Dịch Word - By - Word | Nguyên nhân chính và giải pháp khắc phục

Khi muốn truyền tải nội dung từ tiếng Việt sang Anh hoặc ngược lại, kể cả ở ngôn ngữ nói hay viết, người học  ( đặc biệt với trình độ trung cấp trở xuống ) thường có xu hướng dịch từng từ mà bỏ qua sự kết nối giữa các từ trong câu ở ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích ( dịch word-by-word), dẫn đến những lỗi sai về mặt ngữ nghĩa, ngữ pháp hoặc mất đi tính tự nhiên.
author
Cao Thanh Vy
07/02/2023
dich word by word nguyen nhan chinh va giai phap khac phuc

Lỗi này thường bắt nguồn từ ba nguyên nhân chính là việc chưa hiểu cách dùng của từ trong các ngữ cảnh khác nhau, chưa chắc kiến thức về mặt ngữ pháp hoặc sử dụng các nguồn từ điển chưa chính thống.

Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích kỹ hơn lỗi sai dịch word by word bắt nguồn từ những nguyên nhân trên và gợi ý một số cách để giúp người học tiếng Anh để có thể thay đổi thói quen này và ứng dụng tốt hơn để diễn đạt ý tưởng dễ dàng hơn trong khi nói và viết.

Key takeaways

  1. Dịch word-by-word (dịch nguyên văn từng từ) mà không cân nhắc đến ngữ cảnh sử dụng của các từ, cấu trúc ngữ pháp liên quan sẽ gây ảnh hưởng đến mặt ngữ nghĩa và mất đi tính tự nhiên khi diễn giải ý tưởng.

  2. Có 3 nguyên nhân chính: chưa hiểu cách dùng của từ trong các ngữ cảnh khác nhau, chưa nắm chắc kiến thức ngữ pháp, sử dụng các nguồn từ điển chưa chính thống.

  3. Việc sử dụng hiệu quả từ điển để tra cách dùng với những ngữ cảnh khác nhau của từ vựng và việc nâng cao trau dồi kiến thức ngữ pháp sẽ giúp người học diễn đạt ý tưởng sang ngôn ngữ đích tự nhiên và chính xác hơn.

Dịch word-by-word là gì?

Dịch word by word (dịch nguyên văn từng từ) mà không cân nhắc đến ngữ cảnh sử dụng của các từ, cấu trúc ngữ pháp liên quan sẽ gây ảnh hưởng đến mặt ngữ nghĩa và mất đi tính tự nhiên khi diễn giải ý tưởng.

Một ví dụ cụ thể của việc dịch word-by-word như sau: 

Dịch bệnh covid 19 đã gây ra ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới.

-> Nếu dịch theo từng từ thì sẽ là: The covid-19 pandemic caused affect to millions of people all around the world. 

Trong câu trên : vì “đã” nên được chia ở thì quá khứ, “gây”: cause, “ảnh hưởng” : affect, “đến” : to

Thực tế từ “cause” mang nghĩa gây ra điều gì, thường là điều mang nét nghĩa tiêu cực. Còn động từ “affect” lại mang nghĩa có ảnh hưởng lên đến điều gì/ ai hoặc tấn công cơ thể ai đó khiến cho họ bị bệnh (thường nói về các loại bệnh/ virus gây bệnh).

Vậy nên “cause" và “affect” không thể ghép chung với nhau để diễn tả nét nghĩa “gây ra ảnh hưởng”. Hơn nữa, người học cần lưu ý cách dùng từ affect + somebody/ something, không thêm “to” hay bất kỳ giới từ nào sau đó. 

Đối với câu ví dụ về dịch bệnh covid 19 ở trên, người học nên nắm bắt được rằng “gây ra ảnh hưởng” ở đây là virus của dịch bệnh tấn công làm ảnh hưởng hàng triệu người trên thế giới, nên cách dịch chính xác sẽ là: The covid-19 pandemic adversely affected millions of people all around the world (dịch bệnh covid-19 đã gây ra ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới)

Nguyên nhân người học dịch word-by-word

nguyên-nhân-dịch-word-by-wordChưa hiểu cách dùng của từ trong các ngữ cảnh khác nhau 

Trong tiếng Anh, việc một từ có nhiều nghĩa thường rất phổ biến và các nghĩa này có thể liên quan đến nhau hoặc không. Vì vậy, nếu người dùng không hiểu các mặt nghĩa khác nhau của từ có thể dẫn đến việc dùng sai và việc truyền đạt ý tưởng không còn hiệu quả.

Từ “company” cũng là một từ có nhiều hơn một nghĩa. Nét nghĩa “công ty” thường được biết đến bởi đại đa số người học, ngoài ra “company” còn để diễn tả tình trạng ở cùng với ai “being with somebody”.

Nếu người học chưa nắm được cách dùng theo nét nghĩa thứ hai của từ “company” thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng dịch từng từ như sau:

  • I had a pleasant evening in the company of friends. (Tôi đã có một buổi tối vui trong công ty của những người bạn.) 

Nhưng thực chất, “in the company of friends” ở đây thể hiện rằng sự hiện diện của những người bạn, từ “company” ở ngữ cảnh này không thể là “công ty” được.

Vậy nên bản dịch chính xác khi hiểu được ngữ cảnh đúng sẽ là: Tôi đã có một buổi tối vui vẻ với sự hiện diện của những người bạn.

Chưa nắm chắc kiến thức ngữ pháp 

Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến bởi vì ngữ pháp giữa tiếng Việt và tiếng Anh có nhiều điểm khác nhau.

Tuy mục đích sử dụng hoàn toàn tương đồng, các loại câu như trần thuật, nghi vấn giữa hai ngôn ngữ này đều có nhiều sự khác biệt như chia thì, trật từ từ trong câu nên khi dịch từng từ mà không nắm rõ cấu trúc ngữ pháp sẽ rất dễ làm hiểu sai nghĩa của toàn bộ câu.

Các ví dụ dưới đây sẽ chỉ rõ ra tầm quan trọng của ngữ pháp lên đến nghĩa của câu khi dịch thuật.

Ví dụ: 

  • (Dịch Anh- Việt) What a beautiful morning! 

Trong tiếng Anh, câu cảm thán thường được kết hợp với từ “what” đứng ở đầu câu. Trong trường hợp người học hiểu được cấu trúc diễn tả cảm xúc này, thì cách dịch đúng sẽ là “Trời hôm nay đẹp thật”. Ngược lại, dịch word-by-word sẽ là “Cái gì một buổi sáng đẹp”. 

  • ( Dịch Việt- Anh) Có một quả táo trong tủ lạnh.

Trong tiếng Anh, chủ ngữ giả “There” nêu lên sự tồn tại của sự vật, con người trong hoàn cảnh, tình huống, địa điểm cụ thể. Vậy nên, trong ví dụ này, nếu hiểu được cấu trúc ngữ pháp chủ ngữ giả này, người học sẽ dịch là “There is an apple in the fridge”. Ngược lại, dịch word-by-word sẽ là “Have an apple in the fridge”. 

Xem thêm: 7 chủ điểm ngữ pháp IELTS giúp cải thiện điểm trong bài thi

Sử dụng các nguồn từ điển chưa chính thống

Khi tra từ điển, người học tiếng Anh nói chung thường mong muốn tìm sát nghĩa của từ được phiên dịch sang ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Thế nhưng, như đã bàn luận ở trên, trong tiếng Anh có rất nhiều từ đa nghĩa, và chúng được dùng trong các ngữ cảnh khác nhau nên dù độ chuẩn xác của những công cụ dịch có được cải tiến theo thời gian, thì việc nhầm lẫn ngữ cảnh của từ vẫn là điều không thể tránh khỏi.

su-dung-cac-nguon-tu-dien-chua-chinh-thongVí dụ:

Công cụ hỗ trợ dịch Google Translate vẫn chưa nhận ra nét nghĩa khác của từ “mantle” trong câu này. Bởi vì ngoài nghĩa “áo choàng”, “mantle” còn diễn tả nhiệm vụ, trọng trách của một người, hoặc một công việc được bàn giao từ người này sang người khác.

Ở ví dụ trên, người nói/ viết ngụ ý muốn đề cập đến nghĩa thứ hai vì động từ trước đó “inherit” mang nghĩa là thừa kế. 

Xem thêm: 3 Sai lầm trong cách sử dụng từ điển tiếng Anh và biện pháp khắc phục

Giải pháp để không dịch word-by-word

giải-pháp-dịch-word-by-wordChính vì nguyên nhân cốt lõi của lỗi sai dịch nguyên văn từng từ là bắt nguồn từ việc chưa hiểu hết các nét nghĩa của từ đa nghĩa, cách dùng chúng ở những ngữ cảnh khác nhau hay ngữ pháp chưa vững, giải pháp cũng sẽ đi từ việc giải quyết những nguyên nhân đó.

Sử dụng từ điển hiệu quả để tra nghĩa và cách dùng với những ngữ cảnh khác nhau của chúng

Từ điển là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho người học ngoại ngữ. Thế nhưng, từ điển Anh-Việt còn nhiều hạn chế trong việc chỉ đưa ra nghĩa đơn lập và rời rạc trên phương diện nghĩa tiếng Việt.

Trong khi nghĩa của một từ chỉ rõ ràng khi chúng được đặt vào ngữ cảnh cụ thể và từ điển Anh-Anh có thể làm tốt nghiệm vụ đó và giải nghĩa kèm theo ví dụ để người học có thể hiểu rõ hơn.

Khi tra nghĩa của từ đa nghĩa, người học không chỉ nên chú ý vào nét nghĩa đầu tiên được hiển thị dù đó là nghĩa phổ biến nhất. Trong trường hợp một số nghĩa ít được sử dụng thường xuyên, nếu thí sinh IELTS có thể vận dụng được hiệu quả và chính xác các từ này, thí sinh có thể tăng điểm tiêu chí Lexical Resource, vì từ band 7 trở lên đã xuất hiện cụm “less common vocabulary” (từ vựng ít phổ biến hơn) trong tiêu chí chấm điểm. 

Một ví dụ đơn giản cho từ vựng ít được dùng bởi các thí sinh IELTS là là động từ ‘’accommodate’’’. “Accommodate” được sử dụng thường xuyên với nghĩa “cung cấp chỗ ở/ nơi nào cho ai”, nhưng rất hiếm khi được dùng với nghĩa ‘’cân nhắc điều gì đó”.

Theo từ điển Oxford Learner’s Dictionaries, động từ “accommodate” mang nghĩa “cân nhắc điều gì đó” thuộc trình độ C2. Vì vậy, về bản chất, đây vốn không phải từ quá học thuật, nhưng “accommodate” được dùng trong ngữ cảnh để diễn tả việc “cân nhắc điều gì” vẫn sẽ được coi là một từ ít phổ biến. 

Các nguồn từ điển Anh-Anh chính thống, đáng tin cậy:

  1. Từ điển Cambridge: https://dictionary.cambridge.org/

  2. Từ điển Oxford: https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/

Hơn nữa, trong tiếng Anh, có nhiều từ không đứng riêng lẻ mà chúng thường xuyên phối hợp với nhau. Để có thể tra cứu các collocations, người học có thể truy cập: http://www.ozdic.com/

Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết cách tra từ điển Anh-Việt

Nâng cao kiến thức ngữ pháp

Ngữ pháp tiếng Anh đa dạng, và để có thể nắm được các cấu trúc phức tạp thì người học cần ôn luyện từ những kiến thức cơ bản nhất. Dưới đây là một số những gợi ý mà người học có thể áp dụng:

  • Nắm vững loại từ và cách chúng được sắp xếp trong một câu hoàn chỉnh: phân biệt danh từ, động từ, tính từ, trạng từ là một trong những cốt lõi giúp người học truyền đạt được một ý hoàn chỉnh đúng ngữ pháp. Có rất nhiều từ vừa là danh từ lại vừa là tính từ, hoặc vừa là động từ vừa là danh từ, vì vậy khi nắm vững loại từ, thí sinh sẽ suy ra được vị trí và cách dùng của những từ vựng đó. 

  • Nắm bắt được cách sử dụng của các thì trong tiếng anh: Khác với tiếng Anh chia làm 12 thì, tiếng Việt không có sự khác nhau ở các thì mà chủ yếu dùng “phụ từ” ( đã, đang, sẽ, mới,..) để diễn đạt yếu tố thời gian. Vì vậy việc nắm rõ sự khác nhau giữa các thì chính trong tiếng Anh sẽ giúp người học sử dụng một cách hiệu quả hơn.

  • Nắm bắt được cách thể hiện của bốn loại câu điển hình ( câu trần thuật, câu nghi vấn, câu cầu khiến và câu cảm thán): Đây là cầu nối để người học có thể ôn kỹ lại kiến thức liên quan đến các điểm ngữ pháp quan trọng như auxiliary verb ( trợ động từ). Ví dụ, đối với câu nghi vấn, người học sẽ ôn lại kiến thức về trợ động từ và từ đó nắm được trợ động từ phải đưa lên trước chủ ngữ khi đặt câu hỏi. 

  • Phân tích các câu mẫu và luyện tập: Từ kiến thức ngữ pháp cơ bản, người học có thể nâng cao khả năng của mình bằng việc phân tích điểm ngữ pháp trong bất kỳ ví dụ từ các nguồn uy tín như từ điển, các bài sample writing rằng câu này đang sử dụng điểm ngữ pháp gì, mục đích để diễn tả điều gì. Từ đó người học có thể thực hành luyện tập thử viết ra một vài câu có sử dụng điểm ngữ pháp vừa học được.

TỔNG KẾT

Các ví dụ dịch word by word được phân tích trên đã làm rõ việc thiếu tự nhiên và ảnh hưởng đến mặt nghĩa của câu. Qua bài viết này, người học nên chủ động củng cố, trau dồi các kiến thức ngữ pháp từ cơ bản đến nâng cao và khai thác cách dùng từ điển Anh-Anh hiệu quả để nâng cao kỹ năng diễn giải ý của mình.

Tài liệu tham khảo:

https://www.britishcouncil.vn/hoc-tieng-anh/tieng-anh-nguoi-lon/kinh-nghiem/cach-su-dung-tu-dien-tieng-anh-hoc-thuat

https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/284023/CVv391S27-282018250.pdf

Tham khảo thêm lớp tiếng anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên nâng cao khả năng giao tiếp tự tin và trôi chảy trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu