Giới thiệu về Tư duy phân nhánh (Divergent Thinking) và Tư duy hội tụ (Convergent Thinking)
Trong quá trình học tập, học sinh đã học và thực hành một “biển” kiến thức trải dài từ các môn khoa học tự nhiên xã hội cho đến thể chất, quốc phòng. Đối với mỗi một môn học, họ lại được dạy các cách tiếp cận khác nhau: với toán, dù là giải toán theo cách lập phương trình, hàm số lượng giác, hay tích phân, học sinh đều cần nắm vững cách giải toán theo từng bước trong quy trình; với viết luận tiếng Anh, học sinh được yêu cầu vẽ sơ đồ tư duy hay “brainstorm” về các lợi ích, thiệt hại của một vấn đề cụ thể như học trực tuyến, văn hóa mạng xã hội,…để chuẩn bị cho bài viết của mình. Tại sao lại có sự khác biệt đó?
Sự khác biệt trên phản ánh sự khác biệt giữa hai cách tư duy Divergent Thinking (Tư duy Phân nhánh) và Convergent Thinking (Tư duy hội tụ). Hai khái niệm này được J. Paul Guildford phát triển năm 1956. Divergent Thinking là lối tư duy gợi mở gắn với những thuật ngữ như “brainstorming” hay “free writing” (viết tự do về bất kì ý nghĩ / suy nghĩ xuất hiện trong đầu) và được áp dụng để phản hồi lại những câu hỏi mở như “Viên gạch có thể được sử dụng để làm gì?” Viên gạch ngoài mục đích sử dụng như một vật liệu xây dựng còn có thể được sử dụng làm vũ khí, vật trang trí, vật gia dụng, vật thí nghiệm,… tùy vào sự sáng tạo của người trả lời. Khác với Divergent Thinking, Convergent Thinking là lối tư duy được sử dụng để trả lời những câu hỏi yêu cầu tính chính xác tuyệt đối như “Ai là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng?” hoặc “Quốc kỳ của Việt Nam có màu gì?” Những câu hỏi cộp mác “Ai là triệu phú” như trên không đòi hỏi tính sáng tạo hay trí tưởng tượng phong phú mà yêu cầu sự chọn lọc loại trừ chính xác.
Tuy thế, nhiều người cũng đã phải đối diện và giải quyết những vấn đề cá nhân hoặc xã hội như “Làm thế nào để qua liệt?”, “Làm thế nào để có việc nhàn lương cao?” yêu cầu cả sự sáng tạo và sự chọn lọc để phát huy hiệu quả. Vậy Convergent Thinking và Divergent Thinking thực sự có mối quan hệ như thế nào?
Tuy Divergent Thinking và Convergent Thinking cũng không phải điều gì quá xa lạ với mọi người, để cung cấp cái nhìn sâu hơn giúp người đọc có thể định hướng sử dụng Divergent Thinking và Convergent Thinking hiệu quả hơn trong cuộc sống, bài viết này sẽ giới thiệu:
Nền tảng, mục đích, quá trình Divergent Thinking và Convergent Thinking
Mối liên hệ giữa Divergent Thinking và Convergent Thinking.
Tư duy phân nhánh – Divergent Thinking
Nền tảng
Divergent Thinking được Joy Paul Guilford định nghĩa là quá trình tư duy dùng để tìm tòi và phát hiện các ý tưởng sáng tạo nhiều nhất có thể.
Divergent Thinking có tính chất:
Bộc phát (spontaneous): Ý nghĩ xuất hiện bất ngờ – bộc phát – trong thoáng chốc.
Tự do và liên tục (free-flowing): Ý nghĩ xuất hiện tự do và liên tục (như một dòng chảy không mà người nghĩ không biết được lộ trình chảy đi đầu về đâu).
Ngẫu nhiên (non-linear): Ý nghĩ xuất hiện ngẫu nhiên, không theo một trình tự nhất định nào.
Divergent Thinking bản chất là trạng thái thả lỏng tư duy để suy nghĩ “lạc trôi” và tiếp cận được những kiến thức trong những vùng ý thức ít được gợi nhớ. Các ý tưởng mới hình thành nhờ việc tìm ra cách kết hợp các kiến thức với nhau. (VD: bậc thang và cấu hình DNA, kim tự tháp và hệ thức Newton,..)
Divergent Thinking được cho là có liên kết chặt chẽ với khả năng đánh giá với những ý tưởng được khơi gợi ra dù qua quá trình ngẫu nhiên đều có ít nhiều liên quan với chủ đề đã xác định.
Mục đích
Divergent Thinking giúp người nghĩ nghĩ ra được một lượng lớn ý tưởng mới lạ, phát huy sự sáng tạo để phát hiện những đáp án có khả năng trả lời câu hỏi, giải quyết một vấn đề cụ thể.
Quá trình tư duy
Divergent Thinking xuất phát từ một câu hỏi, đề bài, hay vấn đề cụ thể và rẽ nhánh bộc phát, tự do, liên tục, và ngẫu nhiên ra nhiều ý tưởng giải pháp khác nhau.
Ví dụ:
[Đề bài luận phụ cá nhân trường đại Chicago, Mĩ – Benjamin Nuzzo] – Find x (Tìm x.)
Divergent Thinking có thể được sử dụng để “brainstorm” về “x” trong cuộc sống của bản thân người viết. “X” có thể là một người bí mật, một đồ vật mất tích, một bí ẩn người viết mong muốn giải đáp,…từ đó người viết có thể tìm ra được đề tài phù hợp cho bài luận của mình.
[Vấn đề biến đổi khí hậu]
Divergent Thinking giúp người nghĩ nảy ra những ý nghĩ thuộc nhiều lĩnh vực liên quan như khoa học môi trường (“nóng lên toàn cầu”, “băng tan ở Bắc Cực”), xã hội (“biểu tình vì môi trường”, “vết carbon” – “carbon footprint”),… từ đó người nghĩ có thể suy xét về những phương thức có thể sử dụng để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Tư duy hội tụ – Convergent Thinking
Nền tảng
Convergent Thinking là quá trình tư duy theo phương thức suy diễn logic (deduction reasoning) để nghĩ ra được một đáp án cho một câu hỏi, vấn đề nào đó.(Jones et al., 2011; Lee & Therriault, 2013). Xác suất sai sót được kiểm soát ở mức tối thiểu.
Convergent Thinking có liên quan chặt chẽ với nền tảng kiến thức và sử dụng kiến thức đó làm nguyên liệu chủ chốt cho quá trình tư duy.
Mục đích
Convergent Thinking được sử dụng để người nghĩ tìm ra và kết luận được đáp án duy nhất, tốt nhất cho một đề bài, vấn đề nào đó, tăng xác suất chính xác tuyệt đối đến tối đa.
Quá trình tư duy
Convergent Thinking bắt đầu với câu hỏi, đề bài, hoặc vấn đề và tiếp diễn với quá trình áp dụng các quy tắc định sẵn hoặc suy diễn logic để giải quyết.
Ví dụ:
[Câu hỏi trắc nghiệm toán – Giải toán bằng cách lập phương trình]
→ Sử dụng Convergent Thinking để tìm ra đáp án bằng cách áp dụng các bước: đặt ẩn, lập phương trình, giải phương trình,…
[Câu hỏi bài kiểm tra IQ – Tìm quy luật dãy số]
→ Sử dụng Convergent Thinking và dựa vào dữ kiện đã cho để tìm ra quy luật đúng với đáp án.
Mối liên hệ giữa Divergent Thinking và Convergent Thinking
Khác biệt
Tiêu chí | Divergent Thinking | Convergent Thinking |
Phương hướng | Rẽ nhánh để tìm nhiều điều mới | Hội tụ, tư duy theo hướng suy diễn logic (deduction) |
Trọng tâm | Ý tưởng mới sáng tạo | Áp dụng phương thức đã được kiểm chứng để suy diễn |
Giới hạn | Không giới hạn về số lượng ý tưởng | Giới hạn chỉ một kết luận |
Yếu tố tính cách liên quan | Những người có tính cách Cởi mở, thoải mái thường dễ dàng nghĩ được nhiều ý tưởng hơn. | Áp dụng với mọi tính cách. |
Yếu tố cảm xúc | Tâm lý thoải mái giúp người nghĩ nghĩ ra nhiều ý tưởng hơn | Sự tập trung và tâm thế critical (phê bình đánh giá) làm tăng tính chính xác của kết luận |
Mục đích | Phát hiện các giả thiết, giải pháp, khả năng có thể xảy ra. | Đưa ra quyết định, kết luận. |
Trường hợp sử dụng | Câu hỏi, đề bài, vấn đề có tính mở, các dữ kiện được đưa ra chỉ mang tính gợi mở không có đáp án nào chính xác tuyệt đối. | Dữ kiện đưa ra trong câu hỏi, đề bài, hay vấn đề có thể được xử lý bằng những phương thức đã được kiểm chứng để tìm ra đáp án chính xác. |
Kết hợp
Nghiên cứu về áp dụng Divergent Thinking và Convergent Thinking vào thực tế đã khẳng định hai cách tư duy này nên được kết hợp để tạo ra giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
Trước một vấn đề, Divergent Thinking được sử dụng để tìm ra một lượng lớn giải pháp có thể. Và Convergent Thinking sẽ được sử dụng tiếp đó để giới hạn số lượng và tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất.
Ví dụ: Vấn đề: cần xây một cây cầu giữa hai dãy núi
→ Sử dụng Divergent Thinking để nghĩ đến bất kì giải pháp, ý tưởng mới có thể sử dụng vào vào việc xây cầu: chất liệu, kiểu dáng, nhà thầu công trình,..
→ Sử dụng Convergent Thinking để giới hạn phạm vi chất liệu, kiểu dáng,… nào phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu, tiêu chí an toàn, và chi phí) để chọn lựa ra giải pháp hiệu quả nhất.
Tổng kết
Những khác biệt giữa Divergent Thinking và Convergent Thinking phần lớn mang tính lý thuyết. Trong thực tế, khi có những kiến thức mà con người không nhận thức được sự tồn tại của chúng, khi các vấn đề không chỉ là trắng hay đen mà nhiều chiều nhiều tầng lớp, giải quyết vấn đề không đơn thuần là tìm được nhiều hay tìm được chính xác, mà là liên tục sáng tạo tìm tòi để nâng cấp cách giải quyết lên tốt nhất.
Bùi An Bình
Bạn muốn biết mình đang ở mức độ nào trong thang điểm IELTS hay cần làm quen với làm bài thi IELTS để vững vàng tâm lý trước ngày thi chính thức? Hãy đăng ký thi thử IELTS để trải nghiệm ngay hôm nay!
Bình luận - Hỏi đáp