Mối liên hệ giữa việc đọc trong ngôn ngữ mẹ đẻ và hiệu quả đọc hiểu trong ngôn ngứ thứ hai
Key takeaways
Định nghĩa khả năng đọc hiểu (Reading comprehension): là mức độ hiểu một đoạn văn hay văn bản nào đó.
Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đọc hiểu của người đọc:
Văn bản
Người đọc
Bối cảnh tình huống đọc
Lý thuyết về mối liên hệ giữa việc đọc ở ngôn ngữ thứ nhất và thứ hai:
Kỹ năng ở ngôn ngữ thứ nhất chuyển qua cho kỹ năng ở ngôn ngữ thứ 2.
Kiến thức ngữ pháp có thể có mối liên hệ giữa các ngôn ngữ khác nhau nếu cấu trúc ngữ pháp được hình thành dựa trên cách thức tương tự nhau.
Ngôn ngữ thứ nhất (L1) và ngôn ngữ thứ hai (L2) có thể có sự đóng góp khác nhau vào sự phát triển kỹ năng đọc.
Những quan điểm ủng hộ việc sử dụng việc đọc ngôn ngữ thứ nhất (L1) để bổ trợ cho ngôn ngữ thứ hai (L2) .
Gợi ý cách vận dụng mối liên hệ giữa việc đọc ngôn ngữ thứ nhất và ngôn ngữ thứ hai để cải thiện việc đọc:
Bottom-up strategy (Chiến lược từ dưới lên)
Top-down strategy (Chiến lược từ trên xuống)
Interactive model (Mô hình tương tác)
Giới thiệu
Đọc hiểu (Reading comprehension) là một kỹ năng quan trọng trong việc học bất kỳ một ngôn ngữ nào và có thể phát triển từ việc tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ đẻ hay trong quá trình học ngoại ngữ.
Ngoài ra, kỹ năng đọc hiểu còn có mối liên hệ giữa các ngôn ngữ với nhau và khả năng đọc hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ (L1) có thể hỗ trợ và có đóng góp tích cực trong việc phát triển khả năng đọc hiểu ngôn ngữ thứ hai của người học.
Bài viết này sẽ bàn luận sâu hơn về sự liên hệ trong việc đọc hiểu giữa ngôn ngữ thứ nhất và ngôn ngữ thứ hai cũng như gợi ý cách áp dụng những kiến thức về ngôn ngữ thứ nhất để cải thiện khả năng đọc hiểu ở ngôn ngữ thứ hai.
Khả năng đọc hiểu (reading comprehension) là gì?
Đọc hiểu được định nghĩa như là mức độ hiểu một đoạn văn hay văn bản nào đó. Việc hiểu này đến từ việc tương tác giữa từ ngữ được viết trong bài văn và cách mà những từ ngữ đó khơi gợi nên kiến thức hoặc thông tin bên ngoài văn bản.
Một yếu tố không thể thiếu trong việc đọc hiểu chính là sự kích thích và khơi dậy kiến thức trước đó của người đọc hoặc tạo nên những kết nối trong khi đọc văn bản. [1]
Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đọc hiểu của người đọc
Theo như Feathers Karen [1], ba yếu tố ảnh hưởng đến việc đọc hiểu bao gồm: văn bản, người đọc, và bối ảnh đọc.
Văn bản
Những từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, và cách thức tổ chức của văn bản sẽ khác nhau. Ví dụ, những văn bản khoa học sẽ khác với thơ ca, nhũng văn bản lịch sử sẽ khác với văn bản khoa học. Dorothy Heming viết rằng mỗi thể loại sẽ có cách viết và hiểu khác nhau.
Điều đó có nghĩa rằng mỗi chủ đề sẽ tổ chức những thông tin liên quan theo một cách khác nhau. Những cấu trúc của những thể loại này sẽ phản ánh lên cách tổ chức văn bản của nó và đòi hỏi phải có những cách hiểu riêng biệt. Nếu người đọc chưa quen với những thể loại văn bản này, họ sẽ có thể gặp khó khăn trong việc đọc hiểu.
Ngoài ra, tính “dễ đọc” của văn bản cũng sẽ ảnh hưởng lên quá trình đọc hiểu của người đọc. Nếu văn bản được tổ chức một cách logic, với những cấu trúc đơn giản và có sự liên kết giữa các câu và các ý, người đọc sẽ hiểu văn bản một cách dễ dàng và chính xác hơn.
Ngược lại, nếu văn bản được sắp xếp một cách lộn xộn hoặc được trình bày với những cấu trúc và ngôn ngữ phức tạp, người đọc sẽ gặp khó khăn trong việc đọc hiểu văn bản.
Người đọc
Bản thân người đọc cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đọc hiểu của chính họ. Chẳng hạn như tâm trạng của người đọc khi đọc văn bản. Nếu người đọc cảm thấy mệt mỏi hoặc khó tập trung, việc đọc hiểu cũng sẽ khó diễn ra một cách thuận lợi.
Ngoài ra, kiến thức nền của người đọc, hay nói cách khác là việc người đọc có quen với chủ đề đó trước hay không cũng ảnh hưởng đến khả năng hiểu của họ.
Ví dụ, nếu họ đã quen với chủ đề về giáo dục hoặc có kiến thức nền về nó, họ sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi đọc văn bản học thuật liên quan đến phương pháp giáo dục.
Ngoài ra, cấp độ của người đọc cũng là một yếu tố quan trọng. Đối với người đọc ở mức độ thấp, họ thường chỉ đọc qua chữ, cấu trúc và ý nghĩa sơ lược của văn bản. Tuy nhiên, đối với người đọc ở mức độ cao hơn, họ sẽ có thể đọc những văn bản khó hơn, dài hơn và có thể liên kết với các kiến thức nền của họ, chẳng hạn như sinh viên đại học đọc một bài nghiên cứu khoa học.
Bối cảnh của tình huống đọc
Theo Feathers, bối cảnh của tình huống đọc bao gồm nơi mà tài liệu đọc được tìm thấy, vị trí của người đọc, những căng thẳng khi đọc và mục đích của việc đọc.
Ngoài ra, người đọc còn có một số kỳ vọng nhất định về loại tài liệu đọc, và điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình đọc của họ. Vì vậy, người đọc sẽ có cách tiếp cận văn bản khác nhau.
Ví dụ, người thi chứng chỉ ngoại ngữ sẽ dự đoán là bài đọc sẽ có nội dung học thuật, chứa nhiều thông tin khoa học hoặc nghiên cứu, nên họ sẽ trang bị những kiến thức và từ ngữ học thuật, ưu tiên việc đọc và tìm kiếm thông tin để trả lời câu hỏi hơn là việc đọc thông tin để nạp thêm kiến thức hay giải trí như đọc báo.
Đối với vị trí của người đọc, mức độ thoải mái của vị trí của họ cũng gây ảnh hưởng đến việc đọc hiểu. Nếu môi trường xung quanh có nhiều tiếng ồn, hoặc quá lạnh hay quá nóng cũng ảnh hưởng đến sự tập trung và mức độ tiếp thu kiến thức của họ.
Mục đích đọc cũng là một yếu tố góp phần ảnh hưởng đến việc đọc hiểu. Nếu một người đọc truyện tranh, hay báo chí, họ sẽ đọc kỹ thông tin với tâm trạng thoải mái và không dùng quá nhiều chiến thuật đọc (reading strategies).
Nếu một thí sinh hay người học làm bài tập Reading, họ sẽ sử dụng nhiều phương pháp hay chiến thuật đọc để tìm kiếm thông tin nhằm mục đích trả lời câu hỏi.
Lý thuyết về mối liên hệ giữa việc đọc ở ngôn ngữ thứ nhất và thứ hai
Kỹ năng ở ngôn ngữ thứ nhất chuyển qua cho kỹ năng ở ngôn ngữ thứ 2 (Cummin, 1988)
Một lý thuyết gần đây về tính toàn cầu của ngôn ngữ nói rằng quá trình ngôn ngữ và quá trình tiếp nhận thông tin có liên quan đến nhau bất kể ngôn ngữ nào và là cơ bản cho việc đọc bất kỳ một ngôn ngữ nào.
Kiến thức chung về ngôn ngữ ví dụ như nhận diện ngữ âm có thể cần được tiếp thu trong quá tình tiếp thu ngôn ngữ thứ nhất [2].
Ví dụ, người học có thể nhận biết các âm (nguyên âm, phụ âm) hay từ loại của từ qua việc học ngôn ngữ mẹ đẻ.
Kiến thức ngữ pháp có thể có mối liên hệ giữa các ngôn ngữ khác nhau nếu cấu trúc ngữ pháp được hình thành dựa trên cách thức tương tự nhau. [2]
Chẳng hạn, tiếng Anh và tiếng Việt có sự giống nhau về cấu trúc câu Subject + Verb + Object. Ngược lại, nếu cấu trúc đó chỉ ở ngôn ngữ thứ nhất hoặc ngôn ngữ thứ hai, kiến thức ngữ pháp sẽ không liên quan với nhau và cần có sự trải nghiệm về ngôn ngữ đang học.
Vì vậy, nếu ngôn ngữ mẹ đẻ của người học có sự tương đồng trong cấu trúc ngữ pháp với ngôn ngữ thứ hai, họ sẽ dễ dàng trong việc tiếp thu và hiểu văn bản.
Tuy nhiên, nếu ngôn ngữ mẹ đẻ của người học có cấu trúc khác hoặc trái ngược với ngôn ngữ thứ hai, người học sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đọc hiểu văn bản và cần phải luyện tập cũng như tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ thứ hai mới có thể hiểu văn bản tốt hơn.
Ngôn ngữ thứ nhất (L1) và ngôn ngữ thứ hai (L2) có thể có sự đóng góp khác nhau vào sự phát triển kỹ năng đọc.
Bên cạnh tính chất ngữ âm của ngôn ngữ thứ 1 và ngôn ngữ thứ 2, sự khác biệt trong cách mà các ngôn ngữ đó chuyển từ dạng chữ sang dạng nói cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa L1 và L2. [2].
Để hiểu được lý thuyết này rõ hơn, người đọc cần nắm khái niệm “Orthography (chính tả)” trong ngôn ngữ học. Orthography được định nghĩa là “Shallow” (nông) hay “Deep” (sâu) phụ thuộc vào mức độ mà ta có thể dự đoán phát âm của từ dựa vào cách viết/ đánh vần của nó [3].
Trong Shallow Orthography, có mối liên hệ mạnh mẽ và rõ ràng giữa phát âm và đánh vần: ta có thể đoán cách phát âm dựa vào các nguyên tắc cho sẵn, chẳng hạn như tiếng Việt.
Ngược lại, trong Deep Orthography, người đọc phải học những cách phát âm tuỳ ý và bất nguyên tắc của từ. Chẳng hạn, trong tiếng Anh, âm “ign” trong chữ “sign” sẽ có cách đọc khác đối với âm “ign” trong chữ “signal”.
Đối với mối liên hệ giữa ngôn ngữ thứ nhất và ngôn ngữ thứ hai, L1 với “Shallow orthography” sẽ hỗ trợ cho việc đọc L2 nhiều hơn là L1 với “deep orthography” đặc biệt là trong việc nhận diện ngữ âm (một thành phần của việc đọc) [2].
Ví dụ, trong tiếng Việt (Shallow orthography), người đọc/ nói có thể giải mã hay hiểu cách phát âm của từ vựng một cách dễ dàng dựa vào cách đánh phần của từ vì ngôn ngữ này có một luật phát âm rõ ràng.
Khi người Việt học tiếng Anh (Deep orthography), họ sẽ gặp một vài trở ngại khi gặp những biến thể bất nguyên tắc trong cách phát âm của từ tiếng Anh.
Tuy nhiên, với “Kinh nghiệm” từ việc dùng tiếng mẹ đẻ của người Việt, họ đã có sự nhận diện ngữ âm mạnh mẽ và khả năng giải mã; điều này giúp cho họ chia các phần của âm ra và nhận biết âm thanh theo một hệ thống nhất định dễ dàng hơn.
Từ đó, việc học tiếng Anh của họ sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc học từ vựng và đọc văn bản so với những người đến từ các quốc gia khác như Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Những quan điểm ủng hộ việc sử dụng việc đọc ngôn ngữ thứ nhất (L1) để bổ trợ cho ngôn ngữ thứ hai (L2)
Khá nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng có một mối quan hệ lớn trong việc đọc hiểu giữa ngôn ngữ thứ nhất và ngôn ngữ thứ hai.
Cummins đã phát triển một lý thuyết về sự phụ thuộc lẫn nhau về ngôn ngữ (Linguistic interdependence). Theo lý thuyết này, ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ thứ hai của người học đan xen lẫn nhau và việc đạt được đủ trình độ đọc viết tiếng mẹ đẻ có thể hỗ trợ cho việc tiếp thu và phát triển kỹ năng đọc viết của ngôn ngữ thứ hai.
Khả năng nhận thức và khả năng học thuật ví dụ như khả năng tư duy phản biện và khả năng đọc viết có thể được chuyền qua các ngôn ngữ [4].
Điều này có nghĩa rằng một nền tảng ngôn ngữ vững chắc trong tiếng mẹ đẻ có thể hỗ trợ và làm quá trình tiếp thu ngôn ngữ thứ hai diễn ra một cách đơn giản hơn.
Theo Jeon và Yamashita, khả năng đọc hiểu ngôn ngữ thứ 2 (L2) có thể tương quan với kiến thức trong L2 cũng như là khả năng đọc hiểu L1 [5]. Điều này có nghĩa rằng kiến thức về ngôn ngữ thứ hai (chẳng hạn như ngữ pháp, từ vựng) và khả năng đọc hiểu tiếng mẹ đẻ của người đọc có liên quan và ảnh hưởng đến khả năng đọc hiểu của ngôn ngữ thứ hai.
Cụ thể hơn, khả năng đọc hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ (L1) tốt có thể đóng góp tích cực vào việc đọc hiểu ở ngôn ngữ thứ hai (L2) bằng việc sử dụng những chiến lược trong L1 như tham vấn và hiểu cấu trúc bài văn, trong khi những kiến thức về ngữ pháp, từ vựng ở L2 thì cần thiết cho việc giải mã và hiểu nghĩa bài văn đó.
Theo Seng và Hashim, việc sử dụng L1 để hỗ trợ việc đọc hiểu L2 đã cho thấy nhiều ảnh hưởng tích cực trong việc vượt qua khó khăn liên quan đến từ vựng và ý tưởng, cũng như làm cho người học tự tin hơn để giải quyết những vấn đề hay yêu cầu trong L2 [5].
Bằng cách tận dụng kiến thức về L1, người học có thể hiểu được những từ vựng L2 lạ thông qua bối cảnh bài văn, cải thiện đọc hiểu thông qua việc dịch nghĩa và áp dụng các chiến lược về nhận thức mà người học đã có.
Gợi ý cách vận dụng mối liên hệ giữa việc đọc ngôn ngữ thứ nhất và ngôn ngữ thứ hai để cải thiện việc đọc
Theo David và Bistodeau [6], người học ngoại ngữ sẽ kết hợp chiến lược bottom-up (với sự hạn chế trong kiến thức của ngôn ngữ đó) cùng với chiến lược top-down đã phát triển trong ngôn ngữ thứ nhất trong quá trình đọc hiểu.
Áp dụng bottom-up strategies và top-down strategies để cải thiện kỹ năng làm bài đọc hiểu
Bottom-up strategy
Chiến lược này được định nghĩa là quá trình kết hợp độ chính xác về nhận thức, âm thanh và khả năng tìm kiếm văn bản, từ, cách đánh vần, và những đơn vị ngôn ngữ khác. Người đọc hiểu văn bản bằng cách xây dựng ý nghĩa từ những thành phần nhỏ nhất. [7]
Theo một cách đơn giản hơn, chiến lược bottom-up (Chiến lược từ dưới lên hoặc xử lý từ dưới lên) là Chiến lược kết hợp các quy trình đọc ở cấp độ thấp hơn để dạy học sinh xây dựng ý nghĩa từ các đơn vị ngôn ngữ cơ bản nhất, bao gồm các chữ cái, cụm chữ cái và từ. [8]
Theo Ehri [9], chiến lược này phù hợp với người học ở cấp độ Beginners, còn hạn chế khá nhiều về mặt ngôn ngữ và đôi khi chưa hiểu được toàn bộ câu văn mà chủ yếu là hiểu được nghĩa của các từ đơn lẻ và ghép vào câu. Chiến lược bottom-up giúp người học gặp khó khăn với việc đọc hiểu cải thiện được kỹ năng giải mã ý nghĩa và đọc trôi chảy hơn.
Các bước áp dụng chiến lược bottom-up vào việc làm bài đọc hiểu
Bước 1: Xác định từ loại cần điền vào chỗ trống là gì
Bước 2: Đọc và gạch chân những keywords xung quanh từ cần điền để hiểu rõ thông tin cần tìm là gì
Bước 3: Tìm những keywords này trong văn bản, tìm các từ đồng nghĩa của keywords hay cấu trúc câu tương tự với câu hỏi.
Bước 4: Đối chiếu với câu hỏi và xem liệu rằng từ cần tìm có trùng khớp với từ loại hoặc có phải phù hợp với ý nghĩa hay không.
Minh hoạ
Câu hỏi đề bài: Cinderella was founded in Philadelphia, in 1983 and three years later released their first album with ................... company.
Bước 1: Vì phía trước chỗ trống có giới từ with, nên phía sau giới từ sẽ là một cụm danh từ hoặc V-ing. Tuy nhiên, đề bài đã có chữ company là danh từ chính. Vì vậy, chỗ trống cần tìm sẽ là một tính từ (adj) hoặc danh từ ghép (N)
Bước 2: Các từ khoá xung quanh chỗ trống là Cinderalla, Philadelphia, 1983, three years later, first album.
Bước 3: Dò các từ khoá này trong đoạn văn ta thấy được đoạn văn khớp với các từ khoá trên là
Cinderella was founded in Philadelphia, PA, in 1983…..He was sufficiently impressed to alert his record company, Mercury, which signed the band. Their debut album, Night Songs, was released in June 1986.
Bước 4: Đối chiếu đoạn văn với câu hỏi, ta tìm được từ khoá đứng trước chữ company là record. Từ khoá này là một danh từ, nên chúng ta có danh từ ghép là record company (công ty thu âm).
Vậy đáp án là Record.
Ngoài ra, người đọc có thể tìm hiểu thêm về chiến lược Bottom-up qua bài viết Chiến lược top-down bottom-up để cải thiện Reading IELTS
Top-down strategy
Chiến lược top-down được mô tả là quá trình đọc hay một trò chơi đoán ngôn ngữ tâm lý. Chiến lược này nhấn mạnh tầm quan trọng của sơ đồ, hoặc kinh nghiệm trước đó và kiến thức nền tảng, trong việc hiểu một tác phẩm văn học.
Trong chiến lược này, người đọc phải có kiến thức, độ hiểu biết, và kỹ năng ngôn ngữ để dịch được ý nghĩa của văn bản đó [7].
Theo Kintsch [10], chiến lược này phù hợp với người đọc ở cấp độ cao hơn (Intermediate hoặc Advanced) vì họ đã có nền tảng kiến thức khá vững chắc và có thể đọc và hiểu nghĩa của văn bản ngay và khá trôi chảy, không cần phải phân tích ý nghĩa từng từ đơn lẻ để ghép vào nghĩa của toàn bộ câu.
Ngoài ra, họ có thể hiểu được bối cảnh của bài văn, thấy được tổng quát nội dung của đoạn văn dễ dàng hơn người học ở cấp độ thấp hơn.
Chiến lược top-down sẽ phù hợp với loại bài tập tập trung vào việc đoán nghĩa hoặc ý chính của đoạn, chẳng hạn như Matching headings trong IELTS Reading.
Các bước áp dụng chiến lược Top-down vào việc làm bài đọc hiểu:
Bước 1: Gạch chân keywords và phân biệt các thông tin với nhau
Bước 2: Người học dùng kiến thức nền sẵn có về cấu trúc văn bản để hình dung đoạn văn phù hợp với từng thông tin sẽ bao gồm những nội dung gì.
Bước 3: Người học đọc và nắm ý chính của từng đoạn văn và đối chiếu với thông tin để lựa chọn đáp án chính xác.
Minh hoạ:
Câu hỏi đề bài: A brief description of Fleming’s personalities.
Bước 1: Gạch chân và chú ý từ khoá “Description”, “personalities”
Bước 2: Dự đoán đoạn văn có chứa thông tin: Đoạn văn đáp án phải mô tả những nét tính cách của Fleming, vì thế trong đoan văn sẽ có những từ ngữ chỉ tính cách con người.
Bước 3: Tìm kiếm từng đoạn văn và chúng ta có thể phát hiện ra rằng đoạn văn này có đề cập đến những từ ngữ chỉ tính cách con người
“B. For the last decade of his life, Fleming was feted universally for his discovery of penicillin and acted as a world ambassador for medicine and science. Initially a shy uncommunicative man and a poor lecturer, he blossomed under the attention he received, becoming one of the world’s best-known scientists.”
Vì thế, đáp án sẽ là đoạn văn B
Người đọc có thể tham khảo thêm bài viết Chiến lược top-down bottom-up để cải thiện Reading IELTS.
Sử dụng Interactive Model
Trong mô hình tương tác (interactive model), người đọc tham gia vào việc đọc văn bản để mở rộng ý nghĩa của nó. Người đọc có thể kết hợp nhiều loại kiến thức, bao gồm kiến thức về ngôn ngữ hay kiến thức chung (từ kết quả của việc hiểu ý nghĩa qua những từ vựng của quá trình bottom-up) và kiến thức sơ đồ (kiến thức nền và kỹ năng đọc hiểu của quá trình top-down).
Nói cách khác, mô hình tương tác (interactive model) là quá trình kết hợp giữa bottom-up strategy (nhận diện từ) và top-down strategy (hiểu văn bản) [7].
Người đọc nhận ra được cấu tạo và cấu trúc của từ hoặc ngữ pháp để hiểu được câu văn, sau đó kết hợp kỹ năng đọc hiểu văn bản, kiến thức nền để hiểu thông tin toàn diện và chính xác hơn.
Gợi ý cách áp dụng mô hình tương tác (Interactive Model) để luyện tập cải thiện kỹ năng đọc hiểu:
Lựa chọn tài liệu quen thuộc
Vì mô hình này có kết hợp Top-down strategy (sử dụng kiến thức nền của người đọc), nên người đọc có thể lựa chọn một văn bản với chủ đề quen thuộc hoặc người đọc có hứng thú để sử dụng kiến thức nền cũng như biết được nội dung sơ lược mà họ sẽ đọc.
Việc nhận dạng được từ vựng (Bottom-up strategy) sẽ giúp cho người học hiểu được ý nghĩa cơ bản của bài văn, từ đó người học có thể dùng để dự đoán được các từ vựng dựa vào bối cảnh của bài văn mà người học đã biết.
Dự đoán từ vựng trong bài văn
Sử dụng kỹ năng từ vựng trong chiến lược “Bottom-up” cùng với việc dự đoán nghĩa từ tình huống trong chiến lược “Top-down”, người đọc có thể hiểu sơ lược nội dung của câu văn và tìm ra được ý nghĩa của từ vựng chưa biết.
Ví dụ, trong câu “Green plants get the energy to grow from the sun through the process of photosynthesis.”, người học chưa biết nghĩa từ “Photosynthesis”, nhưng dựa vào các từ như “energy”, “sun”, “plants”, người học có thể đoán được ý nghĩa của câu là “Cây xanh lấy năng lượng để phát triển từ mặt trời thông qua quá trình photosynthesis”. Dựa vào kiến thức nền về sinh học, ta có thể đoán ra được rằng “photosynthesis” nghĩa là “Quang hợp”.
Tập dự đoán nội dung tiếp theo
Người học có thể tập dự đoán nội dung tiếp theo của đoạn văn dựa vào các từ nối hoặc liên kết giữa các câu và kiến thức nền của bản thân. Vì mô hình tương tác (interactive model) tập trung chủ yếu vào khía cạnh ngôn ngữ của việc hiểu văn bản, người học có thể phát triển khả năng dự đoán từ vựng và hiểu rõ hơn về các cấu trúc của đoạn văn cũng như cách sắp xếp thông tin theo đoạn.
Ví dụ, khi đọc một đoạn văn về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục, sau đó người học bắt gặp từ nối “However”, ta có thể đoán được rằng nội dung phía sau chữ “However” có thể là bất lợi hoặc khó khăn của việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục.
Kết luận
Đọc hiểu là một kỹ năng vô cùng quan trọng trong việc học ngôn ngữ. Việc đọc hiểu ngôn ngữ thứ nhất và ngôn ngữ thứ hai có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cụ thể hơn, những kỹ năng đọc hiểu và tư duy về ngôn ngữ đã được phát triển trước đó trong quá trình tiếp thu ngôn ngữ mẹ đẻ có thể giúp ích và hỗ trợ cho việc đọc hiểu ngôn ngữ thứ hai. Bài viết này giúp người học nhận ra được mối liên kết giữa hai ngôn ngữ cũng như gợi ý các chiến lược bao gồm Bottom-up, Top-down, và Interactive model để vận dụng kỹ năng ở ngôn ngữ mẹ đẻ trong việc phát triển kỹ năng đọc trong tiếng Anh. Từ đó, giúp người học lựa chọn cho mình một chiến lược phù hợp với nền tảng và trình độ của bản thân.
Để tìm hiểu cách áp dụng hiệu quả kỹ thuật này cũng như các chiến lược khác trong việc nâng cao điểm số IELTS, hãy tham gia ngay khóa học IELTS của Anh ngữ ZIM!
Nguồn tham khảo
“Reading: An overview prior to reading comprehension..” SATHIRI, 27/08/2018. https://doi.org/10.32645/13906925.256. Accessed 20 November 2024.
“Are First- and Second-Language Factors Related in Predicting Second-Language Reading Comprehension? A Study of Spanish-SpeakingChildren Acquiring English as a Second Language From First to Second Grade.” Journal of Education Psychology , 26/05/2009. Accessed 20 November 2024.
“Chapter 3 Basic Processes in Reading: Is the Orthographic Depth Hypothesis Sinking?.” Advances in Psychology, 26/11/1992. https://doi.org/10.1016/s0166-4115(08)62788-0. Accessed 20 November 2024.
“The Intriguing Role of Spanish Language Vocabulary Knowledge in Predicting English Reading Comprehension..” Journal of Educational Psychology, 20/11/2006. https://doi.org/10.1037/0022-0663.98.1.159. Accessed 20 November 2024.
“Facilitating L2 Reading Comprehension Through L1 and L2 Group Discussions.” Reading in a Foreign Language, 04/10/2024. https://hdl.handle.net/10125/67462. Accessed 20 November 2024.
“Connections between L1 and L2 Readings: Reading Strategies Used by Four Chinese Adult Readers. .” THE READING MATRIX, 26/09/2006. Accessed 20 November 2024.
“Bottom-up or Top-down Reading Strategies: Reading Strategies Used by EFL Students.” Advances in Social Science, Education and Humanities Research, 26/01/2021. Accessed 20 November 2024.
“ Chiến lược top-down bottom-up để cải thiện Reading IELTS..” Zim Academy, 11/09/2021. https://zim.vn/chien-luoc-top-down-bottom-up-de-cai-thien-reading-ielts. Accessed 20 November 2024.
“Learning to read words: Theory, findings, and issues..” Scientific Studies of Reading, 18/11/2009. https://doi.org/10.1207/s1532799xssr0902_4. Accessed 20 November 2024.
“The role of knowledge in discourse comprehension: A construction-integration model..” Psychological Review, 31/12/1990. https://doi.org/10.1016/s0166-4115(08)61551-4. Accessed 20 November 2024.
Bình luận - Hỏi đáp