Lời rào đón (Hedges) là gì và ứng dụng trong tiếng Anh giao tiếp

Giúp người đọc tìm hiểu về lời rào đón, các cụm từ rào đón (Hedges) để không vi phạm các quy tắc giao tiếp trong tiếng Anh.
author
ZIM Academy
30/04/2021
loi rao don hedges la gi va ung dung trong tieng anh giao tiep

Trong giao tiếp tiếng Anh, người nói có thể sẽ vi phạm nguyên tắc lịch sự một cách vô thức hoặc trong một số trường hợp, người nói sẽ vi phạm nguyên tắc này một cách có ý thức. Vì vậy, bài viết sau sẽ giúp người đọc tìm hiểu về lời rào đón, các cụm từ rào đón (Hedges) được sử dụng để giảm thiểu sự vi phạm xuống mức thấp nhất, thông qua định nghĩa và phân loại dựa theo các phương châm hội thoại trong tiếng Anh. 

Định nghĩa Lời rào đón (Hedges)

Khi giao tiếp, thông thường người nói sẽ có khả năng nhận biết được lời nói của mình liệu rằng có gây ra tổn hại nội dung hoặc ảnh hưởng đến phép lịch sự, xã giao hay không và sẽ cố gắng “đền bù” những vi phạm này bằng những cách nói nhằm báo hiệu họ đang có nguy cơ vi phạm.

Theo George Yule, các phương tiện dùng để đền bù này được gọi là “hedges” và được dịch sang tiếng Việt là “lời rào đón”. Người đọc có thể hiểu rõ hơn qua ví dụ sau: 

loi-rao-don-hedges-vi-du

Có thể thấy trong ví dụ trên, người phụ nữ không biết thông tin mình đưa ra có chính xác hay không nên đã dùng các cụm từ “I may be mistaken, but I thought” để thông báo cho người nghe rằng thông tin của cô đưa ra không đảm bảo hòan toàn độ chính xác.

Theo như các nhà ngôn ngữ học thì độ chính xác của thông tin là một trong các yếu tố quan trọng của nguyên tắc lịch sự (politeness principle). Vậy nên, cụm từ “I may be mistaken, but I thought” là lời rào đón được người phụ nữ dùng để đền bù lại sự vi phạm trong giao tiếp của cô.

Trong ngôn ngữ học, phép lịch sự (politeness) là một phạm trù rộng, được các nhà ngôn ngữ học tìm hiểu và tiếp cận theo các cách khác nhau. Trong bài viết này, tác giả sẽ đi theo hướng tiếp cận của nhà ngôn ngữ Paul Grice.

Theo ông, phép lịch sự được thể hiện qua một nguyên tắc chung trong hội thoại là “nguyên tắc cộng tác” (cooperative principle) bao gồm có nhiều phương châm. Các cụm từ rào đón cũng sẽ được phân loại dựa trên các phương châm này. 

Nguyên tắc cộng tác và các phương châm hội thoại trong tiếng Anh

Nguyên tắc cộng tác mô tả quá trình giao tiếp mà trong đó cả người nghe và người nói cùng tương tác một cách hợp tác và chấp nhận lời nói của nhau để nội dung truyền đạt của hai bên được hiểu theo một cách cụ thể. Nguyên tắc cộng tác được chia làm bốn phương châm hội thoại hay còn được gọi là phương châm Gricean.

Bốn phương châm hội thoại này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người nói đạt được hiệu quả trong giao tiếp. Tác giả sẽ giải thích rõ thông qua các ví dụ về sự vi phạm phương châm để người đọc có thể hiểu hơn về tính chất của từng loại. 

Phương châm về lượng: (Quantity) 

Thứ nhất, trong quá trình giao tiếp người nói cần làm cho sự đóng góp của mình đủ thông tin theo như yêu cầu. Cần cung cấp tất cả thông tin cần thiết cho mục đích trao đổi hiện tại, không bỏ sót thông tin nào quan trọng.

Ví dụ: 

  • Boy: Where are mom and dad? (Bố và mẹ đang ở đâu vậy?) 

  • Sister: Mom is cooking in the kitchen. (Mẹ đang nấu ăn trong nhà bếp)

Trong ví dụ trên, bé gái đã không cung cấp đủ thông tin cần thiết khi trao đổi giữa hai người, cậu bé muốn biết vị trí của cả bố và mẹ nhưng cô bé chỉ đề cập đến mẹ. Bé gái đã vi phạm phương châm về lượng, cô bé cần phải đưa thêm thông tin về vị trí của người bố. 

Thứ hai, người nói không làm cho sự đóng góp của mình nhiều thông tin hơn mức cần thiết. Cần bỏ qua các chi tiết không cần thiết hoặc không quan trọng đối với mục đích trao đổi.   

Ví dụ: 

  • Teacher: What’s your name? (Em tên gì?)

  • Students: Hello. My name’s Tom. I am living in Vietnam. I love chicken and sandwiches. (Xin chào. Em tên là Tom. Em đang sống ở Việt nam. Em thích ăn gà và bánh kẹp.) 

Ví dụ trên cho thấy bạn học sinh đã vi phạm phương châm về lượng vì đã cung cấp dư thông tin cần thiết. Mục đích trao đổi của cô giáo là để biết tên bạn nhưng bạn lại đưa thông tin nơi ở và sở thích. Học sinh chỉ cần nói tên mình là gì. 

Phương châm về chất (Quality) 

Phương châm về chất yêu cầu người tham gia hội thoại cần làm cho sự đóng góp của mình xác thực và đáng tin cậy. Người nói không nói những gì mình tin là sai hoặc không nói những gì mình thiếu bằng chứng.

Ví dụ:

  • Mom: “Did you study all day long, Tom?” (Con đã học cả ngày hôm nay chứ Tom?) 

  • Tom (the boy has been playing all day): “Yes, mom. I’ve been studying until now.” (Cậu bé chơi cả ngày trả lời: Dạ vâng, con học suốt đến bây giờ)

Cậu bé đã vi phạm phương châm về chất vì đã không nói đúng sự thật. 

Ví dụ: 

loi-rao-don-hedges-vi-du-2

Cô gái thứ hai đã vi phạm phương châm về chất vì cung cấp thông tin không xác thực và không đảm bảo độ chính xác. 

Phương châm quan hệ: (relation) 

Người nói cần làm cho sự đóng góp của mình liên quan đến cuộc hội thoại. Cung cấp những thông tin liên quan đến mục đích trao đổi, bỏ qua các thông tin không liên quan.

Ví dụ:

  • Man: “Have you been to America?” (Bạn đã đi đến Mỹ chưa?)

  • Woman: “Look at the sky! It’s so beautiful today” (Hãy nhìn bầu trời đi. Hôm nay nó thật là đẹp) 

Có thể thấy người phụ nữ đã vi phạm phương châm quan hệ vì không đưa ra thông tin liên quan đến câu hỏi của người đàn ông, họ đã không đạt được mục đích trao đổi mong muốn. 

Phương châm cách thức: (manner) 

Khi giao tiếp người nói cần tránh sử dụng ngôn ngữ tối nghĩa, chẳng hạn như chứa những từ mà người nghe không biết và hãy nói một cách ngắn gọn, có trật tự, tránh cách nói mơ hồ.

Ví dụ:

loi-rao-don-hedges-diet

  • Woman: I’m planning to start a diet. (Tôi chuẩn bị ăn kiêng) 

  • Man: The question is … are you planning to finish it too? (Tôi muốn hỏi là bạn cũng định hoàn thành nó à?)

Ví dụ trên cho thấy câu hỏi của B khá mơ hồ, A có thể sẽ không hiểu nội dung mà B muốn truyền đạt là gì. B vi phạm phương châm về cách thức  

Ví dụ: 

  • A: What measures can be taken by the managers in this crisis? Will these people get fired? (Các nhà quản lý có thể thực hiện những biện pháp nào trong cuộc khủng hoảng này không? Liệu những người này có bị sa thải không?) 

  • B: So far, the board managers and the authorities will discuss it, so we cannot jump to the conclusions at this point, especially because we haven’t evaluated the whole situation yet and we don’t want to be hurried to take any measures, nor a meaningless measure…(Nhìn chung thì ban giám đốc và các cơ quan chức năng sẽ thảo luận về nó, vì vậy chúng ta không thể đi đến kết luận tại thời điểm này, đặc biệt là vì chúng ta chưa đánh giá toàn bộ tình hình và chúng ta cũng không muốn vội vàng thực hiện bất kỳ biện pháp nào, cũng như một biện pháp vô nghĩa …)

Ví dụ trên cho thấy câu trả lời của B khá dài dòng, lan man. Dựa trên phương châm cách thức thì trong giao tiếp, lời nói cần đảm bảo ngắn gọn xúc tích. B vi phạm phương châm cách thức. 

Theo nhà ngôn ngữ Grice thì những phương châm nêu trên thông thường sẽ không được nhắc đến những người tham gia hội thoại phải ngầm tuân thủ chúng. Tuy nhiên, trong giao tiếp hằng ngày thì việc vi phạm các phương châm hội thoại là điều không thể tránh khỏi vì vậy dùng lời nói rào đón được xem là cách phổ biến nhất để giảm thiểu tối đa sự vi phạm. 

Phân loại các cụm từ rào đón và ứng dụng vào ví dụ

Dựa trên các phương châm hội thoại đã đề cập ở phần trước, cụm từ rào đón cũng được chia thành các nhóm chính sau: 

Cụm rào đón về chất

Người nói dùng các cụm từ gạch chân dưới đâu khi cảm thấy thông tin mình đưa ra chưa chính xác hoặc chưa có đủ chứng cứ.

Ví dụ: 

A: Are they married? (Họ đã kết hôn chưa?) 

B: “As far as I know, they have been married for more than 10 years.” (Theo như tôi được biết thì họ đã kết hôn được hơn 10 năm.)

Đặt ví dụ trên trong trường hợp B là người không chắc chắn về việc họ đã kết hôn hay chưa. Nếu B không dùng cụm “As far as I know” thì A sẽ nghĩ thông tin họ đã kết hôn 10 năm là đúng 100%, nhưng thực tế, thông tin này B vẫn chưa rõ là đúng hay sai. Vì vậy, cụm từ As far as I know giúp người nói giới hạn phạm vi chính xác của thông tin. Thông tin đưa ra đúng khi dựa trên vốn hiểu biết và kiến thức của người nói.  

Ví dụ: 

  • I’m not sure if this is right, but I hear that they have a 3-year-old boy.” (Tôi không chắc có đúng không nhưng tôi nghe là họ đã có một bé trai 3 tuổi)

  • I may be mistaken, but I thought I saw they flew to Florida together” (Tôi có thể nhầm nhưng tôi nghĩ là tôi thấy họ bay đến Florida cùng nhau)

Trong hai ví dụ trên, cụm từ “I’m not sure if this is right” và “I may be mistaken” giúp người nói truyền đạt được thông tin mình đưa ra có thể đúng hoặc sai, từ đó người nghe có thể cân nhắc chọn lọc thông tin tiếp nhận được. 

Cụm rào đón về quan hệ 

Người nói dùng các cụm từ in đậm sau khi thấy thông tin mình sắp đưa ra không liên quan đến nội dung của cuộc trò chuyện. 

Ví dụ: 

  • I don’t know if this is important, but some of the hotels are fully booked this month. (Tôi không biết điều này có quan trọng không nhưng một vài khách sạn đã hết phòng rồi.) 

  • This may sound like a dumb question, but how do we get there? (Nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn nhưng làm sao để chúng ta đến đó vậy?)

  • Not to change the subject, but how much do we need to pay for the airplane ticket? (Xin hỏi ngoài lề một chút là chúng ta cần bao nhiêu tiền để mua vé máy bay vậy?)

  • “Oh, by the way, can you grab me some orange juice? ” (Nhân tiện bạn có thể lấy giúp tôi ít nước cam được không?) 

Các cụm từ gạch chân trên có vai trò thông báo đến cho người nghe rằng người nói chuẩn bị đưa ra một thông tin không liên quan đến chủ đề hội thoại đang diễn ra. Bằng cách sử dụng lời rào đón này, người nói có thể giới thiệu một vấn đề mới hoặc một vấn đề chợt nghĩ ra trong lúc đàm thoại mà không gây ra tình trạng nhầm lẫn hoặc khó hiểu cho người nghe. Bên cạnh đó, các cụm từ này còn góp phần làm liên kết các nội dung đưa ra nhằm tăng tính tự nhiên và liền mạch của cuộc trò chuyện. 

Cụm rào đón về cách thức 

Người nói dùng các cụm gạch chân sau khi thấy thông tin mình sắp đưa ra không rõ ràng, mơ hồ. 

Ví dụ: 

loi-rao-don-vi-du

(Tôi không chắc là điều này hợp lý nhưng trên con đường đó không có ai cả.)

  • I don’t know if this is clear at all, but I think I followed a car since the driver looked exactly the same as my friend.”  (Tôi không biết liệu rằng điều này có rõ không nhưng tôi nghĩ mình đi theo một chiếc xe khác vì người lái xe giống y hệt bạn tôi.)  

  • This may be a bit confused, but I remember I passed by a grocery store” (Có thể hơi khó hiểu nhưng tôi nhớ là tôi đã đi ngang qua một tiệm tạp hóa.)  

Đặt các ví dụ trên trong trường hợp người nói đang bị lạc đường và không thể mô tả chính xác đoạn đường đã đi qua hoặc bằng cách nào mà người nói đã bị lạc.

Thông qua ví dụ có thể thấy, các lời rào đón bằng các cụm từ gạch chân có vai trò thông báo đến người nghe rằng họ chuẩn bị nhận được thông tin sẽ có phần mơ hồ và không rõ ràng. Người nghe sẽ phần nào nắm được nội dung mà người nói đưa ra, không bị tình trạng bất ngờ hoặc bối rối khi tiếp nhận thông tin.  

Chú ý:  Để cải thiện sự vi phạm về lượng, người nói cần cắt bớt các thông tin không cần thiết và thêm vào thông tin cần thiết để đảm bảo được nội dung cần truyền đạt ngắn gọn và xúc tích.

Tổng kết

Đối với người học tiếng Anh, giao tiếp là một kỹ năng quan trọng cần phải rèn luyện. Trong quá trình giao tiếp, việc gặp phải những vi phạm về châm ngôn hội thoại là không thể tránh khỏi. Vì vậy, hi vọng bài viết trên sẽ giúp người học hiểu về lời rào đón và các cụm từ rào đón giúp cho quá trình giao tiếp trở nên dễ dàng, hiệu quả và chính xác hơn.

Đọc thêm: Lỗi dùng từ phổ biến khi giao tiếp bằng tiếng Anh

Võ Thị Thu Vân

Tham khảo thêm lớp học IELTS online tại ZIM Academy, giúp người học nâng band điểm IELTS và học tập linh hoạt, chủ động sắp xếp lịch học, đảm bảo kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu