Sơ đồ tư duy có thể cải năng kỹ năng tư duy của bạn như thế nào? Phần 2
Mind Maps đã và đang được ứng dụng rộng rãi vào nhiều khía cạnh trong cuộc sống vì những tác động tích cực của nó lên quá trình tư duy cũng như kích thích sáng tạo của não bộ. Để hiểu rõ hơn về sự tác động của Mind Maps lên quá trình tư duy, hãy nhìn vào phân tích dưới đây về sự liên hệ giữa Mind Maps và tư duy sáng tạo, phân tích và phản biện.
Mind Maps giúp cải thiện kĩ năng tư duy như thế nào ? Phần 1
Mind Maps và Tư duy sáng tạo (Creative Thinking)
Mindmap và Tư duy sáng tạo
Creative Thinking (Tư duy sáng tạo) được đảm nhiệm bởi phần phải của não bộ. Não phải chịu trách nhiệm ghi nhận hình ảnh, âm thanh và chi phối tư tưởng, cảm xúc, sự sáng tạo của con người.
Quá trình vận hành của não phải tương tự như cơ chế hoạt động của Mind Maps, chúng cùng đòi hỏi vận dụng sự sáng tạo để trình bày chủ đề được đưa ra. Mỗi cá nhân có một phong cách làm Mind Maps khác nhau từ cách biểu đạt thông tin, lựa chọn màu sắc, phân nhánh các đặc điểm chủ đề cho đến hình ảnh minh hoạ, ký hiệu và chú thích. Với tính chất như vậy, Mind Maps kích thích người sử dụng phải trở nên sáng tạo nếu muốn tạo ra một Mind Maps hấp dẫn, thúc đẩy họ tự tìm tòi nhiều phương pháp khác nhau để rèn luyện trí nhớ.
Các hình ảnh, ký hiệu, màu sắc được sử dụng trong Mind Maps không chỉ để tạo nên sự sinh động cho Mind Maps mà còn thúc đẩy não bộ lưu trữ thông tin trong Mind Maps vào bộ nhớ dài hạn.
Mind Maps và Tư duy phân tích (Analytical Thinking)
Mind Maps và Tư duy phân tích
Ngược lại với Creative Thinking, Analytical Thinking (Tư duy phân tích) được vận hành bởi não trái. Chức năng của não trái bao gồm nhận biết từ ngữ, chữ viết, đảm nhiệm giao tiếp, phản xạ, xây dựng lập luận logic.
Khi cần phân tích một vấn đề, não trái sẽ lập tức liên kết các thông tin đã được tích trữ sẵn trong não bộ với những thông tin cần được phân tích, bao gồm: các giác quan, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, … và thậm chí với các trải nghiệm của con người trong quá khứ để đưa ra hệ thống nhận xét chính xác nhất.
Mind Maps là một hệ thống khuyến khích người sử dụng phân tích các ý tưởng được đưa ra sau khi đã phân loại chúng thành những nhóm cố định. Bằng cách theo dõi sự phát triển của các nhánh trong Mind Maps, người sử dụng dễ dàng xác định được mối quan hệ giữa chúng. Mô hình Mind Maps minh hoạ cho sự tái hiện của mạng lưới các tế bào thần kỳ trong não trái khi xử lý thông tin mới. Não trái sẽ tự ghi nhận nguồn gốc, đặc điểm, những điều cốt lõi cần ghi nhớ từ thông tin mới sau đó đưa ra kết luận hoặc giải pháp cho chủ đề của Mind Map. Nói cách khác, Mind Maps tạo ra môi trường thuận lợi để não trái làm việc, rút ngắn thời gian lật lại vấn đề và đẩy nhanh tốc độ phân tích của não bộ.
Mind Maps và Tư duy phản biện (Critical Thinking)
Critical Thinking (Tư duy phản biện) bao gồm 4 giai đoạn chính: Nhận dạng vấn đề – Phân tích vấn đề – Đánh giá vấn đề – Kết luận về vấn đề. Ứng dụng lớn nhất của tư duy phản biện là xử lý các tình huống trong cuộc sống. Mind Maps cho phép người sử dụng nhìn nhận vấn đề toàn diện, truy xét gốc rễ của vấn đề và đưa phương hướng giải quyết dựa vào các dữ kiện liên kết trước đó.
4 giai đoạn của tư duy phản biện
Sử dụng Mind Maps cũng là một cách hiệu quả để luyện tập tư duy phản biện. Người sử dụng có thể đặt câu hỏi và lập ra các trường hợp giả định, xu hướng kết quả giả định từ các phân nhánh trong Mind Maps nhằm quyết định xem giải pháp nào mới là tối ưu nhất và giải thích tại sao.
Làm thế nào để tạo ra một Mind Maps
Mind Maps truyền thống được phác thảo bằng tay, thông qua một tờ giấy trắng khổ A4 và các vật dụng hỗ trợ khác như bút sáp, màu tô, bút highlight, … Tuy nhiên, một số người sử dụng không đủ khéo tay để tạo ra một Mind Maps thu hút về phần nhìn. Ngày nay, đã có các phần mềm, trang web hỗ trợ tạo Mind Maps miễn phí và tính phí được chia sẻ và có thể dễ dạng tìm kiếm trên mạng Internet nổi bật như: Mind Master, Lucid Chart, … trợ giúp người sử dụng tạo Mind Maps dễ dàng hơn.
Các bước để tạo lập một Mind Map:
Bước 1: Chọn chủ đề. (Trọng tâm của Mind Map)
Để hình thành một Mind Map, đầu tiên người sử dụng cần phải xác định chủ đề, ý tưởng trọng tâm của Mind Map là gì. Người sử dụng chỉ nên chọn một từ khoá cô đọng nhất để làm chủ đề và viết chủ đề ở chính giữa tờ giấy. Sau đó, chọn một màu sắc, hình vẽ minh hoạ đại diện cho chủ đề. Chủ đề sẽ được chia thành các nhánh nhỏ hơn tượng trưng cho mỗi khía cạnh, đặc điểm của chủ đề.
Bước 2: Xác định các đặc điểm/ khía cạnh nhỏ hơn được phát triển từ chủ đề. (Phân nhánh cấp 1)
Người sử dụng cần cân nhắc kĩ đặc điểm nào là đặc điểm cơ bản nhất của chủ đề được chọn. Việc xác định các đặc điểm này sẽ giúp người sử dụng theo dõi sự phát triển của vấn đề.
Chọn một từ khoá đề biểu diễn các đặc điểm trên và chọn một màu sắc riêng, hình ảnh minh hoạ đại diện cho chúng. Kết nối các đặc điểm này với chủ đề bằng một đường thẳng hoặc đường cong.
Bước 3: Xác định các ý bổ trợ, giải thích cho các đặc điểm ở bước 2. ( Phân nhánh cấp 2, cấp 3, …)
Những ý này sẽ giải thích cho những đặc điểm được người sử dụng suy ra từ đặc điểm. Người sử dụng nên cố gắng đưa ra những ý súc tích hoặc biểu diễn những ý này bằng hình ảnh/ biểu tượng. Cuối cùng, kết nối những ý này với các đường cong, thêm màu sắc để tạo thêm sự hấp dẫn về phần nhìn cho Mind Map.
Bước 4: Hoàn thiện Mind Map, vẽ thêm hình minh hoạ
Xem xét lại các mối liên kết: thêm, bớt các nhánh liên kết sao thể hiện được mối liên hệ giữa các đặc điểm nếu có; đồng thời xem xét lại về hình ảnh, ví dụ minh họa (nếu có) sao cho phù hợp với chủ đề.
Quan sát ví dụ dưới đây để thấy rõ việc trình bày nội dung và minh họa 1 Mind map diễn ra cụ thể như thế nào :
Bước 1: Chọn chủ đề trọng tâm là NATURE (tự nhiên) , người học sẽ bắt đầu với việc ghi chủ đề : “Connecting With Nature” (kết nối với tự nhiên) ở giữa trang giấy hoặc mặt phẳng trình bày và tùy ý minh họa.
Ví dụ minh họa
Bước 2: Người học lựa chọn các đặc điểm, các khía cạnh trong chủ đề Tự nhiên mà người đọc muốn khai thác sâu hơn hoặc muốn ghi nhớ và trình bày các ý dưới dạng từ khóa hoặc câu đơn súc tích.
Một số khía cạnh trong cuộc sống liên quan tới Tự nhiên, cả tiêu cực và tích cực, được viết dưới dạng từ khóa như : Nature’s services ( những ích lợi của tự nhiên), How to connect ( cách kết nối, gần gũi với tự nhiên) hay Benefits (lợi ích) và The climate won’t wait ( khí hậu sẽ không chờ đợi) – thể hiện việc khí hậu đang bị biến đổi, một khía cạnh của tự nhiên.
Sau khi chọn ra được các đặc điểm muốn viết, người học vẽ nhánh liên kết với chủ đề trọng tâm và minh họa tùy thích sao cho phù hợp. Lưu ý rằng màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích và gia tăng khả năng ghi nhớ của người học, vậy nên 1 Mind map đúng chuẩn nên có nhiều màu sắc sinh động.
Sơ đồ minh họa
Bước 3 : Sau khi đã hoàn thành các nhánh lớn, người học bắt tay vào triển khai với các ý liên quan – phân nhánh cấp 2 :
Với The climate won’ wait, một số việc có thể làm để giúp cải thiện vấn đề về khí hậu như : Start with easy stuff ( bắt đầu với những việc dễ dàng) và Halve personal emmissions in 2 years ( Cắt giảm một nửa lượng khí thải cá nhân trong 2 năm) .
Với How to connect, một số cách làm để gần gũi, hiểu rõ hơn về tự nhiên như là : Paint a picture of an animal ( vẽ bức tranh có hình động vật), hay Grow a local plant ( trồng cây tại nhà, tại địa phương) , Go for a walk ( đi bộ) và Visit a waste dump ( Tham quan bãi rác thải)
Làm tương tự với 2 nhánh cấp 2 còn lại
Sau khi hoàn thành phân nhánh cấp 2, người học nếu còn tạo ra được liên kết, tiếp tục tạo phân nhánh cấp 3 cùng với hình ảnh minh họa.
Sơ đồ minh họa
( Nguồn : Google Image)
Bước 4 : Kiểm tra lại tính liên kết cũng như chính xác của các thông tin đưa vào và bắt đầu ôn tập.
Tổng kết
Mind Map là một phương pháp vô cùng hiệu quả hỗ trợ quá trình tư duy, hệ thống kiến thức của không chỉ học sinh, sinh viên mà hầu như tất cả các ngành nghề trong xã hội. Nhờ vào tính trực quan sinh động của Mind map cũng như hệ thống phân nhánh rõ ràng, người sử dụng phương pháp này có thể tối ưu hóa tiềm năng tư duy cũng như khả năng ghi nhớ của bản thân họ. Bên cạnh đó, quá trình tạo nên một Mind Map hoàn chỉnh tuy chiếm không ít thời gian nhưng bất kì nội dung nào sau khi được Mind mapping đều trở nên gần gũi, thân thiện hơn và mang tính cá nhân vô cùng cao.
Bùi Hoàng Phương Uyên
Bình luận - Hỏi đáp