Cách áp dụng phương pháp Active Recall trong học ngữ pháp tiếng Anh
Để cải thiện điểm số ở tiêu chí Grammatical range and accuracy (Phạm vi ngữ pháp và tính chính xác) trong IELTS Writing và IELTS Speaking, người đọc cần đáp ứng yếu tố tính đa dạng thông qua việc làm phong phú vốn hiểu biết về cấu trúc ngữ pháp của mình. Tuy nhiên, trong quá trình bổ sung kiến thức ngữ pháp và ứng dụng vào bài làm, người học có thể gặp trở ngại khi phải tiếp nhận và ghi nhớ nhiều chi tiết liên quan tới một cấu trúc ngữ pháp như: công thức, chức năng, lưu ý khi sử dụng, ngữ cảnh phù hợp, sắc thái,... Để hỗ trợ người học tháo gỡ khó khăn liên quan tới lượng thông tin lớn cần lưu trữ, bài viết sẽ giới thiệu phương pháp học tập Active Recall giúp ghi nhớ kiến thức lâu hơn thông qua việc chủ động đặt câu hỏi ôn tập và hướng dẫn ứng dụng vào việc học ngữ pháp.
Key takeaways
1. Phương pháp Active Recall dựa trên nguyên lý chủ động truy hồi thông tin và phù hợp để ứng dụng vào việc ghi nhớ kiến thức ngữ pháp.
2. Quy trình áp dụng phương pháp như sau:
(1) đọc học liệu và khoanh vùng kiến thức trọng yếu
(2) Đặt câu hỏi dựa trên những thông tin quan trọng đã xác định, bắt đầu từ câu hỏi nhận biết kiến thức, nêu khái niệm và nâng dần độ khó với các câu hỏi vận dụng, liên hệ kiến thức.
(3) Trả lời các câu hỏi mà không tham khảo học liệu, đánh dấu các câu hỏi khó bằng các mã màu khác nhau tương ứng với số lần trả lời sai.
3. Để tăng hiệu quả ghi nhớ, nên kết hợp Active Recall với các phương pháp mã hóa thông tin hiệu quả và nguyên lý Spaced Repetition để thiết kế tần suất luyện tập phù hợp.
Giới thiệu phương pháp Active Recall
Phương pháp Active Recall yêu cầu người học truy hồi kiến thức mình đã học một cách chủ động, không dựa vào bất cứ gợi ý nào. Nguyên lý hoạt động của phương pháp dựa trên Hiệu ứng kiểm tra (Testing Effect) được nghiên cứu bởi hai nhà tâm lý học Jeffrey D. Karpicke và Henry L.
Tìm hiểu rõ về cơ chế hoạt động của não bộ và cách hoạt động của phương pháp này tại bài viết: Phương pháp Active Recall là gì?
Hướng dẫn ứng dụng phương pháp Active Recall vào học ngữ pháp tiếng Anh
Trong phần 3, bài viết sẽ hướng dẫn ứng dụng phương pháp Active Recall để ghi nhớ kiến thức ngữ pháp bằng cách chủ động đặt câu hỏi để gợi nhớ thông tin.
Quy trình
Bước 1: Người học đọc lại học liệu và phần ghi chép kiến thức. Trong khi đọc, người học hãy xác định những phần kiến thức trọng yếu trong bài học dựa trên những dấu hiệu sau:
Nội dung: đối với các chủ điểm ngữ pháp, cần lưu ý: cấu trúc, công thức, chức năng (ví dụ: mẫu câu này được dùng để diễn đạt ý gì?), sắc thái (ví dụ: mẫu câu này phù hợp với giao tiếp hay văn bản học thuật?), các trường hợp đặc biệt, lưu ý khi sử dụng,...
Cách trình bày: thông tin chính yếu trong học liệu thường được trình bày ở dạng tiêu đề hoặc ở phần tổng hợp kiến thức ở cuối bài học.
Sau khi đã khoanh vùng được những phần kiến thức quan trọng, người học nên đánh dấu lại, bởi đây sẽ là những đoạn thông tin mà người học sẽ dựa vào để đặt câu hỏi ôn tập trong bước tiếp theo. Đồng thời, việc đánh dấu cũng giúp người học tránh phải đọc lại toàn bộ nội dung học liệu trong các lần ôn tập tiếp theo, từ đó tiết kiệm thời gian.
Bước 2: Dựa trên những thông tin đã chọn lọc, người học hãy đặt các câu hỏi như sau:
Đối với kiến thức mới mà người học chưa có nhiều thời gian tìm hiểu, luyện tập nên chưa nắm bắt được những nội dung cơ bản, người học hãy bắt đầu đặt các câu hỏi đơn giản, mang tính nhận biết kiến thức, bám sát vào các đề mục trong học liệu như: Nêu định nghĩa/khái niệm, nêu công thức của cấu trúc ngữ pháp, nêu các dấu hiệu nhận biết, phân tích vai trò/chức năng của cấu trúc ngữ pháp, nêu điều kiện ứng dụng cấu trúc ngữ pháp đó,...
Đối với phần kiến thức người học đã dành thời gian để ứng dụng vào bài tập, hoặc đã nắm được những thông tin cơ bản, người học có thể nâng mức độ khó của phần luyện tập bằng cách đặt các câu hỏi yêu cầu vận dụng, liên hệ kiến thức như: lấy ví dụ sử dụng cấu trúc ngữ pháp đã học, phân biệt các loại cấu trúc ngữ pháp có cùng chức năng diễn đạt, lựa chọn cấu trúc phù hợp dựa trên ngữ cảnh đã cho,...
Trong trường hợp chưa thể tự mình nghĩ ra câu hỏi, người đọc có thể tìm kiếm các bài luyện tập với chủ điểm ngữ pháp đó trên mạng Internet hoặc trong sách bài tập.
Lưu ý: Người đọc nên ghi lại các câu hỏi đã đặt trong một tài liệu riêng, tránh ghi chép trực tiếp vào học liệu ở đoạn thông tin chứa câu trả lời. Nếu viết câu hỏi trong học liệu, khi ôn tập người học có thể dễ dàng xem lại học liệu, hoặc vô tình nhìn vào đoạn thông tin chứa câu trả lời để có được gợi ý. Như vậy, nỗ lực truy hồi thông tin mà không có gợi ý bị ảnh hưởng, từ đó hiệu quả ghi nhớ giảm sút.
Bước 3: Không sử dụng bất cứ tài liệu tham khảo hay công cụ hỗ trợ nào, người học trả lời các câu hỏi đã đặt trong bước 2.
Về định dạng câu trả lời, người học có thể linh hoạt giữa việc ghi lại đáp án của mình, nghĩ trong đầu hoặc trả lời thành tiếng trong trường hợp không có nhiều thời gian luyện tập. Tuy nhiên, việc viết lại câu trả lời cho từng câu hỏi được khuyến khích cho các câu hỏi vận dụng phức tạp, bởi người học có thể dễ dàng lưu trữ để đối chiếu với đáp án đúng và xác định các chi tiết sai trong phần trả lời của mình.
Bước 4: Kiểm tra lại đáp án của mình bằng cách đọc lại học liệu. Người đọc có thể đối chiếu đáp án của mình với thông tin đúng ngay sau khi trả lời từng câu hoặc sau khi hoàn thành trả lời toàn bộ các câu hỏi.
Lưu ý: Với mỗi câu trả lời sai, phân vân hoặc không thể đưa ra câu trả lời, người học nên đánh dấu vào câu hỏi tương ứng. Người đọc nên đánh dấu bằng các màu khác nhau để phân biệt các câu hỏi mà bản thân thường gặp khó khăn. Ví dụ: các câu hỏi mà người học trả lời sai trong lần đầu được đánh dấu màu xanh lá, những câu mà tới lần ôn tập thứ hai người học vẫn trả lời sai được đánh dấu màu vàng… Như vậy, trong những lần luyện tập sau, người học có thể tiết kiệm thời gian bằng cách chỉ chú trọng giải các câu hỏi đã nhiều lần làm sai thay vì rà soát lại tất cả các câu hỏi trong bài.
Ví dụ áp dụng
Trong phần này, bài viết sẽ ứng dụng phương pháp Active Recall bằng cách đặt câu hỏi để học cấu trúc ngữ pháp: câu điều kiện.
Bước 1 & 2: Người học xác định & đặc câu hỏi cho các phần kiến thức quan trọng trong học liệu như sau:
Học liệu:"Có 3 loại câu điều kiện chính": loại 1, loại 2 và lại 3."
Câu hỏi đặt ra: Liệt kê: Có bao nhiêu loại câu điều kiện?
Học liệu: "Câu điều kiện loại 1 mô tả một sự thật hiển nhiên hoặc đặt ra một điều kiện có thể có thật (ở hiện tại hoặc tương lai) cùng kết quả khả thi.
Cấu trúc của câu điều kiện loại 1 như sau: If + S + V (hiện tại đơn), S + will + động từ nguyên thể"
Câu hỏi đặt ra:
Cấu trúc: Công thức của từng loại câu điều kiện như thế nào?
Cách dùng: Mỗi loại câu điều kiện được dùng để diễn đạt ý gì?
Lấy ví dụ : Dựa vào từng chức năng của câu điều kiện loại 1, đặt 1 câu diễn tả sự thật hiển nhiên, 1 câu đặt ra điều kiện có thể có thật ở hiện tại và kết quả khả thi.
Sau đó, người học có thể bổ sung các câu hỏi nâng cao. Theo như học liệu, câu điều kiện loại 1 mô tả sự thật hiển nhiên. Người học có thể lấy ví dụ một sự thật hiển nhiên bằng tiếng Việt và đặt ra câu hỏi yêu cầu nhận biết loại câu điều kiện cần sử dụng.
Câu hỏi đặt ra: Để diễn tả sự thật hiển nhiên “đá lạnh đặt ở nhiệt độ phòng thì tan chảy”, nên sử dụng cấu trúc câu điều kiện nào?
Bước 3: Người học trả lời bằng cách viết ra, nghĩ trong đầu hoặc nói thành tiếng.
Bước 4: Người học so sánh đáp án và đánh dấu các câu hỏi mà mình trả lời sai/thiếu bằng mã màu tương ứng với số lần trả lời sai/thiếu.
Tổng kết
Bài viết đã phân tích nguyên lý hoạt động của phương pháp học tập “Chủ động gợi nhớ”, hướng dẫn ứng dụng vào việc học ngữ pháp và trình bày ví dụ. Để tối đa hiệu quả ghi nhớ kiến thức bằng cách sử dụng phương pháp Active Recall thông qua việc đặt câu hỏi, người học có thể kết hợp với các phương pháp mã hóa kiến thức một cách khoa học, dễ hiểu như phương pháp Cornell, phương pháp Sketchnote ghi chép bằng hình ảnh, sơ đồ tư duy để bổ trợ. Bên cạnh đó, để thiết kế tần suất luyện tập với phương pháp Active Recall, người học có thể ứng dụng nguyên lý Spaced Repetition (lặp lại ngắt quãng) để tăng thời lượng lưu trữ kiến thức trong trí nhớ dài hạn của mình.
Người học muốn trở nên tự tin giao tiếp trong công việc môi trường sử dụng tiếng Anh hoặc thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!
Bình luận - Hỏi đáp