Academic Writing: Những hiểu lầm thường gặp và sự thật
Viết học thuật (Academic Writing) là loại văn được sử dụng ngày càng phổ biến, được bắt gặp nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ luận văn của các sinh viên đến những bài nghiên cứu được đăng trên báo của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Viết học thuật giúp người viết đào sâu, đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực mình theo đuổi, cũng như cải thiện chuyên môn và tư duy phản biện của bản thân. Quan trọng là vậy nhưng hiện nay còn tồn tại một số hiểu lầm về thể loại văn này. Để biết được đâu là sự thật của những hiểu lầm này, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Đọc thêm: Viết học thuật là gì – Từ và những cụm từ cần tránh trong viết học thuật
Những hiểu lầm thường gặp về Academic Writing
Phải dùng cấu trúc câu và từ vựng phức tạp
Nhiều người cho rằng khi viết các bài viết học thuật, người viết cần sử dụng các dạng ngữ pháp, cấu trúc câu dài, phức tạp cùng các từ vựng cao siêu. Với hiểu lầm này, thay vì sử dụng các câu đơn gãy gọn, người viết có xu hướng sử dụng nhiều liên từ và mệnh đề phụ để liên kết các câu đơn với nhau, khiến câu văn dài hơn, cấu trúc ngữ pháp trở nên phức tạp hơn. Về từ vựng, nhiều người viết ưa chuộng sử dụng các từ hoa mỹ, có tính chất phóng đại.
Nếu người viết lạm dụng các cấu trúc, từ vựng phức tạp, bài viết học thuật có thể trở nên khó hiểu, tối nghĩa. Khi đó, mục đích cuối cùng của viết học thuật nói riêng và các bài viết nói chung là truyền tải thông tin đã không đạt được. Hơn nữa, việc sử dụng cách viết phức tạp có thể khiến người viết, đặc biệt là những người không phải là người bản xứ (non-native English writers), mắc các lỗi sai về ngữ pháp hay sử dụng từ sai ngữ cảnh do chưa hiểu hết ý nghĩa của từ.
Ví dụ:
Sweet và mellifluous đều có nghĩa là ngọt trong tiếng Việt. Tuy nhiên, trong khi sweet có thể vừa dùng để diễn tả vị ngọt của món ăn (sweet food) vừa miêu tả một âm thanh, giọng nói ngọt ngào, dễ nghe (a sweet voice) thì mellifluous chỉ dùng để diễn tả âm thanh (the mellifluous sound of the piano). Vì vậy, nếu người viết miêu tả một món ăn có vị ngọt là a mellifluous dish thì bài viết học thuật sẽ không trở nên hàn lâm hơn mà còn có thể bị đánh giá thấp do lỗi sai về sử dụng từ vựng.
Nếu người viết viết engaging in verbal confabulation thay cho having a conversation thì sẽ gây khó hiểu không cần thiết cho người đọc. Hơn nữa, confabulation còn mang sắc thái là chuyện phiếm, nếu người viết chưa ý thức được sắc thái nghĩa này thì có thể khiến câu văn bị diễn đạt sai lệch.
Nguyên nhân chính của quan điểm này là nhiều người cho rằng mức độ phức tạp của bài viết học thuật tỉ lệ thuận với trình độ học vấn của người viết. Theo định nghĩa, viết học thuật là lối viết nhằm truyền tải những nội dung phức tạp với các quy chuẩn cao, khắt khe về bố cục, văn phong, từ vựng. Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng bài viết học thuật càng phức tạp càng được đánh giá cao. Nói cách khác, các từ ngữ thông dụng, đại chúng hay các cấu trúc ngữ pháp đơn giản phản ánh trình độ học vấn hạn chế của người viết.
Đọc thêm: 20 cấu trúc thông dụng trong giao tiếp tiếng Anh – Phần 1
Tuy nhiên, họ đã bỏ qua một phần quan trọng trong định nghĩa về viết học thuật. Đó là viết học thuật hướng đến một lượng lớn người đọc, bao gồm cả những độc giả chuyên và không chuyên về chủ đề bài viết. Vì vậy, văn phong của viết học thuật tuy trang trọng, nhưng thông điệp chính của bài viết phải đảm bảo được trình bày rõ ràng, dễ hiểu để mọi người đọc thuộc các trình độ khác nhau đều có thể tiếp cận.
Để khắc phục vấn đề này, người viết cần lựa chọn từ dựa trên tính phù hợp của từ ngữ với ngữ cảnh bài viết, lựa chọn cấu trúc câu dựa trên nội dung người viết muốn nhấn mạnh. Ngoài ra, cần phân biệt danh từ chuyên môn (technical term) và biệt ngữ (jargon).
Ví dụ: Hed và dek là các biệt ngữ trong giới báo chí, người đọc phổ thông khó có thể hiểu được ý nghĩa của các từ này. Vì vậy, trong viết học thuật, người viết nên thay thế các từ này bằng các danh từ chuyên môn tương ứng là headline (tiêu đề) và sub-headline (tiêu đề phụ).
Academic Writing phải luôn là nguyên bản
Nhiều người cho rằng các bài viết học thuật phải luôn nguyên bản, tức phải luôn dựa hoàn toàn trên các nghiên cứu của tác giả, không được sử dụng kết quả nghiên cứu của các cá nhân khác dưới mọi hình thức. Nếu không, người viết sẽ mắc lỗi đạo văn (plagiarism).
Hiểu lầm này gây khó khăn cho người viết và dẫn đến một số hạn chế cho viết học thuật. Thứ nhất, mỗi cuộc khảo sát, nghiên cứu thường yêu cầu sự đầu tư lớn về nhiều mặt như nhân lực, thời gian, tài chính, cơ sở vật chất. Một bài viết học thuật thường là kết luận đúc kết từ nhiều cuộc nghiên cứu. Vì vậy, người viết sẽ hao tổn một khối lượng đáng kể tài nguyên về vật chất và tinh thần. Thứ hai, kết quả nghiên cứu của cá nhân người viết có thể chưa hoàn toàn chuẩn xác, khiến bài viết học thuật thiếu chính xác, làm người đọc tiếp nhận thông tin sai lệch.
Thực tế, mặc dù tính nguyên bản là điều được khuyến khích trong viết học thuật, người viết không bắt buộc chỉ được sử dụng các kết quả nghiên cứu của mình. Trái lại, người viết có thể sử dụng sản phẩm của các tác giả trước với điều kiện có trích dẫn nguồn của tư liệu. Điều này vừa giúp người viết tiết kiệm các tài nguyên trong quá trình viết học thuật, vừa giúp người viết đối chiếu kết quả nghiên cứu của bản thân với của các tác giả khác để đem đến cho người đọc cái nhìn tổng quan, toàn diện, chính xác hơn về vấn đề.
Ví dụ, cuốn sách được coi là nhập môn của dân kinh tế, Principles of Economics (Nguyên lý kinh tế học) của giáo sư trường Đại học Havard N. Gregory Mankiw là một bài viết học thuật được viết dưới sự tham khảo của nhiều nghiên cứu trước đó, bao gồm tác phẩm kinh điển The wealth of nations (Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia) của nhà kinh tế học Adam Smith. Hiện nay, nhiều tổ chức đã xây dựng quy tắc trích nguồn tư liệu tham khảo của riêng mình như phong cách trích nguồn Havard, APA (American Psychological Association), MLA (Modern Language Association).
Người viết cần đưa ra quan điểm tuyệt đối
Một hiểu lầm tiếp theo đó là người viết cần đưa ra kết luận rạch ròi về tính đúng – sai, tốt – xấu của vấn đề. Tuy nhiên, trong nghiên cứu khoa học, câu trả lời cho mọi vấn đề thường không đơn thuần. Bản thân mỗi sự vật, hiện tượng đều tồn tại các mặt khác nhau, các mặt này đôi khi còn đối lập, mâu thuẫn.
Việc đưa ra câu trả lời tuyệt đối về các mặt của vấn đề nghiên cứu, do đó, làm viết học thuật mất tính khách quan và chính xác. Hiểu lầm này còn gây khó khăn cho người viết trong trường hợp họ phải đưa ra câu trả lời không hoàn toàn khớp với kết quả nghiên cứu.
Sự thật là, đối với viết học thuật, người viết cần đưa ra kết luận dựa trên kết quả nghiên cứu. Nếu vấn đề nghiên cứu phức tạp, đa chiều thì bài viết học thuật cần phản ánh đúng tính phức tạp, đa chiều của vấn đề thay vì tuyệt đối hóa nó.
Ví dụ: Với dạng bài opinion trong IELTS Writing Task 2 (VD: To what extent do you agree or disagree, Is it a positive or negative trend), người viết không bắt buộc phải hoàn toàn đồng ý hoặc hoàn toàn phản đối vấn đề được nêu trong đề bài vì mọi vấn đề đều có mặt phải mặt trái, có tính tốt xấu tương đối của nó. Thí sinh có thể chỉ đồng ý một phần và điều này không làm giảm điểm số bài viết.
Có thể đưa ý kiến, cảm xúc cá nhân vào Academic Writing
Văn học thường để thể hiện quan điểm của tác giả. Một số thể loại văn còn đề cao cái tôi của người viết như bút ký, biểu cảm. Vì vậy, tồn tại hiểu lầm rằng đối với viết học thuật, người viết cũng có thể thể hiện quan điểm, cảm xúc của mình. Cụ thể, các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và thứ hai (I, you, we) có thể được sử dụng tùy ý, việc thể hiện cảm xúc qua các từ cảm thán và dấu câu (!) là được chấp nhận, hay người viết có thể thể hiện thành kiến hoặc thiên vị của mình với một vấn đề của bài viết học thuật.
Hiểu lầm này ảnh hưởng đến một đặc tính quan trọng của viết học thuật – tính khách quan. Nếu người viết đưa ý kiến, cảm xúc cá nhân vào viết học thuật, độc giả có thể bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người viết, phải nhìn vấn đề dưới lăng kính của tác giả. Điều này sẽ cản trở họ trong việc hình thành chính kiến khách quan về vấn đề được bàn luận.
Sự thật là, với mục đích truyền tải thông tin khách quan, chính xác đến người đọc, viết học thuật yêu cầu người viết phải đứng trên góc độ của một người nghiên cứu khoa học thay vì đứng trên góc độ cá nhân. Viết học thuật đề cao tư duy logic dựa trên các dẫn chứng cụ thể hơn các suy đoán dựa trên cảm tính, không có số liệu chứng minh. Vì vậy, người viết cần giữ thái độ trung lập, tránh thể hiện ý kiến hay cảm xúc mang tính cá nhân.
Ví dụ: Trong IELTS Writing Task 1, thí sinh được yêu cầu tóm tắt và báo cáo các thông tin được đưa ra trong biểu đồ. Người viết không nên chèn thêm cảm xúc vui, buồn của cá nhân về vấn đề được nêu trong đề bài hay các suy đoán không căn cứ về lí do số liệu thu thập được biến đổi qua các năm.
Academic Writing không có sự sáng tạo
Viết học thuật có những quy chuẩn khắt khe từ bố cục, văn phong đến từ ngữ. Người viết phải tuân theo những tiêu chuẩn định sẵn này nhằm đảm bảo tính khách quan của bài viết. Do đó, nhiều người cho rằng không có chỗ cho sự sáng tạo của tác giả ở viết học thuật.
Tuy nhiên, trên thực tế, tính sáng tạo của người viết là cần thiết cho nhiều quá trình, giai đoạn của viết học thuật. Trong khâu khảo sát, thí nghiệm, sự sáng tạo trong xây dựng giả thuyết và phương pháp tiếp cận vấn đề là cần thiết. Trong khâu trình bày kết quả nghiên cứu, sự sáng tạo của người viết lại tiếp tục cần được khai thác để đưa ra cách trình bày thông tin rõ ràng, thú vị nhất đối với người đọc.
Tổng kết
Bài viết trên đây đã trình bày cái nhìn tổng quát về viết học thuật, phân tích các hiểu lầm thường gặp về viết học thuật và nêu ra các sự thật tương ứng. Hi vọng thông qua bài viết, người đọc sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về các vấn đề xoay quanh thể loại văn này.
Dương Yến Mỹ
Bình luận - Hỏi đáp