Cách vận dụng Subordinating Conjunction vào bài IELTS Writing

Trong một bài Writing, người viết cần đảm bảo nội dung rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu. Để làm được điều này, không chỉ các thông tin cần có giá trị mà các câu văn cũng cần được trình bày một cách có logic. Tuy nhiên, nhiều người học tiếng Anh thường gặp khó khăn trong việc thể hiện mạch logic của mình.
author
An Trịnh
06/07/2022
cach van dung subordinating conjunction vao bai ielts writing

Các câu văn của người học thường lủng củng, không rõ nghĩa, thiếu sự liên kết giữa các câu và giữa chính các thành phần trong câu. Những câu văn này dẫn tới một bài viết rườm rà và khó hiểu. 

Để cải thiện tính rõ ràng, tính logic và tính liên kết trong bài viết, một trong những công cụ ngữ pháp người học cần nắm được là liên từ. Bài viết này sẽ giới thiệu về liên từ phụ thuộc ( Subordinating Conjunction ), tác dụng và cách áp dụng liên từ phụ thuộc vào trong một bài Writing. 

Key takeaways:

  • Liên từ phụ thuộc là một loại từ nối liên kết 2 mệnh đề trong 1 câu. Liên từ phụ thuộc nằm trong mệnh đề phụ. Mệnh đề phụ không thể đứng độc lập, và có vai trò ít quan trọng hơn mệnh đề chính

  • Các loại liên từ phụ thuộc phổ biến là liên từ chỉ thời gian, nguyên nhân - kết quả, tương phản - đối lập, và điều kiện.

  • Trong bài Writing, cần đặt thông tin chính, có vai trò quan trọng hơn vào mệnh đề chính; thông tin bổ trợ vào mệnh đề phụ

  • Mệnh đề phụ có thể xuất hiện ở 3 vị trí: đầu câu, cuối câu, giữa câu.

  • Cần chọn vị trí mệnh đề phụ nhằm loại bỏ rủi ro tạo ra cấu trúc mơ hồ.

  • Trong một câu có nhiều mệnh đề phụ, chỉ nên đặt một mệnh đề phụ ở đầu câu, các mệnh đề phụ còn lại nên đặt ở cuối câu, sau mênh đề chính. 

  • Giữa các mệnh đề phụ cũng có sự phân cấp vai trò. Mệnh đề phụ có vai trò quan trọng nhất nên được để cuối câu.

  • Mệnh đề phụ có thể được vận dụng trong bài IELTS Writing Task 2 để viết các câu mở rộng, mang tính liên kết chặt chẽ giữa các thành phần.

Liên từ phụ thuộc (Subordinating Conjunction) là gì?

Liên từ phụ thuộc là một loại từ nối liên kết 2 mệnh đề trong 1 câu, trong đó gồm 1 mệnh đề chính và 1 mệnh đề phụ. Liên từ phụ thuộc luôn đi với mệnh đề phụ; mệnh đề này không thể đứng một mình, mang vai trò kém quan trọng hơn mệnh đề chính và ý nghĩa của nó phụ thuộc vào mệnh đề chính.

Nhờ đặc tính trên, liên từ phụ thuộc là một công cụ hiệu quả nhằm thể hiện vai trò của từng thông tin trong tổng thể một bài viết, cũng như mối liên hệ của từng thông tin với nhau. Ngoài ra, nó cũng tạo ra hiệu ứng nhấn mạnh và giúp người viết định hướng người đọc tập trung vào những thông tin cụ thể theo ý của mình. 

Ví dụ:

Because she got home late, she missed her dinner.

(Vì cô ấy về muộn, cô ấy đã bỏ lỡ bữa tối.) 

Trong câu trên, she missed her dinner là mệnh đề chính, có thể tồn tại độc lập như một câu riêng lẻ (She missed her dinner); sự kiện bữa tối bị bỏ lỡ cũng là thông tin chính được truyền tải. Ngược lại, because she got home late là mệnh đề phụ; có liên từ phụ thuộc là “because”. Từ “because” cho thấy vai trò của mệnh đề này là cung cấp thông tin giải thích nguyên nhân cho thông tin chính (vì sao lại xảy ra sự kiện bữa tối bị bỏ lỡ). Có thể thấy, nếu bị tách khỏi mệnh đề chính, mệnh đề này sẽ trở thành một câu sai ngữ pháp. Trong tổng thể một bài viết, nguyên nhân xảy ra sự kiện không quan trọng bằng chính sự kiện đó. 

Các liên từ phụ thuộc phổ biến

Số lượng các liên từ phụ thuộc trong tiếng Anh là rất lớn. Dưới đây là bảng một số liên từ phụ thuộc phổ biến mà người học có thể vận dụng cho bài Writing của mình.

Liên từ chỉ thời gian

Liên từ

Ví dụ

before

Let’s go before it rains. (Hãy đi thôi trước khi trời mưa.)

after

He will watch TV after he finishes his work. (Anh ta sẽ xem TV sau khi làm xong bài tập)

as


I saw him as I was coming into the building. (Tôi nhìn thấy anh ta khi đang đi vào tòa nhà)

as soon as


As soon as the teacher arrived, they started their lesson. 

(Ngay khi giáo viên đến, họ đã bắt đầu bài học.)

once


Once we have finished the work we can relax. (Một khi xong việc chúng ta có thể thư giãn.)

since

Since he lost his job, he seems so depressed. (Kể từ khi mất việc, anh ta có vẻ rất tuyệt vọng.)

till/until




She can’t go home till/until she has finished her work. (Cô ấy không thể về nhà cho tới khi xong việc.)

when

I always feel happy when I think of my family. (Tôi luôn thấy hạnh phúc khi nghĩ về gia đình)

while

While I was in France I went to see the Eiffel Tower. (Khi ở Pháp tôi đã tới thăm quan tháp Eiffel.)

Liên từ chỉ nguyên nhân - kết quả

because

I didn't go to school today because it rained so heavily.

(Tôi không tới trường hôm nay vì trời mưa to quá.)

since

Since we’ve still got a few minutes left, let’s do a mini test. (Vì chúng ta vãn còn vài phút, hãy làm một bài kiểm tra nhỏ.)

as

As it was getting late, I decided to book into a hotel. (Vì đã muộn, tôi quyết định đặt một phòng khách sạn.)

Liên từ chỉ sự tương phản - đối lập

although/though/even though

Although she tried her best, she failed to pass the exam. (Dù đã cố gắng hết sức, cô ấy đã không vượt qua bài kiểm tra.)

while

While he is a good accountant, he lacks the leadership quality to be promoted. (Dù anh ta là một kiểm toán viên giỏi, anh ta thiếu năng lực lãnh đạo để được thăng chức.)

Liên từ chỉ điều kiện

as long as

You can have a dog as long as you promise to take care of it. (Bạn có thể nuôi chó miễn là bạn hứa sẽ chăm sóc cho nó.)

unless

The crop will die unless it rains soon. (Cây trồng sẽ chết hết trừ khi trời sớm có mưa.)

if

If we want to get this done then we'll have to start soon. (Nếu chúng ta muốn xong việc thì chúng ta phải sớm bắt đầu thôi.)

even if

He won’t get fired, even if he failed to reach the target this quarter. (Anh ta sẽ không bị sa thải, kể cả khi anh ta không đạt chỉ tiêu quý này.)

on condition that

I will lend you my money on condition that you give it back in 3 months. (Tôi sẽ cho bạn mượn tiền với điều kiện bạn trả lại nó trong vòng 3 tháng.)

provided that

Provided that the pandemic is controlled, we can take a trip to France. (Nếu dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta có thể đến Pháp.)

supposing (that)

We'd love to come and see you on Saturday, supposing I don't have to work that day. (Chúng tôi rất muốn đến thăm bạn vào thứ 7, nếu như hôm đó tôi không phả làm việc.)

Cách sử dụng liên từ phụ thuộc trong bài Writing 

Lựa chọn thông tin cho mệnh đề phụ thuộc 

Tác dụng lớn nhất của liên từ phụ thuộc là tạo ra sự nhấn mạnh về tầm quan trọng của một thông tin cụ thể trong mối liên hệ với các thông tin khác. Theo đó, thông tin trong mệnh đề phụ (mệnh đề chứa liên từ phụ thuộc) là thông tin phụ, không quan trọng bằng thông tin trong mệnh đề chính. Do vậy, đối với những thông tin quan trọng, là thành phần chính trong mạch logic của bài viết, chứa ý chính mà người viết cần truyền tải, người viết cần đặt chúng vào mệnh đề chính. Các thông tin bổ trợ, không có quá nhiều tác động đến việc hiểu toàn bộ bài viết sẽ được đặt trong mệnh đề phụ chứa liên từ phụ thuộc. 

Ngoài ra, người viết cũng cần đảm bảo mình hiểu rõ nghĩa của các liên từ mình sử dụng, nhằm thể hiện chính xác mối quan hệ giữa 2 mệnh đề và đảm bảo sự liên kết chặt chẽ trong bài viết. 

Hãy xét ví dụ sau đây: 

(1): While it is true that social media sites can be very useful and help us to connect and keep in touch with others, we need to be careful and not forget that we can only make real friends in the real world. I personally believe that these are the relationships that last a lifetime.

(Nguồn: www.english-exam.org)

(Dù đúng là mạng xã hội rất hữu dụng và giúp ta kết nối và giữ liên lạc với người khác, chúng ta cần cẩn trọng và không quên rằng chúng ta chỉ có thể tìm được những người bạn thật sự trong thế giới thực. Tôi tin rằng đó là những mối quan hệ có thể kéo dài suốt cuộc đời.)

(2): While we need to be careful and not forget that we can only make real friends in the real world, it is true that social media sites can be very useful and help us to connect and keep in touch with others. I personally believe that these are the relationships that last a lifetime. 

(Dù chúng ta cần cẩn trọng và không quên rằng chúng ta chỉ có thể tìm được những người bạn thật sự trong thế giới thực, đúng là mạng xã hội rất hữu dụng và giúp ta kết nối và giữ liên lạc với người khác. Tôi tin rằng đó là những mối quan hệ có thể kéo dài suốt cuộc đời.)

Trong trường hợp (1), thông tin về mạng xã hội nằm ở mệnh đề phụ, thông tin về đời sống thực là mệnh đề chính. Do vậy từ “these” ở câu sau được hiểu là những mối quan hệ trong đời sống thực, và người viết đang đề cao tầm quan trọng của những mối quan hệ này so với những mối quan hệ qua mạng. Ở trường hợp (2) khi thông tin nằm trong mệnh đề phụ được đổi lại, từ “these” trở thành quy chiếu cho những mối quan hệ trên mạng, và những mối quan hệ này là quan trọng, đáng giá hơn. 

Như vậy, chỉ cần thay đổi vị trí thông tin nằm trong mệnh đề phụ đã làm thay đổi toàn bộ nội dung của đoạn văn và thông điệp của tác giả. Người viết cần có sự phân cấp rõ ràng các thông tin mình muốn đưa vào bài viết để sắp xếp thông tin hiệu quả. 

Vị trí của mệnh đề phụ thuộc và sử dụng dấu phẩy trong câu có mệnh đề phụ thuộc

Một mệnh đề phụ thuộc có thể nằm ở 3 vị trí: đầu câu, giữa câu, và cuối câu. 

  • Khi mệnh đề phụ thuộc nằm ở đầu câu, trước mệnh đề chính, cần có dấu phẩy giữa 2 mệnh đề.

Ví dụ: Since I was in a hurry, I forgot to lock the door.

(Vì vội, tôi đã quên không khóa cửa.) 

  • Khi mệnh đề phụ thuộc nằm ở cuối câu, sau mệnh đề chính, không cần có dấu phẩy giữa 2 mệnh đề.

Ví dụ: I forgot to lock the door since I was in a hurry.

(Tôi đã quên khóa cửa vì tôi vội.)

  • Khi mệnh đề phụ thuộc nằm ở giữa câu, cần có 2 dấu phẩy ngăn cách mệnh đề phụ thuộc với các thành phần của mệnh đề chính.

Ví dụ: He ran, because it rains so heavily, very slowly.

(Anh ta, bởi vì trời mưa quá to, chạy rất chậm.)

Cần lưu ý rằng, với trường hợp đặt mệnh đề phụ thuộc vào giữa câu; câu văn sẽ đạt được hiệu ứng nhấn mạnh rất tốt do có sự thay đổi về cấu trúc câu. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng đồng nghĩa với việc tạo ra sự đứt gãy thông tin trong mệnh đề chính. Do vậy sử dụng mệnh đề phụ thuộc ở vị trí giữa câu sẽ luôn khiến người đọc mất nhiều thời gian hơn để xử lý thông tin so với 2 trường hợp còn lại. Người viết cần cẩn trọng với cách dùng này để tránh viết ra những câu văn khó hiểu. Tốt nhất, chỉ nên sử dụng cấu trúc này với những câu ngắn, và thông tin đã rất rõ ràng nhờ vào quá trình diễn giải trước đó. 

Một vấn đề khác liên quan đến vị trí của mệnh đề phụ thuộc là sự mơ hồ trong cấu trúc. Hãy xem xét trường hợp sau: 

I ran towards my mother who seemed really angry because it was late already.

Câu này có thể được hiểu theo 2 cách:

(1): Tôi chạy về phía mẹ mình vì đã muộn rồi

(2): Mẹ tôi có vẻ giận dữ vì đã muộn rồi. 

Tùy theo thông tin mà người viết muốn truyền tải, có thể thay đổi cấu trúc câu để khiến câu văn rõ nghĩa hơn. Chẳng hạn, với cách hiểu (1), có thể di chuyển vị trí mệnh đề phụ:

Because it was late already, I ran towards my mother who seemed really angry.

Quy tắc thông tin bên phải đối với mệnh đề phụ

Một câu có thể chứa nhiều hơn một mệnh đề phụ thuộc. Do vậy người viết cần sắp xếp thứ tự các mệnh đề này một cách hợp lý để đảm bảo câu văn mạch lạc, dễ hiểu. 

Trong tiếng Anh, xu hướng của việc sắp xếp thông tin luôn là đặt mệnh đề phụ về phía phải, sau mệnh đề chính. Cách sắp xếp này đảm bảo cho câu văn mạch lạc và dễ hiểu. Các cách sắp xếp khác rất ít khi được sử dụng, và thường khiến câu văn trở nên khó hiểu, đòi hỏi nhiều thời gian để xử lý thông tin. 

Ví dụ:

(1): While he is not well-off, I still love him because he is really hard-working even if people don’t recognize his efforts. 

(Dù anh ấy không giàu có, tôi vẫn yêu anh ấy vì anh ấy rất chăm chỉ dù mọi người không công nhận nỗ lực của anh ấy.)

(2): While he is not well-off, because he is really hard-working even if people don’t recognize his efforts, I still love him. 

(Dù anh ấy không giàu có, vì anh ấy rất chăm chỉ dù mọi người không công nhận nỗ lực của anh ấy, tôi vẫn yêu anh ấy.) 

(3): While he is not well-off, because he is really hard-working, I still love him even if people don’t recognize his efforts.

(Dù anh ấy không giàu có, vì anh ấy rất chăm chỉ, tôi vẫn yêu anh ấy dù mọi người không công nhận nỗ lực của anh ấy.)

Có thể thấy, dù đều vận dụng đúng quy tắc về vị trí của mệnh đề phụ, câu (1) vẫn dễ hiểu hơn đối với người đọc, vì các mệnh đề phụ được đặt ở phía phải, do đó người đọc được tiếp nhận mệnh đề chính nhanh hơn. 

Ngoài ra, giữa các mệnh đề phụ cũng có sự sắp xếp về tầm quan trọng của thông tin. Mệnh đề phụ được đặt cuối cùng sẽ được nhấn mạnh hơn các mệnh đề phụ khác. Như vậy, trong câu (1), thông tin điều kiện “dù mọi người không công nhận nỗ lực của anh ấy” là thông tin mà người viết muốn nhấn mạnh, quan trọng hơn thông tin tương phản của mệnh đề While và thông tin nguyên nhân của mệnh đề Because. 

Như vậy, khi muốn viết câu dài và tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa các thông tin, người viết có thể tạo nhiều mệnh đề phụ. Tuy nhiên, số lượng mệnh đề phụ không nên quá nhiều để tránh khiến câu trở nên lủng củng, khiến người đọc không thể tập trung và mệnh đề chính. Con số lý tưởng chỉ nên là 2 mệnh đề. Người viết có thể đặt mệnh đề phụ kém quan trọng hơn ở đầu câu, và mệnh đề phụ quan trọng hơn ở cuối câu.
image-altSơ đồ. 2 cách sắp xếp mệnh đề phụ trong câu.

Áp dụng liên từ phụ thuộc vào bài IELTS Writing Task 2

Với liên từ phụ thuộc, người học có thể áp dụng vào bài IELTS Writing Task 2 để viết các câu mở rộng và liên kết các thông tin với nhau.

Đề mẫu: The government should give each citizen a basic income so that they have enough money to live on, even if they are unemployed. To what extent do you agree or disagree?

Với đề bài trên, người học có thể vận dụng liên từ phụ thuộc theo hướng ủng hộ chính phủ trả thu nhập cơ bản cho người dân.

Đoạn 1: Thu nhập cơ bản mang lại cuộc sống hạnh phúc hơn. Không bị áp lực bởi tiền bạc, người dân có thể dành thời gian học tập, tìm kiếm cơ hội. Khi tìm được việc (mệnh đề thời gian), họ sẽ làm việc hiệu quả hơn và tận tâm hơn. Ngoài ra, khi đã có thu nhập cơ bản nhiều người không đi làm vì họ muốn dành thời gian cho gia đình và những công việc ý nghĩa hơn (mệnh đề nguyên nhân).

First, fixed income offers people better career options. They can afford to stay unemployed for an extended period of time to search for suitable jobs or pursue higher education to improve their skills. Thus, when people do find work, they are not only better qualified, but also motivated and engaged, which leads to higher productivity and more opportunities to advance their careers. Besides, a basic income allows individuals to invest more into their personal lives. A huge number of people who cease to work do so because they want to focus on family or community work. 

Đoạn 2: Xã hội phát triển nhờ thu nhập cơ bản. Nếu người dân được nhận đủ tiền (mệnh đề điều kiện), họ sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến phát triển kinh tế. Ngoài ra, dù chính phủ phải trả nhiều tiền cho người dân (mệnh đề tương phản), họ lại tiết kiệm được rất nhiều. Vì mọi người đều được nhận tiền (mệnh đề nguyên nhân) nên không phải chi tiêu cho công đoạn xác định giấy tờ. 

Basic income policy drives economic growth. If people receive enough money to live on, they are likely to spend more on high quality and expensive products, entertainment, and health care. This increase in demand results in more money flowing in the market, more businesses, and more jobs. Furthermore, while basic income demands a huge financial means, it actually helps save money for the government. As everyone receives financial aid, the government can cut down on long and costly procedures to verify citizens’ paperwork. 

Bài tập vận dụng

Bài 1. Các liên từ phụ thuộc sau đây chỉ thời gian, nguyên nhân - kết quả, tương phản - đối lập hay điều kiện? 

whilst even though provided that in order that

seeing that now that whenever whereas even if

Bài 2. Viết lại các câu sau đây bằng cách sử dụng các liên từ được cho. 

  1. The man is handsome. The man is single. (Although)

  2. The pandemic ends. We can’t go abroad. (Unless)

  3. I needed money. I took two jobs. (Since)

  4. She sings well. Her songs can’t break out. (While)

  5. The doorbell rings. The dog runs to the door. (As soon as) 

Đáp án:

4.1. 

Liên từ chỉ thời gian: whilst, whenever

Liên từ chỉ tương phản - đối lập: even though, whereas, whilst

Liên từ chỉ nguyên nhân - kết quả: in order that, because

Liên từ chỉ điều kiện: even if, provided that

4.2.

  1. Although the man is handsome, he is still single.

  2. Unless the pandemic ends, we can’t go abroad. hoặc

We can’t go abroad unless the pandemic ends.

  1. Since I needed money, I took two jobs. hoặc

I took two jobs since I needed money.

  1. While she sings well, her songs can’t break out. 

  2. As soon as the doorbell rings, the dog runs to the door. hoặc

The dog runs to the door as soon as the doorbell rings.

Tổng kết

Writing là một kĩ năng rất quan trọng trong việc học ngôn ngữ; tuy nhiên rất nhiều người học gặp khó khăn trong việc trình bày một văn bản mạch lạc, logic và dễ hiểu. Lý do phần lớn là bởi người học chưa biết cách vận dụng những công cụ ngữ pháp để tạo ra sự liên kết trong bài viết. Một trong những công cụ phổ biến và hiệu quả nhất là liên từ phụ thuộc. Bài viết này đã giới thiệu về liên từ phụ thuộc, tác dụng của liên từ phụ thuộc, các loại liên từ phụ thuộc phổ biến và cách vận dụng liên từ phụ thuộc vào bài viết.

Lộ trình ôn luyện IELTS cụ thể và hiệu quả là yếu tố then chốt giúp người học đạt được điểm cao. Học thử khóa học luyện thi IELTS tại ZIM để trải nghiệm hôm nay.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu