Học từ vựng qua phương pháp Contextualization và Decontextualization (P.2)
Trong phần trước “Học từ vựng qua phương pháp Contextualization và Decontextualization“, tác giả đã giới thiệu tổng quan về phương pháp Decontextualization và ứng dụng trong học từ vựng. Bài viết dưới đây sẽ tiếp tục giới thiệu, phân tích và đưa ra ví dụ cho phương pháp Contextualization, cũng như ứng dụng trong quá trình học từ vựng.
Phương pháp Ngữ cảnh (Contextualization)
Phương pháp Ngữ cảnh là gì?
Phương pháp học ngữ cảnh là quá trình học nhưng không có ý định được thiết lập từ trước. Theo Richards & Schmidt (2002), phương pháp này cũng hướng tới việc lĩnh ngộ được một vốn kiến thức, khi đang có ý định học một vốn kiến thức khác.
Trong lĩnh vực tiếp thu ngôn ngữ, phương pháp học Ngữ cảnh được xem là một trong những cách hiệu quả nhất để học từ vựng tiếng Anh, vì người học thể hiểu được một từ thông qua ngữ cảnh của từ đó đặt vào.
Khác với phương pháp học Định nghĩa, phương pháp học Ngữ cảnh không chú trọng về kết quả đầu ra của người học. Vì từ đầu, phương pháp này không hướng đến một mục tiêu cụ thể như phương pháp học Định nghĩa. Có thể hiểu, đây là một phương pháp thuộc về phương pháp học dựa trên quá trình (process-based learning).
Điểm mạnh của phương pháp này so với phương pháp học Định nghĩa là việc cung cấp nhiều hoạt động hơn cho người học cũng như người học có thể chủ động trong việc lựa chọn cách tiếp thu từ vựng dựa trên sở thích của bản thân mình. Tuy vậy, điểm yếu của phương pháp này so với phương pháp học Định nghĩa là:
(1) Việc hệ thống từ vựng người học lĩnh ngộ sẽ hoàn toàn tự phát (spontaneous) dẫn đến sự chênh lệch của vốn từ vựng thuộc chủ đề này và vốn từ vựng thuộc chủ đề khác
(2) Những người học theo phương pháp này thường sẽ không có một khuôn khổ hệ thống vững như những người học theo phương pháp Định nghĩa.
Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng khả năng ứng dụng thực tế của nhóm người học này cao hơn so với nhóm phương pháp Định nghĩa.
Đọc thêm: Học từ vựng theo ngữ cảnh – Phần 3 Idiomatic expressions cho chủ đề gia đình
Đối tượng phù hợp với phương pháp
Phương pháp ngữ cảnh phù hợp với những đối tượng người học sau đây:
Những người tiêu thụ truyền thông (media consumers): Đa số người học đều thuộc nhóm người này trong thời đại công nghệ ngày nay. Các phương tiện truyền thông mà người học có cơ hội tiếp xúc tương đối nhiều có thể kể đến như: Facebook, Instagram, Youtube, hoặc các trang web podcasts, articles. Đây là một nguồn cực hữu ích để có thể vận dụng phương pháp học Ngữ cảnh, vì người học có thể gặp được nhiều từ vựng mới cũng được đặt trong những câu hoàn chỉnh – tương tự câu ví dụ khi người học tra từ điển. Khác biệt ở đây là ngữ cảnh của từ vựng rõ ràng hơn, dẫn đến việc người họ có ấn tượng và ghi nhớ tốt hơn những từ vựng này trong các ngữ cảnh nhất định.
Đọc thêm:Một số kênh Youtube dùng để luyện tập kỹ năng IELTS Listening
Tuy vậy phương pháp này không chỉ giới hạn trong quá trình tiêu thụ truyền thông, người học có thể học được từ mới thông qua đọc sách hoặc trong chính lớp học hoặc môi trường làm việc.
Người học không bị đặt nặng dưới áp lực thi cử / có mục tiêu rõ ràng: Là một phương pháp đặt nặng về quá trình nên thời gian cần để “tiêu hoá” từng vựng là một yêu cầu tất yếu. Trên thực tế, dù có thể “bắt gặp” một từ vựng trong ngữ cảnh và chú ý đến từ vựng đó, khả năng cao là người học sẽ quên từ vựng ấy không lâu sau đó. Người học chỉ thật sự có ấn tượng và ghi nhớ cách cũng như sử dụng được từ vựng đó sau khi bắt gặp nhiều lần trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Đó là lý do phương pháp Ngữ cảnh cần rất nhiều thời gian để tiếp thu – đánh đổi cho việc người học có khả năng áp dụng rất mạnh sau khi ghi nhớ từ vựng đó.
Người học có hoạt động trong môi trường ngôn ngữ: Để tối ưu nhất cho phương pháp, người học cần có một môi trường phù hợp để ứng dụng những gì đã tiếp thu. Khác với phương pháp Định nghĩa – vốn mang tính lý thuyết và nghiên cứu, phương pháp Ngữ cảnh cần một môi trường để người học áp dụng những gì đã ngẫu nhiên học được. Môi trường này có thể là môi trường trong trường lớp (in-class), nhưng lý tưởng hơn là môi trường ngoài trường lớp, để người học có không gian rộng rãi hơn để ứng dụng.
Khác với phương pháp Định nghĩa, phương pháp này không có những “dấu hiệu” cố định nói lên việc người học bẩm sinh thiên phú phương pháp này, vì gần như bất kỳ người học nào cũng sẽ ít nhiều ứng dụng phương pháp Ngữ cảnh trong đời sống. Quan trọng hơn là việc kết hợp ứng dụng của cả hai phương pháp này trong quá trình học sẽ được đề cập ở mục Kết hợp hai phương pháp trong học từ vựng của bài viết.
Ứng dụng phương pháp Ngữ cảnh
Sau đây là một số ứng dụng cũng như cách tối ưu cho phương pháp học Ngữ cảnh:
Tối ưu hóa công cụ truyền thông để tối ưu hoá chủ đề và nội dung: Mỗi công cụ truyền thông đều có những thuật toán để có thể cá nhân hoá những gì người sử dụng muốn tiêu thụ. Lấy Youtube làm ví dụ, khi người học search một vấn đề liên quan đến dinh dưỡng (dù là ở bất kỳ khía cạnh nào của chủ đề này), Youtube sẽ dần gợi ý các chủ đề khác tương tự trên trang của người học, dù rằng người học không thực sự tìm kiếm những video đó. Đây được gọi là Cơ chế gợi ý (Recommendation). Những mạng xã hội khác đều có cơ chế tương tự.
Người học có thể tận dụng yếu tố này để có thể áp dụng phương pháp học Ngữ cảnh theo chủ đề – vốn là một điểm yếu của bản thân phương pháp này, bằng cách:
Tìm kiếm video một chủ đề nhất định mà người học hứng thú
Theo dõi những video tiếp theo thuộc chủ đề đó trong một khoảng thời gian nhất định, tuỳ theo phân bổ của người học (ví dụ trong 1 tuần, người học sẽ xem những video thuộc về chủ đề dinh dưỡng)
Lặp lại các bước trên, nhưng là với chủ đề khác
Như đã được trình bày ở phần trên, sự tiếp xúc lặp đi lặp lại là rất quan trọng để người học bắt đầu có kết nối với từ vựng và áp dụng. Theo cách này, người học sẽ có thể tiếp xúc với những từ vựng nhất định nằm trong cùng một trường từ vựng, vì chúng cùng chủ đề. Từ đó rút ngắn đáng kể thời gian người học theo phương pháp Ngữ cảnh.
Đa dạng hoá các hoạt động học: Một trong những thế mạnh của phương pháp này là có thể giữ được hứng thú người học tốt hơn so với phương pháp Định nghĩa, vì sự đa dạng trong hoạt động học cũng như chủ điểm kiến thức. Từ đọc sách báo, xem tivi, nghe radio/podcast đến tham gia các lớp học ngoại khoá/chính khoá, lướt mạng xã hội, viết blog… tất cả đều nằm trong “vùng hoạt động” của phương pháp này. Người học có thể đồng thời phát triển kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết của bản thân khi chúng đều được tích hợp chung với các hoạt động học này.
Áp dụng các hoạt động ôn tập, hệ thống và mở rộng: Do những từ vựng người học học được ít nhiều là ngẫu nhiên, việc hệ thống hoá và có các hoạt động liên quan đến ôn tập từ vựng là rất thiết yếu để tránh tình trạng “học trước, quên sau”. Đồng thời, dù không bắt buộc, việc người học tìm hiểu mở rộng và đào sâu những từ đã học (loại từ, tiếp đầu ngữ, cách sử dụng trong các ngữ cảnh khác,…).
Kết hợp hai phương pháp Định nghĩa và Ngữ cảnh trong quá trình học
Dưới đây là một bảng thống kê hai nhóm theo nghiên cứu của TS. Jameel Ahmad thuộc trường đại học Jeddah Community (Saudi Arabia): một nhóm thuộc Intentional learning (theo phương pháp học Định nghĩa) và một nhóm thuộc Incidental learning (phương pháp học Ngữ cảnh) sau quá trình học theo hai phương pháp khác nhau làm cùng một bài test giống nhau.
Như có thể thấy, đa phần nhóm học sinh thuộc phương pháp học Ngữ cảnh đều đạt được số điểm cao hơn nhóm học sinh thuộc phương pháp học Định nghĩa – từ 80 – 100 so với 20 – 80. Dù vẫn còn nhiều nhân tố khách quan khác ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu này (ví dụ như chất lượng và tính khách quan của bài test), có một điều rõ ràng rằng phương pháp Ngữ cảnh tối ưu hơn trong việc vận dụng cũng như chú trọng đến quá trình của người học, tạo động lực tốt hơn và thoải mái hơn.
Thế nhưng không có nghĩa là phương pháp này hoàn toàn áp đảo phương pháp học Định nghĩa. Trên thực tế, phương pháp học Định nghĩa vẫn là nền tảng cho phương pháp Ngữ cảnh. Người học cần có một vốn kiến thức từ vựng nhất định (học theo phương pháp Định nghĩa), thì khi áp dụng phương pháp Ngữ cảnh mới đạt được hiệu quả mong muốn. Nói cách khác, kiến thức nền nhờ phương pháp Định nghĩa càng vững, thì kiến thức có được từ phương pháp Ngữ cảnh càng hiệu quả, bao gồm cả việc học nói chung và việc học từ vựng tiếng Anh nói riêng.
Trong một nghiên cứu của trường đại học Harvard trên một nhóm 50 trẻ em từ 3-4 tuổi đã chỉ ra rằng:
“Parents increase over the early childhood period in their use of decontextualized language with their children, and by the preschool years this variation in parents’ use of narrative and explanatory talk predicts the gains children make in vocabulary. Thus, encouraging parents to engage in decontextualized language is important and has the potential to increase children’s vocabulary skill (as shown in the current study) as well as children’s own narrative skill and reading comprehension as shown in previous research. It is important for parents, teachers, and therapists to understand that preschoolers can handle this type of challenging talk and that there are simple ways to engage children in decontextualized language conversations.”
(trang 192)
Trẻ em ở độ tuổi này nếu được giao tiếp thường xuyên với cha mẹ thông qua cách giao tiếp phi ngữ cảnh (tức định nghĩa) giúp tạo tiền đề cho trẻ nhạy bén hơn với kỹ năng từ vựng khi chúng lớn. Điều này chứng tỏ rằng, phương pháp Định nghĩa vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến tạo nền tảng cho vốn từ vựng của người học, nhất là những người mới.
Như vậy, người học nên ứng dụng cả hai phương pháp trong quá trình học từ vựng.
Tổng kết
Qua hai phần, tác giả đã giới thiệu, phân tích và cho ví dụ về hai phương pháp học từ vựng, là phương pháp Định nghĩa (Decontextualization) và Ngữ cảnh (Contextualization). Qua đó, người học cần hiểu điểm mạnh – điểm yếu, cách vận dụng của từng phương pháp và kết hợp ứng dụng của cả hai để có thể đạt hiệu quả tốt nhất cho quá trình học từ vựng của bản thân, từ đó luyện thi IELTS đạt kết quả cao.
Ngô Phương Thảo
Bình luận - Hỏi đáp