Reading là một phần thi gây trở ngại đối với một số người học tiếng Anh. Trong bài thi B2 First Reading, thí sinh phải thể hiện tốt ở nhiều dạng câu hỏi ở các chủ đề khác nhau. Bài viết này sẽ giới thiệu một cách toàn diện về cấu trúc của bài thi, cùng với cách tính điểm. Ngoài ra, người học sẽ được tìm hiểu về các dạng bài, từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất. Đồng thời, bài viết cũng chia sẻ chiến thuật ôn luyện hiệu quả dành cho đối tượng đang chuẩn bị cho bài thi này.
Key takeaways | ||
---|---|---|
|
Cấu trúc bài thi B2 First Reading
Bài thi B2 First (FCE) Reading nằm trong phần thi Reading and Use of English. Phần thi này diễn ra trong 75 phút (đã bao gồm thời gian chuyển đáp án vào answer sheet). Đề thi được chia làm 7 phần, mỗi phần là một dạng câu hỏi cố định, áp dụng cho mọi bài thi. Có tổng cộng 52 câu hỏi trong toàn bộ bài thi.
Use of English: phần 1, 2, 3, 4 (chiếm 30 câu)
Reading: phần 5, 6 và 7 (chiếm 22 câu).
Bài viết dưới đây chỉ tập trung giới thiệu phần thi của kỹ năng Reading.
Đề thi B2 First Reading được thiết kế để đánh giá khả năng đọc của thí sinh đối với đa dạng các loại văn bản và trả lời các câu hỏi kiểm tra mức độ thông hiểu của thí sinh. Các đoạn văn bản thường được trính từ báo, tạp chí, sách, tài liệu quảng cáo,…
Part 5: Multiple choice
Số câu hỏi: 6
Thí sinh đọc một đoạn văn bản và trả lời 6 câu hỏi với 4 phương án lựa chọn A, B, C, D cho mỗi câu.
Các câu hỏi có thể tập trung vào các ý chính hoặc chi tiết trong văn bản cũng như thái độ hoặc ý kiến của tác giả. Thí sinh cũng có thể được yêu cầu suy luận nghĩa của một từ hoặc cụm từ, chẳng hạn như đại từ. Ngoài ra, các câu hỏi có thể tập trung vào giọng điệu của văn bản hoặc mục đích của người viết cũng như việc sử dụng ví dụ hoặc so sánh.
Ví dụ về bài đọc Part 5.
Part 6: Gapped text
Số câu hỏi: 6
Thí sinh đọc một trang văn bản có 6 khoảng trống được đánh số thể hiện các câu còn thiếu trong văn bản. Sau văn bản có một danh sách 7 câu. Thí sinh chọn câu nào phù hợp nhất để điền với từng chỗ trống. Có một câu không phù hợp để điền vào chỗ trống nào.
Thí sinh được đánh giá về khả năng hiểu cấu trúc và cách phát triển của một văn bản. Vì vậy, thay vì tập trung vào từng câu riêng lẻ, thí sinh cần có khả năng theo dõi sự phát triển của ý tưởng, quan điểm và sự kiện xuyên suốt toàn bộ văn bản cũng như các công cụ gắn kết của văn bản.
Ví dụ về bài đọc Part 6.
Part 7: Multiple matching
Số câu hỏi: 10
Thí sinh được cho các câu hỏi và một văn bản được chia thành nhiều phần hoặc nhiều văn bản ngắn. Thí sinh cần nối từng câu hỏi với văn bản tương ứng chứa câu trả lời cho câu hỏi đó.
Để làm dạng bài này, thí sinh cần hiểu chi tiết, thái độ hoặc quan điểm trong câu hỏi và xác định vị trí phần văn bản mà ý tưởng đó được thể hiện, loại bỏ những ý tưởng ở những phần khác có thể trông tương tự nhưng không phản ánh chính xác toàn bộ câu hỏi. Một số lựa chọn có thể đúng cho nhiều câu hỏi.
Ví dụ về bài đọc Part 7.
Cách tính điểm bài thi B2 First Reading
Số điểm ở mỗi phần được tính như sau:
Part 5: 2 điểm mỗi đáp án đúng (6 câu) → tối đa 12 điểm
Part 6: 2 điểm mỗi đáp án đúng (6 câu) → tối đa 12 điểm
Part 7: 1 điểm mỗi đáp án đúng (10 câu) → tối đa 10 điểm.
Như vậy, số điểm tối đa mà thí sinh có thể đạt được trong phần thi Reading là 34 điểm.
Chiến thuật ôn luyện các dạng bài trong B2 First Reading hiệu quả
Đối với dạng Multiple choice (Part 5)
Đối với dạng bài này, tác giả khuyến nghị các bước làm bài sau đây:
Bước 1:
Đọc kỹ câu hỏi để xác định dạng bài trả lời câu hỏi hay dạng hoàn thành câu chưa hoàn chỉnh. Đồng thời người học cũng cần hiểu câu hỏi để xác định loại thông tin cần tìm trong bài đọc.
Bước 2: Bước này có thể thực hiện đồng thời cùng bước 1. Thí sinh xác định từ khóa (keywords) trong câu hỏi. Lưu ý không nên đọc hay gạch chân keyword ở các lựa chọn (options) vì thông thường các option được viết khá dài. Điều này có thể làm gây nhiễu thông tin cho một số thí sinh.
Bước 3: Xác định vị trí chứa thông tin liên quan đến câu hỏi và từ khóa. Tập trung đọc các thông tin xuất hiện xung quanh từ khóa để hiểu rõ và chính xác ý nghĩa của câu.
Bước 4: Đọc phương án để xác định câu trả lời đúng.
Bước 5: Kiểm tra lại đáp án để đảm bảo sự lựa chọn của thí sinh là đúng bằng cách xác định những phương án còn lại sai ở đâu.
Lời khuyên khi làm dạng bài Multiple choice:
Thí sinh không nên bám sát và phụ thuộc vào keywords và chọn ngay phương án có keywords đó. Thí sinh cần kiểm tra xem ý thể hiện của một phướng án có được phản ánh chính xác trong văn bản hay không bởi vì các từ/ cụm từ thường đã được diễn đạt theo một cách khác nhưng không thay đổi nghĩa (paraphrase).
Thí sinh nên đánh dấu các câu đã giải quyết xong để có thể tiết kiệm thời gian trong việc xác định vị trí thông tin cho các câu hỏi tiếp theo bởi vì các câu hỏi tuân theo vị trí chứa thông tin trong văn bản.
Đối với dạng Gapped text (Part 6)
Đối với dạng bài này, tác giả khuyến nghị các bước làm bài sau đây:
Bước 1:
Đọc lướt văn bản để nắm được ý chính và cách phát triển nội dung và lập luận của tác giả.
Bước 2: Đọc kỹ các câu trước và sau chỗ trống. Gạch chân một số keywords quan trọng để hiểu được bài viết đang nói về nội dung gì, mạch văn diễn biến ra sao.
Bước 3: Chọn câu phù hợp để điền vào chỗ trống. Lựa chọn đúng là lựa chọn có thông tin liên quan và phù hợp với diễn biến đã xác định ở bước 2. Lựa chọn đúng cũng có thể có thông tin mang tính giải thích hay mở rộng cho thông tin trước chỗ trống.
Bước 4: Thực hiện song song bước 2, 3 và 4 liên tục cho tới đoạn văn cuối cùng.
Lời khuyên và một số lưu ý khi làm dạng bài Gapped text:
Trong quá trình làm, nếu chưa điền được một ô trống nào đó, người học có thể chuyển sang các câu khác trong phần và sau đó dùng phương pháp loại trừ để chọn đáp án phù hợp nhất.
Mỗi phương án chỉ được sử dụng một lần. Có một đáp án không được chọn.
Với dạng bài này, một số thí sinh gặp lỗi lựa chọn đáp án phù hợp với đoạn trước chỗ trống, mà không kiểm tra thông tin sau chỗ trống có phù hợp không (và ngược lại). Vì vậy, người học phải cân nhắc sự phát triển của cả đoạn, không nên tập trung vào mỗi đoạn trống.
Một số cách phát triển của đoạn thường gặp là thứ tự thời gian, nguyên nhân – kết quả, vấn đề – giải pháp vì vậy người học cần biết rõ các phương thức kết nối các mối liên hệ này.
Thí sinh có thể tìm hiểu kỹ hơn về dạng bài này tại bài viết: Phương pháp làm bài gapped-text trong FCE/CAE/CPE.
Đối với dạng Multiple matching (Part 7)
Đối với dạng bài này, tác giả khuyến nghị các bước làm bài sau đây:
Bước 1: Đọc trước 10 câu hỏi và gạch chân từ khóa quan trọng ở mỗi câu.
Bước 2: Đọc thật kỹ đoạn văn đầu tiên, xác định ý chính của đoạn đó.
Bước 3: Đọc các câu hỏi theo thứ tự từ trên xuống và nối các câu hỏi mà đoạn văn thí sinh đang đọc có chứa câu trả lời cho các câu hỏi đó.
Bước 4: Lần lượt thực hiện bước 2, 3 ở các đoạn văn tiếp theo (đoạn B, C, D, …).
Lời khuyên và một số lưu ý khi làm dạng bài Multiple matching:
Tất cả các đoạn văn đều chứa ít nhất một câu trả lời cho câu hỏi. Vì vậy, sau khi làm xong tất cả 10 câu, nếu thí sinh thấy đáp án của mình không chứa một trong các đoạn văn thì việc thí sinh cần làm là rà soát lại. Thí sinh có thể ưu tiên kiểm tra những câu nối nhiều (hơn 2 lần) với một đoạn nào đó.
Ví dụ đoạn A nối với 3 câu nhưng đoạn B không nối với câu nào thì thí sinh cần kiểm tra lại các câu nối với đoạn A.
Tương tự dạng multiple choice, thí sinh không nên phụ thuộc vào keywords và chọn ngay phương án có keywords đó. Thí sinh cần chú ý các từ/ cụm đã được diễn đạt theo một cách khác nhưng không thay đổi nghĩa (paraphrase).
Lưu ý về việc ghi đáp án
Thí sinh không có thêm để chuyển đáp án vào tờ answer sheet mà thí sinh phải đồng thời chuyển đáp án trong phần thời gian làm Reading and Use of English là 1 giờ 15 phút. Có một số lưu ý đối với việc ghi đáp án nhằm giúp thí sinh hạn chế bị mất điểm đáng tiếc khi chọn đáp án đúng nhưng ghi vào phiếu đáp án chưa chính xác.
Đối với Reading (phần 5, 6 và 7), thí sinh dùng bút chì tô kín một ô tròn tương ứng với phương án mà thí sinh lựa chọn. Thí sinh tô nhiều hơn 1 ô cho 1 câu hỏi thì câu đó sẽ không được tính điểm.
Đối với các câu thí sinh không thể đưa ra câu trả lời, không nên để trống các câu đó mà hãy tô ngẫu nhiên một trong các lựa chọn vì thí sinh không bị trừ điểm cho câu trả lời sai.
Tổng kết
Bài viết trên đã giới thiệu đến người học cấu trúc đề thi B2 First Reading cùng mô tả chi tiết cho từng phần thi, dạng câu hỏi, cách tính điểm. Ngoài ra, tác giả cũng đưa ra một số lời khuyên, chú ý nhằm giúp thí sinh xử lý tốt các dạng bài. Tác giả mong muốn, thông qua bài viết, người học hiểu rõ hơn về phần thi Reading, từ đó xây dựng chiến lược ôn luyện phù hợp cho bản thân và chinh phục số điểm mong muốn trong B2 First Reading.
Nguồn tham khảo:
"B2 First | Cambridge English." Cambridge English, www.cambridgeenglish.org/exams-and-tests/first/.
Cambridge English, www.cambridgeenglish.org/images/167791-b2-first-handbook.pdf.
Bình luận - Hỏi đáp