“Phương pháp học tập” là chủ đề được nhiều độc giả quan tâm, bởi đây là “chìa khóa vàng” giúp người học tiếp thu được kiến thức và đạt được kết quả tốt. Trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu tới người học một phương pháp học đã ra đời khá lâu, tuy nhiên chưa thực sự phổ biến với học sinh, sinh viên Việt Nam đó là Kỹ thuật Feynman.
Key takeaways:
1. Bộ não có cơ chế lọc và loại bỏ những thông tin mới tiếp nhận, không cần thiết. Đồng thời con người hiện nay có xu hướng ỷ lại vào Internet, khiến cho khả năng ghi nhớ và hiểu sâu kiến thức dần mất đi.
2. “Kĩ thuật Feynman” là phương pháp học bao gồm 4 bước được phát hiện bởi Richard Phillips Feynman (1918-1988), được áp dụng dành cho việc học lý thuyết hay ghi nhớ,…
3. Một số lợi ích của phương pháp học được nhắc tới là:
Giúp hiểu sâu hơn những kiến thức, nội dung đang học
Cải thiện kỹ năng trình bày vấn đề và tư duy phản biện (Critical Thinking)
Áp dụng kiến thực vào thực tế một cách dễ dàng
Đưa ra quyết định sáng suốt, thông minh hơn
4. Quy trình học của Feynman bao gồm 4 bước:
Đọc, nghiên cứu ban đầu
Viết và giải thích lại
Xác định những lỗ hổng kiến thức
Tổ chức lại và đơn giản hóa các thông tin
5. Ba phương pháp được gợi ý áp dụng song song với kỹ thuật Feynman là:
Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng)
Active Recall (Chủ động gợi nhớ)
Pomodoro (Quả cà chua)
6. Sử dụng “Kĩ thuật Feynman” trong việc học ngữ pháp, từ vựng tiếng Anh bằng việc giải thích các khái niệm, định nghĩa một cách đơn giản, dễ hiểu nhất. Việc này giúp người học hiểu sâu và sử dụng linh hoạt ngôn ngữ đó hơn.
Lý do tại sao con người thường nhanh quên những thông tin vừa tiếp thu?
Nhiều người thắc mắc rằng tại sao dành hàng giờ để nghe giảng, đọc tài liệu,.. nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, mọi thông tin vừa nạp vào đầu đã biến mất. Tuy nhiên, mọi người thường nhầm lẫn rằng chỉ cần đọc, xem hay nghe thì thông tin đã trở thành của họ. Điều này hoàn toàn sai bởi lý thuyết chỉ ra rằng: bộ não con người có cơ chế tự động sàng lọc và loại bỏ bớt những thông tin không cần thiết để tránh sự kích thích quá mức. Vì vậy, việc quên béng hết những nội dung, thông tin vừa tiếp nhận từ bài giảng, sách báo,… là điều không tránh khỏi.
Trong thời đại 4.0 hiện nay, khi Internet ngày một phát triển rộng khắp thì con người có xu hướng ỷ lại. Không thể phủ nhận rằng Internet là một “bộ nhớ ngoài” có thể truy xuất mọi lúc mọi nơi, nhưng mặt trái của tiện ích này khiến con người dần mất đi khả năng ghi nhớ và hiểu rõ các thông tin vừa tiếp nhận.
Authur Schopenhauer (1788 – 1860), một triết học gia người Đức từng nói: “Khi chúng ta đọc, có một người khác đang suy nghĩ giúp mình, chúng ta chỉ lặp lại quá trình suy nghĩ của người ấy. Vì vậy, để học, chúng ta cần phải tự mình suy nghĩ.” Khi đọc một cuốn sách mà không dừng lại để suy ngẫm, phân tích thì thông tin cũng chỉ là thông tin, sẽ không đúc kết và áp dụng được điều gì. Vì vậy, việc đọc sách hay học tập đã không đem lại hiệu quả tới cho người học, thay vào đó mang lại sự nhàm chán và tốn thời gian cho con người.
Giới thiệu về phương pháp Feynman:
Kỹ thuật Feynman là một phương pháp được nghiên cứu bởi Richard Feynman, hỗ trợ người học thúc đẩy quá trình học tập, đồng thời giúp hiểu sâu và ghi nhớ những kiến thức lâu hơn. Tỷ phú Bill Gates là một trong những người áp dụng thành công cách học trên và tới mức đã đặt cho Feynman cái tên: “Người thầy vĩ đại nhất mà tôi từng có”.
Richard Feynman là ai?
Richard Phillips Feynman (1918-1988) là nhà khoa học, giáo dục người Mỹ gốc Do Thái, từng nhận giải Nobel về Vật lý vào năm 1965. Đam mê, hết mình và trung thực tuyệt đối là những cụm từ miêu tả về vị thiên tài này. Không chỉ là một là nhà vật lý học lỗi lạc, ông còn được nhiều người biết tới bởi công thức học tập hiệu quả, thông minh của mình – và sau này được biết tới với cái tên : “Kỹ thuật Feynman”.
Richard Feynman (1918 – 1988)
Kĩ thuật Feynman là gì? Lợi ích?
Kĩ thuật Feynman là chu trình bao gồm 4 bước, thường được sử dụng trong việc những lý thuyết khó nhằn, ghi nhớ các văn bản tài liệu. Những lợi ích lớn khi áp dụng phương pháp này vào quá trình học tập có thể kể tới như:
Giúp hiểu sâu hơn những kiến thức, nội dung đang học
Cải thiện kỹ năng trình bày vấn đề và tư duy phản biện (Critical Thinking)
Áp dụng kiến thức vào thực tế một cách dễ dàng
Đưa ra quyết định sáng suốt, thông minh hơn
Tại sao kĩ thuật Feynman lại hiệu quả?
Richard Feynman được mệnh danh là “Người giải thích vĩ đại”. Bởi dù các quá trình nghiên cứu vật lý có phức tạp đến mấy, ông đều có thể giải thích một cách đơn giản đến mức một đứa trẻ học lớp 6 cũng có thể hiểu được.
Albert Einstein từng nói: “Nếu bạn không thể giải thích một cách đơn giản thì bạn chưa hiểu đủ rõ”. Cơ sở của kỹ thuật Feynman nằm ở những lời giải thích dễ hiểu, đơn giản - đây chính là sức mạnh và tính hiệu quả của công thức trên. Theo các nghiên cứu, giảng dạy là hướng hiệu quả nhất để tiếp nhận và đưa thông tin vào trong tâm trí. Ngoài ra, đây cũng là một cách để kiểm tra người học có nhớ được nội dung, kiến thức hay không.
Phương pháp học trên giúp con người ghi nhớ thông tin bằng việc sử dụng các khái niệm liên kết và xây dựng. Người học phải sàng lọc, sắp xếp, diễn đạt rõ ràng thông tin bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu nhất và chú ý tới những thiếu sót trong lời giải thích của mình. Mỗi bước trong chu trình buộc ta phải đối mặt với nhiều kiến thức mới và khó hiểu, tìm hiểu - nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu và giải thích lại bằng vốn từ vựng của bản thân.
Quy trình thực hành “Kỹ thuật Feynman”:
Quy trình học của Feynman sẽ bao gồm 4 bước, cụ thể:
Bước 1: Đọc, nghiên cứu ban đầu:
Để bắt đầu, hãy xác định một chủ đề mà người học cần học, đặc biệt chọn những lĩnh vực thiên về lý thuyết. Việc cụ thể hóa sự lựa chọn sẽ giúp ta nên xuất phát từ đâu, xác định những mảng kiến thức cần tập trung.
Tiếp đến, tận dụng khả năng tập trung (attention span) của bản thân và nghiên cứu những tài liệu, giáo trình liên quan để có một nền tảng kiến thức ổn định. Người học cần thực sự đi sâu vào trọng tâm chứ không phải đọc lướt qua văn bản. Một mẹo nhỏ nên áp dụng là hãy giải thích từng dòng khi đọc bởi cách này cho phép người học hiểu rõ khái niệm ngay trong quá trình học và ghi nhớ nhanh chóng hơn.
Bước 2: Viết và giải thích lại
Sau khi đã đọc và ngâm cứu các thông tin thì chuẩn bị một tờ giấy và viết về chủ đề đó bằng những gì mình hiểu. Người học không cần quan trọng đã đầy đủ hay đúng trình tự hay chưa, chỉ cần liệt kê tất cả nội dung bản thân tiếp nhận được và định nghĩa lại bằng các thuật ngữ cơ bản nhất, kèm theo đó là những ví dụ minh họa. Sự đơn giản là đại diện cho sự hiểu biết, việc sử dụng những từ ngữ “chuyên môn”, “to tát” chỉ khiến chúng ta bị rối, không thể đào sâu vào vấn đề. Vì vậy điểm mấu chốt là hãy đơn giản hóa nhất có thể lời giải thích của bản thân, đảm bảo rằng kể cả một đứa trẻ lớp 6 cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên kĩ năng này là một nghệ thuật, cần có sự kiên trì, thời gian để trau dồi và tiến bộ dần.
Người học cũng có thể thử dạy cho những người thân xung quanh để nhận được những phản ứng thực tế từ họ. Những lời góp ý cùng những câu hỏi của đối phương sẽ giúp ta học hỏi, rèn giũa tư duy hơn. Không những vậy, việc giảng dạy sẽ rèn luyện sự tự tin, sự trôi chảy mạch lạc khi giao tiếp và tích lũy vốn ngôn ngữ.
Bước 3: Xác định những lỗ hổng kiến thức
Đối với bước này, việc phát hiện và rà soát kỹ lưỡng những vấn đề còn nhầm lẫn hay bỏ sót là hết sức quan trọng. Liệu các ý tưởng, khía cạnh vừa đưa ra đã thực sự gãy gọn, rõ ràng vào thấu đáo hay chưa? Tiếp theo là dành thời gian quay lại và tìm hiểu lại các tài liệu học tập, đặc biệt chú ý tới những phần chưa hiểu. Lấp đầy những khoảng trống kiến thức là một cách để mở rộng vốn hiểu biết của bản thân. Thực tế cho thấy, khi con người học càng nhiều thì năng lực tiếp thu càng tăng lên.
Bước 4: Tổ chức lại và đơn giản hóa các thông tin
Phương pháp học của Richard Feynman sẽ hiệu quả hơn khi người học kiểm tra lại những thông tin, vấn đề còn tồn đọng trong phần ôn tập một cách kỹ lưỡng. Ngay cả khi người học nghĩ rằng lời giải thích của mình đã trôi chảy, vẫn có khả năng một số chỗ chưa thực sự phù hợp hay còn thiếu.
Quay trở lại bước 1, nghiên cứu sâu hơn một lần nữa những tài liệu đã dùng, lưu ý tới những phần bị bỏ sót, nhầm lẫn trước đó để cải thiện và tối ưu hóa. Người học càng trau chuốt, đơn giản hóa lời giải thích của mình thì sự hiểu bài càng sâu sắc hơn.
Kỹ thuật Feynman sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu người học kiên trì, dành nhiều thời gian để lặp lại các bước trong quy trình.
Một số phương pháp học có thể áp dụng cùng “Kĩ thuật Feynman”:
Một người được coi là “học hiệu quả” là khi họ biết cách kết hợp các phương pháp với nhau một cách tối ưu, hợp lý hơn là chỉ sử dụng độc nhất một cách học. Vì vậy, để tăng tính hiệu quả cho “Kỹ thuật Feynman”, người học có thể cân nhắc một vài công thức sau:
Phương pháp Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng): Như đã đề cập ở trên, quá trình học của Richard Feynman sẽ cần thời gian, sự kiên trì để lặp lại. Vì vậy việc kết hợp song song cùng “Spaced Repetition” sẽ tối ưu hóa lịch học của người học.
Phương pháp Active Recall (Chủ động gợi nhớ): Song hành cùng “Spaced Repetition” là kỹ năng “Active Recall”, yêu cầu người học chủ động truy hồi kiến thức đã học mà không dựa vào bất kì gợi ý, sách vở nào. Đặc biệt trước các kì thi, đây là cách giúp người học kiểm tra mình đã nhớ kiến thức đến đâu, để từ đó nhận ra những phần cần tập trung cải thiện.
Phương pháp Pomodoro (Quả cà chua): Để quản lý thời gian, cải thiện sự tập trung và giảm thiểu sự phân tâm của người học.
Ứng dụng “Kỹ thuật Feynman” vào việc học tiếng Anh
Như đã đề cập ở trên, việc sử dụng phương pháp Feynman sẽ hiệu quả với những môn mang tính lý thuyết cao. Vì vậy đây là một cách có thể tham khảo để áp dụng vào việc học ngữ pháp, hay giải thích nghĩa từ vựng. Người học cần sử dụng vốn từ vựng tiếng Anh đơn giản nhất của mình để giải thích cho các khái niệm ngữ pháp, định nghĩa của từ,... và đảm bảo rằng người nghe dễ dàng hiểu chúng. Việc giải thích bằng tiếng Anh sẽ cho thấy sự linh hoạt trong việc sử dụng và sự chắc chắn, nắm rõ ngôn ngữ của người học. Đơn giản hóa cách diễn đạt sẽ giúp hiểu sâu hơn về ngôn ngữ mình đang học.
Để giúp người đọc hiểu hình dung rõ hơn, dưới đây là một ví dụ mô phỏng áp dụng công thức Feynman vào việc học từ vựng “contemplate” (suy ngẫm):
B1: Đọc, nghiên cứu ban đầu:
Sử dụng từ điển giấy/ từ điển online (Oxford, Cambridge Dictionary) để tra nghĩa của từ.
“Contemplate” (Verb): To consider one particular thing for a long time in a serious and quiet way (Cambridge Dictionary)
B2: Viết và giải thích lại:
Có thể thấy định nghĩa tra trên từ điển khá dài và khó hiểu, vì vậy ở bước này, người học cần sử dụng những thuật ngữ đơn giản nhất để giải thích cho từ:
“Contemplate” (Verb): To think carefully in a long time
Sau đó hãy kếp hợp với hai phương pháp “Spaced Repetition” và “Active Recall” để ôn tập từ vựng bằng cách viết ra giấy hoặc dạy lại cho người khác.
B3: Xác định những lỗ hổng kiến thức:
Tự kiểm tra hoặc nghe những lời nhận xét của đối phương để biết được những vấn đề còn tồn đọng trong phần giải thích của bản thân.
B4: Tổ chức lại và đơn giản hóa các thông tin:
Nếu lời giải thích ở bước 2 chưa thực sự dễ hiểu hay còn thiếu sót, thì một lần nữa quay lại bước 1, nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn để bổ sung và tiếp tục lặp lại quá trình cho đến khi thực sự hiểu rõ.
Tổng kết
Tựu chung lại, Kỹ thuật Feynman là một phương pháp đơn giản, thích hợp cho việc ghi nhớ hay hiểu sâu những môn học thiên về lý thuyết. Đồng thời, người học có thể áp dụng chúng vào việc học ngữ pháp Tiếng Anh – kỹ năng cần sự hiểu biết cụ thể để sử dụng đúng.
Nguyễn Khánh Vân
Bạn cần gấp chứng chỉ IELTS để du học, định cư, tốt nghiệp, hay thăng tiến trong sự nghiệp nhanh chóng? Đạt điểm cao trong thời gian ngắn với khóa học luyện thi IELTS cấp tốc hôm nay!
Bình luận - Hỏi đáp