Banner background

Học từ vựng tiếng Anh bằng phương pháp truy hồi kiến thức

Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đến người đọc khái niệm của truy hồi kiến thức, lợi ích của nó, và các phương pháp để áp dụng khi tự học từ vựng.
hoc tu vung tieng anh bang phuong phap truy hoi kien thuc

Để có thể hiểu và giao tiếp hiệu quả bất kỳ ngôn ngữ nào, việc trau dồi vốn và học từ vựng tiếng Anh là một phần quan trọng không thể thiếu. Một báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau khi học từ 1-2 ngày, người học có thể quên từ 0 đến 73% lượng kiến thức (Will Thalheimer, 2010). Sự khác biệt lớn như vậy không hẳn đều xuất phát từ độ hiệu quả của các phương pháp ghi nhớ.

Thực chất, nguyên nhân đến từ việc người học quá tập trung vào việc ghi nhớ nhưng lại quên mất bước quan trọng không kém: truy hồi kiến thức. Đây là thao tác cần được thực hiện song song với việc ghi nhớ để chuyển kiến thức từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn (Atkinson and Shiffrin, 1968). Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đến người đọc khái niệm của truy hồi kiến thức, lợi ích của nó, và áp dụng khi tự học từ vựng tiếng Anh.

Truy hồi kiến thức là gì? Vì sao nên áp dụng trong học từ vựng tiếng Anh?

Truy hồi kiến thức (retrieval) là hoạt động khi người học cố gắng nhớ lại những gì đã học với mục đích tự kiểm tra vốn kiến thức của bản thân. Việc trả bài trên lớp hoặc các bài kiểm tra chính là những hình thức để giáo viên thúc đẩy người học truy hồi kiến thức. Lợi ích của việc thực hành truy hồi kiến thức (retrieval practice) thường xuyên đã được nhiều nghiên cứu chứng minh như sau:

loi-ich-phuong-phap-truy-hoiLợi ích của việc thực hành truy hồi kiến thức

  1. Giúp người học nhớ kiến thức lâu hơn các phương pháp học nâng cao (elaborative study) như liên hệ hình ảnh hoặc tạo bản đồ tư duy trong khi đọc. (Karpicke and Blunt, 2011)
  2. Tăng khả năng liên kết các khái niệm, giúp người học dễ dàng hệ thống kiến thức (Roediger and Butler, 2011)
  3. Tăng độ linh hoạt khi vận dụng kiến thức và ứng dụng chúng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau (Roediger and Butler, 2011)

Vì hoạt động này thường được thực hiện thông qua các bài kiểm tra định kì dưới sự yêu cầu của giáo viên, người học thường truy hồi kiến thức một cách thụ động và ít thường xuyên. Để có thể đạt được những lợi ích nêu trên, người học nên chủ động thực hành truy hồi kiến thức thường xuyên như là một hình thức tự học.

Sau đây bài viết sẽ giới thiệu 3 phương pháp người học có thể áp dụng để truy hồi kiến thức một cách hiệu quả khi tự học từ vựng tiếng Anh.

Phương pháp thực hành truy hồi kiến thức khi học từ vựng tiếng Anh

Trọng tâm của các bài tập thực hành truy hồi sau đây xoay quanh mục đích giúp người học tự nhớ lại kiến thức với ít gợi ý nhất có thể. Vì vậy người học nên lưu ý tránh xem lại tài liệu trong quá trình thực hành để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc luyện tập truy hồi kiến thức thường xuyên và gần với thời điểm mới tiếp thu xong kiến thức sẽ đem lại hiệu quả cao hơn (Roediger and Karpicke, 2006). Vậy nên người học nên thực hành vào một số thời điểm như cuối buổi học, cuối ngày hoặc trước buổi học tiếp theo.

Brainstorming

Đây là hình thức đơn giản nhất để truy hồi kiến thức. Để thực hành, người học tự đặt ra cho mình một từ khóa hoặc một chủ đề. Sau đó, trên một tờ giấy trắng, người học cố gắng nhớ lại và viết hết những từ đơn hoặc cụm từ liên quan vào tờ giấy đó.

quy-trinh-brainstormingMẫu thực hành brainstorming

Mục đích của hai bài tập này là để kiểm tra phản xạ và mức độ ghi nhớ của người học đối với lượng từ vựng tiếng Anh mới. Thế nên người học cần cố gắng hoàn thành trong một thời gian ngắn (từ 2-5 phút). Phương pháp này ưu điểm nổi trội là tốc độ nhanh, nên đây là một cách hữu hiệu để ôn nhanh những kiến thức đã học trong các buổi học trước.

Mặt khác, vì chú trọng vào tốc độ nên brainstorming sẽ không phải là phương pháp tối ưu nhất để giúp người học tự hệ thống lại kiến thức. Ngoài ra, hình thức luyện tập truy hồi này dễ khiến người học tập trung vào chính tả mà bỏ qua cách phát âm, ngữ cảnh sử dụng của từ vựng. Dù vậy, đây vẫn là một cách tốt để rèn luyện phản xạ phù hợp với mọi trình độ.

Bản đồ khái niệm (Concept map)

Đối với hình thức vẽ bản đồ khái niệm, người học sẽ xây dựng một sơ đồ biểu thị quan hệ giữa các khái niệm/ ý tưởng/ từ vựng. Đây là một phương pháp học tập rất phổ biến trong việc giúp ôn tập lượng lớn tài liệu, nhưng lại không được sử dụng nhiều trong việc học từ vựng. Để truy hồi kiến thức bằng phương pháp này, người học phải tự sắp xếp kiến thức dựa trên trí nhớ của bản thân, chứ không dựa vào bất cứ tài liệu nào khác. Mặc dù hai cách tiếp cận đều giúp người học tự hệ thống và hình thành mối liên kết giữa các từ vựng, nghiên cứu thực tế đã chỉ ra rằng việc vẽ bản đồ khái niệm dựa trên kiến thức tự truy hồi giúp học sinh ghi nhớ từ vựng chính xác hơn (Blunt and Karpicke, 2014).

Concept-mapConcept map

Như đã nêu ở trên, bản đồ khái niệm giúp việc ôn tập trở nên có tổ chức hơn, từ đó khắc phục một phần nhược điểm của phương pháp brainstorming. Tuy nhiên, vai trò của việc luyện tập phát âm vẫn chưa được nhấn mạnh, và người mới bắt đầu học tiếng Anh có thể sẽ gặp khó khăn do vốn từ chưa đủ rộng để có thể tự hệ thống.

Thẻ ghi nhớ (Flashcards)

Flashcards là một công cụ hỗ trợ ghi nhớ phổ biến khi học ngoại ngữ. Khi kết hợp với kỹ thuật lặp lại ngắt quãng, đây còn là một công cụ truy hồi từ vựng hữu hiệu. Để thực hành phương pháp flashcards, người học có thể áp dụng Leitner System hoặc sử dụng một số phần mềm miễn phí Anki và Quizlet. Tham khảo chi tiết thêm bài viết chi tiết của ZIM về cách sử dụng flashcards và kỹ thuật lặp lại ngắt quãng.

quy-trinh-dung-flashcardHình 3: Quy trình sử dụng flashcards theo Leitner System

Đây là phương pháp hỗ trợ người học ôn tập toàn diện nhất các khía cạnh của từ vựng, bao gồm cả chính tả, phát âm, ngữ cảnh sử dụng. Tuy nhiên đây cũng là phương pháp cần nhiều thời gian nhất để chuẩn bị cũng như là nhiều kỹ thuật để đạt được hiệu quả cao. Dù là áp dụng phương pháp thủ công hay công nghệ thì người học cũng nên lưu ý 3 điểm sau khi học từ vựng tiếng Anh bằng flashcards:

  1. Truy hồi (Retrieve): thay vì nhanh chóng lật thẻ lên sau khi nhớ được nghĩa, người học cần tự gợi nhớ lại tất cả nội dung liên quan đến từ vựng (ngữ cảnh được sử dụng, cách phát âm,…) bằng cách hồi tưởng, liên hệ hoặc nhớ ví dụ.
  2. Xáo trộn (Reorder): người học nên sắp xếp các thẻ từ mới và cũ theo các chủ đề liên quan để luyện tập khả năng liên hệ từ vựng, tránh giữ các bộ thẻ ở thứ tự như ban đầu.
  3. Lặp lại (Repeat): người học chỉ nên chuyển thẻ nhớ sang bộ tiếp theo sau khi đã truy hồi kiến thức thành công tối thiểu 3 lần. Mục đích của việc này là để chắc chắn rằng người học đã hiểu rõ và có phản xạ tốt với lượng từ vựng mới, nhằm tránh việc chủ quan.

(Agarwal and Bain, 2019)

Nhận xét sau khi thực hành truy hồi

Ba phương pháp thực hành truy hồi bài viết giới thiệu ở trên đều có những ưu/nhược điểm riêng, và người học nên tự trải nghiệm để có thể tìm ra cách học phù hợp nhất với bản thân. Tuy nhiên, để tất cả những phương pháp trên đều phát huy tối đa hiệu quả, người học không thể bỏ qua bước tự nhận xét. Ở bước này, người học sẽ kiểm tra và đối chiếu phần thực hành với học liệu để phát hiện các lỗi sai hoặc mảng kiến thức còn thiếu, từ đó có phương án ôn tập và khắc phục.

quy-trinh-hoc-tu-vungHình 4: Quy trình học từ vựng

Khi tiến hành nhận xét, người học cần đi qua 3 bước sau:

  1. Đối chiếu: So sánh bài thực hành với học liệu (sách, đề cương, từ điển,…) để phát hiện lỗi sai. Người học cần lưu ý toàn diện các khía cạnh của một từ, bao gồm chính tả, phát âm, các dạng từ, ngữ nghĩa.
  2. Phân tích: Trong bước này, người học tổng hợp, phân loại và bóc tách các vấn đề, thiếu sót mà bản thân đang có. Người học cũng có thể nhờ giáo viên hoặc người quen cùng phân tích bài thực hành để có những góp ý khách quan hơn
  3. Nhận xét: Rút ra bài học, lên kế hoạch để bổ sung các mảng kiến thức còn thiếu. Sau khi hoàn thành bước này, người học lại bắt đầu một quy trình ghi nhớ – truy hồi – nhận xét mới để tiếp tục củng cố kiến thức

Kết luận

Để có thể vận dụng thành thạo từ vựng, bên cạnh bước ghi nhớ thì người học cần thực hành thêm bước truy hồi kiến thức. Các phương pháp thực hành được bài viết giới thiệu bao gồm brainstorming, lập bản đồ khái niệm và sử dụng flashcard. Tuy đa dạng về cách thức nhưng các phương pháp này đều có chung 2 nguyên tắc: (1) tự dựa vào trí nhớ để kiểm tra vốn từ vựng tiếng Anh và (2) làm điều này với một tần suất lặp lại thường xuyên. Ngoài bước đối chiếu, việc nhận xét sau cùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người học xác định và bổ sung kịp thời các lỗ hổng kiến thức.

Trang Nguyễn

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...