Banner background

Embodiment - Ý nghĩa của nghiệm thân & ứng dụng trong IELTS Speaking

Kỹ năng nói có mối quan hệ mật thiết với embodiment (nghiệm thân), không chỉ đơn thuần từ vựng và ngữ pháp. Bài viết này giúp người đọc hiểu hơn về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và cơ thể, từ đó hình thành tư duy thiết thực hơn với tiếng Anh và ứng dụng embodiment trong luyện thi IELTS Speaking.
embodiment y nghia cua nghiem than ung dung trong ielts speaking

Key takeaways

  • Embodiment chỉ ra rằng toàn bộ suy nghĩ, hiểu biết và ngôn ngữ của con người bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm cơ thể và nhận thức giác quan. Do đó, những trải nghiệm vật lý và tương tác của chúng ta với thế giới định hình cách chúng ta suy nghĩ, hiểu các khái niệm và sử dụng ngôn ngữ.

  • Embodiment cho thấy bản chất của việc học ngôn ngữ và lời ăn tiếng nói hằng ngày phần lớn phụ thuộc vào kiến thức, trải nghiệm, nhận thức riêng của mỗi người. Nếu ý thức bị tách rời khỏi cơ thể, ngôn ngữ hầu như không thể trở nên phong phú, đa dạng được.

  • Cải thiện, nâng cao kết quả bài kỳ thi IELTS Speaking không đơn thuần nằm ở việc lên ý tưởng, ghi nhớ từ vựng, sửa lỗi ngữ pháp hay phát âm. Kỹ năng nói phụ thuộc vào rất nhiều cơ chế khác nhau của bộ não và đòi hỏi chúng ta có nhiều sự luyện tập. Dựa trên góc nhìn của embodiment, tác giả gợi ý một số cách người học có thể luyện tập từ đó gắn liền tiếng Anh với trải nghiệm, giác quan và sử dụng chính ngôn ngữ này theo cá nhân mình.

embodiment-overview

Ý nghĩa của “Embodiment”

Trước khi hiểu rõ embodiment (nghiệm thân) là gì, hãy chú ý đến ví dụ sau trong cuốn sách Cognitive Linguistics: An Introduction:

  • “She got a high score in her exam” (Evans and Green, 296)

Tạm dịch: “Bạn nữ ấy đạt được điểm cao trong kỳ thi vừa rồi”.

embodiment-1Mặc dù ví dụ này thể hiện ngôn ngữ hằng ngày, ít người nghĩ đến việc tại sao ta lại nói con số nào đấy cao trong khi thực tế không hề thấy con số nào hiện ra trước mắt như vật chất mà có thể cầm nắm, cảm nhận được. Cái tủ quần áo có chiều cao gần bằng một căn phòng thì gọi là cao, nhưng tại sao lại có cách nói tương tự với con số chỉ hiện trên tờ giấy hay màn hình thiết bị điện tử?

Theo Vyvyan Evans và Melanie Green, cách diễn đạt này bắt nguồn từ trải nghiệm của con người trong đời sống hằng ngày. Khi chúng ta cho thêm số lượng của vật thể nào đó, chiều cao của chúng có thể tăng lên. Chẳng hạn như nông dân trồng cam thu hoạch cam vào rổ, càng cho thêm nhiều trái thì chiều cao của đống trái cam trong rổ nhìn chung tăng lên, do đó dẫn đến sự liên tưởng giữa chiều cao và số lượng. Tương tự, khi một người muốn uống nước đổ nước vào một cái cốc, lượng nước càng nhiều thì chiều cao của lượng nước trong cốc càng cao (296).

Quay lại với ví dụ ở trên, mặc dù điểm số chỉ nằm trên mặt giấy, chẳng hiện hữu như tủ quần áo cao gần chạm trần nhà hay như người cao gần hai mét, nhưng ta dùng trải nghiệm thấy những vật hay người cao như thế để diễn tả con số trừu tượng. Hơn nữa, để có được điểm số như vậy là không hề dễ dàng, do đó ngay từ ta có thể lấy hình ảnh một người trèo núi, sự vất vả khi trèo để diễn tả quá trình học tập đạt kết quả khả quan.

Qua ví dụ và giải thích ở trên, người đọc có thể cảm nhận được mối quan hệ giữa ngôn ngữ, tư duy và trải nghiệm cá nhân. Đây chính là một phần ý nghĩa của embodiment, và ông Nguyễn Đình Việt đã cho rằng: “Nó chú ý đến sự tương tác giữa cơ thể với môi trường (bao gồm cả tự nhiên và xã hội) để hình thành nên những kinh nghiệm trong tư duy, nhận thức và được thể hiện thông qua ngôn ngữ bằng các mô hình tri nhận khác nhau” (604).

Nói một cách đơn giản, embodiment chỉ ra rằng toàn bộ suy nghĩ, hiểu biết và ngôn ngữ của con người bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm cơ thể và nhận thức giác quan. Do đó, những trải nghiệm vật lý và tương tác của chúng ta với thế giới định hình cách chúng ta suy nghĩ, hiểu các khái niệm và sử dụng ngôn ngữ.

Như vậy, embodiment cho thấy bản chất của việc học ngôn ngữ và lời ăn tiếng nói hằng ngày phần lớn phụ thuộc vào kiến thức, trải nghiệm, nhận thức của mỗi người. Nếu ý thức bị tách rời khỏi cơ thể, ngôn ngữ hầu như không thể trở nên phong phú, đa dạng được. Phần tiếp theo của bài viết sẽ bàn lý do vì sao điều này xảy ra.

embodiment-2

Embodiment trong ngôn ngữ hằng ngày

Nắm được ý nghĩa của embodiment, người đọc có thể thấy rằng ngôn ngữ mang đậm ảnh hưởng của trải nghiệm, nhận thức của người nói. Vì thế, người đọc có thể hiểu sâu hơn qua phép ấn dụ ở ví dụ sau trong cuốn sách Metaphors We Live By:

  • “This relationship is a dead-end street (Lakoff and Johnson 45)

Tạm dịch: “Mối quan hệ này đã đi vào con đường cụt”.

embodiment-3Ví dụ trên đại diện một phép ẩn dụ mà các tác giả gọi là conceptual metaphor (ẩn dụ ý niệm) - biểu hiện của embodiment, bởi vì để miêu tả trạng thái của mối quan hệ giữa hai người, điều nằm ở miền ý niệm về LOVE (TÌNH YÊU), người nói liên tưởng đến miền ý niệm về JOURNEY (HÀNH TRÌNH) để làm điều này, hình thành nên phép ẩn dụ ý niệm LOVE IS A JOURNEY. Cụ thể, các hình ảnh về những người đi du lịch, con đường trong hành trình, phương tiện di chuyển đã được liên tưởng lần lượt đến hai người yêu nhau, khoảng thời gian của mối quan hệ, sự tiến triển của mối quan hệ (Evans and Green 295). Từ đó, trong bối cảnh của cặp đôi đã bên nhau một khoảng thời gian đến khi cả hai có những tranh cãi, bất đồng, cảm xúc, trải nghiệm của họ, ảnh hưởng bởi cách hoạt động của bộ não, làm họ liên tưởng các miền ý niệm ở trên với nhau. Đến đây, họ cảm thấy cả hai đã bước qua con đường dài trên đôi chân họ, đến bước đường cùng của mối quan hệ. Do đó, điều này phụ thuộc vào nền tảng của trải nghiệm, một phần của embodiment.

Đọc thêm:

Bên cạnh phép ẩn dụ ý niệm sử dụng đúng theo công thức “A is B” theo George Lakoff và Mark Johnson ở trên, embodiment còn hướng người nói đến cách diễn đạt phong phú hơn, vẫn mang đậm ẩn dụ ý niệm như:

  • “District 1 is in the heart of Ho Chi Minh city

Tạm dịch: “Quận 1 nằm ở trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh”.

embodiment-4Hầu như ai cũng biết rằng tim là bộ phận cơ thể của con người, con vật, trong khi đó thực tế thành phố không có tim, vì nó chỉ là nơi chốn. Tuy nhiên, bởi vì embodied experience (trải nghiệm mang tính nghiệm phân) - một phần của embodiment, chúng ta lấy hình ảnh trái tim ở giữa cơ thể ám chỉ vị trí của một quận trung tâm của thành phố. Nếu như không có embodiment, rất khó có thể hình thành được ngôn ngữ phong phú, đa dạng như vậy trong bối cảnh giao tiếp thường ngày.

Đặc biệt, người đọc nên ghi nhớ rằng những cách diễn đạt ở trên là rất bình thường, thậm chí phổ biến trong đời sống hằng ngày, và người học hoàn toàn có thể tận dụng để diễn đạt trong kỳ thi IELTS Speaking.

Embodiment và IELTS Speaking

Cải thiện, nâng cao kết quả bài kỳ thi IELTS Speaking không đơn thuần nằm ở việc lên ý tưởng, ghi nhớ từ vựng, sửa lỗi ngữ pháp hay phát âm. Kỹ năng nói phụ thuộc vào rất nhiều cơ chế khác nhau của bộ não, George Lakoff và Mark Johnson đã chỉ ra dựa trên nghiên cứu trong trường phái Ngôn ngữ học tri nhận qua cuốn sách Philosophy in the Flesh rằng suy nghĩ có ý thức chiếm 5% trong hoạt động của trí óc, còn lại 95% là nằm trong tiềm thức. Tất cả kiến thức và niềm tin của chúng ta đều được đóng khung trong khuôn khổ của một hệ thống khái niệm nằm chủ yếu trong vô thức của tri nhận (12).

embodiment-5Điều này cho thấy rằng chúng ta rất cần nhiều sự luyện tập với IELTS Speaking. Dựa trên góc nhìn của embodiment, tác giả gợi ý một số cách người học có thể luyện tập từ đó gắn liền tiếng Anh với trải nghiệm, giác quan và sử dụng chính ngôn ngữ này theo cá nhân mình.

Mirror Conversations: Thỉnh thoảng, người học có thể luyện nói ngoài việc luyện tập với bài kiểm tra IELTS Speaking. Nếu người học ngại giao tiếp tiếng Anh với ai đó, mình có thể làm điều này trước gương. Đặc biệt, hãy quan sát, gắn liền nét mặt, ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ với bài nói. Việc này sẽ giúp bạn tận dụng một số cơ chế của embodiment thông qua việc kết hợp hoạt động của cơ thể với ngôn ngữ, điều sẽ giúp bạn khơi gợi được cách diễn đạt của riêng mình trong tiềm thức và từ đấy trở nên tự tin hơn khi nói tiếng Anh.

embodiment-6Language Walks: Khi người học ra ngoài, thay vì chúng ta chỉ im lặng đi qua các nẻo đường, hãy thử vừa đi vừa nói tiếng Anh với mình. Hãy diễn tả bất cứ thứ gì mình thấy, thể hiện suy nghĩ của bạn, hoặc thuật lại sự việc xung quanh bạn. Điều này sẽ giúp bạn không những tận dụng được embodiment mà còn giúp cải thiện fluency (độ lưu loát) trong tiếng Anh và chuẩn bị tốt hơn cho part 1 cũng như part 2 trong IELTS Speaking với các chủ đề đời sống quen thuộc.

embodiment-7Language Journaling: Để cho ngôn ngữ trở thành một phần của mình qua embodied experience, người học có thể viết nhật kỹ bằng tiếng Anh, thể hiện hết cảm xúc, suy tư hay suy ngẫm cá nhân. Bạn càng cá nhân hóa tiếng Anh của mình bao nhiêu, bạn càng có thể kết nối trải nghiệm cá nhân với ngôn ngữ của mình. Sau khi viết, bạn có thể dành ra ít phút để luyện nói bằng cách nói tiếng Anh về những gì mình đã chia sẻ với bản thân, điều rất có lợi với các phần part 1 và part 2 trong IELTS Speaking.

embodiment-8Acting Out Dialogues: Ngoài ý tưởng cho bài thi IELTS Speaking, người học có thể ứng dụng embodiment với các bộ phim để từ đó cải thiện phát âm, độ lưu loát bằng cách bắt chước cách diễn viên nói, diễn đạt trong bối cảnh nào đấy. Mặc dù ban đầu có thể người học cảm thấy không thoải mái, nhưng dần về sau với sự luyện tập bền bỉ, người học có thể thấy rằng cách phát âm giống người bản ngữ sẽ ít giống như một thứ mình phải đi theo và thay vào đó giống như một phần tự nhiên trong quá trình nói của mình.

image-altembodiment-9Mindful Language Practice: Làm sao để người học vừa giữ bình tĩnh khi nói vừa nhìn ra được cách mình tư duy trong ngôn ngữ như thế nào? Hãy thực hành kỹ thuật chánh niệm, cụ thể làm điều đơn giản như dành một chút thời gian thở sâu, tập trung vào hơi thở của mình và ý thức bản thân trong hiện tại. Khi làm điều này, hãy ngẫm nghĩ mối liên kết, bản chất của ngôn ngữ với cuộc sống hằng ngày, người học sẽ cho mình một tâm thế bình tĩnh và nói tiếng Anh một cách thoải mái, tự nhiên. Kỹ thuật này rất có ích với kỳ thi IELTS Speaking.

embodiment-10

Tổng kết

Qua việc tìm hiểu về embodiment, người học có thể thấy rằng ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là những chữ cái hay cấu trúc ngữ pháp, nó là sự kết nối vô cùng thú vị giữa ngôn từ, cơ thể và trải nghiệm. Để phát triển được kỹ năng nói, điều mà rất cần người học cá nhân hóa tiếng Anh của mình, người học rất cần nhiều sự luyện tập ngoài việc luyện thi với đề kiểm tra để từ đó cảm nhận được ngôn ngữ gắn liền với hiện tượng đời sống thông qua các giác quan và diễn đạt được nhiều điều một cách phong phú, tự nhiên.

Tham khảo

  • Evans, Vyvyan, and Melanie Green. Cognitive Linguistics: An Introduction. Edinburgh University Press, 2006.

  • Lakoff, George, and Mark Johnson. Metaphors We Live By. Chicago: University of Chicago Press, 1980.

  • Lakoff, George, and Mark Johnson. Philosophy in the Flesh. Basic Books, 1999.

  • Viet, Nguyen Dinh. “Some Expressions of the Embodiment Theory in Vietnamese Conceptual Metaphors of Utensils.” Ho Chi Minh City University of Education Journal of Science, vol. 18, no. 4, 2021, pp. 604–613.

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
GV
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...