3 cách thức não bộ ghi nhớ thông tin và ứng dụng vào học từ vựng tiếng Anh
Có ba cách thức mà não bộ ghi nhớ thông tin: theo thính giác, theo thị giác hoặc theo sự vận động. Việc khám phá và hiểu rõ các kiểu ghi nhớ thông tin sẽ hỗ trợ người đọc phát triển những phương pháp học thiết thực và phù hợp với các thế mạnh của bản thân, từ đó giúp việc học từ vựng ngoại ngữ trở nên hiệu quả và hứng thú hơn.
Giới thiệu về ba cách thức ghi nhớ thông tin
Con người tiếp xúc với thế giới thông qua năm giác quan và mỗi giác quan sẽ đảm nhiệm xử lý những thông tin khác nhau:
Thị giác (Mắt): Xử lý các thông tin ở dạng hình ảnh, màu sắc
Thính giác (Mũi): Xử lý các thông tin ở dạng âm thanh
Xúc giác (Da): Xử lý các thông tin ở dạng cảm nhận bề mặt
Vị giác (Lưỡi): Xử lý các thông tin ở dạng hương vị
Khứu giác (Mũi): Xử lý các thông tin ở dạng mùi hương
Trong việc tiếp thu kiến thức, chính các giác quan này tạo ra ba cách ghi nhớ thông tin khác nhau: ghi nhớ theo thính giác, thị giác và theo sự vận động.
Trong quá trình học tập, con người sử dụng kết hợp hoặc luân phiên cả ba cách này để ghi nhớ thông tin, nhưng mỗi cá nhân sẽ có những xu hướng thiên về một hay hai cách ghi nhớ nào đó. Không ai bị bó hẹp trong cách ghi nhớ duy nhất nào. Việc khám phá và hiểu rõ các cách ghi nhớ sẽ giúp người đọc xây dựng các phương pháp học nói chung và học từ vựng ngoại ngữ nói riêng một cách thiết thực, phù hợp với chính thế mạnh và cá tính của bản thân.
Ghi nhớ theo thính giác
Định nghĩa
Đây là kiểu ghi nhớ thông tin thông qua việc lắng nghe âm thanh, tiếng động. Khi học thuộc lòng một điều gì đó, ví dụ như một bài thơ hay bảng cửu chương, nhiều học sinh có xu hướng đọc to lên thành tiếng nhiều lần. Đây chính là cách ghi nhớ thông tin theo thính giác.
Biểu hiện
Những người có thiên hướng ghi nhớ theo thính giác ghi nhớ thông tin bằng cách lắng nghe các hướng dẫn của người khác, hoặc bằng cách tự bản thân đọc to lên các thông tin. Những người này thường đọc thành tiếng thay vì đọc thầm, hay tự nói chuyện với bản thân hoặc tự nhắc đi nhắc lại các kiến thức đã học để chúng khắc ghi vào đầu, hoặc là học thông qua các bài hát, đặt thành bài vè hay tạo ra bất kỳ thứ gì có nhịp điệu.
Áp dụng vào việc học từ vựng ngoại ngữ
Để ghi nhớ ý nghĩa của từ vựng trong ngoại ngữ theo thính giác, người đọc cần tạo ấn tượng về từ vựng đó bằng âm thanh thông qua nhiều cách khác nhau:
Khi tra từ điển một từ vựng mới trên website từ điển, hãy nhấn vào nút âm thanh để lắng nghe người bản xứ phát âm từ này càng nhiều càng tốt.
Học từ vựng thông qua bài hát, phim ảnh với giọng nói của các ca sĩ, diễn viên.
Tự nói chuyện với bản thân: đọc to các từ vựng mới và diễn giải nghĩa của chúng.
Đọc thành tiếng các bài thơ, bài báo hay bài đọc nào có sử dụng từ vựng mới mà bản thân đang muốn học.
Đọc thêm: Học từ vựng theo chủ đề từ bài mẫu IELTS Speaking Part 2 | Phần 2 Chủ đề Movies & Books
Ghi nhớ theo thị giác
Định nghĩa
Đây là kiểu ghi nhớ thông tin thông qua việc đọc và quan sát để tiếp thu tối đa hình ảnh, màu sắc. Khi học một điều gì đó, ví dụ như một bài học lịch sử với nhiều mốc thời gian và sự kiện, nhiều học sinh sẽ có xu hướng vẽ sơ đồ tư duy hay mô hình hoá các thông tin hay ghi chú trong vở với thật nhiều màu sắc hoặc vẽ cả hình minh hoạ. Đây chính là cách ghi nhớ thông tin theo thị giác.
Biểu hiện
Những người có thiên hướng ghi nhớ theo thị giác ghi nhớ thông tin bằng cách đọc kỹ lưỡng thông tin hay quan sát sự vật, hiện tượng thật chăm chú. Họ cũng ghi nhớ tốt nhất nếu kết hợp được hình ảnh, màu sắc với các từ ngữ hay khái niệm được nhắc đến. Vậy nên không khó để hiểu tại sao có những học sinh mà vở ghi chú của họ được trình bày cẩn thận, đẹp mắt với nhiều màu sắc và hình vẽ, và họ cũng dùng nhiều kẹp tài liệu màu sắc để phân biệt các đề mục hay các môn học. Họ sẽ ôn lại kiến thức trong đầu bằng cách tưởng tượng, hình dung trong tâm trí, nên đôi khi trông họ có vẻ như đang “mơ mộng”.
Áp dụng vào việc học từ vựng ngoại ngữ
Để ghi nhớ ý nghĩa của từ vựng trong ngoại ngữ theo thị giác, người đọc cần tạo ấn tượng về từ vựng đó bằng hình ảnh, màu sắc thông qua nhiều cách khác nhau:
Khi tra từ điển một từ vựng mới trên website từ điển, hãy vẽ vài nét đơn giản để minh hoạ nghĩa của từ vựng đó hoặc tìm hình ảnh liên quan đến từ vựng đó và quan sát các hình ảnh ấy thật nhiều lần.
Ví dụ: Để ghi nhớ từ ‘jaguar’ có nghĩa là loài báo đốm, hãy tìm xem thật nhiều hình ảnh hoặc các đoạn phim ngắn về loài động vật này, để khi nhắc đến từ ‘jaguar’ thì hình ảnh con báo đốm lập tức xuất hiện trong đầu.
Học từ vựng thông qua phim ảnh với những hình ảnh thị giác đa dạng, từ sắc mặt, điệu bộ của diễn viên đến bối cảnh trong phim.
Nên gạch chân hay đánh dấu thật đậm các ý chính hay từ vựng mới trong vở hoặc trong sách.
Tưởng tượng ra các câu chuyện xây dựng các ấn tượng mà bản thân có về từ vựng đó.
Sơ đồ hoá thông tin: vẽ sơ đồ tư duy các từ vựng trong cùng gia đình từ, hoặc là sơ đồ hoá các câu trong việc học ngữ pháp.
Đọc thêm: Ứng dụng phương pháp ghi nhớ Keyword vào việc học từ vựng tiếng Anh
Ghi nhớ theo sự vận động
Định nghĩa
Đây là kiểu ghi nhớ thông tin thông qua việc tham gia các hoạt động thể chất, để cơ thể trực tiếp tiếp xúc với các khái niệm hay điều cần học. Khi đó, bên cạnh thị giác và thính giác, các giác quan còn lại (khứu giác, xúc giác hay vị giác) đều có thể tham gia vào quá trình tiếp thu thông tin. Các chuyến đi thực tế của các trường học chính là tạo cho học sinh ghi nhớ theo vận động. Ví dụ những học sinh nào đã từng ghé thăm các khu rừng sẽ ghi nhớ lâu hơn nghĩa của từ ‘natural environment’ (môi trường tự nhiên) khi mà các em nhớ đến mùi hương của đất, của mưa, về âm thanh chim hót líu lo hay về cảm giác của da khi chạm tay lên thân cây xù xì hay các lá cây.
Việc ghi nhớ thông tin theo sự vận động đặc biệt cần thiết để giúp con người hiểu những khái niệm hay sự vật, hiện tượng mà khó có thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Ví dụ như một người phương Tây chưa bao giờ ăn sầu riêng sẽ không thể thật sự hiểu được mùi vị sầu riêng là như thế nào dù cho người đó có được đọc nhiều sách báo hay lắng nghe nhiều sự mô tả về loại quả này. Chỉ cần người đó được trao cho một múi sầu riêng rồi ngửi và nếm trong miệng thì họ lập tức hiểu ngay.
Biểu hiện
Những người có thiên hướng ghi nhớ theo thị giác ghi nhớ thông tin bằng sự vận động hay tham gia vào các hoạt động thể chất và tiếp xúc rất nhiều với thực tế bằng cơ thể. Những đứa trẻ nào có thiên hướng ghi nhớ theo kiểu này thường hay luôn tay luôn chân và lúc nào cũng nghe những lời nhắc nhở như “ngồi yên nào!” Việc ghi nhớ kiến thức của những người này thường sẽ hiệu quả hơn nếu họ gán nó với một hành động nào đó, dù chỉ đơn giản như nhịp chân hay xoay bút bằng ngón tay hay đi đi lại lại trong lúc học thuộc lòng.
Áp dụng vào việc học từ vựng ngoại ngữ
Để ghi nhớ ý nghĩa của từ vựng trong ngoại ngữ theo sự vận động, người đọc cần tạo ấn tượng về từ vựng đó sự hoạt động của cơ thể thông qua nhiều cách khác nhau:
Khi tra từ điển một từ vựng mới trên website từ điển, hãy dùng các điệu bộ, động tác của cơ thể để minh hoạ nghĩa của từ vựng đó.
Ví dụ: Để ghi nhớ từ ‘judge’ có nghĩa là thẩm phán, hãy diễn tả lại điệu bộ của một vị thẩm phán gõ cây búa phán xét trước toà và đưa ra các phán xử tội nhân.
Tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động thể chất, tiếp xúc với nhiều sự vật, hiện tượng để toàn bộ cơ thể và năm giác quan cùng tiếp thu kiến thức và mở rộng thế giới quan cũng như kinh nghiệm sống. Sau đó khi học có từ vựng có nghĩa trừu tượng thì có thể hiểu sâu hơn do chính bản thân đã có trải nghiệm.
Tái hiện lại trong đầu các trải nghiệm hay các ấn tượng mà bản thân có được từ trước mà liên quan đến từ vựng đó.
Đọc thêm: Học từ vựng tiếng Anh: Chuyển đổi từ vựng thụ động thành chủ động
Tổng kết
Có ba cách thức mà não bộ ghi nhớ thông tin: theo thính giác, theo thị giác hoặc theo sự vận động. Cách tốt nhất để xác định bản thân có xu hướng thiên về kiểu ghi nhớ nào là hãy thử từng cách ghi nhớ nêu trên cho đến khi tìm ra cách nào là phù hợp với bản thân nhất. Hầu hết mọi người đều có thiên hướng ở ít nhất một hoặc hai cách thức, hoặc thậm chí có người phù hợp với cả ba thể thức. Điều quan trọng là tìm được phương pháp ghi nhớ và học từ vựng khiến bản thân cảm thấy thoải mái và hứng thú với việc học nhiều hơn.
Đào Ngọc Minh Thi
Bình luận - Hỏi đáp