3 Sai lầm trong cách sử dụng từ điển tiếng Anh và biện pháp khắc phục
Từ điển là một trong những công cụ hữu ích và không thể thiếu của bất kì ai đang học tiếng Anh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng từ điển tiếng Anh hiệu quả. Việc tra những từ chưa biết có thể sẽ tốn nhiều thời gian, đặc biệt là khi người tra cứu không biết chọn định nghĩa nào phù hợp. Vì vậy, việc hiểu được khi nào cần tra một từ, cách mà từ điển sắp xếp, và cách chọn định nghĩa sao cho phù hợp sẽ giúp người học tối ưu hóa việc sử dụng từ điển, từ đó, cải thiện khả năng đọc hiểu văn bản và sử dụng tiếng Anh của mình.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ phân tích một số lỗi thường gặp khi người học tiếng Anh sử dụng từ điển, từ đó, gợi ý những cách để sử dụng từ điển hiệu quả hơn.
Một số sai lầm trong cách sử dụng từ điển tiếng Anh
Tra từ thiếu chọn lọc
Một thực trạng khá phổ biến là người học thường tra tất cả những từ chưa biết khi gặp phải. Đặc biệt, đối với người học mới bắt đầu, khi vốn từ của bản thân còn hạn chế, việc tra tất cả các từ không biết trong một văn bản sẽ làm cho việc đọc hiểu mất rất nhiều thời gian, dẫn đến tâm lý chán nản. Ngoài ra, việc tra từ thiếu chọn lọc còn làm cho số lượng từ cần tra cứu tăng lên nhiều, trong đó có những từ ít phổ biến và không thực sự cần thiết, dẫn đến khó khăn trong việc ghi nhớ.
Chọn từ điển chưa phù hợp (trình độ, mục đích)
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại từ điển khác nhau, vì vậy, người học cần phải chọn loại từ điển phù hợp với mình. Tuy nhiên, một số người học chưa thực sự chú trọng điều này, dẫn đến tình trạng tra từ vựng kém hiệu quả.
Về trình độ: người học ở trình độ mới bắt đầu hoặc trình độ trung bình khi tra từ điển nâng cao sẽ dẫn đến khó hiểu được nội dung định nghĩa, dẫn đến không hiểu nghĩa của từ cần tra. Ngược lại, người học ở trình độ nâng cao cũng sẽ khó có thể xây dựng được nền tảng từ vựng nâng cao mà mình mong muốn nếu chỉ dùng từ điển dành cho người mới bắt đầu.
Về mục đích: Từ điển Anh – Việt (bilingual dictionary) giúp người đọc văn bản tra nhanh từ cần biết nhằm tránh việc đọc bị gián đoạn. Tuy nhiên, để có thể cải thiện vốn từ, kĩ năng sử dụng ngôn ngữ và xây dựng thói quen học tập hiệu quả thì loại từ điển mà người học cần là từ điển Anh – Anh (monolingual dictionary). Trong khi đó, một số người học thường xuyên dùng từ điển Anh – Việt như một công cụ chủ yếu để tra cứu và học tập. Vì vậy, dẫn đến kết quả chưa thực sự tốt như mong muốn.
Sử dụng từ điển chưa đúng cách
Chỉ tra nghĩa: Một số người học sử dụng từ điển khá thực dụng, tức là chỉ dùng để tra nghĩa của từ. Việc này sẽ giúp người học tiết kiệm được thời gian, nhưng không giúp người học học được từ vựng đó một cách đầy đủ. Nếu chỉ tra nghĩa, người học đã bỏ qua các phần quan trọng như phát âm, từ loại, cách sử dụng,… mà từ điển cung cấp. Từ đó, người học sẽ khó có thể ghi nhớ và sử dụng đúng được từ vựng đó sau này.
Nhầm lẫn trong việc xác định nghĩa của từ cần tra:một từ vựng thường sẽ có nhiều nghĩa khác nhau. Tùy theo tình huống và ngữ cảnh mà người viết sử dụng từ vựng với một nghĩa phù hợp. Vì vậy, việc mặc định nghĩa đầu tiên trong danh sách được nêu ra trong từ điển là nghĩa của từ cần tra trong văn bản là chưa chính xác. Tuy nhiên, một số người học thường không đọc hết tất cả các nghĩa mà sẽ chọn những nghĩa xuất hiện đầu tiên (dù không biết là phù hợp với ngữ cảnh hay không), dẫn đến tình trạng không hiểu đúng nội dung văn bản đang đọc.
Cách sử dụng từ điển tiếng Anh hiệu quả
HIểu được khi nào cần tra từ điển
Câu hỏi 1: Có nên tra từ điển ngay lập tức khi bắt gặp một từ chưa biết?
Câu trả lời sẽ là KHÔNG nếu như người học muốn xây dựng kĩ năng học tiếng Anh thông qua việc tra từ điển.
Trước khi tra cứu một từ vựng mới, người học được khuyên nên dự đoán nghĩa của từ đó thông qua các cách sau đây:
Cách 1: đoán nghĩa của từ mới thông qua ngữ cảnh của câu.
Cách 2: đọc cả câu, sau đó đọc cả đoạn văn để đoán được nghĩa của từ thông qua những thông tin còn lại xung quanh nó.
Cách 3: nhận biết từ loại (nếu có thể) để bổ trợ cho việc đoán nghĩa
Cách 4: tìm tiền tố, hậu tố, hoặc gốc từ thể hiện ý nghĩa.
Sau khi thực hiện kết hợp những cách trên, người học tra từ điển để kiểm tra lại.
Ví dụ:
The hungry dog began to salivate when it saw the steak on the table.
Đối với trường hợp này, từ vựng mới là salivate.
Dựa vào đặc điểm ngữ pháp có thể dự đoán đây là một động từ (began to + động từ nguyên mẫu).
Dựa vào ngữ cảnh: Con chó đói bụng bắt đầu… khi nó thấy một miếng thịt bò trên bàn.
--> Từ ngữ cảnh tình huống và những kiến thức thực tế, người học có thể dự đoán “salivate” ở đây nghĩa là “chảy nước bọt”. Sau đó, người học có thể kiểm tra lại bằng từ điển (nếu muốn).
--> Kĩ năng dự đoán nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh là một kĩ năng quan trọng cần được xây dựng đối với người học tiếng Anh. Bởi lẽ, dù trong tình huống nào, người học cũng có thể bắt gặp những từ vựng mới. Việc dự đoán nghĩa dựa vào những cách trên trước khi tra từ điển không chỉ giúp người học phát triển được kĩ năng này, mà còn giúp tăng khả năng ghi nhớ đối với những từ đã được tra cứu.
Câu hỏi 2: Có nên tra cứu tất cả các từ chưa biết hay không?
Trả lời: KHÔNG
Như đã phân tích ở trên, việc tra từ thiếu chọn lọc sẽ tốn rất nhiều thời gian không cần thiết, làm gián đoạn việc đọc hiểu, thậm chí gây nên tâm lý chán nản đối với người học. Những văn bản học thuật thường chứa những từ vựng chuyên ngành hoặc những từ vựng “cấp độ cao” ít phổ biến. Vì vậy, việc tra cứu tất cả những từ này đôi khi không cần thiết.
Ví dụ:
The forum was a grand success as it has generated a plethora of ideas.
Từ vựng mới: plethora
Ở đây, “forum” là một diễn dàn nơi mà những thành viên có thể trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề ở nhiều lĩnh vực. Người học có thể dịch những từ mà mình đã biết: Diễn đàn đã thành công lớn bởi vì nó tạo ra… ý tưởng. Người học có thể đoán được nghĩa của từ “plethora” là “nhiều”, “đa dạng”, và có thể hiểu được ý nghĩa của câu mà không cần tra từ “plethora”.
Trong trường hợp này, người học không cần tra từ “plethora”. Bởi vì đây là từ ở cấp độ nâng cao, chủ yếu chỉ sử dụng trong văn bản học thuật và thậm chí là khá hiếm gặp. Không phải ai cũng biết và cần biết từ này, và nếu người học biết những từ dễ và đơn giản hơn (ví dụ: generated many ideas hoặc generated a variety of ideas) thì hãy học và sử dụng những từ đó, thay vì tra cứu và cố gắng sử dụng từ “plethora”.
--> Người học được khuyên chỉ nên tra một từ khi cảm thấy từ vựng đó xuất hiện lặp đi lặp lại từ 2, đến 3 lần (điều đó có nghĩa là những từ này thuộc nhóm những từ phổ biến và thuộc phạm vi mà người học quan tâm)
Các loại từ điển phổ biến
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại từ điển khác nhau, được phân loại theo:
Đối tượng người sử dụng:
Từ điển Tiếng Anh bản địa (Native English Dictionary) chứa hầu hết định nghĩa của tất cả các từ. Người dùng có thể lựa chọn loại từ điển phù hợp với sở thích cũng như xuất xứ của mình, ví dụ như người Bắc Mỹ hoặc Canada thường dùng Merriam Webster Collegiate Dictionary, Collin’s Dictionaries; người Anh và các nước châu Âu thường dùng Oxford English Dictionary và Cambridge Dictionary, Macquarie Dictionary thường được dùng bởi người Úc… Người học tiếng Anh ở trình độ nâng cao vẫn có thể sử dụng loại từ điển này cho mục đích tra cứu.
Từ điển dành cho người học tiếng Anh (Learner’s Dictionary) thường sử dụng những từ vựng đơn giản hơn để nêu định nghĩa, vì vậy, sẽ giúp cho người học dễ dàng hiểu được nghĩa của từ cần tra. Tuy nhiên, nhược điểm của loại từ điển này là đôi khi bị giới hạn về số từ. Từ điển dành cho người học tiếng Anh thường được phân loại theo trình độ của người học: từ điển dành cho người mới bắt đầu, từ điển dành cho người học ở trình độ trung bình, từ điển nâng cao.
Hình thức:
Từ điển giấy
Ưu điểm: cung cấp đầy đủ tính năng với nhiều ví dụ chi tiết; giúp người học có thể tập trung tốt hơn, ít bị xao nhãng; người học có thể học ngẫu nhiên nhiều từ vựng khác khi lật giở các trang của từ điển.
Nhược điểm: tốn phí; nặng, cồng kềnh và khó mang theo khi chuyển; tốc độ tra từ khá chậm; người học chỉ có thể học phát âm qua việc đọc theo phiên âm.
Từ điển điện tử và từ điển trực tuyến
Ưu điểm: cung cấp đầy đủ tính năng với nhiều ví dụ chi tiết, người học có thể được nghe recording cách đọc của từ; tra từ nhanh chóng; gọn nhẹ, dễ mang đi (vì được cài đặt và sử dụng qua điện thoại hoặc máy vi tính); một số loại từ điển được dùng miễn phí.
Nhược điểm: dễ bị xao nhãng bởi những ứng dụng khác khi sử dụng điện thoại và máy tính; chỉ có thể thấy nghĩa của từ mình tìm kiếm, khả năng học từ ngẫu nhiên chưa cao.
Tính năng:
Từ điển song ngữ (Bilingual Dictionary) là từ điển bao gồm tiếng Anh và một ngôn ngữ khác (ví dụ từ điển Anh – Việt). Từ điển này cho phép người dùng đọc được định nghĩa của từ cần tra ở cả tiếng Anh lẫn ngôn ngữ của mình. Vì vậy, từ điển này giúp người học tra nhanh từ, nhưng không giúp người học nhớ từ sau đó, vì người học chưa có nhiều cơ hội luyện tập.
Từ điển một ngôn ngữ (Monolingual Dictionary), tức từ điển Anh – Anh, giúp người học luyện tập nhiều hơn bởi nêu định nghĩa cũng bằng tiếng Anh. Khi gặp một định nghĩa chứa từ vựng mới, người học lại có thể tra thêm những từ mà mình chưa biết, từ đó có thêm cơ hội học thêm nhiều từ vựng. Dù điều này có thể đồng thời làm tiêu tốn khá nhiều thời gian tra cứu, nhưng vốn từ của người học sẽ được trau dồi dần và người học sẽ sử dụng từ vựng một cách chính xác hơn sau này. Việc hiểu nghĩa của một từ bằng định nghĩa tiếng Anh thường chính xác hơn định nghĩa được dịch ra ngôn ngữ khác (tiếng Việt), vì một số từ vựng tiếng Anh không hoàn toàn đồng nghĩa với từ tiếng Việt mà từ điển Anh – Việt cung cấp.
--> Người học có thể kết hợp tra cứu một từ bằng nhiều loại từ điển khác nhau cùng một lúc để có cách hiểu chính xác nhất về từ đó. Tuy nhiên, người học cần cân nhắc lựa chọn loại từ điển phù hợp với mình để có thể đạt hiệu quả tra cứu tốt nhất.
Hiểu được loại từ điển đã chọn và sử dụng đúng cách
Dù có giao diện không giống nhau nhưng đa số các loại từ điển đều sẽ cung cấp những đặc điểm xung quanh từ cần tra như:
Từ loại (danh từ/ tính từ/ động từ…)
Cách phát âm (phiên âm, âm tiết, ghi âm cách đọc mẫu của người bản địa)
Một hoặc nhiều nghĩa. Đối với mỗi nghĩa, nhiều ví dụ minh họa cũng được cung cấp để giúp người học biết được cách sử dụng của từ và xác định liệu rằng nghĩa đó có phù hợp với từ vựng trong văn bản mà người tra cứu đang đọc hay không.
Ngoài ra, một số từ điển còn cung cấp thông tin về lịch sử nguồn gốc của từ, những từ đồng nghĩa, trái nghĩa, những cụm từ được sử dụng phổ biến với từ đó…
Gợi ý cách sử dụng từ điển tiếng Anh giấy:
Cách tốt nhất để tìm hiểu về cách sử dụng của một quyển từ điển cụ thể là đọc phần giới thiệu ở những trang đầu tiên của quyển từ điển đó. Ở đây, người học sẽ biết được cách các từ được sắp xếp như thế nào, những giải thích quan trọng về những từ viết tắt và kí hiệu phát âm… được sử dụng. Sau khi đọc xong phần giới thiệu, người đọc có thể tham khảo thêm những bước cụ thể dưới đây:
Bước 1: Làm quen với việc định vị từ thông qua bảng chữ cái. Các từ trong quyển từ điển được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái từ a-z, vì vậy, người học sẽ tìm thấy nghĩa của từ cần tra nhanh hơn nếu như tìm theo thứ tự chữ cái của từ.
Ví dụ: để tra từ “cat”, người học cần lật tìm theo các chữ cái lần lượt c-a-t
Bước 2: Lưu ý đến giới hạn từ. Bởi vì 1 quyển từ điển thường chứa rất nhiều từ, vì vậy, giới hạn từ của trang sẽ giúp người tra cứu tìm được từ cần tra nhanh hơn. Hãy lưu ý 2 từ giới hạn ở góc trái và góc phải (2 từ có thể ở cùng một phía trong một số từ điển) ở phía đầu trang từ điển. Những từ này cho người đọc biết được từ đầu tiên và từ cuối cùng trong trang đó. Hay nói cách khác, người học có thể dựa vào 2 từ giới hạn của mỗi trang để xác định nhanh từ cần tra có thuộc trang đó hay không.
Ví dụ: người học cần tra từ “wake”. Sau khi lật tìm đến mục từ bắt đầu bằng “w”, người học sẽ lật tìm dựa theo từ giới hạn ở đầu mỗi trang. Từ “wake” sẽ nằm ở trang có từ giới hạn “waiting game – walk”, vì theo thứ tự bảng chữ cái, từ “wake” nằm sau từ “waiting game” và trước từ “walk”.
Bước 3: Tìm hiểu các từ viết tắt và kí hiệu phát âm.Trong phần định nghĩa của từ thường xuất hiện các từ viết tắt và kí hiệu phát âm. Phần giải thích của chúng được liệt kê ở phần giới thiệu hoặc ở những trang cuối của quyển từ điển. Việc nắm được những thông tin này giúp người học không bị lúng túng khi đọc định nghĩa và tránh bị nhầm lẫn trong việc sử dụng từ đó sau này. Việc biết được kí hiệu phát âm giúp người học có thể phát âm chính xác hơn khi nhìn vào phần mô tả phát âm của từ đó (phần phiên âm ở giữa 2 dấu /…/)
Bước 4: Xác định đúng nghĩa của từ. Sau khi tìm được từ cần tra, người học sẽ thấy được nhiều nghĩa khác nhau của từ đó (những nghĩa phổ biến thường xuất hiện đầu tiên). Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng nghĩa được chọn phù hợp với nội dung của văn bản đang đọc, dựa theo những cách sau:
Xác định loại từ của từ cần tra trong câu văn.
Đọc tất cả các nghĩa tương ứng với loại từ đó và ví dụ minh họa cho từng nghĩa.
Lần lượt thay thế các nghĩa vào từ cần tra trong văn bản đang đọc, đến khi cảm thấy nghĩa của từ phù hợp với ngữ cảnh của văn bản nhất.
Bước 5: Học những đặc điểm quan trọng khác của từ. Sau khi tìm được định nghĩa của từ, người học tìm hiểu thêm những phần quan trọng khác như phát âm, từ loại, từ đồng nghĩa, trái nghĩa, những cụm từ đi kèm phổ biến… để học từ vựng đó một cách toàn vẹn.
Gợi ý cách sử dụng từ điển tiếng Anh online/ từ điển điện tử:
Từ điển online và từ điển điện tử về cơ bản có nền tảng giống nhau (cùng được sử dụng thông qua điện thoại hoặc máy vi tính). Dù giao diện của 2 loại từ điển này khác với từ điển giấy, nhưng các bước sử dụng có nhiều điểm giống nhau.
(Những hình ảnh dưới đây được trích từ trang từ điển online Cambridge Dictionary)
Bước 1: Nhập từ cần tra vào ô tra cứu.
Ví dụ: từ cần tra ở đây là “traffic”
Bước 2: Xác định đúng nghĩa của từ. Sau khi tìm được từ cần tra, người học sẽ thấy được nhiều nghĩa khác nhau của từ đó (những nghĩa phổ biến thường xuất hiện đầu tiên). Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng nghĩa được chọn phù hợp với nội dung của văn bản đang đọc, dựa theo những cách sau:
Xác định loại từ của từ cần tra trong câu văn.
Đọc tất cả các nghĩa tương ứng với loại từ đó và ví dụ minh họa cho từng nghĩa.
Lần lượt thay thế các nghĩa vào từ cần tra trong văn bản đang đọc, đến khi cảm thấy nghĩa của từ phù hợp với ngữ cảnh của văn bản nhất.
Bước 3:Tìm hiểu những đặc điểm quan trọng khác của từ.
Cách phát âm
Ngoài phần phiên âm, người học còn có thể nhấn vào biểu tượng loa để nghe ghi âm giọng đọc của người bản xứ (đây là tính năng mà từ điển giấy không có được)
UK là giọng Anh – Anh, US là giọng Anh – Mỹ.
Từ loại
Người học cần lưu ý rằng: một số từ vựng có nhiều dạng từ loại khác nhau.
Ví dụ: Ở đây, “traffic” vừa là danh từ không đếm được ( [U] = Uncountable) (giao thông), vừa là động từ (buôn bán trái phép), mang nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Cấp độ của từ
Thông tin này cho người đọc biết được rằng: từ này có thể được hiểu bởi người học ở trình độ A2 trở lên. Từ đó, người học có thể lựa chọn được những từ vựng theo cấp độ phù hợp vói nhu cầu sử dụng của mình, nhất là trong bài viết tiếng Anh.
- Từ đồng nghĩa, trái nghĩa
Người học có thể mở rộng vốn từ qua việc học thêm những từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Mỗi từ được đề xuất đều có kèm theo một ví dụ minh họa để làm rõ.
Thành ngữ, cụm động từ
Từ vựng tiếng Anh thường không mang nghĩa gốc khi được sử dụng trong một thành ngữ hay một cụm động từ. Vì vậy, người học cần lưu ý để có thể hiểu đúng trong những trường hợp này.
Ví dụ:
My opponent is selling you a bill of goods when he promises to spend more on schools and cut taxes too. (Đối thủ của tôi đang lừa dối các bạn khi ông ta hứa sẽ dành thêm tiền vào trường học và còn giảm thuế nữa)
They sold out of the movie tickets in just a few hours.(Họ đã bán hết vé xem phim chỉ trong vài giờ đồng hồ)
--> Nhận xét: Dù là loại từ điển nào, người dùng cũng cần hiểu rõ loại từ điển mà mình đang dùng để có thể tra cứu một cách nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, ngoài nghĩa của từ, từ điển còn cung cấp cho người học nhiều thông tin quan trọng khác. Vì vậy, người học được khuyên hãy tận dụng những thông tin đó để mở rộng vốn từ, nâng cao kĩ năng sử dụng từ vựng của mình.
Một số ví dụ vận dụng cách sử dụng từ điển tiếng Anh trên
Ví dụ 1: She often covers songs from famous movies.
Từ vựng mới: cover
Bước 1: Dự đoán nghĩa
Từ “cover” ở đây là động từ
Dịch những từ còn lại trong câu: Cô ấy thường… những bài hát từ những bộ phim nổi tiếng.
Bước 2: Tra từ điển
Từ “cover” có rất nhiều nghĩa khác nhau, bao gồm nghĩa của động từ và danh từ.
Người học chỉ xem xét nghĩa của động từ (vì từ “cover” được sử dụng dưới dạng động từ trong câu trên)
Cover
1. cover verb (PLACE OVER)
to put or spread something over something, or to lie on the surface of something:
The light was so bright that I had to cover my eyes.
2. cover verb (DEAL WITH)
to deal with or direct attention to something:
This leaflet covers what we've just discussed in more detail.
3. cover verb (REPORT)
to report the news about a particular important event:
She's covering the American election for BBC television.
4. cover verb (PROTECT)
to protect someone against loss, damage, accident, or having something stolen, by having insurance:
Does your travel insurance cover you against/for the loss or theft of cash?
5. cover verb (DO SOMEONE'S JOB)
to do someone else's job or duty when they are absent:
I'm going to the doctor's tomorrow, so do you think you could cover my shift for me?
6. cover verb (RECORD)
to make a recording of a song or tune that has already been recorded by someone else:
I think more singers have covered "Yesterday" than any other song.
…
(Kết quả được trích từ từ điển online Cambridge Dictionary)
Lần lượt xem xét các nghĩa được nêu ra trong từ điển (và cả ví dụ đi kèm), đến khi tìm được nghĩa phù hợp. Trong tình huống này, nghĩa thứ 6 là nghĩa phù hợp với ý của câu văn nhất. “Cover” ở đây là thu âm lại một bài hát đã từng được thu âm bởi người khác.
Dịch hoàn chỉnh: Cô ấy thường thu âm lại những bài hát từ những bộ phim nổi tiếng.
Bước 3: tìm hiểu thêm những thông tin khác của từ (phát âm, từ loại, từ đồng nghĩa, trái nghĩa…)
Ví dụ 2:The static electricity caused Jenny's hair to stand on end.
Từ vựng mới: static
Bước 1: Dự đoán nghĩa
Từ “static” ở đây là tính từ (đứng trước danh từ “electricity”)
Dịch những từ còn lại trong câu: Điện… đã làm cho tóc của Jenny dựng đứng.
Bước 2: Tra từ điển
Từ “static” có nhiều nghĩa khác nhau, bao gồm nghĩa của danh từ và tính từ.
Người học chỉ xem xét nghĩa của tính từ (vì từ “static” được sử dụng dưới dạng tính từ trong câu trên)
static
stat•ic /ˈstætɪk/ adj. Also, ˈstat•i•cal. adjective
1. of or relating to objects or forces at rest or in balance or equilibrium.
2. showing little change:
a static relationship
3. lacking movement or liveliness:
A novel that has nothing but static characters.
4. (of electricity) not flowing or moving through a substance:
His hair stood on end from the static electricity.
(Kết quả được lấy từ trang wordreference.com)
Lần lượt xem xét các nghĩa được nêu ra trong từ điển (và cả ví dụ đi kèm), đến khi tìm được nghĩa phù hợp. Ở đây, khi xem xét nghĩa của “static” theo cụm danh từ (static electricity), người học có thể dễ dàng chọn được nghĩa thứ 4. “Static electricity” trong trường hợp này nghĩa là “tĩnh điện”
Dịch hoàn chỉnh: Tĩnh điện đã làm cho tóc của Jenny dựng đứng.
Bước 3: tìm hiểu thêm những thông tin khác của từ (phát âm, từ loại, từ đồng nghĩa, trái nghĩa…)
Kết luận
Từ điển không chỉ được dùng để tra nghĩa của từ mà còn cung cấp cho người học nhiều thông tin quan trọng khác. Để có thể tối ưu hóa việc tra từ điển, người học cần xác định được khi nào cần tra từ, hiểu được từ điển mình đang dùng, và tận dụng những thông tin mà từ điển mang lại. Tác giả hy vọng sau khi đọc bài viết này, người học có thể tránh được những sai lầm trong cách sử dụng từ điển tiếng Anh và khắc phục chúng.
Người học muốn trở nên tự tin giao tiếp trong công việc môi trường sử dụng tiếng Anh hoặc thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!
Bình luận - Hỏi đáp