Banner background

Vai trò của Semantic Knowledge trong quá trình đọc hiểu đối với học viên ở các độ tuổi khác nhau

Bài viết này tập trung phân tích tầm quan trọng của kiến thức ngữ nghĩa (Semantic Knowledge) trong quá trình đọc hiểu, cũng như các lợi ích mà nó mang lại cho học viên ở từng độ tuổi: Từ trẻ nhỏ (Young Learners), thanh thiếu niên (Teenagers) đến người trưởng thành (Adults). Cuối cùng, bài viết cũng sẽ thảo luận về những yếu tố quan trọng khi ứng dụng kiến thức ngữ nghĩa vào giảng dạy và học tập, nhằm tối ưu hóa hiệu quả đọc hiểu cho từng nhóm học viên khác nhau.
vai tro cua semantic knowledge trong qua trinh doc hieu doi voi hoc vien o cac do tuoi khac nhau

Key takeaways

  • Kiến thức ngữ nghĩa (Semantic Knowledge) là gì? Đây là khả năng nhận thức ý nghĩa của từ, cụm từ và câu trong các ngữ cảnh cụ thể.

  • Vai trò của kiến thức ngữ nghĩa trong quá trình đọc hiểu:

    • Đối với học viên nhỏ tuổi (Young Learners): Giúp phát triển vốn từ vựng, trí tưởng tượng, và khả năng suy luận trong quá trình đọc hiểu.

    • Đối với học viên thanh thiếu niên (Teenagers) và học viên trưởng thành (Adults): Giúp phân tích ngôn ngữ phức tạp, nhận diện từ mới và phát triển kỹ năng suy luận.

  • Cách áp dụng kiến thức ngữ nghĩa để hỗ trợ việc đọc hiểu cho học viên nhỏ tuổi: Tạo môi trường ngôn ngữ phong phú, sử dụng phương pháp học tập trực quan, và khuyến khích trẻ khám phá thế giới xung quanh.

  • Cách áp dụng kiến thức ngữ nghĩa để hỗ trợ việc đọc hiểu cho học viên thanh thiếu niên và trưởng thành: Rèn luyện tư duy phân tích, tổng hợp; tạo điều kiện tham gia hoạt động ngoại khóa, và sử dụng công cụ hỗ trợ trực tuyến.

Giới thiệu

Kỹ năng đọc hiểu đóng vai trò then chốt trong quá trình học tập và phát triển ngôn ngữ. Đây không chỉ là việc nhận diện từ ngữ hay câu chữ, mà còn yêu cầu khả năng phân tích, xử lý, và tổng hợp thông tin một cách hệ thống. Để hiểu văn bản một cách toàn diện, học viên không chỉ cần tiếp cận nội dung ở bề mặt mà còn phải thấu hiểu ý nghĩa sâu xa của từ ngữ trong từng ngữ cảnh.

Một công cụ quan trọng hỗ trợ quá trình đọc hiểu ở mọi lứa tuổi là kiến thức ngữ nghĩa (Semantic Knowledge). Kiến thức này giúp người đọc hiểu rõ nghĩa của từ, cụm từ và câu, cũng như mối quan hệ của chúng với thế giới xung quanh. Nhờ đó, năng lực đọc hiểu của học viên được phát triển một cách toàn diện, góp phần nâng cao khả năng phân tích và xử lý thông tin hiệu quả hơn. 

Kiến thức ngữ nghĩa (Semantic Knowledge) là gì? 

Semantic Knowledge, hay kiến thức ngữ nghĩa, là khả năng nhận thức về ý nghĩa của từ ngữ và cách chúng liên kết trong câu và ngữ cảnh [1]. Ngoài ra, Semantic Knowledge còn được định nghĩa là “our ability to store a wealth of information about the meanings of objects, concepts, and words” [2, tr.2], tạm dịch là khả năng lưu trữ khối lượng lớn thông tin về ý nghĩa, khái niệm của các đối tượng và từ ngữ.

Nói một cách dễ hiểu, kiến thức ngữ nghĩa không chỉ đơn thuần là việc hiểu nghĩa từng từ riêng lẻ mà còn bao gồm khả năng nhận diện mối liên hệ giữa chúng. Điều này bao gồm việc nhận biết các đối tượng, tính chất, cũng như cách mà các từ, cụm từ và câu liên kết với nhau để tạo thành ý nghĩa hoàn chỉnh.

Ví dụ minh họa về kiến thức ngữ nghĩa

Chẳng hạn, khi đọc câu "The cat is sleeping on the sofa” (tạm dịch “Con mèo đang nằm ngủ trên ghế sofa"), chúng ta không chỉ hiểu từng từ như "con mèo", "đang nằm ngủ", "ghế sofa", mà còn hình dung ra bối cảnh và ý nghĩa của toàn bộ câu nhờ vào kiến thức ngữ nghĩa về loài mèo, hành động ngủ và đồ vật ghế sofa.

Một vài ví dụ của kiến thức ngữ nghĩa trong việc học tiếng anh có thể kể đến như:

Hiểu về từ đồng nghĩa và trái nghĩa:

  • Đồng nghĩa: big - large

  • Trái nghĩa: hot >< cold

Phân loại từ và các mối quan hệ giữa chúng:

  • Phân loại: “dog” là một loài động vật (danh từ) 

  • Mối quan hệ: “dog”, “cat”, “rabbit” đều thuộc nhóm “pets” (thú cưng)

Hiểu nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh:

  • Từ “bank” mang 2 nghĩa khác nhau tùy theo ngữ cảnh

  • He withdrew money from the bank. (Anh ấy rút tiền từ ngân hàng.)

  • She sat on the bank of the river, watching the sunset. (Cô ấy ngồi trên bờ sông, ngắm hoàng hôn.)

  • Từ “bat” mang 2 nghĩa khác nhau tùy theo ngữ cảnh

  • The bat flew out of the cave at dusk. (Con dơi bay ra khỏi hang vào lúc chạng vạng.)

  • He swung the bat and hit a home run. (Anh ấy vung gậy và ghi một điểm.)

Hiểu các khái niệm trừu tượng: hư “love” (tình yêu), “freedom” (tự do), “justice” (công lý) 

Hiểu các thành ngữ: như “break the ice” (phá vỡ sự ngại ngùng), “break a leg” (chúc may mắn).

Vai trò của kiến thức ngữ nghĩa trong quá trình đọc hiểu

Theo nghiên cứu từ tài liệu Age of Bilingual Exposure Is Related to the Contribution of Phonological and Semantic Knowledge to Successful Reading Development, nhận định rằng “Semantic Knowledge is an important link between decoding a word and reading comprehension” (tạm dịch: Kiến thức ngữ nghĩa đóng vai trò như một cầu nối giữa việc giải mã văn bản (nhận biết từ) và hiểu nội dung văn bản) [3, tr.312]. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, học viên sẽ nhận được những lợi ích riêng biệt từ kiến thức ngữ nghĩa.

image-alt

Đối với học viên nhỏ tuổi (Young Learners)

image-alt

Phát triển vốn từ vựng 

Một trong những lợi ích rõ ràng nhất của kiến thức ngữ nghĩa (Semantic Knowledge) đối với học viên nhỏ tuổi là giúp phát triển vốn từ vựng. Hệ thống từ vựng được hình thành và phát triển sớm đóng vai trò quyết định trong việc phát triển kỹ năng đọc hiểu của trẻ em [3].

Nghiên cứu của Ozfidan và Burlbaw [4] chỉ ra rằng những môi trường ngôn ngữ giàu cảm xúc và trải nghiệm trực quan (như chơi đùa, kể chuyện, đóng vai, học qua hình ảnh và âm thanh) mang lại lợi ích lớn cho học viên nhỏ tuổi. Khi trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ thông qua nhiều phương tiện khác nhau, hệ thống từ vựng của trẻ được xây dựng mạnh mẽ hơn, từ đó giúp nâng cao khả năng đọc hiểu.  

Phát triển trí tưởng tượng và khả năng suy luận

Ngoài từ vựng, kiến thức ngữ nghĩa còn giúp trẻ nhỏ phát triển khả năng suy luận khi đọc hiểu. Khi trẻ áp dụng kiến thức ngữ nghĩa vào quá trình đọc, các em không chỉ nhận diện từng từ đơn lẻ mà còn có thể liên kết ý nghĩa của chúng lại với nhau [5]. Từ việc kết nối những kiến thức nền sẵn có với ngữ cảnh của văn bản, trẻ sẽ phát triển khả năng suy luận trong khi đọc.

Điều này giúp ích rất lớn khi các em gặp phải những từ mới hoặc cấu trúc câu phức tạp. Trong trường hợp đó, người đọc vẫn có thể dựa vào kiến thức đã có để tưởng tượng và suy luận nội dung văn bản phù hợp với bối cảnh.

Ví dụ, khi trẻ đọc một câu chuyện về chú cáo trong rừng, kiến thức ngữ nghĩa sẽ giúp trẻ hiểu rằng “jungle” là nơi có cây cối và động vật, ngay cả khi trẻ chưa học từ "jungle" trước đó.

Chính hệ thống từ vựng và kỹ năng suy luận, được phát triển nhờ kiến thức ngữ nghĩa, sẽ hỗ trợ quá trình đọc hiểu của trẻ nhỏ. Những học viên có kiến thức nền phong phú sẽ dễ dàng kết nối nội dung mới với những gì đã biết, giúp việc đọc hiểu trở nên dễ dàng hơn.

Ví dụ, một đứa trẻ 5 tuổi đã từng nhìn thấy hoặc nghe về các loại rau củ sẽ dễ dàng hiểu nội dung của một cuốn sách tranh với chủ đề "My grandma’s garden". Khi đọc, trẻ có thể nhận biết các loại rau củ quả trong hình vẽ, hiểu những câu văn đơn giản miêu tả về hình dáng, màu sắc và cách trồng các loại rau củ. Ngược lại, một đứa trẻ chưa từng tiếp xúc với các loại rau củ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hiểu nội dung cuốn sách, dù có thể đọc trơn tru các từ ngữ.

Đối với học viên thanh thiếu niên (Teenagers) và học viên trưởng thành (Adults)

image-alt Lợi ích của kiến thức ngữ nghĩa đối với học viên thanh thiếu niên và người trưởng thành tương đối giống nhau, vì cả hai nhóm đều sử dụng nó để tiếp cận các văn bản phức tạp. Khi đọc, họ cần vận dụng khả năng phân tích và suy luận từ ngữ trong các văn bản mang tính học thuật cao và trừu tượng, giúp cải thiện khả năng đọc hiểu.

Phát triển nhận thức và xử lý ngôn ngữ phức tạp

Khi học viên ở độ tuổi cấp 2 và cấp 3, họ bắt đầu tiếp cận với các văn bản học thuật phức tạp hơn (như các bài viết về lịch sử, khoa học, văn học...). Lúc này, khả năng nhận thức và thần kinh của học viên đã phát triển, cho phép họ xử lý các cấu trúc ngôn ngữ phức tạp và các khái niệm trừu tượng. Khả năng này giúp họ phân tích và hiểu sâu hơn về ngữ cảnh, đồng thời suy luận các ý nghĩa ẩn sau câu chữ [4].

Khi tiếp cận các văn bản học thuật chứa nhiều từ vựng khó, học viên có thể dùng kiến thức ngữ nghĩa để phân tích ngữ cảnh và suy luận ý nghĩa của từ hoặc câu. Chẳng hạn, trong một bài đọc tiếng Anh về lịch sử với câu: “The Industrial Revolution, which began in the late 18th century, had profound effects on the social and economic fabric of society.” Kiến thức ngữ nghĩa giúp học viên không chỉ hiểu từ đơn lẻ như "Industrial Revolution" và "profound effects", mà còn nhận ra rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp không chỉ là một sự kiện lịch sử mà còn có tác động sâu sắc đến nhiều khía cạnh đời sống xã hội.

Cải thiện khả năng nhận diện và ghi nhớ từ

Một nghiên cứu về việc áp dụng kiến thức ngữ nghĩa nhằm tăng cường khả năng đọc hiểu đã chỉ ra rằng, kiến thức này giúp học viên cải thiện khả năng nhận diện từ ngữ, đặc biệt là những từ ít phổ biến hoặc có tính học thuật cao [6]. Điều này giúp họ hiểu các văn bản phức tạp hơn, bao gồm cả những từ không quen thuộc. Khi gặp từ mới, học viên có thể dựa vào kiến thức ngữ nghĩa và ngữ cảnh để suy luận ra ý nghĩa của từ đó [7].

Ví dụ, khi đọc một đoạn văn tiếng Anh về sinh thái học với câu: “The symbiotic relationship between certain species allows them to thrive in environments with scarce resources,” dù chưa quen với từ “symbiotic,” học viên có thể dựa vào các từ xung quanh như “relationship” và “thrive in environments with scarce resources” để suy luận rằng “symbiotic” ám chỉ một mối quan hệ tương trợ giữa các loài sinh vật. Khả năng này giúp học viên ghi nhớ và vận dụng từ vựng mới trong những tình huống khác khi học tiếng Anh.

Phát triển khả năng suy luận

Ngoài việc cải thiện khả năng nhận diện và ghi nhớ từ, kiến thức ngữ nghĩa còn hỗ trợ phát triển kỹ năng suy luận. Khi đọc những văn bản phức tạp, học viên phải không chỉ hiểu mặt ngữ nghĩa bề mặt mà còn suy đoán các ý nghĩa ngầm và kết nối thông tin để đưa ra các kết luận hợp lý. Điều này đòi hỏi họ phải kết hợp kiến thức nền tảng từ nhiều lĩnh vực và suy luận logic.

Ví dụ, trong một đoạn văn tiếng Anh về biến đổi khí hậu: “Climate change is affecting weather patterns around the world, causing more frequent and severe storms, droughts, and floods,” dù đoạn văn không trực tiếp nói đến tác động của biến đổi khí hậu đối với con người, học viên có thể suy luận rằng những thay đổi này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như mất mùa, phá hủy nhà cửa, và gia tăng nguy cơ về sức khỏe.

Cách áp dụng kiến thức ngữ nghĩa để hỗ trợ việc đọc hiểu cho học viên nhỏ tuổi

image-alt

Tạo môi trường ngôn ngữ phong phú

Theo nghiên cứu của Connor và các cộng sự [8], trẻ em tiếp xúc sớm với ngôn ngữ sẽ có khả năng đọc hiểu tốt hơn. Vì vậy, xây dựng môi trường học tập giàu ngữ nghĩa và từ vựng là điều không thể thiếu. Môi trường này có thể bao gồm sách truyện, truyện tranh, bảng từ vựng, và thơ ngắn.

Trong thực tế, tại các trường mầm non và mẫu giáo, giáo viên có thể tạo một góc sách về động vật, gồm nhiều sách tranh miêu tả các loài như “tiger”, “elephant”, “monkey”. Khi trẻ xem tranh và nghe kể về các loài động vật, trẻ sẽ học thêm từ mới và liên kết với hình ảnh thực tế. Điều này không chỉ giúp phát triển vốn từ mà còn giúp trẻ hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh.

Ngoài ra, giáo viên có thể thiết kế các góc học tập đa dạng với nhiều loại sách phù hợp cho từng độ tuổi và sở thích. Ví dụ, ngoài sách tranh về động vật, giáo viên cũng có thể bổ sung truyện ngắn, truyện cổ tích và thơ ngắn với từ vựng phong phú về các chủ đề như mùa, thiên nhiên, gia đình. Những tài liệu này không chỉ giúp mở rộng vốn từ mà còn giới thiệu các cấu trúc câu và cách diễn đạt khác nhau, giúp trẻ làm quen với nhiều kiểu ngôn ngữ.

Sử dụng các phương pháp học tập sinh động, trực quan

Ngoài môi trường học tập, phương pháp học tập mang tính trải nghiệm và trực quan cũng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em. Giáo viên có thể tận dụng trò chơi, kể chuyện và các hoạt động tương tác để giúp trẻ học từ vựng và hiểu ngữ cảnh sử dụng từ.

Chẳng hạn, trong một bài học về từ vựng liên quan đến đồ vật trong nhà, giáo viên có thể tổ chức trò chơi “Finding objects”. Trẻ sẽ tìm các đồ vật như “table”, “chair”, “cup” trong lớp học, sau đó ghép từ với hình ảnh tương ứng. Cách làm này không chỉ giúp trẻ nhớ từ mà còn tạo mối liên kết giữa từ và đối tượng thực tế, qua đó phát triển hiệu quả kiến thức ngữ nghĩa.

Xem thêm: Semantic mapping là gì? Ứng dụng trong việc dạy và học từ vựng như thế nào?

Khuyến khích trẻ khám phá thế giới xung quanh

Giáo viên cũng có thể giúp trẻ mở rộng kiến thức nền tảng, từ đó liên kết những gì trẻ học được trong thực tế với ngôn ngữ trong văn bản, giúp cải thiện khả năng đọc hiểu [9]. Các hoạt động như khám phá ngoài trời hoặc tiếp cận các chủ đề mới trong cuộc sống hằng ngày có thể làm phong phú thêm vốn từ vựng của trẻ một cách tự nhiên.

Ví dụ, trong một chuyến dã ngoại tới công viên, giáo viên có thể giúp trẻ nhận diện các loài cây, hoa và côn trùng. Giáo viên sẽ giới thiệu từ mới như “tree”, “butterfly”, “rose” và giải thích đặc điểm của chúng. Sau chuyến đi, trẻ có thể vẽ lại những gì đã nhìn thấy và ghi nhớ từ vựng mới. Sự kết nối ngôn ngữ với trải nghiệm thực tế này giúp trẻ xây dựng nền tảng ngữ nghĩa vững chắc, từ đó cải thiện khả năng đọc hiểu sau này.

Cách áp dụng kiến thức ngữ nghĩa để hỗ trợ việc đọc hiểu cho học viên thanh thiếu niên và trưởng thành

image-alt

Rèn luyện kỹ năng tư duy, phân tích, tổng hợp

Để hỗ trợ học viên phát triển kỹ năng đọc hiểu, giáo viên có thể áp dụng nhiều chiến lược, trong đó có việc rèn luyện tư duy, phân tích và tổng hợp. Thay vì chỉ đơn thuần cung cấp định nghĩa từ vựng, giáo viên nên hướng dẫn học viên cách phân tích ngữ cảnh để suy luận ý nghĩa của từ. Những bài tập yêu cầu học viên suy luận dựa trên kiến thức nền tảng và khả năng phân tích ngữ nghĩa sẽ giúp các em phát triển tư duy logic và khả năng tổng hợp thông tin. Điều này không chỉ cải thiện khả năng đọc hiểu mà còn giúp các em linh hoạt hơn khi xử lý các văn bản học thuật phức tạp.

Xem thêm: Phương pháp học từ vựng theo ngữ cảnh là gì và cách ứng dụng

Bên cạnh đó, giáo viên có thể tạo điều kiện cho học viên tiếp cận các văn bản chuyên ngành hoặc có tính học thuật cao để thực hành áp dụng kiến thức ngữ nghĩa. Những văn bản này giúp học viên mở rộng vốn từ vựng và rèn luyện khả năng suy luận, phân tích ngữ nghĩa trong các tình huống thực tế. Ví dụ, khi học viên đọc một báo cáo khoa học về công nghệ, giáo viên có thể yêu cầu họ phân tích ngữ nghĩa của các từ như "innovation" hoặc "technological advancements" để hiểu sâu hơn về nội dung.

Tạo điều kiện tham gia hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế

Ngoài việc học lý thuyết, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm thực tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng đọc hiểu. Giáo viên nên kết hợp các bài học với những chủ đề mà học viên quan tâm, chẳng hạn như công nghệ, môi trường hoặc các vấn đề xã hội. Sự kết nối giữa lý thuyết và thực tế sẽ giúp học viên dễ dàng hơn khi tiếp cận các văn bản học thuật phức tạp.

Khuyến khích học viên tham gia thảo luận nhóm cũng là cách hiệu quả để các em trao đổi và suy luận về các từ vựng hoặc cấu trúc ngôn ngữ phức tạp. Điều này không chỉ phát triển kỹ năng đọc hiểu mà còn cải thiện khả năng làm việc nhóm và giao tiếp của học viên.

Sử dụng công cụ hỗ trợ trực tuyến

Cuối cùng, việc sử dụng các công cụ hỗ trợ trực tuyến là một phương pháp hữu hiệu giúp học viên nâng cao kỹ năng đọc hiểu. Các ứng dụng hoặc phần mềm học tập cung cấp định nghĩa, ngữ cảnh và ví dụ cụ thể của từ vựng, giúp học viên dễ dàng tiếp cận tài liệu và học hỏi bất kỳ lúc nào. Nhờ đó, học viên có thể tự giải quyết các vấn đề ngữ nghĩa trong quá trình học mà không cần giáo viên can thiệp trực tiếp. Điều này đồng thời giúp các em nâng cao khả năng đọc hiểu thông qua việc tự xử lý các vấn đề từ vựng một cách linh hoạt và nhanh chóng, từ đó phát triển kỹ năng xử lý ngôn ngữ phức tạp.

Xem thêm:

Tổng kết

Kiến thức ngữ nghĩa (semantic knowledge) đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện khả năng đọc hiểu của học viên ở mọi độ tuổi, từ trẻ nhỏ đến thanh thiếu niên và người trưởng thành. Đối với trẻ nhỏ, nó giúp phát triển vốn từ vựng và khả năng nhận diện từ, trong khi thanh thiếu niên và người trưởng thành sử dụng nó để tiếp cận và phân tích các văn bản phức tạp hơn.

Tuy nhiên, hiệu quả của kiến thức ngữ nghĩa còn phụ thuộc vào cách áp dụng trong giảng dạy, bao gồm việc tạo ra môi trường học tập phong phú và sử dụng các phương pháp trực quan. Mặc dù việc sử dụng công cụ hỗ trợ trực tuyến mang lại sự linh hoạt và tiện lợi, nhưng nó cũng đòi hỏi sự định hướng đúng đắn từ giáo viên để đảm bảo học viên có thể phát triển kỹ năng đọc hiểu một cách toàn diện hơn.

Tham vấn chuyên môn
Thiều Ái ThiThiều Ái Thi
Giáo viên
“Learning satisfaction matters” không chỉ là phương châm mà còn là nền tảng trong triết lý giáo dục của tôi. Tôi tin chắc rằng bất kỳ môn học khô khan nào cũng có thể trở nên hấp dẫn dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên. Việc giảng dạy không chỉ đơn thuần là trình bày thông tin mà còn khiến chúng trở nên dễ hiểu và khơi dậy sự tò mò ở học sinh. Bằng cách sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, kết hợp việc tạo ra trải nghiệm tương tác giữa giáo viên và người học, tôi mong muốn có thể biến những khái niệm phức tạp trở nên đơn giản, và truyền tải kiến thức theo những cách phù hợp với nhiều người học khác nhau.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...