Banner background

Cách học từ vựng qua hoạt động nghe tiếng Anh

Bài viết sẽ giới thiệu về cách tiếp cận được coi là có hiệu quả cao trong việc học từ vựng – học từ vựng qua hoạt động nghe. 
cach hoc tu vung qua hoat dong nghe tieng anh

Việc có một vốn từ vựng vững chắc là một yếu tố vô cùng cần thiết trong quá trình học ngoại ngữ. Càng biết nhiều từ vựng thì càng dễ dàng tiếp thu các kiến thức ngữ pháp cũng như phát triển các kỹ năng giao tiếp tốt. Tuy nhiên, học từ vựng như thế nào để có hiệu quả lại đang là một vấn đề nan giải đối với nhiều người. Bài viết này sẽ đem đến độc giả một trong những cách tiếp cận được coi là có hiệu quả cao trong việc học từ vựng – học từ vựng qua hoạt động nghe. 

Mối quan hệ giữa hoạt động nghe và việc tiếp thu từ vựng

hoc-tu-vung-thong-qua-hoat-dong-nghe

Đầu tiên cần làm rõ tại sao nghe lại có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp thu từ mới. Thử xem xét quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ con. Lúc mới sinh ra, trẻ con phải trải qua một giai đoạn im lặng về mặt ngôn ngữ. Chỉ đến một thời điểm nhất định, thường vào khoảng hai đến ba tuổi, chúng mới phát ra những từ ngữ đầu đời. Quá trình trước đó là khoảng thời gian trẻ lắng nghe, tích góp những thông tin ngôn ngữ từ môi trường xung quanh. Khi đã tích đủ những thông tin cần thiết, chúng mới bắt đầu tạo ra sản phẩm lời nói. Đó cũng là lý do tại sao có một số trường hợp trẻ “người rừng” không có khả năng giao tiếp do lớn lên trong một môi trường thiếu sự hiện diện của ngôn ngữ con người.

Quay lại với việc học ngoại ngữ, đương nhiên khả năng tiếp thu của trẻ nhỏ và người học ngoại ngữ (thường bắt đầu muộn hơn) không giống nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, ở một chừng mực nhất định, hoạt động nghe vẫn có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiều người khi mới bắt đầu thường có cách tiếp cận không phù hợp với việc học từ vựng. Họ cố học thuộc lòng một cách máy móc một danh sách từ, chỉ đơn thuần gồm cách viết và nghĩa. Rõ ràng, cách học này có những hạn chế lớn khi người học dễ dàng quên những từ vựng đã học, và dù có nhớ cũng không thể áp dụng vào trong thực tế vì không biết cách phát âm cũng như cách sử dụng trong các ngữ cảnh cụ thể. Thay vì vậy, việc học từ vựng qua kỹ năng nghe sẽ khắc phục được những hạn chế này bởi nghe giúp cung cấp cho người đọc những thông tin mang tính ứng dụng của từ vựng, gồm cách phát âm, mối liên hệ giữa các thành phần khác trong câu, v.v.

Các điều kiện cần thiết 

Theo I.S.P. Nation (2001), để hoạt động nghe có thể mang lại hiệu quả cho việc học từ vựng, có 5 điều kiện chính cần được chú ý tới.

Sự hứng thú từ học từ vựng qua hoạt động nghe (Interest)

Yếu tố đầu tiên chính là sự hứng thú của người học đối với chủ đề của bài nghe. Khi người đọc cảm thấy thích thú và quan tâm, họ có thể tập trung dễ dàng hơn vào nội dung của bài nghe mà không bị chán nản giống như khi phải nghe những câu chuyện với chủ đề mà mình không thích. Đồng thời, điều này còn tạo động lực cho người học cố gắng, chủ động tìm hiểu về các từ vựng liên quan trong bài bởi nó giúp họ có một cái nhìn thấu đáo hơn về câu chuyện mà họ quan tâm. Ở đây, một mối liên kết giữa lý thuyết và thực hành đã được hình thành. Người học có thể thấy một cách rõ ràng những lợi ích và ứng dụng của thứ mình học đem lại trong thực tế.

Ví dụ, một người học tiếng Anh yêu thích bóng đá sẽ dễ dàng tiếp thu từ vựng mới khi nghe một bản tin về bóng đá hơn là một bản tin về bóng chuyền.

hoc-tu-vung-thong-qua-hoat-dong-nghe-2

Điều này là do người này thấy được họ không chỉ đang học từ vựng một cách đơn thuần mà đang học để nắm được tin tức bóng đá mà họ quan tâm.

Yếu tố này có thể được đảm bảo bằng nhiều cách. Đối với không gian lớp học, giáo viên có thể chủ động khảo sát học sinh về những chủ đề mà học sinh quan tâm, từ đó lựa chọn những tài liệu nghe phù hợp. Còn đối với việc tự học, người học cũng nên tìm chọn những chủ đề mà mình cảm thấy yêu thích và thoải mái. Ngoài ra, người học còn có thể tự tạo nên hứng thú cho mình bằng cách đặt mục tiêu tìm hiểu được những kiến thức mới trong cuộc sống song song với việc học từ vựng.

Mức độ hiểu từ vựng qua hoạt động nghe (Comprehension)

Yếu tố thứ hai có tác động đến hiệu quả của việc học từ vựng qua hoạt động nghe chính là mức độ hiểu của người học. Như đã nói ở trên, việc học từ vựng bị ảnh hưởng lớn bởi sự chán nản và thiếu tập trung. Và cũng như sự thiếu hứng thú, khó khăn trong việc hiểu nội dung sẽ có hiệu ứng tương tự. Cụ thể, tài liệu nghe phải phù hợp với trình độ và kiến thức nền của người nghe. 

Ví dụ, một người mới bắt đầu học tiếng Anh sẽ hầu như không thể tiếp thu được từ vựng mới nếu bắt người này nghe một bài Ted Talk không có phụ đề. Một người khá tiếng Anh nếu không biết gì về lĩnh vực kỹ thuật cũng sẽ gặp khó khăn khi nghe một giáo sư nào đó thuyết giảng về chủ đề này.

Để khắc phục, giáo viên có thể hỗ trợ khả năng hiểu của học sinh bằng các phương pháp như cung cấp một số từ vựng nền, giải thích các khái niệm, hay cung cấp các phương tiện minh họa trực quan. Tương tự, đối với tự học, người học cũng cần lựa chọn những tài liệu nghe ở trình độ phù hợp. Những video có hình ảnh trực quan và có phụ đề (Anh và Việt) hay audiobook mà người học có thể vừa nghe vừa đọc theo là ví dụ.

hoc-tu-vung-thong-qua-hoat-dong-nghe-1

Mức độ lặp lại (Repetition)

Điều kiện thứ ba cần được đảm bảo là sự lặp lại của thông tin cần nhớ. Đương nhiên, một bài nghe chứa rất nhiều thông tin và những thông tin này lướt qua rất nhanh. Nếu chỉ nghe qua một lần mà nhớ hết thì hầu như không thể.

Cách phổ biến nhất là nghe đi nghe lại cùng một bài nghe nhiều lần. Mỗi lần nghe lại là mỗi lần ôn lại thông tin cũ cũng như khám phá ra những thông tin người nghe đã bỏ sót trong lần nghe trước đó. Cách làm này sẽ dễ thực hiện đối với giáo viên đang dạy từ vựng cho học viên nhỏ tuổi. Tuy nhiên, đối với những học viên lớn hơn cũng như người tự học thì cách làm này có thể gặp khó khăn đó là người học sẽ dễ cảm thấy chán và không có động lực khi phải nghe đi nghe lại cùng một nội dung. Để khắc phục điều này, phương pháp nghe theo series là một cách làm có thể áp dụng. Series ở đây được hiểu là sự tiếp nối giữa các bài nghe, ví dụ như các chương khác nhau của một audio book hay các tập khác nhau của một bộ phim. Trong một series như vậy, khả năng cao những từ vựng sẽ được lặp lại, chỉ là ở những hoàn cảnh khác nhau, từ đó giúp người học không cảm thấy nhàm chán. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất của việc lặp lại thì vẫn nên có sự cân bằng trong việc sử dụng cả hai phương pháp kể trên.

Sự tách biệt của từ khỏi ngữ cảnh (Decontextualisation)

Bên cạnh việc hiểu được từ vựng với vai trò là một thành phần của thông điệp, người học cũng cần chú ý đến từ vựng với vai trò là một đơn vị riêng lẻ của ngôn ngữ để có thể ghi nhớ chúng.

Ví dụ trong một bài nghe: Recycling is very necessary if we want to protect the ecosystem (Việc tái chế rất cần thiết nếu chúng ta muốn bảo vệ hệ sinh thái.) 

Ở đây, nếu người giáo viên muốn dạy cho học sinh từ “ecosystem”, họ phải tách từ này ra đứng riêng một mình và tập trung sự chú ý của học sinh vào từ này trước (ví dụ như ghi lên bảng). Sau đó mới bắt đầu phân tích về nghĩa, về cách phát âm, về loại từ, v.v. Ngược lại, nếu không có thao tác tách từ ra khỏi ngữ cảnh, hoặc có nhưng chưa kĩ, rất khó để tạo được sự chủ động và tập trung cần thiết vào việc học từ vựng. Những kiến thức sẽ được tiếp thu một cách hời hợt và không đầy đủ. Điều này đặc biệt dễ nhận thấy ở người tự học. Khi nghe một tài liệu, họ thường chỉ cố nắm ý chính của bài rồi chuyển sang nghe tài liệu khác và bỏ qua rất nhiều thông tin từ vựng. Tuy việc nắm được ý chính không phải là xấu, để học từ vựng hiệu quả và tận dụng được hết nguồn tài nguyên của tài liệu thì người học cần xây dựng được thói quen tách từ ra khỏi ngữ cảnh. Ở đây cụ thể có thể là thói quen ghi chép ra hết các từ mới và tra cứu những thông tin liên quan (nghĩa, cách phát âm, loại từ, v.v.)

Bên cạnh đó, người học, dù là tự học hay được hướng dẫn bởi giáo viên trên lớp, cần được rèn luyện kĩ năng đoán nghĩa của từ dựa trên ngữ cảnh. Đây có thể là một kỹ năng khó đối với người mới bắt đầu học ngoại ngữ nhưng việc luyện tập được kỹ năng này rất cần thiết. Bởi vì đây là cách tự nhiên mà người bản ngữ dùng để tiếp cận một từ ngữ mà họ không hiểu trong chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Chưa kể việc đoán nghĩa từ ngữ cảnh sẽ giúp việc tra cứu thông tin từ vựng ít tốn thời gian hơn đối với quá trình học và giúp giải quyết các tình huống giao tiếp thực tế.

Mở rộng từ vựng (Generative Processing)

Điều kiện cần thiết cuối cùng là sự mở rộng từ vựng. Cùng một từ vựng có nhiều cách dùng khác nhau và nghĩa khác nhau tùy vào những thành phần mà nó đứng cạnh.

Ví dụ:

  • I drop my book. (Tôi làm rơi cuốn sách của mình. Drop (v): làm rơi)

  • There is a drop of milk on the table. (Có một giọt sữa trên bàn. Drop (n): giọt)

Vì vậy, nếu chỉ học một trong những cách dùng từ như trên mà bỏ qua những cách còn lại sẽ tạo nên sự thiếu linh hoạt và hiểu lầm trong sử dụng ngôn ngữ, đồng thời gây mất thời gian khi phải quay lại tra cứu một từ mà đáng lẽ đã có thể nắm được trước đó.

Có hai cách chính để mở rộng từ vựng. Đầu tiên, như đã phân tích ở mục trên, việc nghe theo series không chỉ giúp người học không cảm thấy chán nản mà, ở đây, việc lặp lại cùng một từ vựng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau cũng đóng góp lớp giúp người học có thể mở rộng từ vựng mà mình học được. Bên cạnh đó, giáo viên có thể chủ động giao các bài tập mang tính ứng dụng cao, ví dụ như một bài tập mà trong đó học sinh phải sử dụng từ vựng có được từ những bài nghe để viết thành các câu khác nhau. Người tự học cũng hoàn toàn có thể sử dụng cách này.

Đọc thêm: Hiểu lầm thường gặp về từ vựng ít phổ biến khi luyện thi IELTS

Tổng kết

Nói chung, hoạt động nghe là một hoạt động vô cùng cần thiết để có thể học từ vựng một cách hiệu quả. Trong đó, để học tốt thì cần đảm bảo được năm yếu tố trong quá trình nghe. Năm yếu tố này bao gồm sự hứng thú, khả năng hiểu, sự lặp lại, thao tác tách từ khỏi ngữ cảnh, và cuối cùng là việc mở rộng, ứng dụng từ vựng trong các bài nghe đặc biệt là trong kỳ thi IELTS vào TOEIC.

Đọc thêm: Học từ vựng tiếng Anh bằng phương pháp truy hồi kiến thức

Phan Văn Toán

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...