Kinh nghiệm tối ưu điểm toeic 900+ khi không có nhiều thời gian ôn luyện
Mình là Minh, qua đây mình sẽ chia sẻ đến các bạn kinh nghiệm luyện thi TOEIC của mình. Với lịch trình học tập và làm việc ngày càng bận rộn, nhu cầu đạt được kết quả tốt nhất trong thời gian ôn luyện ngắn nhất đã trở nên thiết yếu đối với nhiều thí sinh tham dự kì thi TOEIC.
Bản thân mình cũng đã từng tham dự kì thi TOEIC nhiều lần, trong đó, có những lần vì bận rộn công việc mà mình không thể dành nhiều thời gian ôn luyện. Vì vậy, để có thể tối ưu điểm số trong mỗi lần thi, mình đã lập ra một bản kế hoạch cụ thể bao gồm tài liệu sử dụng, kiến thức cần trang bị, và kế hoạch học tập mỗi ngày. Kết quả các lần thi thường không làm mình thất vọng, trong lần thi gần nhất vào ngày 21/12/2021, mình đạt được số điểm 990 cho kì thi TOEIC Listening and Reading.
Lần đầu tiên mình tiếp xúc với đề thi TOEIC là vào năm cuối đại học, mình đạt điểm số 910. Dù điểm chưa thực sự cao nhưng nhờ lần thi này, mình đã biết rõ hơn về cấu trúc đề thi, độ khó của đề, cũng như môi trường thi thật là như thế nào.
Lần dự thi thứ 2 mình đạt mức điểm 975. Để chuẩn bị cho kì thi này, mình đã luyện khá nhiều bộ sách khác nhau.
Lần dự thi thứ 3, cũng là lần dự thi gần nhất. Thời điểm tham gia kì thi, mình đang giữ vai trò là giảng viên TOEIC tại ZIM. Dù không có nhiều thời gian ôn luyện đề thi như lần 2 nhưng nhờ tham gia những dự án viết sách và tài liệu ở ZIM, được tiếp xúc với đề thi thông qua một phương thức khác, mình đã đạt được điểm số 990 mà bản thân kì vọng.
➱ Từ những lần dự thi mình nhận thấy rằng, để có thể tăng điểm số ở mỗi lần thi, mình đều đã dành thời gian tiếp xúc với tiếng Anh trong một khoảng thời gian nhất định dù dưới hình thức này hay hình thức khác. Quan điểm của mình là thành công không tự nhiên mà đến với chúng ta, đó là kết quả của một quá trình rèn luyện và tích lũy kiến thức không ngừng nghỉ mỗi ngày.
Thông qua bài viết này, mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm để giúp các bạn có thể tối ưu điểm số của mình khi không còn nhiều thời gian ôn luyện.
Key takeaways |
---|
Để có thể tối ưu điểm số trong thời gian ngắn, các bạn nên:
|
Nội dung
Trong bài viết này, mình sẽ chia quá trình ôn luyện thành 3 giai đoạn chính: 30 ngày trước ngày thi, 15 ngày trước ngày thi, và 5 ngày trước ngày thi. Mỗi giai đoạn sẽ có những mục tiêu và cách thức ôn luyện khác nhau.
Giai đoạn 1: 30 ngày trước ngày thi – Hiểu rõ bài thi và năng lực bản thân, bổ sung những phần kiến thức còn thiếu
Trước khi bắt tay vào quá trình ôn luyện, mình thấy điều đầu tiên và quan trọng cần làm đó là tìm hiểu về bài thi, bao gồm: cấu trúc từng phần, cách tính điểm, các dạng câu hỏi chính của đề thi. Các thông tin này sẽ được tìm thấy trên trang chủ của IIG Việt Nam, hoặc các bạn có thể xem những thông tin chi tiết hơn thông qua các bài viết về TOEIC của ZIM.
Dưới đây là một số thông tin căn bản mà mình nghĩ các bạn cần nắm đối với đề thi TOEIC:
Đối với phần nghe:
Part 1: gồm 6 tranh, trong đó 5 tranh miêu tả người và 1 tranh miêu tả vật.
Part 2: gồm 25 câu hỏi-đáp, những dạng câu hỏi phổ biến gồm: câu hỏi YES/NO, WH-question, câu hỏi lựa chọn, các loại câu đặc biệt…
Part 3: gồm 13 đoạn hội thoại, trong đó những dạng câu hỏi chính gồm: câu hỏi thông tin chung, câu hỏi thông tin chi tiết, câu hỏi ngụ ý, câu hỏi kết hợp bảng biểu/ biểu đồ.
Part 4: gồm 10 đoạn độc thoại, có các dạng câu hỏi và cách xử lý gần giống với part 3.
Đối với phần đọc:
Part 5: gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm điền từ vào chỗ trống, chia thành 2 dạng câu hỏi chính: câu hỏi về từ vựng và câu hỏi về ngữ pháp. Đối với câu hỏi về ngữ pháp, 7 dạng câu hỏi phổ biến gồm: Câu hỏi về Từ loại, Thì động từ, Dạng động từ, Giới từ, Liên từ, Đại từ quan hệ, Các cấu trúc câu đặc biệt.
Part 6: gồm 4 đoạn văn bản với tổng số 16 câu hỏi trắc nghiệm. Các dạng câu hỏi và cách xử lý gần giống với part 5.
Part 7: gồm 54 câu hỏi trắc nghiệm. Thí sinh chọn phương án phù hợp với câu hỏi dựa trên việc đọc hiểu những văn bản được cho. Có 3 loại: đoạn văn bản đơn, văn bản đôi, và 3 đoạn văn bản kết hợp.
Sau khi đã nắm được những thông tin về bài thi, các bạn cần xác định được những điểm mạnh/yếu của bản thân thông qua việc làm đề thi thử. Mình đã chọn làm đề 1 trong sách ETS TOEIC 2020 vì đây là tài liệu uy tín và có độ khó tương đối sát với đề thi thực tế. Sau khi làm xong, mình kiểm tra đáp án và dựa vào bảng quy đổi điểm để xác định mức điểm hiện tại. Ngoài ra, điều quan trọng hơn cần làm đó là ghi chú lại những phần nào mình làm tốt và chưa tốt để lập ra kế hoạch ôn luyện chi tiết. Bản kế hoạch này gồm những phần kiến thức cần phải cải thiện, nguồn tài liệu tham khảo, và nhiệm vụ cần làm mỗi ngày.
Trong 15 ngày đầu tiên, các bạn nên tìm hiểu về cách xử lý đối với từng dạng bài của từng part (đặc biệt chú trọng những dạng bài chiếm nhiều câu trong đề thi) và bổ sung những phần kiến thức còn thiếu theo thứ tự từ dễ đến khó. Những dạng bài nào chưa hiểu rõ và làm sai, các bạn nên học lại lý thuyết và làm riêng dạng bài đó cho đến khi nào hiểu rõ và làm đúng khoảng 90% bài tập. Ví dụ: khi thấy bản thân thường làm sai dạng câu hỏi về Liên từ trong phần đọc, mình sẽ học lại những kiến thức lý thuyết về Liên từ, sau đó làm nhiều bài tập liên quan đến Liên từ cho đến khi nào hiểu rõ.
➱ Nhìn chung, ở giai đoạn này, các bạn nên tập trung bổ sung những phần kiến thức mà bản thân còn thiếu. Đối với những dạng câu hỏi chiếm số câu nhiều hơn trong đề thi, các bạn nên đặt mục tiêu hiểu rõ kiến thức, nắm được cách xử lý và tăng cường luyện tập nhiều hơn.
Xem thêm:
Giai đoạn 2: 15 ngày trước ngày thi – Trau dồi kiến thức và kĩ năng làm bài
Ngày thứ 16 – 25 (10 ngày tiếp theo), mình dành thời gian để trau dồi thêm kiến thức và kĩ năng làm bài thông qua việc giải đề thi thử. Trong giai đoạn này, bên cạnh việc giải đề, mình cảm thấy việc sửa kĩ đề và học hỏi tối đa từ mỗi đề thi đóng vai trò quan trọng hơn cả. Với mỗi đề thi (bao gồm phần nghe và đọc), mình sẽ giải đề và sửa đề trong vòng 2 ngày: ngày đầu tiên giải đề và sửa đề phần nghe, ngày thứ 2 làm tương tự cho phần đọc. Trong 10 ngày, mình đã đạt được mục tiêu hoàn thành 5 đề (từ đề 2 – đề 6 của sách ETS TOEIC 2020).
Đối với mỗi phần thi, mình sẽ thực hiện các bước sau:
Phần nghe:
Bước 1: Nghe và chọn đáp án như khi thi thật.
Bước 2: Kiểm tra đáp án, ghi chú số câu đúng và sai.
Bước 3: Nghe lại những câu sai nhiều lần để xác định lại đáp án.
Bước 4: Vừa nghe vừa nhìn transcripts để nhận biết những chỗ chưa nghe được và sửa phát âm.
Bước 5: Dịch bài và ghi chú từ vựng mới.
Mình đặc biệt chú trọng việc thực hiện bước 3, 4, và 5 vì đây là các bước cực kì quan trọng để có thể cải thiện kĩ năng nghe của bản thân. Cụ thể:
Nếu mình sai vì không hiểu rõ yêu cầu đề bài thì mình sẽ ghi chú lại dạng bài này để tránh mắc lại lỗi này trong những lần sau.
Nếu mình sai vì vấn đề nghe-hiểu thì mình sẽ nghe lại transcript để hiểu rõ hơn nội dung của bài nghe, ghi chú những từ không nghe được do lỗi phát âm hoặc do từ vựng mới. Nếu là phát âm thì nghe lại và sửa phát âm, nếu là do từ vựng mới thì ghi chú và học thuộc.
Nếu mình chọn phương án sai dù đã nghe hiểu nội dụng thì có thể là do mắc bẫy của đề thi hoặc đề thi sử dụng phương pháp paraphrase. Lúc này, mình sẽ phân tích kĩ xu hướng ra đề của bài thi và ghi chú lại những từ/cụm từ/ cách diễn đạt theo phương pháp paraphrase mà đề thi sử dụng. Các câu hỏi yêu cầu kĩ năng paraphrase thường xuất hiện nhiều ở phần 3 và 4 và có xu hướng ngày càng tăng, vì vậy các bạn nhớ luyện tập kĩ năng paraphrase nữa nhé.
Nếu mình không bắt kịp thông tin bài nghe và không chọn kịp đáp án, mình sẽ luyện thêm kĩ năng đọc câu hỏi nhanh, kĩ năng ghi nhớ, và kĩ năng nghe dựa vào những từ chứa nội dung (content words).
Tóm lại, sau mỗi lần giải và sửa đề thi thử phần nghe, mình sẽ nêu rõ lý do vì sao mình mắc những lỗi sai và đưa ra biện pháp khắc phục. Ngoài ra, mình thường nghe lại những đề nghe đã sửa kĩ vào những thời điểm khác nhau, như khi đang làm những việc khác như nấu ăn, rửa bát,… hoặc trước khi ngủ để ôn lại và tăng thêm thời gian luyện nghe trong ngày.
Phần đọc:
Bước 1: Làm bài trong 75 phút như khi thi thật.
Bước 2: Kiểm tra đáp án, ghi chú số câu đúng và sai.
Bước 3: Xem lại những câu làm sai, phân tích nguyên nhân và tìm cách khắc phục.
Bước 4: Dịch bài và ghi chú từ vựng mới.
Tương tự như đối với phần nghe, bước sửa kĩ đề ở phần đọc (bước 3,4) là các bước quan trọng cần được thực hiện nghiêm túc. Mình thường phân tích những lỗi sai, và tìm biện pháp khắc phục để không lặp lại ở những đề sau. Những dạng câu hỏi nào làm sai nhiều lần, mình sẽ xem lại lý thuyết và làm thêm bài tập cho dạng câu hỏi đó đến khi nào hiểu rõ và làm đúng hoàn toàn. Đối với những từ vựng mới, mình luôn ghi chú lại, học thuộc và thường xuyên ôn lại trước khi giải một đề mới.
➱ Tóm lại, ở giai đoạn này, mục tiêu của chúng ta là bắt đầu làm quen với việc giải đề để hiểu rõ hơn về đề thi. Thông qua đó, bổ sung những kiến thức và kĩ năng làm bài cho mình. Vì vậy, mình nghĩ các bạn không nên đặt nặng vấn đề phải giải thật nhiều đề thi thử ở giai đoạn này, mà quan trọng là ở mỗi đề thi, các bạn đã học hỏi được gì và rút ra được những kinh nghiệm gì cho bản thân.
Giai đoạn 3: 5 ngày trước ngày thi – Tăng tốc
Khi đã hiểu rõ về đề thi và quen thuộc với cách xử lý các dạng câu hỏi ở từng phần thi thì đây là giai đoạn nước rút để các bạn tăng tốc giải đề. Mình đặt mục tiêu mỗi ngày sẽ giải và sửa kĩ một đề. Như vậy, trong 4 ngày, mình đã hoàn thành 4 đề còn lại trong sách ETS TOEIC 2020.
Các bước sẽ được thực hiện như ở giai đoạn 2. Vì đã quen thuộc với các bước giải và sửa đề nên mình có thể hoàn thành một đề nhanh chóng. Ở giai đoạn này, mục tiêu của mình là làm quen với môi trường làm bài như khi thi thật, tức là làm bài liên tục trong vòng 2 giờ (cho cả phần nghe và phần đọc). Lúc này, việc đánh giá kết quả luyện thi sẽ mang tính chính xác cao hơn. Ngoài ra, một bộ sách ETS gồm 10 đề thi thường bao quát hầu hết tất cả những chủ đề thường xuất hiện trong đề thi, vì vậy, việc hoàn thành 10 đề thi cùng với những từ vựng đã học được cũng đã giúp mình rất nhiều khi tham gia kì thi thực tế.
➱ Như vậy, mục tiêu của 4 ngày này là làm quen với môi trường thi thật, đánh giá kết quả, đồng thời học trọn vẹn những từ vựng thuộc các chủ đề thường được xuất hiện trong đề thi.
Ngày cuối cùng trước khi thi mình không giải đề mới, chỉ xem lại những ghi chú của những đề đã làm qua và chuẩn bị tinh thần thật thoải mái cho ngày hôm sau.
Kết luận
Bài viết đã chia sẻ kinh nghiệm thi TOEIC trong thời gian ôn luyện chỉ 30 ngày. Các giai đoạn có thể được tùy chỉnh tùy theo trình độ của mỗi cá nhân, nhưng nhìn chung, để có thể đạt được hiệu quả tối ưu, các bạn nên lập ra cho mình một kế hoạch thật rõ ràng và chi tiết.
Đồng thời, trong giai đoạn gấp rút này, tính kỷ luật cũng đóng vai trò quan trọng để các bạn có thể hoàn thành được kế hoạch đã lập ra. Mình hy vọng rằng bài viết sẽ giúp các bạn đạt được kết quả luyện thi như mong muốn.
Bình luận - Hỏi đáp