Phương pháp Active Recall là gì? Ứng dụng vào quá trình luyện thi IELTS

Giới thiệu về Active Recall, giải thích nguyên lý hoạt động và hướng dẫn áp dụng vào gợi nhắc thông tin trong quá trình luyện thi ngoại ngữ.
author
ZIM Academy
11/01/2022
phuong phap active recall la gi ung dung vao qua trinh luyen thi ielts

Một số phương pháp học tập phổ biến có thể kể đến là “cramming” – “nhồi nhét” kiến thức trong khoảng thời gian ngắn, “rote learning” – “học vẹt” bằng cách lặp lại thông tin để ghi vào bộ nhớ của mình. Tuy có ưu điểm là tính đơn giản, hai phương pháp trên đem lại một số bất lợi như: gây căng thẳng đầu óc, thời lượng lưu trữ thông tin ngắn, và quan trọng nhất là điểm số không cao do người học không hiểu sâu, không chủ động truy hồi và áp dụng kiến thức đã học. Những điểm hạn chế của “học vẹt” và học “nhồi nhét” có thể được khắc phục bằng phương pháp Active Recall – chủ động gợi nhớ kiến thức. Bài viết này sẽ giới thiệu về chiến thuật học tập Active Recall, giải thích nguyên lý hoạt động và hướng dẫn áp dụng một số kỹ thuật chủ động gợi nhắc thông tin vào quá trình luyện thi ngoại ngữ, đồng thời lưu ý với người đọc về điều kiện để tối đa hóa hiệu quả của phương pháp. 

Cơ chế ghi nhớ thông tin của não bộ

Trước hết, để hiểu về bản chất của phương pháp Active Recall, người đọc cần nắm được cơ chế hoạt động của não bộ trong việc tiếp nhận và ghi nhớ thông tin. Cơ chế này gồm ba bước là: mã hóa (encoding), lưu trữ (storage) và truy hồi (retrieval). 

Mã hóa 

Là quá trình chuyển đổi thông tin mà các giác quan tiếp nhận được thành dạng thông tin mà não bộ có thể xử lý và lưu trữ. Thông tin thường được chuyển đổi thành dạng hình ảnh, âm thanh, cảm giác, ngữ nghĩa. Ví dụ: khi người học nghiên cứu học liệu và ghi chép lại những ý chính dưới dạng câu từ, hình vẽ hoặc sơ đồ, họ đang mã hóa thông tin có sẵn thông qua việc sắp xếp, tóm tắt kiến thức và chuyển thành dạng hình ảnh, ngữ nghĩa. 

Lưu trữ

Là quy trình lưu lại thông tin trong trí nhớ ngắn hạn (từ 15 đến 30 giây) và trí nhớ dài hạn (vài phút – cả cuộc đời). Thời lượng thông tin được cổ định trong bộ nhớ ngắn hạn hay dài hạn phụ thuộc vào tần suất kiến thức đó được nhắc lại và củng cố. 

Truy hồi thông tin 

Là khi con người truy cập bộ nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn của bản thân để tiếp cận thông tin họ cần tìm. Hai phương thức để truy hồi thông tin là nhớ lại (recall) và nhận diện (recognition). Điểm khác biệt cơ bản giữa chúng là: khi con người nhận diện kiến thức đã học, họ dựa vào một gợi ý nào đó để kích thích trí nhớ. Ngược lại, khi không có bất cứ gợi ý nào, con người phải chủ động nhớ lại (recall). 

Phương pháp Active Recall

Định nghĩa 

Active Recall yêu cầu sự chủ động kích thích trí nhớ để tìm lại thông tin mà không dựa vào sự trợ giúp của các gợi ý. 

Nguyên lý hoạt động 

Phương pháp này vận dụng hiệu ứng kiểm tra (Testing Effect) được nghiên cứu bởi hai nhà tâm lý học Jeffrey D. Karpicke và Henry L. Roediger vào năm 2008 trong bài báo cáo “Tầm quan trọng sâu sắc của quá trình truy hồi đối với học tập” (The Critical Importance of Retrieval for Learning). Kết quả nghiên cứu khẳng định rằng trong quá trình học tập, kiến thức sẽ được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn với thời lượng lâu hơn khi người học dành nhiều thời gian cho việc truy hồi thông tin đó thay vì mã hóa thông tin. Nói cách khác, người học càng dồn nhiều nỗ lực vào việc chủ động nhớ lại kiến thức mà không dựa vào gợi ý, họ sẽ ghi nhớ kiến thức đó càng lâu dài. 

Ưu thế của phương pháp

Cơ chế ghi nhớ của não bộ bao gồm hai hoạt động tương tác với trí nhớ dài hạn, đó là mã hóa thông tin nhằm đưa thông tin vào bộ nhớ và truy xuất thông tin từ bộ nhớ. Tuy nhiên, hiệu ứng kiểm tra (testing effect) gợi ý rằng những phương pháp học khuyến khích con người chủ động nhớ lại thông tin sẽ giúp tăng cường trí nhớ dài hạn hơn là những chiến thuật nhằm mã hóa kiến thức một cách hiệu quả (ví dụ: vẽ sơ đồ tư duy dựa trên học liệu, ghi chép và tóm tắt học liệu, đọc lại nhiều lần). 

Lý do là vì việc đơn thuần đọc lại và hệ thống hóa kiến thức sao cho dễ theo dõi và ngắn gọn hơn không yêu cầu người học phải cố gắng nhớ lại kiến thức như khi họ thực hiện truy hồi thông tin. Đồng thời, tính chất của cách thức luyện tập đó (tập trung vào mã hóa thông tin) không tương thích với bài kiểm tra (tập trung vào việc truy xuất thông tin) khi người học phải tự mình nhớ lại kiến thức mà không có sự hỗ trợ, gợi ý của học liệu. Do đó, bộ não sẽ được rèn luyện để mã hóa tốt hơn, thay vì truy xuất thông tin hiệu quả hơn để làm bài kiểm tra. 

Cụ thể, những ưu thế được khoa học chứng minh của phương pháp Active Recall so với các phương pháp chú trọng mã hóa thông tin là: khối lượng thông tin ghi nhớ lớn hơn (Karpicke & Blunt, 2011), thời gian dành cho việc ôn tập ít hơn (McDaniel, 2009).

Áp dụng Active Recall vào quá trình luyện thi

Chủ động đặt câu hỏi 

Đây là một phương pháp chủ động gơi nhắc kiến thức tương đối đơn giản, có thể áp dụng với mọi trình độ người học. Cách thức tiến hành như sau:

Bước 1: Người học đọc lại học liệu và phần ghi chép của bản thân để nắm được nội dung của phần kiến thức cần ghi nhớ. 

Bước 2: Trong quá trình đọc, người học tự đặt câu hỏi cho bản thân và tổng hợp các câu hỏi đó.

Lưu ý: Người học cần ghi lại các câu hỏi ở một tài liệu riêng, tránh ghi chép trực tiếp vào học liệu bởi người đọc có thể dễ dàng xem lại để được gợi ý về câu trả lời. Vì vậy, nỗ lực chủ động nhớ lại thông tin sẽ giảm sút. 

Cách tự đặt câu hỏi:

- Bắt đầu bằng các câu hỏi đơn giản mang tính nhận biết kiến thức, bám sát vào học liệu như: nêu định nghĩa, công thức, vai trò, điều kiện ứng dụng, ... 

- Sau đó, người học có thể nâng mức độ khó bằng cách đặt câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức, lấy ví dụ, so sánh, phân biệt kiến thức đã học. 

- Nếu không thể tự mình nghĩ ra câu hỏi, người học có thể tìm kiếm trên mạng Internet các câu hỏi liên quan tới chủ điểm kiếm thức đang ôn tập. 

Bước 3: Không sử dụng bất cứ tài liệu tham khảo hay công cụ hỗ trợ nào, người học trả lời các câu hỏi đã đặt trong bước 2. Người học có thể ghi lại đáp án của mình, nghĩ trong đầu hoặc nói thành tiếng để tiết kiệm thời gian. 

Bước 4: Kiểm tra đáp án của mình bằng cách đọc lại học liệu. 

Lưu ý: Với mỗi câu trả lời sai, phân vân hoặc không thể trả lời, người học nên đánh dấu vào câu hỏi tương ứng để lần tiếp theo luyện tập chú trọng hơn vào các câu đó. Bằng cách chỉ học lại các phần kiến thức mình chưa nắm vững thay vì đi qua tất cả nội dung đã học, người học có thể tiết kiệm được thời gian. 

Dưới đây là một ví dụ ứng dụng phương pháp này vào việc học một cấu trúc ngữ pháp mới câu điều kiện. Người học có thể đặt câu hỏi như sau: 

Các câu hỏi cơ bản yêu cầu nhận biết

  • Có bao nhiêu loại câu điều kiện? 

  • Mỗi loại câu điều kiện diễn đạt ý nghĩa gì? 

  • Cấu trúc của mỗi loại câu điều kiện như thế nào? 

Các câu hỏi nâng cao yêu cầu vận dụng

  • Câu điều kiện loại 3 và loại hôn hợp khác nhau như thế nào? 

  • Lấy ví dụ về câu điều kiện loại 2? 

  • Để diễn tả ý ABC, cần sử dụng câu điều kiện loại nào? 

Sử dụng flashcard 

Flashcard được ưa chuộng bởi sự đơn giản và khả năng ứng dụng rộng rãi vào các môn học khác nhau. Người học có thể học từ mới bằng flashcard hoặc kết hợp công cụ này với phương pháp đặt câu hỏi nêu trên. 

  • Bước 1: Tạo flashcard giấy hoặc sử dụng phần mềm Anki, trang web Quizlet. Một mặt của flashcard ghi câu hỏi/từ mới, mặt còn lại ghi câu trả lời/định nghĩa. 

  • Bước 2: Nếu tạo flashcard thủ công, sắp xếp flashcard sao cho mặt chứa câu hỏi ngửa lên.

  • Bước 3: Lý giải từng câu hỏi hoặc từ mới trên flashcard và lật mặt sau để kiểm tra câu trả lời. Với mỗi câu trả lời sai, tách riêng flashcard tương ứng để ôn tập bổ sung sau. 

Mindmap (sơ đồ tư duy) 

Ở phần trên, bài viết có đề cập rằng sơ đồ tư duy là một phương pháp chú trọng vào việc mã hóa thông tin thành sơ đồ, ghi chép một cách hệ thống, rõ ràng – nhưng không hiệu quả trong việc khuyến khích chủ động truy hồi thông tin. Tuy nhiên, người học hoàn toàn có thể điều chỉnh cách thức thực hành vẽ sơ đồ tư duy để phát huy nỗ lực nhớ lại bằng cách vẽ sơ đồ tư duy mà không tham khảo tài liệu. Công cụ này sẽ phù hợp với việc học các chủ điểm kiến thức rộng, bao gồm nhiều khái niệm. 

Bài viết sẽ lấy ví dụ về việc học chủ đề Education (Giáo dục) trong IELTS Writing Task 2 bằng sơ đồ tư duy. 

  • Bước 1: Đọc lại học liệu và ghi chép của mình và ghi ra các khía cạnh trong chủ điểm kiến thức cần ôn tập. Trong từng khía cạnh đã xác định, tiếp tục phân chia thành các thành phần/yếu tố. 

Ví dụ: 

Với chủ điểm Giáo dục trong IELTS Writing, có thể phân chia chủ đề thành các mục nhỏ là các vấn đề thường bàn đến như: miễn phí giáo dục, phân chia học sinh dựa trên trình độ/giới tính, học tập trực tuyến, ... 

Tiếp đến, với mỗi vấn đề vừa liệt kê, người học phân chia thành các thành phần như: ý kiến ủng hộ, ý kiến phản đối, số liệu, đối tượng liên quan, ...

  • Bước 2: Không sử dụng bất cứ tài liệu tham khảo hay công cụ hỗ trợ nào, người đọc ghi ra tất cả những kiến thức mình có thể nhớ được về các chủ điểm kiến thức đã liệt kê. 

  • Bước 3: So sánh khối lượng và chất lượng kiến thức được minh họa bằng sơ đồ tư duy của mình và học liệu. Đánh dấu các phần chưa đạt kết quả thỏa mãn. 

Như vậy, với phương pháp trên, người học vừa có thể mã hóa kiến thức một cách khoa học, vừa có thể truy xuất thông tin một cách chủ động. 

Đọc thêm: Mind Maps giúp cải thiện kĩ năng tư duy như thế nào?

Lưu ý khi sử dụng phương pháp 

Đầu tiên, Active Recall phù hợp nhất khi ôn tập cho các bài kiểm tra kiến thức thực tế và các câu hỏi giải quyết vấn đề (Nilson, 2010) đòi hỏi người học ghi nhớ chính xác một khối lượng thông tin lớn. Vì vậy, người học cần cân nhắc tính chất của bài kiểm tra và phần kiến thức cần ôn tập để lựa chọn phương pháp học tập phù hợp. 

Bên cạnh đó, người học nên áp dụng phương pháp mã hóa thông tin khoa học, dễ hiểu để có thể tối đa hóa hiệu quả của quá trình học tập. Tuy không củng cố trí nhớ dài hạn như các chiến thuật truy hồi thông tin, nhưng việc tóm tắt, ghi chép, hệ thống hóa thông tin một cách rõ ràng, mạch lạc và logic sẽ giúp người học tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian. 

Cuối cùng, người học nên ứng dụng nguyên lý Spaced Repetition (lặp lại ngắt quãng) để xác định cường độ ứng dụng các công cụ Active Recall phù hợp nhằm kéo dài thời gian lưu trữ và khối lượng kiến thức trong trí nhớ dài hạn của mình. 

Tổng kết

Tác giả đã giới thiệu phương pháp Active Recall (chủ động gợi nhớ kiến thức), phân tích nguyên lý hoạt động dựa trên cơ chế ghi nhớ thông tin của não bộ và hướng dẫn chi tiết cách ứng dụng một số chiến thuật chủ động truy hồi thông tin vào việc ôn luyện. Tuy công cụ học tập này đem lại một số ưu thế như tăng khối lượng kiến thức trong trí nhớ dài hạn và tiết kiệm thời gian, người học cần lưu ý rằng những lợi ích này chỉ được phát huy nếu người học kiên trì ứng dụng Active Recall thường xuyên. 

Ngô Nguyễn Bảo Ngọc

Người học cần nâng điểm IELTS cao nhanh chóng để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp, hay việc làm. Tham khảo khóa luyện thi IELTS online với lịch học linh hoạt và tối ưu chi phí.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu