Giải pháp cho vấn đề quên từ vựng đã học

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cơ chế ghi nhớ của não bộ nhằm giải thích nguyên nhân học nhiều từ vựng mà vẫn quên, đồng thời gợi ý một số phương pháp để người đọc có thể giảm tình trạng quên từ vựng.
author
ZIM Academy
11/01/2022
giai phap cho van de quen tu vung da hoc

Thiếu từ vựng trong quá trình sử dụng tiếng Anh là một trong những vấn đề phổ biến đối với nhiều người học. Một nguyên do chính cho vấn đề này là việc người học bổ sung nhiều từ vựng trong quá trình học, song vẫn không có khả năng ghi nhớ hết toàn bộ. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cơ chế ghi nhớ của não bộ nhằm giải thích nguyên nhân học nhiều từ vựng mà vẫn quên, đồng thời gợi ý một số phương pháp để người đọc có thể giảm tình trạng quên từ vựng.

Cơ chế ghi nhớ của não bộ và nguyên nhân của vấn đề

Cơ chế ghi nhớ của não bộ

giai-phap-cho-van-de-quen-tu-vung-da-hoc-mo-hinh-tri-nhoMô hình Atkinson- Shiffrin

Theo mô hình Atkinson- Shiffrin, được đề xuất vào năm1968 bởi hai nhà nghiên cứu Richard Atkinson và Richard Shiffrin, quá trình ghi nhớ thông tin của não bộ được phân chia thành bốn giai đoạn:

Giai đoạn 1: Sensory Register ( Kí ức được tiếp nhận):

Là bước não bộ tiếp nhận một thông tin mới ngay lập tức và mã hoá chúng bằng các giác quan như thị giác, thính giác hay xúc giác.

Ví dụ: Người học nghe thấy từ “ America” trên bản tin thời sự, hoặc người học đọc được từ “ nature” trong quá trình đọc một văn bản bằng tiếng Anh.

Giai đoạn 2:Short-term memory ( Bộ nhớ ngắn hạn):

Sau khi được tiếp nhận, thông tin được mã hoá và lưu trữ tại bộ nhớ ngắn hạn hay còn gọi là bộ nhớ tạm thời trong khoảng 30 giây. Ngoài ra, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Roger và các cộng sự vào năm 1977, con người có xu hướng ghi nhớ những thông tin liên quan tới bản thân (self-reference) hơn những thông tin khác. Bởi những thông tin này liên kết với những tư liệu có sẵn trong bộ não mà bản thân đã trải nghiệm, ngược lại, những thông tin mà bộ não không chủ động gắn liên kết sẽ biến mất rất nhanh. Không chỉ vậy, những thông tin mà chúng ta nghe và nhìn dưới dạng hình ảnh được lưu lại trí nhớ ngắn hạn tốt hơn những thông tin mà chúng ta đọc. Thật vậy, việc con người ghi nhớ những dữ liệu xoay quanh bản thân và dữ liệu dưới dạng hình ảnh, âm thanh giúp tỉ lệ nhớ lại (recall) được tăng lên đáng kể. 

Ví dụ: Để có thể đưa được hai từ vựng “America” và “Nature” vào trí nhớ ngắn hạn, người học cần có “chủ ý” lưu giữ hai từ vựng này trong não. Tức là sau khi tiếp nhận hai từ vựng này, người học cần dùng một số phương pháp để buộc não bộ ghi nhớ tạm thời hai thông tin này. Các phương pháp có thể là đọc đi đọc lại nhiều lần, hình dung ngữ cảnh áp dụng từ vựng. Cụ thể là, khi học từ “America” người học có thể hình dung ra hình ảnh nước Mỹ… Biểu hiện cho thấy từ vựng đã được đưa vào trí nhớ ngắn hạn là người học có thể nhắc lại nghĩa của từ chỉ sau vài phút học mà không cần phải nhìn vào dữ liệu ban đầu.

Giai đoạn 3: Long-term memory (Bộ nhớ dài hạn):

Sau khi được ôn lại nhiều lần, thông tin sẽ chuyển đến Bộ nhớ dài hạn. Không giống như bộ nhớ ngắn hạn, dung lượng lưu trữ của bộ nhớ dài hạn là không có giới hạn. Nó bao gồm tất cả những điều con người có thể nhớ đã xảy ra hơn chỉ vài phút trước cho đến tất cả những điều đã xảy ra cách đây vài ngày, vài tuần và nhiều năm.

Ví dụ: Sau khi hai từ “America” và “Nature” được đưa vào trí nhớ ngắn hạn, người học đưa hai từ vựng này vào bộ nhớ dài hạn bằng cách củng cố năng lực lưu trữ thông tin (Storage), hay nói cách khác là thực hiện các phương pháp để có thể nhớ được từ vựng lâu hơn. Biểu hiện cho thấy từ vựng đã được đưa vào trí nhớ dài hạn là người học vẫn có thể ghi nhớ nghĩa của từ vựng sau một khoảng thời gian dài.

Giai đoạn 4: Retrieval ( Quá trình truy xuất):

Truy xuất là quá trình đưa thông tin ra khỏi bộ nhớ lưu trữ dài hạn và sử dụng chúng. Khả năng truy xuất thông tin từ trí nhớ dài hạn rất quan trọng đối với hoạt động hàng ngày của con người. Con người phải có khả năng truy xuất thông tin từ bộ nhớ để làm mọi thứ, từ những việc đơn giản như chải tóc và đánh răng đến những việc như học tập, làm việc.

Ví dụ: Sau khi hai từ “America” và “Nature” đã nằm trong trí nhớ dài hạn. Biểu hiện của việc người học đang truy xuất thông tin là họ có thể sử dụng từ này khi muốn như áp dụng chúng vào việc nghe, nói, đọc, viết.

Nguyên nhân của việc học nhiều từ vựng nhưng vẫn quên

Theo mô hình Atkinson- Shiffrin đã đề cập ở bên trên, người học không nhớ được từ vựng đã học do vấn đề có thể xảy ra ở các giai đoạn sau:

Sensory Register sang Short-term memory

Người học mặc dù tiếp nhận từ vựng nhưng không kích hoạt bộ nhớ và không có “chủ ý” ghi nhớ từ vựng. Cụ thể, người học không vận dụng các giác quan để tiếp nhận và xử lý từ vựng hoặc đọc từ vựng nhưng ghi nhớ một cách hời hợt hay không có ý định sẽ ghi nhớ chúng. Do vậy, các từ vựng này sẽ không được chuyển sang vùng Trí nhớ ngắn hạn và người học có thể quên nghĩa của từ ngay lập tức sau khi tiếp xúc với chúng.

Ngoài ra, việc thông tin không đến được trí nhớ ngắn hạn là do lượng thông tin mà con người tiếp nhận vượt quá lượng thông tin mà bộ nhớ ngắn hạn có thể lưu trữ, hay nói cách khác, quá nhiều thông tin cùng một lúc khiến con người không thể ghi nhớ được. Thật vậy, lượng thông tin mà bộ nhớ ngắn ngắn hạn có thể lưu trữ được là từ 5 cho đến 9 thông tin ( Miller, 1956). Do vậy, học quá nhiều quá nhiều từ vựng cùng một lúc sẽ làm giảm hiệu suất ghi nhớ của bộ não.

Một lí do khác để lí giải cho vấn đề này là các thông tin được tiếp nhận một cách rời rạc khiến cho não bộ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ. Ví dụ, việc học một loạt các từ vựng thuộc nhiều chủ đề khác nhau sẽ khó nhớ hơn vì người học sẽ khó tìm thấy sự liên kết giữa các từ này và khiến cho việc học bị thiếu trọng tâm. 

Short-term memory sang Long-term memory

Người đọc hiểu nghĩa của từ và có thể nhắc lại từ vựng sau khi học xong nhưng không có kỹ thuật để chuyển các từ vựng đã học vào bộ nhớ dài hạn. Do đó, các từ vựng sau khi học thường sẽ bị quên sau một khoảng thời gian ngắn.

Long-term memory sang Retrieval 

Một nguyên nhân lí giải cho việc học nhiều từ vựng nhưng vẫn quên là do người học đã đưa được chúng vào trí nhớ dài hạn nhưng chưa thể truy xuất ra được. Tức là người học gặp khó khăn trong việc sử dụng từ vựng sau khi học từ. Nguyên nhân dẫn tới điều này là do người học mới chỉ đơn thuần đưa từ vựng vào trí nhớ mà chưa thường xuyên áp dụng hoặc gợi nhắc đến các từ đã học khi gặp ngữ cảnh phù hợp.

Ví dụ: Nếu người học chỉ ghi nhớ “delicious” là “(đồ ăn) ngon” mà không sử dụng nó hoặc khi gặp một trường hợp ăn đồ ăn ngon nhưng người học không liên tưởng đến “delicious”, thì sẽ gặp khó khăn trong việc áp dụng từ này khi muốn sử dụng.

Phương án giải quyết

Có thể thấy rằng nguyên nhân chủ yếu khiến người học không thể nhớ được từ vựng là do chưa có các phương pháp phù hợp để kích hoạt não bộ, giúp lưu giữ từ vựng vào trong bộ nhớ dài hạn và truy xuất từ vựng khi cần sử dụng. Do vậy, tác giả xin đề xuất hai phương pháp học từ vựng giúp giải quyết vấn đề trên:

Học từ vựng qua ngữ cảnh

Nền tảng của phương pháp học từ vựng qua ngữ cảnh là người học gán những từ vựng được học với các thông tin liên quan mà người học đã từng trải nghiệm. Như đã phân tích ở trên, con người có xu hướng ghi nhớ những thông tin liên quan tới bản thân và những thông tin dưới dạng hình ảnh, âm thanh. Điều này giúp việc đưa thông tin vào vùng trí nhớ dài hạn được dễ dàng và giúp thông tin lưu lại lâu hơn.

Để làm được điều này, khi bắt gặp một từ mới, người đọc cần gắn nó với những ngữ cảnh mà mình cảm thấy quen thuộc và cố gắng vận dụng các giác quan để hiểu rõ hơn về từ vựng.

Người học có thể áp dụng phương pháp này theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị từ vựng và tra nghĩa của từ vựng trong từ điển ( Tiếp nhận thông tin).

Ví dụ: Người học gặp một từ mới “ Broken heart” (Con tim tan vỡ). Người học tra nghĩa của từ bằng tiếng Việt.

Bước 2: Gắn từ vựng này với các trải nghiệm cá nhân, người học cần cố gắng vận dụng các giác quan, tưởng tượng ra ngữ cảnh bao gồm âm thanh, hình ảnh, cảm xúc khi ghi nhớ từ vựng. ( Đưa từ vựng vào trí nhớ ngắn hạn và dài hạn)

Ví dụ: Người học có thể gắn từ này với một trải nghiệm phải chia xa khiến cho trái tim tan vỡ hoặc về một bộ phim mình từng xem có phân đoạn này. Người học có thể gợi nhớ lại các cảm xúc như đau khổ, hoặc hình ảnh buồn rầu hay những tiếng khóc khi nhắc đến từ này.

Bước 3: Nhắc lại từ vựng khi có ngữ cảnh phù hợp. Khi gặp các ngữ cảnh tương đương, người đọc nhắc lại từ vựng đã học. ( Truy xuất thông tin)

Ví dụ: Người học sẽ nhắc lại từ ˆ”Broken heart” khi chứng kiến hoặc có một trải nghiệm tương tự với việc chia xa.

giai-phap-cho-van-de-quen-tu-vung-da-hoc-vi-duˆ”Broken heart” – trải nghiệm tương tự với việc chia xa.

Spaced repetition (Lặp lại ngắt quãng)

Nếu một người không thường xuyên ôn tập lại những kiến thức đã học, hầu hết những kiến thức này sẽ mất đi sau một khoảng thời gian. Vì vậy, nền tảng của phương pháp Lặp lại ngắt quãng củng cố năng lực lưu trữ thông tin (Storage) của bộ não, giúp đưa thông tin vào trí nhớ dài hạn bằng cách đều đặn ôn tập chúng trong nhiều lần.

Người học có thể áp dụng phương pháp này theo các cách sau:

Sử dụng Flashcard (Thẻ ghi nhớ)

Bước 1: Người học dùng chuẩn bị các thẻ ghi nhớ với 1 mặt ghi từ, mặt còn lại ghi nghĩa và cách sử dụng từ. Ngoài ra người dùng cần chuẩn bị 5 hộp để đựng các thẻ ghi nhớ này. (Tiếp nhận thông tin).

Ví dụ: Người học có chuẩn bị 5 hộp được đánh số từ 1 đến 5 và 1 danh sách các thẻ ghi nhớ các từ mới như: lucky, complicated, nature, health, vegetable, protect.

Bước 2: Người học xếp tất cả các flashcard ghi từ mới vào hộp số 1. Sau 1 ngày, người học ôn tập lại các từ vựng này. Khi nhớ được nghĩa và cách sử dụng của một flashcard, người học sẽ chuyển nó đó sang hộp thứ 2. Nếu không nhớ được flashcard đó thì người học sẽ giữ nguyên nó ở hộp thứ nhất. (Đưa từ vựng vào trí nhớ ngắn hạn)

Ví dụ: Người học nhớ được từ: lucky, protect, health. Ba từ này sẽ được chuyển sang hộp thứ 2. Các từ còn lại vẫn sẽ ở trong hộp thứ nhất.

Bước 3: Ôn lại các từ vựng ở các hộp với các chu kỳ như sau 3 ngày, 10 ngày, 30 ngày và 90 ngày. Lặp lại quá trình tương tự đối với các hộp tiếp theo. Ở hộp thứ hai, những flashcard trả lời đúng sẽ tiếp tục được di chuyển sang hộp thứ ba, những từ trả lời sai sẽ bị đưa về hộp thứ nhất. Người học được coi là nhớ hết từ vựng khi tất cả các từ này đều nằm trong hộp thứ 5. (Đưa từ vựng vào trí nhớ dài hạn)

Ví dụ: Sau 3 ngày, người học ôn tập lại các từ vựng và vẫn nhớ nhớ các từ: lucky, protect, health. Các từ này được chuyển sang hộp thứ 3. Người học tiếp tục lặp lại quá trình cho đến khi tất cả các từ đều nằm trong hộp số 5.

Bước 4: Nhắc lại từ vựng đã học khi có ngữ cảnh phù hợp. Khi gặp các ngữ cảnh tương đương, người đọc nhắc lại từ vựng đã học. (Truy xuất thông tin)

Sử dụng phần mềm Anki

giai-phap-cho-van-de-quen-tu-vung-da-hoc-anki-flashcardPhần mềm Anki

Đối với những cá nhân không có thời gian để ghi chép và tạo Flashcard trên giấy, Anki là phần mềm giúp người dùng tạo lập Flashcard kết hợp với phương pháp Lặp lại ngắt quãng trên nền tảng điện thoại di động hoặc máy tính. Phần mềm này cho phép người dùng có thể ôn tập từ vựng mọi lúc và mọi nơi. Ngoài ra, Anki hỗ trợ tính năng giúp tính toán thời gian giữa các lần ôn tập để phù hợp với người dùng nhất.

Để có thể tìm hiểu rõ hơn về phương pháp “Spaced Repetition – Lặp lại ngắt quãng”, cũng như cách học qua Flashcard và phần mềm Anki, người đọc nên dành thời gian để tham khảo qua bài viết về phương pháp này tại zim.vn

Tổng kết

Trong bài viết trên, tác giả đã phân tích ba giai đoạn quan trọng trong quá trình xử lý và ghi nhớ thông tin của bộ não, từ đó đưa ra nguyên nhân cho vấn đề học nhiều từ vựng nhưng vẫn quên. Cụ thể là, người học chưa có các kỹ thuật phù hợp để ghi nhớ từ vựng và đưa chúng vào bộ nhớ ngắn hạn cũng như bộ nhớ dài hạn.Do vậy, bằng việc giới thiệu hai phương pháp Học từ vựng qua ngữ cảnh và Phương pháp lặp lại ngắt quãng, tác giả hy vọng người đọc có thể áp dụng hai cách này vào trong quá trình học từ vựng để đạt được hiệu suất ghi nhớ từ vựng tốt hơn.

Hồ Thiên Trà

Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu