Advanced Placement là gì? Những thông tin cần biết
Đối với các thí sinh làm hồ sơ xét tuyển du học vào các trường Đại Học tại Mỹ, đặc biệt là các trường có thứ hạng cao, việc sở hữu những chứng chỉ học thuật khác ngoài SAT và IELTS là điều khá phổ biến bởi điều đó giúp cho tính cạnh tranh của hồ sơ tăng lên tương đối nhiều. Chứng chỉ AP viết tắt của Advanced Placement là một trong số đó và đã được các bạn học sinh tại Mỹ ưu tiên lựa chọn từ rất lâu. Mặc dù vậy, cái tên AP vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều bạn học sinh tại Việt Nam bởi không có nhiều cơ sở tổ chức giảng dạy và thi cử. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn đọc về chương trình AP nói chung (bao gồm chương trình học và kỳ thi) để bạn đọc có thể có cái nhìn rõ hơn về giá trị của chương trình này.
Thông tin chung
AP là gì?
AP (tên gọi đầy đủ là Advanced Placement) là một chương trình học thuật được sử dụng tại Mỹ và Canada nhằm cung cấp cho học sinh Trung học (high school) các khóa học và bài thi về các môn chuyên ngành bậc đại học.
Đối tượng AP hướng đến
Đối tượng mà chương trình AP hướng đến là học sinh trung học từ khối 10 – 12 trong cả nước Mỹ và quốc tế, có mong muốn thử sức với giáo dục bậc đại học và định hướng ngành học cho bản thân.
Xem thêm: Những bài kiểm tra giúp bạn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp
Nguồn gốc chương trình AP
Chương trình AP được thành lập ra từ những năm 50 của thế kỷ 20 trong thời kỳ Chiến tranh lạnh khi các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ muốn tạo ra một chương trình giúp học sinh trung học của Mỹ chuẩn bị tốt nhất cho bậc học đại học và sau đại học. Để thực hiện điều này, tổ chức Ford (Ford Foundation) thành lập Quỹ Fund for the Advancement of Education (FAE). Sau một cuộc khảo sát tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ, quỹ FAE cho phát triển một chương trình giới thiệu khóa học bậc đại học cho học sinh trung học và 27 trường đại học trên toàn nước Mỹ cùng tổ chức kỳ thi AP đầu tiên vào năm 1954. Năm 1955, quyền quản lý chương trình AP được giao lại cho đơn vị giáo dục phi lợi nhuận College Board.
(Nguồn PrepScholar)
Mục đích sử dụng
Mục đích chương trình AP được tạo ra là giúp học sinh trung học được tiếp cận sớm với giáo dục bậc đại học để từ đó có hành trang tốt nhất cho hành trình học đại học và cao học sau này. Học sinh trung học học chương trình AP sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về ngành học cũng như chương trình học trong tương lai, từ đó sớm xây dựng định hướng cho riêng mình. Ngoài ra, các trường đại học có thể dựa vào tín chỉ AP để xếp lớp sinh viên. Các sinh viên có tín chỉ AP sẽ được bỏ qua những lớp có giá trị tương đương trên đại học, từ đó tiết kiệm được thời gian và tập trung đi sâu vào chuyên ngành sớm hơn.
Thông tin kỳ thi
Cách thức đăng ký thi
Thí sinh nên chuẩn bị các thủ tục thi AP từ đầu năm:
Đầu tiên, thí sinh cần liên lạc với các trường có tổ chức thi AP tại khu vực để xin thông tin liên lạc của người phụ trách.
Liên lạc với người phụ trách thi AP để xin email và đơn đăng ký (form đăng ký thi AP thường do mỗi trường làm riêng nên không có form chung trên College Board)
Điền các thông tin trong form và gửi lại cho người phụ trách, trong email gửi lại ghi đầy đủ họ tên, trường đang học và các môn AP mình đăng ký.
Người phụ trách sau khi nhận được form của bạn sẽ gửi lại cho bạn thông tin ngày thi và lệ phí đăng ký cũng như hạn nộp tiền.
Học Advanced Placement tại Việt Nam ở đâu?
Tại Việt Nam, AP có trong chương trình học chính thức của một số trường Trung học Quốc tế. Một số trường có giảng dạy và tổ chức thi AP bao gồm: SSIS – Quốc tế Nam Sài Gòn, The American School – Quốc tế Mỹ, ISHCMC – Quốc tế TP.HCM hệ American Academy,…
Ngoài ra, phần lớn các thí sinh Việt Nam học và ôn thi AP qua các trung tâm hoặc tự học. Có khá nhiều tài liệu ôn tập AP đã được phát hành, trong số đó có thể kể tới bộ sách của The Princeton Review hay các bài giảng từ Khan Academy. Ngoài ra thí sinh có thể truy cập thêm vào trang chủ AP Classroom của College Board để tìm kiếm tài liệu.
Bài thi Advanced Placement
Nội dung thi
Các môn học đầu tiên của chương trình AP bao gồm:
Toán học,
Vật Lý
Hoá học
Sinh học
Anh ngữ tổng hợp
Văn học
Tiếng Pháp
Tiếng Đức
Tiếng Tây Ban Nha
Tiếng Latin
Cho đến nay, chương trình AP đã mở rộng lên thành 38 môn học ở 7 lĩnh vực chính bao gồm:
Dưới đây là danh sách các môn thi cụ thể:
Seminar (AP Capstone Part 1)
Research (AP Capstone Part 2)
Art History
Biology
Calculus (AB & BC)
Chemistry
Chinese Language and Culture
Comparative Government & Politics
Computer Science A
Computer Science Principles
Physics 1: Algebra-based
Physics 2: Algebra-based
Physics C: Mechanics
Physics C: Electricity and Magnetism
English Language & Composition
English Literature & Composition
Environmental Science
European History
French Language and Culture
German Language and Culture
Human Geography
International English Language
Italian Language and Culture
Japanese Language and Culture
Latin
Macroeconomics
Microeconomics
Music Theory
Psychology
Spanish Language and Culture
Spanish Literature and Culture
Statistics
Studio Art (2-D, 3-D, & Drawing)
U.S. History
U.S. Government & Politics
World History: Modern
Nguồn – https://apcentral.collegeboard.org/courses
Hình thức thi
Phần lớp các môn AP đều thi trên giấy. Có một số môn như Japanese Language, Chinese Language hay Environmental Science có hình thức thi bằng máy tính.
Tất cả đề thi của các môn sẽ bao gồm 2 phần chính là:
Trắc nghiệm (Multiple choice section)
Viết tự luận (Free-response section)
Ngoài ra một số môn học khác như Art sẽ yêu cầu sản phẩm và bài thuyết trình (public presentation) để xét điểm tổng kết.
Thời lượng
Trong 38 môn AP đều có yêu cầu và nội dung khác nhau nên chi tiết thời gian thi sẽ khác nhau. Thế nhưng thời gian thi tổng thể của từng môn sẽ kéo dài từ 2 – 3 tiếng.
Dưới đây là ví dụ với bộ môn Giải tích AB (tương đương với 1 kỳ học Giải tích bậc Đại học)
Phần
Thời gian
Số lượng câu hỏi
% tổng điểm
Phần 1: Chiếm 50 % tổng điểm
Part A: 60 phút
30 câu hỏi trắc nghiệm
Không được dùng máy tính
Part B: 45 phút
15 câu hỏi trắc nghiệm
Được sử dụng máy tính
Phần 2: Chiếm 50 % tổng điểm
Part A: 30 phút
2 câu hỏi tự luận
Được sử dụng máy tính
Part B: 60 phút
4 câu hỏi tự luận
Được sử dụng máy tính
Nguồn The Princeton Review
Cách tính điểm
Bài thi Advanced Placement được chấm theo thang điểm từ 1 đến 5 với những đánh giá về khả năng của thí sinh với giáo dục bậc đại học tương ứng như sau:
5 = tuyệt đối đạt yêu cầu
4 = rất đạt yêu cầu
3 = vừa đủ yêu cầu
2 = gần đạt yêu cầu
1 = không đạt yêu cầu
Phần trắc nghiệm của kỳ thi được chấm bằng máy tính, trong khi phần trả lời tự do và phần viết luận được chấm bởi các giảng viên và giáo sư đã qua đào tạo tại AP Reading. Điểm số của các thành phần khác nhau được tính trọng số và kết hợp thành điểm thô (raw score).
Sau đó, Trưởng ban Khảo thí của mỗi kỳ thi sẽ quyết định điểm chuẩn cho kỳ thi năm đó, xác định cách điểm thô hợp được chuyển đổi thành điểm tổng kết. Trong quá trình này, một số đánh giá và phân tích thống kê được thực hiện để đảm bảo rằng việc chấm điểm là đáng tin cậy. Mục tiêu chung là để các điểm số phản ánh quy mô hoạt động tuyệt đối có thể được so sánh từ năm này sang năm khác.
Xem thêm: Liên hệ giữa bài thi chuẩn hoá tiếng Anh và tuyển sinh đại học Mỹ
Tổng kết
Như vậy, bài viết đã giới thiệu cho bạn đọc sơ lược về chương trình AP. Ngày nay, chương trình AP (Advanced Placement) đang trở nên ngày một phổ biến và được đánh giá cao bởi các trường đại học nói chung trên thế giới, nhất là trong bối cảnh kỳ thi SAT Subject Test (hay SAT 2) sẽ bị huỷ bỏ trong thời gian tới.
Hy vọng rằng, với những thông tin cung cấp ở trên, bạn đọc hiểu thêm về kỳ thi AP từ đó đưa ra những hướng đi mới cho công việc chuẩn bị hồ sơ du học.
Phạm Tuấn Minh
Bình luận - Hỏi đáp