Các quy tắc ngữ pháp tiếng Anh dễ bị nhầm lẫn (P.2)
Tiếp nối bài viết trước “Những quy tắc tiếng Anh dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng“, tác giả sẽ tập trung giải thích rõ các quy tắc đó, nhằm giúp người học tránh sai sót khi sử dụng. Bên cạnh việc nắm được lý thuyết, người học cũng nên áp dụng chúng thường xuyên khi viết, nói tiếng Anh để thành thạo các quy tắc được nêu dưới đây.
Quy tắc tạo danh từ số nhiều
Danh từ số nhiều được sử dụng khi sự vật được nhắc đến trong câu có số lượng lớn hơn một (các sự vật bao gồm nơi chốn, con người, con vật, đồ vật…).
Phương pháp phổ biến nhất để tạo danh từ số nhiều là thêm “s” vào sau danh từ. Ví dụ: one book – two books (cuốn sách); one computer – three computers (máy tính); one bird – four birds (con chim)… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, dạng số nhiều của danh từ được tạo lập theo các quy tắc riêng hoặc không tuân theo một quy tắc cụ thể. Do đó, người học cần phải lưu ý các trường hợp ngoại lệ để tránh khỏi sai sót khi sử dụng:
Danh từ kết thúc bằng các chữ cái “-s”, “-x”, “-z”, “-ch”, “sh”, “-o”, chúng ta thêm đuôi “es” để tạo danh từ số nhiều.
Ví dụ: bus – buses (xe buýt); box – boxes (cái hộp); brush – brushes (bàn chải); watch – watches (đồng hồ); potato – potatoes (khoai tây)
Lưu ý: Trong một số trường hợp đặc biệt, đối với những danh từ kết thúc bằng “-o”, ta chỉ thêm “s”.
Ví dụ: photo – photos (bức ảnh); video – videos (đoạn phim); piano – pianos (đàn pianô)
Xem thêm: Cách định lượng danh từ tiếng Anh
Đối với trường hợp danh từ kết thúc với đuôi “-y”, chúng ta chuyển “y” thành “i” và thêm “-es:
Ví dụ: country – countries (đất nước); city – cities (thành phố); baby – babies (em bé); lady – ladies (quý cô).
Đọc thêm: Cách xác định danh từ dựa vào hậu tố – Ứng dụng trong TOEIC Reading
Tuy nhiên, khi một từ kết thúc với đuôi “-y” và trước “y” là một nguyên âm (“u”, “e”, “o”, “a”, “i”), chữ “s” được thêm vào cuối từ đó như bình thường.
Ví dụ: toy – toys (đồ chơi); play – plays (vở kịch); key – keys (chìa khóa)
Một số danh từ kết thúc bằng đuôi “f”, “fe” hoặc “lf”, chúng ta thay thế các đuôi đó bằng “-ves”
Ví dụ: life – lives (cuộc sống); wife – wives (người vợ); wolf – woves (con sói)
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp danh từ kết thúc bằng các đuôi “f”, “fe” hoặc “lf”, chữ “s” vẫn được thêm sau từ đó để tạo lập danh từ số nhiều như bình thường. Do đó, người học cần sử dụng từ điển thường xuyên để kiểm tra lại dạng số nhiều của từ.
Ví dụ: roof – roofs (mái nhà); safe – safes (cái két sắt); gulf – gulfs (vịnh)
Một số danh từ số nhiều bất quy tắc
Một số danh từ không tuân theo một quy tắc nhất định nào khi chuyển đổi sang dạng số nhiều. Do đó, người học cần phải ghi nhớ, học thuộc lòng dạng số nhiều của các từ này.
Ví dụ: person – people (người); child – children (trẻ em); woman – women (phụ nữ); man – men (đàn ông)
Một số danh từ có dạng số nhiều và số ít giống nhau.
Ví dụ: fish – fish (con cá) (fish là danh từ số nhiều chỉ nhiều con cá của cùng một loài, trong khi đó fishes là danh từ số nhiều chỉ nhiều loài cá khác nhau); deer – deer (con hươu); sheep – sheep (con cừu); species – species (loài động vật).
Người học có thể kiểm tra dạng số ít, số nhiều của một danh từ bằng từ điển Oxford, tại bên dưới phần phiên âm của từ, cụ thể:
Quy tắc sở hữu cách
Sở hữu cách được sử dụng để chỉ ra quan hệ sở hữu giữa một người, sự vật, hiện tượng với người, sự vật, hiện tượng khác. Ví dụ, thay vì nói the garden of my father hoặc the weather of yesterday, người học có thể sử dụng cách diễn đạt my father’s garden (khu vườn của bố tôi) hoặc yesterday’s weather (thời tiết ngày hôm qua). Mặc dù đây là kiến thức ngữ pháp khá đơn giản và quen thuộc, người học có thể bị bối rối hoặc nhầm lẫn trong một số trường hợp đặc biệt (danh từ số nhiều hoặc tên riêng có tận cùng là s). Cần lưu ý một số quy tắc như sau:
Đối với danh từ số ít và hầu hết tên riêng: thêm “’s” vào sau từ đó để biểu thị quan hệ sở hữu. Ví dụ:
We met each other at Jenny’s party. (Chúng tôi gặp nhau tại bữa tiệc của Jenny)
Yesterday’s show was awful. (Buổi trình diễn ngày hôm qua thật là tệ hại.)
Đối với danh từ số nhiều:
Danh từ có tận dùng là “-s”: chỉ cần thêm dấu “ ’ ” vào sau từ đó. Ví dụ:
The building was converted into a girls’ school. (Tòa nhà được chuyển đổi thành một trường nữ sinh)
The project is due to start in two weeks’ time. (Dự án đó sẽ bắt đầu trong hai tuần nữa.)
Danh từ số nhiều không kết thúc bằng “-s”: thêm “’s” vào sau danh từ đó. Ví dụ:
The children’s mother came over to see me. (Mẹ của những đứa trẻ đó đã ghé qua để gặp tôi)
They are hiring new staff for their women’s clothing store. (Họ đang tuyển dụng nhân viên mới cho cửa hàng thời trang nữ)
Đối với tên riêng có tận cùng là “-s”:
Đây là trường hợp dễ gây ra sự lúng túng cho người học, chẳng hạn đâu mới là cách sử dụng đúng trong hai câu “Lucas’ house is very beautiful” và “Lucas’s house is very beautiful”. Theo từ điển Lexico, cách viết sở hữu cách trong trường hợp này sẽ phụ thuộc vào cách tên riêng đó được phát âm. Cụ thể, bởi cụm từ “Mr. Hastings’ pen” được phát âm mà không có âm s sau tên Hastings, do đó dạng sở hữu cách chỉ có dấu “ ’ ” sau tên riêng. Đó là lý do tại sao cụm “for goodness’ sake” không có chữ s trong phần sở hữu cách. Ngược lại, khi chữ s trong phần sở hữu cách được phát âm, chúng ta cần thêm “’s” vào sau tên riêng. Ví dụ:
Dickens’s novels provide a wonderful insight into Victorian England.
(Những cuốn tiểu thuyết của nhà văn Dickens đem lại cái nhìn chân thực về nước Anh thời Victoria.)
Như vậy trong ví dụ nêu ra đầu bài, vì âm s được phát âm sau từ Lucas nên cách viết đúng là Lucas’s house.
Đọc thêm: Các lỗi phát âm ở người học IELTS trình độ dưới 6.0
Bắt đầu câu bằng một liên từ
Việc có nên bắt đầu câu bằng một liên từ (chẳng hạn như “and” và “but”) là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Trong quá khứ, quy tắc này nghiêm ngặt hơn rất nhiều và một câu không được phép bắt đầu bằng các liên từ. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều phong cách viết và các nhà ngữ pháp ủng hộ liên từ đứng đầu câu. Vậy đâu mới là các tiếp cận đúng đắn cho dành cho người học tiếng Anh?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần phải hiểu khái niệm liên từ. Liên từ là từ loại có chức năng liên kết các từ, ngữ, câu hay mệnh đề. Có 7 liên từ bao gồm for, and, nor, but, or, yet, so (viết tắt là FANBOYS). Ví dụ:
They like pizza and pasta.
(Họ thích pizza và mỳ Ý)
Do you want to go to the beach or hang out somewhere?
(Bạn có muốn đi tắm biển hay tụ tập ở đâu đó không?)
She knows how to play chess, but he doesn’t.
(Cô ấy biết chơi cờ nhưng anh ấy thì không.)
Nhiều chỉ dẫn về mặt ngữ pháp cho thấy việc bắt đầu câu bằng một liên từ không sai về mặt ngữ pháp. Chẳng hạn:
“There is a widespread belief – one with no historical or grammatical foundation – that it is an error to begin a sentence with a conjunction such as and, but or so. In fact, a substantial percentage (often as many as 10 percent) of the sentences in first-rate writing begin with conjunctions. It has been so for centuries, and even the most conservative grammarians have followed this practice.”
Chicago Manual of Style, 16th edition, 5.206
Tạm dịch:
“Có một niềm tin phổ biến (mà không có cơ sở lịch sử và ngữ pháp) cho rằng câu văn bắt đầu bằng một liên từ chẳng hạn như “and”, “but” hoặc “so” là sai về mặt ngữ pháp. Trên thực tế, một số phần trăm nhất định (gần 10%) những câu văn hoàn hảo được bắt đầu với các liên từ. Cách làm trên đã có tuổi đời hàng thế kỷ và thậm chí những nhà ngữ pháp bảo thủ cũng áp dụng quy tắc này.”
Hay:
“The argument against using ‘and’ or ‘but’ to introduce a sentence is that such a sentence expresses an incomplete thought (or ‘fragment’) and is therefore incorrect. However, this is a stylistic preference rather than a grammatical ‘rule’. If your teachers or your organization are inflexible about this issue, then you should respect their opinion, but ultimately, it’s just a point of view and you’re not being ungrammatical.”
Oxford Dictionaries blog
Tạm dịch:
“Những người phản đối việc bắt đầu câu bằng “and” hay “but” cho rằng câu đó có ý nghĩa chưa hoàn chỉnh và do đó, bị sai về mặt ngữ pháp. Tuy nhiên, vấn đề này nghiêng về phong cách viết nhiều hơn là một quy tắc ngữ pháp. Nếu giáo viên hoặc tổ chức của bạn khá bảo thủ trong vấn đề này, bạn nên tôn trọng ý kiến của họ, tuy nhiên rốt cục thì, đây chỉ là một quan điểm và không đại diện cho việc bạn sai về mặt ngữ pháp.”
Đọc thêm: Hiểu biết về liên từ và kỹ thuật dịch các câu phức ghép trong IELTS Reading
Dù vậy, khi sử dụng liên từ để bắt đầu câu văn, người học tiếng Anh cũng cần có một sự cẩn trọng nhất định. Cụ thể:
Có thể bắt đầu câu bằng một liên từ trong tình huống thông thường và không trang trọng. Ví dụ:
I don’t like Samatha at all. But I don’t understand why people always tell good thing about her.
(Tôi không thích Samtha chút nào. Nhưng tôi không hiểu tại sao mọi người lại luôn nói những đều tốt đẹp về cô ấy.)
Bên cạnh đó, lặp lại liên tục các câu văn bắt đầu bằng liên từ cũng có thể khiến bài viết trở nên thiếu tự nhiên, nhàm chán, thậm chí gây ra sự khó chịu cho người đọc. Do đó, người học nên cố gắng nối các từ, cụm từ, mệnh đề trong cùng một câu. Ví dụ:
I went to the store. And I bought milk. And I paid for it with my debit card.
Viết lại: I went to the store to buy milk. I paid for it with my debit card.
(Tôi đến cửa hàng để mua sữa. Tôi trả tiền bằng thẻ ngân hàng)
Trong trường hợp câu văn mang tính trang trọng, học thuật, người học nên bắt đầu câu với các từ nối khác có ý nghĩa trang trọng hơn chẳng hạn như however (tuy nhiên), in addition (bên cạnh đó), furthermore (hơn nữa)…Ví dụ:
Bicycles are an environmentally friendly mode of transport; however, they are becoming less popular among people for several reasons.
(Xe đạp là một các thức di chuyển thân thiện với môi trường, tuy nhiên, chúng đang trở nên ít được ưa chuộng hơn vì một vài lý do)
Tổng kết
Trên đây là một vài quy tắc tiếng anh dễ gây nhầm lẫn và khó hiểu cho người học. Hi vọng bài viết đã đem lại kiến thức hữu ích cho người học để tránh được các sai sót khi sử dụng những quy tắc này. \
Chu Minh Thùy
Tham khảo thêm lớp tiếng anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên nâng cao khả năng giao tiếp tự tin và trôi chảy trong tình huống thực tế.
Bình luận - Hỏi đáp