Banner background

Phương pháp và mindset cải thiện ngữ pháp tiếng Anh một cách hệ thống

Hầu hết người học tiếng Anh đều gặp khó khăn với những cấu trúc ngữ pháp và cách áp dụng trong quá trình học. Thay vì hướng dẫn cách sửa từng lỗi sai ngữ pháp, bài viết này sẽ giới thiệu và mô tả chi tiết các phương pháp và mindset cải thiện ngữ pháp một cách hệ thống.
phuong phap va mindset cai thien ngu phap tieng anh mot cach he thong

Bài viết này cũng sẽ hướng dẫn người học cách áp dụng những phương pháp này vào việc sử dụng, giao tiếp tiếng Anh hằng ngày.

Key takeaways

  • Người học tiếng Anh nên bắt đầu với những điều cơ bản để có nền tảng kiến thức về ngữ pháp vững chắc.

  • Người học có thể tận dụng nhiều nguồn khác nhau để tập luyện ngữ pháp tiếng Anh (sách bài tập, từ điển, ứng dụng điện thoại)

  • Người học luyện tập càng nhiều thì càng cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong việc sử dụng ngữ pháp tiếng Anh chính xác.

  • Người học nên tập trung vào các lĩnh vực ngữ pháp đang gặp khó khăn trước tiên để củng cố và nắm vững kiến thức hơn.

  • Đặt ra mục tiêu sẽ giúp người học theo dõi tiến trình cải thiện ngữ pháp của bản thân.

  • Người học duy trì động lực học ngữ pháp bằng các cách thú vị khác.

Bắt đầu với những điều cơ bản

Để học và hiểu được một ngôn ngữ, người học nên bắt đầu với ngữ pháp bằng cách làm quen và nắm được những quy tắc cơ bản của ngữ pháp, bao gồm: cấu trúc câu, các thì trong câu, sự hòa hợp chủ ngữ - động từ, dấu câu,…

Ngoài ra, người học cũng cần hiểu và nắm được cách áp dụng của từng quy tắc ngữ pháp để sử dụng một cách tối ưu nhất. Việc này sẽ cung cấp cho người học một nền tảng kiến thức về ngữ pháp vững chắc để xây dựng các kỹ năng ngữ pháp nâng cao hơn.

image-alt

Cấu trúc câu trong tiếng Anh (Sentence structures)

Việc đầu tiên khi người học cần làm khi bắt đầu học ngữ pháp tiếng Anh đó là ghi nhớ cấu trúc câu trong tiếng Anh. Hãy bắt đầu với việc hiểu được cấu trúc câu đơn và từ đó tìm hiểu cấu trúc của các loại câu khác nâng cao hơn như câu ghép và câu phức.

Bên cạnh việc ghi nhớ cấu trúc câu, người học cũng cần nắm được vai trò của từng thành phần trong câu (chủ ngữ, động từ, tân ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ) để có thể thành lập câu một cách hoàn chỉnh và linh hoạt hơn.

Tham khảo bài viết: Cấu trúc câu phổ biến trong IELTS Writing Task 2

Các thì trong tiếng Anh (Tenses)

Không như tiếng Việt, người học tiếng Anh cần có 1 lượng kiến thức khổng lồ về các thì trong tiếng Anh để có thể diễn đạt ý mình muốn truyền tải một cách chính xác nhất. Theo từ điển Cambridge, các loại thì trong tiếng Anh được thể hiện qua động từ hoặc cụm động từ trong câu; và người học có thể sử dụng các loại thì khác nhau để nói hoặc viết về các sự việc xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau.

Để bắt đầu, người học cần nắm được mục đích sử dụng và cấu trúc của 3 loại thì trong tiếng Anh: hiện tại, quá khứ và tương lai. Đặc biệt, người học cần chỉ ra được điểm khác nhau giữa các thì để từ đó có thể dễ dàng áp dụng vào ngữ cảnh thích hợp.

Tham khảo sách: Understanding English Tense: Giải thích ngữ pháp tiếng Anh cơ bản - Thì tiếng Anh

Sự hòa hợp chủ ngữ - động từ (Subject-verb agreement)

Ngữ pháp tiếng Anh có 1 điểm đặc biệt đó là động từ trong câu sẽ luôn bị chi phối bởi chủ ngữ, điều mà nhiều người Việt học tiếng Anh cảm thấy lạ lẫm và cũng thường mắc lỗi sai khi sử dụng tiếng Anh.

Người học cần nắm chắc được các loại chủ ngữ (chủ ngữ là danh từ số ít/không đếm được hay chủ ngữ là danh từ đếm được số nhiều) và cách chia động từ chính xác theo từng loại chủ ngữ này. Ngoài ra, người học cũng cần kết hợp chia động từ theo các thì trong tiếng Anh để tăng độ chính xác khi sử dụng tiếng Anh nhé.

Tham khảo bài viết: Các quy tắc về sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ trong tiếng Anh

Dấu câu (Punctuation)

Trong quá trình học ngữ pháp tiếng Anh, người học sẽ ngày càng cảm thấy được độ quan trọng của việc sử dụng dấu câu khi làm bài Writing và cả khi làm bài Speaking. Việc sử dụng dấu câu chính xác sẽ giúp cho câu văn trở nên mạch lạc và ý tưởng được diễn đạt một cách tối ưu và có logic.

Ngữ pháp tiếng Anh bao gồm rất nhiều loại dấu câu (chữ cái viết hoa, dấu chấm, dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu chấm phẩy, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép,…) và nhiệm vụ của người học là phân biệt được cách sử dụng từng loại dấu câu.

Ngoài ra, đặc biệt đối với bài viết Academic Writing trong IELTS, người học cần xác định được loại dấu câu được sử dụng với hình thức trang trọng và có tính học thuật để phù hợp với văn phong của bài viết.

Ở mặt khác, trong bài thi Speaking, việc sử dụng dấu câu được thể hiện qua cách ngắt nghỉ trong lời nói của thí sinh, giúp cho câu nói được trôi chảy hơn và truyền đạt một cách tự nhiên hơn.

image-alt

Trên đây là những điều cơ bản về ngữ pháp mà người học tiếng Anh nên bắt tay vào việc làm quen và tập luyện. Từ việc hiểu được một cấu trúc câu đơn giản đến việc có thể thành lập một cụm danh từ phức tạp và áp dụng vào một câu phức với cấu trúc nâng cao một cách thuần thục, đa số người học tiếng Anh đều phải bắt đầu từ con số 0 trước khi đạt được mục tiêu của mình.

Tiếp theo sẽ là những phương pháp khác giúp người học chinh phục được ngữ pháp tiếng Anh một cách hiệu quả và có hệ thống.

Sử dụng nhiều nguồn khác nhau để luyện ngữ pháp tiếng Anh

Ngày nay, việc học tiếng Anh trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ có những tiện nghi hiện đại như sách điện tử, ứng dụng điện thoại, từ điển di động, hay lớp học trực tuyến. Người học tiếng Anh hoàn toàn có thể tận dụng đa dạng nguồn để việc học tiếng Anh được linh hoạt và hiệu quả hơn, đặc biệt là với việc học ngữ pháp khô khan và đầy thách thức.

Tuy nhiên, người học cần lưu ý 1 điều rằng việc học ngữ pháp có trở nên hiệu quả hơn hay không phụ thuộc vào việc chọn lựa nguồn học có phù hợp với bản thân hay không. Vì vậy, người học nên suy nghĩ và tham khảo thật kỹ trước khi quyết định học ngữ pháp theo 1 nguồn nhất định và nên sử dụng những nguồn học đó một cách nhất quán.

Sau đây tác giả sẽ đề xuất một số nguồn sách và ứng dụng di động có thể giúp người học tiếng Anh cải thiện trình độ ngữ pháp:

Sách ngữ pháp Mai Lan Hương

Cuốn sách này rất phù hợp với những người mới học tiếng Anh vì các nội dung kiến thức lý thuyết đều được viết bằng tiếng Việt, giúp người học nắm kiến thức một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, các cấu trúc ngữ pháp được trình bày theo công thức một cách rõ ràng và có hệ thống.

Ngoài ra, cuốn sách này còn cung cấp cho người học 1 số lượng bài tập rất lớn để người học áp dụng kiến thức ngữ pháp một cách thuần thục.

Sách ngữ pháp Collins Grammar for IELTS

Cuốn sách này phù hợp hơn với những người học IELTS đang có trình độ ở band 5.0-5.5 và có mục tiêu đạt từ band 6.0 trở lên.

Ngoài việc cung cấp kiến thức về ngữ pháp, cuốn sách này còn chuẩn bị các bài học theo từng chủ đề với 1 số lượng từ vựng và bài nghe/đọc theo chủ đề. Vì vậy, người học có thể phần nào hoàn thiện kỹ năng tiếng Anh tổng quát nhờ vào việc học sách ngữ pháp này.

Từ điển Oxford và từ điển Cambridge

Ngoài công dụng là cung cấp định nghĩa của từ vựng, 2 nguồn từ điển này còn có thể giúp người học tiếng Anh cải thiện trình độ ngữ pháp của mình bằng cách đưa ra rất nhiều câu ví dụ sử dụng nhiều cấu trúc ngữ pháp chính xác và đa dạng.

Nhờ việc này, người học còn có thể học được cách ứng dụng từ vựng vào trong câu theo nhiều ngữ cảnh khác nhau. Cả 2 nguồn từ điển này đều có ở dạng sách giấy, website và ứng dụng di động. Việc lựa chọn sử dụng như thế nào đều hoàn toàn phụ thuộc vào người học và phương pháp học của bản thân.

Ứng dụng Duolingo

Đây là 1 trong những ứng dụng học tiếng Anh nổi tiếng nhất đối với những người học tiếng Anh đang ở bất kỳ trình độ nào. Ứng dụng được thiết kế bắt mắt với chú chim cú Duolingo khá gắt gỏng nhưng cực kì nghiêm túc với việc học của từng người học tiếng Anh.

Ứng dụng còn cung cấp từng lộ trình phù hợp với mỗi người học từ cơ bản đến nâng cao, giúp thúc đẩy động lực và tạo cảm hứng trong việc học tiếng Anh.

Luyện tập, luyện tập, luyện tập

Điều quan trọng cần lặp lại 3 lần. Số lần luyện tập của người học sẽ có tỉ lệ thuận với lượng tự tin và độ thoải mái khi sử dụng đúng ngữ pháp tiếng Anh. Nếu chỉ học kiến thức lý thuyết mà không vận dụng vào thực hành, thì sẽ càng tốn thời gian và sức lực thêm cho người học. Vì vậy, việc luyện tập thường xuyên rất quan trọng đối với việc sử dụng đúng ngữ pháp.

Trong trường hợp người học cảm thấy chán nản với việc làm bài tập ngữ pháp trong sách, thì người học hãy cố gắng kết hợp thực hành ngữ pháp vào đời sống thực tế và biến việc làm này thành một thói quen bằng cách đọc, viết, và nói tiếng Anh càng nhiều càng tốt.

Người học nên rèn bản thân theo quá trình sau: tự học => tự luyện => tự kiểm tra => tự sửa => hỏi giáo viên, gia sư hoặc người bản ngữ => tự sửa => lặp lại quá trình.

Nhờ việc lặp đi lặp lại quá trình này, kiến thức ngữ pháp của người học được củng cố chắc chắn hơn vì người học nhận ra được lỗi sai và từ đó không mắc lại những lỗi cũ. Điều này sẽ giúp việc học ngữ pháp tiếng Anh có tiến triển và ngày càng hoàn thiện hơn.

image-alt

Ngoài ra, việc yêu cầu giáo viên, gia sư hay người bản ngữ xem bài viết hoặc nghe bài nói của người học và cung cấp phản hồi, nhận xét về ngữ pháp sẽ giúp cho người học xác định rõ hơn các điểm cần cải thiện và phát triển cách tiếp cận có hệ thống hơn trong việc thực hành ngữ pháp tiếng Anh.

Tập trung vào những lĩnh vực ngữ pháp đang gặp khó khăn

Trong quá trình học ngữ pháp tiếng Anh, người học có thể sẽ đặc biệt gặp khó khăn trong việc tiếp thu 1 phần kiến thức nào đó. Thông thường, việc này khiến cho người học dễ dàng cảm thấy chán nản và dần mất động lực học. Tuy nhiên, đừng vội từ bỏ, mà hãy cố gắng giải quyết vấn đề đang mắc phải.

Đầu tiên, người học cần xác định được lĩnh vực đang gặp khó khăn. Điều này có thể liên quan đến việc thực hành các thì của động từ, sử dụng giới từ một cách chính xác hoặc nắm vững cấu trúc câu.

Sau khi đã xác định được lĩnh vực mà mình đang gặp khó khăn, người học hãy tập trung vào việc cải thiện lĩnh vực đó trước tiên. Người học có thể xem lại phần kiến thức lý thuyết của ngữ pháp đó (định nghĩa, mục đích sử dụng, cấu trúc,…) hoặc làm lại những bài tập cơ bản trước khi làm những bài tập nâng cao.

Như vậy, người học sẽ có cơ hội ôn lại kiến thức đồng thời phát hiện và xác định được mình đang bị hổng phần nào và tập trung củng cố lại phần kiến thức ngữ pháp đó.

Sau khi cảm thấy tự tin với phần kiến thức ngữ pháp đó rồi, lúc này người học có thể bước tiếp với những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, người học vẫn hãy tạo thói quen ôn lại kiến thức để không bị quên và áp dụng sai ngữ pháp nhé.

Đặt mục tiêu cải thiện ngữ pháp

Việc đặt ra mục tiêu rất quan trọng trong suốt quá trình học. Đặt mục tiêu cụ thể để cải thiện ngữ pháp sẽ giúp người học theo dõi được tiến trình học của mình.

Người học nên đặt mục tiêu phù hợp với trình độ ngữ pháp hiện tại của bản thân, ví dụ như mỗi ngày cần hoàn thành một số lượng bài tập ngữ pháp nhất định hay mỗi tuần cần nắm vững được 1 quy tắc ngữ pháp cụ thể.

Duy trì động lực học ngữ pháp

Như đã nói, việc đặt ra mục tiêu để cải thiện ngữ pháp rất cần thiết với người học. Tuy nhiên, người học có thể sẽ không tránh khỏi những lúc không đạt được mục tiêu trong thời hạn đã đặt ra.

Trong trường hợp này, đừng cảm thấy nản chí vì đa số người học tiếng Anh ai cũng phải trải qua việc này ít nhất 1 lần. Điều quan trọng là người học phải duy trì được động lực học.

Hãy thay đổi cách học 1 chút và tìm cách khiến cho việc học ngữ pháp trở nên vui vẻ và thú vị hơn, chẳng hạn như các cách như sau:

  • Chơi trò chơi ngữ pháp: Người học có thể tham khảo các trò chơi ngữ pháp của website EnglishClub. Tại đây, có rất nhiều loại bài tập tương ứng với từng loại từ (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ) giúp người học cải thiện từng phần kiến thức và các quy tắc ngữ pháp khác nhau.

  • Đưa việc học tiếng Anh vào thói quen sử dụng mạng xã hội hằng ngày: Người học có thể like và follow các page tiếng Anh như BBC Learning English trên nền tảng Instagram. Như vậy, số lần tiếp xúc với tiếng Anh mỗi ngày sẽ đều đặn hơn và không bị nhàm chán như cách học truyền thống.

  • Xem phim tiếng Anh: Xem phim tiếng Anh có thể thể giúp người học trau dồi thêm các kiến thức ngữ pháp theo nhiều tình huống khác nhau một cách tự nhiên hơn.

Tổng kết

Như vậy, bài viết này đã giới thiệu đến người học các phương pháp cũng như mindset cải thiện ngữ pháp tiếng Anh nói chung một cách hệ thống. Hi vọng rằng thông qua bài viết này, người học sẽ cảm thấy tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Anh và vận dụng ngữ pháp chính xác hơn.

Nguồn tham khảo:

"Tenses and Time." Cambridge Dictionary | English Dictionary, Translations & Thesaurus, dictionary.cambridge.org/grammar/british-grammar/tenses-and-time.

"Grammar Games." EnglishClub - Learn or Teach English Today, www.englishclub.com/esl-games/grammar/.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (3 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...