Cố học nhưng không vào - Khám phá cơ chế học tập của não bộ và giải pháp
Nhiều người quan niệm rằng khi họ không hiểu một môn học hay kỹ năng gì đó tức là họ hoàn toàn không có chút năng khiếu gì trong lĩnh vực đó. Niềm tin này ngày càng được củng cố khi họ đã cố gắng hết sức để học hay yêu một môn học nhưng vẫn không thành công. Điều này khiến họ thấy gần như chán nản, áp lực, hay thậm chí sợ hãi mỗi khi phải đối diện môn học ấy. Minh chứng là ngày nay có nhiều học sinh hay người đã đi làm rồi vẫn còn mang trong mình nỗi ám ảnh với các môn học, chẳng hạn như Toán, Anh, Văn,... Điều này cho thấy phương pháp học sai có thể dẫn đến hệ lụy cả đời. Dựa trên nền tảng khoa học thần kinh, bài viết này sẽ khám phá cơ chế học tập của não bộ, qua đó giúp người học tháo gỡ những lầm tưởng trong quá trình học cũng như xây dựng cho mình một thói quen học tập năng suất và hiệu quả nhất. Ngoài ra, về yếu tố ứng dụng của cơ chế học tập này, bài viết sẽ đi sâu vào việc khai thác mối quan hệ của cơ chế này với việc học tiếng Anh nói chung và luyện thi IELTS nói riêng.
Key takeaways
Trong trạng thái thư giãn, bộ não vẫn tiếp tục học và làm việc.
Chế độ tập trung giúp người học phân tích tường tận vấn đề, còn chế độ phân tán giúp người học hiểu bức tranh toàn cảnh của vấn đề.
Sai lầm của việc học bắt nguồn từ việc sử dụng quá nhiều hoặc quá ít một trong hai chế độ tập trung và chế độ phân tán. Cách học tối ưu nhất là khi người học kết hợp cả 2 chế độ này.
Cơ chế học tập của não bộ
Chế độ tập trung (Focused mode)
Chế độ tập trung diễn ra khi bộ não dồn toàn bộ sự chú ý vào một vấn đề gì đó, để tiếp cận vấn đề đó bằng lý trí hoặc óc phân tích. Ở trạng thái này, vùng vỏ não trước trán (vùng não chịu trách nhiệm cho những hoạt động với mức độ nhận thức cao như lên kế hoạch hay lập mục tiêu) là vùng hoạt động chủ đạo. Vùng não này giải phóng một số chất dẫn truyền thần kinh để kích thích trí nhớ về những kinh nghiệm cũ, để giúp người học đưa ra phán đoán tốt nhất.
Hình minh họa: Vùng vỏ não trước trán thu thập các kinh nghiệm cũ ở các khu vực khác trong bộ não
(Nguồn ảnh: learncoderetain.com)
Chế độ này có ích khi người học cần giải quyết một vấn đề (như một bài tập, hoặc một nhiệm vụ bất kỳ nào đó) mà họ đã có kinh nghiệm thực hiện trước đó.
Chế độ phân tán (Diffuse mode)
Khác với chế độ tập trung (hướng tới sự chi tiết, sự chính xác, độ phức tạp), chế độ phân tán chỉ trạng thái thả lỏng hơn của não bộ khi không suy nghĩ trực tiếp về một vấn đề cụ thể. Trạng thái này đẩy não bộ tới cái nhìn toàn cảnh của vấn đề. Khi đang ở chế độ phân tán, tâm trí của con người lang thang, kích thích các dây thần kinh tạo ra những kết nối rải rác khắp não bộ.
Hình minh họa: Bộ não trong chế độ phân tán hoạt động rải rác
(Nguồn ảnh: learncoderetain.com)
Chế độ này nên được kích hoạt khi người học bắt gặp một vấn đề mà họ chưa từng trải qua. Lý do là, đối với những vấn đề mới, trong bộ não vẫn chưa tồn tại một đường dẫn thần kinh có sẵn, và người học buộc phải động não tìm kiếm giải pháp mới tối ưu nhất trong hàng loạt giải pháp tiềm năng.
Tại sao con người cần sử dụng cả 2 chế độ tập trung và phân tán
Phân tích dưới góc nhìn não bộ
Bộ não con người được chia làm 2 bán cầu. Bán cầu trái nhỉnh hơn bán cầu phải về khả năng phân tích và logic, trong khi đó, bán cầu phải nhỉnh hơn bán cầu trái về khả năng dò xét các kích thích từ môi trường và tương tác với con người.
Mặc dù có một ít độ chênh lệch về khuynh hướng của 2 bán cầu nhưng các nhà khoa học đã chứng minh rằng khi con người giải quyết bất kì tình huống nào, dù là cảm tính hay lý tính, thì cả 2 bán cầu đều tham gia vào quá trình đó. Nói cách khác, để học tập bất cứ một môn học hay kỹ năng nào hiệu quả, con người cần sử dụng cả chế độ tập trung và chế độ phân tán.
Cố gắng quá mức đôi khi phản tác dụng (hay sự ưu tiên chế độ tập trung)
Việc luôn dồn sự tập trung cao độ vào một vấn đề có thể dẫn tới hiệu ứng Einstellung (trạng thái bị kẹt mãi ở một vấn đề do những kiến thức hay thành kiến có từ trước). Người chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng này có xu hướng chọn giải pháp ứng với cách làm mà họ đã từng thực hiện - dù cho vẫn có các phương pháp tối ưu hơn. Điều này tiềm ẩn 2 vấn đề: (1) chỉ dựa trên trải nghiệm cũ dẫn đến tư duy lối mòn, không sáng tạo, và (2) trải nghiệm cũ có thể không đúng trong hoàn cảnh mới.
Trong bối cảnh luyện thi IELTS, thường là trong kỹ năng Speaking và Writing, hiệu ứng Einstellung thường xảy ra khi học sinh đi học được gửi kèm các mẫu có sẵn (template) liệt kê các công thức hay các bước cụ thể cần thực hiện và chỉ học theo đúng các mẫu này. Cách học kiểu "theo mẫu" như vậy nhưng không hiểu rõ bản chất hay tính linh hoạt của chúng tạo ra cái nhìn mặc định về vấn đề.
Điểm tích cực của kiểu học này là học sinh có được phản xạ nhanh hơn khi làm bài và giảm tình trạng bị bí ý tưởng. Tuy vậy, kiểu học này có thể khiến cho việc thi IELTS không khác gì một bài học thuộc, và nếu được số đông người học áp dụng một cách máy móc, thì giám khảo sớm muộn gì cũng nhận ra và không đánh giá cao bài thi kiểu này.
Trì hoãn (hay sự ưu tiên chế độ phân tán)
Ở một mức độ nghiêm trọng, việc ở trong chế độ phân tán quá lâu có thể dẫn đến sự trì hoãn, có thể gây ra một số vấn đề sau đây.
Thứ nhất, nó gây ra sự quá tải thông tin cho não bộ do phải gấp rút thực hiện một khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn. Thứ hai, áp lực gia tăng khiến cho người trì hoãn càng ngần ngại đối diện nhiệm vụ, có nguy cơ dẫn đến sự trì hoãn suốt đời. Thứ ba, đường dẫn thần kinh lúc này dễ suy yếu và biến mất do chưa được củng cố đủ lâu và đủ sâu, do đó, học sinh thường thất bại trong việc ghi nhớ lâu dài hoặc xử lý những dạng nâng cao hơn của nhiệm vụ đó.
Trong bối cảnh luyện thi IELTS, hiện tượng này có thể xảy ra khi người học không dành thời gian kiên trì học tập đều đặn. Nhiều người sau khi lập kế hoạch ôn thi nhưng không theo sát lịch trình đó mà chỉ thực hiện ngắt quãng: chỉ hào hứng học trong vài ngày đầu, và có thể là mãi đến vài tuần hoặc vài tháng sau mới tiếp tục ôn lại. Quá trình tiếp tục học ôn trở lại như vậy rất mất thời gian (do mỗi lần như vậy, gần như học sinh sẽ phải ôn lại kiến thức từ đầu) và khiến cho áp lực gia tăng (do mãi mà chưa hoàn thành được nhiệm vụ).
Ngoài ra, áp lực của việc học ngắt quãng còn thường xuyên xảy ra khi học sinh ôn luyện một môn gì đó cấp tốc - dồn phần lớn khối lượng kiến thức cũng như bài tập vào những thời gian gần cuối trước kỳ thi, khiến cho giai đoạn ôn luyện này vô cùng căng thẳng. Việc dùng toàn thời gian và năng lượng cho việc ôn luyện cấp tốc có thể giúp học sinh vượt qua kỳ thi đó, tuy nhiên kiến thức rất khó bám trụ lại sau đó.
Cần làm gì khi học mãi không vào? Ứng dụng cơ chế học tập của não bộ trong việc học tiếng Anh
Việc hấp thụ bất kỳ một kỹ năng nào đó phức tạp như học ngoại ngữ, học nhạc cụ, học toán, đều đòi hỏi hoạt động của toàn bộ bộ não, hay nói cách khác, cả chế độ tập trung và phân tán. Tình trạng “học mãi không vào” thường xảy ra khi người học lạm dụng một trong hai chế độ kể trên.
Phần còn lại của bài viết này sẽ đi sâu vào việc tìm cách khắc phục tình trạng “học mãi không vào” trong bối cảnh học tiếng Anh nói chung và luyện thi IELTS nói riêng.
Khi vừa mới bắt đầu học một kỹ năng mới
Luôn tìm hiểu về cái nhìn tổng quan của kỹ năng trước
Khi bắt đầu học một kỹ năng mới, người học cần trước tiên kích hoạt chế độ phân tán để nắm được cái nhìn khái quát của kỹ năng mà mình muốn học.
Ví dụ như khi một người hoàn toàn không biết gì về IELTS xác định sẽ tham gia kì thi này, thay vì ngồi lao vào giải đề ngay lập tức, người này nên tìm hiểu trước về bức tranh toàn cảnh của kỳ thi IELTS như: kỳ thi IELTS sẽ kiểm tra bao nhiêu kỹ năng, bao gồm những kỹ năng gì. Đối với từng kỹ năng, tìm hiểu về các dạng câu hỏi, mỗi dạng câu hỏi định kiểm tra kiến thức hay khả năng gì của người dự thi. Để có thể tìm hiểu tổng quan về kì thi IELTS, người học có thể tự tra cứu các sách luyện thi, hoặc trò chuyện với những người đã từng thi hoặc có kinh nghiệm luyện thi. Đây là cách mà nhiều người gọi là xây dựng “chiến thuật” trước khi tiến sâu vào việc luyện tập.
Thiết kế thời gian biểu
Khi thiết kế thời gian biểu cho việc học, người học cần chú trọng 2 yếu tố: (1) tần suất học, và (2) các quãng học trong một buổi.
Về tần suất học: việc học nên được diễn ra đều đặn, ngày học không cách nhau quá xa (hàng ngày, 2 ngày một lần,...), vào các khung giờ cố định, trong các môi trường nhất định dành riêng cho việc học (ở thư viện, ở nhóm luyện thi, ở nhà,...) để bộ não nhanh chóng hình thành thói quen học tập. Một gợi ý để giúp người học tạo và giữ kỷ luật là tham gia vào một nhóm học tập gồm những người có cùng mục tiêu, thúc đẩy nhau tiến bộ.
Về quãng học, một ca học nên được thiết kế sao cho có cả các quãng tập trung và quãng phân tán. Một ứng dụng nổi tiếng của cách học này là phương pháp Pomodoro. Đây là phương pháp quản trị thời gian nhắm tối ưu hoạt động của não bộ bằng cách chia thời gian học thành các quãng ngắn: Cứ mỗi 25 phút học (quãng tập trung) sẽ đi kèm một 5 phút thư giãn (quãng phân tán).
Trong quá trình học, người học nên loại bỏ mọi thứ có tiềm năng gây phân tâm khỏi tầm mắt, như để điện thoại cách xa bàn học, hay tắt chuông thông báo trên máy tính, để có thể đạt trạng thái tập trung tuyệt đối. Sau khi đã học một cách tập trung cao độ như vậy, hãy tự thưởng cho mình bằng một số hoạt động mình thích trong thời gian thư giãn.
Một lưu ý là trong thời gian thư giãn vẫn nên hạn chế sử dụng điện thoại để lướt mạng xã hội, vì thiết kế mang tính gây nghiện của nó có thể khiến người học dùng nó quá lâu, thấy bứt rứt khi phải ngừng sử dụng, hoặc thậm chí trì hoãn việc tiếp tục học.
Hình minh họa: Cách hoạt động của phương pháp Pomodoro
Xác định tâm lý không lệ thuộc vào mẫu có sẵn
Như đã phân tích phía trên, khi dựa dẫm vào các mẫu có sẵn, bộ não người học dần hình thành nên các lối mòn tư duy. Ví dụ như khi được hỏi trong phần Speaking, người học có thể mặc định chỉ học thuộc câu trả lời mẫu.
Để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc này, trước khi nhìn vào đáp án hay tìm đến những công thức làm bài, người học cần xây dựng tinh thần tự suy nghĩ và giữ thái độ rằng mẫu chỉ là để tham khảo.
Trong quá trình học
Trong quá trình học, hẳn sẽ có lúc người học rơi vào trạng thái bế tắc vì cố gắng mãi mà không thể giải được hoặc hiểu được bài tập. Ví dụ như sau khi tìm đọc đáp án của bài Reading mình vừa làm, người học ngồi mãi vẫn không nhận ra vấn đề trong cách tư duy hay cách làm bài của mình. Giải pháp là, khi bị bí, đừng nên cố đâm đầu vào học bằng được. Dưới đây là một số gợi ý ứng dụng chế độ phân tán, giúp người học thoát khỏi tình trạng bị kẹt trong kiến thức.
Cách 1: Tìm kiếm một góc nhìn khác
Thay vì chọn những nguồn tài liệu luyện thi chỉ cung cấp đáp án và gợi ý, người học có thể tham khảo các nguồn cung cấp cả lời giải thích cho đề thi (ví dụ như trang https://ieltsonlinetests.com/).
Tham gia vào nhóm học tập hay diễn đàn học tập. Ngoài lợi ích giúp người học giữ kỷ luật, việc học nhóm một cách hiệu quả còn cần thiết đối với những kỹ năng đòi hỏi tính tương tác hay phản hồi cao. Đối với các vấn đề mà người học bị kẹt, tham khảo phần lý giải dưới góc độ của học sinh khác cũng là một cách khá hiệu quả.
Tìm kiếm sự hỗ trợ của những người có chuyên môn cao hơn. Đặc biệt là trong phần thi như Speaking và Writing, người học nên có người kèm cặp để đưa ra những phản hồi về phần thực hiện của mình.
Cách 2: Nghỉ ngơi
Nhiều người lầm tưởng rằng đã đi học là phải tập trung cao độ mà không biết rằng các việc nghỉ ngơi thư giãn cũng quan trọng không kém. Một điều đáng lưu ý ở đây là kể cả khi con người ở trong trạng thái nghỉ ngơi thì não bộ vẫn tiếp tục làm việc. Vì vậy, luôn có sự trao đổi thông tin luân phiên giữa 2 chế độ: 1 chế độ xử lý thông tin và rồi sẽ gửi các kết quả tới chế độ còn lại.
Khi học mãi không vào, thay vì ngồi vò đầu bứt tai và chê trách bản thân, người học có thể tìm cách thư giãn một chút ( kích hoạt chế độ phân tán).
Một hoạt động hiệu quả giúp kích hoạt trạng thái phân tán mà con người vô tình thực hiện đó là ngủ. Một điều tuyệt vời mà người học có thể vận dụng để cải thiện khả năng ghi nhớ và hiểu sâu hơn là nghiên cứu bài học ngay trước khi đi ngủ. Trong trạng thái ngủ, tiềm thức của con người vẫn hoạt động và sẽ xử lý thông tin đã được nạp vào trước khi ngủ. Rất có thể sau khi tỉnh giấc, người học sẽ có được một cái nhìn sâu sắc hơn về bài học. Để tận dụng trạng thái này, trong quá trình học tiếng Anh, người học có thể học từ vựng mới trước lúc ngủ.
Một số gợi ý khác giúp người học kích hoạt chế độ phân tán là: tập gym, chơi một môn thể thao, chạy bộ, đi bộ hoặc bơi lội, nhảy, vẽ tranh hoặc tô màu, đi tắm, nghe nhạc không lời, ngồi thiền,...
Tổng kết
Bộ não học dựa trên 2 cơ chế học tập của não bộ: chế độ tập trung và chế độ phân tán. Người học nên sử dụng chế độ tập trung khi muốn tìm lời giải cho vấn đề, và dùng chế độ phân tán khi thấy vấn đề trước mắt đang nằm ngoài tầm hiểu biết hiện tại của mình. Một điều đáng nhớ là người học không nên ưu tiên chế độ nào hơn mà cần vận dụng luân phiên giữa 2 chế độ trên để đạt hiệu quả tối ưu trong việc học. Theo cách học truyền thống, người học thường được khuyên nên học cật lực mà không nhận thức được rằng nghỉ ngơi đúng cách cũng là một trạng thái học. Do đó, sau khi đã nắm được cách làm việc của não bộ, người học cần bắt đầu thiết kế các quãng nghỉ sao cho có thể tận dụng tối đa cơ chế này. Một phương pháp quản lý thời gian hữu ích mà người học có thể ứng dụng vào việc học là Pomodoro.
Nguyễn Thị Hồng Nhung
Bình luận - Hỏi đáp