Học từ vựng qua phương pháp Contextualization và Decontextualization (P.1)
Trong quá trình học từ vựng tiếng Anh, tuỳ vào trình độ của bản thân, người học sẽ có những phương pháp học phù hợp cho từng giai đoạn. Trong đó, hai trong số các phương pháp học từ vựng tiếng Anh nổi bật có thể áp dụng cho người học ở các trình độ khác nhau là phương pháp Decontextualization (Phi ngữ cảnh ngôn ngữ) và Contextualization (Ngữ cảnh hóa ngôn ngữ). Trong phần 1, bài viết sẽ giới thiệu, phân tích và đưa ra ví dụ cho phương pháp Decontextualization, cũng như ứng dụng trong quá trình học từ vựng.
Chú thích: Do việc có nhiều thuật ngữ khác nhau và các vấn đề liên quan đến dịch thuật, để người học tiện lợi hơn trong việc theo dõi, hai phương pháp trên sẽ được gọi là là phương pháp Định nghĩa (tạm dịch cho phương pháp Decontextualization) và Ngữ cảnh (tạm dịch cho phương pháp Contextualization)
Phương pháp Định nghĩa (Decontextualization)
Phương pháp Định nghĩa là gì?
Theo định nghĩa tổng quát của PsychologyDictionary, phương pháp định nghĩa (Decontextualization – hay Phi ngữ cảnh) là quá trình tiếp thu, lý giải hay đánh giá một sự vật, hiện tượng khi tách chúng ra khỏi ngữ cảnh vốn đã được lồng ghép từ trước. Phương pháp học Định nghĩa, hay phương pháp Chú định, khởi nguồn là một phương pháp học tổng quan (learning methodology) chứ không chỉ đặc thù dành cho việc học ngôn ngữ, hay cụ thể hơn là việc từ vựng.
Theo nghiên cứu của Bereiter and Scardamalia (1989), phương pháp học Định nghĩa “liên quan tới quá trình nhận thức, xem việc học là một mục đích và có kết quả được mong đợi từ trước, hơn là một quá trình với kết quả ngẫu nhiên. Nói cách khác, phương pháp học này được cấu thành từ hai thành tố: (1) ý định của người học – tức người học ý thức và có sự chuẩn bị cho những gì bản thân sẽ học; và (2) mục tiêu cụ thể mà người học đang hướng tới. Hai thành tố này sẽ đóng khung cho những hoạt động học xuyên suốt quá trình.
Nói một cách ngắn gọn, đây là một phương pháp chú trọng kết quả đầu ra (goal-oriented). Như vậy, phương pháp này phù hợp cho những đối tượng người học nào?
Đối tượng phù hợp với phương pháp
Phương pháp học định nghĩa phù hợp với những đối tượng người học sau đây:
Người học kỷ luật, có kế hoạch rõ ràng: Phương pháp học Định nghĩa có phần nặng về tính chuyên môn và học thuật. Vì vậy, nếu không có một kế hoạch cụ thể cho chương trình học, phương pháp này sẽ không tỏ rõ hiệu quả mà ngược lại, còn làm cho quá trình học bị nặng nề vì hoạt động học không tương thích với khối lượng kiến thức tiếp thu. Nếu thuộc kiểu người có kế hoạch và kỉ luật cao, người học sẽ tận dụng được tính hệ thống của phương pháp học này, ví dụ như theo dõi được sự tiến bộ của bản thân qua từng giai đoạn cụ thể.
Người học có mục tiêu cố định trong một khoảng thời gian cố định: Đây là kiểu đối tượng người học rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn thịnh hành của các chứng chỉ quốc tế cùng với nhu cầu đối với các chứng chỉ này cho nhiều mục đích khác nhau (cho công việc, du học,…). Do đó, đối tượng người học này thường sẽ yêu cầu đặc biệt đối với chương trình học, đồng thời có những mục tiêu rất cụ thể (ví dụ band 7.0 IELTS), phương pháp học Định nghĩa sẽ là cốt lõi cho quá trình này.
Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc người học không thể kết hợp phương pháp học này với những phương pháp học khác.
Muốn nắm vững kiến thức ngôn ngữ ngay từ đầu: Điều này không có nghĩa là các phương pháp học khác không giúp người học nắm vững kiến thức ngôn ngữ, nhưng do đặc thù phương pháp học Định nghĩa có tính chuyên môn cao, nên việc hiểu rõ khái niệm và phân biệt được những khái niệm tương tự nhau có thể xem là một đặc trưng của cách học này. Ví dụ, người học theo phương pháp Định nghĩa có thể phân biệt tốt hơn khái niệm khác nhau của những từ vựng có nét nghĩa tương đồng như:
problem (n): (1) a thing that is difficult to deal with or to understand or (2) a question that can be answered by using logical thought or mathematics;
matter (n): (1) a subject or situation that you must consider or deal with (2) the present situation, or the situation that you are talking about;
issue (n): (1) an important topic that people are discussing or arguing about or (2) a problem or worry that somebody has with something;
trouble (n): (1) a problem, worry, difficulty, etc. or a situation causing this (2) a situation in which you can be criticized or punished;
Trong ví dụ của 4 từ trên, dù cho có thể thay đổi qua lại trong một số ngữ cảnh do có nét tương đồng về nghĩa, nhưng sẽ có những trường hợp đặc thù đòi hỏi dùng những từ đặc thù, và chúng không thể thay thế cho nhau được. Từ đó, người học theo phương pháp Định nghĩa sẽ có khả năng ứng dụng súc tích từ vựng trong những trường hợp cụ thể đó dựa trên khái niệm mà họ đã nắm được, ví dụ:
Unemployment is a very real problem for graduates now.
The government must deal with this as a matter of urgency.
They discussed a number of important environmental issues.
He’s in trouble with the police.
Ngoài ra, nếu người học có những đặc điểm được tổng hợp sau, rất có thể bản thân người học có thiên hướng tự nhiên theo phương pháp này (dạng người học này được gọi là intentional learners):
Nếu muốn biết về một điều gì đó, ngay cả những vấn đề vĩ mô như “cách phát triển, kinh doanh điện tử (online business)”, người học chủ động tìm kiếm tài liệu hoặc dành thời gian lướt từ bài báo này đến bài báo khác trên Google để tìm hiểu;
Khi muốn học một ngôn ngữ mới, người học có xu hướng đi tìm kiếm những bài đánh giá và thử một vài khóa học free hoặc một vài phần mềm tự học trước khi quyết định nghiêm túc với khoá học hoặc phần mềm đó;
Có những thói quen phát triển bản thân, như đọc sách và nghe podcast;
Nếu là một sinh viên, khi phải lên thuyết trình trên giảng đường, thay vì chỉ chuẩn bị học liệu để thuyết trình, một intentional learners sẽ tìm hiểu thêm những mẹo để thuyết trình hay hơn, từ cách trình bày, đi đứng đến trang phục,… Điều tương tự cũng áp dụng cho những intentional learners ở các lĩnh vực hay nghề nghiệp khác.
Ứng dụng phương pháp Định nghĩa
Sau đây là một số ứng dụng cũng như cách tối ưu cho phương pháp học Định nghĩa:
Học đa nghĩa của một từ: Một từ vựng không chỉ có một định nghĩa và một cách sử dụng. Có hai khái niệm cho từ đa nghĩa trong tiếng Anh:
Polysemy: các nghĩa của từ đa nghĩa có liên quan với nhau (cận nghĩa)
Homonym: các mặt nghĩa của một từ rời rạc, không có sự liên kết
Ngoài ra người học cần chú ý những từ đồng âm – những từ giống nhau về mặt chữ lẫn cách phát âm nhưng khác nhau về mặt nghĩa hoặc loại từ, ví dụ: tear (n) nước mắt và tear (v): xé rách
Để tìm hiểu thêm khái niệm từ đa nghĩa và một số từ đa nghĩa phổ biến trong tiếng Anh, người học có thể tham khảo bài viết: Giới thiệu từ đa nghĩa trong tiếng Anh – Một số từ đa nghĩa phổ biến.
Khi ứng dụng phương pháp Định nghĩa vào việc học từ đa nghĩa, người học cần xem qua tất cả các nghĩa cần có của một từ thông qua định nghĩa của từ đó. Ví dụ sau đây được trích từ từ điển Oxford:
Bản thân từ “see”, theo từ điển Oxford, có đến 18 cách định nghĩa khác nhau cho từng trường hợp cụ thể.
Nếu không nhờ những định nghĩa cụ thể này mà chỉ dịch trực tiếp từ Anh sang Việt đơn thuần, người học có thể mắc rất nhiều lỗi khi sử dụng từ trong câu, ví dụ tiêu biểu là hiện tượng Vietglish – đưa vào cách sử dụng từ và ngữ pháp tiếng Việt khi nói tiếng Anh. Ngược lại, người học có thể bỏ lỡ những tương quan trong cách sử dụng từ trong tiếng Việt và tiếng Anh. Ví dụ:
I see that it’s not worth arguing (Tôi thấy việc này không đáng để tranh cãi)
Vì thế, khi áp dụng phương pháp Định nghĩa vào việc học từ vựng, người học nên chú ý tham khảo nhiều định nghĩa của một từ vựng.
Học từ đồng nghĩa và trái nghĩa (synonym, antonym): Để tối ưu hoá phương pháp Định nghĩa, người học nên học cả những từ đồng nghĩa và trái nghĩa của một từ để có thể hình thành một hệ thống từ vựng đa dạng cho bản thân. Có một vài lưu ý để người học có thể học tốt hơn các từ đồng nghĩa và trái nghĩa:
Không học nhiều từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa cùng một lúc – khả năng cao là người học sẽ không thể ghi nhớ hết được những từ vựng đó. Thay vào đó, học từng từ trước, chỉ học những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa khác khi đã nắm vững và sử dụng thành thạo từ trước đó;
Học những từ có tính ứng dụng cao, dễ sử dụng và quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Không ưu tiên những từ ít gặp, phức tạp hoặc quá học thuật, chuyên môn,…;
Không học cả từ đồng nghĩa và trái nghĩa cùng một lúc, người học có thể bị lẫn lộn từ đồng nghĩa là từ trái nghĩa và ngược lại.
Với sự hỗ trợ của Internet, việc mở rộng vốn từ đồng nghĩa, trái nghĩa là rất dễ dàng. Người học có rất nhiều nguồn từ điển tham khảo như từ điển đồng nghĩa Thesaurus hay Merriam. Đơn giản nhất, người học chỉ cần tìm kiếm trên Google theo cú pháp [“từ vựng” + synonym] để kiếm từ đồng nghĩa hoặc [“từ vựng” + antonym] để kiếm từ trái nghĩa, thuật toán của Google sẽ đưa ra rất nhiều của gợi ý được trích xuất từ từ điển của Oxford. Tuy nhiên người học cần lưu ý, khái niệm “từ đồng nghĩa” và “từ trái nghĩa” chỉ mang tính chất tương đối, vậy nên người học cần cẩn thận tra lại nghĩa và cách sử dụng của những từ tìm được trên Google bằng từ điển Oxford để phù hợp với mục đích sử dụng từ của mình.
“Ôn tập” (reflection) và “dạy để học”: Một trong những khuyết điểm phương pháp học Định nghĩa là việc thiếu thực hành, mà tập trung nhiều hơn vào lý thuyết, dẫn đến khả năng người học sẽ có thể quên những từ đã học nếu không có sự luyện tập thường xuyên. Do đó, người học cần “học một ôn mười” và cân nhắc trước khi nạp một số lượng lớn các từ vựng mới, nếu chưa thực sự thành thạo những từ vựng sẵn có.
Đồng thời, một trong những cách thực hành tốt nhất để ghi nhớ từ vựng chính là dạy lại những từ vựng đó. Điều này không những giúp người học “gợi lại” (Active recall) tốt hơn mà còn đào sâu và mở rộng hơn về cách sử dụng của từ vựng đó trong quá trình dạy – học
Tổng kết
Phương pháp Định nghĩa trong việc học từ vựng tiếng Anh hướng người học nhiều hơn vào kết quả của quá trình; vận hành dựa trên mục tiêu của người học và mang tính lý thuyết. Nhờ đó, nếu áp dụng đúng phương pháp này, người học sẽ sở hữu một vốn từ vựng có hệ thống và dễ gợi nhớ; đồng thời, người học luôn luôn có thể theo dõi được quá trình tiến bộ của bản thân và đặt ra những mục tiêu kế tiếp. Vậy phương pháp Ngữ cảnh là gì? Áp dụng trong học từ vựng như thế nào? Theo dõi tiếp phần sau “Học từ vựng qua phương pháp Contextualization và Decontextualization” để biết thêm chi tiết bạn nhé!
Ngô Phương Thảo
Bình luận - Hỏi đáp