Banner background

Cách khắc phục lỗi thường gặp trong IELTS Reading dạng Điền từ và T/F/NG

Lỗi thí sinh thường gặp phải và cách khắc phục trong bài thi IELTS Reading dạng Điền từ và True/ False/ Not given.
cach khac phuc loi thuong gap trong ielts reading dang dien tu va tfng

Trong bài thi IELTS Reading, dạng câu hỏi Điền từ và True/ False/ Not given chiếm tỉ lệ cao. Tuy nhiên, nhiều thí sinh lại gặp vấn đề ở các loại câu hỏi này, trong khi có rất nhiều lỗi đã có thể phòng và tránh được từ trước. Do đó, bài viết này sẽ chỉ ra các lỗi thí sinh thường gặp phải trong bài thi IELTS Reading dạng Điền từ và True/ False/ Not given, đề ra cách khắc phục cũng như gợi ý các bước làm bài hiệu quả.

Những lỗi thường gặp trong IELTS Reading dạng Điền từ và cách khắc phục

Lỗi sai giới hạn từ

Trong dạng bài Điền từ (Completion), thí sinh sẽ được yêu cầu chỉ được điền một giới hạn từ và/ hoặc số nhất định. Yêu cầu này được viết ở dạng in hoa, ví dụ “NO MORE THAN TWO WORDS AND/OR A NUMBER”. Thí sinh cần phải xem yêu cầu kỹ vì nếu điền vượt quá giới hạn từ cho phép hoặc sai yêu cầu, thí sinh sẽ bị mất điểm câu đó. 

NO MORE THAN TWO WORDS AND/OR A NUMBER

Cách khắc phục:

Trước khi vào đọc câu hỏi, thí sinh cần xem qua yêu cầu đề. Cụ thể, có hai khía cạnh thí sinh cần phải xem xét kỹ:

Bao nhiêu chữ (WORDS): Điều đầu tiên thí sinh cần chú ý là số lượng từ được điền vô. Thông thường sẽ có 3 dạng yêu cầu về chữ như sau:

  • ONLY ONE WORD: thí sinh chỉ được điền duy nhất 1 chữ vào mỗi vị trí trống (ví dụ “wheels”)
  • NO MORE THAN TWO WORDS: thí sinh được điền cao nhất 2 chữ, điều đó có nghĩa thí sinh chỉ được điền 1 chữ hoặc 2 chữ vào mỗi vị trí trống (ví dụ “wheels” hoặc “human error”)
  • NO MORE THAN THREE WORDS: thí sinh được điền cao nhất 3 chữ, điều đó có nghĩa thí sinh được điền 1, 2 hoặc 3 chữ vào mỗi vị trí trống (ví dụ “wheels”, “human error”, hoặc “go to bed”)

AND/OR hay OR: Ngoài ra, thí sinh cũng cần chú ý trong yêu cầu đề, cụm AND/OR hay từ OR được sử dụng. 

  • AND/OR: tại một vị trí trống, thí sinh có thể điền cả số và chữ (ví dụ “16 November”)
  • OR: tại một vị trí trống, thí sinh chỉ có thể điền số hoặc chữ (ví dụ “ 16 November” là một đáp án sai, thí sinh chỉ có thể điền hoặc “16” hoặc “November” tại một vị trí)

Ví dụ: Với yêu cầu đề là “NO MORE THAN TWO WORDS AND/OR A NUMBER”, thí sinh sẽ có thể điền 1-2 từ và có thể thêm 1 số vào một vị trí bất kỳ. Cụ thể, cụm từ “16 Rose Hotel” hoàn toàn có thể là đáp án.

Ví dụ:

Requirement: Choose ONE WORD ONLY from the passage for each answer.

Text in Passage: “It measures 120 cm by 90 cm, and is easy to transport, thanks to its two wheels.”

(Source: Cambridge 15, Test 3, page 63 & 64) 

Question: The device can be used in different locations, as it has _____________

Answer: WHEELS

Tuy nhiên, rất nhiều bạn thường sẽ chọn TWO WHEELS. Đáp án này sai do vượt quá giới hạn từ cho phép, yêu cầu đề chỉ cho điền 1 từ, do đó chỉ có thể điền từ WHEELS

Lỗi điền từ nằm ngoài bài đọc

Một lỗi khác mà thí sinh thường mắc phải đó là từ điền không có trong bài đọc (passage). Vì yêu cầu đề là “Choose NO MORE THAN…”, từ “choose” có nghĩa là “chọn”. Thí sinh cần phải “chọn” một từ trong đoạn văn để điền vào vị trí trống trong câu hỏi, không được thay đổi từ đó.

Thường thì thí sinh sẽ quên thêm “-s” vào các danh từ số nhiều, hoặc điền một từ có nghĩa tương tự với từ trong bài đó, điều này làm từ được điền vào trở nên khác so với từ trong bài đọc và thí sinh sẽ bị mất điểm cho câu trả lời đó.

Cách khắc phục

Thường lỗi điền từ khác so với từ trong bài đọc xuất phát từ 2 nguyên nhân. Một là do thí sinh hoàn toàn chưa biết mình phải “chọn” trong đoạn văn; hai là do thí sinh chưa xem kỹ từ trong đoạn văn và đã không dò lại sau khi điền vô. Qua bài viết này, người đọc đã có thể khắc phục nguyên nhân thứ nhất. Về nguyên nhân từ hai, thí sinh có thể khác phục bằng cách:

  • Trong lúc đọc đoạn văn để điền từ, khi đã xác định từ mình muốn điền vào, thí sinh nên highlight từ đó lên rồi sau đó chép/ đánh máy từ đó để điền vào chỗ trống trong câu hỏi.
  • Sau khi hoàn thành xong mỗi từ hoặc mỗi bài đọc, thí sinh cần dò lại một lần nữa xem từ mình điền và và từ mình đã highlight hoàn toàn giống nhau chưa.

Ví dụ

Text in Passage: “Up until 1900 most urban areas relied on private contractors for waste disposal …”

(Source: Cambridge Vocabulary for IELTS ) 

Question: Waste collected by _____________

Answer: PRIVATE CONTRACTORS

Tuy nhiên, rất nhiều bạn thường sẽ điền PRIVATE CONTRACTOR (không có “S”). Đây là đáp án sai . Từ trong bài là số nhiều, do đó, thí sinh bắt buộc phải sử dụng private contractors, không được phép chỉnh sửa theo ý bản thân.

Lỗi điền sai loại từ

Khi điền từ vào mỗi câu hay đoạn văn, thí sinh phải lưu ý từ điền vào không chỉ cần phải giúp câu hay đoạn văn đó hoàn thiện về mặt ngữ nghĩa mà còn phải hoàn thiện về mặt ngữ pháp. Do đó, nếu từ được điền vào giúp câu nghe hợp lý, nhưng về mặt ngữ pháp là sai, như vậy đáp án đó vẫn chưa phải là chính xác.

Cách khắc phục:

Để khác phục lỗi này, điều đầu tiên, thí sinh cần nắm chắc ngữ pháp của các câu và đặc biệt là vị trí của các loại từ (danh từ, động từ, tính từ,…) trong tiếng Anh. Ví dụ, danh từ thường sẽ là chủ ngữ của câu – đứng đầu câu nhưng sau trạng ngữ chỉ thời gian, hoặc là tân ngữ – đứng sau động từ, hoặc sau tính từ, mạo từ, giới từ. Tính từ sẽ đứng trước danh từ, hoặc sau các động từ liên kết như to be, look, seem, feel,…

Sau đó, trong lúc đọc và phân tích câu hỏi, thí sinh cần ghi chú tại mỗi vị trí, mình cần điền loại từ gì. Ví dụ với câu hỏi “Only _______ were allowed to produce silk”, thí sinh cần chú ý phía trước từ cần điền có từ “only” là tính từ, phía sau có động từ to be “were”, do đó từ cần điền sẽ là Danh từ, đặc biệt là Danh từ số nhiều. Thí sinh sẽ ghi chú vào vị cần điền chữ “Ns” (Noun thêm s – số nhiều) hoặc bất kỳ ký tự khác để giúp bản thân nhớ ở đó cần điền Danh từ số nhiều.

Sau khi điền xong, thí sinh cần kiểm tra lại một lần nữa xem từ mình điền có đúng loại từ đã được xác định chưa. Nếu chưa, thí sinh cần thay đổi một đáp án khác để phù hợp hơn.

Ví dụ:

Text in Passage: “We are told that we ought to organise our company, our home life, our week, our day and even our sleep, all as a means to becoming more productive. Every week, countless seminars and workshops take place around the world to tell a paying public that they ought to structure their lives in order to achieve this. “

(Source: Cambridge 14, Test 2, page 47 & 48) 

Question: Numerous training sessions are aimed at people who feel they are not ___________________ enough. 

Answer: PRODUCTIVE

Tuy nhiên, có một từ mà nhiều bạn thường sẽ chọn đó là STRUCTURE. Đây là đáp án sai. Trong câu hỏi, phía trước chỗ cần điền có động từ to be “are not”, phía sau lại có “enough”, do đó người học cần xác định vị trí cần điền vào là một tính từ. Trong câu trên chỉ có tính từ “productive” là hợp nghĩa nhất để điền vào.

Lỗi điền thừa từ

Khác với lỗi thứ nhất – điền sai giới hạn từ, lỗi điền thừa từ ở đây tập trung vào việc hoàn thiện về nghĩa của câu cần điền. Cụ thể, với lỗi này, thí sinh hoàn toàn có thể điền đúng theo giới hạn từ của đề bài, nhưng lại thừa từ về mặt nghĩa câu. Trong câu hỏi sẽ có một số từ đã được paraphrased thành một từ khác trong bài đọc, do đó, thí sinh không cần phải điền từ paraphase đó. 

Cách khắc phục

Trong lúc phân tích câu hỏi, thí sinh cần xác định keywords, thường là Danh từ, Động từ và Tính từ. Sau đó, thí sinh cần scan và tìm các keywords đó trong bài đọc, thường thì các keywords sẽ bị paraphrased thành các từ khác với nghĩa tương tự. Sau khi tìm được vị trí các keywords, thí sinh cần xác định từ nào là từ paraphrase cho các keywords trong câu hỏi để loại bỏ chúng. Từ cần điền vào là từ chưa paraphrase cho từ nào trong câu hỏi.

Ví dụ:

Text in Passage: “Recycling was not restricted to the clothing trade. A much wider culture of reuse existed. This included … the repair or reuse of most metal goods …”

(Source: Cambridge Vocabulary for IELTS) 

Question: People recycled products such as anything made from _____________

Answer: METAL

Tuy nhiên, rất nhiều bạn thường sẽ chọn METAL GOODS. Từ “goods” không cần thiết do nó đã được parapharased bằng từ “products” trong câu hỏi.

Cách làm bài Điền từ

Như vậy, để làm tốt dạng bài điền từ, thí sinh có thể tham khảo các bước làm bài sau:

1. Đọc tiêu đề: Nhằm các định bối cảnh và chủ đề của bài đọc

2. Phân tích yêu cầu đề: Thí sinh cần xem kỹ phần Giới hạn từ, xác định rõ hai yếu tố là bao nhiêu từ và yêu cầu là AND/ OR hay chỉ OR.

3. Phân tích câu hỏi:

Xác định keywords: 

Xác định keywords

  • Keywords giúp xác định vị trí câu trả lời: Tên, Số,…
  • Keywords giúp hiểu nội dung câu hỏi: Danh từ, Động từ, Tính từ,…

Xác định loại từ cần điền vào: Thí sinh cần xác định từ cần điền vào là Số hay Chữ, nếu là Chữ thì thuộc loại từ gì (Danh từ/ Động từ/…). Nếu là danh từ, nếu có thể, thí sinh nên xác định Danh từ cần điền vào là Số ít hay Số nhiều, thuộc chủ đề nào (trang phục, địa điểm, phương tiện,…)

4. Dựa vào các keywords để tìm ra vị trí câu trả lời trong bài

5. Đọc kỹ câu đã xác định, loại bỏ các từ được dùng để paraphrase cho các từ trong câu hỏi và xác định từ cần điền vào.

6. Kiểm tra lại từ điền vào theo các khía cạnh: Giới hạn từ, Chính tả/ Giống với từ trong bài đọc, Hợp lý về mặt ngữ nghĩa và ngữ pháp.

Những lỗi thường gặp trong IELTS Reading ở dạng bài True/ False/ Not Given và cách khắc phục

Lỗi không biết tìm thông tin chứa câu trả lời 

Nhiều thí sinh gặp vấn đề trong việc xác định vị trí của thông tin liên quan đến câu hỏi trong bài đọc, dẫn đến việc tốn rất nhiều thời gian để tìm được câu trả lời. 

Cách khắc phục

Điều đầu tiên, thí sinh cần ghi nhớ các câu hỏi trong dạng bài True/ False/ Not Given sẽ đi theo thứ tự. Điều đó có nghĩa là thông tin cho câu 1 sẽ xuất hiện trước câu 2, và đến câu 3. Do đó, nếu đã tìm được vị trí chứa thông tin cho câu thứ 2, thí sinh cần đọc ngược lên để tìm đáp án cho câu số 1. 

Sau đó, khi đọc câu hỏi, xác định keywords là một việc rất quan trọng. Keywords sẽ là tên riêng, số, danh từ,… tương tự như trong dạng bài điền từ. Sau đó, thí sinh cần tìm trong bài đọc xem tại vị trí nào, các keywords đó xuất hiện, đó có thể là vị trí của câu trả lời.

Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý các keywords thường sẽ không được lặp lại giống hệt như trong câu hỏi, mà sẽ được viết lại theo cách khác (paraphrased), ví dụ như sử dụng từ đồng nghĩa hoặc thay đổi cả cấu trúc của câu. Do đó, thí sinh cần học nhiều từ vựng, nhiều cách để diễn giải một ý để có thể xác định tốt các từ được paraphrased trong bài đọc. 

Ví dụ: 

Text in Passage: “This theory could explain why dyslexics have difficulty reading. Many dyslexic children read letters and words backwards, often mistaking a b for a d or reading was instead of saw.” 

Question: People with dyslexia often read in reverse.

Answer: TRUE

Keywords trong câu hỏi này sẽ là “read in reverse” (đọc ngược), nhưng trong bài đọc lại không có từ “reverse”, người đọc phải hiểu và tìm một từ có nghĩa tương tự, đó là backwards. Ngoài ra, bài đọc còn cho cả ví dụ về việc được ngược “ a b” thành “a d” hay “saw” thành “was”. Do đó, đáp án nằm trong câu trên và là đáp án Đúng vì thông tin trong câu hỏi giống với thông tin trong bài đọc.

Lỗi không chú ý các từ chỉ mức độ, sắc thái

Thông thường, với dạng bài này, trọng tâm của việc xác định đúng sai sẽ nằm ở các từ chỉ mức độ, sắc thái trong câu hỏi. Tuy nhiên, nhiều thí sinh lại bỏ qua các thành phần này trong lúc tìm keywords, từ đó dẫn đến việc trả lời sai.

Cách khắc phục

Trong lúc tìm keywords, ngoài việc xác định các keywords chính như Tên, Số, danh từ,… thí sinh phải đặc biệt chú ý đến các từ chỉ mức độ, sắc thái có trong câu hỏi. Một số từ thường xuất hiện trong dạng bài này là:

  • Các từ chỉ số lượng: all, almost, most, many, none,…
  • Các từ chỉ mức độ thường xuyên: always, never, usually, rarely,… 
  • Các từ chỉ sự duy nhất: only, unique, solely,…
  • Các từ chỉ thứ tự: first, last, second,…
  • Các từ chỉ thời gian: newest, most recent, as soon as, recently,…

Ví dụ:

Text in Passage: “His grandfather began the task of teaching him how to navigate when he was still a baby. He showed him pools of water on the beach to teach him how the behaviour of the waves and wind changed in different places.” 

(Source: Complete IELTS Band 4-5) 

Question: Mau’s grandfather was his only teacher.

Answer: NOT GIVEN

Keywords trong câu hỏi này sẽ là “grandfather”, “teacher” và đặc biệt là từ “only”. Trong bài, cả “grandfather” và “teacher” đều được nói đến nhưng không có ý nào thể hiện từ “only”. Do đó, đây là câu Not Given

Lỗi xác định câu Not Given 

Lỗi xác định câu Not Given

Có lẽ lỗi phổ biến nhất người học hay gặp phải với dạng bài True/ False/ Not given này chính là xác định câu Not Given. Thông thường, mọi người thường nói câu Not Given là câu không được nhắc đến trong bài. Tuy nhiên, việc đó là chưa chính xác hoàn toàn. Cụ thể, trong câu Not given, hầu hết thông tin đều sẽ được nhắc đến nhưng sẽ về một khía cạnh khác của vấn đề hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin.

Cách khắc phục

Người đọc cần xác định rõ các keywords chỉ mức độ, sắc thái trong câu hỏi. Sau đó, thí sinh cần xác định câu hỏi đang nói về khía cạnh gì của vấn đề và kiểm tra lại với đoạn văn xem cả hai có nói về cùng một khía cạnh không. Nếu không cùng, đáp án sẽ là Not given. Nếu cùng, thí sinh cần xét tất cả các thông tin trong câu hỏi có được nhắc đến ở đoạn văn hay không, nếu không thì đáp án cũng sẽ là Not given.

Ví dụ 1:

Text in Passage: “In all, ten small, beautifully crafted drinking vessels were found at the Puerto Escondido site, suggesting that even then the cacao brew was not consumed on a frequent basis but was reserved for important feasts or ceremonial events.”

Question: In ancient Puerto Escondido, cacao drinks were served hot.

Answer: NOT GIVEN

Trong câu trên, chủ thể “cacao drinks” và “Puerto Escondido” vẫn được nhắc đến. Tuy nhiên, trong khi bài đọc chỉ nhắc đến việc cacao được dùng vào các dịp nào (reserved for important feasts or ceremonial events), câu hỏi lại nói về việc sử dụng cacao như thế nào (served hot). Đây là 2 khía cạnh khác nhau nên đáp án sẽ là NOT GIVEN.

Ví dụ 2: 

Text in Passage: “More educated women not only want fewer children than less educated ones, they are also more likely to marry and have children later, contributing to smaller family size.”

Question: More educated women tend to have just two children.

Answer: NOT GIVEN

Trong câu trên, chủ thể “educated women” và từ “children” được nhắc đến trong bài đọc. Cả câu hỏi và đoạn văn đều nhắc đến một khía cạnh – việc “educated women” có “children” . Tuy nhiên, bài đọc chỉ nói đến việc muốn có ít con hơn “fewer children” chứ không nói rõ muốn bao nhiêu con, từ “two” chưa được thể hiện trong bài. Do đó, người đọc chưa đủ thông tin để kết luận câu hỏi này là đúng hay sai, nên nó sẽ là một câu Not Given.

Cách làm dạng bài True/ False/ Not given

Như vậy, để làm tốt dạng bài True/ False/ Not given, thí sinh có thể tham khảo các bước làm bài sau:

1. Đọc tiêu đề: Nhằm các định bối cảnh và chủ đề của bài đọc

2. Xác định keywords trong câu hỏi: 

  • Keywords giúp xác định vị trí câu trả lời: Tên, Số
  • Keywords giúp hiểu nội dung câu hỏi: Danh từ, Động từ, Tính từ
  • Keywords chỉ mức độ, sắc thái

3. Dựa vào keywords, chủ yếu là tên, số và danh từ để xác định vị trí câu trả lời.

4. Đọc kỹ đoạn văn chứa câu trả lời, xem các keywords về mức độ, sắc thái được nhắc đến như thế nào trong đoạn văn đó. Cụ thể, với các loại câu đặc biệt sau, thí sinh cần lưu ý:

  • Với câu có so sánh hơn: cần xem kỹ vật thể được so sánh ở khía cạnh nào, nếu cùng khía cạnh thì vấn đề nào tốt hơn. Nếu khác khía cạnh, đáp án là Not Given. Nếu cùng khía cạnh nhưng hai chủ thể trong câu hỏi bị đánh giá ngược lại với thông tin trong bài đọc, đáp án sẽ là False, nếu không bị ngược sẽ là True.
  • Với câu có so sánh nhất: thường đề sẽ đánh đố ở việc không đề cập đến việc so sánh hoặc chỉ sử dụng so sánh hơn trong bài đọc, nếu vậy đáp án sẽ là Not Given.
  • Với các câu có thời gian: nếu so với bài đọc, câu hỏi có cùng thời gian nhưng khác sự kiện, đó là câu Not Given. Nhưng nếu câu hỏi có cùng sự kiện, nhưng khác thời gian, đó sẽ là False.

Ví dụ:

  • Câu trong bài đọc: Năm 1945, Việt Nam xảy ra nạn đói.
  • Câu hỏi 1: Năm 1945, thế giới đang có chiến tranh thế giới thứ 2. Cùng năm nhưng khác sự kiện. Đáp ăn: Not given
  • Câu hỏi 2: Năm 1970, Việt Nam xảy ra nạn đói. Cùng sự kiện nhưng khác năm. Đáp án: False
  • Với các câu có tính từ, trạng từ: thí sinh cần lưu ý các từ đó để so sánh với bài đọc, xem xét liệu đó là true, false hay not given

Kết luận

Bài viết đã tổng hợp các lỗi thường gặp, cách khắc phục và đề xuất cách làm bài IELTS Reading dạng Điền từ và và True/ False/ Not given trong bài thi IELTS Reading. Để áp dụng hiểu quả các thao tác bài thi IELTS Reading dạng Điền từ và và True/ False/ Not given, người đọc có thể tham khảo khóa học IELTS Foundation – Cam kết đầu ra 4.5 IELTS tại ZIM.

Đọc thêm: Phương pháp làm bài IELTS Reading dạng True, False và Not Given

Huỳnh Nguyễn Thảo Nhung

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...