Lấy gốc tiếng Anh thi vào lớp 10 - Lộ trình tham khảo chi tiết
Key takeaways
Lộ trình lấy gốc tiếng Anh thi vào 10:
Học ngữ pháp căn bản quan trọng
Học từ vựng căn bản theo các chủ điểm quen thuộc
Các kỹ năng cần rèn luyện: Nghe, Đọc, Viết, Phonetics, Câu hỏi từ vựng
Tài liệu: sách giáo khoa và sách bài tập được Bộ Giáo dục phê duyệt, sách Ôn Thi Vào Lớp 10 Môn Tiếng Anh (NXB Giáo dục Việt Nam)
Trong bối cảnh kỳ thi vào lớp 10 đang đến gần, việc xây dựng lại nền tảng tiếng Anh cơ bản là điều vô cùng cần thiết đối với học sinh yếu tiếng Anh cũng như những học sinh đã mất gốc. Bài viết này nhằm mục đích giới thiệu lộ trình Lấy gốc tiếng Anh thi vào lớp 10 rõ ràng, từ việc củng cố ngữ pháp, từ vựng đến rèn luyện các kỹ năng cơ bản để học sinh tham khảo, ôn tập hiệu quả, khắc phục những lỗ hổng kiến thức từ các năm học trước và tự tin tham gia kỳ thi vào lớp 10.
Xác định kiến thức cần lấy lại
Ngữ pháp căn bản quan trọng
Ngữ pháp chiếm tỉ trọng lớn trong các bài thi tiếng Anh vào lớp 10 của các tỉnh, thành phố. Kể cả khi ngữ pháp không phải là câu hỏi chính, việc nắm vững ngữ pháp cũng giúp học sinh nhận biết những đáp án đúng, sai, bởi vậy không thể không chú trọng tới ngữ pháp.
Một số chủ điểm ngữ pháp quan trọng mà học sinh lớp 9 chuẩn bị tham gia kỳ thi vào lớp 10 cần nắm vững bao gồm:
Các thì cơ bản: Hiện tại đơn, hiện tại tiếp diễn, hiện tại hoàn thành, quá khứ đơn, quá khứ tiếp diễn, quá khứ hoàn thành, tương lai đơn, tương lai gần, tương lai tiếp diễn.
Câu bị động: Hiểu cách chuyển đổi từ câu chủ động sang bị động và ngược lại.
Câu điều kiện: Loại I, loại II, loại III, câu điều kiện hỗn hợp, các dạng câu điều kiện có từ điều kiện khác If (Ví dụ: Unless, Given that, …), đảo ngữ câu điều kiện.
Câu tường thuật: Biết cách tường thuật lại lời nói của người khác, chuyển đổi từ câu trực tiếp thành câu gián tiếp.
Câu ước (wish): Diễn đạt những điều ước không có thật ở hiện tại hoặc quá khứ.
Câu so sánh: So sánh hơn, so sánh nhất và so sánh bằng
Giới từ: chỉ thời gian, chỉ địa điểm, hướng, chỉ phương thức
Mệnh đề quan hệ
Học sinh có thể tham khảo các sách giáo khoa và sách bài tập được Bộ Giáo dục phê duyệt, đồng thời sử dụng sách Ôn Thi Vào Lớp 10 Môn Tiếng Anh do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn và phát hành.
Xem thêm: Các cấu trúc tiếng Anh lớp 9 thi vào lớp 10
Từ vựng căn bản theo chủ điểm
Tùy theo các bộ sách giáo khoa được các trường, các tỉnh, thành phố lựa chọn để đưa vào giảng dạy sẽ có các chủ điểm từ vựng khác nhau mà học sinh cần nắm vững trước khi thi vào lớp 10.
Tuy nhiên, nhìn chung có những chủ điểm từ vựng lớn sau mà học sinh cần đọc kỹ để lấy gốc tiếng Anh thi vào lớp 10 môn tiếng Anh:
Giáo dục và trường học:
Tập trung vào các từ vựng liên quan đến trường học, cơ sở giáo dục, môi trường học tập, hoạt động học tập.
Một số Units trong SGK có từ vựng liên quan đến chủ điểm này:
“My new school” (Unit 1, SGK tiếng Anh 6 - Global Success [1])
“A visit to a school” (Unit 6, SGK tiếng Anh 7 - Global Success)
Nhà cửa và cộng đồng dân cư:
Tập trung vào các từ vựng liên quan đến nhà ở, khu dân cư, môi trường xung quanh, giao thông và các hoạt động mua sắm hàng ngày.
Một số Units trong SGK có từ vựng liên quan đến chủ điểm này:
“My house”, “My neighbourhood” (SGK tiếng Anh 6 - Global Success [1])
“Traffic” (SGK tiếng Anh 7 - Global Success [2])
“Life in the countryside” (SGK tiếng Anh 8 - Global Success[3])
“Local community”, “City life” (SGK tiếng Anh 9 - Global Success[4]);
Văn hóa, truyền thống và lễ hội:
Tập trung vào các từ vựng mô tả lễ hội, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa và các đặc trưng lịch sử của Việt Nam và thế giới.
Một số Units trong SGK có từ vựng liên quan đến chủ điểm này:
“Our Tet holiday” (SGK tiếng Anh 6 - Global Success[1])
“Festivals around the world” (SGK tiếng Anh 7 - Global Success[2])
“Our Customs And Traditions”, “Ethnic Groups Of Viet Nam” (SGK tiếng Anh 8 - Global Success[3])
“Viet Nam: then and now” (SGK tiếng Anh 9 - Global Success[4])
Phong cách sống và giải trí:
Tập trung vào các từ vựng về các hoạt động giải trí, sở thích cá nhân, thói quen sống hàng ngày và các lĩnh vực văn hóa giải trí.
Một số Units trong SGK có từ vựng liên quan đến chủ điểm này:
“Television”, “Sports and games” (SGK tiếng Anh 6 - Global Success[1])
“Hobbies”, “Healthy living”, “Music and arts”, “Films”, “Food and drink” (SGK tiếng Anh 7 - Global Success[2])
“Leisure activities”, “Lifestyles”, “Shopping”, “Teenagers” (SGK tiếng Anh 8 - Global Success[3])
Môi trường, khoa học và công nghệ tương lai:
Tập trung vào các từ vựng liên quan đến thiên nhiên, môi trường, các vấn đề khoa học, công nghệ và xu hướng phát triển trong tương lai.
Một số Units trong SGK có từ vựng liên quan đến chủ điểm này:
“Natural wonders of Viet Nam”, “Our houses in the future”, “Our greener world”, “Robots” (SGK tiếng Anh 6 - Global Success[1])
“Energy sources”, “Travelling in the future” (SGK tiếng Anh 7 - Global Success[2])
“Environmental protection”, “Natural disasters”, “Communication in the future”, “Science and technology”, “Life on other planets” (SGK tiếng Anh 8 - Global Success[3]).
Xã hội, toàn cầu hóa và nghề nghiệp:
Tập trung vào các từ vựng mô tả xã hội hiện đại, quá trình toàn cầu hóa, cũng như các khái niệm liên quan đến sự phát triển nghề nghiệp và vai trò xã hội.
Một số Units trong SGK có từ vựng liên quan đến chủ điểm này:
“Cities of the world” (SGK tiếng Anh 6 - Global Success[1])
“Community service” ; “English-speaking countries” (SGK tiếng Anh 7 - Global Success[2])
“World Englishes’, “My future career” (SGK tiếng Anh 9 - Global Success[4])

Xem thêm: Từ vựng ôn thi vào 10
Các kỹ năng cần rèn luyện
Bên cạnh ngữ pháp và từ vựng căn bản để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, học sinh cần rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ như:
Nghe hiểu: qua các bài nghe trong SGK, đoạn hội thoại trình độ A1-A2
Đọc hiểu, đọc điền: đọc các đoạn văn bản ngắn ở các thể loại khác nhau (truyện, bài báo, văn bản thuyết minh, mô tả), làm các bài tập điền từ vào đoạn văn.
Viết: Tập viết các câu có cấu trúc ngữ pháp cơ bản (Câu điều kiện, câu mong ước, câu tường thuật, …), viết các đoạn văn ngắn thuyết minh, miêu tả về sự kiện/sự vật.
Nói, phát âm: Luyện nói, phát âm chuẩn để bổ trợ cho việc nghe hiểu và làm các dạng bài xác định trọng âm và phát âm các từ được cho sẵn.
Xem thêm: Hướng dẫn ôn thi vào 10 môn Tiếng Anh sao cho hiệu quả
Lộ trình học Lấy gốc tiếng Anh thi vào lớp 10 chi tiết
Giai đoạn 1: Ôn tập nền tảng
Mục tiêu của giai đoạn này là khôi phục và bù lại những kiến thức cơ bản đã học từ lớp trước, giúp học sinh có nền tảng vững chắc trước khi chuyển sang các bài tập nâng cao. Trong giai đoạn này, học sinh cần làm một số nhiệm vụ sau:
Ôn tập ngữ pháp căn bản:
Tập trung vào các thì cơ bản (hiện tại đơn, hiện tại tiếp diễn, quá khứ đơn, tương lai đơn…) và các chủ điểm thông dụng như câu bị động, câu điều kiện, câu tường thuật, câu ước, mệnh đề quan hệ và câu so sánh.
Làm quen với từ vựng chủ đề cơ bản:
Học sinh nên ôn lại từ vựng theo các chủ đề từ sách giáo khoa tiếng Anh cấp THCS (Global Success, Friends Global, i-Learn Smart World, …) để xây vốn từ vững chắc, đọc và nghe hiểu những nội dung có trong đề thi tiếng Anh vào lớp 10.
Làm lại các bài tập cơ bản trong Sách giáo khoa và sách bài tập tiếng Anh đi kèm cấp THCS. Những đầu sách này là phần quan trọng được lấy làm nền tảng để ra đề thi tiếng Anh vào lớp 10.
Học sinh cần làm bài tập ngữ pháp và từ vựng hàng ngày, thường xuyên kiểm tra, ghi lại các kiến thức mình chưa vững. Trong quá trình rèn luyện Lấy gốc tiếng Anh thi vào lớp 10, học sinh có thể sử dụng thêm các công cụ online như sách mềm, file nghe đi kèm SGK và các phần mềm học từ vựng theo phương pháp Spaced Repetiition (Nhắc lại ngắt quãng) như Anki, Quizlet, … để hỗ trợ học hiêu quả hơn.
Giai đoạn 2: Củng cố kiến thức
Sau khi đã hoàn thiện nền tảng cơ bản, học sinh có thể chuyển sang giai đoạn củng cố kiến thức và nâng cao kỹ năng cần thiết cho kỳ thi:
Ôn luyện chuyên sâu các chủ điểm ngữ pháp:
Tập trung vào những phần ngữ pháp khó hơn như các dạng câu điều kiện (loại I, II, III, hỗn hợp), chuyển đổi giữa câu trực tiếp và gián tiếp, cách sử dụng giới từ trong các tình huống khác nhau, và mệnh đề quan hệ.
Thay vì làm các chuyên đề ngữ pháp riêng lẻ, học sinh nên bắt đầu làm các dạng bài ngữ pháp tổng hợp (chia động từ trong nhiều trường hợp, câu hỏi trắc nghiệm ngữ pháp đa ngữ cảnh, …).
Ở giai đoạn này, học sinh có thể tham khảo bài tập từ các sách bài tập chuyên đề hoặc đề thi mẫu các năm về trước ở tỉnh/thành phố của mình để nắm rõ những phần kiến thức có thể được kiểm tra.
Mở rộng & củng cố vốn từ vựng:
Sau khi học xong các từ vựng căn bản trong sách giáo khoa và sách bài tập, học sinh có thể tham khảo bài tập từ các sách bài tập chuyên đề hoặc đề thi mẫu các năm về trước ở tỉnh/thành phố của mình để kiểm tra lại vốn từ của mình và nắm rõ độ khó từ vựng của đề thi. Bên cạnh đó, trong quá trình làm bài tập tham khảo, học sinh cũng có thể tiếp thu thêm nhiều từ vựng nâng cao.
Rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, nghe hiểu:
Học sinh cần làm các bài tập đọc hiểu, nghe hiểu từ các đề thi vào lớp 10 mẫu và sách giáo khoa, sách bài tập, tập trung xác định ý chính, từ khóa và các bẫy thường gặp để tránh khi làm bài thi thật.
Ở giai đoạn Lấy gốc thi tiếng Anh vào lớp 10 này, học sinh nên làm bài tập và xen kỹ luyện đề thi thử trong môi trường giống kỳ thi thật để cân bằng giữa việc xây dựng kiến thức và làm quen tâm lý phòng thi, tránh cảm giác “ngợp”, bối rối.
Giai đoạn 3: Ôn tập sâu và luyện đề thi
Đây là giai đoạn nước rút và căng thẳng nhất, do giai đoạn này kéo dài tới khi học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10. Một số nhiệm vụ cho học sinh trong giai đoạn này như sau:
Làm đề thi thử:
Học sinh nên làm đề thi thử theo thời gian thực để làm quen với áp lực và rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian. Sau đó, tiến hành so sánh, phân tích điểm làm tốt và chưa tốt trong bài làm của mình để cải thiện.
Không nên chỉ làm đề rồi so sánh điểm mà không phân tích kỹ bài làm của mình, vì việc này sẽ làm điểm thi đứng yên, không tiến bộ, gây ra tâm lý chán nản.
Phân tích lỗi sai:
Sau mỗi bài thi thử, học sinh cần tự xem xét lại những lỗi sai và nhận xét từ giáo viên hoặc gia sư, từ đó có kế hoạch ôn tập, bổ sung kiến thức còn thiếu.
Làm lại các đề thi thử đã từng làm:
Học sinh nên làm lại đề thi của mình thêm lần 2 hoặc lần 3 để nhắc lại những kiến thức làm sai/chưa chắc chắn và củng cố những phần mình đã vững.

Lời khuyên dành cho học sinh bị mất gốc và đang lấy gốc tiếng Anh thi vào lớp 10
Đối với những học sinh đang mất gốc thi Tiếng Anh vào lớp 10, điều quan trọng nhất là không được hoảng loạn, lo lắng thái quá mà phải bình tĩnh ôn luyện từ những bước cơ bản nhất.
Học sinh không nên vội vàng đòi hỏi kết quả khá lên ngay lập tức, do tính chất bài thi có nhiều chủ điểm, đòi hỏi nhiều thời gian ôn tập để có thể gia tăng điểm số.
Trước hết, học sinh cần phải tạo thói quen học tập kỷ luật và đều đặn, xây dựng và nghiêm túc làm theo lộ trình Lấy gốc tiếng Anh thi vào lớp 10 của mình, phân ra từng giai đoạn của lộ trình và chia nhỏ kiến thức ra thành các ngày để lấy gốc.
Trong trường hợp cảm thấy khó khăn, học sinh không nên ngần ngại nhờ sự giúp đỡ của giáo viên hoặc bạn bè để có thể ôn tập hiệu quả hơn.
Tổng kết
Qua bài viết, học sinh đã được giới thiệu lộ trình học lấy gốc tiếng Anh thi vào lớp 10 chi tiết, từ việc xác định các kiến thức nền tảng cần ôn tập như ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng, đến việc xây dựng một lộ trình học tập chi tiết gồm ba giai đoạn: ôn tập nền tảng, củng cố kiến thức và ôn tập chuyên sâu & làm đề thi thử. Học sinh có thể áp dụng các chiến lược học tập này để lấp đầy khoảng trống kiến thức và đạt được kết quả xứng đáng trong kỳ thi.
Để cải thiện khả năng tiếng Anh của mình nhanh chóng và được giáo viên có kinh nghiệm, trình độ hỗ trợ lộ trình riêng, học sinh có thể tham khảo Khóa học theo yêu cầu của ZIM Academy.
Nguồn tham khảo
“Học liệu SGK tiếng Anh.” hoclieu.vn, https://hoclieu.vn/kho-hoc-lieu/6. Accessed 15 April 2025.
“Học liệu SGK tiếng Anh.” hoclieu.vn, https://hoclieu.vn/kho-hoc-lieu/7. Accessed 15 April 2025.
“Học liệu SGK tiếng Anh.” hoclieu.vn, https://hoclieu.vn/kho-hoc-lieu/8. Accessed 15 April 2025.
“Học liệu SGK tiếng Anh.” hoclieu.vn, https://hoclieu.vn/kho-hoc-lieu/9. Accessed 15 April 2025.
Bình luận - Hỏi đáp