cuộc sống, Mnemonics là một trong những phương pháp nổi bật được áp dụng trong lĩnh vực trí nhớ. Nhờ vậy, việc nạp từ mới sẽ trở nên đỡ nhọc nhằn hơn cho người học IELTS.
Phương pháp Mnemonics là gì?
Phát âm: /nəˈmɒnɪk/ (theo wikipedia)
Chắc hẳn bạn đọc không còn xa lạ với mẹo như trên ảnh minh hoạ trên, dùng khớp xương nhô lên của bàn tay (knuckle mnemonic) để nhớ số ngày trong tháng. Nhờ gắn liền những tháng có 31 ngày với khớp xương nhô lên và những tháng có 28 hoặc 30 ngày là những khoảng trũng giữa hai ngón, việc ghi nhớ dễ hơn bao giờ hết.
Có thể thấy, quy tắc đơn giản của Mnemonics là lựa chọn đối tượng có sự liên kết đặc biệt, gần gũi với đời sống của người học và sau đó gắn chúng với kiến thức cần được ghi nhớ. Khi kiến thức trừu tượng được mã hoá thành hình ảnh hoặc những đồ vật thân thuộc thì việc truy xuất dữ liệu cũng diễn ra nhanh chóng hơn. Hơn nữa, người học khi kết hợp phương pháp này để học từ vựng còn thúc đẩy được tối đa khả năng sáng tạo của bản thân bởi có muôn vàn sự liên tưởng và hình ảnh khác nhau để khám phá.
Phương pháp Mnemonics có bao nhiêu cách ghi nhớ?
Vì là phương pháp vận dụng nhiều sự sáng tạo và mẹo nên các phương pháp con của Mnemonics khá đa dạng. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ chỉ ra 2 cách đơn giản sau để bạn đọc dễ dàng ứng dụng cho việc học từ vựng của mình.
Phép bắc cầu
Trước khi tìm hiểu mô tả cách thực hiện phép bắc cầu, mời bạn đọc xét ví dụ sau đây.
Từ vựng cần nạp: stringent - phát âm /ˈstrɪn.dʒənt/
Đầu tiên, người học cùng tìm hiểu ý nghĩa của từ vựng qua câu sau:
“After the severe incident happened last week, stringent safety rules were proposed in order to mitigate working accidents at the construction site.”
(Tạm dịch: Sau một sự cố nghiêm trọng vào tuần trước, các quy tắc an toàn nghiêm ngặt đã được đề xuất để giảm thiểu tai nạn tại nơi công trường xây dựng.)
Vậy nghĩa của từ stringent chính là nghiêm ngặt. Để ghi nhớ từ mới này dễ dàng hơn, bạn đọc có thể thấy từ stringent có bắt đầu rất giống với từ strict, một từ có ý nghĩa tương tự nhưng đơn giản hơn và có thể quen thuộc hơn.
Xét ví dụ 2, từ cần nhớ: superficial - phát âm /suː.pəˈfɪʃ.əl/
Người học cùng tìm hiểu ý nghĩa của từ vựng qua câu sau:
“Some famous people are superficial, they do not hesitate to spend big bucks on their appearance yet invest too little time on improving their expertise.”
(Tạm dịch: Một số người nổi tiếng rất hời hợt, họ không ngần ngại chi tiền lớn cho vẻ ngoài của mình nhưng lại đầu tư quá ít thời gian cho việc nâng cao chuyên môn.)
Để nhớ nghĩa của từ superficial, từ mục đích có thể được phân tích thành 2 phần super- (có nghĩa là siêu hoặc rất) và -ficial có thể bắc cầu sang từ “facial" (nghĩa là bề mặt). Vậy ghép lại chúng ta có từ gợi nhớ là super facial, ý nghĩa là “rất bề mặt" để nhớ từ mục tiêu.
Vậy, phép bắc cầu chính là cách liên kết từ vựng đơn giản hơn và có nghĩa gần giống với từ vựng mục tiêu, từ đó giúp người học xây dựng được vốn từ theo cấp độ từ dễ đến khó.
Quy tắc chữ cái đầu
Cùng xét từ vựng chỉ 4 phương hướng chính trong tiếng Anh như sau: North, East, South, West.
Để nhớ cả 4 cụm này, đầu tiên bạn đọc có thể liệt kê 4 chữ cái đầu tiên của từng từ thành: N, E, S, W. Bước tiếp theo, nếu để ý một chút, các chữ cái này có thể sắp xếp lại thành một từ có nghĩa N-E-W-S và từ đó, người học sẽ khó quên được 4 phương hướng bằng cách nhớ thông qua từ News (tin tức). Vậy, để ghi nhớ tập hợp từ cùng nhóm, cùng loại, quy tắc chữ cái đầu sẽ giúp giải quyết được vấn đề này.
Một ví dụ khác để minh hoạ cho quy tắc chữ cái đầu. Ở ví dụ thứ hai này, nhóm thông tin người học muốn nhớ là tên các hành tinh trong hệ mặt trời, là những từ sẽ có ích trong IELTS speaking, chủ đề Space Travel (du hành không gian), như trong bảng dưới:
Tương tự như ví dụ một, những chữ cái bắt đầu của nhóm từ là: M, V, E, M, J, S, U, N.
Trong trường hợp đã thử ghép các chữ cái lại thành từ có nghĩa nhưng không khả thi (như trường hợp trên chỉ có 2 nguyên âm, còn lại là 6 phụ âm), bạn đọc có thể chuyển những chữ cái thành một câu có nghĩa như sau: “My very empathetic mother just served unique noodles”.
Hoặc nếu không cần nhớ theo thứ tự, người học hoàn toàn có thể đảo vị trí các chữ cái và thành lập câu theo ý mình như sau: “Michael Jackson’s vampire eats unhealthy new soup”.
Bạn đọc có thể dừng đọc và thử lấy giấy liệt kê lại 8 hành tinh bằng tiếng Anh vừa học bằng cách nhẩm lại một trong hai câu nói trên và cảm nhận độ hiệu quả của phương pháp. Danh sách 8 hành tinh là:
1.
2.
3.
4.
5.
6.
7.
8.
Như vậy, ngoài cách xếp chữ cái thành từ có nghĩa, bạn đọc có thể thử đặt câu dựa trên những chữ cái đó và nhờ đó, có thể truy xuất thông tin tốc độ vượt trội hơn.
Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp
Qua những ví dụ minh học trên, bạn đọc có thể thấy các phương pháp Mnemonics ứng dụng rất nhiều cách cài cắm mang tính mẹo và sáng tạo giúp cho việc học vừa thú vị hơn mà kiến thức còn được lưu trữ lâu dài hơn. Phương pháp có những ưu điểm dễ nhận thấy như:
Có thể khắc ghi kiến thức lâu hơn học thuộc lòng. Thời gian truy xuất thông tin nhanh hơn cách học truyền thống, tần suất từ vựng phải ôn tập lại sẽ ít hơn.
Đặc biệt Mnemonics có thể ứng dụng cho tất cả các cấp độ từ bắt đầu cho đến nâng cao. Dù là từ đơn lẻ hay nhóm từ vẫn có thể ứng dụng phương pháp.
Thúc đẩy sự sáng tạo không giới hạn của người học, bớt được việc học thuộc lòng danh sách từ vựng dài và có phần đơn điệu.
Song song đó, phương pháp vẫn tồn tại những hạn chế cũng như thử thách cho người học:
Mnemonics có thể sẽ gây khó khăn ở bước ban đầu cho người học ở cấp độ sơ khởi do còn ít vốn từ và chưa hình thành nhanh nhạy cách liên kết giữa từ mục tiêu và từ “bắc cầu”.
Tuy tiết kiệm được tần suất ôn tập nhưng đôi khi người học phải tốn thời gian kha khá để suy nghĩ ra những mẹo liên kết thật sự hiệu quả, chuyện bí ý tưởng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Không phải từ nào cũng có thể áp dụng Mnemonics để ghi nhớ.
Nhìn chung, bài toán nào cũng có nhiều lối giải và không phải cứ “áp dụng công thức” là ra. Học tiếng anh cũng vậy, người học nên kiên trì thử kết hợp nhiều hơn một phương pháp khi học từ vựng và tự rút ra kinh nghiệm cho riêng mình.
Tổng kết
Khi việc học trở nên khô khan thì những phương pháp sáng tạo như Mnemonics sẽ là một cứu cánh hỗ trợ người học. Hãy không ngừng phá vỡ những cách truyền thống để tiếp động lực không ngừng cho bản thân trên con đường chinh phục IELTS.
Đọc thêm: Học từ vựng bằng phương pháp lặp lại ngắt quãng - Spaced Repetition
Bình luận - Hỏi đáp