Dán nhãn bản đồ - Một số kỹ thuật giúp vượt qua nỗi lo "lạc đường" | IELTS Listening

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu chi tiết các kỹ thuật làm bài hiệu quả để thí sinh tự tin hơn với dạng bài dán nhãn bản đồ trong IELTS Listening.
author
Vũ Trường Huy
29/03/2024
dan nhan ban do mot so ky thuat giup vuot qua noi lo lac duong ielts listening

Kỹ năng Listening vốn vẫn luôn là một trong những bài thi đòi hỏi thí sinh phải vận dụng đồng thời nhiều kỹ năng làm bài cùng một lúc như: kỹ năng xác định từ khóa, vùng thông tin cần tìm, khả năng nghe hiểu, và độ nhanh nhạy trong ghi chú các đáp án một cách chính xác… Khi đi sâu vào phân tích từng dạng bài trong phần thi Listening, các thí sinh có thể bắt gặp nhiều dạng bài khác nhau như: điền từ, trắc nghiệm, dán nhãn bản đồ, nối thông tin. Trong đó, “Dán nhãn bản đồ” (Map Labelling) đã trở thành nỗi lo âu cho nhiều bạn thí sinh khi làm bài thi - và đó cũng chính là chủ đề của nội dung bài viết ngày hôm nay, đi cùng với đó là những mẹo làm bài mà thí sinh có thể áp dụng để xác định thông tin rõ ràng hơn.

Key takeaways

Các giai đoạn cần thực hiện để hoàn thành tốt bài nghe dán nhãn bản đồ:

  • Giai đoạn 1: Phân tích thông tin bản đồ cần dán nhãn

    • Dạng câu hỏi của bản đồ

    • Xuất phát điểm của bản đồ

  • Giai đoạn 2: Áp dụng các thủ thuật phối hợp

    • Tư duy logic thực tế

    • Loại trừ phương án bẫy - thu hẹp thông tin cần lựa chọn

    • Điều hướng mắt

  • Giai đoạn 3: Rà soát và đối chiếu

Các giai đoạn cần thực hiện khi dán nhãn bản đồ

Để hoàn thiện bài nghe dán nhãn bản đồ một cách hiệu quả, thí sinh nên áp dụng quá trình phân tích và làm bài thông qua 3 giai đoạn với những kỹ năng áp dụng cho từng giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1 (Trước khi nghe) - Phân tích thông tin bản đồ cần dán nhãn

Trước khi chính thức bắt đầu bài nghe này, thí sinh sẽ luôn có một khoảng thời gian nghỉ khoảng 30 giây thí sinh có thể nhìn qua lướt các yêu cầu đề bài cũng như các nội dung có trong bài. Đây cũng là khoảng thời gian quý báu để thí sinh phân tích kiểu bản đồ mà thí sinh sẽ gặp phải, bao gồm hai nội dung lớn mà thí sinh cần chú ý như sau:

Dạng câu hỏi của bài dán nhãn bản đồ

Đối với việc phân tích dạng câu hỏi của bản đồ, thí sinh có thể bắt gặp một trong ba dạng câu hỏi khác nhau sẽ xuất hiện trong bài thi như sau:

  • Dạng 1 - Số phương án nhiều hơn số vị trí cần điền

Đối với dạng bài làm này, thí sinh có thể dễ dàng hình dung hơn thông qua ví dụ minh họa sau:

image-altKhi nhìn lướt thật nhanh qua dạng bài này, thí sinh có thể dễ dàng nhận thấy có đến tận 8 phương án được đưa ra (từ A cho đến H), trong khi chỉ có 4 vị trí cần điền vào chỗ trống (từ 1 cho đến 4).

Từ đó, thí sinh có thể lưu ý ba điều như sau:

  • Tất cả các phương án cho sẵn đều sẽ được nhắc đến trong bài nghe

  • Trật tự đề cập các phương án này là ngẫu nhiên

Các phương án được đề cập đến nếu không có vị trí cần điền thì thí sinh có thể ngay lập tức gạch bỏ để hạn chế số lượng thông tin cần phải rà soát (sẽ được giải thích kỹ hơn ở phần sau)

  • Dạng 2 - Chỉ cho cố định các đáp án cần tìm và vị trí của nó trên bản đồ bằng các chữ cái

Đối với dạng bài làm này, thí sinh có thể quan sát ví dụ minh hoạ ở hình bên dưới:

image-altKhác với dạng bài làm phía trên, ở dạng bài làm này, thí sinh có thể thấy được rằng 6 phương án (từ 15 đến 20) cố định được đưa ra trong phần câu hỏi, cùng với đó là 10 vị trí cần tìm trong bản đồ (từ A đến J).

Đối với dạng bài này, thí sinh cần lưu ý một điều quan trọng sau khi phân tích nhanh bản đồ:

  • Các phương án sẽ được đề cập theo đúng như trật tự của nó trong bài nói

  • Số lượng vị trí cần điền là nhiều hơn so với số lượng phương án cho sẵn, vì vậy thì sinh cần chuẩn bị tốt tâm lý đối phó với các yếu tố gây nhiễu chắc chắn sẽ xuất hiện trong bài nghe.

  • Dạng 3 - Chỉ cho vị trí để điền từ

Đối với dạng bài làm này, thí sinh sẽ chỉ có thể thấy được các khoảng trống câu hỏi được đặt sẵn tại các vị trí mà không có một phương án cho sẵn nào được đưa ra, ví dụ như hình bên dưới đây:

image-altĐể có thể phân tích tốt sơ đồ trong vòng vài giây đầu khi gặp phải dạng bài tập dán nhãn bản đồ này, thí sinh cần cố gắng lưu ý một số điểm như sau:

  • Chú ý và nhớ kỹ số lượng chữ và/hoặc số được cho phép ghi trong mỗi ô trống.

  • Các chỗ trống sẽ được nhắc đến theo thứ tự của nó trong bài nghe.

  • Kết hợp tốt đồng thời hai khả năng là nghe và viết để chú ý viết đúng chính tả, ngữ pháp của từ.

Lưu ý: Các từ cần điền đều sẽ là những từ CÓ NGHĨA, nên trong trường chỉ nghe được âm của từ mà không biết rõ chính xác là từ gì, thì thí sinh nên cẩn trọng lựa chọn các từ đồng/gần âm để điền vào, từ đó tăng tỉ lệ chọn trúng đáp án hơn.

Xuất phát điểm của bài làm dán nhãn bản đồ

Bên cạnh việc phân tích nhanh thể loại câu hỏi của bản đồ, thí sinh cũng cần chú ý đến một điểm quan trọng khác, đó chính là xuất phát điểm của bản đồ, cụ thể như sau:

  • Dạng 1 - Có sẵn thông tin về vị trí xuất phát

Đối với dạng bài làm này, thí sinh sẽ dễ dàng bắt gặp cụm từ “You are here” / “Entrance” / “Entrance Hall” / “Start” hoặc “Starting point” trên bản đồ, cụ thể như ví dụ minh hoạ sau đây:
image-altĐây chính là dấu hiệu cho thấy thông tin xuất phát của bản đồ sẽ bắt đầu từ vị trí này, giúp cho thí sinh dễ dàng hơn trong việc bám theo bài nghe cùng với việc dò trên bản đồ để dễ dàng điều hướng mắt hơn.

  • Dạng 2 - Không có thông tin về vị trí xuất phát

Ngược lại với dạng bài như trên, dạng bài dán nhãn bản đồ này sẽ không cho thí sinh biết được vị trí xuất phát của bản đồ là tại địa điểm nào, dẫn đến việc thí sinh sẽ cần phải cẩn trọng và tập trung hơn trong việc lắng nghe và nắm bắt kỹ thông tin mở đầu (chi tiết sẽ được đề cập trong phần sau). Nếu không, các câu hỏi kế tiếp của thí sinh sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi thông thường thì các đáp án này đều sẽ có những mối liên kết mang tính hệ thống nhất định. Ví dụ về dạng bản đồ này có thể được xem qua ở hình sau:

image-altSƠ ĐỒ TÓM TẮT KIẾN THỨC

image-alt

Giai đoạn 2 (Trong khi nghe) - Áp dụng các kỹ thuật phối hợp vào việc dán nhãn bản đồ

Sau khi đã phân tích nhanh bản đồ cần được dán nhãn trong khoảng 30 giây trước khi bắt đầu bài nghe, thí sinh hãy chuẩn bị thật kỹ để có thể áp dụng một số các kỹ thuật sau để làm bài nghe được tốt hơn:

Tư duy logic thực tế

Việc áp dụng yếu tố logic vào bài thi nghe bản đồ là một điều hết sức bổ ích đối với thí sinh trong việc sàng lọc các phương án có thể có tại một số địa điểm nhất định, thay vì phải cố gắng để tâm đến tất cả các vị trí trên bản đồ, giúp tăng hiệu quả làm bài và độ chính xác trong lựa chọn đáp án.

Ví dụ:
image-altỞ ví dụ này, thí sinh có thể dễ dàng nhận thấy đây là một bản đồ giao thông của một thành phố mang tên Granford. Một số phương án đã được đưa ra, trong đó đáng chú ý là câu hỏi 14. New traffic lights (Đèn giao thông mới)15. Pedestrian crossing (Vạch qua đường cho người đi bộ) bởi thí sinh hoàn toàn có thể áp dụng yếu tố logic để giải quyết hai câu này như sau:

14. New traffic lights (Đèn giao thông mới)

Đúng như tên gọi của nó, thí sinh có thể liên hệ thực tế rằng, đèn giao thông phải được đặt ở nơi có lưu lượng giao thông dày đặc, hoặc là nơi giao nhau giữa các tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn.

Từ thông tin kể trên, có thể thấy rằng 2 vị trí mà rất có thể được đề cập đến đối với câu hỏi số 14 chính là A và E vì:

Vị trí

Lý do

A

Giao lộ giữa Station Road và High Street

E

Giao lộ giữa High Street và School Road

Vậy, hãy cùng đối chiếu với lời thoại của bài nghe như sau:

“OK, so this slide shows a map of the central area of Granford, with the High Street in the middle and School Road on the right. Now, we already have a set of traffic lights in the High Street at the junction with Station Road but we're planning to have another set at the other end, at the School Road junction, to regulate the flow of traffic along the High Street.”

Như vậy, “a set of traffic lights” chính là dấu hiệu bắt đầu cho câu 14 của bài nghe. Và “we’re planning to have another set at the other end, at the School Road junction” (chúng tôi đang lên có hoạch bố trí thêm một bộ đèn khác tại đầu bên kia đường, ngay giao lộ với School Road). Và đó cũng chính là đáp án E.

15. Pedestrian crossing (Vạch qua đường cho người đi bộ)

Ở câu này, cũng như tên gọi của nó trên thực tế, vạch qua đường này thường được dùng để điều tiết lưu thông giữa các phương tiện xe cộ và người qua đường nhằm đảm bảo an toàn cho những nơi tập trung nhiều người đi bộ nhất.

Từ căn cứ logic thực tế kể trên, thí sinh có thể quan sát thấy có 3 địa điểm mà có thể xuất hiện đáp án cho câu 15 bao gồm C, D, và G vì:

Vị trí

Lý do

C

Vị trí đối diện Bank (Ngân hàng), thường có nhiều người qua lại để giao dịch.

D

Khu vực đối diện giữa một Chemist (Nơi bán hóa chất) và Supermarket (Siêu thị) - nơi có rất nhiều người qua lại để mua sắm trong siêu thị.

G

Vị trí của School (Trường học), nơi thường có nhiều học sinh qua lại.

Từ các dữ liệu logic đã có, hãy cùng chú ý vào lời thoại của bài nghe:

“We've decided we definitely need a pedestrian crossing. We considered putting this on School Road, just outside the school, but in the end we decided that could lead to a lot of traffic congestion, so we decided to locate it on the High Street, crossing the road in front of the supermarket. That's a very busy area, so it should help things there.”

Như vậy, thí sinh có thể thấy được, “pedestrian crossing” (vạch qua đường cho người đi bộ) là dấu hiệu bắt đầu câu hỏi số 15. Thoạt đầu, đáp án G đã được nhắc tới với đoạn “putting this on School Road, just outside the school” (đặt nó trên School Road, ngay bên ngoài trường học), nhưng sau đó đã ngay lập tức bị bác bỏ bằng thông tin đánh lạc hướng “but in the end we decided that could lead to a lot of traffic congestion” (nhưng sau cùng thì chúng quyết định rằng điều đó có thể dẫn tới tình trạng kẹt xe)Từ đó, thí sinh có thể loại đi phương án G → Lúc này chỉ còn lại hai đáp án khả thi là C và D.

Tiếp theo, người nói tiếp tục đề cập “we decided to locate it on the High Street, crossing the road in front of the supermarket” (chúng tôi đã quyết định đặt nó trên High Street, băng qua đường ngay phía trước siêu thị) với lý do “That’s a very busy area” (Đó là một khu vực rất đông đức) → Từ đó, thí sinh có thể xác định, đáp án cần tìm chính là D.

Loại trừ phương án bẫy - thu hẹp vùng thông tin cần lựa chọn

Kỹ thuật này được áp dụng đặc biệt dành riêng đối với dạng bài làm dán nhãn bản đồ có số phương án cho sẵn nhiều hơn so với số câu hỏi trong đề bài. Vì tính phức tạp và số lượng thông tin nhiều cần phải rà soát để qua đó nắm bắt được vùng chứa đáp án từ một dãy những phương án đã có, việc xác định được các phương án gây nhiễu sẽ giúp thí sinh thuận tiện hơn trong việc tìm ra phương án đúng, đồng thời cũng là cách để thí sinh gia tăng tỉ lệ thành công trong việc lựa chọn theo vận may thông qua việc loại đi những phương án không cần thiết.

Ví dụ:
image-altTại ví dụ này, thí sinh thấy được số lượng phương án đưa ra là gấp đôi so với số lượng đáp án cần trả lời. Vì vậy, để làm tốt bài thi này bằng kỹ thuật loại bỏ phương án bẫy, thí sinh có thể tiến hành như sau:

Bước 1: Xác định từ khóa của tất cả phương án

Bước 2: Xác định các vị trí cần tìm

Bước 3: Gạch bỏ phương án bẫy nếu phương án được đề cập tới không được gán với một vị trí cần tìm.

Hãy cùng nhìn vào lời thoại và đáp án của bài làm này:

“As you walk through the main entrance, you come to a square with a big fountain in the middle. This is where people usually arrange to meet up and sometimes, they have live music here.”

→ Như vậy, phương án C. Live music được đề cập tới. NHƯNG tại vị trí mà “Live music” được đề cập lại không có một vị trí gán cho câu hỏi nào mà thí sinh cần phải trả lời, vì thế suy ra, có thể loại bỏ phương án này.

“Beyond the square, on main Avenue, on your right, there are several restaurants, and opposite these, on your left, is an exhibition centre.”

→ Tiếp theo, phương án E. Restaurants cũng được đề cập tới, nhưng tại vị trí mà phương án này được đề cập lại không có một vị trí gán cho câu hỏi mà thí sinh cần tìm → Loại phương án E.

→ Bên cạnh đó, đoạn thoại còn nhắc đến “opposite these, on your left, is an exhibition centre.” Phương án F. Exhibition centre đã được nhắc đến, và vị trí mà phương án này được đề cập cũng chính là vị trí của câu hỏi đầu tiên → Từ đó, thí sinh có đáp án cho câu số 1 chính là F.

“There used to be a cinema here, but they moved it when they finished building the Arena.”

→ Tiếp theo, phương án B. Cinema cũng được đề cập. NHƯNG vị trí của đáp án này lại chính là câu hỏi số 1, và trước đó được phủ định lại bằng cụm từ “There used to be” (Đã từng có). Vì thế, thí sinh tiếp tục loại được phương án B.

Lưu ý: Phương án G. Arena cũng được nhắc đến, nhưng vì Arena cũng chính là địa điểm đích cuối cùng mà bài nói đang muốn nói đến nên thí sinh sẽ không loại phương án này.

Như vậy, sau khi trả lời được một câu hỏi đầu tiên, thí sinh đã có thể LOẠI ĐƯỢC 3/4 PHƯƠNG ÁN GÂY NHIỄU. Từ đó gia tăng tỉ lệ đúng trong việc lựa chọn đáp án của thí sinh.

Điều hướng mắt

Thủ thuật điều hướng mắt là một kỹ thuật cơ bản mà thí sinh có thể áp dụng đối với không chỉ dạng bài dán nhãn bản đồ, mà còn là nhiều dạng bài tập khác để có thể kịp thời nắm bắt thông tin bài nghe. Trong đó, khi đề cập riêng đến dạng bài làm dán nhãn bản đồ này, thủ thuật này sẽ phát huy tác dụng tốt nhất cho thí sinh đối với những bài nói về bản đồ giao thông, hoặc sơ đồ mô tả một khuôn viên,...

Ví dụ:

Label the map below.

Write the correct letter, A-I, next to Questions 15-20

image-altĐối với bài tập này, thí sinh có thể chú ý các điểm nổi bật sau:

  • Có 3 địa điểm nổi bật được đặt tên gồm: Station Square, Public Gardens, và Bank

  • Có 3 con đường mà thí sinh ĐẶC BIỆT CHÚ Ý: Hill Road, City Road, và Crawley Road

Các địa danh được làm nổi bật tên kể trên sẽ đóng vai trò như các cột mốc chỉ hướng đi dành cho thí sinh, chính vì vậy, thí sinh cần đặc biệt lưu ý lắng nghe và theo dõi bằng cách điều hướng mắt đến địa danh nếu được nhắc đến tên. Để dễ hình dung hơn, hãy cùng nhìn vào đoạn audio của hai câu hỏi trong bài nghe kể trên:

Lời thoại

Điều hướng mắt

“If you look at our map, you’ll see some of the main attractions there. Most visitors start from Crawley Road, at the bottom of the map.”

→ Cái tên “Crawley Road” được nhắc đến, vì vậy nên thí sinh chú ý ngay lập tức điều hướng mắt về phía dưới của bản đồ nơi có con đường kể trên.

“The Reynolds House is one of the oldest houses in the city, and is open to the public.”

→ Dấu hiệu vào đáp án của câu 15 đã được nhắc tới

“It’s on the north side of Crawley Road, next to the footpath that leads to the public gardens.”

→ Vị trí của đáp án số 15 đã được đề cập, cụ thể:

  • Khi người nói đề cập “on the north side of Crawley Road”, thí sinh sẽ nhanh chóng thấy rằng, chỉ còn 3 đáp khả dĩ vì nằm ở phía Bắc của Crawley Road, bao gồm: G, H, và I.

Người nói tiếp tục, “next to the footpath that leads to the public gardens.” → Như vậy, lúc này chỉ còn duy nhất 1 đáp án là trùng khớp hoàn toàn với lời thoại → Đáp án H

“The Thumb is just what its name suggests, but it’s about 10 meters high.”

→ Cái tên “The Thumb” được nhắc đến, dấu hiệu của câu số 16

“You’ll see it on Hill Road”

→ Cái tên “Hill Road được đề cập, thí sinh ngay lập tức điều hướng mắt đến vị trí của “Hill Road”

→ Lúc này, chỉ còn 4 địa điểm cần tìm nằm trên đường Hill Road, bao gồm: C, A, B, và E

“across the road from the bank.”

→ “Across the road from the Bank” cũng chính là “opposite the Bank”

→ Đối chiếu với vị trí “Bank” được đề cập trong lời thoại, chỉ còn duy nhất 1 đáp án trùng khớp chính là C.

Như vậy, qua hai ví dụ câu hỏi trong bài làm trên có thể thấy, khi áp dụng thủ thuật điều hướng mắt hiệu quả, thí sinh sẽ vừa có thể nhanh chóng nắm bắt được khu vực chứa thông tin cần tìm, đồng thời gọn gàng loại bỏ các đáp án dư thừa và thu hẹp phạm vi có thể có đáp án, từ đó đưa ra câu trả lời một cách chính xác và hiệu quả hơn.

SƠ ĐỒ TỔNG KẾT KIẾN THỨC

image-alt

Giai đoạn 3 (Sau khi nghe) - Rà soát và đối chiếu

Sau khi kết thúc quá trình thực hiện bài nghe, thí sinh sẽ được cho một khoảng thời gian ngắn để kiểm tra lại đáp án của mình trước khi sang phần tiếp theo của một Section hoặc sang Section tiếp theo. Chính vì thế, thí sinh có thể tận dụng khoảng thời gian này để nhanh chóng rà soát lại các đáp án còn đang phân vân của mình dựa theo những nội dung đã liệt kê ở trên, chẳng hạn như:

  • Đáp án đang phân vân ấy có hợp lý về mặt logic không? (Ví dụ: Một bãi đỗ xe “Car Park” có thể nằm bên trong trung tâm mua sắm “Shopping Mall” được hay không?)

  • Các nội dung mà thí sinh ghi chú (nếu có) trên bản đồ đã trùng khớp với tính logic cũng như là phạm vi giới hạn đáp án đã chính xác hay chưa.

  • Số lượng từ điền vào đã đáp ứng đúng yêu cầu đề bài hay chưa (Đối với dạng câu hỏi không cho phương án mà thí sinh bắt buộc phải điền tay)

Tổng kết

Qua những nội dung và bài tập đã được phân tích phía trên, bài viết đã liệt kê và lý giải các thủ thuật làm bài hiệu quả dành cho thí sinh khi đối diện với dạng bài nghe dán nhãn bản đồ trong IELTS Listening. Với ba kỹ năng được liệt kê chính bao gồm: áp dụng tính logic để dự đoán đáp án bài nghe, loại bỏ các phương án gây nhiễu khi nhận thấy khu vực nghe được không phải là vùng cần điền đáp án, và điều hướng mắt hiệu quả để nhanh chóng nắm bắt và thu hẹp phạm vi chứa thông tin của bản đồ. Từ đó, góp phần giúp cho thí sinh thêm phần tự tin và chuẩn bị tốt hơn cho bài thi này.

image-alt

Nguồn tham khảo:

  • Assessment, C. P. (2017). CAMBRIDGE IELTS ACADEMIC 12. Cambridge: Cambridge University Press.

  • Assessment, C. P. (2021). IELTS ACADEMIC 16. Cambridge: Cambridge Press & Assessment.

  • ESOL, C. (2013). Cambridge IELTS 9. Cambridge: Cambridge English.

  • Greg Archer, Lucy Passmore, Peter Crosthwaite, Susan Hutchison, Marc Loewenthal, Natasha De Souzza, Claire Wijayatilake, Jishan Uddin. (2017). MINDSET FOR IELTS. Dubai: Cambridge University Press.

  • Press, C. U. (2018). CAMBRIDGE IELTS ACADEMIC 13. Cambridge: Cambridge University Press.

Tham khảo thêm ôn thi IELTS tại trung tâm ZIM Academy để được hướng dẫn bởi đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm và có một lộ trình học cá nhân hóa tối ưu nhất.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu